HÀ NỘI - Chưa đầy một tháng trước đây, khi Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đến điện Vatican gặp Đức Giáo Hoàng Benedict XVI với những lời có cánh về tự do tôn giáo ở Việt Nam đã làm cho nhiều người hi vọng, những hành động của nhà cầm quyền Hà Nội là câu trả lời.

Hi vọng từ những lời có cánh

Người ta hi vọng, người ta ước mơ về một tương lai tốt đẹp hơn cho những giáo dân Việt Nam được chủ tịch nước trịnh trọng tuyên bố “… Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của người dân và luôn coi đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc... với sự quan tâm của chính quyền các cấp, các tôn giáo ở Việt Nam đều được tạo điều kiện phát triển thuận lợi”.

Người ta cũng hi vọng những lời nói của Chủ tịch nước sẽ được thể hiện bằng hành động sau Thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2010 tại Sở Kiện. Ở đó Giáo hội Công giáo đã sẵn sàng sám hối, hòa giải và hi vọng những điều tốt đẹp để “… quyết tâm đào sâu và phong phú hóa sự hiệp thông trong giáo hội và xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng, bằng con đường đối thoại chính thực, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cách lành mạnh với nhau” (Trích Sứ điệp của Giáo Hoàng Benedict XVI gửi Hội đồng Giám mục Việt Nam).

Mỗi tín hữu, tu sĩ, linh mục và hàng giáo phẩm Việt Nam hướng tới tương lai với sự thành tâm và niềm hi vọng chân thành về một thời kỳ mới tốt đẹp hơn trong quan hệ giữa giáo hội và nhà nước.

Thậm chí đã có một giám mục nhanh chóng lạc quan nêu lên cả một “Phương hướng đối thoại và hợp tác của Giáo Hội tại Việt Nam với Nhà nước".

Điều này cũng hết sức dễ hiểu, bởi với những người công giáo Việt Nam đơn sơ, hiền lành và đạo đức, thì lòng tin thường dồi dào, và cũng có lắm khi đặt không đúng chỗ.

Mặt khác, xét về hoàn cảnh và điều kiện đất nước Việt Nam hiện nay, điều hết sức cấp thiết mà bất cứ ai có suy nghĩ về vận mệnh đất nước, vận mệnh dân tộc đều hiểu rằng đất nước này cần hiệp nhất thành một khối vững chắc, bỏ qua tất cả mọi hiềm khích, hận thù khi mối nguy mất nước từ ngoại bang đang hiện hữu trước mặt.

Và trên phương diện nhà nước, điều này cần hơn tất cả mọi vấn đề khác về quyền lợi phe nhóm, đảng phái… nhằm đưa đất nước ra khỏi vòng nguy hiểm. Có như vậy, mới thực sự là một chính quyền của nhân dân.

Những tưởng rằng điều dễ hiểu đó ai cũng biết, và khi biết thì ai cũng sẽ chân thành hướng tới bằng những hành động thiết thực.

Nhưng, ước mơ vẫn chỉ là mơ ước - thực tế rất nghiệt ngã

Ngay khi có những người đưa ra những nhận định lạc quan, đã có không ít những ý kiến khác, bởi điều đơn giản là chúng ta đang sống trong chế độ cộng sản VN, một chế độ “ưu việt” hơn phần còn lại của thế giới.

Ở đó có những đặc thù khác hơn, “dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản”. Ở đó, nạn tham nhũng, bè phái đã và đang là quốc nạn, là nội xâm. Như lời ông Nguyễn Minh Triết thì ở đất nước khác người ta “muốn tham nhũng cũng khó vì hệ thống luật pháp chặt chẽ” còn ở ta“không muốn tham cũng động lòng tham” nên tham nhũng ở ta là “quy luật muôn đời”.

Chính sự khác biệt đó mà đã có những ý kiến khác và mọi người bảo nhau hãy chờ xem.

Và rồi, thực tế cũng không ngoài dự đoán

Thì đây, chưa đầy 30 ngày sau lời tuyên bố của ông Chủ tịch nước, 2 giờ sáng 6/1/2010, chừng như để mở đầu một năm mới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Năm Thánh của Giáo hội Công giáo Việt Nam, nhà cầm quyền Hà Nội đã dùng một lực lượng hùng hậu với hàng trăm công an, chó nghiệp vụ, xe cộ và phương tiện hùng hậu tấn công đánh úp giáo xứ Đồng Chiêm để triệt hạ cây Thánh Giá trên Núi Thờ. Nhiều giáo dân đã bị đánh đập trọng thương, Thánh giá đã bị đập phá tan tành trong đêm.

Ước chi không phải là những giáo dân đêm qua bị đánh đập tơi bời, mà đó là những toán lính Tàu đang xâm lược bờ cõi cha ông chúng ta, đang ngang nhiên trên lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc? Ước chi cái được đập bỏ đêm qua không phải là cây Thánh Giá trên đỉnh Núi Thờ, mà là chiếc cột chủ quyền của Tàu trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa?

