Phêrô và Giuđa: Giống nhau! Khác nhau!


...Người tông đồ thứ mười hai của Ðức Kitô không hòa giải nổi với chính mình. Bởi không tha thứ được cho mình, bởi không hòa giải được với chính mình, anh ta thất vọng. Cuối cùng anh ta tuyệt vọng. Cành cây bên lề đường là nơi người tuyệt vọng tìm tới. Một sợi dây treo lên. Một mạng người rớt xuống...

Phêrô và Giuđa là hai nhân vật nổi bật nhất trong nhóm Mười Hai Tông Đồ của Đức Giêsu. Một người là thuyền chài, ngư phủ của Biển Hồ, Bắc Do Thái. Một người làm thủ quỹ, quản lý về tài chánh cho Đức Giêsu. Trong danh sách của nhóm Mười Hai Tông Đồ, Phêrô luôn luôn đứng đầu, và Giuđa luôn luôn đứng sau cùng. Đức Giêsu nói, “Những kẻ đứng đầu sẽ bị đưa xuống trở thành người sau chót, và người sau chót sẽ được đưa lên thành người đầu tiên” (Mátthêu 19:30). Nhưng rất tiếc, trong trường hợp của Phêrô và Giuđa thì lại khác. Trong danh sách của nhóm Mười Hai Tông Đồ được trình bày trong Phúc Âm Nhất Lãm, Phêrô luôn luôn đứng đầu bảng vàng, và Giuđa luôn luôn đứng cuối cùng trong danh sách của nhóm Mười Hai. Nhưng Phêrô đã trở thành Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội. Người ngư phủ của Biển Hồ năm xưa đã trở thành trụ cột chính và nền nhà vững chắc đỡ nâng ngôi nhà Giáo Hội đời đời bền vững. Giuđa thì ngược lại, hai ngàn năm đã trôi qua, nhưng “bia miệng hãy còn trơ trơ” về cuộc đời của người tông đồ đứng cuối bảng vàng.

Phêrô và Giuđa thật sự ra có một điểm giống nhau, và một điểm khác nhau. Điểm khác nhau giữa Simon Phêrô và Giuđa Iscariốt, liên quan đến Khái Niệm Chấp Nhận, đã dẫn cuộc đời của hai người sang hai nhánh rẽ hoàn toàn khác nhau.

I. Simon Phêrô
Phêrô hay Đá là tên của Đức Giêsu đặt cho Simon (Gioan 1:42). Nguyên thủy Phêrô tên thật là Simon, anh của Anrê. Hai anh em là con của ông Gioan (Gioan 1:42) hay Jonah (Mátthêu 16:17). Hai người làm nghề đánh cá (Máccô 1:16 -20, Luca 5:1-11). Phêrô có lẽ sinh ra và lớn lên tại Galilê, do đó, Simon Phêrô nói tiếng Do Thái (Aramaic) giọng Bắc (Máccô 14:70, Mátthêu 26:73). Ông có nhà ở thành phố Capernaum, thành phố lớn của xứ Galilê (Máccô 1:29).

Trong nhóm Mười Hai người môn đệ của Đức Giêsu, không ai có thể từ chối được một sự thật là Phêrô là nhân vật nổi bật sáng chói. Người Kitô hữu ai cũng biết ít nhiều những câu chuyện liên quan đến Simon Phêrô. Thí dụ, chuyện Đức Giêsu truyền ông thả lưới chỗ nước sâu, và ông nói, “Vâng lời Thầy con xin thả lưới” (Luca 5:5). Chuyện ông muốn dựng ba căn lều trên núi Hermon, một cho Đức Giêsu, một cho Môisen, một cho tiên tri Êlia (Matt 17:4). Chuyện ông được trao chìa khóa Nước Trời bởi vì trong khi các người môn đệ khác còn đang lúng túng với câu hỏi về nguồn gốc của Đức Giêsu, Phêrô nhanh miệng trả lời, “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Matt 16:16). Chuyện ông ba lần khẳng định với Đức Giêsu Phục Sinh về lòng mến yêu sắt son của ông đối với Ngài vào một buổi sáng bên bờ biển Tiberius (21:15-18). Nhưng có lẽ Phêrô nổi tiếng nhất với câu chuyện chối Chúa, bởi thế “Chối như Phêrô chối Chúa” đã trở thành một câu thành ngữ phổ thông của người Công Giáo Việt Nam, thường được dùng để ám chỉ một người nói dối, khăng khăng chối từ, không chấp nhận những hành động mình đã từng làm trong quá khứ.

