Đám xác Thiên Chúa Giáo ngộ quá heng?

Anh bạn tôi mới tham dự đám tang về nhận xét như vậy.

Tôi đáp đám xác buồn chứ sao lại ngộ.

Anh đáp buồn thì có buồn, có khóc thương nhưng rất ngộ.

Tôi hỏi lại sao anh lại cho là ngộ?

Anh trả lời ngộ vì khuynh hướng mới đưa ra nhiều kiểu nói nghe lạ tai.

Tôi thắc mắc khuynh hướng gì? Kiểu nói sao anh kể nghe coi.

Anh đáp ông cha say sưa giảng. Văn từ chọn lựa cẩn thận. Người thân của gia đình được nói đến gật gù, ưa thích, đồng tình, hài lòng với bài giảng.

Ngưng một chút anh tiếp,

- Tôi ngó tới ngó lui thấy không đồng nhất. Kẻ đăm chiêu nghe. Số khác tỏ ra e dè. Tôi biết chuyện nhưng âm thầm vì biết quá rõ gia đình người chết. Bài giảng của ông cha mang nhiều sáo ngữ. Sáo ngữ bao giờ cũng kêu vang.

Anh kể một hơi rồi đặt vấn đề.

- Không biết phải đặt tên gì thích hợp cho khuynh hướng mới?

Tôi đang phân vân không biết phải trả lời thế nào thì anh nói tiếp.

- Gọi là đặt điều nói xạo thì không đúng. Cho là nói thật lại càng không đúng vì không nói lên sự thật. Nếu giải thích là nói chơi hay nói bông đùa thì không phải lúc, không đúng nơi chốn để nói bông đùa.

Nói vừa lòng

Anh giải thích thêm.

- Cho là nói dối hay nói xạo thì không ai tin là có người dám nói xạo trong khung cảnh đó. Đây là bài giảng. Bài giảng được lồng trong một khung cảnh trang nghiêm, trong một hoàn cảnh thật đặc biệt không nên dối trá.

Tôi nhảy vào bênh vực ông cha,

- Ông cha hẳn là không dối trá.

Anh quả quyết,

- Nếu ông không dối trá thì gia đình đưa tin thất thiệt. Nếu tránh dùng từ dối trá, dùng từ nhẹ hơn là nói xạo.

Tôi tỏ vẻ bất bình, muốn đổi sang đề tài khác cho bớt căng thẳng.

Anh bạn tôi thêm.

- Tôi biết anh không hài lòng khi phê bình về tôn giáo của anh. Nhưng anh cũng biết tôi đi đám xác ông này vì gia đình chúng tôi biết nhau rất rành. Hồi còn ở quê nhà chung xóm. Đi vượt biên chung ghe, tới trại tị nạn cùng đảo và định cư cùng tiểu bang.

Ngưng một chút anh tiếp.

- Không chừng mai mốt tôi chết chôn cùng nghĩa trang. Tôi nghe ông cha giảng tôi thấy bất bình như anh đang bất bình với tôi. Tôi biết người chết không làm những điều như ông cha giảng ở nhà thờ. Ông cha giảng không đúng thực tế đã xảy ra. Ông cha giảng rõ ràng, mạch lạc, có lí luận hẳn hoi, theo bài bản. Nói một cách trang trọng, đàng hoàng thanh thiên bạch nhật, giữa chốn đông người. Dường như ông cha quả quyết những gì đang nói là sự thật. Cách diễn tả, tư cách diễn tả và vị trí đang đứng diễn tả xác nhận cho mọi người biết những gì ông cha đang nói là một thực thể hẳn hòi, đã xảy ra đâu đó trong đời một người.

Anh kể một hơi dài, xác định biết rõ gia đình, ngọn nguồn. Tôi đuối lí vì biết không thể biện minh cho sự việc mình không biết. Dường như bớt bực trong lòng. Giải toả được điều băn khoăn nên anh ngồi thoải mái hơn.

Khuynh hướng cường điệu

Ngoài miệng tôi biện bạch nhưng trong lòng thì đồng ý với nhận xét của anh. Thực sự có những bài giảng đám ma mang khuynh hướng cường điệu. Cường điệu đến mức độ những gì nói ra xa sự thật. Nếu có ai dám đối chất, kiểm chứng, người đó hẳn sẽ gặp những chống đối mạnh mẽ từ mọi phía. Phúc không thấy mà hoạ vào thân. Khuynh hướng cường điệu đang lan tràn, nhất là gia đình người quá cố thân quen với linh mục.

