CHÚC MỪNG THƯỢNG THỌ 90 THI SĨ VÂN UYÊN NGUYỄN VĂN ÁI

Bác sĩ Nguyễn Văn Ái là người của chính trị, xã hội Việt Nam. Thi sĩ Vân Uyên là người của văn học công giáo Việt Nam. Nhưng cũng chính sinh viên y khoa và bác sĩ trẻ Nguyễn văn Ái đã góp phần thành lập và là một trong ba chủ tịch Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo Việt Nam tại Pháp, tiền thân của giáo xứ vào những năm 40. Và cũng chính Bác sĩ Nguyễn Văn Ái và thi sĩ Vân Uyên đã góp phần thành lập và phát triển hai nhóm mục vụ: nhóm Mục Vụ Gia Đình năm 1995 và nhóm Mục Vụ Tu thư năm 1997. Là một giáo dân của giáo xứ, tôi nghĩ rằng Giáo xứ rất hãnh diện và biết ơn Bác sĩ Nguyễn Văn Ái và thi sĩ Vân Uyên.
Sáng nay đi lễ, tôi gặp Đức Ông Mai Đức Vinh và cha Đinh Đồng Thượng Sách. Cả hai đều cho tôi hay rằng đã biên thơ « chúc mừng Thượng thọ 90 tuổi của bác si Nguyễn Văn Ái ». Riêng Đức Ông Mai Đức Vinh còn đề nghị tôi viết vài bài để chúc mừng. Tôi thưa với ngài rằng: « Dạ, con đã có chủ ý ». Như vậy, để chúc mừng lễ thượng thọ 90 của thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, ngày 07/02/2010 sắp tới, tôi xin được bày tỏ đôi điều mà tôi biết vể Bác sĩ Nguyễn Văn Ái và thi sĩ Vân Uyên.


1. Bác sĩ NGUYỄN VĂN ÁI là người quen biết

LM Đinh Đồng Thượng Sách-BS Nguyễn Văn Ái-GS Trần Văn Cảnh
Theo lời mời của cha Mai Đức Vinh, từ năm 1980 tôi đến Giáo xứ Paris giúp ngài lập nhón Thần Học Giáo Dân. Ở đây từ đó đến nay, qua 30 năm, tôi có cái may mắn được gặp và làm việc với một số người nhiều tài năng và nhiệt tình, trong đó có bác sĩ Nguyễn Văn Ái, tên thật của thi sĩ Vân Uyên. Cùng làm việc với nhau, từ 1995 đến 2000, trong Ban Mục Vụ Hôn Nhân và Gia Đình của giáo xứ, mà Bs Ái làm trưởng ban và tôi làm thư ký, chúng tôi gặp nhau ít nhất mỗi năm 4 lần. Lần nào tôi cũng được Vân Uyên đọc cho nghe những bài thơ mà ông mới sáng tác. Hoặc do tự ý ông đọc ra, hoặc do tôi gợi ra bằng cách đọc bài thơ ông mới đăng trong báo giáo xứ. Trước thơ của Vân Uyên và trước mặt Vân Uyên, tôi thấy mình như rất tự do, cứ nghĩ gì nói nấy, không e ngại, không sợ làm xúc phạm nếu phải nói ra điều mình không hay chưa bằng lòng, chưa cảm nghiệm được, cũng chẳng sợ gi khi mình thích thú, cảm nhận được một hình ảnh, một tâm tư, một ý tưởng. Và tôi vẫn phản ứng như vậy, trong suốt nhiều năm, không hề thay đổi. Cũng may, là dường như Vân Uyên cũng thích thú về những phản ứng tự nhiên, đôi khi ngây ngô, nhưng luôn luôn thành thực của tôi. Đó là nguồn tài liệu thứ nhất, tài liệu sống, khiến tôi biết về thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái.

