Khai Mạc Tọa Đàm Khoa học về Biển Đông và Hải Đảo Việt Nam

(bài của Linh mục TS. Nguyễn Thái Hợp, Chủ nhiệm CLB Ph. Nguyễn Văn Bình)

Ngày xưa, khi nói đến lãnh thổ Việt Nam, người ta thường chỉ nghĩ đến phần lục địa, chạy dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, bắc giáp Trung Quốc, tây giáp Lào và Campuchia. Tuy nhiên, theo quan niệm hiện đại, lãnh thổ Việt Nam không chỉ bao gồm vùng núi, vùng trung du, vùng đồng bằng và sông ngòi, mà còn bao gồm bao gồm tất cả vùng biển, hải đảo và vùng trời. Như vậy, Đất Nước Việt Nam thân yêu không chỉ chạy dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, mà còn trải rộng từ Tây Trường Sơn tới Đông Trường Sa.

LM Nguyễn thái Hợp
Chúng ta biết rằng bờ biển Việt Nam dài khoảng 3.260km, chạy dài từ biên giới Trung Quốc tới Vịnh Thái Lan. Ngoài ra, Việt Nam là một quốc gia có nhiều đảo và quần đảo: ước tính khoảng 2.773 hòn đảo lớn nhỏ. Theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, thì quê hương chúng ta không chỉ thu hẹp ở 329.314, 5 km2, mà sẽ trải dài ra Biển Đông và vùng lãnh hải bao la. Quốc gia Việt Nam, vì vậy, đã được nhân ba, nhân tư không những về lãnh thổ, mà cả về tiềm năng, sức sống và định hướng tương lai. Ranh giới của nước ta sẽ mở rộng gấp nhiều lần và tiếp giáp với lãnh hải của 8 quốc gia hay vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei, Campuchia, Thái Lan và Singapore.

Biển Đông là biển lớn nhất trong 6 biển lớn của thế giới với diện tích khoảng 3.447.000 km2. Trong Biển Đông bao la đó, lãnh hải của Việt Nam chiếm khoảng 1.000.000km2. Rất tiếc, như nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận định một cách sâu sắc, “suốt một thiên niên kỷ trước, do cuộc thảm đảm kinh dinh để giành dật sự sống với vạn vật còn quá vật vã gian nan, mà người Việt chủ yếu mới cắm cúi nhìn xuống đất, giành thêm được một mẩu đất là thêm được một mẩu sống còn”.

Dòng dã nhiều thế kỷ, dân tộc Việt đã gian nan tiến về phương Nam tìm đất sống và “mở rộng hy vọng cho tương lai”, nhưng vẫn chưa hay rất ít khi nhìn ra biển cả mênh mông. Hệ quả tất nhiên là chúng ta chỉ mới mở đất đai, mà chưa mở rộng tầm nhìn ra biển khơi. Chính vì vậy, mặc dù có tới hơn 3260 km bờ biển và 1000000 km2 lãnh hải, nhưng người Việt thường vẫn chỉ luẩn quẩn chung quanh hồ, ao, sông ngòi. Cùng lắm cũng mới chỉ mon men ven biển. Chưa có tư duy biển, chưa có tầm nhìn mở rộng và dũng lực vươn mình ra Đại Dương. Vì vậy, chưa xuất hiện những thương thuyền và đội hàng hải lớn như đáng lẽ ra phải có.

Nhưng lịch sử đã sang trang. Đất nước chúng ta đã gia nhập WTO, chính thức bước ra biển lớn và hòa nhập vào dòng chảy chung của nhân loại. Ở thời hiện đại, Biển Đông vừa là tài nguyên lớn lao, vừa trở thành cửa ngõ, bàn đạp để vươn ra Đại Dương. Thật vậy, Biển Đông đang là con đường huyết mạch nối liền các quốc gia Tây Á và Nam Á với các nước Đông và Bắc Á, cũng như với thế giới. Vị trí chiến lược này đóng vai trò đặc biệt trong tiềm năng và định hướng phát triển tương lai của của Việt Nam.

Chính do vai trò quan trọng đó, mà Biển Đông đang nổi sóng và nằm trong tầm ngắm của tất cả các nước trong khu vực. Việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đang là một điểm nóng âm ỉ và có thể bùng phát trong tương lai. Một số nước đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tranh chấp chủ quyền này từ khoảng nửa thế kỷ nay.

Trên nguyên tắc, Việt Nam là một quốc gia trải rộng nhiều nhất ra Biển Đông và theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 cũng là quốc gia có vùng lãnh hải rộng lớn nhất. Tuy nhiên, một số người nghĩ rằng so với các nước khác Việt Nam hình như là một quốc gia hiện nay ít nghiên cứu những vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh hải của mình.

