“Eli! Eli! Lamma sabacthani?” (Mt 27, 46)
Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá là một bày tỏ về tội lỗi của đời sống chúng ta. Mãi mãi Thập giá là biểu trưng của sự độc ác của con người, là đỉnh cao của trí tuệ con người trong việc sáng chế ra những phương thế hành hạ và loại trừ nhau, là bản án của tội lỗi nhân loại trải qua mọi thời đại. Nhưng Thập giá không chỉ là một mạc khải về tội lỗi con người, mà còn là mặt trái của ánh sáng tình yêu: một tình yêu kiên trung và tha thứ cho đến cùng.
Cần nhìn ngắm Thập giá Chúa Giêsu để cảm nghiệm được cái nhìn tràn đầy yêu thương và trìu mến của Ngài trên cuộc đời mỗi người chúng ta. Qua đó, ta cũng hiểu được sâu xa hơn mầu nhiệm thập giá của đời mình và của mọi người, đồng thời khám phá ra ý hướng và cách thức mà Chúa đã chịu đau khổ, để nhờ đó, ta biết tận dụng mọi khổ đau hầu được thông phần với Chúa mà cải hóa đời mình trong tiến trình hoàn thiện.
Cùng với Mẹ Maria đứng dưới chân Thập giá, ta hãy để tâm hồn mình chìm lặng xuống, hòa nhập vào những nỗi thống thiết của Chúa Giêsu. Hãy để cho ánh mắt đầy yêu thương và tha thứ của Ngài đốt cháy tâm hồn giá lạnh vì tội lỗi và ích kỷ của ta.
1. Chúa Giêsu bị bỏ rơi.
Trong giây phút đau khổ tột cùng trên Thập giá, Chúa Giêsu đã kêu lên: “Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con? (Mc 15, 34; Mt 27, 46). Sau khi chịu những nhục mạ và những cực hình tàn bạo của con người, Chúa Giêsu cảm thấy bị bỏ rơi đến mức tột cùng, cảm thấy một sự trống rỗng mênh mông: hoàn toàn vắng bóng Thiên Chúa, không còn cảm giác về sự hiện diện của Cha, Đấng mà Ngài gọi bằng Abba.
“Eli! Eli! Lamma sabacthani?”. Tiếng kêu than này trong ngôn ngữ Do Thái phô diễn một mầu nhiệm kinh khủng về sự kiện: Thiên Chúa từ bỏ Thiên Chúa. Thiên Chúa dường như đã không còn là Thiên Chúa nữa khi Ngài bị tước đoạt trần trụi vì tội lỗi chúng ta. Kinh nghiệm bỏ rơi cho thấy Chúa Giêsu đang ở mức độ tột cùng của mọi nỗi cô đơn: bị loài người từ bỏ không nói chi, nhưng dường như cũng bị chính Thiên Chúa chối từ. Thánh Gioan Thánh Giá cho biết: “Đó là tình trạng bỏ rơi thê thảm nhất mà Chúa Giêsu cảm nghiệm trong cuộc sống trần thế của Ngài… Theo thể thức ấy, Chúa Kitô bị hủy diệt và hầu như trở nên hư không”.
Chúa Giêsu đã từng chịu những nỗi đau khổ ê chề nhất mà cuộc đời có thể mang lại. Cho tới lúc đó Ngài đã trải qua mọi kinh nghiệm của đời sống, nhưng kinh nghiệm về hậu quả của tội lỗi thì Ngài chưa từng nếm mùi, vì là Đấng không hề biết đến tội. Chính lúc trải qua những giây phút cuối cùng như hoàn toàn xa rời Thiên Chúa, Ngài mới trải nghiệm thế nào là sự hủy hoại và độc hại của tội lỗi gây ra. Trong giây phút kinh hoàng, đen tối và rùng rợn đó, Ngài đã xem như mình bị đồng hóa mình với loài người tội lỗi, vì “Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2Cr 5, 21). Đó là ý nghĩa việc Chúa chịu đóng đinh giữa hai người trộm. Bảy trăm năm trước, Isaia đã nói tiên tri về việc Chúa bị liệt vào số những kẻ bất lương (x. Is 53, 12). Thánh sử Luca cho biết lời tiên tri đó đã ứng nghiệm: “Ngài bị liệt vào hàng những kẻ hung ác” (Lc 22, 37).
“Vị xứng kỳ đức”: người công chính mà còn bị như thế thì sống đạo đức có ý nghĩa gì? Vậy mà Chúa Giêsu lại sẵn sàng chịu những bất công, Ngài phải chịu đồng cảnh ngộ với những tên gian ác, và phải lãnh lấy nhục hình và cách đối xử tệ bạc nhất của con người dành cho Ngài. Kinh nghiệm chết gần như một người tội lỗi gây nên đau đớn vô vàn, vì Ngài cảm thấy dường như bị xa lìa khỏi Chúa Cha.
