Tư liệu Thánh Kinh (28): Tôn giáo của Ít-ra-en:

Áp-ra-ham: Khởi điểm tôn giáo của Ít-ra-en là ngày Thiên Chúa nói với Áp-ra-ham, truyền cho ông rời đất đai và căn nhà gia đình để tới một xứ sở mới. Ngày ấy, Thiên Chúa hứa sẽ làm Áp-ra-ham thành cha đẻ của một dân tộc lớn. Áp-ra-ham hoàn toàn tin vào lời Thiên Chúa. ‘Ông đặt hết niềm tin tưởng của ông vào Thiên Chúa, và do đó, Thiên Chúa rất hài lòng về ông và chấp nhận ông’.Bởi thế, niềm tin đầu hết và căn bản nhất của Do Thái giáo và Ki-tô giáo là nắm chắc rằng Thiên Chúa là một ngôi vị có thực, và con người nhân bản, từng cá nhân hay từng nhóm, có thể biết được Người. Ta được kể lại rằng: Áp-ra-ham đã làm điều Chúa truyền. Ông di chuyển tới Ca-na-an, và bất cứ nơi nào dựng trại, ông đều lập một bàn thờ và thờ phượng Thiên Chúa ở đấy. Đức tin của Áp-ra-ham vào Thiên Chúa có lúc cũng lung lay lắm. Nhưng ông biết rõ Thiên Chúa đã cam kết với ông và với gia đình ông, biến họ lớn mạnh thành dân tộc Ít-ra-en. (St 15:6). Gia-cóp: Lịch sử Ít-ra-en như một dân tộc bắt đầu với người cháu của Áp-ra-ham là Gia-cóp (sau đổi tên thành Ít-ra-en) và 12 người con trai của ông, từ đó mà có 12 chi tộc. Thiên Chúa phán với Gia-cóp: ‘Ta là Chúa, Thiên Chúa của Áp-ra-ham và I-xa-ác. Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi mảnh đất này… Ta sẽ ở với ngươi và che chở ngươi bất cứ ngươi đi đâu, và ta sẽ đem ngươi trở lại mảnh đất này. Ta sẽ không bao giờ rời xa ngươi cho đến khi Ta thực hiện xong mọi điều Ta đã hứa với ngươi’. Nạn đói tới, Gia-cóp cùng các con theo Giu-se vào Ai Cập. Dòng dõi họ ở lại đó nhiều thế kỷ. Nhưng lời Chúa hứa vẫn còn đó. Gia đình và quốc gia này đã là dân riêng của Người. Khi Ai Cập bắt họ làm nô lệ và họ lên tiếng kêu cứu, Thiên Chúa đã nghe lời họ.

Mô-sê: Trong sa mạc, một ngày kia, Thiên Chúa nói với Mô-sê, Người phán: ‘Ta sai ngươi tới gặp vua Ai Cập để ngươi dẫn dân Ta ra khỏi xứ ấy’. Mô-sê cần biết phải diễn tả Thiên Chúa như thế nào cho dân hiểu, và do đó, Thiên Chúa đã giải thích thêm cho ông biết Người là đấng Thiên Chúa nào. Người mạc khải chính danh xưng bản vị của Người là Gia-vê (‘Chúa’), và tên mầu nhiệm là ‘Đấng Hằng Hữu’ của mình. Tên ấy cho thấy hai điều. Thiên Chúa không thay đổi: Người hoàn toàn đáng tin cậy. Nhưng Người cũng luôn luôn sống động, tác động và sáng tạo. Chính cái nhận thức về Thiên Chúa ấy đã được Mô-sê mang đến cho dân mình.

Nhưng Thiên Chúa không chỉ cung cấp tín liệu về mình. Người dùng công việc để chứng minh rằng Người là Đấng Thiên Chúa nhuư thế.

Khi Người cứu dân Ít-ra-en ra khỏi Ai Cập để giữ đúng lời hứa Người dã làm với tổ tiên họ, Người đã minh chứng sự đáng tin cậy của Người. Mà ngay cả lúc Người dẫn họ qua sa mạc xa lạ, Người cũng đã thỏa mãn các nhu cầu ăn uống của họ và chăm sóc họ bất kể các nổi loạn của họ. Đó chính là Thiên Chúa hằng sống đang hành động.

