MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM

Bài 9: Tổ chức Công Đồng xây dựng chương trình truyền giáo ở Ayuthia năm 1664

Được bổ nhiệm làm giám mục tông tòa ở Đàng Ngoài và Đàng Trong, hai đức cha François Pallu và Pierre Lambert de la Motte, kẻ trước người sau, cùng với một số cộng sự viên, đã lên đường đi nhận giáo phận. Những vị đến được thủ đô Ayuthia nước Xiêm gồm tất cả 8 người. Ba người trong phái đoàn thừa sai Ðàng Trong đến ngày 22.08.1662: Ðc Lambert với hai cha Jacques de Bourges và François Deydier. Năm người thuộc đoàn thừa sai Ðàng Ngoài đến ngày 27.01.1664: Ðc Pallu và bốn cha Pierre Brindeau, Louis Laneau, Louis Chevreuil và Antoine Hainques. Nhưng ngày 14.10.1663 cha Jacques de Bourges được Ðc Lambert gửi về Âu Châu với sứ mệnh trình bày cho Tòa Thánh về những khó khăn với các cha dòng Tên Bồ Ðào Nha và xin nới rộng quyền cho các giám mục đại diện tông tòa. Vị chi, ở thời điểm này, đầu năm 1664, có mặt tại Ayuthia chỉ có 7 người.

1. Công đồng Ayuthia, năm 1664

Cả hai đức cha Pierre Lambert de La Motte và François Pallu đều nóng lòng muốn đi đến hai địa phận Ðàng Trong và Ðàng Ngoài của mình. Nhưng những thơ từ của các cha dòng Tên và những chứng tá của các giáo hữu việt nam tỵ nạn tại Xiêm đều cho thấy rằng ở Việt Nam, Bắc Hà với Trịnh Tạc và nhất là Nam Hà với Hiền Vương, đạo công giáo đang bị ngăn cấm và bách hại: các thừa sai bị trục xuất, các nhà thờ bị triệt hạ, giáo dân bị bắt bớ, giam cầm, đánh đập và giết hại. Bị khó khăn và bách hại như vậy, song các giáo dân vẫn kiên cường tuyên xưng đức tin. Ðiều đó làm hai Ðức cha lấy làm yên ùi và tin tưởng. Trong các thư liên lạc, các cha dòng Tên ở Việt Nam cũng khuyên hai đức cha nên gởi người đi quan sát trước khi khởi sự. Ðó là một trong những lý do khiến Ðc Lambert trao cho cha Louis Chevreuil làm tổng quản giáo phận Ðàng Trong và gởi ngài đi Hải Phố vào tháng 06 năm 1664.

Hai đức cha Lambert và Pallu bàn luận và trao đổi với nhau rất nhiều. Cả hai đều nhận định rằng trong tình trạng bất lợi ở Việt Nam như vậy, sự hiện diện của mình chỉ càng gây thêm khó khăn và làm cho cuộc bách đạo trầm trọng hơn, nên các ngài quyết định phải nhẫn nại chờ đợi ít lâu.

Ðàng khác, cùng năm được bổ nhiệm, Thánh bộ Truyền giáo đã gởi đi cho hai đức cha những dặn dò, nhắn nhủ trong tài liệu có thể gọi là « Huấn thị Truyền giáo » ngày 10/11/1659 (Quoniam vos ea estis diligentia). Đc Pallu đã đọc kỹ bản huấn thị này, đã suy nghĩ và đã viết xong ở Ispahan một ít « Những điều góp thêm vào Huấn thị Truyền Giáo » năm 1662. Phải chăng đây là dịp Chúa Quan Phòng định liệu, để thảo luận chung với Đức cha Lambert và các cha thừa sai khác về những nguyên tắc mà Thánh Bộ đã chỉ thị, hầu thống nhất hành động ?

Thêm vào đó, khi còn ở Paris, chưa hiểu biết đủ về cách sồng địa phương, chưa nắm vững bản chất và những khó khăn của sứ mệnh thừa sai, chưa có kinh nghệm về đời sống truyền giáo, các ngài chưa nghĩ đến chuyện ấn định những nguyên tắc sống cho mình và cho các cộng tác viên. Bây giờ, đã học được nhiều trên đường đi, đã thấy không ít những điều mới lạ qua cuộc sống tại chỗ trên đất Xiêm, đã gặp và sống cụ thể với những giáo dân việt nam tại Ayuthia, hai Ðức Cha thấy cần phải tổng hợp những huấn thị của Thánh bộ với những quan sát nhận được để rút tỉa ra những kết luận làm nguyên tắc sống, để tiến thoái khôn khéo hơn và bảo vệ kín đáo hơn.