Thật ra, Thiên Chúa vẫn có đó như mặt trời vẫn soi sáng mỗi ngày, nhưng áng mây đen dầy đặc của tội lỗi nhân loại đã che kín sự hiện diện của Đấng Toàn Năng. Dù Chúa Giêsu vẫn còn những người thân yêu đứng bên cạnh, nhưng sự hiện diện của họ chẳng thể bù lấp phần nào sự cảm nhận trống vắng Thiên Chúa trong tâm hồn. Điều đó cho ta hiểu rằng, khi con người đánh mất Thiên Chúa là niềm ủi an duy nhất của đời mình, thì tình trạng sẽ ra kinh khủng như thế nào?
Trong nỗi đớn đau và cô đơn khủng khiếp, Chúa Giêsu đã đền tội cho ba hạng người: hạng người từ chối Thiên Chúa; hạng người nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa; hạng người lãnh đạm với Thiên Chúa. Cả ba hạng người này đều hiển hiện ít nhiều một cách nào đó trong lối sống của nhân loại chúng ta, và hậu quả bi thảm của nó thật khôn lường:
- Khi từ chối Thiên Chúa, đời sống của con người trở thành hư vô, và mọi sự trong đó chỉ còn phi lý và vô nghĩa, “cuộc đời đáng nôn mửa” (Jean Paul Sartre).
- Khi nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa, con người trở nên nghi ngờ chính mình. Không thể thiết lập tương quan với Thiên Chúa thì tương quan với tha nhân chỉ còn là vá víu; ý nghĩa và giá trị cuộc sống bị lung lay; bản thân con người dễ trở thành miếng mồi ngon cho sự dữ hoành hành.
- Khi đã lãnh đạm với Thiên Chúa thì cuộc sống và mọi cái trong đó đều trở nên trơ trọi. Trong sự lãnh đạm đó, tình yêu không thể phát sinh, nên hạnh phúc cũng không thể hình thành. Trong tâm trạng đó mọi cái đều trở nên vô hồn, hoang vu và trống rỗng, và cuối cùng, con người là sự bế tắc cho chính mình.
Quả thật, tiếng than thở của Chúa Giêsu đã vang lên từ trong cô đơn sâu thẳm của lòng người, cho con người và vì con người. Trong mức tột đỉnh đau khổ mà Con Thiên Chúa phải chịu đã mở rộng trước mắt tột đỉnh tình yêu mà Ngài dành cho chúng ta. Trong một kinh nghiệm nồng nhiệt, Chị Chiara Lubich đã nói:
“ Để chúng con được ánh sáng, Chúa đã trở nên mù lòa.
Để chúng con được hiệp nhất, Chúa đã chịu xa cách Chúa Cha.
Để chúng con được khôn ngoan, Chúa đã trở nên “dốt nát”.
Để chúng con được trở nên vô tội, Chúa đã trở thành người “tội lỗi”.
Để chúng con hy vọng, Chúa đã hầu như tuyệt vọng.
Để Thiên Chúa ở trong chúng con, Chúa đã cảm nghiệm tình trạng bị bỏ rơi.
Để chúng con chiếm hữu Thiên đàng, Chúa đã cảm nghiệm hỏa ngục.”
Hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu để ta sống những biến cố đau thương trong cuộc đời mình. Nếu chúng ta cứ bám chặt lấy Chúa, dù có những lúc dường như không có Chúa, dù khi đức tin đã hao mòn và sức lực hầu như dần tàn, thì chính vào lúc cao điểm của mọi gian khó là lúc bình minh ló rạng, là lúc ta vượt thắng.
- Người chiến thắng là người tin rằng Thiên Chúa vẫn ở với mình ngay lúc mình cảm thấy như Thiên Chúa hoàn toàn vắng bóng.
- Kẻ chiến thắng là kẻ trải qua những kinh nghiệm cùng cực nhưng vẫn xác tín rằng mình vẫn đang nằm trong vòng tay đầy yêu thương của Thiên Chúa.
Đó là điều mà Chúa Giêsu đã sống cách trọn vẹn khi thốt lên: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Chúa Giêsu đã qui hướng mọi sự về Cha, đã trao phó tất cả cho cha, và cuối cùng dâng trong tay Cha chính sự sống của mình, và qua đó cũng chính là sự sống của mỗi người chúng ta. Rồi “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19, 30).
