Luanda, Angôla – Theo bản tin của CNA thì hôm 22 tháng 3 năm 2009 vừa qua, có khoảng một triệu người đã tụ họp vào sáng Chúa Nhật tại Luanda, nước Angôla, để được thấy Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Trong sứ điệp của ngài, Đức Thánh Cha đã nói về sự cần thiết của cầu nguyện để có hoà bình, bởi vì chỉ có ánh sáng của Thiên Chúa mới có thể chiến thắng được “sự tối tăm” vĩ đại do chiến tranh và tính tham lam gây ra.

Mở đầu bài giảng, ĐTC đã ghi nhận lời diễn tả sống động về “sự tàn phá và đổ nát do chiến tranh gây ra” trong các bài đọc hôm nay, “vang vọng kinh nghiệm cá nhân của quá nhiều người trong xứ này giữa những cảnh tàn phá kinh hoàng của cuộc nội chiến.” Ngài nói thêm: “Thật sự là chiến tranh có thể tàn phá tất cả những gì có giá trị: gia đình, nhiều cộng đồng, kết quả của việc lao động của con người, những niềm hy vọng hướng dẫn và nâng đỡ đời sống và việc làm của họ!”

ĐTC giải thích: “Kinh nghiệm này rất là quen thuộc đối với toàn thể Phi Châu: sức tàn phá của các cuộc tranh chấp nội bộ, việc sa vào vùng nước xoáy của ghen ghét và hận thù, việc phung phí những cố gắng của những thế hệ những người tốt lành.” Ngài tiếp tục, “Khi mà Lời Thiên Chúa, một lời có ý xây dựng những cá nhân, các cộng đồng và toàn thể gia đình nhân loại, bị sao lãng, và khi Luật của Thiên Chúa bị người ta ‘chế nhạo, khinh thường, và đàm tiếu’ thì hậu quả chỉ còn là tàn phá và bất công: là việc làm mất phẩm giá chung của nhân loại và phản bội ơn gọi trở thành con cái của Cha Nhân Từ, anh chị em của Con Một Ngài.”

ĐTC tiếp: “Thảm thay, những đám mây của sự dữ vẫn còn đang che phủ Phi Châu, kể cả đất nước Angôla thân yêu này.”

Sau đó ĐTC giải thích rằng chúng ta có thể dễ dàng nghĩ đến những sự dữ của một cuộc chiến rộng lớn: “những hậu quả sát nhân của những cuộc tranh chấp giữa các bộ lạc và chủng tộc, tính tham lam làm cho tâm hồn con người ra thối nát, biến người nghèo thành nô lệ, cướp đi tài nguyên mà các thế hệ tương lai cần để tạo dựng một xã hội bình đẳng và công bình hơn,” tuy nhiên, chúng ta không nghĩ đến “tinh thần xảo quyệt của tính ích kỷ giam hãm con người trong chính mình, làm đổ vỡ gia đình, và qua việc loại bỏ những lý tưởng cao quý về sự đại lương và hy sinh, tránh sao khỏi việc dẫn đến chủ nghĩa khoái lạc, chạy trốn vào những thiên đường không tưởng qua việc sử dụng ma túy, tính dục bừa bãi, làm cho mối dây ràng buộc hôn nhân bị yếu đi và làm cho gia đình bị tan rã, cùng áp lực phá hủy đời sống vô tội của con người qua việc phá thai.”

Chúng ta cần Thiên Chúa và các giới răn của Ngài, đó “không phải là những gánh nặng, nhưng là một nguồn mạch của sự tự do: tự do để trở thành những người khôn ngoan, các thầy dạy công lý và hoà bình, những người tin vào tha nhân và tìm sự tốt đẹp chân chính cho họ.” Ngài nói thêm: “Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta để sống trong ánh sáng, và trở nên ánh sáng cho thế giới chung quanh chúng ta!”

Quay qua nói với giới trẻ trong số cử toạ, ĐTC nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc lớn lên trong tình bằng hữu với Đức Kitô và truyền bá “Tin Mừng” giữa tha nhân. Ngài thúc giục họ: “Các con hãy tìm Thánh Ý Ngài dành cho các con bằng cách lắng nghe Lời Ngài hằng ngày, va bằng cách để cho luật của Ngài uốn nắn đời sống và những liên hệ của các con.”

ĐTC tiếp: “bằng cách này, chúng con trở nên những ngôn sứ khôn ngoan và đại lượng của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Chúng con hãy trở nên những nhà truyền giáo cho chính bạn bè chúng con, bằng chính gương sáng của mình, chúng con hãy dẫn dắt họ đến việc ưa chuộng vẻ thiện mỹ và chân lý của Tin Mừng, cùng niềm hy vọng vào một tương lai được định hướng bởi những giá trị của Nước Thiên Chúa.”

ĐTC kết luận: “Hội Thánh cần các chứng từ của chúng con. Đừng sợ trả lời ơn gọi của Thiên Chúa cách đại lượng, dù là ơn phục vụ như một linh mục hay một tu sĩ, như một cha mẹ Kitô giáo, hay nhiều hình thức phục vụ tha nhân khác nhau mà Hội Thánh đặt ra trước mặt chúng con.”