Chiếc xe phóng tới để lại đám bụi mù phía sau. Gọi là phóng tới thực ra là bò vì con đường đất gập gềnh, lồi lõm, hai bên đường toàn bụi đất nên chỉ một làn gió nhẹ cũng tung bụi mịt mù. Cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi định đến. Trên đường đi vị linh mục nói nhiều về cái giếng và văn phòng bảo tồn văn hoá thành phố thường cử nhân viên và sinh viên ngành xã hội xuống nghiên cứu, xem tình trạng cái giếng.
Vị linh mục hướng dẫn chúng tôi dường như quen thân với gia chủ. Ông lái xe thẳng vào sân, đậu dưới một gốc cây cho xe được mát. Trông thấy con chó lớn, vai u thịt bắp, lực lưỡng thế kia tôi hơi ớn. Vị linh mục nhanh nhẹn mở cửa xe xuống, con chó đang ngái ngủ, ngại dậy, nó ngẩng cổ cao nhìn biết người quen, phe phẩy đuôi rồi nhắm mắt ngủ tiếp. Vị linh mục vào gõ cửa hai ba lần không ai lên tiếng chỉ nghe được tiếng vang lan dần, lan dần, dội vào cây rừng làm tiếng động vang vọng xa dần, xa dần trước khi biến vào rừng cây quanh căn nhà. Gõ cửa không có hiệu quả ông dùng chùm chìa khoá gõ mạnh vào kính cửa sổ, tiếng nghe dòn tan. Vẫn không ai lên tiếng. Buồn nản chúng tôi lên xe. Tôi vẫn tiếc muốn xem cái giếng được mệnh danh là ‘giếng thánh’ của người thổ dân tại đây. Thời buổi khan hiếm nước, nước mang lại sự sống nên nơi có nước, nơi chôn cất thân nhân đều là đất thánh. Trước khi chiếc xe lăn bánh, tôi ngoái cổ nhìn lần nữa hy vọng chủ nhà ra chăng. Cánh cửa vẫn khép kín. Tôi muốn kéo dài thời gian chờ đợi hy vọng chủ nhà già nua, chậm chạp trong việc mở cửa, nên lên tiếng.
- Cửa mở rồi, chủ nhà ra kìa.
Chủ xe nghĩ tôi đùa cợt không thèm ngó lại, hỏi bâng khuơ
- Có thật không đó ông, hay nắng quá đâm hoa mắt.
Tôi đáp
- Có lẽ hoa mắt thật
Dẫu thế chiều lòng bạn, ông cũng chậm xe liếc vào.
Tôi lên tiếng
- Đi không rồi lại cũng về không, uổng quá.
Chủ xe đáp
- Chưa về đâu, chủ nhà đang ngó kìa.
Vị linh mục để rõ nét hân hoan rạng rỡ trên khuôn mặt. Ông vừa cười vừa nói với chủ nhà
- Chút nữa là chúng tôi đi mất rồi.
Ông chủ nhà người cao, da đen, tóc quăn tít đứng bên cạnh bà vợ da trắng hơn và thấp hơn một chút. Dường như không để ý đến lời nói của vị linh mục. Giọng ông trầm trầm, chẫm rãi, nhỏ nhẹ
- Chúng tôi đang ngủ trưa.
Tuy nói thế nhưng không có vẻ phiền hà, trách móc. Hai ông bà mời chúng tôi vào nhà. Vị linh mục từ chối rồi như nhận ra chưa giới thiệu. Ông chỉ tay từng người một giới thiệu. Nghe giới thiệu đến đâu chủ gia đưa mắt nhìn đến đó, không nói, không rằng. Có lẽ chưa tỉnh ngủ hoặc cũng có thể là phong tục của họ không vồn vã với người chưa quen thân.
Không cần loanh quanh, dài dòng, vị linh mục vào đề đề nghị đi coi giếng. Giếng đào bên sườn núi, không phải nơi thung lũng mà là sườn núi. Lịch sử đào giếng khá ngộ vì nó được kết hợp giữa cái may và cái khôn.