Xuất Hành và Núi Xi-nai: Thời Mô-sê, Thiên Chúa mạc khải cho biết Người là Thiên Chúa chịu hành động và biết lên tiếng. Lúc xuất hành khỏi Ai Cập, Người chứng minh rằng Người là Đấng bênh vực kẻ bị ức hiếp và là thù địch của kẻ bất công. Điều đó tự nó đã là một mạc khải về cá tính của Người. Tại Núi Xi-nai, Người còn tự mạc khải nhiều hơn nữa. Người nói với Mô-sê rằng Người là Đấng ‘Thiên Chúa đầy lòng cảm thông và thương xót, không dễ giận dữ nhưng tỏ bầy tình thương và tín trung lớn lao’. Người cũng mạc khải ý muốn của Người cho dân qua các giới răn. Căn cứ vào các giới răn này, dân Do Thái có thế thấy ra điều Người muốn họ làm và tính tình của Người ra sao. Lề luật ấy phải trở thành mẫu mực cho cuộc sống của họ, cả phương diện luân lý, xã hội lẫn tôn giáo. Các ngày lễ và các ngày hội cũng như các hy lễ phải trở thành những dịp không ngừng nhắc họ nhớ tới mối liên hệ của họ với Thiên Chúa.

Thời Đa-vít và Sa-lô-môn: Thời này, Ít-ra-en đã trở thành một quốc gia độc lập lần đầu tiên. Dân Do Thái có ấn tượng mạnh về vẻ tráng lệ và hào quang của ngôi vua, nhưng họ cũng nhận ra rằng phẩm vị vua chúa thế gian chỉ là bóng mờ vẻ cao cả của Thiên Chúa, Vua trên hết các vua. Cảm thức mới về sự cao cả của Thiên Chúa có thể nhìn thấy nơi đền thờ và việc thờ phượng tại đó hay trong các thánh vịnh hát trong đền thờ ấy, chào kính Thiên Chúa là ‘Thiên Chúa quyền năng, vua quyền năng trên hết mọi thần minh’. Song song với vẻ long trọng của việc thờ phượng trong đền thờ, người ta thấy cả một cảm thức hân hoan vô tận: ‘Chúa là vua! Hỡi trái đất, hãy mừng vui! Hỡi trùng khơi biển cả, hãy hân hoan!’. Mừng vui và tôn kính luôn luôn đi với nhau, như nhiều thánh vịnh đã chứng tỏ. Thời Đa-vít và Sa-lô-môn, Thiên Chúa cũng đưa ra một lời hứa mới: Người sẽ làm cho vương quốc Đa-vít tồn tại mãi; triều đại ông sẽ không bao giờ cùng. Điều ấy làm Ít-ra-en luôn trung thành với nhà Đa-vít dù họ chẳng xứng đáng chút nào. Và lời hứa ấy cuối cùng đã phát triển thành niềm hy vọng Thiên Chúa sẽ sai một Tân Đa-vít, một người con của Đa-vít sẽ cai trị trong công lý. Như thế, trong lời hứa với Đa-vít này, ta thấy có mầm mống cho lòng mong chờ một Đấng Được Xức Dầu. (Tv 95:3; 97:1; 2Sm 7).

Các Tiên Tri: Đóng góp lớn nhất các tiên tri mang lại cho đức tin của Ít-ra-en không phải là một mạc khải mới từ Thiên Chúa, nhưng là một thách đố mới phải trung thành với điều Người đã tỏ bầy về chính Người, và quay về với Chúa trong ăn năn thống hối. Các tiên tri không bao giờ mệt mỏi nhấn mạnh sự kiện này là tôn giáo đích thực không phải chỉ là vấn đề nghi lễ hay ngay cả tín ngưỡng, nhưng còn là vấn đề tác phong nữa. Họ không kiêng nể tấn công tôn giáo thời họ, không phải vì tôn giáo ấy tuân theo các mẫu mực được viết ra trong các sách luật như Lê-vi, nhưng vì nó đã không đi song song với một tác phong đứng đắn. Các tiên tri nói với lương tâm Ít-ra-en. Họ cảnh giới về tai ương lưu đày sắp sửa xẩy ra. Và khi phán xét của Thiên Chúa đã giáng xuống Ít-ra-en, họ đem lại niềm hy vọng và lời hứa của Thiên Chúa về một tương lai mới. A-mốt 5:21-24. Lưu đày: Lưu đày không phải là khoảng trống trong lịch sử Ít-ra-en, coi như một kinh nghiệm bất hạnh tốt hơn càng quên đi nhanh càng hay. Dù là một thời khốn khổ cho hàng ngàn vạn người Do Thái, lưu đày vẫn là một trong các giai đoạn nhiều sáng tạo nhất trong lịch sử Ít-ra-en. Bởi trong nó, dân Ít-ra-en khám phá lại chính bản thân họ lẫn Thiên Chúa. Trong lưu đày, họ hiểu được một cách như chưa bao giờ hiểu được đến thế, hai chuyện kia được liên kết ra sao. Ít-ra-en không có lý do gì để tồn tại ngoài kho châu báu họ sở hữu được bằng cách nhận biết Thiên Chúa. Nếu họ không biết nhận ra mình là dân Thiên Chúa, họ sẽ chẳng khác gì các dân tộc khác trên mặt đất. Nó có thể bị quét đi cách dễ dàng như bao dân tộc khác trong giòng lịch sử. Nhiều người Do Thái chỉ nhìn lưu đày như một thảm họa. Nhưng những ai biết nhận ra trong nó việc Thiên Chúa áp dụng kỷ luật với dân Người, sẽ cũng thấy ra lưu đày quả là thời gian thanh tẩy.

