Chia sẻ với em
ĐỨC ÁI
CỦA
LINH MỤC CHÚA KI-TÔ
ĐỨC ÁI
CỦA
LINH MỤC CHÚA KI-TÔ
Em thân mến,
Để kỷ niệm 150 năm ngày qua đời của thánh Gioan Maria Vianney cha sở họ Ars, bổn mạng của các cha sở, Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI tuyên bố từ ngày 19.6.2009 đến 19.6.2010 là năm đặc biệt: “Năm Linh Mục”, ngài nói: ”Để tạo điều kiện thuận lợi cho các linh mục hướng về sự trọn lành thiêng liêng là điều mà hiệu năng sứ vụ của các vị lệ thuộc, tôi quyết định mở năm đặc biệt “Năm Linh Mục.”
Và mới cách đây đúng một tuần, có câu hỏi của một bạn sinh viên Hà Nội muốn đi tu làm linh mục để phục vụ Chúa, nhưng anh bạn sinh viên này cảm thấy buồn và lúng túng khi thấy một vài linh mục sống không có đức bác ái, nghĩa là theo như bạn ấy nói, thì cha sở của bạn rất quan liêu, giáo dân không nhìn thấy đức ái nơi cha sở của mình, không những quan liêu, mà ngài còn nạt nộ hách dịch, xa cách và sống như một ông vua, ngài không những vun vén cho cá nhân mà còn gia đình của ngài nữa. Và anh bạn sinh viên này ngán ngẫm quá, và hỏi anh bây giờ phải làm thế nào, có nên đi tu làm linh mục không, hay là lập gia đình mà sống tốt hơn với Chúa Giê-su ?
Câu hỏi này cũng như câu hỏi của em về chuyện có một số linh mục sống hình như sống không có đức bác ái, thì làm thế nào để rao giảng Phúc Âm được ?!
Nhân dịp “Năm Linh Mục” anh xin chia sẻ với em về “Đức Ái của linh mục Chúa Ki-tô” trong tập sách nhỏ này, hy vọng em và anh bạn sinh viên Hà Nội kia, cũng như tất cả các bạn trẻ nhìn thấy Đức Ái là nhân đức tuyệt vời của người Ki-tô hữu chúng ta, nhất là linh mục, những người đã dâng mình làm tôi Chúa...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
---------------------------------------
BÀI CA ĐỨC ÁI
“Giả như tôi có nói được các thứ tiếng
của loài người và của các thiên thần đi nữa,
mà không có đức mến,
thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng,
chũm chọe xoang xoảng.
Giả như tôi được ơn nói tiên tri,
và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu,
hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non,
mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.
Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí,
hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiệt thòi,
mà không có đức mến,
thì cũng chẳng ích gì cho tôi.
Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu,
không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,
không làm điều bất chính, không tìm tư lợi,
không nóng giận, không nuôi hận thù,
không mừng khi thấy sự gian ác,
nhưng vui khi thấy điều chân thật.
Đức mến tha thứ tất cả,
tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.
Đức mến không bao giờ mất được.
Ơn nói triên tri ư ? Cũng chỉ nhất thời.
Nói các tiếng lạ chăng ? Có ngày sẽ hết.
Ơn hiểu biết ư ? Rồi cũng chẳng còn...” (1 Cr 13, 1-8...)
“Giả như tôi có nói được các thứ tiếng
của loài người và của các thiên thần đi nữa,
mà không có đức mến,
thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng,
chũm chọe xoang xoảng.
Giả như tôi được ơn nói tiên tri,
và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu,
hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non,
mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.
Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí,
hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiệt thòi,
mà không có đức mến,
thì cũng chẳng ích gì cho tôi.
Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu,
không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,
không làm điều bất chính, không tìm tư lợi,
không nóng giận, không nuôi hận thù,
không mừng khi thấy sự gian ác,
nhưng vui khi thấy điều chân thật.
Đức mến tha thứ tất cả,
tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.
Đức mến không bao giờ mất được.
Ơn nói triên tri ư ? Cũng chỉ nhất thời.
Nói các tiếng lạ chăng ? Có ngày sẽ hết.
Ơn hiểu biết ư ? Rồi cũng chẳng còn...” (1 Cr 13, 1-8...)
Em thân mến,
Trên đây là bài ca Đức Ái (đức mến) của thánh Phao-lô tông đồ, đây cũng đã là một đề tài suy tư sâu xa cho các nhà thần học và tu đức học trong Giáo Hội, bởi vì nó chứa đựng một giáo lý mới dựa vào luật mới của Chúa Giê-su: luật yêu thương. Chính thánh Phao-lô đã cảm nghiệm được điều ấy với tất cả gian nan vất vả mà ngài phải chịu vì danh Chúa Giê-su, chính ngài là vị tông đồ đầu tiên đem tình yêu của Chúa Giê-su đến cho dân ngoại, tình yêu đó chính là tình yêu thập giá, tình yêu vượt qua đau khổ và sự chết của Chúa Giê-su, và chính ngài –thánh Phao-lô- cũng đã vì tình yêu ấy mà tự nguyện hy sinh tất cả để danh của Chúa Ki-tô được mọi người biết đến.