Người ta không hiểu tại sao, một cây Thánh Giá trên nghĩa địa của giáo dân ở một vùng xa xôi hẻo lánh, sống ngâm da chết ngâm xương như ở Đồng Chiêm lại được nhà cầm quyền Hà Nội quan tâm đến thế?

Tại sao, để phá cây Thánh Giá được làm nên chỉ tốn mươi triệu đồng và một số công sức giáo dân, nhưng tất cả đó lại là niềm tin, là thiêng liêng của mỗi người tín hữu nơi đây thì nhà cầm quyền Hà Nội đã phải huy động đến cả tiểu đoàn Cảnh sát Cơ động từ cách sáu bảy chục km? Chắc chắn một điều là kinh phí cho việc này sẽ không hề nhỏ. Mới đây, chỉ riêng việc hạ tượng Đức Mẹ La Vang của giáo họ Bàu Sen xứ Chày, có thông tin rằng nhà cầm quyền Quảng Bình đã phải chỉ hơn 1 tỷ tiền dân.

Tại sao một chính quyền “của dân, do dân, vì dân” do một ủy viên Bộ Chính trị làm bí thư Thành ủy, lại không đường đường chính chính khi làm việc này, không làm ban ngày ban mặt đàng hoàng, lại làm trong bóng đêm? Điều này có ý nghĩa gì?

Câu hỏi lớn nhất là tại sao một cây Thánh Giá nhỏ nhoi trên đỉnh núi xa xăm kia lại bị triệt hạ một cách bất minh và tốn kém như vậy? Trong khi ngay trên báo chí nhà nước hàng ngày, hàng giờ kêu gào lên tận Trung ương, thấu tai lãnh đạo các cấp về những công trình ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, thách thức luật pháp ngay giữa lòng thủ đô nhưng nhà cầm quyền Hà Nội vẫn bó tay bất lực?

Xin đọc câu này trên báo nhà nước: “Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2008, số lượng chủ đầu tư xin giấy phép xây dựng đã tăng lên song tỷ lệ xây dựng không phép vẫn còn cao, chiếm gần 15%. Không những vậy, đây cũng là năm để xảy ra nhiều sự cố công trình nghiêm trọng”.

Với hàng vạn công trình xây dựng, tỷ lệ 15% đó là con số khổng lồ. Vậy tại sao chính quyền sờ sờ ra đó vẫn bó tay, bất lực. Trong khi nơi xa xôi nghèo đói như Đồng Chiêm được quan tâm chiếu cố đến thế?

Câu trả lời không thể khác, chỉ vì cây Thánh Giá đó là của người Công giáo Việt Nam. Nhà cầm quyền đã cố tình đập bỏ đi Thánh Giá, biểu tượng linh thánh của người Công giáo. Chỉ có lý do đó mới có thể giải thích được điều người ta thắc mắc.

Và như vậy, tự hành động này nói lên sự “tôn trọng tự do tín ngưỡng” của nhà cầm quyền Hà Nội đối với giáo dân đến đâu. Chỉ vậy thôi đã bóc trần tất cả những lời hoa mỹ rỗng tuếch đó có ý nghĩa gì.

Phải chăng điều này được làm triệt để, chỉ để thể hiện rõ ràng hơn sự thù địch và hằn học với giáo hội Công giáo Việt Nam?

Người ta còn nhớ, chỉ cách đây có hơn chục ngày thôi khi đến chúc mừng Giáng sinh một “linh mục quốc doanh”, bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị còn: “đánh giá đồng bào giáo dân luôn gương mẫu lao động sản xuất, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, và “không có mong muốn gì hơn là bà con đoàn kết, thương yêu nhau để xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội

Tương tự, khi Nguyễn Thế Thảo đến Tòa Giám mục Hưng Hóa chúc mừng Giám mục Antôn Vũ Huy Chương, sau khi “đánh giá cao vai trò của giáo dân”và của Giám mục Vũ Huy Chương” còn mong muốn:“tất cả cùng hướng tới mục tiêu cao nhất là xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thủ đô đang chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm tuổi, đồng chí mong muốn đồng bào công giáo cùng chung tay, bằng những hoạt động thiết thực hướng tới Đại lễ.

Chỉ hơn mười ngày sau những lời đẹp đẽ đó, là hành động tấn công đánh úp giáo dân ban đêm, đánh đập giáo dân, phá Thánh Giá ở Đồng Chiêm. Vậy những hành động này của nhà cầm quyền Hà Nội có thực sự là để: “Xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”?

Khi tìm được câu trả lời cho những câu hỏi trên đầy đủ rõ ràng, chắc chắn người dân sẽ hiểu hơn ý nghĩa câu nói của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu: “Hãy xem việc cộng sản làm, đừng nghe lời cộng sản nói” là đúng hay sai.

Sự kiện này là bài học cho những ai chưa nhận chân được thực tế mà còn mơ mộng hão huyền về những điều không có thực.

Đây cũng là một bài học dù không mới cho những ai còn nhẹ dạ, cả tin vào những lời đường mật hoặc muốn tìm một sự yên thân, thỏa hiệp với các thế lực của sự dữ được biện minh bằng những ngôn từ đẹp đẽ.

Hà Nội, Ngày 6/1/2009