Có những người Do Thái hồi hương từ lưu đày thấy ‘tâm hồn mình được Thiên Chúa đánh động, sẵn sàng bước lên và tái thiết đền thờ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem’. Họ hiểu ra rằng họ chỉ sống còn nhờ biết phân biệt mình khỏi các dân tộc khác và cương quyết vâng theo các lời dạy của Lề Luật Thiên Chúa. Đó là thái độ thực tiễn duy nhất; và dù sau cùng thái độ ấy có dẫn một số người tới chủ nghĩa duy luật lệ, nó vẫn đem lại lòng đạo hạnh rất đáng khen. (Er 1:5).

Sau Lưu đày: Người Do Thái trở về Ít-ra-en không có vua, nhưng thầy cả thượng phẩm đã trở thành lãnh tụ tự nhiên của họ, được trợ giúp bởi một giai cấp ‘ký lục’ mới có khả năng giải thích lề luật của Thánh Kinh. Bài học đã được học kỹ càng đến độ sau lưu đày, các tiên tri không bao giờ phải trách móc họ thờ thần xa lạ nữa, mặc dù các ngài có trách cứ sự lười biếng của họ trong việc tái thiết đền thờ và sự thiếu hăng hái trong việc đóng thuế một phần mười.

Cộng đoan Do Thái hồi hương không lớn lắm, chỉ khoảng 75,000 người. Họ ý thức rất rõ sự khác biệt của họ với các nước lân bang. Ba điều làm nổi bật sự khác biệt ấy đã được nhấn mạnh vào thời này: giữ ngày Sa-bát cách nghiêm nhặt, nghi lễ cắt bì và luật lệ Do Thái về thực phẩm.

Chú tâm sinh hoạt tôn giáo không hẳn ở đền thờ nhưng ở các hội đường, là địa điểm hội họp và giảng dạy tại địa phương, vốn đã được khai triển thời lưu đày. (Kg 1; Mk 3:7-11; Nkm 13:15-27; Is 56:6-7; St 17; Lv 11). Xem thêm Đn 1.

Giữa hai Giao Ước: Các hy vọng vào tương lai khá sinh động vào thời Chúa Ki-tô. Mấy thế kỷ trước đó, các tiên tri đã tiên đoán ngày tận cùng của Ít-ra-en trong tư cách quốc gia, và các lời tiên tri này đã được ứng nghiệm với cuộc lưu đày. Dù vậy, một số lời tiên tri xem ra còn vượt trên tương lai gần để nhìn tới một tương lai xa xôi hơn thế lúc, như Khác-gai đã nói, Thiên Chúa sẽ ‘lay động trời và đất’ và một thời đại hoàn toàn mới sẽ xuất hiện.

Từ thế kỷ thứ hai trước CN, một loại trước tác khác gọi là khải huyền (nghĩa là mạc khải) được dẫn nhập. Các soạn giả lối văn khải huyền này chắc chắn rằng ngày tận cùng của thế giới đã gần kề. Thiên Chúa sắp sửa ra tay tiêu diệt các nhà cầm quyền ngoại lai, bất kể là Hy Lạp hay La Mã, và khởi đầu một thời đại mới cho lịch sử. Một nhóm văn chương khải huyền này chính là các sách Cuộn Biển Chết (Xin xem Essenes).

Đấng Được Xức Dầu: Nhiều niềm hy vọng vào thời đại mới đặt trọng tâm vào Đấng Messiah. Trong Cựu Ước, Messiah chỉ có nghĩa là Đấng Được Xức Dầu và thường dùng chỉ các vua, linh mục hay tiên tri. Một số tiên tri, như I-sai-a, nói đến một vị vua tương lai xuất thân từ Đa-vít, đấng sẽ ‘cai trị trong công bình chính trực’ và trên Người Thánh Thần Thiên Chúa sẽ ngự trị.