Ngài đã cảm nghiệm được Đức Ái chính là nền tảng căn bản để chúng ta nhìn thấy Chúa Giê-su nơi mọi người, và nhờ Đức Ái mà người ta nhận biết chúng ta là người Ki-tô hữu, như lời Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ của mình trong bữa tiệc ly: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13, 3-5)
Người anh em mà Chúa Giê-su nói đây không phải là anh, là em và những người đã tin vào Ngài và đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội sao ? Chắc chắn là như thế.
Nhưng người anh em mà Chúa Giê-su nhấn mạnh và cách riêng trong bữa ăn cuối cùng (tiệc ly) của Ngài với các môn đệ (đây chính là lúc Ngài thiết lập bí tích Truyền Chức Thánh), tức là các linh mục của ngày hôm nay, linh mục của Tân Ước, tức là linh mục của Chúa Giê-su Ki-tô.
Trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, Chúa Giê-su đã nhắn nhủ cách riêng với các môn đệ của mình rất nhiều điều, và tất cả những điều ấy đều quy về một chữ “Yêu”, tức là Đức Ái, hay còn gọi là đức mến. Bởi vì Chúa Giê-su biết rằng, chỉ có yêu thương mới hoán cải được tâm hồn của người khác, chỉ có yêu thương mới làm cho người khác nhận ra Ngài trong tha nhân, mà bản sao yêu thương của Chúa Giê-su chính là các môn đệ của Ngài, tức là các tông đồ, các giám mục và linh mục của Ngài ngày hôm nay.
Do đó, Đức Ái (đức mến) của các linh mục –dù cho ở thời đại nào- thì vẫn cứ là đức ái của Chúa Giê-su, tức là một đức ái lấy hy sinh làm chuẩn mực cho cuộc sống của mình.
GIÁO HỘI VÀ ĐỨC ÁI
Giáo Hội định nghĩa Đức Ái (mến) như sau: “Đức Ái là một nhân đức đối thần, nhờ đức ái mà chúng ta vì chính Thiên Chúa, mà vừa yêu Ngài vượt trên vạn vật, vừa vì nguyên nhân yêu mến Thiên Chúa mà yêu thương người như chính mình.”( Sách GLCG (Taiwan) 1882.) Và Giáo Hội hơn hai ngàn năm nay đã nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động và hướng dẫn, mà đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng yêu thương của Chúa Giê-su, và được thừa hưởng gia tài vĩ đại và cao quý từ nơi Đấng đã vì yêu thương mà chết trên thập giá –Chúa Giê-su- mà Giáo Hội đã không ngừng rao giảng tình yêu của Ngài cho nhân loại.
Được chính Đấng khi bị đóng đinh trên thập giá đã cầu xin với Chúa Cha tha tội cho những kẻ giết mình, mà Giáo Hội đã không ngừng trở thành nơi nương tựa cho những người nghèo khó, cô đơn và bất hạnh...
Được chính Đấng đã tỏ lòng yêu thương, và hứa cho người trộm cướp bị đóng đinh ở bên hữu Ngài vào nước thiên đàng, mà Giáo Hội đã không những luôn dang rộng đôi tay để đón nhận những người con lầm lạc trở về với gia đình, mà Giáo Hội còn không ngừng lên tiếng bênh vực những người yếu đuối trong xã hội...
Tất cả những điều mà Giáo Hội đã và đang làm ấy đều vì luật mới của Chúa Giê-su là yêu thương, và thế gian sẽ nhận biết Giáo Hội là gia đình của Chúa Giê-su khi mọi người biết yêu thương nhau, tức là khi mỗi người biết thực hành đức ái với tất cả mọi người, bởi vì như lời thánh Phao-lô tông đồ đã nói: không có Đức Ái thì tất cả những việc mà Giáo Hội làm đều là không không, chẳng là gì cả, bởi vì đức ái chính là cốt lõi của lề luật mới, luật yêu thương.
Qua mọi thời đại, và ngay từ buổi sơ khai, Giáo Hội đã và luôn thực hành Đức Ái với hết mọi người, tất cả mọi sự đều là của chung và phân phát cho mọi người tùy theo nhu cầu của các tín hữu, sẽ không có kẻ ăn dư thừa người thiếu thốn, bởi vì Đức Ái được Chúa Thánh Thần luôn khơi dậy trong lòng người tín hữu, và họ đồng tâm nhất trí cầu nguyện với nhau và dùng bữa với nhau.
Bởi vì Đức Ái là hoa quả của Chúa Thánh Thần, nên nó sinh ra rất nhiều hoa trái khác cho Giáo Hội, và cho những ai thành tâm thiện chí yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, mà những hoa trái của Đức Ái là: niềm vui, bình an và lòng từ bi.