Qua bốn bản Tin Mừng, Phêrô xuất hiện với một cá tính mạnh. Yêu rất nhiều, nhưng cũng khá nóng tính. Sau Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã báo trước với Phêrô,

— [Phêrô] đêm nay trước khi gà gáy hai lần, con sẽ chối ta ba lần (Máccô 14:30).

Với một người có lòng mến Thầy sắt son nhưng nóng tính như Phêrô, chuyện chối Chúa là một câu chuyện hoang đường, không thể nào xảy ra được. Bởi thế Phêrô phản ứng ngay,

— Dù có phải chết với Thầy, con cũng sẽ không chối Thầy (Máccô 14:31).

Nhưng cuối cùng ngay trong Vườn Cây Dầu, tất cả các môn đệ kể cả Phêrô đều bỏ chạy khi Đức Giêsu bị bắt. Nhưng Phêrô không bỏ chạy luôn. Trong khi Đức Giêsu đang bị luận án trước Tòa Công Nghị của người Do Thái, Phêrô quay lại (Máccô 14:54). Theo như thánh sử Máccô, một người đầy tớ của thầy Thượng Phẩm thấy Phêrô đang sưởi ấm trong sân của tòa án. Cô ta nhìn ông chòng chọc mà nói,

— Cả ông nữa, ông cũng [đã từng] ở với Giêsu thành Nazareth.

Phêrô chối ngay,

— Tôi không biết, tôi không hiểu cô đang nói điều gì.

Biết tình thế nguy hiểm, Phêrô nhanh chân bỏ ra ngoài. Ngay lúc đó gà gáy lần thứ nhất. Một lần nữa, thấy Phêrô lảng vảng bên ngoài sân tòa án, người đầy tớ gái cất giọng tố Phêrô, tố cạn láng. Cô oang oang nói với những người đang hiện diện,

— Tên này cũng thuộc về bọn chúng.

Một lần nữa Phêrô lại chối. Một khoảng thời gian nặng nề chậm chạp trôi qua, một người khác trong đám đông lại cất tiếng,

— Đúng là ông thuộc về bọn chúng rồi, bởi vì ông là người xứ Galilê.

Lần này, Phêrô thề khá độc địa,

— Tôi thề là tôi không biết chi về người mà các ông đang nói (Máccô 14:71).

Ngay lúc đó gà gáy lần thứ hai. Phêrô òa lên khóc, khóc nức nở!

II. Phêrô, Giuđa, và Mô Hình Chấp Nhận
Phêrô và Giuđa có một điểm rất giống nhau, và một điểm rất khác nhau. Điểm giống nhau là cả hai đã bán đứng Thầy của mình. Giuđa bán Thầy với giá ba mươi đồng tiền bằng bạc cho các thầy Thượng Tế. Phêrô không ngượng miệng chối Thầy mình trước mặt những kẻ xa lạ, chẳng có quyền thế gì trong xã hội. Điểm khác nhau giữa hai người liên quan đến Khái Niệm Chấp Nhận. Mô hình của Khái Niệm CHẤP NHẬN này gồm bốn giai đoạn khác nhau.

(1). CHẤP NHẬN mình đã lầm lỗi,

(2). CHẤP NHẬN tha thứ/hòa giải với chính mình,

(3). CHẤP NHẬN Thiên Chúa đã tha thứ cho những lỗi lầm, và Ngài cũng đã hòa giải với mình,

(4). CHẤP NHẬN đóng lại một trang sách cũ, mở ra một trang sách mới.

A. Giuđa
Theo như Mátthêu 25:14-16, vào một ngày kia, người môn đệ đứng cuối cùng trong danh sách của nhóm Mười Hai đến gặp các thầy Thượng Tế thương lượng về giá bán thầy của mình, là Đức Giêsu. Giuđa được trao cho ba mươi đồng tiền bằng bạc. Cuối cùng trong Vườn Cây Dầu, Đức Giêsu bị bắt. Ngài bị mang ra trước Tòa Công Nghị của người Do Thái luận tội. Sáng sớm hôm sau họ mang Ngài ra gặp Quan Tổng Trấn Philatô.

