Sáng 16 tháng 7, chín ngư dân của con tàu đánh cá mang số hiệu QNg 2203 TS đã về đến bến Cổ Lũy, thuộc xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Trước đó, vào lúc rạng sáng ngày 15 tháng 7, tàu của họ đã bị một tàu “lạ” đâm chìm trong Biển Đông.

Theo tờ Tuổi Trẻ, chỉ trong vòng hai tháng qua, riêng tỉnh Quảng Ngãi đã có ba tàu đánh cá bị tàu “lạ” đâm chìm. Đó là chưa kể những nhân họa khác.

Dù thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng có nhiều yếu tố cho thấy, biển Đông không còn là nơi an toàn cho ngư dân Việt Nam và điều gì đang diễn ra ở những nơi xa hơn, phía trong đất liền?

Liên tục bị tấn công, đuổi bắt

Theo lời ông Lê Văn Khách, một thuỷ thủ của tàu QNg 2001 TS, kể với tờ Tuổi Trẻ thì rạng sáng 15 tháng 7, một con tàu “lạ” đã đâm thẳng vào đuôi tàu của họ lúc họ đang nghỉ ngơi... Tàu vỡ, nước biển tràn vào và chín người trên tàu chỉ còn kịp vơ vội phao hoặc can nhựa rồi thoát ra khỏi tàu.

May mắn là trước khi rời tàu, ông Đặng Nam - chủ tàu đã kịp gọi một tàu đánh cá khác ở cùng quê tiếp cứu... song hơn ba giờ sau, con tàu tiếp cứu mới đến được hiện trường.

Tờ Tuổi Trẻ tường thuật rằng, ngoài ba ngư dân bị thương rất nặng cần cấp cứu, do kiệt sức, khi vào tới bờ, sáu người còn lại cũng đã được đưa vào bệnh viện để chăm sóc sức khoẻ.

Trong vài năm qua, chuyện tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị nhiều con tàu “lạ” đâm chìm trên biển Đông không phải là hiếm nhưng rất ít người tin đó là các vụ tai nạn hàng hải thuần tuý.

Những con tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị nhiều tàu “lạ” đâm chìm chỉ diễn ra sau một chuỗi các tuyên bố cũng như những hành động khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.

Ngoài việc bị tàu lạ đụng chìm, ngư dân Việt Nam còn bị bắn. Hồi tháng 1 năm 2005, cảnh sát biển của Trung Quốc đã xả súng vào bốn tàu đánh cá Việt Nam, khiến 9 ngư dân ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá thiệt mạng, năm người bị trọng thương, tám người khác và một con tàu bị bắt giữ.

Ngư dân Việt Nam cũng đang là đối tượng thường xuyên bị đuổi bắt, bị tịch thu tàu, ngư cụ, hải sản, bị giam giữ và tống tiền. Hãy nghe bà Võ Thị Thịnh, vợ một ngư dân ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, kể: “Hồi giờ mấy năm nay cũng làm miết ở Hoàng Sa đó nhưng giờ sợ quá không dám. Sợ ra rồi họ bắt.”

Còn đây là tâm sự của bà Lương Thị Hoa, vợ thuyền trưởng một tàu đánh cá ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng: “Nói chung làm ăn mà nghe Trung Quốc bắt thì phải lo. Có một nỗi lo đó đó. Bữa ni làm thì tổn phí nhiều mà mỗi đợt đi ra lại nghe Trung Quốc dí. Điện về ở nhà cũng lo, ăn không được, ngủ không được. Bởi làm ăn khổ!”

Ai bảo vệ ngư dân?

Việt Nam cũng có hải quân, có cảnh sát biển, có bộ đội biên phòng, những lực lượng này làm gì khi ngư dân thường bị săn đuổi, bị bắt, bị bắn và gặp những tai nạn trên biển?

Chúng tôi đã gọi điện thoại nêu thắc mắc này với Đồn 248 thuộc lực lượng Biên phòng Đà Nẵng và được một sĩ quan tại đây trả lời: “Có việc chi thì anh phải làm việc cụ thể chứ không thể thông qua điện thoại nhá! Chúng tôi chỉ làm trực tiếp thôi nhá! “

Riêng ngư dân và thân nhân của họ thì giải đáp cặn kẽ hơn: “Ở ngoài biển phần ai nấy biết chứ mô có ai bảo vệ. Bảo vệ là hồi bão tố, biên phòng ở trong bờ điện ra nhắc chừng, bảo là Đài báo bão, bảo phải cập bến thì họ kêu gọi mình vô bờ thôi chứ ngoài đó làm chi có ai bảo vệ. Làm ăn ngoài biển mạnh anh mô lo anh nấy. Lo làm ăn thế thôi chứ không có ai bảo vệ hết.”

