Hoà bình là ước mong của những người lương thiện. Nhưng để có hoà bình thực sự không phải là chuyện đơn giản. Công Đồng Vatican II cho rằng hoà bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh. Trong bối cảnh Việt Nam hôm nay, để có hoà bình không thể im tiếng trước những nhũng nhiễu và bất công đang xảy ra khắp cùng ngõ hẻm của xã hội. Mọi thành phần dân chúng cần phải can đảm bằng nhiều hình thức đấu tranh chống lại những đàn áp, bất công, bóc lột, chà đạp nhân phẩm và vi phạm nhân quyền thì mới mong có một nền hoà bình thực sự cho Việt Nam.

Cuộc chiến nào cũng mang lại nhiều mất mát, đau thương cho con người. Trong cuộc chiến đức tin, cái mất mát thuộc về phe thế lực đen tối, bởi đức tin dù nhỏ bé như hạt cải nhưng khi nó lớn lên thì lại trở thành vững mạnh. Những cái khó khăn, gian khổ, bắt bớ hay đàn áp đối với người có đức tin thì những thứ đó chỉ làm cho đức tin của họ thêm vững mạnh, kiên cường và bất khuất. Lịch sử chứng minh điều đó rất rõ qua các gương chứng nhân anh hùng tử vì đạo.

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, bất công, giả dối, hận thù và ác hiểm cũng sẽ mang lại nhiều mất mát và đau thương. Nhưng chắc chắn phần thắng sẽ thuộc về những ai có trái tim yêu thương, đức tin vững mạnh, tâm hồn yêu sự thật và sự sống, và lòng kiên cường tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa.

Người dân Việt Nam đã trải qua nhiều mất mát đau thương do nhiều cuộc chiến tranh. Bao nhiêu xương máu đã đổ ra để bảo vệ đất nước và bảo vệ đức tin, nhưng đến thời hôm nay, thời được xem là thời bình thì người dân lại phải rơi vào vòng lao lý: bất công, tham nhũng, giả dối, đàn áp, sách nhiễu. Hơn bao giờ hết, hôm nay người dân Việt lại phải đứng lên để đấu tranh cho nền hoà bình, công lý, sự thật và yêu thương ngay trên quê hương của mình. Cuộc đấu tranh này phải được thực hiện trong yêu thương, công lý và sự thật thì mới mong giành phần thắng. Một số nhà cầm quyền cứ bô bô xưng mình là người yêu đất nước, nhưng lại tiếp tay cho những tội ác tày trời: tham nhũng, vũ lực, cựa quyền, cố chấp, đàn áp…

Ai có thể tham ô? - Người dân nghèo ư?
Ai có thể dùng quyền lực để trấn áp những người dám nói lên tiếng nói của lòng mình? - Người thấp cổ bé miệng ư?
Ai có thể cậy vào cái ghế của mình để tác oái tác quái? - Phải chăng là bà già ông lão hay người tàn tật?...

Mỗi người có thể tìm thấy câu trả lời cho chính mình!

Nhiều nhà thờ mất đất, nhiều trường học bị chiếm dụng trái phép, nhiều dòng tu mất nhà cửa…! Ai đã hiên ngang làm chuyện đó? Mọi người đều rõ!

Khắp cùng đất nước, đi đâu cũng thấy băng rôn, khẩu hiệu: “Vì một nước Việt Nam giàu và mạnh”, “vì dân giàu nước mạnh xã hội công bằng và văn minh”, “phố văn hoá”…

Bao giờ xã hội Việt Nam mới công bằng thực sự khi đất đai của dân nghèo bị tịch thu một cách bất công?
Bao giờ Việt Nam mới có tự do tông giáo khi đất đai của các cơ sở tôn giáo vẫn còn bị trưng dụng hoặc chiếm đoạt một cách trắng trợn?
Bao giờ đất nước Việt Nam mới văn minh khi đi đâu cũng thấy rác rưởi, hôi hám, đào bới lung tung trên đường phố?
Bao giờ đời sống của người Việt mới có văn hoá khi người ta đối xử với nhau cách tàn nhẫn, bất nhân?...


Đức Phaolô VI đã nói đại ý rằng chỉ thực sự có hoà bình khi công lý được tôn trọng. Đất nước Việt Nam chỉ thực sự được hoà bình khi nhà nước thực thi công bình đối với mọi thành phần xã hội. Công lý là nguyên tắc quan trọng trong việc thiết lập hoà bình.

Hy vọng rằng nhà nước Việt Nam sẽ sớm nắm bắt được nguyên tắc quan trọng này trong việc điều hành và xây dựng đất nước.