Ba người cha

Trong đời, tôi có ba người cha: cha ruột mà tôi gọi bằng ba, cha vợ tôi cũng gọi bằng ba, và người cha nữa là ông cha nhà thờ mà tôi gọi là cha.

Ba ruột tôi chết sớm, khi tôi mới có 3 tuổi, nên tôi hân hạnh được xếp vào danh sách những trẻ mồ côi cha. Vì ba tôi chết sớm quá, tôi không có được một kỷ niệm nào về ba tôi, may mà gia đình còn giữ đưọc một tấm ảnh, nhờ đó khi có ai hỏi ba anh là ai, tôi có được tấm ảnh để chỉ, hay đối với riêng mình, có được một hình ảnh để nhớ.

Lớn lên, lập gia đình (nghĩa là có vợ đó), tôi có cha vợ mà theo cách gọi trong gia đình, tôi cũng gọi là ba. Tôi là rễ út nên chuyện gì ba vợ tôi cũng kêu út. Đi đâu: út chở ba đi. Rồi có hôm, sau khi đi đâu đó, ba tôi nói: “Út, mình ghé vô đây uống vài chai chơi”, tôi mới nói: “Ở nhà mình còn bia ba!”, “Ậy, bia ở nhà sao bằng bia ở tiệm!” Được thì ghé! Rồi ba vợ tôi cũng mất.

Còn người cha nữa là … “cha nhà thờ”. Vị cha này, tôi đã có từ khi mới được 3 ngày tuổi cho đến bây giờ, đã gần “thất thập cổ lai hi”, nên có biết bao nhiêu là kỷ niệm, biết bao nhiêu chuyện để nói, biết bao nhiêu chuyện để mà nhớ. Vị cha này, trong đời tôi, tôi còn có hoài. Bởi là con người, mà người khác nhau thì tánh ý khác nhau, “bá nhân bá tánh” mà, cho nên đối với các cha, tôi có đủ hết những tình cảm thương ghét giận hờn …

Cha thì tôi có: cha sở, cha phó, cha khách, cha giáo, cha bà con, cha bạn bè… Cha đã gieo trong lòng tôi nhiều cảm mến, nay nhắc lại trước là để nhớ đến cha, sau là nói thêm cho người ta biết để mà nhớ về cha. Bài này tôi viết là để nói tới người cha này, với tất cả tâm tình, nhưng xin chỉ nói ở đây những chuyện nhớ thương.

Tình nghĩa anh em

Hồi nhỏ, ba tôi cũng có đi nhà trường la tinh, nghĩa là đi tu, nhưng tu không thành. Vì vậy mà có nhiều cha là bạn cũ của ba tôi, cùng lớp hay lớn hơn hoặc nhỏ hơn một vài lớp, thỉnh thoảng khi có dịp đến quê tôi là các cha đều có ghé thăm. Ngay cả sau khi ba tôi mất rồi, các cha bạn cũ của ba tôi cũng ghé nhà để thăm “vợ con anh mười”, mỗi lần như vậy là anh em tôi … có quà. Sau khi chịu chức, cha có đi làm cha phó, rồi đi lính, rồi làm cha sở, rồi …

Hôm đó, có chiếc Jeep đậu trước cửa nhà. Chó sủa, anh em tôi chạy ra. Một ông “lính” trên xe bước xuống, nói tiếng oang oang:

- Có má ở nhà không con?

Má tôi nghe vậy chạy ra, chào:

- Thưa cha, cha vô nhà chơi!

Thì ra “ông lính” đó là ông cha, được biết là bạn cùng lớp với ba tôi trước đây. Cha cười hề hề:

- Sao, chị với mấy đứa nhỏ bình yên hả? Chị biết hông, tui đi “opération” ngang qua đây, nhớ lại tháng tới đây là tới ngày giỗ anh mười, rán ghé thăm chị với mấy đứa nhỏ một chút, tôi sẽ làm lễ cầu cho linh hồn Phêrô …

Cha đưa tay ngoắc, một ông lính ôm vô một bao bự:

- Đem cho chị với mấy đứa nhỏ chút ít bánh trái cho tụi nó ăn, tội nghiệp!

Má tôi mới hỏi thăm:

- Lúc rày cha khỏe không? Thấy cha có vẻ hơi mập hơn trước.

- Ờ, không biết sao mà bây giờ tôi mập quá, mập ú như … con heo! Mà được cái là khoẻ chị.