Chắc chắn nghi lễ an táng không phải là lúc liệt kê, kể tội người quá cố. Tình yêu Kitô giáo không cho phép chúng ta kết án ai. Cũng không nên gây thêm đau khổ gia đình tang quyến đang phiền muộn. Ngược lại, lễ an táng mà liệt kê thành tích, thành quả, đời người đạt được thì không phải lúc, không phải chỗ.

Giảng an táng

Nhiều bải giảng lễ an táng đang theo chiều hướng liệt kê công danh người quá cố trước bàn dân thiên hạ. Những lời tâng bốc khen tặng, nâng cao đời sống người quá cố vượt quá xa sự thật. Dầu biết trong hoàn cảnh tang thương, đau buồn chúng ta cần an ủi người sầu khổ. Nhưng đừng vì thế mà làm sai lạc ý nghĩa đang cử hành. Đã thế trong phần điếu văn hoặc nhắc lại tiểu sử, thân nhân còn tăng thêm thành tích cho trở nên vĩ đại hơn.

Nhiều khi tham dự đám xác, người ta có cảm tưởng hôm nay là ngày đi nghe kể thành tích một người hơn nhiều hơn là đi cầu nguyện cho người quá cố và thân nhân của họ.

Với thành tích ngất trời được tuyên dương trong ngày an táng, còn đâu chỗ cho lời cầu. Lời cầu bị lạc lõng trong thành trì thành tích vàng son. Căn cứ vào bài giảng và lời ca tụng của thân nhân, người đó quả là vị thánh, tốt lành. Đối với đời là một vĩ nhân. Với đạo đầy lòng nhân ái, thương hết mọi người, không làm mất lòng ai, và cũng không có gì đáng trách trước mặt Chúa. Với công trạng như thế người quá cố hưởng công, nhận khen tặng chưa hết. Lời cầu có ích chi trong trường hợp này.

Ý chính

Có nhiều ý nghĩa trong nghi lễ an táng Thiên Chúa Giáo. Tuy nhiên ý nghĩa chính cần cử hành sao diễn tả rõ ràng, mạch lạc lòng nhân từ, thương xót vô biên Chúa, đặc biệt cho người quá cố và thân nhân của họ. Mọi hình thức làm lu mờ ý nghĩa này cần phải loại bỏ. Vì sao?

1. Kể công trạng trước mặt Chúa là làm điều thừa vì Ngài biết ta rõ hơn ta. Tất cả những gì ta có đều do Ngài ban. Vậy cần chi kể ra.

2. Thánh Phaolô dậy chúng ta chẳng có công trạng gì trước mặt Chúa. Chúng ta được cứu độ.

‘không phải do sức anh em, mà là một ân huệ Chúa ban, cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện’ Êphêsô 2, 8-9.

Nơi khác Chúa dùng dụ ngôn đầy tớ làm tròn bổn phận đầy tớ. Kể công trước mặt chủ có nghĩa gì?

‘Đối với anh em cũng vậy, khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói, chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi’ Luca 17,10

3. Kể công trạng người quá cố trong ngày lễ an táng dường như đi ngược lại tinh thần Phúc Âm.

4. Hơn nữa người thánh thiện thường có lòng khiêm nhường, cao rao công trạng của họ trong ngày lễ an táng dường như trái với ý người quá cố.

Tuần Thánh

Suốt Tuần Thánh phụng vụ Giáo Hội không hề nhắc đến kì công của Đức Kitô. Không phải Ngài không có công trạng gì. Ngài có quá nhiều không kể xiết. Thế nhưng phụng vụ lại nhắc đến con đường thập giá khổ nạn, nhắc đến phục vụ trong nghi thức rửa chân, nhắc đến thứ tha cho Phêrô giúp ông thống hối. Cuối cùng trên thập tự nhắc đến tha tội cho kẻ trộm biết ăn năn và nhắc đến lời tín thác tuyệt vời.

Lậy Cha con xin phó linh hồn Con trong tay Cha.

Nói xong người tắt thở.

Chương trình lễ an táng Chúa rất đơn giản. Không liệt kê công danh, cao rao công đức. Nghi thức an táng Chúa diễn ra đêm tối, âm thầm. Nghi thức tẩm liệm cẩn thận nhưng vội vã, không nhang khói, điếu văn và dường như phải khóc chui vì sợ nhà cầm quyền.

Đám táng của Kitô hữu cần chú trọng đến lòng thương xót Chúa và tin tưởng vào tình yêu Ngài hơn là liệt kê các việc chúng ta làm. Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được nhưng Chúa giầu lòng xót thương và hay tha thứ.

Chú trọng đến lòng Chúa xót thương và ơn tha thứ là làm đẹp lòng Chúa. Làm đẹp lòng Chúa thì có phúc hơn là làm đẹp lòng người thân quen.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html