Năm 1997, một ban mục vụ mới về văn hóa được thành lập. Đó là Ban Tu Thư, để chuẩn bị viết cuốn « Kỷ Yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris, 1947-1997 ». Bốn người chủ chốt là cha Vinh, Bác sĩ Ái, Ông Nha và tôi. Viết hai bài về «Hội Đồng Mục Vụ trong lịch sử của GXVN Paris » và về « Tương quan của GXVN Paris với các thẩm cấp và cộng đoàn công giáo khác », tôi có dịp tra cứu những tài liệu thời thành lập giáo xứ vào những năm 40, và đặc biệt thỉnh thoảng được trao đổi với Bs Ái về những việc ông làm thời đó. Tôi khám phá ra rằng sinh viên y khoa Nguyễn Văn Ái đã là một trong ba chánh hội trưởng Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, tiền thân của giáo xứ, trong những năm 1946-1952. Ông Trần Hữu Phương 1946-1949, Ông Nguyễn Văn Ái, 1949-1952, ông Trần Ngọc Oành 1952-1953.

Hình ảnh rất đẹp mà tôi có về một thi sĩ đàn anh, là Vân Uyên, lại đẹp hơn, khi ngày 09/02/1998, tôi nhận được một quà tặng do Vân Uyên gởi. Đó là hai tập thơ của Vân Uyên. Tập một: Mấy vần lưu niệm; Paris, 1996, 32 trang. Và Tập hai: Tình thơ; Paris, 1997, 66 trang. Ngay trang bìa, tác giả ghi những dòng sau: « Bản riêng tặng anh chị Trần Văn Cảnh trong tình thân hữu Ban Giảng Huấn Lớp Đự Bị Hôn Nhân tại Giáo Xứ Việt Nam Paris. Paris, 09/02/1998. Nguyễn Văn Ái ». Năm 1999 một tập thơ mới của Vân Uyên đã được xuất bản. Đó là tập thơ thứ ba của Vân Uyên « Duyên kiếp Thiên tình », Paris 1999. Đó là nguồn tài liệu thứ hai mà tôi biết về thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái.

Năm 2007, kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam Paris, 1947-2007, viết một loạt bài về giáo xứ, tôi có dịp tìm kiếm những tài liệu về giáo xứ. Trong những tài liệu này, tình cờ, tôi đọc được một số bài của thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái. Loại tài liệu thứ nhất là báo giáo xứ. Ở đây, đặc biệt trong những năm 90, có nhiều bài của Vân Uyên, nhất là thơ. Loại tài liệu thứ hai là những tài liệu sinh hoạt riêng rẽ còn sót lại. Ở đây, trong những năm 40, người ta tìm được một vài bài thuyết trình của (sinh viên y khoa) Nguyễn Văn Ái. Loại tài liệu thứ ba là những tập sách do Ban Tu Thư Giáo Xứ biên soạn trong những năm chín mươi hai ngàn. Ở đây, người ta đọc được những luận văn nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Văn Ái.

Năm 2008, cho phát hành tờ báo điện tử « Bản Tin Dũng Lạc », sau số 1, tháng giêng 2008, ra mắt, giới thiệu đường hướng tổng quát về Văn Hóa và Đức Tin, số hai, tháng hai 2008, nhân ngày họp mặt của nhóm « Đồng Xanh Thơ », chúng tôi đã làm một số đặc biệt về chủ đề « Ngày họp mặt ĐỒNG XANH THƠ ». Từ đó, tôi khám phá một nguồn tư liệu phong phú về thơ công giáo trên mạng lưới Dũng Lạc, trong đó có thơ của Vân Uyên.
(http://www.dunglac.org/index.php?m=search&v=news&kw=v%C3%A2n+uy%C3%AAn&sin=2&sch=0).