Miệng giếng rộng độ hai thước, sâu ba thước. Hôm chúng tôi tới giếng đầy nước tới miệng. Chủ gia có để một khúc cây chắn ngang miệng giếng như là cách bảo vệ an toàn cho người và thú khỏi rơi tòm xuống giếng.
May và khôn
Tôi nói may và khôn vì người đào giếng kết hợp cả hai yếu tố trên để đào giếng bên sườn núi. Giếng này không phải là cái duy nhất, cái đầu tiên trong số năm bảy giếng trong vùng nhưng giếng này nổi tiếng vì nó là trưởng tộc trong họ nhà giếng quanh vùng.
Sườn đồi này kín gió nên tổ tiên bà thường săn thú và nướng thú tại sườn đồi. Đồi to trung bình, không cao lắm và sườn đồi dốc thoai thoải, ngay chỗ giếng lại bằng như phản đá. Ngày kia đang nướng thú vật, lửa cháy bừng bừng, sức nóng của lửa và khí trời làm sạm mặt. Bất thình lình trời đổ mưa, những hạt nước mưa rào đổ xuống. Chỉ trong phút chốc nước trên cao tràn xuống dập trụi đám lửa làm trôi cả con thịt nướng vàng ngau. Cả bộ lạc được bữa thịt nguội, thịt tắm nước mưa ngon tệ. No bụng, mát mẻ, mệt mỏi chỉ có con mắt còn đói. Cả bộ lạc phiêu diêu dưới ánh trăng thanh.
Người ta vẫn khen cá lóc nướng bùn ngon, lấy bùn bọc con cá rồi đốt rơm hoặc củi nướng. Cách nướng thịt của thổ dân nhiều công phu hơn cá lóc nướng bùn. Trước hết họ chất cành cây thành đống lớn nướng cho các hòn đá tảng nóng lên. Khi củi gần tàn họ bới đá ra vùi con vật vào đá nóng, hơi nóng phát ra từ đá tảng nướng thịt nên thịt không bị ám khói.
Vài ba ngày sau bộ lạc lại chuẩn bị nướng thịt và lần này họ không khổ công lượm đá nữa. Ngay nơi họ nướng hôm trước nhiều lớp đá vỡ ra từng tảng, từng tảng do nước mưa và sức nóng làm nứt ra. Mỗi lần nướng thịt có mưa lại có thêm đá nứt ra và cái hố sâu dần. Người tộc trưởng nghiệm ra điều này và kêu gọi toàn bộ lạc vác củi vất xuống hố đốt, khi củi gần tàn họ hè nhau đổ nước. Chẳng bao lâu họ có được cái giếng sâu đến ba bốn mét đủ nước dùng cho mùa hè. Câu chuyện cái giếng ra đời được kể lại như thế. Nghe có vẻ khoa học lắm, nhưng lúc đó chẳng ai biết khoa học là gì. Chỉ biết đốt đá nóng, gặp nước nó bể ra. Đơn giản thế thôi.
Tụ điểm
Từ ngày có giếng dân trong bộ lạc hay tề tụ quanh miệng giếng. Miệng giếng là nơi trao đổi thực phẩm, trao đổi những cái liếc trộm, nhìn ngang, miệng giếng là nơi tỏ tình của nhiều cặp tình nhân. Miệng giếng cũng là nơi trao đổi bao tin tức nóng bỏng. Miệng giếng là nơi thông báo chung tin tức cho cả bộ lạc. Chiều chiều lớn nhỏ ai cũng trông ngóng mau đến giờ ra miệng giếng hoàn huyên, tâm sự, nghe kể chuyện vui, nghe dậy khôn về cách săn bắn, nghe kể chuyện lịch sử bộ lạc.
Quên lãng
Khoa học phát triển nước máy về làng, tiện lợi hơn. Nước giếng không còn thông dụng nữa, bị coi là dơ bẩn, nhiều vi trùng, gây bệnh tật. Nếu có ai bất đồng họ giải thích cha ông chết ở tuổi mấy mươi vì ăn uống dơ bẩn nên chết non, ngày nay thọ hơn nhiều.
