TÂY NGUYÊN GIÁO LÝ KÝ SỰ
Tôi khăn gói lên Tây nguyên những ngày mưa mùa hè còn ẩm ướt khó chịu. Tôi cứ tò mò với anh “già làng” có tên gọi Cường Ski mến khách và những anh em nồng nhiệt, niềm nở. Tôi cũng háo hức muốn biết những khu Toà Giám Mục Tây Nguyên nổi tiếng đậm sắc thái văn hoá, uy nghi và trầm lắng. Và lòng cũng bồi hồi với “phố núi cao, phố núi đầy sương”, nơi tôi chỉ mới biết qua thi ca và âm nhạc, nơi có bụi đỏ mịt mù trong truyện ngắn Hoàng Ngọc Tuấn, và sắp tới đây sẽ là nơi tôi được trao đổi và lắng nghe các soeurs Phaolô về giáo lý.
Chuyến xe tốc hành xé màn mưa, xuyên qua những khu rừng và chen vào trong bụi đường mù mịt. Ngoại trừ vài khu thị tứ sầm uất, còn lại suốt cả ngày xe chạy qua những đoạn đường vắng vẻ, gồ ghề khúc khuỷu. Quế Phương mệt mỏi trên cả quãng đường dài xe dằn lắc nên không còn hơi sức nhìn ngắm quang cảnh chung quanh. Còn tôi thì cố ngắm và thu vào trong tâm trí những cảnh vật mà mình có thể thấy được. Dọc đường là những ngôi nhà nhỏ, lặng lẽ, có những nơi nhà là những chòi lá sơ sài. Đời sống đa số người dân dường như chịu đựng nhiều hơn hưởng thụ và trong cái hoang tàn ấy, dường như con người chưa có cơ hội thể hiện siêu việt tính của mình, siêu việt tính mà Đấng Tạo Hoá phú vào cho họ cùng với công trình sáng tạo và cứu chuộc nhiệm mầu. Ngắm những ngôi nhà lá hoang tàn giống như vô chủ lấp ló trong các khóm cây cùng những bóng người chậm chạp lầm lũi bước đi, tôi thầm nghĩ không biết ánh sáng Tin Mừng đã chiếu đến với họ hay chưa, và nếu Tin Mừng đã gieo vào lòng đất ấy, liệu có cơ may nẩy mầm và mọc lên tươi tốt? Gai và chông quá nhiều.
Một địa danh bất ngờ đập vào mắt tôi khi xe đang lên cao nguyên: Nhân Cơ. Nghe nhiều về địa danh này với bao ưu tư của người thời đại, tôi cố đưa mắt nhìn thật kỹ chung quanh. Vẫn là đất đỏ mênh mông. Không biết mai này đất có còn màu mỡ, cây có còn xanh tươi và nguồn nước có còn ngọt mát. Nhà thờ Nhân Cơ khiêm tốn ven đường. Tôi nhoài người nhìn cho rõ. Chỉ là có mái nhà và những hàng cột với những dãy ghế đơn sơ. Gần đến ngày của Chúa, khi dân Chúa họp mặt nguyện cầu, họ chẳng có được chỗ ngồi dễ chịu, chẳng có vách kín khi trời mưa gió. Chợt nghĩ đến những ngôi thánh đường còn đẹp và chắc chắn nơi thành phố Sàigòn. Những ngôi nhà thờ đẹp và chắc chắn ấy dần dần được phá đi để xây dựng lại, có thể cũng cần thiết đấy, nhưng liệu có cần bằng những ngôi nhà thờ như ở Nhân cơ hay các nhà thờ tạm bợ trên suốt quãng đường lên cao nguyên này?
Già làng hỏi tôi có thích đi bản Đôn chơi không. Tôi lại thích đến một giáo điểm nào đó, nhưng nghe nói xa quá nên thôi. Anh em lại hẹn nhau vào chào Đấng bản quyền của giáo phận. Phong thái cởi mở và nhanh nhẹn, nhiệt tình và quả quyết, nhất là lòng đạo thể hiện qua cách nói của ngài: quì bên Chúa Giêsu Thánh Thể, hãy sẵn sàng đi bước trước… khiến chúng tôi vui mừng và hy vọng Giáo Hội sẽ bước đi nhanh hơn nhờ Thánh Thần thúc đẩy.
