Cảm nhận đường Thánh Giá trong ngày tĩnh tâm giới trẻ Giáo phận Phú Cường

Cùng các bạn trẻ trong giáo phận Phú Cường tĩnh tâm nhân ngày Quốc tế Giới trẻ Thế giới (Chúa nhật lễ Lá ngày 13. 4. 2003), tôi cũng đi Đàng Thánh Giá.

Không như những gì Chúa đã chịu ngày xưa: kéo dài suốt đêm thứ Năm mãi đến chiều ngày thứ Sáu tuần Thánh, sau bao nhiêu chua xót, bao nhiêu sĩ nhục, đớn đau trong tâm hồn lẫn thể xác, Chúa tắt thở giữa tiếng cười ngạo ngễ của những kẻ lên án tử cho Người. Đường Thương khó của Chúa Giêsu Kitô chiều nay được các bạn trẻ giáo hạt Phú Cường diễn lại, chỉ vỏn vẹn hơn một giờ đồng hồ, nhưng cũng đủ để làm sống lại trong tâm hồn của những ai đang tham dự, ý thức tội lỗi và ý thức sự yếu đuối đã vô vàn lần nhận chìm bản thân mình trong vũng lầy tội lỗi và đam mê thấp hèn. Và cũng từ đó, cảm nhận lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa lớn gấp vạn lần tội lỗi mà mình đã trót phạm. Mọi cảm nhận đã làm cho con tim ai đó tha thiết đến run lên, bậc thốt lên: “Kẻ đáng thương là chúng ta, người cần sám hối là chúng ta” (Lời dẫn của chặng thứ Bảy). Hay: “Chẳng lẽ mỗi người trong chúng ta lại có thể tàn nhẫn đến thế, khi vẫn tiếp tục đặt lên vai Chúa gánh nặng tội lỗi của chính mình. Và sức nặng của thập giá càng nặng hơn khi mà chúng ta vẫn né tránh, không muốn nhận biết mình, không muốn rời xa tội, ngược lại vẫn cứ ngụp lặn trong tội” (Lời dẫn của chặng thứ Chín).

Xin cám ơn những người đã công phu dàn dựng chương trình tĩnh tâm này. Xin cám ơn những ai đã bỏ nhiều công sức, nhiều thời gian để tập luyện, có hôm còn tập luyện giữa trưa nắng để kịp giờ kịp lúc. Và hôm nay, diễn lại Đường Thương khó của Chúa, không phải để mọi người ngồi xem một cách bàng quan như không liên hệ gì đến mình, nhưng là để mời gọi bất cứ ai tham dự hãy đồng hành với họ, hãy đi Đàng Thánh Giá, hãy sống lại nơi bản thân mình đoạn đường gian khổ cuối đời đầy nghiệt ngã của Chúa Kitô. Tất cả lời mời gọi hãy đồng hành, hãy đi Đàng Thánh Giá, hãy sống lại Đường Thương khó của Chúa được đúc kết thành một lời mời gọi khác lớn lao hơn, đòi hỏi hy sinh nhiều hơn: đó chính là lời mời gọi nhìn vào phía bên trong lòng mình. Nhờ đó khám phá lại chính mình, để biết mình, để thấy sự cứng lòng của mình, thấy sự thoái thác, lần lựa không dứt khoát trở về cùng Chúa là một tai hại lớn đến mức nào. Một lời mời gọi mà các bạn trẻ hạt Phú Cường đã bỏ công sức luyện tập và bây giờ trình diễn cũng cần thiết lắm, để ít ra, cho tôi thêm một lần cảm nghiệm: Đường Thánh Giá của Chúa Giêsu Kitô, một “dấu ấn của một tình yêu vô cùng vô tận khi mang vác tội lỗi và mọi yếu hèn của chúng ta”, như ai đó đã hướng dẫn cộng đoàn cầu nguyện trong khi đi Đàng Thánh Giá.