Vì lệnh truyền của Chúa Giê-su là hãy thực thi Đức Ái với tha nhân, mà trong đại gia đình Giáo Hội của Chúa có rất nhiều các dòng tu được thành lập, trước hết là để loan truyền Tin Mừng của Chúa Giê-su đến cho mọi người, sau nữa là thực hành Đức Ái đối với mọi người nghèo trên khắp thế gian này, do đó mà tất cả các dòng tu hoặc tu hội, hoặc các hội đoàn của Giáo Hội được thành lập là đều vì Tin Mừng và vì Đức Ái của Chúa Giê-su. Đức Ái làm cho người khác dễ dàng nhận thấy Chúa Giê-su hiện diện cách sống động nơi người Ki-tô hữu, và nhờ đó mà họ càng thêm yêu mến Giáo Hội của Chúa hơn.
Thánh Phao-lô tông đồ đã khẳng định:
“Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí,
hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiệt thòi,
mà không có đức mến,
thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” ( 1 Cr 2, 44-47.)
Nếu như các dòng tu hay tu hội đem tất cả tài sản của mình cho người nghèo, sai phái các thành viên của mình đi khắp thế gian để giảng đạo mà không có Đức Ái, thì cũng chẳng ích gì cho họ cả, bởi vì Đức Ái chính là tâm điểm mọi hoạt động tích cực để đưa người ta tìm đến Thiên Chúa.
LINH MỤC VÀ ĐỨC ÁI
Hơn bao giờ hết, thời đại ngày nay người ta đều nhìn vào cách sống của linh mục để dự đoán tương lai của giáo xứ, bởi vì một cha sở nhiệt thành với giáo xứ của mình, biết sống chan hòa với giáo dân của mình, thì chắc chắn giáo xứ ấy sẽ có sức sống và phát triển, bằng ngược lại, nếu giáo xứ nào có một cha sở chỉ biết làm lễ mà thôi, thì giáo xứ ấy sẽ tan nát, nếu không tan nát thì giáo dân cũng sẽ chia năm xẻ bảy, vì cha sở “không làm cha sở” mà chỉ làm lễ mà thôi. Và có lúc, người ta cũng nhìn linh mục của Giáo Hội, để chê bai hoặc khen ngợi Giáo Hội, bởi vì người ta biết rằng, linh mục chính là sợi giây liên kết chắc chắn giữa giáo dân và Giáo Hội, giữa con chiên và mục tử là Chúa Giê-su, và linh mục chính là người chuyển đạt thông ơn của Thiên Chúa cho giáo dân mỗi khi cử hành thánh lễ và các bí tích.
Dó đó, một linh mục tốt lành và được mọi người yêu mến, chính là một linh mục mà đức ái vượt qua cả chức thánh mà mình đã lãnh nhận.
Đức Ái vượt qua chức thánh nghĩa là các ngài không coi chức thánh như là bàn đạp để tiến thân, không coi chức thánh như là một “bảo bối” để ăn trên ngồi trước, để làm “cha” thiên hạ, bởi vì chức thánh vốn là luôn được mọi người kính trọng, nhưng các ngài để Đức Ái của Chúa Giê-su chiếm hữu tâm hồn của mình, và tỏa lan ra đến với mọi người chung quanh mình qua cách sống, như Chúa Giê-su đã sống và đã chết vì Đức Ái đối với nhân loại tội lỗi vậy.
Đức Ái đối với linh mục như con mắt với con ngươi, như cơm với cá, như mẹ với con, như cá với nước, nghĩa là nếu một linh mục không có đức ái thì linh mục ấy như một thây ma (đã chết), mọi hoạt động của các ngài sẽ không sống động, sẽ không phát lửa yêu thương truyền sang cho người khác; nếu một linh mục không có Đức Ái thì ngài chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng, làm điếc tai nhức óc người khác mà thôi, và quan trọng hơn, chính các ngài sẽ trở thành những tảng đá lớn chặn đường không cho người ta đến với Chúa. Người ta có thể thông cảm và bỏ qua những lỗi lầm của một linh mục thông thái mà kiêu ngạo, nhưng người ta khó mà thông cảm và bỏ qua những hành động thiếu đức ái của linh mục, bởi vì đức ái là tâm điểm mọi bài giảng của linh mục, và là cốt lõi trong đời sống của người Ki-tô hữu.
Đức Ái của các linh mục được thể hiện qua cuộc sống của các ngài, mà giáo xứ là nơi mà các ngài biểu lộ đức ái cách rõ ràng nhất, bởi vì trong ngày lãnh nhận chức thánh, các tiến chức (phó tế) được đức giám mục xức dầu thánh trên hai bàn tay của mình, với ý nghĩa không những là để chúc lành thi ân giáng phúc của Chúa xuống cho mọi người mà thôi, nhưng mà còn là đôi bàn tay để thực hiện Đức Ái đối với tha nhân nữa, đôi bàn tay của các ngài vươn ra để nắm lấy bàn tay của người tội lỗi mà an ủi và tha thứ, đôi bàn tay ngài vươn ra để ban phát của ăn cho họ, như Chúa Giê-su đã làm khi Ngài còn ở thế gian này...