Tâm tình hiếu thảo của Chúa Giêsu đã đạt đến mức độ tối hảo trong việc làm vinh danh Cha. Tình thâm nghĩa thiết thật cao dày khôn sánh! Đẹp quá tình nghĩa Cha-Con thật thắm thiết đậm đà: Cha được rạng rỡ nơi Con, Con được tôn vinh nơi Cha, và Thánh Thần là Tình Yêu kết nối trong sự hiệp thông duy nhất. Nhiệm cục cứu độ là công trình tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, muốn hiệp nhất mọi người nên một trong sự sống của Thiên Chúa bây giờ và mãi mãi.
2. Chúa Giêsu hoàn tất mọi sự
Sau cùng, trên Thập giá, Chúa Giêsu kêu lên một tiếng lớn rồi trút linh hồn. Tiếng kêu đó in đậm trong trí mọi người và nó được bốn sách Phúc Âm ghi lại. Gioan không dùng những từ đó, nhưng cho biết trước khi chết, Chúa Giêsu đã cất lời: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19, 30). Câu này trong tiếng Hy Lạp chỉ có một chữ “tetelestai”, đó là tiếng reo vui của một người chiến thắng sau trận chiến đấu; là tiếng hân hoan của một người đã hoàn tất công việc sau bao gian khổ; là tiếng ca vang của một người đã vượt ra khỏi bóng tối để bước vào ánh sáng. Tiếng kêu cuối cùng Chúa Giêsu trên Thập giá cho thấy Ngài đã chết như một người chiến thắng sự chết, mở ra vinh quang sự sống cho tất cả những ai tin và bước theo Ngài.
Thánh Gioan Thánh Giá quả quyết rằng: “Chính trong lúc cùng cực nhất, Chúa Kitô đã hoàn tất công trình kỳ diệu nhất…Công trình kỳ diệu ấy chính là sự hòa giải và kết hiệp nhân loại với Thiên Chúa bằng ơn thánh” [1]. Thật vậy, cái làm cho chúng ta nên cao cả không hệ tại dự kiện chúng ta là gì, mà hệ tại ơn thánh Ngài ban cho ta mà thôi.
Chúa Giêsu đã hoàn tất mọi sự theo ý muốn của Chúa Cha trong kế hoạch cứu chuộc nhân loại. Ngài đã làm tất cả những gì cần phải làm của một trái tim yêu thương đến tận cùng. Ngài đã hoàn tất để chúng ta bước vào sự khởi đầu của một đời sống mới. Tuy nhiên một cách thiêng liêng vô hình, mỗi linh hồn xa lạc vẫn còn là một đồi Canvê hành hình, mỗi tội phạm vẫn là một Thập Giá mới treo thân Chúa não nề.
3. Thập giá trong đời sống của chúng ta
Trong mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, cho chúng ta xác tín rằng, trong giờ cùng cực Chúa Con cảm thấy bị bỏ rơi, cũng là lúc Chúa Cha cùng sống cuộc khổ nạn với Con mình: vì Chúa Cha và Chúa Con luôn là một với nhau và trong nhau ở mọi tình trạng. Chính Cha đau khổ trong Con vì tình trạng vong thân cực độ của loài người do tội lỗi gây nên. Biến cố thập giá thảm sầu là điều mà Cha muốn để biểu lộ tình yêu vô biên nơi Con mình trong Chúa Thánh Thần, để cứu chuộc và hiệp nhất chúng ta lại trong Ngài.
Như thế, một cách huyền nhiệm nhưng rất thực tế, kinh nghiệm bị xa cách Chúa cũng bao gồm kinh nghiệm về sự hiệp nhất với Chúa cách rất trọn vẹn. Cũng chính trong huyền nhiệm này, mọi đau khổ của chúng ta được đón nhận và biến đổi, mọi trống rỗng được lấp đầy, và mọi tội lỗi được cứu chuộc.
Tình yêu tột độ của Chúa Giêsu thúc đẩy chúng ta sống mọi đau khổ như Ngài và trong Ngài. Chúng ta làm được điều này, nếu biết nhìn nhận trong mọi đau khổ của bản thân và tha nhân là một bóng dáng đau khổ vô cùng của Chúa. Mỗi khi đau khổ xuất hiện, chúng ta không xua đuổi và tránh né, nhưng tiếp nhận nó trong thâm tâm, như thể chúng ta đón nhận Chúa. Điều này đòi hỏi chúng ta quên mình để đáp ứng đầy yêu thương những gì Thiên Chúa đòi hỏi trong giây phút hiện tại. Chỉ như vậy, tình trạng tâm hồn mới thật sự thông thoáng, và rồi mọi đau thương cũng sẽ tan dần trong ánh sáng của tình yêu, để lại một sức sống mới mà Chúa muốn làm nên.