Người già cả chết dần, bọn trẻ không còn thấy tầm quan trọng của giếng và số người tụ tập quanh bờ giếng ít dần, ít dần, cuối cùng không mấy ai còn nhớ đến cái giếng một thời qui tụ dân làng. Ít người lui tới, nước trong giếng trở thành nước tù, lá khô rơi vào giếng không ai thèm vớt lâu ngày thối thành bùn, chồng chất lên nhau và lòng giếng càng ngày càng cạn. Cạn như lòng người đối với lòng giếng, không thăm nom, bỏ mặc không chăm sóc và cũng không thấy sự có mặt của giếng là cần thiết. Trong thâm tâm nhiều người cái giếng đã chết từ lâu. Một số không hề biết giếng tồn tại và nếu ai đó nói về lịch sử cái giếng người nghe cho là chuyện giả tưởng, hoang đường, làm gì có trên thực tế.
Thành giếng xưa
Bờ giếng nơi Chúa Giêsu ngồi nói chuyện cùng chị phụ nữ thành Samaritano thuở xưa cũng chung số phận (Jn 4). Mấy ai còn nhớ đến giếng xưa. Còn ai ra đó múc nước. Khách hành hương có đến cũng chỉ đứng trên cao ngó xuống. Dân làng không hề lai vãng ngoại trừ những người kiếm sống nhờ khách hành hương, đại đa số còn lại đã quên giếng từng nuôi sống cha ông họ. Tại bờ giếng này Đức Kitô hứa cho chị phụ nữ nước hằng sống. Chị đã nhận lãnh và còn kêu gọi dân làng ra để cùng được nhận lãnh.
Hai ngàn năm sau thân nhân dòng tộc chị kẻ quên bờ giếng xưa, kẻ có nghe đến nhưng dửng dưng coi như chuyện xa lạ không phải chuyện của tổ tiên mình. Số khác thì cho rằng lời đồn nhảm nhí đó tin sao được. Nước giếng cũng như nước hằng sống đều bị lãng quên. Đức tin và nước hằng sống Đức Kitô hứa ban cho chị phụ nữ xưa ngày nay bị coi thường, lãng quên. Có kẻ chống đối cho là hướng dẫn phản khoa học. Khoa học thay đổi lối suy nghĩ của nhiều người. Suy nghĩ khác đi nên hành động cũng khác đi và niềm tin cũng bị giải thích theo xu hướng đó.
Ngày nay người ta thích đồ cổ, toà nhà cổ, cái giếng cổ, cái bàn cổ, con tem thư cổ, bức tranh cổ và ngay cả vài ba chữ viết trên miếng da cổ. Tất cả đều được giữ trong vải bọc điều không phải vì giá trị cổ của chúng mà là do chúng làm ra tiền, ai đến xem phải trả tiền. Giá trị thời gian kia chẳng là chi nếu đồ cổ đó không làm ra tiền. Cái mốc thời gian được tâng bốc, quảng cáo rầm rộ vì nó làm ra tiền, lợi nhuận cho chủ nên có giá trị cao. Trái lại truyền thống đạo đức cổ, cách tu luyện nhân đức cổ và ngay cả niềm tin có lịch sử lâu dài đều bị loại vì thực tế chúng không mang lại lợi nhuận về tài chánh. Giải thích quanh co, lí luận vững mấy cũng không ngoài vấn đề bổng lộc, lợi nhuận riêng cá nhân.
Cái giếng cổ bị lãng quên vì nó không thực dụng nữa. Giá trị của nước vẫn cần thiết và người ta thoả mãn nhu cầu khát ở nơi khác nên cái giếng trở thành hoang phế. Nước giếng không dùng được, lòng giếng bị cạn không phải vì đá lở, đất trùi mà là do lá cây mục, dần dần làm đầy lòng giếng làm cạn và dơ nước. Cuộc sống tâm linh cũng thế thôi. Suối nước trường sinh cũng bị bụi trần làm đầy tâm tư, không phải các tội trọng mà là tật hư, thói xấu thêm vào lười biếng che lấp giòng nước trường sinh. Bù lại người ta tìm niềm vui khác dựa vào hoá chất, sản phẩm do con người chế tạo thay cho bình an, hạnh phúc thật Chúa hứa ban.
