Vụ Tam Tòa Đi Đến Đâu: Bản Cũ Soạn Lại Bài Học Thái Hà:

Khởi Tố Giáo Dân Nhưng Ngăn Cản Luật Sư Bênh Vực Bị Cáo


1. Công an Quảng Bình quyết định khởi tố bảy bị can về “tội gây rối trật tự công cộng” trong vụ đụng độ tại Giáo xứ Tam Tòa (Đồng Hới, Quảng Bình) hôm thứ Hai 20/07.

Theo báo chí nhà nước cho biết, Công an Đồng Hới đã khởi tố bị can trong vụ mà chính quyền gọi là "xây dựng trái phép, gây rối trật tự, chống người thi hành công vụ, ném đá vào người dân địa phương tại khu Chứng tích tội ác chiến tranh tháp chuông nhà thờ Tam Tòa ".

Sáng thứ Hai, một đám đông giáo dân xây cất nhà tạm trên nền nhà thờ Tam Tòa đã đụng độ với nhân viên công quyền và cả một số người dân, một số người bị thương và hàng chục người bị cảnh sát bắt.

Giáo dân nói họ cần nơi để làm lễ, vì từ khi nhà thờ Tam Tòa bị bom Mỹ làm hư hại năm 1968, cả thành phố Đồng Hới không có nhà thờ nào.

Chính quyền thì nói “nhà thờ Tam Tòa nay đã trở thành khu chứng tích tội ác chiến tranh và giáo dân đã xây cất trái phép”.

LM Việt cũng nói, công an Quảng Bình đã thả bảy người và hiện còn bảy người đang bị giam giữ.

Những người bị khởi tố là Mai Xuân Thú (sinh năm 1953), Cao Thị Tình (1957), Nguyễn Quang Trung (1973), Mai Lòng (1986), Hoàng Hữu (1955), Hoàng Thị Tý (1988) và Nguyễn Văn Dần (1974).

Tất cả những người này, theo cơ quan chức năng, đều là người địa phương khác và "đã thừa nhận việc làm sai trái của mình". (Lại bài học mánh khóe Công an được sử dụng "cúi đầu nhận tội")

Trong khi đó, LM Nguyễn Nam Việt nói tòa Giám mục sẽ đứng ra bảo vệ giáo dân theo tiến trình và sẽ yêu cầu luật sư bào chữa cho họ nếu cần thiết.

Với con số gần nửa triệu giáo dân, Giáo phận Vinh là giáo phận lớn thứ hai ở Việt Nam, chỉ sau giáo phận Xuân Lộc.

Tòa Giám mục đã có kêu gọi hiệp thông với những người đang bị bắt giữ.

Chính quyền địa phương Quảng Bình qua báo chí trong nước cho hay đã giới thiệu cho Tòa Giám mục Xã Đoài 5 địa điểm tại Đồng Hới để xây cất nhà thờ mới.

Tuy nhiên, theo LM Việt, các địa điểm được giới thiệu không phù hợp, như quá xa trung tâm, nằm ở nơi biệt lập không có đường xá, không như chính quyền hứa hẹn lúc đầu.

2. Người được thông tin không hoàn toàn nắm được các tình tiết như chứng nhân tận mắt, nhưng cứ theo tiền lệ trong vụ Thái Hà ở Hà Nội, thì đây chính là một bàn cũ của vụ án Thái Hà được bày lại tại một địa phương vốn đã có nhiều biến cố giữa chính lực lượng kháng chiến và giáo quyền địa phương, như vụ Nhà Chung Xã Đoài, Trang Nứa, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu (thập niên 1950).

Ngoài ra hàng loạt những hành vi bất công và phi nhân phi lý của nhà nước CSVN ở miền Bắc trong thời gian 1954-1975 đã được giới truyền thông và những người tỉnh ngộ về “Cách mạng Cộng sản” phanh phui, nhất là trong phong trào “Cải Cách Ruộng Đất”, “Nhân Văn Giai Phẩm”, và nhất là mới đây trong “Hồi Ký Tô Hải”

3. Trước mối quan hệ giữa Vatican và Việt Nam dường như đang dần được cải thiện, ít nhất qua giới truyền thông bên ngoài giáo hội; thế nhưng hành động của CSVN lại có những cái trái khoáy làm người ta có thể đặt ra mấy giả thuyết:

a. Phải chăng trong chính quyền hiện nay có phe quá khích muốn chống lại xu hướng hòa giải trong hệ thồng chính quyền Việt Nam hiện nay? Và phe này có gắng tạo ra những biến động không cần thiết để biện minh cho lập trường cứng rắn của mình, phá hoại quan hệ tốt đẹp giữa Vatican và Việt Nam, nhất là trong lãnh vực giáo dục. Những nỗ lực phối hợp như tiền đề cho cộng tác giữa Đại Học Washington DC, Đại Học Georgetown, Đại Học Loyola Chicago và hệ thống Đại Học tại Việt Nam (cuối thập niên 2000)

b. Sự kiện Tam Tòa lại cho thấy ở miền Trung những thành phần trong giáo hội ngày càng là một nhân tố lôi kéo quần chúng đoàn kết rộng rãi hơn trong phong trào đấu tranh cho sự thật và công lý, nhất là trong lãnh vực quản lý đất đai.

Nhiều sự kiện trước đã chứng tỏ cách làm thiếu trong sáng của nhà nước trong các vụ nhà trẻ Nguyễn Thị Diệu của Dòng Nữ Tử Vinh Sơn, Nhà Dòng Giuse tại Nha Trang, Khu đất Dòng Biển Đức Thiên An, nhà Dòng thánh Giuse ở Long Xuyên… và gần đây nhất vụ nhà Dòng Thủ Thiêm và nhà thờ thủ Thiêm.

Trong nhân dân, rất nhiều vụ khiếu kiện đất đai của nhân dân ở thành thị cũng như nông thôn, bị quốc hữu hóa một cách bất công vì nhằm vào những mục đích tự lợi hay những hợp đồng giữa viên chức nhà nước và doanh nhân nước ngoài đấu mặt.

Thiết tưởng những hành động kiểu như ở Tam Tòa nếu tiếp tục để cho diễn ra trong quá trình đi tới bang giao thì niềm hy vọng có sự cải thiện quan hệ lâu dài giữa nhà nước và giáo hội sẽ càng khúc mắc thêm.

Oakland, ngày 23.7.2009