Tôi và bạn, sinh ra chúng ta đã là người Việt Nam. Là người Việt, dù ít dù nhiều, chúng ta luôn có những điểm tương đồng, cả những niềm vui tương đồng và nỗi buồn tương đồng. Nhưng có một điều khác biệt, dù có thể không là lớn nhất thì cũng là rất quan trọng, đó là tôi tin vào Thiên chúa, còn bạn thì không!

Ở thời đại này, cái thời đại được gắn với hai chữ “tự do”, thì tôn giáo là một thứ tự do vô cùng cần thiết mà tôi cam chắc rằng không một bản Hiến pháp nào trên thế giới phủ nhận nó.

Bạn không tin vào Thiên chúa, đó là cái quyền bất khả xâm phạm của bạn. Nhưng khi bạn được trao cho cái quyền đó, thì bạn cũng nên nhớ rằng…

Thiên chúa là Đấng mà chúng tôi tin, là Đấng mà hơn tám triệu người Việt đã tin. Tám triệu người, đó có phải là một con số nhỏ không bạn? Chắc chắn là không! Bạn đừng nghĩ “người Công giáo chỉ là thiểu số ở Việt Nam” nhé! Và còn hơn 1,2 tỉ người trên khắp thế giới đã tin vào Chúa nữa (tôi chưa tính đến những tôn giáo khác có bắt nguồn từ Thiên chúa giáo nhé!). Rõ ràng, với một số lượng khổng lồ như thế, chắc chắn niềm tin của chúng tôi không đơn lẻ và không cô độc đâu bạn.

Bạn bảo rằng, thần thánh không có ở trên đời. Và bạn không tin. Đó là lý lẽ của bạn thôi. Ngày xưa đất nước này đã từng bị bắt phải suy nghĩ như bạn đấy. Chắc bạn biết, mấy chục năm trước, thời cải cách ruộng đất ý, và những thời kì “cải cách, cải tạo” khác nữa, có biết bao nhiêu đình, chùa, nhà thờ đã bị phá hủy. Để rồi bây giờ, nhìn lại cái thời “mông muội” ấy, người ta nhanh chóng cho tu sửa và xây dựng thêm bao nhiêu đình, chùa, đền đài… Không chỉ có người dân, mà Đảng, Nhà nước cũng tham gia thật là nhiệt tình. Chùa Bái Đính ở miền Bắc, Đại Nam quốc tự ở miền Nam là những ví dụ để bạn thấy. Cái gì không đúng, kể cả suy nghĩ và ý chí, thì sẽ bị đào thải, dù sớm dù muộn…

Tôi là người Công giáo, tôi được dạy phải biết cám ơn Chúa, cám ơn cuộc đời mỗi khi hưởng dùng một cái gì. Tại sao khi tôi làm dấu Thánh trước lúc ăn cơm, bạn lại cười và nhìn tôi bằng ánh mắt thật lạ? Có thể bạn tò mò, có thể bạn chưa hiểu hết những nghi thức Công giáo, nhưng bạn cũng đừng bắt chước theo với một sự cười cợt như thế! Đó là sự xúc phạm người khác đấy. Nếu cứ như bạn, thì tôi cũng có quyền cười cợt và bắt chước khi nhìn thấy một người khấn vái lúc ở trong một đình, chùa ư? Chắc chắn tôi sẽ không làm như thế đâu bạn. Kể cho bạn nghe nhé, hôm trước lúc tôi đi ăn mấy món vỉa hè cùng một đứa em, đó là cô bé không theo đạo và là người tôi rất yêu mến, trước lúc ăn tôi quên làm dấu Thánh, cô bé thấy thế và ngay lập tức nhắc nhở tôi liền. Chỉ là lời nhắc nhở thôi mà tôi trân trọng và ghi nhớ lắm! Bạn có hiểu vì sao không?