TÌM BÀI CŨ:
Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html
Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html
Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
Vị linh mục hướng dẫn chúng tôi dường như quen thân với gia chủ. Ông lái xe thẳng vào sân, đậu dưới một gốc cây cho xe được mát. Trông thấy con chó lớn, vai u thịt bắp, lực lưỡng thế kia tôi hơi ớn. Vị linh mục nhanh nhẹn mở cửa xe xuống, con chó đang ngái ngủ, ngại dậy, nó ngẩng cổ cao nhìn biết người quen, phe phẩy đuôi rồi nhắm mắt ngủ tiếp. Vị linh mục vào gõ cửa hai ba lần không ai lên tiếng chỉ nghe được tiếng vang lan dần, lan dần, dội vào cây rừng làm tiếng động vang vọng xa dần, xa dần trước khi biến vào rừng cây quanh căn nhà. Gõ cửa không có hiệu quả ông dùng chùm chìa khoá gõ mạnh vào kính cửa sổ, tiếng nghe dòn tan. Vẫn không ai lên tiếng. Buồn nản chúng tôi lên xe. Tôi vẫn tiếc muốn xem cái giếng được mệnh danh là ‘giếng thánh’ của người thổ dân tại đây. Thời buổi khan hiếm nước, nước mang lại sự sống nên nơi có nước, nơi chôn cất thân nhân đều là đất thánh. Trước khi chiếc xe lăn bánh, tôi ngoái cổ nhìn lần nữa hy vọng chủ nhà ra chăng. Cánh cửa vẫn khép kín. Tôi muốn kéo dài thời gian chờ đợi hy vọng chủ nhà già nua, chậm chạp trong việc mở cửa, nên lên tiếng.
- Cửa mở rồi, chủ nhà ra kìa.
Chủ xe nghĩ tôi đùa cợt không thèm ngó lại, hỏi bâng khuơ
- Có thật không đó ông, hay nắng quá đâm hoa mắt.
Tôi đáp
- Có lẽ hoa mắt thật
Dẫu thế chiều lòng bạn, ông cũng chậm xe liếc vào.
Tôi lên tiếng
- Đi không rồi lại cũng về không, uổng quá.
Chủ xe đáp
- Chưa về đâu, chủ nhà đang ngó kìa.
Vị linh mục để rõ nét hân hoan rạng rỡ trên khuôn mặt. Ông vừa cười vừa nói với chủ nhà
- Chút nữa là chúng tôi đi mất rồi.
Ông chủ nhà người cao, da đen, tóc quăn tít đứng bên cạnh bà vợ da trắng hơn và thấp hơn một chút. Dường như không để ý đến lời nói của vị linh mục. Giọng ông trầm trầm, chẫm rãi, nhỏ nhẹ
- Chúng tôi đang ngủ trưa.
Tuy nói thế nhưng không có vẻ phiền hà, trách móc. Hai ông bà mời chúng tôi vào nhà. Vị linh mục từ chối rồi như nhận ra chưa giới thiệu. Ông chỉ tay từng người một giới thiệu. Nghe giới thiệu đến đâu chủ gia đưa mắt nhìn đến đó, không nói, không rằng. Có lẽ chưa tỉnh ngủ hoặc cũng có thể là phong tục của họ không vồn vã với người chưa quen thân.
Không cần loanh quanh, dài dòng, vị linh mục vào đề đề nghị đi coi giếng. Giếng đào bên sườn núi, không phải nơi thung lũng mà là sườn núi. Lịch sử đào giếng khá ngộ vì nó được kết hợp giữa cái may và cái khôn.
Miệng giếng rộng độ hai thước, sâu ba thước. Hôm chúng tôi tới giếng đầy nước tới miệng. Chủ gia có để một khúc cây chắn ngang miệng giếng như là cách bảo vệ an toàn cho người và thú khỏi rơi tòm xuống giếng.