Đau khổ nhất thiết cần phải có để phong phú hóa đời sống bản thân ta và tha nhân. Sở dĩ Thiên Chúa để cho chúng ta chịu đau khổ cũng chỉ vì những điều tốt đẹp có thể phát xuất từ chính những đau khổ đó. Nỗi đau khổ có thể đưa chúng ta đến gần Ngài hơn. Qua đau khổ, chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh và tình yêu của Ngài, và là một cách Chúa cho chúng ta được hiệp thông trong chương trình cứu độ của Ngài. Bởi vậy, từ chối đau khổ là từ chối chính Chúa, Đấng đang hiện diện với chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Cho dù chúng ta không chấp nhận đi nữa thì đau khổ vẫn xảy ra theo qui luật tự nhiên, như một phương thế để làm triển nở đời sống. Chính vì không muốn đón nhận đau khổ nên ta mới thật sự đau khổ. Nhưng nếu chỉ đón nhận nó cách bất đắc dĩ, thì trái ngang và oan khiên vẫn còn đó. Khi không đón nhận nó với lòng yêu mến Chúa, đời sống chúng ta mới thật sự là nghiệt ngã và bế tắc.
“Khi nêu cao giá trị của mỗi đau khổ như thể chúng là một trong vô số khuôn mặt của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và khi kết hiệp những đau khổ ấy với đau khổ của Ngài, chúng ta ta mới bước vào sức năng động của đau khổ-yêu thương, để tham dự vào ánh sáng, sức mạnh, an bình của Chúa, và tìm lại được trong chúng ta một sự hiện diện mới mẻ và sung mãn hơn của Thiên Chúa”. [2]
Chính trong kinh nhiệm đó mà ta không bao giờ ngừng yêu mến tất cả mọi người, không bao giờ loại trừ một ai khỏi tâm hồn ta, cho dù ta bị đối xử một cách bất công và tệ bạc. Tất cả cũng chỉ là mặt trái của một tình yêu không được đáp trả mà thôi. Khi tình yêu lên tiếng thì mọi sự cũng bắt đầu chuyển biến khác đi theo hướng tích cực của nó. Người khác chỉ mềm lòng khi đứng trước một con người mang khuôn mặt và tâm tình của Đức Kitô, nhất là tới mức đồng hóa với Đức Giêsu trên Thập giá, đến độ có thể nói được như Thánh Phaolô: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24). Chính trong ý hướng đó mà ta có thể kết hiệp mọi đau khổ của mình với đau khổ của Chúa trên Thập giá để trở nên dụng cụ của ơn cứu độ.
Con người và Thập giá là hai hình ảnh không thể tách rời trong cuộc sống nhân loại. Ngày nào con người còn, là Thập giá còn. Con người không thể coi Thập giá như sự đối chọi nghiệt ngã của đời sống mình, nhưng phải coi như một sự tương tác để tồn tại và hình thành chính mình trong một sự sống mới mà Chúa Giêsu đã làm nên. Con người và Thập giá, tuy không tương đồng tương ứng, nhưng tương khắc tương sinh theo cách thức của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã rời khỏi Thập giá để cho ta bước lên: không phải Thập giá của hận thù, nhưng là Thập giá của tình yêu; không phải Thập giá của người tử tội bị ruồng bỏ trong cô đơn, nhưng là Thập giá của người công chính được ôm ấp vào lòng của Thiên Chúa. Đó là Thập giá của niềm vui và ân phúc, thập giá của tin yêu và hy vọng, vì được hiến thân cho người mình yêu.
Theo ý nghĩa đó trong cuộc đời ta, nếu có ngày thứ sáu thụ nạn, sẽ có Chúa Nhật Phục Sinh; nếu có tủi nhục, sẽ có vinh quang; nếu có chiến đấu, sẽ có chiến thắng; nếu có khao khát, sẽ có no thỏa; nếu dám chết đi, sẽ được sống lại. Chúa sẽ thực hiện và bảo toàn mọi diễn biến đó trong cuộc đời ta, chẳng có gì phải lo sợ. Có ai lại lo sợ khi tin rằng mình được Chúa yêu thương.
Chúa Kitô chịu đóng đinh là niềm hy vọng của tất cả chúng ta. “Bởi vì, nếu chúng ta chịu đau khổ nhiều với Chúa Kitô, chúng ta cũng sẽ được chứa chan niềm an vui của Ngài” (2Cr 1, 5).
Nhờ Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu, và trong Chúa Giêsu, chúng ta hãy hân hoan phó thác cuộc đời mình cho lòng thương xót của Thiên Chúa, với tất cả lòng tin tưởng, yêu mến, thờ lạy và cảm tạ đến muôn đời. Amen.
[1] Gioan Thánh Giá, Salita del Monte Carmelo, in: Opere, Roma, 1979, pp. 92-93.