Tôi nghĩ bạn biết thế nào là người linh mục. Ấy vậy mà sao bạn lại cười khi nghe tôi bảo rằng, những ai đã làm linh mục hay tu sĩ thì không được lập gia đình. Nụ cười của bạn không phải là mỉa mai, nhưng cũng không nghiêm túc chút nào. Chắc bạn thấy việc không có vợ có chồng là một thiệt thòi? Và sẽ không được hưởng những lạc thú ở đời? Suy nghĩ đó rẻ tiền lắm bạn ạ. Rẻ thực sự ý. Bạn có biết lý tưởng được sống và chết cho đồng loại, cho Đấng thánh mà mình tôn thờ nó cao đẹp như thế nào không? Nếu sống chỉ để hưởng thụ thì hoá ra loài người cũng chỉ như loài vật à? Tôi chỉ ví dụ thật đơn giản cho bạn hiểu nhé, nếu bây giờ một vị chủ tịch huyện hoặc một vị giám đốc sở công an mà chết chẳng hạn, bạn thử đếm xem có bao nhiêu người dân tiếc thương và đến đưa tiễn? Nhưng nếu một vị linh mục, hoặc cao hơn là giám mục mà chết, thì với giáo dân, đó cũng như là một cái tang của chính họ vậy. Nếu linh mục hay giám mục là những người không có gì nổi bật về nhân cách và học vấn, chắc chắn đã chẳng ai yêu mến họ như thế. Tôi không hề nói quá và không hề đánh bóng tên tuổi thay cho họ đâu. Tại sao trong vụ tranh chấp đất đai ở Thái Hà và Toà Khâm Sứ vừa rồi, các linh mục và giám mục của miền Bắc bị báo chí và các cơ quan công quyền “đánh cho tơi tả” như thế mà họ vẫn được giáo dân yêu mến và che chở? Nếu đó không là những tấm gương sáng thực sự thì chắc chắn giáo dân, chắc chắn chính tôi đã mặc kệ họ rồi.

Bạn không là người Công giáo nên bạn không thể hiểu hết được nỗi khổ nhục khi làm một người Công giáo ở Việt Nam. Vâng, tự do tôn giáo là cái vẫn được nghe thấy ở khắp đất nước này. Nó cũng có trong Hiến pháp. Nhưng ở một đất nước mà có những bộ luật còn “ngồi” trên cả Hiến pháp thì tự do tôn giáo là một cái hãy còn xa xôi lắm. Tôi không hề nói quá và không hề vu cáo một ai. Sự thật bắt tôi phải nói như thế! Bạn hãy là người trong cuộc thì bạn sẽ hiểu. Chắc bạn không biết, mấy ngày gần đây người Công giáo ở Thái Bình, chỉ vì muốn đến Thái Hà để hành hương và cầu nguyện mà họ đã bị công an và nhiều lực lượng khác tìm cách ngăn chặn. Chính Đức giám mục Nguyễn Văn Sang của Thái Bình cũng bị ngăn cản. Và nhiều người đã phải đi trong đêm tối, đi bộ hàng chục cây số mới đến được Thái Hà. Buồn và thương lắm bạn ơi! Tại sao người ta phải làm thế với chính đồng bào mình? Không thể có một lời bào chữa nào cho hành động hèn hạ và thiếu tình người như thế! Đó chỉ là một trong rất rất nhiều những nỗi khổ nhục mà người Công giáo đang phải chịu đựng. Nhưng, niềm tin vào Chúa vẫn luôn sáng ngời một cách tuyệt đối. Có lẽ đến muôn đời bạn cũng không hiểu hết được đâu. Và khi bạn không hiểu thì đừng vội phát ngôn bừa bãi, nhé!

Tôi chỉ nói ra một số điều nhỏ nhỏ cho bạn nghe vậy thôi. Còn nhiều cái tôi muốn nói lắm, nhưng nói ra cũng sẽ thành dài dòng và nhàm chán. Nếu bạn đủ kiên nhẫn đọc và hiểu bài viết này thì tôi cám ơn lắm. Mà bạn không đọc và hiểu được cũng chẳng sao cả. Tôi viết ra để không phải hổ thẹn vì đã im lặng. Tôi viết ra bởi nó là sự thật sống động. Tôi viết ra, vì tôi là người Công giáo. Và với tôi, người Công giáo cũng như một con chó giữ nhà vậy. Dù bị đánh đập đến chết, nó vẫn sẽ sủa để bảo vệ nhà mình…

Hà Nội, 03.05.09