Không có ai bảo vệ nên ngày 16 tháng 6, thêm ba tàu đánh cá và 37 ngư dân ở huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị hải quân Trung Quốc bắt.

Hành xử của chính quyền?Một tuần sau khi báo chí cả trong lẫn ngoài Việt Nam cùng loan tin và bình luận về sự kiện này, ngày 22 tháng 6, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới lên tiếng phản đối Trung Quốc “vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông”.

Ba ngày sau khi có sự phản đối vừa kể, phía Trung Quốc thả 25 ngư dân, trả lại một tàu nhưng việc thả người, trả tàu là để các nạn nhân trực tiếp mang về thông điệp, đòi các chủ tàu và thân nhân của ngư dân phải nộp 210.000 nhân dân tệ tiền phạt thì mới thả tiếp 12 ngư dân và trả hai tàu còn lại.

Cùng thời điểm này, trên Internet xuất hiện một video clip ghi lại cảnh các ngư dân Việt Nam đang vái lạy lực lượng vũ trang của Trung Quốc khi bị lực lượng này bắt giữ.

Phản ứng sau đó của chính quyền Việt Nam thế nào?

Ngày 9 tháng 7, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao là ông Lê Dũng cho biết: “Phía Trung Quốc đã ghi nhận yêu cầu của phía Việt Nam và sự việc đang được giải quyết thông qua con đường ngoại giao”.

Trên thực tế, sự ghi nhận này được thể hiện thế nào? Mới đây, trả lời Đài chúng tôi, một số viên chức chính quyền địa phương ở Lý Sơn, Quảng Ngãi và thân nhân của các ngư dân đang bị cầm giữ cho biết, phía Trung Quốc vừa bảo rằng sẽ giảm tiền phạt nhưng chưa cho biết mức phạt mới.

Đáng lưu ý là cũng ngày 9 tháng 7, thời điểm mà ông Lê Dũng cho biết vụ 12 ngư dân và hai tàu đánh cá ở Lý Sơn, Quảng Ngãi “đang được giải quyết thông qua con đường ngoại giao”, một số tờ báo ở Việt Nam loan tin, 15 ngư dân của hai tàu đánh cá thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vừa trở về nhà, sau khi bị cảnh sát biển Trung Quốc giam giữ 45 ngày. Để 15 ngư dân này có tự do, hai chủ tàu và thân nhân của các ngư dân đã phải nộp cho cảnh sát biển Trung Quốc 180 triệu đồng.

Tại sao ông Lê Dũng chỉ đòi trả 12 ngư dân huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi mà không đả động gì đến 15 ngư dân ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cũng đang trong tình trạng tương tự? Chưa ai có câu trả lời chính xác.

Theo một báo cáo của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, phát hành hồi đầu tháng trước mà chúng tôi được đọc, việc Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Philippines, Campuchia tổ chức tuần tra, xua đuổi, bắt giữ ngư dân và tàu đánh cá trên biển Đông, không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, khiến ngư dân hoang mang, lo sợ mà đáng ngại là, số vụ bắt giữ, phạt tiền của năm sau luôn cao hơn năm trước.

Nếu năm 2005, chỉ có 7 tàu với 75 ngư dân bị bắt giữ thì năm 2006 có tới 10 tàu với 104 ngư dân bị bắt giữ. Sang năm 2007, con số này tăng lên 23 tàu với 215 ngư dân. Năm 2008 là 26 tàu với 227 ngư dân.

Trong quí 1 năm 2009 đã có 8 tàu với 93 ngư dân bị bắt giữ. Cũng theo báo cáo này, hiện còn tới 15 tàu và 46 ngư dân đang bị ngước ngoài giam giữ. Trong đó có trường hợp tàu và ngư dân bị giam giữ suốt từ năm 2006 tới nay.

Đây chỉ là số liệu ở riêng Quảng Ngãi. Còn số liệu chung về tình trạng này trên toàn Việt Nam? Rất ít người biết bởi người phát ngôn Bộ Ngoại giao chưa loan báo hoặc lên tiếng phản đối.