[2] Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Chứng nhân hy vọng, 2000, tr. 152
Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá là một bày tỏ về tội lỗi của đời sống chúng ta. Mãi mãi Thập giá là biểu trưng của sự độc ác của con người, là đỉnh cao của trí tuệ con người trong việc sáng chế ra những phương thế hành hạ và loại trừ nhau, là bản án của tội lỗi nhân loại trải qua mọi thời đại. Nhưng Thập giá không chỉ là một mạc khải về tội lỗi con người, mà còn là mặt trái của ánh sáng tình yêu: một tình yêu kiên trung và tha thứ cho đến cùng.
Cần nhìn ngắm Thập giá Chúa Giêsu để cảm nghiệm được cái nhìn tràn đầy yêu thương và trìu mến của Ngài trên cuộc đời mỗi người chúng ta. Qua đó, ta cũng hiểu được sâu xa hơn mầu nhiệm thập giá của đời mình và của mọi người, đồng thời khám phá ra ý hướng và cách thức mà Chúa đã chịu đau khổ, để nhờ đó, ta biết tận dụng mọi khổ đau hầu được thông phần với Chúa mà cải hóa đời mình trong tiến trình hoàn thiện.
Cùng với Mẹ Maria đứng dưới chân Thập giá, ta hãy để tâm hồn mình chìm lặng xuống, hòa nhập vào những nỗi thống thiết của Chúa Giêsu. Hãy để cho ánh mắt đầy yêu thương và tha thứ của Ngài đốt cháy tâm hồn giá lạnh vì tội lỗi và ích kỷ của ta.
1. Chúa Giêsu bị bỏ rơi.
Trong giây phút đau khổ tột cùng trên Thập giá, Chúa Giêsu đã kêu lên: “Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con? (Mc 15, 34; Mt 27, 46). Sau khi chịu những nhục mạ và những cực hình tàn bạo của con người, Chúa Giêsu cảm thấy bị bỏ rơi đến mức tột cùng, cảm thấy một sự trống rỗng mênh mông: hoàn toàn vắng bóng Thiên Chúa, không còn cảm giác về sự hiện diện của Cha, Đấng mà Ngài gọi bằng Abba.
“Eli! Eli! Lamma sabacthani?”. Tiếng kêu than này trong ngôn ngữ Do Thái phô diễn một mầu nhiệm kinh khủng về sự kiện: Thiên Chúa từ bỏ Thiên Chúa. Thiên Chúa dường như đã không còn là Thiên Chúa nữa khi Ngài bị tước đoạt trần trụi vì tội lỗi chúng ta. Kinh nghiệm bỏ rơi cho thấy Chúa Giêsu đang ở mức độ tột cùng của mọi nỗi cô đơn: bị loài người từ bỏ không nói chi, nhưng dường như cũng bị chính Thiên Chúa chối từ. Thánh Gioan Thánh Giá cho biết: “Đó là tình trạng bỏ rơi thê thảm nhất mà Chúa Giêsu cảm nghiệm trong cuộc sống trần thế của Ngài… Theo thể thức ấy, Chúa Kitô bị hủy diệt và hầu như trở nên hư không”.
Chúa Giêsu đã từng chịu những nỗi đau khổ ê chề nhất mà cuộc đời có thể mang lại. Cho tới lúc đó Ngài đã trải qua mọi kinh nghiệm của đời sống, nhưng kinh nghiệm về hậu quả của tội lỗi thì Ngài chưa từng nếm mùi, vì là Đấng không hề biết đến tội. Chính lúc trải qua những giây phút cuối cùng như hoàn toàn xa rời Thiên Chúa, Ngài mới trải nghiệm thế nào là sự hủy hoại và độc hại của tội lỗi gây ra. Trong giây phút kinh hoàng, đen tối và rùng rợn đó, Ngài đã xem như mình bị đồng hóa mình với loài người tội lỗi, vì “Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2Cr 5, 21). Đó là ý nghĩa việc Chúa chịu đóng đinh giữa hai người trộm. Bảy trăm năm trước, Isaia đã nói tiên tri về việc Chúa bị liệt vào số những kẻ bất lương (x. Is 53, 12). Thánh sử Luca cho biết lời tiên tri đó đã ứng nghiệm: “Ngài bị liệt vào hàng những kẻ hung ác” (Lc 22, 37).
“Vị xứng kỳ đức”: người công chính mà còn bị như thế thì sống đạo đức có ý nghĩa gì? Vậy mà Chúa Giêsu lại sẵn sàng chịu những bất công, Ngài phải chịu đồng cảnh ngộ với những tên gian ác, và phải lãnh lấy nhục hình và cách đối xử tệ bạc nhất của con người dành cho Ngài. Kinh nghiệm chết gần như một người tội lỗi gây nên đau đớn vô vàn, vì Ngài cảm thấy dường như bị xa lìa khỏi Chúa Cha.
