TẤM GƯƠNG KHÓ NGHÈO CỦA CHÚA GIÊSU LINH MỤC QUA THI PHẨM CUNG CHI

Năm Thánh của Giáo hội Việt Nam (24-11-2009) bắt đầu sáu tháng sau ngày khai mạc Năm Linh Mục (19-6-2009) vì Chúa Kitô linh mục thượng phẩm đời đời là khởi điểm của lịch sử công trình cứu độ trên nước Việt. Trong bài huấn giáo ngày 19-8-2009, Đức Bênêdictô XVI nói linh mục là ‘‘humus spirituel’’ (humus: đất). Từ ngữ này nhắc lại tên gọi Adam trong Cựu ước, cũng có nghĩa là đất. Humus spirituel mời gọi lòng khiêm hạ, vì linh mục chính là ‘‘đất thiêng’’.

Linh mục Thi sĩ Cung Chi trước tác 12 bài thơ lấy chủ đề ‘‘Linh mục’’ để diễn tả tâm tình của một linh mục trong Năm Linh mục của Hội thánh.

12 bài thơ là 12 cánh sen chức thánh. Cánh sen thứ nhất: Chúa Giêsu Linh mục gồm 8 khổ (strophes), mỗi khổ nói lên gương sáng Kitô trong thiên chức linh mục:

- nghèo (pauvreté);
- tinh tuyền (chasteté);
- vâng lời (obéissance);
- hy sinh (sacrifice);
- khiêm hạ (humilité);
- tình thương (amour);
- linh mục muôn đời (Prêtre Éternel).

Ba nhân đức đầu nhắc lại lời khấn hứa của các linh mục dòng. Phúc cuối tám mối thánh đức linh mục hướng về Linh mục muôn đời là Đức Kitô, vì Chúa là nguồn thánh đức.

Bài thơ làm theo thể thơ mới, lối câu 7 chữ, vần gieo ở cuối câu đầu và hai câu chẵn. Nguyên tác như sau:
Linh Mục là cánh sen nghèo giữa cảnh đời
Chúa Giêsu Linh mục

Lạy Chúa Giêsu Linh mục nghèo
Cuộc đời của Chúa quá đơn neo
Nhưng lòng của Chúa giàu vô hạn
Giúp kẻ giàu sang lẫn kẻ nghèo

Chúa là Linh mục rất tinh tuyền
Chẳng ngại hạ mình chốn đất đen
Thu thuế, điếm đàng, quân tội lỗi
Chúa đều đoái đến, cất đưa lên

Chúa là Linh mục nguyện vâng lời
Ngay từ ngưỡng cửa bước vào đời:
‘‘Con đến, này đây, tuân Thánh ý
Cứ thế Chúa đi đến trọn đời

Chúa là Linh mục nhận hy sinh
Sẵn sàng tự hiến bản thân mình
Trở nên tất cả, cho tất cả
Như lễ toàn thiêu vẹn nghĩa tình

Chúa là Linh mục thật khiêm nhường
Từ ngai Thượng đế, bỏ thiên cung
Xuống đời phục vụ như tôi tớ
Chịu chết ngang hàng bọn bất lương

Chúa là Linh mục giàu tình thương
Bao dung đón nhận đủ trăm đường
Lời xưa trên núi ‘‘Xin tha thứ’’
Là dấu yêu thương đến tận cùng

Chúa là Linh mục đến muôn đời
Lấy Mình Máu Thánh nuôi loài người
Ngày đêm hiện diện nơi nhà tạm
Lắng nghe, nâng đỡ, ủi an người

Gương Chúa nêu cao tuyệt vời thay
Cho hàng linh mục thế gian này
Từng ngày, từng bước, noi theo Chúa
Xứng danh môn đệ tôi trung Thày

Paris, ngày khai mạc Năm Linh mục
(19 tháng 6 năm 2009)

Cung Chi


Tác giả mượn phúc thật thứ nhất trong bài giảng trên núi, mở đầu bài thơ bằng đức nghèo: ‘‘Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ’’ (Mt 5,3).

