Căn cước tính đời Linh Mục

Từ khi Chúa Giêsu kêu gọi 12 Tông đồ và truyền chức Linh mục cho họ trong Bữa Tiệc ly trước khi chịu đau khổ vác thập gía cho tới bây giờ, đời sống Giáo Hội Chúa đã trải qua hơn hai ngàn năm trên trần gian. Trong dòng thời gian này, Chúa vẫn hằng phát đi tiếng kêu gọi con người sống dấn thấn làm việc cho khu vườn đức tin của Chúa trong vai trò chức vụ Linh mục. Và số người ( trẻ ) đáp lại tiếng Chúa kêu gọi luôn luôn liên tục khi lên cao điểm, khi khủng hoảng xuống thấp trong đời sống Giáo Hội.

Những người trẻ đáp lại tiếng Chúa kêu gọi với lòng nhiệt tâm hăng say phấn khởi. Nhưng không vì thế mà họ không gặp khó khăn thử thách khi chọn muốn sống dấn thân theo tiếng ơn kêu gọi làm linh mục. Đến khi họ đạt đến đích điểm trở thành Linh mục, đời sống cũng không đơn gỉản đi phần nào. Trái lại có phần phức tạp hơn, nhiều thách đố khó khăn hơn. Vì linh mục phải chiến đấu với chính bản thân mình, với những dằng co về bản tính con người, với khung cảnh văn hóa đời sống xã hội sao cho nhân bản tình người, sao cho xứng hợp trung thành với lời đoan hứa ngày chịu chức Linh Mục: Adsum! – Này con đây, xin sẵn sàng !

Và trong thinh lặng khi suy nghĩ về chức Linh mục, họ cũng không khỏi gặp nhiều thắc mắc, bỡ ngỡ, đôi khi lúng túng không biết rõ thế nào là bản chất đích thực con người Linh mục.

1.Tấm thẻ căn cước

Ngày nay mọi người ở mọi đất nước, ai cũng có thẻ căn cước, thẻ chứng minh nhân dân. Không có tấm thẻ này, bị kể là người bất hợp pháp, không có quyền công dân trong đất nước đó. Trong các hãng xưởng cũng thế, không có thẻ này không thể vào trong hãng được. Còn Linh mục, sau khi trở thành Linh mục cũng nhận được tấm thẻ căn cước Linh mục do tòa Gíam Mục cấp chứng nhận.

Phải chăng Linh mục cũng cần thẻ căn cước chứng minh là Linh mục? Trong trường hợp hồ nghi hay thanh tra kiểm soát, tấm thẻ này là giấy tờ chứng minh cần thiết.

Như vậy, phải chăng tấm thẻ này chứng minh tất cả: Ông là Linh mục ? Không hẳn là như thế. Vì con người không thể đơn giản chứng minh bằng một tờ giấy chứng thư. Bản chất con người còn sâu xa, lớn hơn, có gía trị cao qúy hơn tấm thẻ căn cước nhiều.

Vậy đâu là căn cước tính đời linh mục?

2. Tôi là ai?

Đây là thắc mắc có lẽ từ khi Chúa Giêsu lập chức Linh mục, và người ta sẽ còn thắc mắc mãi về vấn đề này trong dòng thời gian. Thắc mắc này cũng có thể phản ảnh cơn khủng hoảng về chức Linh mục hiện nay bên xã hội phương tây. Nhưng thắc mắc này cũng là nhu cầu nội tâm của con người, khi họ suy nghĩ hồi tâm về cuộc đời linh mục của mình. Thắc này theo tôi nghĩ là câu hỏi: Tôi là ai? Tôi là gì?

Câu trả lời cho thắc mắc này mang nhiều sắc thái khác nhau. Nếu theo khả năng sức lực, câu trả lời sẽ bao hàm những gì ta có cùng có thể làm được, như khả năng ăn nói, viết lách, giảng dạy, điều khiển tổ chức, có sức hấp dẫn thu hút người khác…

Nếu theo căn cứ bản chất con người, câu trả lời sẽ không căn cứ trên những gì có ( habeo). Tôi không thể trả lời tôi là linh mục, vì tôi có chức Linh mục, đồng nghĩa với những năng quyền Chúa và Giáo Hội ban cho tôi! Câu trả lời như thế giáo điều và qúa đơn giản. Nhưng phải căn cứ trên một nền tảng khác. Nền tảng đó là bản chất (esse) con người của ta.

