Bài học Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh

Tôi đọc bài báo "Vô tư, Trung thục, Tôn trọng độc giả" của Nhà báo đàn anh Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh đăng trên số báo ra ngày Thứ Năm (17-4-2003) mà cảm động biết ơn ông. Thứ nhất, với 82 tuổi đời và trên 60 tuổi nghề, ông vẫn chững chạc trong chữ nghĩa của một bậc Thầy khiêm tốn.

Thứ hai, Ông đã nói với những người làm báo ở thế hệ sau ông những điều chí tình và đúng đắn, rút ra từ tâm can của một người yêu nghề, tha thiết với ngòi bút và yêu mến những người làm báo ở thế hệ con, cháu ông. Thứ ba, Ông đã đưa ra bốn bài học cần thiết của một người làm báo: 1) Cần phải học hỏi và trau dồi nghề nghiệp mãi mãi không ngừng nghỉ. Ông viết:"Tôi nay đã 82 tuổi, nhưng tôi vẫn phải học hỏi thêm mỗi ngày cho đến hôm nay không lúc nào ngơi nghỉ. Vậy bí quyết của việc học này là gì ? Bí quyết chỉ có một chữ "khiêm tốn". Đừng có tự cao tự đại, đừng cho mình là rốn của vũ trụ, đừng tự coi mình không bao giờ nhầm lẫn và phải luôn luôn nhớ rằng sự hiểu biết của mình còn thấp kém....."

2) Phải độc lập về chính trị. Ông bảo:" Tôi thiết nghĩ người làm báo chuyên nghiệp không nên gắn bón hay đứng trong một tổ chức, tập thể hay đảng phái chính trị nào, bởi vì khi có mối liên hệ như vậy, người ký giả có thể khó giữ được một nguyên tắc căn bản của nghề làm báo là vô tư và trung thực."

3)Tôn trọng độc giả. Nhà báo Nguyễn Viết Khánh viết:".. Dùng báo chí để vận động quần chúng là đúng, nhưng nói dùng báo chí để lãnh đạo dư luận là không còn hợp thời nữa. Phương châm của người làm báo là "chúng tôi đưa tin, độc giả quyết định". Không ai có quyền quyết định giùm người đọc, chỉ có báo chí dưới các chế độ độc tài đảng trị mới đòi quyết định giùm người đọc..Dư luận quần chúng ngày nay nói chung còn sáng suốt về chính trị hơn các cá nhân ngừoi viết báo. Nói lãnh đạo dư luận là coi thường sự phán đoán của dư luận. Tôi muốn nhấn mạnh ở điểm: báo chí cần phải tôn trọng độc giả."

4) Đạo đức trong nghề nghiệp. Nhà báo Sơn Điền nói với những người đi sau:"Ký giả trước hết và trên hết cũng chỉ là người. Nhưng ngòi bút lại là một vũ khí sắc bén trong tay ký giả, nên khi có những cuộc bút chiến, tấn công, trả đũa, bộc lộ công khai, phơi bày trên mặt báo nhĩ mục quan chiêm, người viết báo càng phải gìn giữ thận trọng hơn, theo đúng luật hành xử nghề nghiệp, tránh những lời lẽ thô bạo, khiếm nhã hay ma lị. Dù có thể bị địch thủ nhục mạ, bôi lọ danh dự, tôi thiết nghĩ người ký giả cũng không thể tự hạ thấp mình mà dùng những lời lẽ ti tiện để trả đũa. Vì khi bôi lọ danh dự kẻ thù trên mặt báo chí thì chính mình cũng đã tự bôi lọ nhân phẩm của mình rồi. Sự trào lộng châm biếm là chuyện thường, nhưng không thể quá lạm đến độ coi thường danh dự phẩm giá của người khác."

Theo tôi, làng báo Việt Nam ở nước ngoài nói chung và đối với những anh em tham dự ngày Đại hội Truyền thông Việt Nam Hải ngoại 2003 nói riêng đã rất may mắn được đọc những lời tâm huyết của một đàn anh hiếm hoi còn đang sống cùng chúng ta.