“Bác ái là đồng phục của người Ki-tô hữu”, bởi vì chính Đức Ái làm nổi bật hình ảnh của Chúa Giê-su nơi bản thân của người Ki-tô hữu. Và với các linh mục thì Đức Ái không những là đồng phục của các ngài, mà còn là áo giáp bảo vệ đức tin của người Ki-tô hữu khỏi những ích kỷ hưởng thụ của thế gian, và qua việc thực hành Đức Ái, mà các linh mục trở thành ngọn đèn sáng, dẫn đường cho giáo hữu đi trong một xã hội đầy những bóng đêm của ích kỷ và thù hận.
Do đó, Đức Ái của linh mục càng phải nổi bật hơn nữa trong một xã hội -mà hể những ai làm quan- thì trở thành cái mốc đàm tiếu cho người khác vì sự thiếu Đức Ái nơi họ.
Linh mục không phải là một chức tước hay một nghề nghiệp, nên linh mục càng phải thoát ra khỏi vòng “kềm kẹp” của ích kỷ và hưởng thụ, càng phải thoát ra khỏi vòng “kim cô” hơi hám của đồng tiền dưới bất cứ hình thức nào, để thong dong thực hành Đức Ái của mình với tha nhân, và nhất là với những người mà Giáo Hội trao trọng trách cho mình trông nom linh hồn của họ.
Linh mục cũng không phải là một vị thánh tại thế, nên ngài không thể bàng quang trước những nỗi đau khổ và bất hạnh của tha nhân để lo việc nhà Chúa, càng không phải cứ ngồi suốt ngày trong nhà thờ nhà xứ để cầu nguyện hoặc để đợi chờ giáo dân đến, nhưng ngài là một con người học làm thánh và làm những việc của thánh nhân ở thế gian này, cho nên ngài biết rõ việc làm Đức Ái rất cần cho việc nên thánh của ngài. Thánh Vincent de Paul đã dạy các đệ tử của mình rằng “cần phải bỏ Chúa để được Chúa.” Ngài giải thích câu này như sau: khi chúng ta đang đọc kinh nguyện ngắm mà có người muốn đến gặp chúng ta, thì lập tức chúng ta phải bỏ đi gặp họ ngay, dù đang đọc kinh nguyện ngắm, bởi vì khi chúng ta đi gặp họ thì không phải là chúng ta bỏ Chúa, nhưng là đem Chúa đến cho họ bằng việc quan tâm đến họ, đó chính là thực hành Đức Ái, và là gặp được Chúa nơi họ vậy.
Đức Ái đối với linh mục thì như cái võng bao trùm toàn bộ con người và việc làm của các ngài, hay nói các khác, Đức Ái như là cái lưới thiên la địa võng bao lấy cuộc đời của các linh mục, mà thật đúng như vậy, khi người ta gặp những điều bất hạnh thì họ sẽ thấy an ủi hơn khi tiếp xúc với linh mục, khi người ta cần sự bình an tâm hồn thì người ta tìm đến linh mục, và như thế, mọi công việc, mọi hoạt động của linh mục đều được bao trùm bởi Đức Ái của Chúa Giê-su, cũng như Chúa Giê-su đi đến đâu thì dân chúng vây quanh Ngài đến đấy để nghe Ngài giảng, để mong sờ vào gấu áo của Ngài cho được lành bệnh ( Mt 9, 20-22.), và nhất là để cảm nghiệm được Ngài chính là một lương y đầy lòng yêu thương và luôn chăm sóc đến họ.
Bởi vì thời nay, có một vài linh mục đi đến đâu thì giáo dân phải tránh, không phải vì họ coi thường ngài, mà vì mỗi lần gặp ngài thì nhất định là gợi ý: khi thì gợi ý ủng hộ nhà thờ làm gác chuông, khi thì ủng hộ nhà thờ sửa chữa cái lan can.v.v... ủng hộ và ủng hộ, cho nên họ sợ mà không dám gặp các ngài, và điểm tế nhị sâu xa mà họ không dám đối diện với các ngài, là bởi vì họ không nhìn thấy được khuôn mặt hiền hòa nơi các ngài, mà chỉ thấy khuôn mặt nghiêm khắc, bởi vì họ thấy các ngài sống không có Đức Ái như lời ngài giảng, và nhất là cuộc sống của ngài đầy những hưởng thụ như một chủ nhân ông, hoặc như một tổng giám đốc trong giáo xứ của ngài. Do đó mà Đức Ái luôn luôn vừa là biểu hiện lòng yêu mến Thiên Chúa nơi các linh mục qua việc phục vụ tha nhân, vừa là niềm tự hào và an ủi của giáo dân khi họ thấy linh mục của mình sống tràn đầy Đức Ái với mọi người.