Qua loa mấy câu xong, cha vuốt đầu anh em tôi rồi vội vả ra xe đi.

Ai nói làm “cha” rồi không còn có tình anh em?

Cha còn nhớ con

Lần đó, tôi có dịp gặp cha. Khi đó, cha đã luống tuổi rồi, mái tóc cha muối nhiều hơn tiêu, vậy mà miệng cũng vẫn còn luôn chúm chím như ngày nào. Hai anh em tôi tới chào:

- Cha nhớ con không cha?

Cha ngẩng mặt lên nhìn rồi nói:

- Không! Đám học trò của cha nhiều quá, nhớ không xuể! Đám học trò ở chủng viện, rồi đám học trò ở trường Thánh Mẫu …

- Dạ hai anh em con là Ánh Sáng Bà Rịa đó cha.

Trời đất ơi, cha nói liền:

- Ờ, nhớ rồi, hai đứa con là cháu Đức cha Quang Cần Thơ…

Rồi cha nhắc tới dám chủng sinh miệt Bà Rịa, Đất Đỏ, Vũng Tàu thời đó, nào là thằng Tầm, thằng Tơ, thằng Khiêm, thằng Kinh, thằng Đầy, thằng Tích, … Đức cha Louis Phạm Văn Nẫm đó, thầy cũ của tôi đó. Chèn ơi! Sao mà nhớ dai quá trời!

Cha mà còn nhớ được ra con thì làm sao con không nhớ cha!

Tình gia đình

Cha của cha qua đời. Mấy hôm rồi, ông cụ đau nặng, ngày nào cha cũng có về thăm, đút cháo cho ông cụ, rồi ở lại với gia đình tới gần khuya mới trở về họ. Sáng sớm hôm đó, còn thật sớm, người quen đến báo cho cha hay. Cha nhờ cha phó nhì làm lễ sáng thay cha. Cha ghé vô nhà thờ cho tôi hay, vì tôi là người bạn chí thân.

Liền sáng hôm đó, tôi với vài người trong họ đi liền qua Thị Nghè, nơi ông cụ đang ở. Tụi tôi lo dọn dẹp trong ngoài phụ cha. Sau khi hòm đã được mang tới, giờ vĩnh biệt sắp đến. Ông cụ được đưa đặt vô trong hòm. Cha đứng bên cạnh hòm. Một chiếc khăn tang trắng quàng hai bên cổ cha, thả dài xuống trước ngực. Nấp hòm được đóng lại, vậy là kể từ nay vĩnh biệt.

Cha nói: “Đêm nay ở lại với tôi nghe!” Tôi gật đầu ưng thuận. Tối lại, khách ra về, có tôi ở lại. Đêm khuya, chỉ còn có hai “đứa” thức. Cha rủ tôi đọc kinh cho ông cụ. Rồi cha biểu: “Anh ngủ một chút đi!” Tôi lại nằm trên mấy cái ghế, sắp chung lại. Nằm cho khỏe lưng chớ ngủ nghê gì, nghe sột sọet, tôi hé mắt ra nhìn: thỉnh thoảng cha đi lại đứng bên hòm, lấy tay vuốt nhẹ hòm cha… Tôi nghiệm: “Có con cho đi tu làm linh mục sợ gì thiếu mất một vành khăn tang.”

Cha làm cha nhưng trọn nghĩa hiếu đạo.

Tình nghĩa “cha con”

Anh ta là người đạo mới. Anh ta theo đạo là do cảm tình, cảm tình với ông cha phó. Anh làm nghề sữa xe gắn máy. Xe của cha hư, người ta giới thiệu anh với cha. Anh hút thuốc mà cha cũng hút thuốc, hút dữ lắm. Anh mời cha, cha lấy thuốc của anh cha hút. Tới phiên cha mời, anh lấy thuốc của cha anh hút. Hai người trở thành bạn hút thuốc. Xe sữa xong, anh không lấy tiền. Cha không chịu nên anh đành lấy … chút xíu. Cha cám ơn rồi về, không quên mời anh “hôm nào rảnh ghé tôi uống cà phê chơi.”