Thật ra, Thiên Chúa vẫn có đó như mặt trời vẫn soi sáng mỗi ngày, nhưng áng mây đen dầy đặc của tội lỗi nhân loại đã che kín sự hiện diện của Đấng Toàn Năng. Dù Chúa Giêsu vẫn còn những người thân yêu đứng bên cạnh, nhưng sự hiện diện của họ chẳng thể bù lấp phần nào sự cảm nhận trống vắng Thiên Chúa trong tâm hồn. Điều đó cho ta hiểu rằng, khi con người đánh mất Thiên Chúa là niềm ủi an duy nhất của đời mình, thì tình trạng sẽ ra kinh khủng như thế nào?
Trong nỗi đớn đau và cô đơn khủng khiếp, Chúa Giêsu đã đền tội cho ba hạng người: hạng người từ chối Thiên Chúa; hạng người nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa; hạng người lãnh đạm với Thiên Chúa. Cả ba hạng người này đều hiển hiện ít nhiều một cách nào đó trong lối sống của nhân loại chúng ta, và hậu quả bi thảm của nó thật khôn lường:
- Khi từ chối Thiên Chúa, đời sống của con người trở thành hư vô, và mọi sự trong đó chỉ còn phi lý và vô nghĩa, “cuộc đời đáng nôn mửa” (Jean Paul Sartre).
- Khi nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa, con người trở nên nghi ngờ chính mình. Không thể thiết lập tương quan với Thiên Chúa thì tương quan với tha nhân chỉ còn là vá víu; ý nghĩa và giá trị cuộc sống bị lung lay; bản thân con người dễ trở thành miếng mồi ngon cho sự dữ hoành hành.
- Khi đã lãnh đạm với Thiên Chúa thì cuộc sống và mọi cái trong đó đều trở nên trơ trọi. Trong sự lãnh đạm đó, tình yêu không thể phát sinh, nên hạnh phúc cũng không thể hình thành. Trong tâm trạng đó mọi cái đều trở nên vô hồn, hoang vu và trống rỗng, và cuối cùng, con người là sự bế tắc cho chính mình.
Quả thật, tiếng than thở của Chúa Giêsu đã vang lên từ trong cô đơn sâu thẳm của lòng người, cho con người và vì con người. Trong mức tột đỉnh đau khổ mà Con Thiên Chúa phải chịu đã mở rộng trước mắt tột đỉnh tình yêu mà Ngài dành cho chúng ta. Trong một kinh nghiệm nồng nhiệt, Chị Chiara Lubich đã nói:
“ Để chúng con được ánh sáng, Chúa đã trở nên mù lòa.
Để chúng con được hiệp nhất, Chúa đã chịu xa cách Chúa Cha.
Để chúng con được khôn ngoan, Chúa đã trở nên “dốt nát”.
Để chúng con được trở nên vô tội, Chúa đã trở thành người “tội lỗi”.
Để chúng con hy vọng, Chúa đã hầu như tuyệt vọng.
Để Thiên Chúa ở trong chúng con, Chúa đã cảm nghiệm tình trạng bị bỏ rơi.
Để chúng con chiếm hữu Thiên đàng, Chúa đã cảm nghiệm hỏa ngục.”
Hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu để ta sống những biến cố đau thương trong cuộc đời mình. Nếu chúng ta cứ bám chặt lấy Chúa, dù có những lúc dường như không có Chúa, dù khi đức tin đã hao mòn và sức lực hầu như dần tàn, thì chính vào lúc cao điểm của mọi gian khó là lúc bình minh ló rạng, là lúc ta vượt thắng.
- Người chiến thắng là người tin rằng Thiên Chúa vẫn ở với mình ngay lúc mình cảm thấy như Thiên Chúa hoàn toàn vắng bóng.
- Kẻ chiến thắng là kẻ trải qua những kinh nghiệm cùng cực nhưng vẫn xác tín rằng mình vẫn đang nằm trong vòng tay đầy yêu thương của Thiên Chúa.
Đó là điều mà Chúa Giêsu đã sống cách trọn vẹn khi thốt lên: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Chúa Giêsu đã qui hướng mọi sự về Cha, đã trao phó tất cả cho cha, và cuối cùng dâng trong tay Cha chính sự sống của mình, và qua đó cũng chính là sự sống của mỗi người chúng ta. Rồi “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19, 30).