Một thế kỷ rưỡi trước khi Chúa Ki-tô xuất hiện, nhiều người càng bắt đầu mong chờ đấng cai trị ấy nhiều hơn. Những người thuộc giáo phái ở Biển Chết mong chờ tới hai Đấng Được Xức Dầu: một đấng làm linh muc, một đấng làm vua. Bộ sưu tập các thánh vịnh trong thế kỷ thứ nhất trước CN, được gọi tên là Các Thánh Vịnh Sa-lô-môn, là một trong các trước tác đầu tiên sử dụng thuật ngữ ‘Chúa Được Xức Dầu’ hay ‘Đấng Được Xức Dầu của Chúa’ để chỉ đấng cai trị đang đến đó (Hãy so sánh với Lu-ca 2:11). Phần lớn người ta mong chờ Đấng Được Xức Dầu ấy phải là một dũng tướng sẽ giải phóng dân Do Thái khỏi những kẻ cai trị ngoại xâm đáng ghét. Không lạ gì Chúa Giê-su, Đấng có nước ‘không thuộc thế gian này’, đã hết sức ngần ngại không muốn để mình được gọi là ‘Đấng Được Xức Dầu’. Vì tước hiệu ấy có thể gây ấn tượng lầm lạc. Nhưng các môn đệ, những người cuối cùng đã hiểu ra Người là loại vua nào, thường dùng tước hiệu ‘Giê-su Ki-tô’ (Đấng Được Xức Dầu dưới hình thức Hy Lạp) để chỉ về Người. (Is 9:1-7; 11:1-9; Ga 18:36; Mc 8:29-30; Lc 22:67).

Sống Lại: Niềm hy vọng khác cũng đã được khai triển: đó là niềm hy vọng sống lại. Thời Cựu Ước, dân Do Thái thường tin rằng sau khi chết, người tốt cũng như người xấu đều xuống Sheol cả. Đây là một loại hiện hữu ở hạ giới chỉ được coi như cái bóng của sự sống thực, và từ đó, không ai được trở lui cả. Các tiên tri đôi khi nói đến sự phục sinh của dân tộc, như trong thị kiến của Ê-dê-ki-en về đống xương khô sống lại thành người. Nhưng đoạn Cựu Ước tiến gần nhất đến ý niệm phục sinh các cá nhân là Đa-ni-en 12:2 ‘nhiều người đã chết sẽ sống lại’.

Đến thời Chúa Giê-su, phần đông người Do Thái (trừ nhóm Sa-đốc) có lẽ đã tin mọi người sẽ sống lại. Kẻ công chính sẽ ‘chỗi dậy để sống đời đời’ (Thánh Vịnh Sa-lô-môn 3:16), sống ‘trong vườn sự sống’ (1 Enoch 61:12) hay trong ‘lòng Áp-ra-ham’. Kẻ xấu xa sẽ bị ném vào Ghê-hen-na, nơi hạ giới tương đương như Thung Lũng Hin-nôm, hay đống rác Giê-ru-sa-lem, nơi lửa luôn luôn thiêu đốt. (G 7:9-10; Ed 37; Đn 12:2; Lc 16:22).

Tin có thiên thần và ma qủy: Dân Ít-ra-en luôn nghĩ tưởng Thiên Chúa như vị vua được bao quanh bởi nhiều triều thần, tức các thiên thần. Các quyết định của Thiên Chúa được đưa ra trong phòng hội họp, và các tiên tri coi mình như được lắng nghe các quyết định ấy. Người ta ít chú ý đến các thiên thần ‘xấu’. Nhưng khi được nhắc đến, chúng luôn luôn dưới quyền kiểm soát của Thiên Chúa.

Buổi giao thời giữa hai giao ước, người ta tranh luận sôi nổi về tên gọi cũng như nhiệm vụ của các thiên thần và ma qủy.

Các thiên thần xấu đôi khi được gọi là ‘con trai Thiên Chúa’ hay ‘hữu thể siêu phàm’ như trong Sáng Thế 6:1-4 (Bản của Nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh dịch là những người khổng lồ). Chúng và các phụ tá của chúng, tức ma qủy hay thần dơ bẩn, là những kẻ gây ra đủ thứ tội ác trên thế gian. Trong Cựu Ước, Xa-tan là ‘kẻ thử thách’ luôn tìm cớ để tố giác con người với Thiên Chúa. Nhưng nay hắn được coi là thủ lãnh ma qủy chống lại chính Thiên Chúa. Nó cũng có tên là Bê-lian và Bê-en-dê-bun. (G 1-2; Gr 23:18, 21-22; 1Sm 16:14; Đn 10:13; 8:16; Mt 12:24; 1Pr 5:8).

Các khai triển khác: Song song với các thay đổi như trên về niềm tin, ta còn thấy nhiều khai triển khác trong các thế kỷ sau cùng trước khi Chúa Ki-tô xuất hiện. Đó là thời Lề Luật được nghiên cứu và mở rộng như chưa từng có (xem Pharisees). Và trong thời này, nhiều nhóm tôn giáo và chính trị mọc lên. Trong Tân Ước, ta thấy một số như Biệt phái, Sa-đốc, Ký lục. Nhưng cả các nhóm không được nhắc tới cũng gây hiệu quả trên ‘bầu khí’ tôn giáo thời Tân Ước. Xem thêm Feasts and Festivals, Law, Priests and Levites, Sacrifices, Synagogue, Tabernacle, Temple, Worship..