Biết Thầy của mình sẽ bị kết án, Giuđa hối hận (Mátthêu 27:3-10). Anh ta quay lại gặp các thầy Thượng Tế và Kỳ Mục, trả lại ba mươi đồng tiền bạc. Người tông đồ thứ mười hai thú nhận,

— Tôi đã phạm tội nộp người vô tội.

Nhưng chuyện mua bán đã xong, Đức Giêsu đã bị bắt, các thầy Thượng Tế và Kỳ Mục quyết định không nhận lại số tiền. Giuđa quẳng trả lại ba mươi đồng tiền bạc vào Đền Thờ, rồi bỏ đi.

Qua câu nói, “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội”, Giuđa nói lên được một điều, đó là anh ta chấp nhận mình đã lỗi lầm. Trong Mô Hình Chấp Nhận, Giuđa đã vượt qua được giai đoạn thứ nhất, chấp nhận lỗi lầm của mình. Nhưng rất tiếc, anh ta lại không vượt qua được giai đoạn thứ hai cũng là giai đoạn quan trọng nhất của Mô Hình Chấp Nhận, đó là tha thứ cho chính mình. Nói một cách khác, người tông đồ thứ mười hai của Ðức Kitô không hòa giải nổi với chính mình. Bởi không tha thứ được cho mình, bởi không hòa giải được với chính mình, anh ta thất vọng. Cuối cùng anh ta tuyệt vọng. Cành cây bên lề đường là nơi người tuyệt vọng tìm tới. Một sợi dây treo lên. Một mạng người rớt xuống.

B. Phêrô
Phêrô thì ngược lại. Theo như thánh sử Máccô sau ba lần chối Thầy, Phêrô vỡ òa ra trong tiếng khóc. Những giọt nước mắt thống hối của Phêrô cũng chính là những giọt nước mắt của hòa giải của tha thứ cho lỗi lầm của mình. Mặc dầu trong cả bốn bản Tin Mừng, chúng ta không nghe thấy những lời nói xin lỗi của Phêrô với Thầy của mình, nhưng câu chuyện Phục Sinh là một bằng chứng cụ thể về tâm tình hòa giải của Phêrô với Ðức Kitô.

Theo như Luca 24:1-12, sáng hôm đó sau khi những người phụ nữ chạy về báo cho nhóm Mười Một và các môn đệ của Đức Giêsu biết tin về ngôi mộ trống, xác Ngài đã biến mất, mọi người không ai tin tưởng vào bản tin bất ngờ họ vừa được thông báo ngoại trừ Phêrô. Lập tức Phêrô chạy tới ngôi mộ. Nhưng rất tiếc Phêrô cũng không thấy gì khác hơn ngoài khăn tẩm liệm xác của Đức Giêsu. Một trong những lý do để giải thích tại sao Phêrô lại can đảm, một mình chạy ra ngoài ngôi mộ trống vào một buổi sáng sớm tinh sương của ngày hôm đó là vì Phêrô muốn gặp Đức Giêsu để xin lỗi. Trước bản tin bất ngờ được thông báo bởi những người phụ nữ, Phêrô tự dưng trở nên can đảm. Không sợ ai, không ngại phải đụng độ với quân lính La Mã đang canh gác ngôi mộ, Phêrô một mình chạy thẳng tới ngôi mộ, bởi Phêrô hy vọng sẽ gặp lại được Thầy của mình để mở miệng nói lời xin lỗi.

Theo như Gioan 21:1-14 vào một buổi sáng bên bờ biển Tiberius của Biển Hồ Galilê, trong khi các môn đệ của Đức Kitô Phục Sinh đang lênh đênh thả trôi thuyền đánh cá. Sau một đêm vất vả, một lần nữa họ lại không bắt được chú cá nào. Thật là bất ngờ Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra bên bờ biển, nhưng không ai trong nhóm các môn đệ nhận ra Ngài. Ðức Kitô truyền các ông thả lưới bên mạn phải của thuyền đánh cá. Và thế là cá lại ngập tràn tung tăng lưới. Cá ngập khoang thuyền. Cá vươn vẩy bạc óng ánh tia nắng mặt trời bình minh. Khắp nơi là cá. Mọi nơi là cá. Thấy vậy, người môn đệ Đức Giêsu yêu mến nói với Phêrô,

— Thầy đó (Gioan 21:7).