Riêng tôi, tác giả bài này dù đã vật lộn với nghề nghiệp khá dài trên 40 năm từ Sài Gòn ra nước ngoài, nhưng chưa bao giờ tôi nhận được những lời trân quý chỉ dạy cho biết làm thế nào để trở thành một Nhà báo đàng hoàng. Tôi cảm ơn ông, dù đã có một thời gian ông là Chủ bút của tôi ở cơ quan Việt Nam Thông tấn Xã dưới thời hai Nhà báo Nguyễn Ngọc Linh và Bửu Nghi, nhưng chưa bao giờ tôi được ông chăm sóc, chỉ bảo như ông vừa viết những điều tôi trích dẫn.

Tôi cũng được Ban Tổ chức -qua lời điện thoại của Nhà báo Nguyễn Kỳ Phong -ngỏ ý mời về tham dự Đại hội mà tôi cho là một việc làm cần thiết. Nhưng rất tiếc tôi vì bận công việc và mặt khác đợi mãi cũng không thấy giấy mời đến nơi thành ra cứ băn khoăn không biết ngày Đại hội có diễn ra không!

Tuy nhiên, tôi cũng cảm ơn Ban Tổ chức đã có nhã ý nhớ đến tôi. Và tôi chúc anh em thành công.

Tôi chỉ có mấy điều góp ý của một người bàng quan:

Thứ nhất, anh em cần coi nhau là anh em cùng một nhà. Không nên có thái độ kỳ thị người "cũ", người "mới" trong Làng.

Thứ hai, mọi người làm báo hay viết báo đều có cùng một nghĩa vụ là "phục vụ độc giả". Hãy luôn luôn kính trọng người đọc. Các bạn hãy tự hỏi:"Tại sao mỗi tuần có nhiều chục ngàn tờ báo phát không hay bán với giá tượng trưng, được tiêu thụ hết sạch ?"

Số người đọc báo tiếng Việt càng ngày càng đông đảo và bền vững là một hãnh diện cho Tiếng Việt. Đã có một số người e ngại rồi ra báo Tiếng Việt sẽ bị báo Tiếng Mỹ lấn át. Tôi không hề bi quan như vậy bởi vì chúng ta hãy nhìn vào gương sáng của những người Mỹ gốc Do Thái và các chủng tộc khác như người nói tiếng Tây Ban Nha, Đại Hàn, Nhật, Tàu, Ả Rập v.v... có mặt ở Hiệp chủng Quốc trước chúng ta nhiều năm mà Báo chí và Truyền thông của ngôn ngữ họ có mai một đâu?

Thứ ba, lên lớp "dậy nhau" làm báo là một điều tối kỵ đối với đồng nghiệp. Làm báo, như Nhà báo Nguyễn Viết Khánh đã nói là việc làm phải học hàng ngày. Không ai có thể nói mình tài giỏi hơn ai mà chỉ có thể nói mình có kinh nghiệm hơn những anh em vào làng sau.

Thứ tư, hãy cố gắng nuôi dưỡng Đạo đức trong nghề làm báo. Nếu một người làm báo mất tư cách, nói môt đàng làm một nẻo, cũng mánh mung, lừa bịp; thì những bài viết của họ nhằm khuyên nhủ người khác,lên mặt dạy dỗ hay chỉ bảo người khác thế này thế nọ không bao giờ được coi có giá trị.

Tôi đã được đọc vô số những bài báo dạy đời như thế trên Báo chí Việt ở hải ngoại từ 28 năm qua mà rất băn khoăn cho Tác giả của những dòng chữ đó.

Hơn nữa, đừng bao giờ thấy kẻ khác làm những việc xấu xa, ti tiện mà mình cũng làm theo, như xúc phạm đến danh dự, phẩm giá và tài sản, nhất là tài sản tinh thần như việc tự động lấy bài đăng mà không xin phép hoặc hỏi xin những sáng tác và bài báo của người khác.