Soeur Marie Xuân Lan đón tôi buổi chiều trong veo và lành lạnh trên phố núi. Và tiếp theo đó là ba ngày cùng các chị em khấn sinh khám phá những chiều kích mới mẻ và thực tiễn trong khoa huấn giáo, một khoa cực kỳ quan trọng và cần nhiều canh tân, vì đó là nhiệm vụ cấp bách thuộc bản chất của Hội Thánh. Huấn quyền của Hội Thánh và những hoạt động sư phạm cần thiết cho việc giảng dạy được mổ xẻ cùng với sự đóng góp chân tình, sôi nổi và đầy lòng mến của các soeurs vốn đã có kinh nghiệm giáo lý từ nhiều miền, nhiều xứ khác nhau đã cho tôi lắng nghe và học hỏi thêm nhiều ngoài những kinh nghiệm ít ỏi mình có để chia sẻ. Từ công việc giảng dạy giáo lý trong cuộc đời mình, người ta ngày càng cảm nghiệm tình yêu mà Đức Kytô dành cho những tâm hồn trẻ thơ, mầm non của Hội Thánh. Từ chia sẻ của các anh em mình gặp trên đường đi, tôi nhận ra sức sống mạnh mẽ của Hội Thánh trong chính thao thức của các giáo dân, những người giáo dân năng động nhiệt thành mà lắm khi các vị mục tử chưa có cơ hội tìm cách cộng tác. Và từ sự hăng hái, trẻ trung và lòng yêu mến Giáo Hội của các soeurs khấn sinh, tôi học thêm bài học mà Thánh Phaolô dạy: “Phaolô trồng, Apollo tưới, nhưng Thiên Chúa mới cho mọc lên” (1 Cr 3,6).
Xin Mẹ Lavang là Thầy dạy của chúng con, giúp chúng con cảm nhận ngày càng sâu sắc tình yêu của Con Mẹ dành cho chúng con, để chúng con nhiệt thành chia sẻ với các em tình yêu của Chúa mà không ngại ngùng hay mệt mỏi, dù cho có những lúc chúng con không tìm thấy sự nâng đỡ bên ngoài trong công tác tông đồ thầm lặng ấy. Xin Mẹ mãi mãi là sự nâng đỡ mạnh mẽ cho chúng con.
Tôi khăn gói lên Tây nguyên những ngày mưa mùa hè còn ẩm ướt khó chịu. Tôi cứ tò mò với anh “già làng” có tên gọi Cường Ski mến khách và những anh em nồng nhiệt, niềm nở. Tôi cũng háo hức muốn biết những khu Toà Giám Mục Tây Nguyên nổi tiếng đậm sắc thái văn hoá, uy nghi và trầm lắng. Và lòng cũng bồi hồi với “phố núi cao, phố núi đầy sương”, nơi tôi chỉ mới biết qua thi ca và âm nhạc, nơi có bụi đỏ mịt mù trong truyện ngắn Hoàng Ngọc Tuấn, và sắp tới đây sẽ là nơi tôi được trao đổi và lắng nghe các soeurs Phaolô về giáo lý.
Chuyến xe tốc hành xé màn mưa, xuyên qua những khu rừng và chen vào trong bụi đường mù mịt. Ngoại trừ vài khu thị tứ sầm uất, còn lại suốt cả ngày xe chạy qua những đoạn đường vắng vẻ, gồ ghề khúc khuỷu. Quế Phương mệt mỏi trên cả quãng đường dài xe dằn lắc nên không còn hơi sức nhìn ngắm quang cảnh chung quanh. Còn tôi thì cố ngắm và thu vào trong tâm trí những cảnh vật mà mình có thể thấy được. Dọc đường là những ngôi nhà nhỏ, lặng lẽ, có những nơi nhà là những chòi lá sơ sài. Đời sống đa số người dân dường như chịu đựng nhiều hơn hưởng thụ và trong cái hoang tàn ấy, dường như con người chưa có cơ hội thể hiện siêu việt tính của mình, siêu việt tính mà Đấng Tạo Hoá phú vào cho họ cùng với công trình sáng tạo và cứu chuộc nhiệm mầu. Ngắm những ngôi nhà lá hoang tàn giống như vô chủ lấp ló trong các khóm cây cùng những bóng người chậm chạp lầm lũi bước đi, tôi thầm nghĩ không biết ánh sáng Tin Mừng đã chiếu đến với họ hay chưa, và nếu Tin Mừng đã gieo vào lòng đất ấy, liệu có cơ may nẩy mầm và mọc lên tươi tốt? Gai và chông quá nhiều.
