LÒNG NHÂN HẬU GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Thật bàng hoàng và đau đớn khi nghe tin một sinh viên - một tri thức trẻ - đã cam tâm mang bình axít vào chính ngôi trường thân thương của em học để mà tạt. Nạn nhân bị tạt là ai vậy ? Nạn nhân chính là người Thầy suốt bao năm trường cưu mang em, dạy dỗ em ! Nạn nhân chính là những tri thức trẻ đồng trang lứa với em đang ngồi trên ghế giảng đường để sau này mang những dòng nhựa nhân cách chảy vào đời.

Sáng ngày 24 tháng 8, tại giảng đường RĐ302 trường Đại Học Nông lâm TP.HCM, thầy cùng trò lớp DH06CK đang mãi mê nghe giảng bài mới thì bỗng nhiên một dòng nước lạ được rưới lên đầu. Một lát sau, khi cơ thể thấy rát rát, nóng nóng mới biết rằng mình vừa bị dội axít.

Thầy, trò: tổng cộng 14 người phải nhập viện. Người nhẹ thì ở Bệnh viện Đa Khoa Thủ Đức còn người nặng thì phải chuyển lên Chợ Rẩy. Đau nhất có lẽ là thầy Đặng Hữu Dũng (51 tuổi, Phó khoa Cơ khí- Công nghệ trường ĐH Nông Lâm).

Tìm hiểu nguyên nhân thì người học trò thân yêu ấy đã “nợ” nhiều môn học trong hơn 3 năm qua. Người học trò ấy còn thiếu môn tiếng Anh chuyên ngành do thầy Dũng phụ trách nên chưa thể tốt nghiệp được. Chẳng hiểu lý do gì mà cứ trượt mãi và từ đó, lòng căm giận của trò loé lên, trò cho rằng thầy trù dập mình và rồi đã đi mua 5 lít axit về để “dằn mặt” thầy !

Thầy đau lắm, thầy chỉ biết nói rằng chỉ vì thầy mà các bạn sinh viên bị lây ! Nhân hậu quá, thương tâm quá ! Vì một chút nông nổi bộc phá nơi một con người để rồi hậu quả khôn lường đã đến. Nhân hậu hơn nữa như là một lời tha thứ của thầy Dũng: “Hãy cho cậu ấy một con đường nếu cậu ấy biết hối cải”. Lẽ ra, trong cơn đau đớn thể xác do sức tàn phá của axit đã làm cho thầy uất hận, lên án đứa học trò cũ của mình hay là dùng những lời lẽ chua cay đổ dồn lên cậu ấy nhưng không, thầy đã làm ngược lại.

Không biết thầy Dũng có phải là kitô hữu hay không nhưng con đường, cách hành xử của thầy sao đẹp qúa. Thầy đã đi theo con đường mà ngày xưa Giêsu đã đi là tha thứ cho những người tội lỗi, những người yếu đuối và cũng ước mong sao những người ấy hối cải.

Lối hành xử này là lối hành xử đậm chất Giêsu, đậm chất kitô giáo vì lẽ cuộc đời này vẫn diễn ra hàng ngày hình ảnh của những người bất lương, những kẻ luôn tìm cách hại người khác nhưng rồi những người bị hại, những người bị chà đạp vẫn gióng lên tiếng nói của yêu thương và tha thứ.

Hình ảnh ấy cũng đang sáng nơi giáo xứ Thái Hà, nơi giáo xứ Tam Toà. Dù bị chà đạp, dù bị vu khống, dù bị đối xử bất công nhưng Thái Hà, Tam Toà và hàng triệu hàng triệu người Công Giáo ở Việt Nam vẫn nói lên tiếng nói của sự tha thứ, của sự chờ đợi nơi những con người bất công, vu khống.

Sự việc đã xảy ra, đau đớn đang dằn vặt nhưng cần phải nhìn lại cách lối giáo dục. Nếu thật sự có cái tâm, nếu thật sự còn chút tình người thì người học trò ấy chẳng bao giờ mang axít đi tạt vào thầy và trò cả. Chất lượng giáo dục và đào tạo như thế nào chắc có lẽ không cần phải bàn. Có quá nhiều cải cách, có quá nhiều đổi mới và có qúa nhiều thành quả được nghe trong các bài báo cáo thật hoành tráng nhưng thực tế sao mà đau lòng quá.

Ở môi trường đào tạo tri thức, đào tạo con người mà còn như vậy thì huống hồ gì là những môi trường khác, những môi trường đi tìm miếng cơm manh áo.

Rồi đây, vết thương thầy Dũng cũng như những nạn nhân của vụ tạt axit này cũng sẽ lành nhưng vết thương lòng chẳng biết bao giờ có thể lành được.

Thực trạng giáo dục nó làm sao ấy ? Hình như con trẻ ngày hôm nay quên mất hai tiếng “cảm ơn”, hai tiếng “xin lỗi”, hai tiếng “ghi ơn” … để rồi hành xử theo kiểu ăn thua. Cũng chẳng trách ai cả vì lẽ có ai can đảm đứng ra để nhận trách nhiệm về mình đâu. Nếu có chuyện gì xảy ra thì lại là “vô ý gây ra hậu quả nghiêm trọng …”. Cứ nhìn xem các vụ án tham nhũng, chiếm đoạt của công thành của tư thì ta sẽ rõ. Tất cả đều “vô ý gây hậu quả” !

Thầy Dũng có quyền nặng lời ai oán trước người hại mình, thầy Dũng có quyền nói tiếng nói xét xử người ác nhưng không ! Thầy đã làm ngược lại ! Hình ảnh của Thầy cũng gần với hình ảnh của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Chính Đức Giáo Hoàng đã vào tận ngục thất để thăm kẻ ám sát mình và nói lời tha thứ !

Thế đấy ! Giữa cái dòng chảy bôn ba của cuộc đời này, có những con người rất dữ tợn, có những con người bằng mọi cách để triệt hạ anh chị em đồng loại, có những con người đánh mất cái lòng nhân, cái tình người thì vẫn loé lên những hình ảnh, những tấm lòng nhân hậu như Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, như thầy Đặng Hữu Dũng. ..

Những hình ảnh đẹp ấy như như xoa dịu nỗi đau của một thế giới đang nhuốm đậm màu của nền văn hoá của sự chết, nền văn hoá của sự chà đạp, nền văn hoá của sự hơn thua.