Đức Ái là cốt lõi của lề luật, Chúa Giê-su đã dạy như thế khi Ngài kể dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành, Ngài kết luận: “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy.”( Lc 10, 37.) “Đi và làm như vậy” là làm thế nào, thưa đó là ra đi rao giảng Tin Mừng và bày tỏ lòng thương xót với người thân cận. Và bởi vì Chúa Giê-su không đến để phá bỏ lề luật, nhưng để kiện toàn, có nghĩa là lề luật của Thiên Chúa truyền dạy qua ông Môi-sê đã rất rõ ràng, nhưng vì các biệt phái, kinh sư và các thầy thông luật đã lạm dụng lề luật để ăn trên ngồi trước, để chất gánh nặng trên vai người dân, cho nên Chúa Giê-su đến để làm cho lề luật của Thiên Chúa được nhẹ nhàng, trong sáng hơn và đầy đủ ý nghĩa cốt lõi hơn, đó chính là Đức Ái, để khi mọi người tuân giữ lề luật thì không còn bị sức ép giữ luật nữa, mà chính là vì lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như chính mình vậy.
Đức Ái tự bản chất chính là “yêu người như chính mình” (ái nhân như kỷ), và “anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” ( Lc 6, 31.).
Linh mục là người được Thiên Chúa chọn để làm điều ấy, tức là để thực thi Đức Ái giữa một xã hội mà dối trá, bon chen, hưởng thụ của thế gian đang len lõi dần dần vào trong hàng ngũ những người có chức thánh, đó chính là các linh mục của Chúa Giê-su. Chính Đức Ái làm cho linh mục trổi vượt giữa đời và giữa những giao tiếp với nhau trong từng thành phần của xã hội trong cuộc sống của mình, bởi vì khi thực hiện Đức Ái cho một ai đó, vì mình là linh mục, thì chắc chắc phần thưởng sẽ to lớn trên trời đang dành cho các ngài, bởi vì khi thực hiện Đức Ái nhân danh linh mục Chúa Giê-su thì hiệu quả của việc làm càng thêm giá trị hơn giá trị của các công chứng nhà nước. Tại sao vậy ? Tại vì một linh mục luôn sống Đức Ái và đem Đức Ái đặt lên hàng đầu trong cuộc sống của mình, thì giáo dân sẽ thấy Chúa Giê-su đang thực sự hiện diện trong các ngài, bởi vì như lời thánh Thomas de Aquino tiến sĩ đã nói: “Nếu không có đức ái thì không có bất kỳ đức hạnh nào, cũng giống như nếu không có mặt trời, thì cũng không có một tinh tú nào cả..
Linh mục đối với Đức Ái giống như con mắt với thân thể, mắt bị mù thì thân thể không có định hướng được cho mình, cũng vậy khi Đức Ái bị thui chột (vì hưởng thụ, vì tham lam...) thì linh mục không những sẽ trở thành công cụ của ma quỷ, mà còn trở thành một bại tướng đắc lực dưới trướng của ma quỷ gây nhiều gương mù gương xấu cho giáo dân và cho tha nhân. Chẳng hạn có một vài linh mục đi đâu cũng nói về Đức Ái và mọi việc đều quy về Đức Ái, và được giáo dân hoan hô ủng hộ vật chất lẫn tinh thần, nhưng sau đó thì giáo dân chán ngán cái đức ái của các ngài, nghĩa là các ngài dùng cộng đoàn nghèo khó của mình làm bình phong che đậy cái tham lam hưởng thụ của mình: từ khi xây được nhà thờ to lớn sừng sửng giữa đám nhà lá nghèo khổ của giáo dân, thì cha sở cũng thay da đổi thịt đi xe đời mới, ăn sung mặc sướng và mỗi tuần đều vi vút lái xe đi lên thành phố một hai lần với nhiều lí do khi được giáo dân hỏi, mà trước đây chưa bao giờ ngài làm như thế cả. Khi Đức Ái không còn là tâm điểm của cuộc đời linh mục, thì giống như con lợn đã sút chuồng đi tìm thỏa mãn thân xác của mình, hưởng thụ vật chất thế gian giống như người thế gian, đó chính là điều làm cho khuôn mặt của Chúa Giê-su bị biến dạng trên mẫu người thứ hai của Ngài là các linh mục: Alter Christus-Đức Ki-tô thứ hai.
Sách Gương Chúa Giê-su nói rằng: “Không có đức ái, thì công việc bên ngoài vô dụng. Vì đức ái mà làm việc, mặc dù rất nhỏ nhưng lợi ích rất lớn.” Thật đúng như vậy, xây nhà thờ to lớn mà không có Đức Ái thì giống như xây nhà thờ trê nền cát, không làm cho lòng giáo dân thành một khối yêu thương; không có Đức Ái thì thành lập cho nhiều hội đoàn trong giáo xứ, thì các hội đoàn ấy sẽ trở thành từng phe nhóm chỉ trích nhau và cuối cùng sẽ chỉ trích cả cha sở của mình, cho nên thà như thánh Gioan Maria Vianney trước hết chuyên tâm cầu nguyện để hoán cải mình và hoán cải giáo dân, sau đó lấy đời sống Đức Ái của mình để xây dựng giáo xứ, bởi vì nếu không có Đức Ái thì tất cả những việc bên ngoài đều vô dụng, và trở thành cái phèng la kêu chũm chọe như lời của thánh Phao-lô mô tả trong bài ca Đức Ái của ngài.
