“Đêm lửa Thạch bích”

Biết là có ngày hội lớn của sinh viên Tổng giáo phận Hà nội sẽ diễn ra tại Thạch Bích ( Trong hai ngày14 và15 tháng 11 ) Đã nhận được lời mời từ ban tổ chức đại hội. Thế nhưng cuộc sống thường nhật vẫn cứ lấp đầy, xô đẩy mình theo nó. Co kéo mãi tới tối mới rảnh rang đôi chút, vội vàng chạy về Thạch Bích cùng vui với những người trẻ tuổi. Thế nhưng “Ách tắc giao thông” lại lấy đi quá nửa thời gian dành dụm được để rồi vội vàng lại càng vội vàng hơn.

Mới đến chiếc cổng chào, từ đường cái quan đã nghe thấy tiếng hát đồng ca vang vọng đất trời, đã thấy đèn đuốc sáng rực, người người đang đổ dồn về phía cuối con đường nơi nhà thờ tọa lạc, cũng là nơi các bạn chọn làm địa điểm của Đại hội.

“ Đang có văn nghệ”, “Cây nhà lá vườn cả đấy” người đi trên đường kháo nhau như vậy.

Cái tâm trạng của người đến muộn khiến mình hoà nhanh vào dòng người hướng thẳng đến sân khấu lớn là trung tâm của đêm hội, nơi đang có cả ngàn ngàn cánh tay giơ cao vẫy chào cổ vũ, nơi giọng ca của bạn nào đó đang dâng cao lời ca về hồng ân của Chúa rồi hạ xuống cùng tiếng nhạc đổ dồn, tiếng vỗ tay rộn lên khi ca khúc kết thúc.

Khi nhóm sinh viên vừa biểu diễn rời sàn diễn, khoảng trống hiện ra đủ cho mình thấy được biểu tượng ngọn lửa lớn ngay giữa sân khấu và cảm nhận được ẩn dụ về chủ đề của đêm hội này là “lửa”.

Dứt lời thông báo của M.C rằng chương trình biểu diễn tiếp theo là của sinh viên giáo phân Vinh, một điệu dân ca miền trung du dương êm ả cất lên, núi đồi, non nước miền trung hiện ra trên sân khấu với vũ điệu trập trùng, lời ca sao mà thiết tha đến vậy: “À.. ơi…Chứ ai biết nước sông Lam răng là trong là đục. Thì biết cuộc đời răng là nhục là vinh… Thuyền em lên thác xuống ghềnh… Nước non là nghĩa là tình ai.. ơi …”

Rồi những người dân nghèo sinh nhai trên nước non thanh bình ấy với thúng mẹt, đó đơm,cả kiếp ăn sương… họ cúi đầu lam lũ nhọc nhằn kiếm sống vì thiếu đức tin, thiếu ánh sáng.

Rồi một linh mục đến nâng đỡ từng người lên, dìu dắt họ về nơi có ánh sáng ( Khoảng giữa sân khấu)…Những cái đầu đã ngửng lên, những đôi mắt đã chan chứa niềm tin, những tưởng cuộc đời tăm tối sẽ thay đổi từ đây…

Thế rồi Túyt …Tuýt…Tuýt… Túyt …Tuýt…Tuýt... Rập …Rập … Rập …Rập … Rập …Rập...

Bỗng tiếng còi cảnh sát tuýt lên liên hồi cùng bước rầm rập khẩn trương xé toạc khung cảng an bình. Đoàn quân hăm hở thô bạo tiến ra chiếm trọn phần trung tâm sân khấu cùng với một nghi thức trao tặng giấy khen mà chúng ta vẫn thấy trên ti vi, hay trong các hội nghị, kèm theo đó là những chiếc… phong bì và cái xoa đầu rất ấn tượng.

Và chính đoàn quân này đã lao vào đánh đập một cách tàn bạo đoàn người rách nát đang lê bước đi tìm ánh sáng, hạnh phúc. ..Những cánh tay chới với kêu cầu, bám víu...những thân hình quằn quại... Linh mục đã có mặt, Ngài đang cố ủi an đỡ đần những thân phận khổ đau bị đánh đập kia... Cha đã bị đánh, họ đánh tới tấp, Cha gục xuống... Nhưng Ngài cố gượng dậy, vươn tay về phía những người người xấu số. .. Đám quân ngỗ ngược trói Cha lại, đè sấp xuống tiếp tục đánh...Cha vùng đứng dậy…Cha đứng dậy được rồi... (Tất cả khán giả trên sân thót tim, nín lặng). .. Không,...Cú “lên gối” hiểm hóc và man rợ cuối cùng đã khiến Cha hộc máu ngã gục, dang tay trên đất như một cây Thập giá. ..

Khán gỉa ồ lên uất nghẹn. ..Lòng mình thì tê tái, xót xa chẳng khác gì khi đọc những vần thơ của thi sĩ Hoàng cầm trong bài “ Bên kia sông đuống”:

“...Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn

Khuơ giầy đinh đạp đổ quán gầy teo

Xì xồ cướp bóc tan phiên chợ ngèo

Lá đa lác đác trước lều

Vài ba giọt máu loang chiều mùa đông...”

Rồi tất cả tối sầm xuống, trên sân khấu chỉ còn lại như một nghĩa địa hoang tàn.