Làm thế nào tôi nhận ra bản chất con người của tôi? Câu hỏi này có liên quan đến nền tảng đức tin. Và như thế không thể tìm được câu trả lời từ chính tôi. Vì đời sống tôi không bắt nguồn từ tôi. Nhưng nguồn đó ở trên tôi, tận trong tâm hồn tôi, và là cùng tận đời tôi, là Alpha và Omega.

Nguồn đó là nhân vị đời tôi. Đã là nhân vị, tôi không thể nào tự mình qua gắng sức, qua tài khéo léo thành tích cá nhân hay bằng cấp sản xuất làm ra được.

Nhân vị đời tôi, tôi nhận được từ Nguồi đó. Và ngoài Nguồn đó, không ai là con người như tôi, có thể cho tôi điều đó được.

3. Ego eimi – chính là tôi!

Trước tòa xét xử, khi bị chất vấn về căn cước tính con người của Chúa Giêsu: Ông có phải là Giêsu thành Nazareth, Ông có phải là Đấng Cứu thế, con Thiên Chúa không? Chúa Giêsu luôn luôn khẳng định: Ego eimi – Phải chính là tôi đây! (Mc 14,61-62; Ga 4,25-26; 18,5-8).

Người bị mù lòa từ khi lọt lòng mẹ vẫn ngồi ăn xin trứơc cửa đền thờ, sau khi được Chúa Giêsu chữa cho lành bệnh sáng mắt trở lại - nhân vị con người được trả lại – đã nhất mực trả lời cho những người nghi ngờ căn cước tính của mình: Ego eimi - Phải chính là tôi đây!, chứ không người nào khác giống tôi đâu! …Tôi biết ơn và tuyên xưng niềm tin vào Ông Giêsu, là Thiên Chúa. Chính Ông ta đã chữa cho tôi lành bệnh sáng mắt trở lại (Ga 9,1-40).

Ông Phero đã đánh mất căn cước tính con người của mình khi Ông chối bỏ không thuộc về Chúa Giêsu, khi bị một người canh cổng chất vấn: ouk eimi – Không tôi không thuộc về Ông ta! Tôi không biết Ông ta là ai!

Chối bỏ như thế, Ông đã đánh mất mối liên hệ với Chúa Giêsu, Thầy của mình. Và vì thế căn cước tính của Ông cũng bị mất. Nhưng sau khi mối liên hệ Thầy trò được nối lại trở lại qua ánh mắt nhìn của Thầy Giêsu, cùng lòng ăn năn hối lỗi của mình, Ông đã tìm lại được điều Ông đã đánh mất: căn cước tính của mình. ( Lc 22,54-62).

Như thế, có thể nói, căn cước tính con người của linh mục, chính là người tin theo Chúa Giêsu cho dù những yếu đuối tội lỗi, khiếm khuyết thua kém…trong mọi hoàn cảnh vẫn một mực không chối bỏ Ngài.

Cho dù trí tuệ không hiểu biết gì nhiều về Ngài. Nhưng vẫn một lòng trung thành với Ngaì.

Cho dù gặp khó khăn cô đơn, bị thử thách hiểu lầm trong đời sống hay đức tin bị lung lay hồ nghi về Thầy Giêsu của mình, vẫn luôn tin rằng Thầy Giêsu là nguồn nhân vị đời ta, và Ngài không bỏ rơi ta, như trường hợp người mù lòa được chữa lành và Ông Phero.

Thần học gia Tin Lành D. Bonhoeffer trong ngục tù thời Đức quốc xã, khi suy nghĩ về căn cước tính con người của mình, đã thốt tâm tình thành lời cầu nguyện: „Wer ich auch bin, Du kennst mich, Dein bin ich, O Gott - Lạy Chúa, là cha đời con, Cha biết con là ai, dẫu thế nào con vẫn thuộc về Cha!“

4. Amor ergo sum!

Đó là chiều hướng thượng giữa Linh mục với Chúa. Nhưng linh mục còn đang sống trên mặt địa cầu với mọi người, họ cũng là con Chúa như ông. Vậy thế đâu là căn cước tính con người linh mục, một thụ tạo của Thiên Chúa có thân xác và trí khôn?