Tâm tình hiếu thảo của Chúa Giêsu đã đạt đến mức độ tối hảo trong việc làm vinh danh Cha. Tình thâm nghĩa thiết thật cao dày khôn sánh! Đẹp quá tình nghĩa Cha-Con thật thắm thiết đậm đà: Cha được rạng rỡ nơi Con, Con được tôn vinh nơi Cha, và Thánh Thần là Tình Yêu kết nối trong sự hiệp thông duy nhất. Nhiệm cục cứu độ là công trình tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, muốn hiệp nhất mọi người nên một trong sự sống của Thiên Chúa bây giờ và mãi mãi.
2. Chúa Giêsu hoàn tất mọi sự
Sau cùng, trên Thập giá, Chúa Giêsu kêu lên một tiếng lớn rồi trút linh hồn. Tiếng kêu đó in đậm trong trí mọi người và nó được bốn sách Phúc Âm ghi lại. Gioan không dùng những từ đó, nhưng cho biết trước khi chết, Chúa Giêsu đã cất lời: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19, 30). Câu này trong tiếng Hy Lạp chỉ có một chữ “tetelestai”, đó là tiếng reo vui của một người chiến thắng sau trận chiến đấu; là tiếng hân hoan của một người đã hoàn tất công việc sau bao gian khổ; là tiếng ca vang của một người đã vượt ra khỏi bóng tối để bước vào ánh sáng. Tiếng kêu cuối cùng Chúa Giêsu trên Thập giá cho thấy Ngài đã chết như một người chiến thắng sự chết, mở ra vinh quang sự sống cho tất cả những ai tin và bước theo Ngài.
Thánh Gioan Thánh Giá quả quyết rằng: “Chính trong lúc cùng cực nhất, Chúa Kitô đã hoàn tất công trình kỳ diệu nhất…Công trình kỳ diệu ấy chính là sự hòa giải và kết hiệp nhân loại với Thiên Chúa bằng ơn thánh” [1]. Thật vậy, cái làm cho chúng ta nên cao cả không hệ tại dự kiện chúng ta là gì, mà hệ tại ơn thánh Ngài ban cho ta mà thôi.
Chúa Giêsu đã hoàn tất mọi sự theo ý muốn của Chúa Cha trong kế hoạch cứu chuộc nhân loại. Ngài đã làm tất cả những gì cần phải làm của một trái tim yêu thương đến tận cùng. Ngài đã hoàn tất để chúng ta bước vào sự khởi đầu của một đời sống mới. Tuy nhiên một cách thiêng liêng vô hình, mỗi linh hồn xa lạc vẫn còn là một đồi Canvê hành hình, mỗi tội phạm vẫn là một Thập Giá mới treo thân Chúa não nề.
3. Thập giá trong đời sống của chúng ta
Trong mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, cho chúng ta xác tín rằng, trong giờ cùng cực Chúa Con cảm thấy bị bỏ rơi, cũng là lúc Chúa Cha cùng sống cuộc khổ nạn với Con mình: vì Chúa Cha và Chúa Con luôn là một với nhau và trong nhau ở mọi tình trạng. Chính Cha đau khổ trong Con vì tình trạng vong thân cực độ của loài người do tội lỗi gây nên. Biến cố thập giá thảm sầu là điều mà Cha muốn để biểu lộ tình yêu vô biên nơi Con mình trong Chúa Thánh Thần, để cứu chuộc và hiệp nhất chúng ta lại trong Ngài.
Như thế, một cách huyền nhiệm nhưng rất thực tế, kinh nghiệm bị xa cách Chúa cũng bao gồm kinh nghiệm về sự hiệp nhất với Chúa cách rất trọn vẹn. Cũng chính trong huyền nhiệm này, mọi đau khổ của chúng ta được đón nhận và biến đổi, mọi trống rỗng được lấp đầy, và mọi tội lỗi được cứu chuộc.
Tình yêu tột độ của Chúa Giêsu thúc đẩy chúng ta sống mọi đau khổ như Ngài và trong Ngài. Chúng ta làm được điều này, nếu biết nhìn nhận trong mọi đau khổ của bản thân và tha nhân là một bóng dáng đau khổ vô cùng của Chúa. Mỗi khi đau khổ xuất hiện, chúng ta không xua đuổi và tránh né, nhưng tiếp nhận nó trong thâm tâm, như thể chúng ta đón nhận Chúa. Điều này đòi hỏi chúng ta quên mình để đáp ứng đầy yêu thương những gì Thiên Chúa đòi hỏi trong giây phút hiện tại. Chỉ như vậy, tình trạng tâm hồn mới thật sự thông thoáng, và rồi mọi đau thương cũng sẽ tan dần trong ánh sáng của tình yêu, để lại một sức sống mới mà Chúa muốn làm nên.
