Đức Giáo Hoàng kêu gọi G8 đầu tư vào nhân lực và lắng nghe các nước nghèo

Vatican City (AsiaNews) – Giải pháp cho cuộc khủng hoảng toàn cầu cần phải dựa trên “đầu tư vào nhân lực”; duy trì và thậm chí “gia tăng triển khai viện trợ” cho các nước nghèo; bảo đảm “giá trị luân lý” cho các giải pháp kỹ thuật; không chỉ lắng nghe các nước giàu chủ yếu thành công về kinh tế mà còn phải lắng nghe các nước “kém phát triển”. Đây là lời mời gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi tới các vị nguyên thủ quốc gia sẽ nhóm họp tại L'Aquila từ ngày 8 đến 10 tháng Bảy trong một bức thư gửi cho Thủ Tướng Ý Silvio Berlusconi.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng Hội Nghị G8 (gồm 8 nước giàu nhất và một số nước khác) diễn ra đồng thời với việc ngài công bố thông điệp xã hội mang tựa đề “Bác Ái Trong Sự Thật”. Đức Giáo Hoàng yêu cầu các vị nguyên thủ quốc gia khảo sát “cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đang tiếp diễn” cũng như “biến đổi khí hậu” và “ ‘biến đổi’ mô hình phát triển toàn cầu, đưa ra khả năng thăng tiến phát triển con người toàn diện thiết thực, nảy sinh từ những giá trị liên đới và bác ái của con người trong sự thật”.

Nhắc lại lời kêu gọi của Đức Gioan Phaolô II về xóa nợ cho các nước thế giới thứ ba và nhổ tận gốc sự nghèo khổ, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhấn mạnh rằng “điều này chỉ có thể xảy ra với sự liên đới của các chính phủ các nước tiên tiến hơn. Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đang ảnh hưởng trên hành tinh tạo nên trách nhiệm của các nước này cấp bách hơn bao giờ hết”. Thực vậy, “nguy cơ thực tế không chỉ là hy vọng thoát khỏi nghèo khổ cùng cực bị dập tắt mà những cư dân đến hạn nhận được phúc lợi cho nhu cầu vật chất tối thiểu sẽ rơi vào nghèo khổ”.

Vì lý do này – ngược lại với những gì các quốc gia đang thực hiện – Đức Thánh Cha kêu gọi “phát triển viện trợ, nhất là viện trợ nhắm đến “việc nâng cao nguồn nhân lực” được “duy trì và củng cố, không chỉ bỏ qua khủng hoảng, mà vì đó là một trong những con đường chính yếu để tìm ra giải pháp”. Thật cần thiết để “đầu tư về con người”, trên hết là bảo đảm giáo dục căn bản cho tất cả mọi người vào năm 2012.

Đức Thánh Cha cho hay: “Giáo dục là tuyệt đối cần thiết cho hoạt động dân chủ, chống lại tham nhũng, cho việc thực thi các quyền chính trị, kinh tế và xã hội, và cho việc khôi phục bền vững nơi tất cả các quốc gia, giàu cũng như nghèo”. Ngài cũng nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải duy trì “chiều kích luân lý” cho các giải pháp kinh tế. Điều này có nghĩa là, trước nhất cần phải tạo ra việc làm có hiệu quả cho tất cả mọi người, cho phép các công nhân có thể mang lại thỏa mãn nhu cầu cho gia đình họ với phẩm giá con người, và thực hiện những trách nhiệm quan trọng của họ trong việc giáo dục con cái và trở thành các lãnh đạo trong các cộng đồng mà họ tham gia”. Nhưng chúng ta cũng cần “cải cách cấu trúc tài chính quốc tế... để tránh suy đoán về tín dụng và bảo đảm phổ biến tính khả dụng của tín dụng quốc tế công và tư để phục vụ cho sản xuất và việc làm, nhất là tại những quốc gia và khu vực thiệt thòi nhất”.

Đức Giáo Hoàng ca ngợi những bước đầu tiên hướng đến chính sách đa phương để có thể thấy G8 thành G20, mở rộng nhóm ra cho các nước khác. Tuy nhiên, ngài cũng chỉ ra rằng việc mở rộng này không chỉ gồm cho “các nước quan trọng nhất hay các nước thành công về kinh tế rõ rệt hơn” (như Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tây...), nhưng còn cho các nước nghèo nhất. Ngài phát biểu thêm: “Như thế, chúng ta nghe tiếng nói của Phi Châu và các nước kém phát triển hơn về kinh tế! Những đường hướng hiệu quả phải tìm cách nối kết những quyết định của các nhóm nước khác nhau, gồm cả G8, Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, nơi mỗi quốc gia, bất kể gánh nặng chính trị và kinh tế của nó, có thể bày tỏ quan điểm hợp pháp của nó trên quan điểm công bằng với nước khác”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bày tỏ sự đánh giá cao của ngài về địa điểm diễn ra Hội nghị G8 là L'Aquila, thành phố chịu đau khổ vì trận động đất lớn mà còn là nơi chứng kiến tình liên đới khác thường tại Ý quốc và hải ngoại”. “Sự huy động tình liên đới này có thể thấy như là lời mời gọi các thành viên G8, các chính phủ và người dân trên thế giới liên kết với nhau để đối mặt với những thử thách, đặt chọn lựa dứt khoát trước nhân loại vốn không thể trì hoãn hơn nữa, và với số phận phụ thuộc của con người có liên hệ mật thiết với sự sáng tạo”.