Anh đâu có giờ rảnh, sữa xe xong thì chạng vạng tối rồi, chỉ còn có nước lo tắm rửa, đi kiếm cơm mua ăn rồi trở về leo lên căn gác nhỏ anh mướn gần chỗ anh sữa xe để ngủ. Rồi năm đó, lễ Giáng Sinh, anh đi theo bạn bè “coi lễ”. Sau lễ cha thấy anh, cha rủ anh cùng với anh em ở lại ăn réveillon. Anh nhận lời. Anh thấy vui. Anh nói: “Vui quá cha!” Cha mời anh: “Anh vô đạo đi, anh vô đạo rồi còn thấy vui hơn nữa.”

Rồi anh vô đạo. Ngày rửa tội cho anh, cha mua cho anh cái áo sơ mi trắng. Anh mặc vô mà nước mắt rưng rưng. Anh nghẹn ngào nói: “Hồi đó giờ, tui toàn mặc áo dính đầy dầu nhớt…” Sau khi theo đạo rồi, anh thường hay nghỉ sớm để lo đi công tác. Anh hay đi “tòn ten” theo cha nơi này nơi nọ. Đang sữa xe vậy mà khi có ai đi ngang chỗ anh làm, cho anh hay có người mới mất, chiều lại là anh lo te te, hàng hai hàng ba lên đi với cha. Người ta nói đùa rằng anh là “hộ vệ” của cha. Nghe vậy, anh cười khoái chí. Nhưng mà rồi một hôm …

Đang ngồi sữa xe, tự nhiên anh ngả ra xỉu. Người ta vội lo chở anh vô nhà thương rồi cho cha hay. Cha vô liền. Thấy cha, anh mừng rở, cười tươi ra mặt. Anh nằm nhà thương được hai ngày thì khi cha đến, bác sĩ kêu cha ra, nói riêng với cha … Không hiểu sao mà ngay chiều hôm đó, anh nói lại đùa với cha: “Bữa rửa tội cho con, cha mua cho con cái áo sơ mi vải, giờ cha rán mua cho cái áo sơ mi bằng cây nghe cha!” Cha chỉ mĩm cười và cha đã làm tròn lời hứa! Anh không vợ, không con, không anh em, không nhà cửa nhưng có được tình cha con với cha!

Tức cười quá chời!

Thánh Tôma là bổn mạng của cha. Thông thường, ngày áp lễ hay chính ngày lễ, người ta lo mừng bổn mạng cha, vậy mà năm đó, tôi còn đang học ở “trường họ”. Danh từ trường họ người xứ tôi dùng để phân biệt với trường nhà nước. Thầy cô, không chỉ có các “cô” thôi, là các bà phước trắng. Các bà dạy chữ, các bà dạy đạo.

Hôm đó, tụi tôi đang ngồi học thì thấy chú từ gánh một gánh chuối tới trường, lấy chuối ra để trước cửa các lớp, rồi có cái anh đó cũng gánh một gánh đầy bánh lạt. Các bà ngạc nhiên không biết là chuyện gì thì thấy cha “lù lù” đi tới. Cha vừa vô lớp, chúng tôi đứng lên, đồng thanh: “Chúng con kính chào cha!” Cha vô mỗi lớp, biểu các bà chia cho mỗi đứa một trái chuối, một cái bánh lạt để … ăn mừng bổn mạng cha.

Hai bên hông và sau nhà cha, có một vườn chuối. Thường, có chuối chín, cha sai đem qua cho các bà phước. Cha “đón đường” cho các ông biện, hay ai đó đi lễ hay phép lành về mà đi ngang “nhà cha” để biếu người một nãi. Nhè hôm đó, chuối chín rộ mà lại gặp ngày sắp lễ bổn mạng cha, cha sai lấy chuối cho tụi tôi ăn. Sáng ra, cha đi qua tiệm tạp hóa ngay trước cửa nhà thờ, cha “quơ” hết mớ bánh lạt có trong tiệm để đem cho tụi tôi.

Vô lớp tôi rồi, cha vô mấy lớp sau, các bà biết được “tình thế” rồi nên câu chào cha trở thành: “Chúng con kính chào cha! Chúng con mừng bổn mạng cha!” Đi vô thăm hết 6 lớp của trường, cha trở về. Cha đi ngang qua lớp, tụi tôi kêu “cha, cha” mà “tức cười quá chời!

Nay cha không còn, mà tôi cũng đã già rồi, trái chuối và cái bánh lạt ngày xưa đó, biết làm sao mà ăn lại được nữa, cha ơi!

***

Chưa hết đâu, chuyện còn nhiều lắm, nhớ tới đâu, nói tới đó để như là … ghi lại kỷ niệm một đời làm giáo dân.