Ai đó mũ cao áo dài, có phải là một trí thức chăng ? y đang cố làm một điều gì đó, kêu than? hay tố cáo ? Tiếng hát của y vang giữa không gian thinh lặng,cô tịch, không một hồi đáp. Chừng như nhận ra kiếp phận con người, nhận thấy mũ cao áo dài chỉ là đồ cảnh vẻ trang trí, y quăng chiếc mũ và lăn ra tự chết.

Và nến được thắp lên, những người yêu chuộng Công lý sự thật hoà bình đã can đảm, dấn thân thắp sáng lên ngay nơi hoang tàn chết tróc kia, bất giác mọi người có mặt trong đêm hội cùng hoà chung với tốp diễn lời nguyện cầu:

Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt nam

Trời u ám, bất công lan tràn

Mẹ hãy giơ tay ban phước bình an

Đưa Việt nam qua phút nguy nan…

Tất cả lại được hồi sinh, hồi sinh sau lời nguyện cầu tha thiết tới đức mẹ Maria - Nữ vương công lý hoà bình.

Đây là một kết thúc có hậu, không chỉ là ước mơ của những sinh viên, tác giả diễn cảnh hy hữu này, mà là mơ ước của tất cả những ai yêu chuộng công lý sự thật, phải sống trong xã hội đầy dối trá bất công. Và chỉ khi nhưng tràng pháo tay nổ ran những tiếng hô ủng hộ nhiệt tình dậy lên, và tốp diễn cúi đầu chào cảm ơn khán giả mình mới hiểu đây chỉ là một vở diễn. Mọi người nhìn sang nhau tìm sự sẻ chia, nghẹn ngào... Mình thấy trong mắt các bạn trẻ ngùn ngụt ngọn lửa, lửa “công lý”.Và trên sân khấu kia biểu tượng ngọn lửa đang rực cháy.

Ngay sau màn diễn của sinh viên giáo phận Vinh là những chương trình trẻ trung, sôi động của những nhóm sinh viên từ các giáo xứ khác. Những ca sĩ, những vũ công nhiệt huyết đến hết mình đã làm tiếng vỗ tay, tiếng cổ vũ không lúc nào ngớt trên sân.. Người xem trèo leo kín cả hai bên tường nhà thờ, trên những ban công, sân thượng người ta kê ghế thành hàng để ngồi xem. Đây là thủ đô cơ mà ? Đường lớn nhà cao cả đấy thôi, nhà nào mà chả có tivi, đầu đĩa, cách đó không xa là nhà văn hoá xã, nhà văn hoá huyện. ..Sao lại đói văn hoá đến vậy? Mình chỉ còn cách tự lý giải với mình rằng họ đói công lý, đói sự thật, đói sự trẻ tươi mà thôi.

Thời gian không nhiều, mình lại vội vàng đi xuống các lán trại, mỗi trại là một chủ đề, mỗi trại một vẻ, nét tựu trung là đơn sơ và nghộ nghĩnh, đến “trà đá” cũng trở thành “đặc sản vùng miền”, trở thành “thương hiệu” thì Thượng đế cũng phải cười mất thôi các bạn trẻ ạ…

Nhưng nét tựu trung lớn nhất của đêm hội này có lẽ là “lửa”. Biểu tượng lửa trên sân khấu, lửa trên đèn nến, lửa ở trong mắt các bạn, “ Lửa trẻ trung” “ lửa công lý” “Lửa yêu thương” “ Lửa nhiệt thành” và những nụ cười hồn nhiên, thân thiện.

Mình đã dành tất cả thời gian còn lại để chụp ảnh các nụ cười, mình chụp lia lịa, chụp đến hết cả bộ nhớ của máy ảnh thì thôi ( Hai ghi -ga –bai đấy nhé, chủ yếu là các bạn nữ )

Rất lạ là kiểu ảnh cuối cùng lại chính là điểm cuối cùng trong chu trình của mình, Cộng đoàn Vinh. ( Bắt đầu, bên tay phải khi đi vào, cuối cùng bên trái khi đi ra ) và thế là trong máy của mình chỉ có một kiểu duy nhất cho cộng đoàn Vinh, đó là biểu tượng tháp đổ “Tam toà” ngay trên nóc lều.

Đến lúc phải về rồi, lòng cứ bâng khuâng, xao xuyến suốt cả chặng đường. Biết là chương trình Đại hội diễn ra trong hai ngày với những Thánh lễ long trọng, các cuộc thi, các hoạt động văn hoá, thể thao, vui chơi hoành tráng. Biết là đêm nay có đốt lửa trại, biết là có thắp nến cho công lý, sự thật, hoà bình... biết là đêm nay lửa sẽ sáng rực trời Thạch Bích...Mình thì lại lặng lẽ trở về trong giá lạnh với bao nỗi bất trắc của riêng tư.

Định là sẽ uống lấy một ly “trà đá”, mua lấy vài chục bánh đa làm quà, hơn nữa để “Kích cầu”,”Kích thích” “Hỗ trợ” “ Giải cứu” kinh tế gì đó cho các bạn rồi lại quên. Thôi thế cũng đành.. Mời nhau là một cú điện thoại, đón nhau là cả ngàn nụ cười, ngàn ánh lửa thì có gì quý hơn.

Có đôi dòng blogviết trên giấy trắng này, liệu có đến được với các bạn hay không?

14/11/2009

Trần Thạch Linh