Những "đàn anh" trong nghề nghiệp, khi thấy có những người cùng nghề làm như thế, cũng nên dùng lời lẽ ôn tồn chỉ cho người có lỗi thấy những điều sai quấy không phải đạo nghề nghiệp chứ không nên hô hào chửi rủa, gây ra hận thù, đố kỵ, chia rẽ trong làng.

Thứ năm, mỗi người làm báo hãy tự hỏi lương tâm mình mỗi ngày xem việc làm của mình đã xứng đáng là của một Nhà báo chưa ? Khi có lỗi thì phải sửa, viết sai thì cần phải đính chính chứ dừng đổ vạ cho "bận quá" không có thời giờ đọc lại.

Thứ sáu, chúng ta nên tránh những hành động "chụp mũ" lẫn nhau là "tay sai" là "nằm vùng" có khi sai mà chỉ làm hại người.

Nhà văn, Nhà báo lão thành Vũ Bằng khi còn sống ở Sài Gòn là một trong những người bạn bậc Thầy của tôi trong nghề nghiệp. Đã có lần ông kể cho tôi chuyện của những Nhà báo đồng nghiệp đời xưa của ông thời 1930 về sau. Nếu so với thời Báo chí Sài Gòn hồi 1970 thì tội đã thấy đời sống và cách hành nghề của ký giả lớp tôi đã "kém về đạo đức nghề nghiệp và sự hiểu biết khá xa" đối với những người đi trước!

Bây giờ sống ở nước ngoài, do ảnh hưởng của văn hóa tạp chủng và sự đòi hỏi thúc bách của đời sống, tôi thấy sự thiếu ý thức về Đạo đức Nghề nghiệp đã bị ảnh hưởng không mấy phấn khởi.

Sự học hỏi về nghề nghiệp của người làm báo ở nước ngoài, nhất là tại Hoa Kỳ, hầu như rất hạn chế. Có lẽ kỹ thuật thông tin trên xa lộ điện tử ngày nay đã biến nhiều người làm báo thành những khách "ngồi không ăn bát vàng," chả cần phải làm lụng vất vả như đi săn tin, xin bài, trả tiến bài cho các tác giả.

Tình trạng "tiện và lợi" này đã làm mai một ý nghĩa của nghề làm báo và làm cho người làm báo bị mê hoặc lẫn lộn giữa nghề nghiệp và đạo lý của ngòi bút.

Riêng nói về tình hình ở Việt Nam, quê hương mình, tôi thấy có nhiều Nhà báo chẳng cần biết việc gì đã xẩy ra ngày hôm qua. Họ đã có thói quen "ăn cơm dọn sẵn" bởi những người cung cấp tin hay cứ lấy bài của người khác làm của mình không phải trả tiền !

Đôi khi tôi thấy những bài có nhiều tin sai, chi tiết sai, kể cả những tình tiết trong lịch sử và về các nhân vật mà những Nhà báo "ăn sẵn" này cứ việc phang lên báo cho độc giả coi thì trình độ này nên được đặt vào đâu trong nấc thang của nghề nghiệp?

Tôi đề nghị Đại hội Truyền thông hãy cùng nhau thảo luận ôn hòa, chia sẻ kinh nghiệp để cùng nhau trau dồi nghề nghiệp. Tôi quan niệm mọi người đến với Đại hội này đều cùng có một ý chí xây dựng.

Tôi hy vọng anh em sẽ thẳng thắn và chân tình với nhau để đùm bọc lấy nhau. Tôi cũng mong nhìn thấy sự hình thành của một Làng Báo chuyên nghiệp cho đúng nghĩa báo chí và truyền thông của người Việt ở nước ngoài.

Nhất là tôi mong anh em đừng phí phạm những kinh nghiệm hào hùng và trân quý của quyền tự do ngôn luận mà chúng ta đang được hưởng tại các nước tạm dung./-

(tháng 4-2003)

(Người-Việt 19-4-2003)