Nghe chữ “Thầy đó”, Phêrô khoác vội vào người mảnh áo, nhảy xuống biển bơi vào bờ để gặp Đức Kitô Phục Sinh. Tương tự như câu chuyện được trình bày trong Luca 24:1-12, Phêrô lại có những hành động rất là vội vàng khi nghe người khác nói với ông về sự xuất hiện của Đức Giêsu Phục Sinh. Lần trước trong Luca 24:1-12 ông vội vàng chạy ra ngôi mộ trống một mình. Lần này ông vội vàng bơi vào bờ để gặp Đức Kitô Phục Sinh, trong khi đó các người môn đệ khác từ từ chèo thuyền vào bờ vì các ông không xa bờ biển lắm. Một trong những lý do để giải thích hiện tượng vội vàng này là bởi vì Phêrô muốn gặp Thầy để xin lỗi Ngài.

Sau khi gà gáy lần thứ hai, vào đêm hôm đó, trên sân Tòa Công Nghị của người Do Thái, Phêrô đã khóc. Đây là một trong những hành động chứng tỏ cho chúng ta biết người ngư phủ của thành phố Capernaum chấp nhận mình đã có những hành động lỗi lầm. Những hạt nước mắt đã rớt xuống ngay trên sân của tòa án, có lẽ, trước mặt người đầy tớ gái của Thầy Thượng Tế và người khách qua đường vừa mới chỉ mặt tố cáo Phêrô. Phêrô bỏ đi, có lẽ vẫn còn khóc. Nhưng Phêrô không bắt chước Giuđa. Người ngư phủ của Biển Hồ không đi kiếm một cành cây bên vệ đường, bởi ông tha thứ được cho chính mình; nói một cách khác, bởi vì người ngư phủ hòa giải được với mình. Bởi hòa giải được với mình, Phêrô quay về lại căn nhà, nơi các môn đệ của Đức Giêsu đang tụ họp trong lo sợ, và ông kiên nhẫn hy vọng đợi chờ ngày được gặp lại Đức Giêsu. Cuối cùng đúng như ông hy vọng, ông gặp, và ông nói ba lần với Đức Kitô Phục Sinh,

— Thầy biết con yêu mến Thầy (Gioan 21:15 -18).

III. Giống Nhau, Khác Nhau
Phêrô đã nhẹ nhàng vượt qua cả bốn giai đoạn của khái niệm chấp nhận. Ông chấp nhận mình lỗi lầm, bởi ông khóc. Ông hòa giải được với mình, bởi ông không đi tìm một sợi dây. Ông chấp nhận hòa giải với Đức Kitô Phục Sinh. Làm được ba điều trên, ông đã chấp nhận đóng lại một trang sách cũ, mở ra một trang sách mới. Trong những trang sách mới này, ông biến thành vị Giáo Hoàng đầu tiên của giáo hội.

Giuđa thì ngược lại. Tên của nhân vật này được người đời nhắc nhở tới với hàm ý mỉa mai. Trong những giáo xứ Việt Nam, sau thánh lễ Rửa Chân của ngày thứ Năm Tuần Thánh, bất hạnh cho người giáo dân nào trong số mười hai người đóng vai mười hai tông đồ bị chụp mũ Giuđa. Giuđa sẽ trở thành tên đệm của nhân vật này mỗi khi tên ông ta được người trong giáo xứ nhắc tới. Trong tất cả các nhân vật xuất hiện trong Kinh Thánh, tên của Giuđa được nhiều người nhắc nhở, nhưng rất tiếc không phải với hàm ý đẹp mà là chê bai, khinh rẻ, và coi thường. Ông bà chúng ta có câu,

Trăm năm bia đá thì mòn,

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ
.

Trong trường hợp của Giuđa, câu ca dao này hoàn toàn đúng, bởi vì,

Trăm năm bia đá thì mòn,

“Hai ngàn năm” bia miệng vẫn còn trơ trơ.


www.nguyentrungtay.com