KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2009

PHẦN MỘT: TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ.

Trong cuộc họp báo ngày 31.12.2009, Tổng cục Thống kê công bố kinh tế Việt-Nam năm 2009 đạt mức tăng trưởng 5,32% so với năm 2008, đứng hàng thứ nhì sau Trung quốc (8,70% với 33.540 tỷ yuan hay 4.910 tỷ mỹ kim) các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới (Hoa kỳ 3%; khu vực Euro 1%). Đây là quốc gia duy nhất trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN: Association of South East Asian Nations, tiếng Anh và Association des nations de l’Asie du Sud-Est, tiếng Pháp [khi có phiên dịch thì chữ hay cụm từ đầu là tiếng Anh và chữ hay cụm sau là tiếng Pháp]) với nền kinh tế luôn tăng trưởng trong cả 4 tam cá nguyệt năm 2009 (lần lượt là 3,14%, 4,46%, 6,04% và 6,9% so với tam cá nguyệt trước). Thành tích này được Ngân hàng Thế giới khen ‘kinh tế Việt-Nam đối phó tương đối tốt với cuộc khủng hoảng kinh tế’ trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF: International Monetary Fund, FMI: Fond Monétaire International) cho là Việt-Nam sẽ làm tốt hơn các nước láng giềng trong giai đoạn hồi phục kinh tế. Tuy nhiên, mức tăng trưởng năm 2009 vẫn thua mức của năm 2008 là 6,18%.

I. CÁCH TÍNH SỰ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ.

A. Cách tính Trị giá gia tăng.

Trị giá gia tăng (valeur ajoutée, tiếng Pháp và value added, tiếng Anh) siêu thị Hòa Bình (vừa làm thương mại, tức mua hàng hóa và bán lại nguyên trạng, và vừa sản xuất, tức mua nguyên liệu để làm và bán thành phẩm, được tính như sau:

+ Bán hàng hóa: 200.000 đồng
- Mua hàng hóa: 162.000
Doanh thu thương mại: 38.000

+ Bán thành phẩm: 1.288.000
+ Thành phẩm tồn kho: 22.000
Sản xuất trong kỳ: 1.130.000

+ Doanh thu thương mại: 38.000
+ Sản xuất trong kỳ: 1.113.000
- Chi phí mua ngoài *: 486.000
Trị giá gia tăng: 862.000 đồng

[Chi phí mua ngoài * là tất cả những chi phí phải trả như nguyên nhiên liệu, văn phòng phẩm, vận chuyển… trừ chi phí nhân viên (lương và đóng góp các quỹ an ninh xã hội) và thuế.]

Do đó, Trị giá gia tăng là của cải làm ra (wealth created, richesse créée) bởi siêu thị Hòa Bình trong kỳ (tháng, năm…) Của cải này có thể được phân phối cho: nhà nước (thuế), nhân viên (lương), các quỹ an ninh xã hội (đóng góp), cổ đông (cổ tức)…

B. Một thí dụ khác.

Lò bánh mì Thăng Tiến, năm 2008, đã sản xuất và bán những ổ bánh mì trị giá 10 triệu đồng. Để sản xuất số bánh mì ngọt này, Thăng Tiến đã mua từ xưởng bột Hoa Nam 2 triệu đồng bột mì mà Hoa Nam đã mua lúa mì trị giá 500.000 đồng từ Anh Hai, nông dân. Để không tính giá trị bột mì và lúa mì hai lần, chúng ta phải tính như thế nầy:

* Giá trị gia tăng của Thăng Tiến -> 10.000.000 – 2.000.000 = 8.000.000 đồng
* Giá trị gia tăng của Hoa Nam -> 2.000.000 – 500.000 = 1.500.000 đồng
* Giá trị gia tăng của Anh Hai -> 500.000 – 0 = 500.000 đồng
Tổng cộng Giá trị gia tăng của các doanh nghiệp: 10.000.000 đồng.

Năm 2009, Giá trị gia tăng của Lò bánh mì Thăng Tiến thực hiện được là 8.800.000 đồng, tức tăng 800.000 đồng hay 10% so với năm 2008. Số bách phân này tượng trưng cho sự tăng trưởng kinh tế của Lò bánh mì Thăng Tiến.