Đức Ái toàn vẹn không phải chỉ lo cho giáo xứ, giúp đỡ mọi người mà thôi, nhưng trước hết phải có Đức Ái đối với bản thân của mình, bởi vì đa phần tất cả mọi người khi nói đến Đức Ái, là luôn nghĩ đến giúp đỡ và làm việc từ thiện cho người khác, mà quên mất rằng mình cũng phải có Đức Ái đối với bản thân của mình.
1. Đức Ái đối với bản thân mình.
Em thân mến,
Có một vài bạn thanh niên nói đùa (nhưng không đùa) với anh là trong “tứ đổ tường” (rượu chè, thuốc sái, cờ bạc và đĩ điếm ( Đại từ điển tiếng Việt.), và khi một người mà nghiện đủ bốn thứ ấy thì chắc chắn là tan gia bại sản, bởi vì phải bán nhà bán đất thì mới có tiền để nghiện những thứ ấy, nên gọi là “tứ đổ tường”) của người đời, thì các linh mục chiếm hết “hai đổ tường” rồi, đó là bia rượu và thuốc lá. Tuy không phải tất cả các linh mục đều có “hai đổ tường” nhưng phần nhiều là như thế, bởi vì không có người nào thích uống rượu mà lại không hút thuốc, hoặc ngược lại, không có ai nghiện thuốc mà lại không uống rượu. Tuy nhiên, xét cho cùng để được gọi là “tứ đổ tường” là khi mà người ta trong “tứ đổ tường” món gì cũng nghiện, tức là thích và nếu không có thì không được, nó như một nhu cầu cần thiết của họ thì mới bị gán cho là “tứ đổ tường”.
Khi một linh mục nghiện một trong “tứ đổ tường” ấy, thì trước hết, chính ngài không có Đức Ái đối với bản thân của mình, bởi vì “tứ đổ tường” ấy món nào cũng độc hại, không những độc hại cho thân xác mà còn độc hại với linh hồn hoặc với cuộc sống tu đức của các ngài; không những có hại với bản thân mình, mà còn có hại với người khác nữa, nhất là linh hồn của những người mà Giáo Hội -thay mặt Chúa Giê-su- trao cho các ngài chăm lo phần linh hồn của họ. Mà ảnh hưởng của linh mục đối với mọi người nói chung, và với giáo dân nói riêng thì rất lớn, do đó, thực hành Đức Ái đối với bản thân mình –linh mục- thì rất quan trọng, quan trọng như là nhu cầu ăn uống hằng ngày của con người vậy.
“Hai đổ tường” mà anh muốn chia sẻ là bia rượu và thuốc lá:
a. Rượu
Có nhiều giáo dân thắc mắc: tại sao có một số linh mục uống rượu nhiều vậy ? Giáo dân lo lắng cho linh mục là những mục tử của mình khi các ngài uống nhiều rượu, chứ giáo dân không lên án các linh mục uống rượu. Sự lo lắng của họ rất chính đáng, bởi vì khi uống nhiều rượu thì không tốt cho thân thể sức khỏe của các ngài, hơn nữa nếu một linh mục mà uống nhiều rượu thì ngài không thể khuyên bảo giáo dân từ bỏ rượu được, nhất là trong xã hội “kim tiền và ăn uống” hiện nay.
Đức ái đối với mình chính là tự mình nêu gương (dĩ thân tác tắc) để trở thành nhà mô phạm, không những trong lãnh vực giáo dục, mà còn trong lãnh vực tu đức nữa, bởi vì bản thân linh mục chính là nhà mô phạm. Người ta, dù thuộc tôn giáo nào, hoặc không theo tôn giáo nào thì cũng luôn kinh trọng các linh mục, bởi vì các ngài được đào tạo và huấn luyện để trở nên thầy dạy của mọi người về đàng nhân đức, do đó mà các linh mục phải luôn có đức ái đối với bản thân mình, để trở thành chứng nhân cho lời giảng dạy của mình là đúng, là hợp với Lời Chúa mà mình đã sống và thực hành.
Các linh mục thường giảng dạy và khuyên bảo giáo dân của mình sống phải có đức ái với nhau, phải luôn nhìn thấy những nhu cầu của tha nhân để giúp đỡ họ nếu có thể được, nhưng các ngài thường không có đức ái đối với bản thân mình.
