LTS. Vào trung tuần tháng 11 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận Sài Gòn, Gioan Baotixita Pham Minh Mẫn, đã khai mạc buổi hội thảo của 180 giáo chức Công Giáo qui tụ về tòa tổng giám mục để suy nghĩ và trao đổi về vấn đề giáo dục và thiên chức nhà giáo. Về thành phần tham dự, ngoài những giáo chức từ ngành mầm non đến đại học, còn có sự hiện diện của nhiều nhà giáo dục của các nhà mở và trường khuyết tật. Thuyết trình viên buổi hội thảo là Linh Mục Nguyễn Thái Hợp. Ðề tài thuyết trình: Thách Ðố Của Nhà Giáo Công Giáo Việt Nam. Vietcatholic Network nhận thấy đây là tài liệu có nội dung sâu sắc, xin chia sẻ với quý vị độc giả.

3. Thách đố đối với giáo chức Công giáo Việt Nam

Đối với các nước nghèo việc cải tổ giáo dục càng trở nên một nhu cầu khẩn thiết hơn, bởi vì nếu muốn đất nước chóng phát triển tất nhiên phải có đội ngũ công nhân viên trình độ chuyên môn cao ngõ hầu áp dụng tốt kỹ thuật tân tiến vào sản xuất, chứ không thể tiếp tục sử dụng lao động rẻ tiền như hiện nay. Nếu phát triển ở thế kỷ XXI này là phát triển con người, công tác xây dựng một hệ thống giáo dục tiên tiến, theo tiêu chuẩn quốc tế phải là yếu tố cơ bản của công cuộc phát triển đất nước. Chính vì vậy, tình trạng tụ hậu thê thảm về chất lượng của nền giáo dục Việt Nam là một trong những vấn đề lớn và đáng lo âu nhất .

Dù rằng quan điểm và phương pháp giáo dục của mỗi người có thể rất khác nhau, nhưng có lẽ mọi người đều có chung mối lo về tình hình giáo dục hiện nay. Thật vậy, sự xuống dốc về y tế và giáo dục là nguy cơ trầm trọng nhất cho tương lai của đất nước . Các nhà giáo dục và nhà khoa học tham dự hội thảo khoa học về giáo dục Việt Nam do Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức (tháng 11 năm 1999) công nhận một số thành tựu như chất lượng giáo dục đã được cải thiện, mạng lưới trường lớp mở rộng, tại một vài nơi hầu như đã xóa được nạn mù chữ ... Tuy nhiên so sánh với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, cũng như trình độ giáo dục của các nước trong khu vực và trên thế giới, thì tình trạng tụt hậu về giáo dục của ta rất đáng lo ngại.

Yêu cầu tiên quyết là phải đổi mới mục tiêu giáo dục, nội dung chương trình và phương pháp đào tạo. Cần đưa ra một chiến lược giáo dục cho tương lai theo yêu cầu của đất nước và biến đổi của xã hội hậu công nghiệp. Chính ở điểm này hầu hết các nhà giáo đề cập đến vai trò và trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giáo sư Nguyễn Văn Chiến thẳng thắn nêu vấn đề: “Có thể nói trong nhiều năm, những người đứng đầu ngành giáo dục đã không đủ năng lực, không đủ tầm nhìn chiến lược để xây dựng ngành” .

Trong bản kiến nghị gởi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8 năm 1999, giáo sư Hoàng Tụy nêu rõ vấn đề: “Nhìn vào thực trạng giáo dục hiện nay, có thể thấy một số khó khăn phức tạp thật ra không đáng có, đã nẩy sinh và trở nên trầm trọng chủ yếu do cách quản lý và điều hành chưa tốt:

1)- Thi cử nặng nề quá mức cần thiết, gây nên một áp lực tâm lý và tốn phí vật chất không thể chấp nhận được cho xã hội, cho mọi gia đình.
2)- Dạy thêm, luyện thi tràn lan, ảnh hưởng tệ hại đến uy tín nghề giáo và chất lượng giáo dục.
3)- Chi phí cho sách giáo khoa quá cao so với với hiệu quả sử dụng, mỗi năm đều in mới, rất tốn kém mà không có điều kiện cải tiến cả nội dung lẫn hình thức” .

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố lần đầu tiên những con số liên quan đến cuộc thi Đại học và Cao đẳng vào năm 2002, cả nước đều hoảng hốt. Nhiều người đã đau đớn kêu lên: “Những con số nhức nhối”, “khủng khiếp”, “nguy kịch”, “bi thảm”, “một sự thật đáng phải rùng mình” .

Những từ ngữ nặng nề ở trên không phải là ý kiến hàm hồ, vô căn cứ, mà là những nhận định có nền tảng, dựa trên dữ kiện khách quan. Thật vậy,.theo số liệu do chính Bộ Giáo dục công bố, trong số 823.854 thí sinh dự thi chỉ vỏn vẹn 3 thí sinh đậu thủ khoa với số điểm 29,5/30, nhưng lại có tới 713.352 thí sinh (tức 86,6%) với số điểm dưới mức trung bình (14,5/30), trong khi đó số thí sinh có điểm từ 0 – 10 lên tới 556.533 thí sinh (chiếm 67,5%).

Nhiều người đã băn khoăn tự hỏi: tại sao trong một kỳ thi mà đề thi được đánh giá là “bám sát nội dung sách giáo khoa và nói chung là dễ” thế mà số thí sinh bị loại lại khủng khiếp như vậy? Tại sao chỉ khoảng trên 10% thí sinh đạt điểm từ trung bình trở lên với một đề thi được đánh giá “bám sát sách giáo khoa lớp 12”, thế mà chỉ một tháng trước đó, cả nước thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đậu trên 90%, thậm chí có nơi đến 99%? Không biết giới trẻ hôm nay qúa dốt hay cách dạy của ta đã làm cho các em ra u mê?

Những con số “khủng khiếp” trên đây phản ánh quá rõ ràng tình trạng giáo dục thiếu định hướng, với căn bệnh trầm kha thi đua “đạt chỉ tiêu”, được hỗ trợ bởi phương pháp dạy nhồi nhét, học vẹt, học tủ, quay cóp... Phải chăng từ mấy chục năm qua chúng ta đã bị ru ngủ với lối học dỏm, thi cử dỏm và bằng cấp dỏm? Người xưa thường nói: “dạy chữ để dạy người”. Nhưng cách dạy “nhồi nhét” và “đọc – chép” dạy chữ đã dở, mong gì đạt được mục đích dạy người!

Quý bạn nghĩ gì về thảm trạng của giáo dục hiện nay? Chúng ta có trách nhiệm nào đối với tình trạng xuống dốc thảm hại về chất lượng giáo dục hiện nay ? Chúng ta có thể và phải đóng góp gì cho đất nước, với tư cách cá nhân cũng như tập thể? Phải chăng thà đốt lên một ngọn nến, còn hơn là ngồi nguyền rủa đêm đen?