Để biết sự tăng trưởng kinh tế của nghề làm bánh mì tại Sài gòn, sở Thống kê thành phố cộng Giá trị gia tăng của tất cả các lò bánh mì ở Sài gòn. Cũng một cách tính như vậy, khi Tổng cục Thống kê tính cho cả nước Việt-Nam về nghề làm bánh mì.

C. Tổng sản lượng nội địa.

Tại Việt-Nam, Tổng sản lượng nội địa (TSLNĐ) thường được gọi là GDP tức Gross Domestic Product, tiếng Anh hay Produit Intérieur Brut, tiếng Pháp, (viết tắt PIB) là giá trị tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trên toàn lãnh thổ một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định, thường là ba tháng và một năm. TSLNĐ là một trong những chỉ số cơ bản để đánh giá sự phát triển kinh tế của một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào đó. Đối với các đơn vị hành chính khác, nhà nước Việt-Nam ít khi dịch trực tiếp mà thường sử dụng từ viết tắt GDP hoặc tổng sản phẩm trong tỉnh/huyện v.v.

Một cách tính khác:
Tổng sản lượng nội địa = C + I + G + (Ex - Im)
Trong đó:
C = tiêu dùng của tất cả các hộ thuế trong nền kinh tế quốc gia (consommation, consumption);
I = đầu tư của các chủ vốn vào cơ sở kinh doanh (investisssement, investment), không tính đầu tư vào thị trường chứng khoán và trái phiếu;
G = tổng chi của Chính quyền (government gouvernement);
Ex = xuất cảng (export);
Im = nhập cảng (import).

TSLNĐ được tính toán bởi Tổng cục thống kê dựa trên cơ sở các báo cáo từ các đơn vị, tổ chức kinh tế cũng như báo cáo của các Cục thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế được tính bằng cách hiệu số giữa quy mô kinh tế kỳ hiện tại so với quy mô kinh tế kỳ trước chia cho quy mô kinh tế kỳ trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được thể hiện bằng đơn vị bách phân (phần trăm; %).

TSLNĐ của các quốc gia khác nhau có thể so sánh bằng cách chuyển đổi giá trị của chúng (tính theo nội tệ) sang tỷ giá hối đoái thịnh hành trên các thị trường tiền tệ quốc tế, thường là mỹ kim (US$).

D. Tổng sản lượng nội địa từng người dân.

Đây còn được gọi là TSLNĐ đầu người của một quốc gia vào một thời gian nhất định được tính bằng TSLNĐ của quốc gia đó chia cho dân số đúng vào thời điểm đó. Trị giá này cho thấy mức phát triển của một quốc gia, tuy nhiên, chỉ là con số trung bình mà không cho thấy những cách biệt về thu nhập và của cải của những người dân trong một nước.

Thí dụ: Năm 2008, TSLNĐ nước Việt là 89.829 triệu mỹ kim với dân số 86,1 triệu người thì TSLNĐ trung bình từng người dân là: 89.829 / 86,2 = 1.043 mỹ kim.

Bởi thế, năm 2008, với TSLNĐ 89.829 triệu mỹ kim, Việt-Nam đứng hạng 60 trên thế giới và với TSLNĐ đầu người 1.043 mỹ kim, Việt-Nam được xếp hạng 139 trên 180 quốc gia, theo thống kê Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

II. NHẬN XÉT VỀ SỰ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ.

A. Chung cho các quốc gia.

Tuy được sử dụng rộng rãi trong kinh tế, nhưng trị giá TSLNĐ vẫn là một chỉ số đang gây nhiều tranh luận vì:

1. TSLNĐ được tính theo các phương thức khác nhau gây khó khăn cho việc so sánh giữa những quốc gia;

2. Tuy là một chỉ số về tầm vóc của một nền kinh tế, nhưng TSLNĐ không đánh giá chuẩn xác mức sống.

3. TSLNĐ không tính đến kinh tế ngầm (moonlighting, travail au noir), kinh tế phi tiền tệ như kinh tế trao đổi (barter, troc), các công việc tình nguyện (volunteer, bénévolat), chăm sóc trẻ em do các ông bà mẹ hay láng giềng (không làm việc) làm giúp, việc nội trợ gia đình (household, ménage), giá trị của thời gian nghỉ ngơi và ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc tính toán TSLNĐ sẽ không chính xác.

B. Riêng đối với Quê Hương.

1. Nền kinh tế Việt-Nam được coi như đã đổi mới từ năm 1986 khi đảng cộng sàn tuyên bố Việt-Nam chuyển theo kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và được ghi vào Hiến pháp 1992 điều 15.