Các ngài thường khuyên bảo người ta đừng uống rượu, nhưng các ngài -có khi- uống rượu nhiều hơn họ, đó là các ngài không có đức ái đối với bản thân của mình. Khi một linh mục có đức ái đối với bản thân mình, thì các ngài cảm thấy tổn thương khi thấy người khác uống quá nhiều rượu hoặc say rượu, và cảm thông sâu xa với những gia đình có những người chồng rượu chè be bét mà chia sẻ Đức Ái với họ, nhờ đó mà khi ngài lên tòa giảng để giảng Lời Chúa, thì ngài cảm nghiệm sâu sắc về lời mình rao giảng, và giáo dân cũng sẽ cảm nhận được lời của các ngài thật sự đánh động tâm hồn của họ, mà không cần phải có tài lợi khẩu, bởi vì các linh mục đã biết tôn trọng và có Đức Ái đối với bản thân mình, mà không làm hại mình bằng những ly rượu quá chén...
Con người thời nay rất dị ứng với bia rượu, khắp nơi ngoài xã hội người ta khuyến khích không nên uống rượu nhiều, các bạn trẻ thời nay cũng có một số lớn không thích uống các thức uống có hơi men, thì linh mục cũng nên hạn chế việc uống rượu, nhất là những lần tiệc tùng có giáo dân hoặc có các bạn trẻ tham dự, bởi vì có những bạn trẻ rất không thích linh mục của mình uống quá nhiều rượu trước mặt họ, bởi vì có những bạn trẻ cũng như có một số giáo dân đã ngao ngán, ngán ngẫm khi thấy một linh mục trẻ măng dâng thánh lễ thì mặc đỏ kè nói năng lè nhè, và chầu phép lành thì đi đứng xiêu vẹo...!
Có giáo xứ nọ, cha sở rất thích uống rượu, và thường uống rượu với một vài ba giáo dân cũng thích uống rượu, ngài cùng với họ một tuần ít là vài lần uống rượu với nhau, khi thì ở nhà xứ, khi thì ở nhà giáo dân, khi thì ở quán nhậu và có khi vừa uống rượu vừa hát ka-ra-ô-kê, làm cho giáo dân trong xứ chán ngán, và gia đình họ bất mãn với cha sở vì cứ uống rượu với con cái của mình, thế là họ không coi trọng cha sở nữa, họ coi cha sở cũng như một tên bợm nhậu không hơn không kém, kết quả là trong giáo xứ chia năm xẻ bảy mất đoàn kết, và giáo dân thì đa phần không thích cha sở của mình uống rượu quá nhiều, thế là đem chuyện cha sở uống rượu đi nói khắp nơi, đương nhiên khi nói lại cho người khác nghe thì có thêm mắm thêm muối vào cho câu chuyện thêm phần “mặn mà”, vậy là cha sở chịu thêm nhiều tiếng không tốt...
Đức Ái không chỉ có nghĩa là giúp đỡ người khác mà thôi, nhưng còn là giúp đỡ bản thân mình nữa, việc tự mình kềm chế khi uống rượu là một hành động của Đức Ái đối với bản thân mình, và nếu suy cho thấu đáo thì đó còn là niềm vui cho mọi người nữa, nhất là giáo dân của mình, bởi vì khi giáo dân thấy cha sở của mình không nâng ly rượu “dô dô” với thực khách, thì họ rất vui mừng và cảm động, bởi vì Đức Ái với bản thân của mình và với cộng đoàn giáo xứ mà ngài không uống rượu hoặc rất hạn chế uống rượu...
“Con hãy chừng mực trong cách ăn uống, vì khi ăn uống, sẽ nói lên tư cách của con là một mục tử tốt lành hay bê tha!”
“Con hãy nâng ly chúc mừng các khách dự tiệc, nhưng con đừng để cho người ta đánh giá con là một người nghiện rượu!”
“Giáo dân sẽ không hài lòng khi thấy vị mục tử của mình uống qua ly rượu thứ ba, khi con uống qua ly rượu thứ tư, thì họ sẽ coi con là người như họ, không đáng kính trọng!”
“Giáo dân sẽ rất vui mừng và hãnh diện cùng đồng bàn với con, nhưng họ sẽ rất buồn và lấy làm nhục khi thấy con uống hết ly rượu nầy qua ly rượu khác!”
“Con cũng nên nhớ điều nầy: trước khi dâng thánh lễ, con đừng bao giờ uống một giọt rượu nào cả, nếu con không muốn giáo dân sẽ nói con là: ông cha rượu!” ( Trích trong “Viên ngọc trai”, Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. Dịch và viết suy tư.)
