Cha Lombardi phân tích lời phê bình về đạo luật Anh Quốc

VATICAN, ngày 7 tháng 2, 2010 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI đã bị chỉ trích tuần qua vì người ta cho là ngài phê phán đạo luật bình đẳng của Anh Quốc là tìm cách bảo vệ những người nam và nữ đồng tính luyến ái tại sở làm của họ. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Vatican cho hay lời bàn của ngài đã bị hiểu nhầm.

Linh mục Dòng Tên Father Federico Lombardi, giám đốc văn phòng truyền thông Vatican, ghi nhận trong buổi phát hình mới đây của chương trình truyền hình Vatican "Octava Dies" là "bảo đảm cho có sự bình đẳng về cơ hội cho tất cả mọi thành phần xã hội là một mục tiêu cao qúy.”

Ngài tiếp, “Tuy nhiên, trong vài trường hợp, người ta cố gắng đạt được điều này bằng những đạo luật ấn định những giới hạn bất công đối với sự tự do của các cộng đồng tôn giáo khiến cho không có thể hành động theo đúng đức tin của họ.”

Cha giải thích, "Nếu đạo luật mâu thuẫn với luật thiên nhiên, thì người ta làm nguy hại cho nền tảng bảo đảm cho có sự bình đẳng, và vì thế có hại cho quyền tận hưởng bình đẳng về cơ hội.”

Thứ hai vừa qua, Đức Thánh Cha nói với các giám mục Anh và Wales về phó hội “ad limina” mỗi năm năm tại Rôma. Trong bải diễn từ, ngài ghi nhận: “Quốc gia của quý vị nổi tiếng là cam kết vững vàng về bình đẳng cơ hội cho tất cả mọi thành phần trong xã hội.

"Vậy mà, như quý vị đã nêu ra rất đúng, ảnh hưởng của một vài đạo luật được soạn thảo để đạt được mục tiêu này, thực ra lại ấn định các giới hạn bất công đối với sự tự do của các cộng đồng tôn giáo khiến cho họ không thể hành động theo đúng những tín điều của họ.

"Trong một vài khía cạnh, điều này vi phạm đến luật thiên nhiên trên đó sự bình đẳng của mọi người được đặt nền tảng, và theo đó được bảo đảm.”

Lời Đức Thánh Cha, theo linh mục Lombardi, "chạm đến một điểm trọng yếu trong cuộc tranh luận về bình đẳng và quyền lợi mà nhiều quốc gia trên thế giới đang chú ý đến; các cuộc tranh luận liên quan đến các sắc thái căn bản của việc hiểu biết con người trên các phương diện: quyền sống, tính dục, và gia đình.."

Ngài nói: "Đây không phải là vấn đề Giáo Hội can thiệp vào lãnh vực xã hội và chính trị, mà là vấn đề quyền lợi và sự bầy tỏ các quan điểm một cách can đảm để phụng sự cho ích lợi chung.”

Sau đó Cha Lombardi dẫn chứng Sir Jonathan Sacks, thầy cả thượng thẩm rabbi của Giáo Đoàn Do Thái Hiệp Nhất của nước Anh, là người đã lưu ý chống lại cách sử dụng có tính chất ý thức hệ về chủ đề bình quyền tại Anh Quốc trong nhật báo Anh “The Times.”

Ông viết: "Thay vì coi lời phê bình của Đức Thánh Cha là một sự can thiệp không thích nghi, chúng ta phải dùng lời này để khởi sự một cuộc tranh luận là làm sao có thể phân biệt giữa quyền tự do của chúng ta như các cá nhân và tự do của chúng ta như thành viên của một cộng đồng đức tin. Không thể nào ngả về một bên mà lại phải trả một giá rất đắt vì việc này.”

Phát ngôn viên Tòa Thánh kết luận: "Như thế không phải chỉ có người Công Giáo mới thấy có vấn đề, đây là một vấn đề tất cả mọi người phải đối phó một cách trung thực nếu họ thực lòng muốn cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.”