Năm 2009, xuân mới đến, trong một cuối tuần nhàn, tình cờ tôi đọc lại hai tập thơ của Vân Uyên « Mấy vần lưu niệm » 1996 và « Tình Thơ », 1997. Trong những trang thơ của Vân Uyên, ở trang 25, 26 và 27, của tập « Mấy vần lưu niệm », bên cạnh ba bài thơ « Tình thơ », « Thơ tình » và « Tình và thơ », tôi đọc được hai ghi chú mà tôi đã viết: Hai lý do khiến Vân Uyên làm thơ là « Lời thơ hoan nở nụ tình thâm » và « Thi thanh thánh thót lưu truyền kiếp ». Nội dung thơ Vân Uyên xoay quanh trọng tâm chữ « tình »: « Thơ Tình, như xác với hồn, Thi thanh Tình nhập, Thơ còn hồn thơ ». Năm chủ đề, cũng là năm giai đoạn cảm nhận chữ tình là « Tình ái », « Thiên tình », « Tình gia đình », « Tình bạn bè » và « Tình người ». Tự nhiên, tôi muốn hiểu biết hơn về Vân Uyên, muốn giới thiệu ông và phổ biến thơ của ông với các bạn bè, văn hữu xa gần. Ý định này khiến tôi đã đề nghị Vân Uyên trao đổi và trả lời một số câu hỏi mà tôi đã gởi cho ông. Vân Uyên đã nhận lời và đã trả lời một số câu hỏi của tôi qua điện thư với đầu đề: « Vân Uyên Nguyễn Văn Ái trả lời Gs Trần Văn Cảnh, ngày 05-09-2009 ».

Năm 2010, đầu năm, nhận được một thư của các con cháu của BS Nguyễn Văn Ái, mời dự lễ thượng thọ 90 tuổi của ông, 07/02/1920 – 07/02/2010, ý tưởng tiếp tục viết về « Thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái » lại hiện ra. Về những chủ đề nghiên cứu, như về « Giáo dục con cái », « Văn hóa gia đình », « Giáo xứ Việt Nam », « Thừa sai Hải ngoại Paris », « Lịch sử truyền giáo Việt Nam »,… tôi hay viết theo một chương trình rõ rệt, định trước. Về « Thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái », để cho sự chân thành được hoàn hảo, tôi có ý tưởng sẽ viết theo hứng: thích gì viết nấy, không nhất thiết phải theo một chương trình định trước, cũng không nhất định theo một định kỳ sáng tác và phổ biến nào. Chung chung, dựa vào sáu nguồn tài liệu vừa giới thiệu trên đây mà tôi có về Vân Uyên, những bài viết này sẽ xoay quanh « thơ » và « con người ». Đó là lý do khiến tôi đã đặt cho loạt bài này cái tên chung là « Thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái ».
Chúng ta hãy cùng nhau đi thăm Vân Uyên.

2. Chúng ta đi thăm VÂN UYÊN

Chúng ta đi thăm Vân Uyên, trước là để chúc mừng thượng thọ 90 của ông, vấn an ông và sau là để hầu chuyện với ông về bút hiệu « Vân Uyên » của ông. Vân Uyên là ai ? Bút hiệu Vân Uyên có ý nghĩa gì ?

21. Vân Uyên là ai ?

Vân Uyên là bút hiệu của bác sĩ Nguyển Văn Ái, sinh ngày 07/02/1920, mà vài ba tuần lễ nữa, chúng ta sẽ chúc mừng THƯỢNG THỌ 90 tuổi của ông. Trong bài « Vân Uyên Nguyễn Văn Ái trả lời gs Trần Văn Cảnh, ngày 05-09-2009 », viết về tiểu sử của mình, bác sĩ Nguyễn Văn Ái đã chỉ muốn tóm tắt qua mấy dữ kiện chính yếu sau đây.

Bút hiệu: VÂN UYÊN
Tên họ: Nguyễn Văn Aí
Sinh quán: Hà-Nội ( Việt Nam ) 1920
Định cư: Paris ( France) từ 1983

Trước 1975:
Giáo sư Y khoa Đại học Saigon
Viện trưởng Viện Pasteur Việt Nam
Tổng Thư Ký Hội đồng Quốc gia Khảo cứu Khoa học
Chuyên viên Tổ chức Y tế Quốc tế
Đại diện VNCH trong Chương trình Y Tế ASEAN
Từng làm Quốc vụ Khanh không giữ Bộ nào.