Giáo dân của các ngài sẽ rất hãnh diện với các giáo dân của các giáo xứ khác, khi họ vui vẻ khoe với các giáo dân là cha sở của mình không hề uống rượu, nhưng rất vui vẻ và hòa đồng với mọi người...
b. Thuốc lá
Hình như linh mục nào cũng biết hút thuốc, ngoại trừ một số ít linh mục thuộc tu viện (nhà dòng), hút thuốc thì không tội lỗi gì cả, nhưng sẽ không tốt cho bản thân của mình, và có khi gây khó chịu cho giáo dân khi họ đi xưng tội, bởi vì mùi thuốc là nơi cha giải tội sẽ làm cho họ chịu không nỗi và không cầm lòng cầm trí để xưng tội. Đó là lời chia sẻ của một vài giáo dân, khi họ đi xưng tội với một vài linh mục thường xuyên hút thuốc.
Thời nay, khoa học chứng minh hút thuốc rất có hại cho sức khỏe, dù linh mục không có chuyện tứ đổ tường, nhưng khi các ngài hút thuốc quá nhiều thì cũng sẽ ảnh hưởng đến đời sống tu đức của mình.
Có một vài linh mục trước khi dâng thánh lễ khoảng mười lăm phút thì hút một điếu thuốc, dâng lễ xong vừa cởi áo lễ ra là lập tức chạy ra ngoại bật quẹt hút một điếu cho đã cơn “khát” thuốc trong thời gian làm lễ, các ngài không nghĩ rằng thói quen như thế làm giáo dân rất khó chịu, bởi vì giáo dân được học giáo lý rằng: phải giữ chay lòng một giờ trước khi rước lễ, dù uống nước trà cũng không nên, và khi rước lễ xong thì Chúa Giê-su đang ở trong lòng mình, phải giữ vệ sinh sạch sẽ “lục phủ ngũ tạng” khoảng mười lăm phút đến nửa giờ, thì trái lại, linh mục vừa dụi tắt điếu thuốc thì lập tức dâng lễ, và vừa dâng lễ xong thì lập tức chạy ra ngoài hút thuốc, mặc cho giáo dân đang đọc kinh cám tạ ơn Chúa, đó không phải là một thói quen không tốt hay sao ?
Có một vài linh mục hút thuốc liên tục, hết điếu này đến điếu khác liên miên, đó là đốt phổi của mình chứ không phải tìm thú vị khi hút thuốc, đó là hút thuốc độc làm hại bản thân mình, và như thế cũng có nghĩa là các ngài không có Đức Ái đối với bản thân của mình.
Những người khác thì có rất nhiều lý do để hút thuốc, nhưng linh mục thì không có lý do gì để hút thuốc, chỉ là thói quen, thói quen đưa đến nghiện mà thôi.
Người đời khi có chuyện buồn thí hút thuốc, hút liên miên đến ngón tay vàng khè để quên đi phiền muộn, nhưng linh mục khi có chuyện buồn thì nên tâm sự với Chúa, đọc sách hoặc giải trí hoặc trò chuyện với bạn bè.
Người đời khi cần suy tư tìm tư tưởng mới để viết sách thì hút thuốc, nhưng linh mục thì không viết sách, mà nếu có viết sách thì tư tưởng không phải bởi hút thuốc mà có, nhưng bởi cảm nghiệm trong cuộc sống và cầu nguyện với Chúa, và ý tưởng lớn nhất của các ngài chính là tinh thần và tư tưởng của Phúc Âm.
Người đời khi thất tình thì hút thuốc uống rượu, nhưng linh mục thì không có tình để thất tình, nên không cần hút thuốc và uống rượu để quên sự đời, và người đời có rất nhiều lý do để hút thuốc, nhưng linh mục thì không có lý do gì cả, chỉ là thói quen mà thôi.
Hút thuốc uống rượu tự nó không là tội lỗi, nhưng đối với một linh mục biết kềm chế cơn thèm muốn hút thuốc và uống rượu, thì chính là Đức Ái đối với bản thân mình, và có thể là mẫu gương sáng cho giáo hữu, và nhất là làm cho bài giảng của mình tăng phần giá trị và hấp dẫn, bởi vì xưa nay chưa có một linh mục nào uống nhiều rượu hút nhiều thuốc mà được giáo dân khen ngợi là một linh mục đạo đức thánh thiện.
Lại có một vài linh mục nại đến việc uống rượu là...chính đáng, vì Chúa Giê-su cũng đã đi dự tiệc cưới ở thành Ca-na và cũng có uống rượu, nếu nại lí do trên đây để vui đùa thì được, nhưng lấy chuyện Chúa Giê-su uống rượu ra, để biện minh cho việc uống rượu như hủ chìm của mình thì thật là đắc tội với Chúa Giê-su. Rượu và việc uống rượu thì không phải là tội, nhưng cứ nói với giáo dân rằng mình uống rượu bao nhiêu cũng được chẳng bao giờ say, thì hãy coi chừng, sẽ có một ngày giáo dân sẽ cười và tặc lưỡi nói cha cố gì mà lúc nào mặt cũng đỏ kè (uống rượu nên mặt đỏ), thì lúc đó có lẽ lời giảng của linh mục trên tòa giảng sẽ mất đi mức độ khả tín nơi giáo dân của mình.
(còn tiếp)
------------------------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://360.yahoo.com/jmtaiby
http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com