Từ đó, nền kinh tế thị trường đã tạo ra những cơ hội làm giàu cho nhiều người và tạo thành những tầng lớp thượng và trung lưu. Đồng thời, không ít những người giàu mới này đã cấu kết với các đảng viên cầm quyền địa phương lập thành một giai cấp nghèo đáng thương mới: những dân oan, không nhà ở.

Nhà của họ bị san bằng bởi quyết định của nhà cầm quyền địa phương để xây dựng khu công nghiệp sau khi họ bị cưởng bách nhận một tiền bồi thường ‘tượng trương’ không đủ để mua một nơi ở khác. Phương tiện làm việc của họ là ruộng vườn cũng bị tịch thu, nên những cựu nông dân không còn lợi tức, nhưng vẫn được kể là có TSLNĐ đầu người 1.043 mỹ kim, năm 2008.

Quê Hương chúng ta là một nước nông nghiệp. Người nông dân (chiếm 70% dân số), năm 2009 đã sản xuất ra lương thực để nuôi toàn dân trong nước và còn xuất cảng hơn 6 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 2,6 tỉ mỹ kim (giá bán trung bình 433,33 mỹ kim/ tấn). Nhưng theo số liệu cụ thể đọc thấy trong ‘Thư Nông Dân’ của nhà báo Nguyễn Quang Thiều đăng trên VietnamNet ngày 20.06.2009 cho thấy: nông dân làm ruộng ở làng quê miền Bắc có tổng doanh thu đầu người mỗi năm khoảng 1.300.000 đồng, trừ các chi phí đầu vào thực lãi của mỗi nhân khẩu chỉ còn 500.000 đồng, nếu chia đều cho 12 tháng mỗi người chỉ có thu nhập 40.000 đồng/tháng.

Trong khi đó, báo chí đăng danh sách 100 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, đang nắm gần 75.000 tỷ đồng, tương đương gần 4 tỷ mỹ kim. Chúng ta cũng đọc được tin những đại gia sắm máy bay riêng, xe ô tô loại cực kỳ đắt giá.

Ngày 18.01.2010, trên Tuần Việt Nam.net, chúng ta đọc bài ‘Phân hóa thu nhập từ nhiều góc nhìn’, nhà báo Trần Trọng Thức nhận định: « Cũng có người giàu lên không bằng năng lực cũng chẳng nhờ vào thời cơ, mà nhờ vào các mối quan hệ. Hầu hết các nước kém phát triển, khi quyền lực liên kết với tư bản trong làm ăn thì phân hóa giàu nghèo càng khó giải quyết. » và cho biết: « cá nhân được thưởng Tết cao nhất năm nay là 389 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp có vốn nước ngoài và cho lao động trong khối doanh nghiệp dân doanh là 185 triệu đồng ở Sài gòn. Trong khối doanh nghiệp nhà nước, mức thưởng Tết cao nhất gần 100 triệu đồng của một doanh nghiệp ở Khánh Hòa (thông tin của Vụ Lao Động Tiền Lương thuộc Bộ Lao Động, Thương Binh-Xã Hội). »

2. TSLNĐ không tính đến tính hài hòa của sự phát triển khi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao do khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Từ nhiều thập niên, Việt-Nam đã xuất cảng dầu thô, than đá… Năm 2009, doanh thu bán ra nước ngoài: dầu thô (thu 6.210 triệu mỹ kim), than đá (1.326 triệu mỹ kim). Ngày nay, Việt-Nam bắt đầu khai thác khoáng sản bauxite và chế biến alumin…

3. TSLNĐ tính cả những công việc không đem lại lợi ích ròng và không tính đến những hiệu ứng tiêu cực. Mức tăng trưởng kinh tế năm 2009 tăng 5,32% so với năm 2008 đem lại sự hồ hởi cho báo giới ‘lề phải’ và nhận được sự ngợi khen từ Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhưng phải biết là, trong số bách phân đó, bao gồm con số tăng TSLNĐ do việc phải xây dựng lại nhà cửa sau các cơn gió bão hay ngập lụt vì tham xây nhà mà quên việc thoát nước mưa. Chưa hết, TSLNĐ cũng tăng khi các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường (như Vedan đã làm ô nhiễm sông Sài gòn) và phải đầu tư để cải tạo lại môi trường.

(Còn tiếp)