Một địa danh bất ngờ đập vào mắt tôi khi xe đang lên cao nguyên: Nhân Cơ. Nghe nhiều về địa danh này với bao ưu tư của người thời đại, tôi cố đưa mắt nhìn thật kỹ chung quanh. Vẫn là đất đỏ mênh mông. Không biết mai này đất có còn màu mỡ, cây có còn xanh tươi và nguồn nước có còn ngọt mát. Nhà thờ Nhân Cơ khiêm tốn ven đường. Tôi nhoài người nhìn cho rõ. Chỉ là có mái nhà và những hàng cột với những dãy ghế đơn sơ. Gần đến ngày của Chúa, khi dân Chúa họp mặt nguyện cầu, họ chẳng có được chỗ ngồi dễ chịu, chẳng có vách kín khi trời mưa gió. Chợt nghĩ đến những ngôi thánh đường còn đẹp và chắc chắn nơi thành phố Sàigòn. Những ngôi nhà thờ đẹp và chắc chắn ấy dần dần được phá đi để xây dựng lại, có thể cũng cần thiết đấy, nhưng liệu có cần bằng những ngôi nhà thờ như ở Nhân cơ hay các nhà thờ tạm bợ trên suốt quãng đường lên cao nguyên này?
Già làng hỏi tôi có thích đi bản Đôn chơi không. Tôi lại thích đến một giáo điểm nào đó, nhưng nghe nói xa quá nên thôi. Anh em lại hẹn nhau vào chào Đấng bản quyền của giáo phận. Phong thái cởi mở và nhanh nhẹn, nhiệt tình và quả quyết, nhất là lòng đạo thể hiện qua cách nói của ngài: quì bên Chúa Giêsu Thánh Thể, hãy sẵn sàng đi bước trước… khiến chúng tôi vui mừng và hy vọng Giáo Hội sẽ bước đi nhanh hơn nhờ Thánh Thần thúc đẩy.
Soeur Marie Xuân Lan đón tôi buổi chiều trong veo và lành lạnh trên phố núi. Và tiếp theo đó là ba ngày cùng các chị em khấn sinh khám phá những chiều kích mới mẻ và thực tiễn trong khoa huấn giáo, một khoa cực kỳ quan trọng và cần nhiều canh tân, vì đó là nhiệm vụ cấp bách thuộc bản chất của Hội Thánh. Huấn quyền của Hội Thánh và những hoạt động sư phạm cần thiết cho việc giảng dạy được mổ xẻ cùng với sự đóng góp chân tình, sôi nổi và đầy lòng mến của các soeurs vốn đã có kinh nghiệm giáo lý từ nhiều miền, nhiều xứ khác nhau đã cho tôi lắng nghe và học hỏi thêm nhiều ngoài những kinh nghiệm ít ỏi mình có để chia sẻ. Từ công việc giảng dạy giáo lý trong cuộc đời mình, người ta ngày càng cảm nghiệm tình yêu mà Đức Kytô dành cho những tâm hồn trẻ thơ, mầm non của Hội Thánh. Từ chia sẻ của các anh em mình gặp trên đường đi, tôi nhận ra sức sống mạnh mẽ của Hội Thánh trong chính thao thức của các giáo dân, những người giáo dân năng động nhiệt thành mà lắm khi các vị mục tử chưa có cơ hội tìm cách cộng tác. Và từ sự hăng hái, trẻ trung và lòng yêu mến Giáo Hội của các soeurs khấn sinh, tôi học thêm bài học mà Thánh Phaolô dạy: “Phaolô trồng, Apollo tưới, nhưng Thiên Chúa mới cho mọc lên” (1 Cr 3,6).
Xin Mẹ Lavang là Thầy dạy của chúng con, giúp chúng con cảm nhận ngày càng sâu sắc tình yêu của Con Mẹ dành cho chúng con, để chúng con nhiệt thành chia sẻ với các em tình yêu của Chúa mà không ngại ngùng hay mệt mỏi, dù cho có những lúc chúng con không tìm thấy sự nâng đỡ bên ngoài trong công tác tông đồ thầm lặng ấy. Xin Mẹ mãi mãi là sự nâng đỡ mạnh mẽ cho chúng con.