Câu định nghĩa thời danh Amor ergo sum! Tôi được yêu, vì thế tôi có mặt! có thể giúp nhận chân ra căn cước tính con người của linh mục trong đời sống xã hội con người.

Được Chúa yêu thương kính trọng trong cộng đồng Giáo Hội như bao anh chị em khác qua Bí tích Rửa tội, linh mục cùng liên kết với mọi người tín hữu Chúa Kitô trong đức tin, qua ân đức của Thiên Chúa. Linh mục luôn mãi là người đã nhận lãnh làn nước Bí tích rửa tội, và tin vào Thiên Chúa như các người tín hữu Chúa Kitô khác đã cùng lãnh nhận làn nước bí tích rửa tội. Đó là điều quan trọng hơn hết và là chức Linh mục căn bản.

Nếu niềm tin này, chức Linh mục này không bén rễ sâu, không phát triển trong tâm hồn, thiết tưởng những gì gọi là việc làm của người có chức linh mục trong Giáo Hội cơ chế hữu hình, sẽ thiếu nền tảng và sai lạc hướng.

5. Niềm hy vọng

Công đồng Vatican thứ hai đã định nghĩa căn cước tính cho việc mục vụ của Giáo Hội Chúa Giêsu ở trần gian: „ Vui mừng và hy vọng, buồn sầu và lo âu của con người ngày hôm nay, nhất là của người nghèo khổ, bị ruồng bỏ quên lãng, cũng là niềm vui, hy vọng nỗi lo buồn của Môn đệ Chúa Kitô. Không thể nói là nhân bản, khi những ưu tư này không bén rễ tận trong tâm hồn, và không gây được âm hưởng nơi tâm hồn ngưòi đối diện. Cộng đồng dân Chúa được thành hình do con người cùng liên kết với nhau trong đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, vào Chúa Thánh Thần và họ đang cùng nhau trên đường về quê hương trên trời nơi Thiên Chúa Cha ngự trị…“ ( Constitutio Pastoralis de Ecclesia in mundo huius temporis – prooemium Nr.1)

Cuộc sống linh mục lẽ tất nhiên phải hướng lên trời cao, nhưng không được quên mình đang còn sống trên đường lữ hành với mọi người. Trước mặt Chúa, linh mục cũng là con số không với hai bàn tay trắng, và còn đang sống sinh hoạt trong khung cảnh văn hóa, phong tục tập quán của con người thời đại.

Cuộc sống mục vụ mà thiếu chiều kích nhân bản tình người, thiết tưởng không những không làm nhân chứng loan truyền Tin Mừng của Chúa có hiệu qủa tốt cho con người, mà còn gây ra những hiểu lầm gây thiệt hại nữa.

Đời sống linh mục mà chỉ dựa trên cảm tính, như được kính trọng, được xưng hô là người quan trọng có quyền hành, là người nghĩ rằng một mình làm được hết mọi chuyện, và cho đó là căn bản yếu tính của linh mục, thiết tưởng không mang lại lợi ích tinh thần giúp xây dựng đức tin gì cho con người.

Có câu chuyện ngụ ngôn kể lại: “ Vào một ngày trong tháng năm, trên bầu trời trong xanh yên gió, chim chóc tung cánh bay lượn ca hót líu lo. Thình lình xưất hiện một con chim đại bàng bay chao đi chao lại giữa không trung. Chú chim đại bàng lật trở mình nằm ngửa giơ hai chân lên trời, hai cánh dương ra để giữ thăng bằng giữa khoảng không gian lơ lửng…

Chú cò bay ngang thấy vậy, lấy làm lạ dừng lại ngắm nhìn và lên tiếng nói: Này lão tiền bối! Ngài đang giở thế võ công gì vậy kỳ lạ qúa. Tôi chưa thấy sự này bao giờ. Lão tiền bối còn sống hay đã chết mà sao nằm ngữa lơ lửng giữa trời như vậy?