May và khôn
Tôi nói may và khôn vì người đào giếng kết hợp cả hai yếu tố trên để đào giếng bên sườn núi. Giếng này không phải là cái duy nhất, cái đầu tiên trong số năm bảy giếng trong vùng nhưng giếng này nổi tiếng vì nó là trưởng tộc trong họ nhà giếng quanh vùng.
Sườn đồi này kín gió nên tổ tiên bà thường săn thú và nướng thú tại sườn đồi. Đồi to trung bình, không cao lắm và sườn đồi dốc thoai thoải, ngay chỗ giếng lại bằng như phản đá. Ngày kia đang nướng thú vật, lửa cháy bừng bừng, sức nóng của lửa và khí trời làm sạm mặt. Bất thình lình trời đổ mưa, những hạt nước mưa rào đổ xuống. Chỉ trong phút chốc nước trên cao tràn xuống dập trụi đám lửa làm trôi cả con thịt nướng vàng ngau. Cả bộ lạc được bữa thịt nguội, thịt tắm nước mưa ngon tệ. No bụng, mát mẻ, mệt mỏi chỉ có con mắt còn đói. Cả bộ lạc phiêu diêu dưới ánh trăng thanh.
Người ta vẫn khen cá lóc nướng bùn ngon, lấy bùn bọc con cá rồi đốt rơm hoặc củi nướng. Cách nướng thịt của thổ dân nhiều công phu hơn cá lóc nướng bùn. Trước hết họ chất cành cây thành đống lớn nướng cho các hòn đá tảng nóng lên. Khi củi gần tàn họ bới đá ra vùi con vật vào đá nóng, hơi nóng phát ra từ đá tảng nướng thịt nên thịt không bị ám khói.
Vài ba ngày sau bộ lạc lại chuẩn bị nướng thịt và lần này họ không khổ công lượm đá nữa. Ngay nơi họ nướng hôm trước nhiều lớp đá vỡ ra từng tảng, từng tảng do nước mưa và sức nóng làm nứt ra. Mỗi lần nướng thịt có mưa lại có thêm đá nứt ra và cái hố sâu dần. Người tộc trưởng nghiệm ra điều này và kêu gọi toàn bộ lạc vác củi vất xuống hố đốt, khi củi gần tàn họ hè nhau đổ nước. Chẳng bao lâu họ có được cái giếng sâu đến ba bốn mét đủ nước dùng cho mùa hè. Câu chuyện cái giếng ra đời được kể lại như thế. Nghe có vẻ khoa học lắm, nhưng lúc đó chẳng ai biết khoa học là gì. Chỉ biết đốt đá nóng, gặp nước nó bể ra. Đơn giản thế thôi.
Tụ điểm
Từ ngày có giếng dân trong bộ lạc hay tề tụ quanh miệng giếng. Miệng giếng là nơi trao đổi thực phẩm, trao đổi những cái liếc trộm, nhìn ngang, miệng giếng là nơi tỏ tình của nhiều cặp tình nhân. Miệng giếng cũng là nơi trao đổi bao tin tức nóng bỏng. Miệng giếng là nơi thông báo chung tin tức cho cả bộ lạc. Chiều chiều lớn nhỏ ai cũng trông ngóng mau đến giờ ra miệng giếng hoàn huyên, tâm sự, nghe kể chuyện vui, nghe dậy khôn về cách săn bắn, nghe kể chuyện lịch sử bộ lạc.
Quên lãng
Khoa học phát triển nước máy về làng, tiện lợi hơn. Nước giếng không còn thông dụng nữa, bị coi là dơ bẩn, nhiều vi trùng, gây bệnh tật. Nếu có ai bất đồng họ giải thích cha ông chết ở tuổi mấy mươi vì ăn uống dơ bẩn nên chết non, ngày nay thọ hơn nhiều.