Theo thánh Thomas d’Aquin trong Tiểu phẩm Thần học (Opuscules théologiques), Đức Kitô đã chọn cha mẹ nghèo nhưng có nhân đức vẹn toàn. Chúa sống nghèo để rao giảng nên coi nhẹ giàu sang phú quý. Ngài đã làm lụng vất vả, chịu đói khát, chịu cực hình khắp châu thân để loài người không từ bỏ nhân đức thiện hảo. Sau cùng, Đức Kitô chịu chết trên thập giá khổ đau để không một ai vì sợ chết mà phản bội sự thật, không có ai ngại chết để làm chứng cho sự thật. Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu chết để nhân loại noi gương Ngài như lời thánh Phêrô: ‘‘Đức Kitô chịu chết để lại cho chúng ta gương sáng dấn bước theo Ngài.’’

Theo lời thánh Thomas d’Aquin, nếu Đức Kitô sống trong giàu sang phú quý, có địa vị trần thế cao sang, lời giảng dạy và các phép lạ của Người được chấp nhận chỉ vì địa vị trần thế chóng qua. Vì muốn chứng tỏ công trình thiên đức, Ngài đã chọn vị thế thấp kém bị người đời coi nhẹ: người mẹ nghèo trong một kiếp sống đơn nghèo, các môn đệ không học thức nhiều. Ngài nhận bản án tử hình từ những người quyền quý trong xã hội, để chứng tỏ rằng những lời rao giảng và nhũng phép lạ đến từ quyền lực siêu nhiên, không phải từ thế quyền chóng qua.

Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể muốn rằng các môn đệ, những thừa tác viên trong công trình cứu độ thường bị thế quyền coi thường. Vì vậy, ngài không chọn những người học thức uyên thâm hoặc những nhà quyền quý, nhưng là những bác thuyền chài nghèo ít học. Khi Đức Kitô sai họ đi cứu độ loài người, Chúa truyền cho họ giữ nguyên thân phận khó nghèo, chấp nhận bị bách hại và tử đạo vì chân lý để sự rao giảng của họ không xuất phát từ những lợi ích trần thế, công trình cứu độ không phát xuất từ sự khôn ngoan hoặc thế lực trần gian, nhưng bắt nguồn từ uy quyền Thiên Chúa.

Bài thơ của linh mục thi sĩ Cung Chi cũng như những lời giảng dạy của thánh Thomas về đức khó nghèo của Đức Kitô giúp ta chiêm ngắm ngắm cỏ Bê Lem với lòng cậy trông. Tác giả sáng tác ‘‘Chúa Giêsu Linh mục’’ vào thời điểm mở đầu Năm Linh Mục, nhưng chỉ được phổ biến vài mùa Giáng sinh 2009. Bốn câu dẫn nhập tán dương dđức khó nghèo. Bởi chưng các linh mục dòng khấn hứa:

- khó nghèo (pauvreté);
- thanh tịnh (chasteté);
- và vâng (obéissance).

Các linh mục triều thì khấn

- độc thân (célibate);
- và vâng lời giám mục bản quyền.

Khi khấn vâng lời giám mục bản quyền, các linh mục triều coi nhẹ của cải vật chất (détachement des biens matériels).

Bài thơ của Cung Chi ‘‘Chúa Giêsu Linh mục’’ được sáng tác vào thời điểm khai mạc Năm Linh mục (Annus Sacerdotalis), vì mỗi linh mục là một Chúa Kitô khác (Sacerdos alter Christus):

- Linh mục là Đức Kitô lo cho các linh hồn trên hành trình trần thế;
- Cha sở là Đức Kitô trong họ đạo;
- Giám mục là Đức Kitô trong giáo phận;
- Đức Thánh Cha là Đức Kitô tại thế.

Bài thơ của Cung Chi chính là lời mời hiệp ý cầu nguyện cho các linh mục vứ rao giảng, lại vừa thực thi phúc đầu tám mối:

‘‘Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước trời là của họ’’ (Mt 5,3).

Paris, ngày 25 tháng 12 năm 2009

Lê Đình Thông