Hoạt động Xã hội:
Chủ tịch Phong trào Trí thức Công giáo Pax Romana Việt Nam
Chủ tịch Hội Y Học Việt Nam

Văn thơ:
Tác giả cuốn « Khoa học và Đức tin, giới thiệu tư tưởng Teilhard de Chardin » Kim Lai Ấn Quán xuất bản Saigon 1965.
Ba tập thơ:
Những vần lưu niệm, Paris 1996
Tình thơ, Paris 1997
Duyên kiếp Thiên tình, Paris 1999

Học tập cải tạo:
trại Long Thành, 1975
trại Thủ Đức, 1975-1976
trại Hà Sơn Bình ( Bắc Việt, 1976-1979 ).

Huy Chương Vàng Toà Thánh ( Vatican 1997 ).

Thực ra bản tóm tắt tiểu sử này quá vắn. Bác sĩ Nguyễn Văn Ái đã không đề cập gì đến những việc ông đã làm ở Giáo xứ Việt Nam Paris. Nhất là việc ông đã tham dự thành lập giáo xứ, qua việc tham dự trực tiếp vào việc thành lập Liên đoàn Công giáo Việt nam tại Pháp. Ông đã làm chủ tịch Liên đoàn trong nhiệm kỳ 1949-1952, với cha Trần Văn Hiến Minh là tuyên úy. Ông cũng không nói gì đến những việc ông đã góp phần xây dựng Giáo Xứ qua các sinh hoạt mục vụ mà ông tham dự, trong những năm 90, như trưởng ban (sáng lập) mục vụ Hôn nhân gia đình, thành viên (sáng lập) mục vụ văn hóa,… Khi có dịp, chúng ta sẽ trở lại vấn đề này.

22. Bút hiệu Vân Uyên có ý nghĩa gì ?

Cũng trong bài « Vân Uyên Nguyễn Văn Ái trả lời gs Trần Văn Cảnh, ngày 05-09-2009 », bác sĩ Nguyễn Văn Ái đã giải thích về bút hiệu Vân Uyên của mình như sau:

Bút hiệu Vân Uyên ký dưới những bài viết trong Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris ít ai để ý tới. Nhưng từ khi viết thơ một số độc giả tò mò muốn biết Vân Uyên là ai. Khi đã biết họ ngạc nhiên vì đọc thơ họ vẫn tưởng tác giả là một nữ thi sĩ đa cảm. Đây cũng là một điểm nên lưu ý. Độc giả thường thích đọc thơ hơn những bài văn. Những ý thơ cô đọng trong vần điệu hình như dễ thu hút sự chú ý của người đọc.

Vân nghĩa là mây. Uyên có nghĩa là yêu. Vân Uyên có thể hiểu là Tình yêu trên Trời.

Có hai người gửi tặng Vân Uyên hai cây triện chữ nho để đóng dấu đỏ trên các bài thơ gửi các báo ở Mỹ và Canada. Cây triện khắc ở Việt Nam chữ Vân khắc đúng. Còn chữ Uyên khắc thành chữ Uyển có nghĩa là vườn hoa. Các bạn thâm nho khuyên dùng cái triện này cũng có ý nghĩa ví những bài thơ như những bông hoa trong vườn hoa ở trên mây. Cây triện khắc ở Trung Hoa chữ Vân không có chi thay đổi. Nhưng chữ Uyên khắc có thêm nét thành có nghĩa là con chim uyên. Chim uyên thường sống có đôi (uyên ương). Vân Uyên có thể hiểu là con chim uyên nay sống một mình ở trên mây.

Thật ra bút hiệu Vân Uyên được chọn dễ dàng hơn nhiều. Cũng như Bs.TrầnVăn Bảng lấy bút hiệu Bằng Vân chỉ là đổi ngược Văn Bảng thành Bằng Vân. Cũng như vậy, Vân Uyên là đổi Văn Áí thành Vân Uyên.