Còn nghe âm vọng của từng lời đọc cứ vang trong lòng tôi. Nào là hình ảnh của “một lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn Bà” (Lc 2, 35), và “thật đau đớn và kinh hoàng khi biết là mất con mà không làm gì được” ở chặng thứ Tư, diễn tả nỗi thống khổ của một người Mẹ trần gian. Hay lời Thánh Kinh diễn tả lòng thương xót quá lớn lao của một Người Cha trên trời dành cho loài người: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không phải chết nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,16-17). Lời Thánh Kinh vang lên thật ý nghĩa và thật hay khi mà mọi người đang bước vào chặng thư Bảy, chứng kiến cảnh tượng Chúa Giêsu ngã sấp mặt xuống đất, Thánh Giá đè nặng trên tấm lưng đã nát, đã thâm bầm vì roi đòn tàn nhẫn mà lòng người trả ơn cho Thiên Chúa của mình. Ngã thê thảm đến mức không còn đủ sức gượng dậy nỗi. Thật là lắng đọng bởi những giây phút thánh thiện này: những gương mặt trẻ trung đang tham dự vào Chặng Đàng Thánh Giá, không ai bảo ai, tự quỳ gối xuống, đôi mắt hơi đăm chiêu, thảng thốt. Mong rằng những phút giây thánh thiện ấy, cũng như những đôi mắt, những gương mặt trẻ trung kia không phải chỉ là một thứ tình cảm chóng qua, nhưng sẽ là một đóng góp cho đức tin của những người đi Đàng Thánh Giá chiều nay.

Chặng Đường Thánh Giá từ dinh Philatô đến đồi Canvê không xa lắm, nhưng Chúa đã ngã đến ba lần. Điều đó chứng tỏ sức nặng tội lỗi và sự dữ của cả nhân loại vẫn tiếp tục đè nặng trên tấm thân đã kiệt sức của Chúa Giêsu. Hãy lắng nghe lời than trách tội lỗi của tôi và của bạn: “Mặc dù chúng ta sống sau cái chết của Ngài đến 2000 năm, nhưng chúng ta đã hiện diện với đám đông lên án xử tử Chúa. Chính tội lỗi của chúng ta đã lên tiếng gào thét: ‘Đóng đinh nó vào Thập Giá. Đóng đinh nó vào Thập Giá’" (Lời dẫn của chặng thứ Nhất).

Chứng kiến cảnh Chúa Giêsu chịu lột áo, chịu đóng đinh, sau cùng chết tức tưởi trên thánh giá, ta mới thấy thấm thía bài học về sự nghèo khó mà Chúa đã dạy: một sự nghèo khó tận cùng.

Từ khi sinh ra, Chúa là Chúa trời đất đã không chọn sự giàu sang để nương thân. Cung điện dù nguy nga đến đâu, đền đài dù tráng lệ cách mấy, lại không có chỗ chứa đựng Đức Chúa cao cả ấy. Vậy mà chỉ cần một hang đá Bêlem khiêm cung lại có thể chứa đựng Đấng quyền năng vô biên.

Đến khi lớn lên, Chúa Giêsu cũng lớn lên từ một gia đình nghèo, không tiếng tăm, ẩn khuất giữa một làng quê Nagiarét bình dị. Lúc ra đi rao giảng Tin Mừng lại bị người đời chống đối và rắp tâm thủ tiêu.

Đến lúc sinh thì, chính những kẻ mà Chúa yêu quí mang Tin Mừng đến cho họ, lại bị họ trở mặt, tước sạch tất cả những gì Chúa đang có, những gì là nhân phẩm, là giá trị của một con người. Ngay đến chiếc áo che thân cuối cùng cũng bị tước đoạt.

Tước cả mạng sống vẫn chưa lấy làm đủ, sau khi Giêsu, mà gương và khắp châu thân vì đòn tan nát, không còn hình tượng người ta nữa, đã gục đầu tắt thở, con người còn đan tâm tước đoạt cả đến giọt máu cuối cùng của Người. Lồng ngực bị mở ra là vết thương rốt hết để đón lấy mọi tội nhân và ôm lấy cả những kẻ giết hại mình. Bằng cách ấy, Chúa Giêsu đã diễn tả đến kỳ cùng lòng thương xót của “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (Philip 2, 6 -7).

Chúa đã chết để muôn người được sống. Chúa đã chết để tội lỗi bị huỷ diệt và ân sủng được trao ban. Qua cuộc tử nạn này, thập giá đã trở thành Thánh Giá, bởi chính nơi đó, Chúa Giêsu Kitô đã hiến dâng mạng sống để trao ban ơn cứu độ. Thập giá cũng nên dấu chỉ đức tin của người Kitô hữu, là con đường đưa tới bất diệt, là sự sống hạnh phúc.

Tôi đã tham dự ngày tĩnh tâm của giới trẻ giáo phận Phú Cường, và tôi đã cảm nhận Đường Thánh Giá mà những người bạn đã cụ thể hóa khi họ cùng nhau diễn lại Đường Thánh Giá ấy. Xin Chúa Ban cho tôi và cho bạn lòng quả cảm, sự cương nghị và sức chịu đựng để mang lấy thập giá mà trung thành bước đi với Chúa Kitô trên hành trình cuộc sống của chính bạn và của tôi.