Vụ bắt luật sư Lê Công Định được cơ quan hữu trách Việt Nam “dọn đường dư luận” theo cung cách đã nhiều lần xảy ra trong quá khứ, nhưng không hoàn toàn tương đồng, ít ra về mặt ngôn ngữ sử dụng.

Ls Lê Công Định và vợ Ngọc Khánh
Cùng một ngày, nhiều tờ báo tại Việt Nam đồng loạt loan tin về vụ “bắt khẩn cấp” luật sư Lê Công Định. Những chi tiết bên lề của vụ bắt giữ có thể không giống nhau, nhưng phần mà báo chí mô tả và gọi là các “hoạt động” của luật sư Định thì khá giống nhau.

Giới quan sát trong nước cho rằng ngôn ngữ trong các bài báo nói về vụ bắt luật sư Lê Công Định được sử dụng một cách “thận trọng.”

Một số ý kiến khác cho rằng, nội dung những bài viết trên báo chí Việt Nam “mô tả luật sư Lê Công Định như là thành viên của tổ chức này, tổ chức kia” thông qua sự sắp xếp các sự kiện chỉ cho thấy luật sư này “bày tỏ những ý kiến không đồng nhất với quan điểm chính thống của Nhà Nước.”

Luật sư Định bị bắt khẩn cấp theo Điều 88, Bộ Luật Hình Sự của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, trong đó qui định tội danh tuyên truyền chống phá Nhà Nước. Ý kiến nhận định trong và ngoài nước cho đến nay vẫn xem Điều 88 là bất hợp lý, vi phạm quyền tự do ngôn luận được chính Hiến Pháp Việt Nam qui định.

Biến phiên tòa thành diễn đàn tuyên truyền

Báo chí trong nước viết rằng, trong số các hoạt động của Luật Sư Định, có cả việc “lợi dụng bào chữa cho một số đối tượng chống đối … để thực hiện ý đồ biến các phiên tòa thành diễn đàn tuyên truyền chống chế độ, xuyên tạc Hiến pháp, pháp luật, lên án chính quyền Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.”

Điều này khiến một số luật sư trong nước bày tỏ thái độ hoài nghi vì cho rằng công việc bào chữa của luật sư trong tương lai sẽ gặp rủi ro; và nội dung bào chữa có thể được dùng để chống lại chính luật sư ấy, khi cần thiết.

Bày tỏ bất đồng quan điểm là bôi nhọ Nhà Nước

Một nội dung khác cũng nói luật sư Lê Công Định tham gia “viết bài bôi nhọ một số lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, trong đó tập trung vào Thủ Tướng.” Điều này có nghĩa, những ý kiến bày tỏ sự không đồng ý, cho dầu là bày tỏ công khai, có thể bị xem là “bôi nhọ lãnh đạo.” Và sự “bôi nhọ” này, thay vì có thể giải quyết bằng một vụ kiện mang tính dân sự, đã phải được giải quyết bằng một đội ngũ công an cùng sự dọn đường dư luận của báo chí.

Phát biểu từ Sài Gòn, một người bạn của luật sư Lê Công Định là tiến sĩ Nguyễn Vân Nam, chuyên viên về luật cạnh tranh, luật sở hữu trí tuệ, luật tổ chức Nhà Nước và Công Pháp Quốc Tế, nói rằng ông thấy “ngạc nhiên và buồn” trước vụ bắt luật sư Định. Tiến Sĩ Nguyễn Vân Nam cũng nói, hành động bắt luật sư Lê Công Định là “không có lợi cho Chính Phủ Việt Nam trong thời điểm hiện nay.”

“Tôi cảm thấy buồn vì hiện đất nước Việt Nam vẫn còn nhiều điều nóng bỏng mà toàn dân, Quốc Hội, cùng Chính Phủ phải quan tâm để ý. Không việc gì phải bắt một luật sư, một trí thức được nhiều người trong và ngoài nước biết đến như Luật Sư Lê Công Định. Việt Nam hiện nay không chỉ hội nhập kinh tế, mà còn muốn xây dựng một Nhà Nước pháp quyền. Tức là chúng ta ý thức được rằng việc hội nhập này là tiếp thu những giá trị nền tảng tinh thần của cả nhân loại. Trong đó đặc biệt có quyền tự do phát biểu ý kiến, tự do ngôn luận.”

Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam cũng bày tỏ, rằng việc bắt luật sư Định trong hoàn cảnh hiện nay có thể “khiến quốc tế nghi ngại.” Trong khi Việt Nam còn nhiều việc phải bàn, đặc biệt là vấn đề biên giới trên biển, khủng hoảng kinh tế, thì tại sao Việt Nam “để ý tập trung bắt một trí thức có những phát biểu có thể ngược lại quan điểm chính thống?”

Là một luật sư nổi tiếng tại Việt Nam, ông Lê Công Định có nhiều phát biểu thẳng thắn, công khai với giới truyền thông trong và ngoài nước về nhiều lãnh vực khác nhau.

Bài viết “Vào Cuộc Cạnh Tranh Toàn Cầu,” đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 25 tháng Hai, 2006, nói rằng những phát biểu thẳng thừng, “đôi khi gay gắt” của Luật Sư Định trong lãnh vực pháp lý “khiến không ít người khó chịu.”

Chẳng hạn, trong bài viết “Vai Trò Xây Dựng Án Lệ của Tòa Án,” luật sư Lê Công Định nói thẳng, rằng “Hệ thống tòa án Việt Nam hiện tại được tổ chức và vận hành thuần túy như một thành phần của bộ máy công quyền hơn là cơ quan tư pháp với vai trò duy trì công lý trong một cộng đồng có nhiều quyền lợi đa dạng. Tuy hành xử quyền tài phán, một trong ba quyền nền tảng của hệ thống quyền lực quốc gia, tòa án lại hoạt động như một cơ quan hành pháp, và các thẩm phán cũng chỉ đơn thuần là những công chức mẫn cán của bộ máy công quyền đó.”

Luật sư Lê Công Định bị Cục An ninh Điều tra, Bộ Công an Việt Nam, thực hiện lệnh bắt khẩn cấp bắt trưa ngày 13 tháng 6 vì có dấu hiệu phạm hai tội “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”

(Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Prominent-lawyer-le-cong-dinh-arrested-in-saigon-for-intending-to-overthrow-the-people-government-tgiao-06142009121705.html)