Tháng 3 vừa qua, Hội thảo quốc gia đầu tiên về chủ quyền ở Biển Đông được tổ chức tại Hà Nội. Một số tham luận đặt vấn đề rõ rệt và minh mạch. Nhưng rất tiếc Hội nghị đã quá thu hẹp vào một số chuyên viên và hầu như không có sự tham gia của xã hội dân sự. Người ta vẫn băn khoăn tự hỏi bao giờ xã hội dân sự mới được tham gia suy nghĩ về vấn đề quan trọng này?

Trong cuộc gặp gỡ với Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ngày 9 tháng 4 năm 2009, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã ghi nhận những đóng góp tích cực và kiến nghị thẳng thắn và sôi nổi về những vấn đề liên quan đến đất nước. Ông khẳng định: “Đảng, Nhà nước đánh giá rất cao vai trò của các nhà khoa học. Đây không phải là vấn đề mang tính lý luận, mà đây là nhận thức, là quan điểm. Sự đóng góp của các nhà khoa học, trí thức rất to lớn, hiệu quả trong công cuộc kháng chiến cứu quốc trước đây, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Không ai có thể phủ nhận những đóng góp, công lao to lớn này”. Ông yêu cầu các nhà khoa học tham mưu cho Nhà nước trong những gì trực tiếp liên quan đến khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo… Và ông kết luận: “Những gì Đảng và Nhà nước không nói được thì các đ/c thuộc các tổ chức phi chính phủ phải nói…”.

Trong tinh thần và ý hướng đóng góp đó, CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình cùng với NXB Tri Thức tổ chức Tọa đàm Khoa học về “Biển Đông & Hải đảo Việt Nam”. Cuộc Tọa đàm khoa học này mong muốn vừa thể hiện mối quan tâm lớn của dư luận xã hội và của tất cả người Việt Nam trong cũng như ngoài nước, vừa góp phần cung cấp một số chứng cứ lịch sử và khoa học. Kết luận rõ rệt mà Tọa Đàm đã đạt tới: Những bản đồ cổ cũng như những luận chứng lịch sử từ thời Chúa Nguyễn và Nhà Nguyễn chứng minh rõ rệt chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa; yêu sách của Trung Quốc về “Đường Lưỡi Bò” trên Biển Đông là hoàn toàn không có cơ lịch sử và trái với Luật Biển Quốc tế hiện nay.

Tọa đàm hân hạnh có sự đóng góp tham luận và tham gia thảo luận của các thành viên CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình, NXB Tri Thức, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu. Ban Tổ chức và các diễn giả ý thức rõ rệt giới hạn và đặc điểm của một Tọa đàm Khoa học. Do đó, chúng tôi chỉ nhấn mạnh và đào sâu những đóng góp về lãnh vực học thuật. Xin đừng chờ đợi hay yêu cầu một Tọa đàm Khoa học những gì vượt khỏi tính đặc thù và giới hạn của nó.

Nhìn lại kinh nghiệm xương máu của cha ông chúng ta trải qua bao ngàn năm lịch sử, chúng tôi ý thức rõ rệt những khó khăn và tế nhị trong tương quan ngoại giao của một nước nhỏ đối với nước lớn. Tọa đàm không hề chủ trương lợi dụng tính nhạy cảm của đề tài để gây nên những căng thẳng không những vô ích, mà có thể bị lợi dụng để gây tác hại cho dân tộc. Trái lại, chúng tôi ước mong rằng Tọa Đàm khiêm tốn này có thể đóng góp thêm một số luận chứng phục vụ công tác ngoại giao đó.

Cuối cùng, chúng tôi hy vọng rằng “Biển Đông & Hải đảo Việt Nam” sẽ là một cơ hội tốt để đoàn kết tất cả người Việt trong cũng như ngoài nước, vì tiền đồ Dân tộc. Không nói chắc chắn tất cả quý vị cũng đã rõ, trong việc tổ chức và thực hiện Tọa Đàm này chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy chúng tôi xin quý vị thứ lỗi cho Ban Tổ chức mọi thiếu sót về nội dung cũng như hình thức của Tọa Đàm này.

Rất may, Ban Tổ chức cũng nhận được rất nhiều khích lệ, cảm thông, đồng hành và cộng tác từ nhiều phía, đặc biệt của các diễn giả. Chính nhờ vậy mới có cuộc Tọa Đàm hôm nay. Cho dù Tọa Đàm này còn quá nhiều bất cập, nhưng tổ chức được một Tọa Đàm Khoa học về “Biển Đông & Hải Đảo Việt Nam” trong bối cảnh hiện tại có thể coi là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa, vì tình yêu đối với dân tộc Việt.

Trong niềm vui được gặp gỡ, thảo luận và hàn huyên chung quanh “Biển Đông & Hải Đảo Việt Nam”, tôi xin hân hạnh thay mặt Ban Tổ chức tuyên bố Khai Mạc Tọa Đàm.

Chân thành cảm tạ Quý Vị và Quý Bạn.