Chú chim đại bàng mắt lim dim trong tư thế nằm ngửa ngó lên trời cao lên tiếng đáp lại: Ta đâu có chết mà nhà người phải lo, phải hỏi như thế!

Chú cò hỏi lại: Thế sao lão tiền bối lại nằm ngửa giơ chân cẳng vó ngựa lên trời vậy?

Chú chim đại bàng huênh hoang đối lại: Nhà người không nhìn thấy ta đang làm gì đó sao. Ta đang trong tư thế giương hai chân ra chống đỡ bầu trời. Vì nếu ta không làm như thế, bầu trời sẽ xập xuống và chúng ta cùng mọi loài sẽ chết toi!

Vừa nói xong những lời tự cao tự đại, bỗng dưng cơn dông gío to từ đàng tây kéo tới. Cây cối uốn mình theo chiều gió nghiêng ngả tứ phía bật gốc rễ, cành lá bay rơi rụng khắp nơi… Thế là chú đại bằng hoảng hốt co cụp đôi chân lại, lật xấp trở mình theo tư thế bình thường, và vụt đôi cánh bay biến mất đáp xuống lùm bụi cây bụi rậm gần đó để ẩn thân…

Chú đại bàng bay đi mất dạng không còn ai chống đỡ bầu trời như chú nghĩ tưởng. Nhưng bầu trời vẫn đứng vững bao che vạn vật từ thuở tạo thiên lập địa, dù có phải trải qua bao cơn giông bão gió lớn…”

Nếu Tin Mừng của Chúa là niềm hy vọng cho con ngưòi, thì linh mục người loan báo tin mừng đó phải là chứng nhân sống niềm vui, niềm hy vọng cho người khác.

***

Linh mục trong Giáo Hội Công giáo Roma theo nghi lễ Latinh buộc giữ đời sống theo luật độc thân không lập gia đình. Xưa nay hầu như luôn có tranh cãi, phải chăng luật độc thân linh mục cũng thuộc về ăn cước tính của linh mục, nên linh mục phải sống như thế?

Điều này không là như thế. Luật linh mục sống độc thân đã có một truyền thống lâu dài trong Giáo Hội. Luật này do Giáo Hội Công Giáo đặt ra ngay từ thời thế kỷ thứ tư và từ thế kỷ thứ 11. dưới thời các Đức giáo hoàng Leo thứ 9, đức giáo hoàng Victor thứ hai và đức giáo hoàng Gregor thứ bảy đã luôn khẳng định lại nhiều lần, cùng ra những chỉ thị chặt chẽ về luật buộc này với tất cả mọi giáo sỹ trong Giáo Hội Công Giáo Roma.

Luật linh mục sống giữ độc thân, tuy không là bản chất của chức Linh mục, nhưng vừa là kỷ luật của Giáo Hội, vừa là nếp sống tu đức cùng mục vụ đời sống Linh mục.

Nếp sống nào cũng cần phải có kỷ luật, cần phải có hướng sống dấn thân hy sinh. Bậc sống Linh mục rao giảng làm nhân chứng cho nước trời, cùng làm việc mục vụ hướng dẫn tinh thần đạo gíao ban các phép Bí tích, cần nếp sống tu đức hy sinh ngay từ nơi bản thân của linh mục là điều cần thiết. Điều này mang lại hiệu qủa thiêng liêng cho chính bản thân linh mục và uy tín với người tín hữu trong Giáo Hội.

Sống độc thân là một từ bỏ hy sinh trong đời sống của một con người. Nhưng Linh mục chấp nhận và sống trung thành với kỷ luật độc thân đời linh mục là góp phần gìn giữ căn cước tính đời linh mục, cùng nói lên tình yêu mến gắn bó với Ơn kêu Gọi của Chúa cùng Giáo Hội của người ở trần gian.

Điều này thuộc lãnh vực tinh thần thiêng liêng như lạ thường khó hiểu với tâm trí con người chúng ta. Nhưng David Ben Gurion có suy tư: « Người nào không tin vào điều lạ thường, họ không biết đến thực tại. »

Năm Linh Mục 2009-2010