Người già cả chết dần, bọn trẻ không còn thấy tầm quan trọng của giếng và số người tụ tập quanh bờ giếng ít dần, ít dần, cuối cùng không mấy ai còn nhớ đến cái giếng một thời qui tụ dân làng. Ít người lui tới, nước trong giếng trở thành nước tù, lá khô rơi vào giếng không ai thèm vớt lâu ngày thối thành bùn, chồng chất lên nhau và lòng giếng càng ngày càng cạn. Cạn như lòng người đối với lòng giếng, không thăm nom, bỏ mặc không chăm sóc và cũng không thấy sự có mặt của giếng là cần thiết. Trong thâm tâm nhiều người cái giếng đã chết từ lâu. Một số không hề biết giếng tồn tại và nếu ai đó nói về lịch sử cái giếng người nghe cho là chuyện giả tưởng, hoang đường, làm gì có trên thực tế.
Thành giếng xưa
Bờ giếng nơi Chúa Giêsu ngồi nói chuyện cùng chị phụ nữ thành Samaritano thuở xưa cũng chung số phận (Jn 4). Mấy ai còn nhớ đến giếng xưa. Còn ai ra đó múc nước. Khách hành hương có đến cũng chỉ đứng trên cao ngó xuống. Dân làng không hề lai vãng ngoại trừ những người kiếm sống nhờ khách hành hương, đại đa số còn lại đã quên giếng từng nuôi sống cha ông họ. Tại bờ giếng này Đức Kitô hứa cho chị phụ nữ nước hằng sống. Chị đã nhận lãnh và còn kêu gọi dân làng ra để cùng được nhận lãnh.
Hai ngàn năm sau thân nhân dòng tộc chị kẻ quên bờ giếng xưa, kẻ có nghe đến nhưng dửng dưng coi như chuyện xa lạ không phải chuyện của tổ tiên mình. Số khác thì cho rằng lời đồn nhảm nhí đó tin sao được. Nước giếng cũng như nước hằng sống đều bị lãng quên. Đức tin và nước hằng sống Đức Kitô hứa ban cho chị phụ nữ xưa ngày nay bị coi thường, lãng quên. Có kẻ chống đối cho là hướng dẫn phản khoa học. Khoa học thay đổi lối suy nghĩ của nhiều người. Suy nghĩ khác đi nên hành động cũng khác đi và niềm tin cũng bị giải thích theo xu hướng đó.
Ngày nay người ta thích đồ cổ, toà nhà cổ, cái giếng cổ, cái bàn cổ, con tem thư cổ, bức tranh cổ và ngay cả vài ba chữ viết trên miếng da cổ. Tất cả đều được giữ trong vải bọc điều không phải vì giá trị cổ của chúng mà là do chúng làm ra tiền, ai đến xem phải trả tiền. Giá trị thời gian kia chẳng là chi nếu đồ cổ đó không làm ra tiền. Cái mốc thời gian được tâng bốc, quảng cáo rầm rộ vì nó làm ra tiền, lợi nhuận cho chủ nên có giá trị cao. Trái lại truyền thống đạo đức cổ, cách tu luyện nhân đức cổ và ngay cả niềm tin có lịch sử lâu dài đều bị loại vì thực tế chúng không mang lại lợi nhuận về tài chánh. Giải thích quanh co, lí luận vững mấy cũng không ngoài vấn đề bổng lộc, lợi nhuận riêng cá nhân.
Cái giếng cổ bị lãng quên vì nó không thực dụng nữa. Giá trị của nước vẫn cần thiết và người ta thoả mãn nhu cầu khát ở nơi khác nên cái giếng trở thành hoang phế. Nước giếng không dùng được, lòng giếng bị cạn không phải vì đá lở, đất trùi mà là do lá cây mục, dần dần làm đầy lòng giếng làm cạn và dơ nước. Cuộc sống tâm linh cũng thế thôi. Suối nước trường sinh cũng bị bụi trần làm đầy tâm tư, không phải các tội trọng mà là tật hư, thói xấu thêm vào lười biếng che lấp giòng nước trường sinh. Bù lại người ta tìm niềm vui khác dựa vào hoá chất, sản phẩm do con người chế tạo thay cho bình an, hạnh phúc thật Chúa hứa ban.
TÌM BÀI CŨ:
Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html
Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html
Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html