Đau khổ nhất thiết cần phải có để phong phú hóa đời sống bản thân ta và tha nhân. Sở dĩ Thiên Chúa để cho chúng ta chịu đau khổ cũng chỉ vì những điều tốt đẹp có thể phát xuất từ chính những đau khổ đó. Nỗi đau khổ có thể đưa chúng ta đến gần Ngài hơn. Qua đau khổ, chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh và tình yêu của Ngài, và là một cách Chúa cho chúng ta được hiệp thông trong chương trình cứu độ của Ngài. Bởi vậy, từ chối đau khổ là từ chối chính Chúa, Đấng đang hiện diện với chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Cho dù chúng ta không chấp nhận đi nữa thì đau khổ vẫn xảy ra theo qui luật tự nhiên, như một phương thế để làm triển nở đời sống. Chính vì không muốn đón nhận đau khổ nên ta mới thật sự đau khổ. Nhưng nếu chỉ đón nhận nó cách bất đắc dĩ, thì trái ngang và oan khiên vẫn còn đó. Khi không đón nhận nó với lòng yêu mến Chúa, đời sống chúng ta mới thật sự là nghiệt ngã và bế tắc.
“Khi nêu cao giá trị của mỗi đau khổ như thể chúng là một trong vô số khuôn mặt của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và khi kết hiệp những đau khổ ấy với đau khổ của Ngài, chúng ta ta mới bước vào sức năng động của đau khổ-yêu thương, để tham dự vào ánh sáng, sức mạnh, an bình của Chúa, và tìm lại được trong chúng ta một sự hiện diện mới mẻ và sung mãn hơn của Thiên Chúa”. [2]
Chính trong kinh nhiệm đó mà ta không bao giờ ngừng yêu mến tất cả mọi người, không bao giờ loại trừ một ai khỏi tâm hồn ta, cho dù ta bị đối xử một cách bất công và tệ bạc. Tất cả cũng chỉ là mặt trái của một tình yêu không được đáp trả mà thôi. Khi tình yêu lên tiếng thì mọi sự cũng bắt đầu chuyển biến khác đi theo hướng tích cực của nó. Người khác chỉ mềm lòng khi đứng trước một con người mang khuôn mặt và tâm tình của Đức Kitô, nhất là tới mức đồng hóa với Đức Giêsu trên Thập giá, đến độ có thể nói được như Thánh Phaolô: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24). Chính trong ý hướng đó mà ta có thể kết hiệp mọi đau khổ của mình với đau khổ của Chúa trên Thập giá để trở nên dụng cụ của ơn cứu độ.
Con người và Thập giá là hai hình ảnh không thể tách rời trong cuộc sống nhân loại. Ngày nào con người còn, là Thập giá còn. Con người không thể coi Thập giá như sự đối chọi nghiệt ngã của đời sống mình, nhưng phải coi như một sự tương tác để tồn tại và hình thành chính mình trong một sự sống mới mà Chúa Giêsu đã làm nên. Con người và Thập giá, tuy không tương đồng tương ứng, nhưng tương khắc tương sinh theo cách thức của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã rời khỏi Thập giá để cho ta bước lên: không phải Thập giá của hận thù, nhưng là Thập giá của tình yêu; không phải Thập giá của người tử tội bị ruồng bỏ trong cô đơn, nhưng là Thập giá của người công chính được ôm ấp vào lòng của Thiên Chúa. Đó là Thập giá của niềm vui và ân phúc, thập giá của tin yêu và hy vọng, vì được hiến thân cho người mình yêu.
Theo ý nghĩa đó trong cuộc đời ta, nếu có ngày thứ sáu thụ nạn, sẽ có Chúa Nhật Phục Sinh; nếu có tủi nhục, sẽ có vinh quang; nếu có chiến đấu, sẽ có chiến thắng; nếu có khao khát, sẽ có no thỏa; nếu dám chết đi, sẽ được sống lại. Chúa sẽ thực hiện và bảo toàn mọi diễn biến đó trong cuộc đời ta, chẳng có gì phải lo sợ. Có ai lại lo sợ khi tin rằng mình được Chúa yêu thương.
Chúa Kitô chịu đóng đinh là niềm hy vọng của tất cả chúng ta. “Bởi vì, nếu chúng ta chịu đau khổ nhiều với Chúa Kitô, chúng ta cũng sẽ được chứa chan niềm an vui của Ngài” (2Cr 1, 5).
Nhờ Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu, và trong Chúa Giêsu, chúng ta hãy hân hoan phó thác cuộc đời mình cho lòng thương xót của Thiên Chúa, với tất cả lòng tin tưởng, yêu mến, thờ lạy và cảm tạ đến muôn đời. Amen.
[1] Gioan Thánh Giá, Salita del Monte Carmelo, in: Opere, Roma, 1979, pp. 92-93.
[2] Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Chứng nhân hy vọng, 2000, tr. 152