Vân Uyên còn có một bút hiệu khác là Quốc Như nhưng nay không còn dùng nữa. Bút hiệu này do ông thầy dạy chữ nho đặt cho từ câu: ‘’ Ái quốc như gia’’. Những bài viết trong thời kỳ sinh viên được ký dưới bút hiệu này.

LỜI KẾT

Ba ý nghĩa mà bác sĩ Nguyễn văn Ái đã giải thích về bút hiệu VÂN UYÊN của mình có một ý nghĩa tiền định và thiên định về cuộc đời của ông. Xuất thân là một bác sĩ, sau khi đã tham dự và thực hiện nhiều công việc giáo dục, văn hóa, xã hội, chính trị, … ông đã “đảo ngược” cuộc đời từ năm 78 tuổi: bỏ cuộc đời “Kinh bang tế thế” của bác sĩ Nguyễn Văn Ái để theo duyên “Tình thơ” của thi sĩ Vân Uyên. Từ nay, năm ông 78 tuổi, tức là năm 1998, sau khi người bạn đời đã ra đi được hai năm, ông sẽ chỉ là Vân Uyên, nghĩa là “con chim uyên nay sống một mình ở trên mây ». Và là “Tình yêu trên Trời”.

Từ nay, THƠ là lẽ sống chính yếu của Vân Uyên. Và TÌNH là trọng tâm của thơ Vân Uyên. Bài thơ “Lời Tình”, sáng tác ngày lễ Các Thánh 01/11/1996, phản ánh sâu đậm âm hưởng của “Ngôi Lời” trong phúc âm Gioan (Jn I, 1-18). Vân Uyên đã khởi đầu mô tả Thơ theo một tiếp cận rất hữu thể học (ontologique). Thơ chẳng những là “bóng là thanh”, mà còn “tạo thể gây hình dương âm”. Thơ “hiển hiện tình”. “Thơ, Tình như xác với hồn”. Từ một tiếp cận siêu hình hữu thể học, Vân Uyên đã bắt chước Gioan, tiến sang một tiếp cận huyền nhiệm. Thơ là như « linh khí » hiện hình « thổi về », giải thích được một cách thần thánh huyền nhiệm tình yêu « phu thê kiếp người ». Thơ như vậy chính là « Lời, là Tình », đưa ta linh cảm được “Ngôi Lời Thần Ngôn”. Khi có dịp, chúng ta sẽ trở lại bài thơ này để phân tích kỹ hơn về khía cạnh siêu hình hữu thể và khía cạnh ý nghĩa huyền nhiệm của Thơ và Tình của Vân Uyên. Bây giờ, chúng ta hãy đọc và khai vị thưởng thức bài thơ.

LỜI TÌNH

Tình nguyên thủy vô thanh vô bóng,
Thơ thành lời là bóng là thanh.
Lời thơ linh động ẩn tình,
Duyên thần tạo thể gây hình dương âm.

Thơ hiển hiện tình tâm thầm lặng,
Chốn U linh văng vẳng thần ngôn.
Thơ, Tình, như xác với hồn,
Thi Thanh tình nhập thơ còn hồn thơ.

Phân nhất thể chia giờ biệt tử,
Nương hồn tình ngôn ngữ thần thi
Nhập thơ linh khí thổi về
Huyền sinh thần giải phu thê kiếp người

Âm dương sinh tử lứa đôi
Lời tình linh cảm Ngôi Lời Thần Ngôn


Vân Uyên là tình yêu trên Trời. Từ ngày đổi đời, lầy bút hiệu Vân Uyên làm thơ, THƠ là lẽ sống chính yếu của Vân Uyên và TÌNH là trọng tâm của thơ Vân Uyên. Nhưng duyên tình nào đã khiến Vân Uyên làm thơ? Đó là đề tài chúng ta sẽ khám phá với Vân Uyên và qua thơ Vân Uyên.


Paris, ngày 24 tháng 01 năm 2010
Trần Văn Cảnh