Truyền giáo thời cúm heo

Căn bệnh rất quen nhưng lạ xảy ra cách đây mấy tháng khởi đi từ châu Mỹ và nay đã lan tràn khắp thế giới khiến cho nhiều quốc gia phải khốn đốn, và hầu như mỗi giờ Tổ Chức Y Tế Thế Giới phải cập nhập con số ca nhiễm mới và số tử vong về căn bệnh này. Con số tử vong ở vùng Nam Mỹ đã lên đến 800 và số người bị xem là dương tính cũng khá nhiều. Đất nước Paraguay nhỏ bé cũng có đến 10 ca tử vong về căn bệnh cúm heo hay cúm A H1N1. Có lẽ đây là lần đầu tiên đất nước nhỏ bé về dân số này hứng chịu căn bệnh mà họ nói đùa nửa tiếng Tây Ban Nha nửa tiếng Guaraní là bệnh Gripe Kuré (cúm lợn). Và cũng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi thấy người Paraguay biết đeo khẩu trang dù đó chỉ là chiếu lệ! Và cũng chính vì căn bệnh này mà chuyện truyền giáo có nhiều điều vui buồn mà tôi muốn chia sẻ một tý.

Có lẽ mọi người sẽ bật cười khi tôi đặt tựa đề bài viết có tên là “Truyền giáo thời cúm heo”! Hãy nhìn vào tấm ảnh này khi mọi người đang chờ khám bệnh theo sự hướng dẫn của Bộ Y Tế. Dù đã được khuyến cáo là không nên tụ tập đông người để tránh lây nhiễm và phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, họ không thể thích nghi với những cái mới lạ và khó chịu này.

Một số giáo phận cũng được cảnh báo là những người có triệu chứng bệnh cúm, dù không biết là cúm heo hay cúm gà thì nên ở nhà và trong thánh lễ mọi người không nên hôn chúc bình an với nhau như trước nữa. Linh mục cũng nói với họ là khi rước lễ thì nên rước bằng tay để giữ vệ sinh cho mình và cho người khác nhưng dường như những điều cảnh báo đó chẳng có gì đáng quan tâm. Khi chúc bình an thì họ vẫn choàng hôn nhau hình tam giác hình tứ giáo theo truyền thống của họ và vẫn rước lễ theo thể thức truyền thống bằng miệng và có một số người muốn đớp tay của linh mục luôn.

Từ tháng 7 đến nay vì là mùa đông nên trời chuyển lạnh dữ dội. Có những ngày nhiệt xuống dưới âm độ C và những vùng giáp ranh Argentina có tuyết rơi. Là linh mục dù trong phòng không có máy sưởi nhưng tôi có áo ấm, mền bông mà vẫn lạnh thấu xương trong khi đi ra đường, nhất là đến một số giáo điểm của người Paraguay sinh sống, nhìn thấy nhiều người không được ăn no mặc ấm như mình và nhà cửa thì bé tý tẹo trống trên, hở dưới giống như những túp lều tạm bợ của người miền Tây Nam bộ chất phát, thấy mà chạnh lòng. Mùa Đông cũng là mùa dễ lây lan bệnh cúm, chưa biết cúm gì nhưng khi hỏi thăm người dân thì họ nói chẳng quan tâm đến bệnh cúm heo, gà gì cả. Họ vẫn bình chân như vại và rất lạc quan trước những biến chuyển của thời đại. Nhìn thấy cuộc sống đơn sơ, bình thản, mộc mạc của những người dân chất phát quê mùa so với một số cộng đồng người gốc Âu châu trong cùng khu vực tôi phụ trách luôn bận rộn, lo lắng và bất an nhiều chuyện như là một bức tranh khảm đối nghịch nhau.

Trong những ngày tháng của đại dịch cúm heo này, phận vụ của một linh mục cũng khá nặng nề vì hàng ngày phải tiếp xúc với đủ hạng người giàu nghèo, lớn bé. Có tuần tôi phải cử hành an táng cho nhiều người chết vì bệnh cúm (chưa xác định là cúm gì!) và nhiều khi phải ngồi nghe xưng tội diện đối diện với nhiều con cá lớn từ lâu đã bỏ nhà thờ trong khi chính bản thân mình cũng bị cảm sốt và ho hen do cái lạnh hành hạ. Có lẽ do Chúa thương và ban ơn nên đến giờ vẫn chưa thấy triệu chứng gì của căn bệnh này. Hình như Chúa đã ban cho cái “ơn miễn nhiễm” để có thể chống chọi với nó vì nếu tôi mà nhiễm bệnh bây giờ thì cha bề trên và giám mục phải đi xin thêm một người mới và không biết bao lâu mới có được. Cụ thể là cha xứ người Ái Nhĩ Lan ở giáo xứ hàng xóm của tôi đã 74 tuổi phải phụ trách nhiều giáo điểm. Trước khi tôi chuyển đến thì ngài vẫn khoẻ mạnh và làm việc hăng say. Nhưng cách đây 2 tháng ngài đã bị đột quỵ và đến giờ cũng chưa có ai thay thế. Bởi thế Đức giám mục giáo phận và bề trên của tôi vi thấy tôi trẻ và sung sức hơn nên nhờ coi sóc giúp giáo xứ này cho đến cuối năm. Những ngày trong tuần tôi đồng hành với các chủng sinh và giúp cho các cộng đoàn trong giáo điểm của mình. Tuy nhiên các thứ 7 và Chúa Nhật tôi phải đến các cộng đoàn của giáo xứ hàng xóm để làm thuê. Có những ngày thứ 7 và Chúa Nhật mỗi ngày phải dâng 4 thánh lễ ở các nơi khác nhau đến phờ cả người. Nhiều khi cũng càm ràm với cha bề trên và muốn bỏ việc cho rồi nhưng thấy thương cho người giáo dân quá vì cả tháng hay hai tháng họ mới có thánh lễ một lần. Đời sống tâm linh của họ khá nguội lạnh vì thiếu vắng mục tử mà nếu mình bỏ thì họ lạnh tanh luôn. Thôi thì cố giúp được khi nào thì giúp vì chính thánh bổng mạng của các linh mục, thánh Gioan Maria Vianey, hàng ngày ngồi toà đến 16 giờ mà càm ràm gì đâu.

Đôi hàng bộc bạch

Con người sống cần có lý tưởng. Tôi cũng là con người sống với nhiều lý tưởng và luôn ước mơ những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Chính vì thế mà tôi đã xin trở thành một nhà truyền giáo trong Dòng Ngôi Lời để thực thi lý tưởng tốt đẹp đó. Dòng Ngôi Lời là một cộng đoàn quốc tế mà trong đó các tu sĩ gồm linh mục và tu huynh thuộc đủ mọi quốc gia sống và làm việc với nhau. Tôi những tưởng đây là một kiểu mẫu của một cuộc sống tu trì hoàn hảo nhưng quả thực có những điều khá tế nhị mà nếu mỗi người không biết kiềm chế và vượt qua những tranh luận nhỏ nhặt thì dễ dẫn đến hậu quả khôn lường.

Tỉnh Dòng Ngôi Lời Paraguay của chúng tôi có trên 30 quốc gia chung sống với nhau và mỗi quốc gia có một văn hoá khác nhau và mỗi người lại có mỗi tính tình khác nhau nên việc đụng chạm đến tự ái dân tộc hoặc là cá tính của từng người là một điều tối kỵ. Một lời nói không khéo dễ dẫn đến đỗ vỡ. Nhưng nếu cứ thinh lặng mãi thì bị cho là nhu nhược. Ví dụ chuyện xảy ra giữa Việt Nam và Trung quốc vừa qua là đề tài mà các tu sĩ ở đây muốn hỏi thăm và muốn biết thực hư thế nào vì họ cứ tưởng rằng người Việt Nam nói tiếng Hoa. Vị linh mục người Trung Hoa khoa trương và nói với họ rằng Việt Nam từng là một tỉnh của Trung quốc nên bây giờ chuyện họ muốn làm gì là quyền của họ. Không biết khi vị linh mục này học ở Trung quốc thì người ta đã dạy gì cho anh ta mà anh ta lại dám cao ngạo như vậy. Tôi bình thản chia sẻ với các tu sĩ bạn rằng nước Việt Nam chúng tôi tuy là một nước độc lập dù nhỏ so với Trung Quốc nhưng chúng tôi có ngôn ngữ và chữ viết riêng, có 4 ngàn năm văn hiến và dù Trung Quốc đã từng dùng sức mạnh xâm chiếm đất nước chúng tôi nhưng chúng tôi đã đứng lên để chiến đấu và đã chiến thắng. Dân tộc Việt Nam chúng tôi luôn mong muốn hoà bình nhưng vì nước láng giềng của chúng tôi cứ muốn lấn chiếm và làm khổ người dân chúng tôi. Tôi đi tu không muốn dính dáng gì đến chính trị chính em nhưng nếu cần tôi sẵn sàng làm tất cả để nói lên tiếng nói yêu nước của một người Việt Nam. Sau những lời chia sẻ đó, vị linh mục người Trung Hoa lục địa có vẻ bực tức với tôi lắm nhưng chẳng làm gì được tôi. Tôi sẽ sẵn sàng đối thoại với anh ta nếu anh ta gặp tôi nhưng các buổi họp kế tiếp anh ta chẳng thèm chào tôi nữa.

Thế đó, cuộc sống truyền giáo không dễ dàng chút nào, lại càng khó khăn hơn với những nhà truyền giáo quốc tế vì vừa phải theo tôn chỉ Hội Dòng, vừa phải bảo tồn và gìn giữ chính văn hoá của mình. Anh em ruột thịt còn bất đồng với nhau huống gì chúng tôi là người xa lạ. Sắp tới đây tôi sẽ đi dự một khoá hội thảo quốc tế của các nhà truyền giáo toàn châu Mỹ về Đối Thoại Ngôn Sứ tại một nước Nam Mỹ, và dịp này tôi có thời gian để chia sẻ một chút về nét đẹp của văn hoá Việt Nam.

Hôm nay ngồi viết những dòng tâm sự này đúng dịp lễ thánh Gio-an Vianey, quan thầy của các linh mục. Mới tuần trước sau khi dạy học cho các chủng sinh xong và chợt nhìn vào gương, thấy có gì trăng trắng trên đầu và tưởng là bụi phấn, nhưng phủi mãi chẳng thấy rơi xuống. Nhìn kỹ thì mới biết là tóc đã chuyển màu. Té ra mình bắt đầu có tóc bạc! Hơi buồn một tý vì lâu nay mình cứ tự hào với anh em cùng lớp là mình có mái tóc đen tuyền. Điện thoại báo cho cha bạn cùng làm việc ở Paraguay biết và hỏi cha bạn thế nào về tóc, cha bạn trả lời tóc của anh ta càng ngày càng bị rụng nhiều giống như cha thánh Vianey! Người xưa đã nói rất đúng: Sanh-Lão-Bệnh-Tử. Mình mới đi tới bước 3 là Sanh-Lão-Bệnh, và không biết bao giờ qua bước thứ 4, Tử! Xin phó thác cho Chúa và xin chúc mừng tất cả các anh em linh mục trong ngày lễ quan thầy của chúng ta.

Paraguay, áp lễ thánh G. Maria Vianey,