Hai đức cha mang ý tưởng này chia sẻ cùng bốn linh mục thừa sai còn lại ở Ayuthia: Deydier, Hainques, Brindeau và Laneau (Cha de Bourges đã về Âu châu, cha Chevreuil đã đi Đàng Trong). Các cha đều đồng ý. Thế là Công Ðồng Thừa Sai Hải Ngoại đầu tiên đã được thực hiện vào năm 1664, xác định những nguyên tắc và chương trình làm việc truyền giáo.

Khởi đầu, tất cả 6 vị thừa sai gồm 2 giám mục và 4 linh mục, đã làm một cuộc tĩnh tâm, cầu nguyện và ăn chay. Trong thánh lễ khai mạc, các ngài đã xin Chúa Thánh thấn đổ đầy ơn khôn ngoan xuống cho mỗi người. Rồi vào công đồng, phân phát tài liệu làm việc và khuyến cáo mỗi người, hãy tựa vào Thánh Kinh, Giáo Luật, chỉ dậy giáo hoàng, giảng dậy giáo phụ, gương lành các thánh, đặc biệt là thánh Phanxicô Xaviê, để góp ý tìm ra những nguyên tắc và quyết định. Kết quả là một tài liệu đã được soạn thảo với đầu đề là « Chỉ dẫn thực hiện sứ mệnh truyền giáo, dành cho các thừa sai ở Trung Hoa, Đàng Ngoài, Đàng Trong và Xiêm La, họp tại Ayuthia, thủ đô nước Xiêm ». Tài liệu này, gọi tắt là « Chỉ dẫn Thừa sai » (Monita ad Missionarios), đề cập đến ba ý tưởng nòng cốt là: 1- sự thánh hóa người tông đồ rao giảng ơn cứu rỗi kitô, 2- sự trở lại đạo của lương dân và 3- sự tổ chức Giáo Hội. « Chỉ dẫn Thừa sai » đã lấy lại những ý tưởng nền tảng của bản « Huấn Thị gởi các Ðại Diện Tông Tòa đang chuẩn bị lên đường đi Trung Hoa, Đàng Ngoài và Đàng Trong », do Thánh bộ Truyền Giáo gởi ngày 10.11.1659 (3). Có thể bảo rằng đây là thủ bản phác thảo những nét chính yếu cho việc rao giảng tin mừng ở Viễn Ðông về phương pháp, phương tiện hành động và việc thiết lập các cộng đoàn kitô. Từ nay, dẫu ở trong những hoàn cảnh và thời gian rất khác biệt, hay ở trong những xứ và với những người rất mới lạ, « Chỉ dẫn Thừa sai » này đã, vẫn và sẽ được tôn trọng và áp dụng cho các Thừa sai Hải ngoại Paris.

2. Nội dung « Chỉ dẫn Thừa sai » của Công Đồng Ayuthia 1664

31. « Chỉ dẫn Thừa sai » gồm 10 chương. Ba chương đầu nói về con đường tu đức, cuộc sống thánh hoá mà nhà thừa sai, người truyền giáo cần phải có. Chương 1 nói về những cám dỗ mà thừa sai phải chống trả: quá lo lắng cho thân xác, tính tự phụ và hiếu danh, tính hà tiện. Muốn chống trả những cám dỗ này, hai phương tiện đã được công đồng nêu ra là cầu nguyện và đọc sách nguyện. Chương 2 nói về việc sửa soạn phải làm trước khi rao giảng tin mừng: Tĩnh tâm, ăn chay và cầu nguyện; chống trả lại các nết xấu của mình và những cám dỗ của ma quỉ; phải hiểu biết tình trạng truyền giáo; phải học ngôn ngữ địa phương và phải biết nói ngôn ngữ này. Chương 3 nói về việc xử dụng các phương tiện vật chất trong tác vụ thánh: không được kinh doanh vì bất xứng với linh mục và càng bất xứng hơn với một người làm tông đồ; không được dùng sức mạnh để cưỡng ép lương dân trở lại đạo; không được nghiên cứu nghệ thuật và khoa học, nếu vì đó mà quên mất sứ mệnh chính của mình là rao giảng tin mừng.

32. Năm chương tiếp theo, các chương 4, 5, 6, 7 và 8, nói về việc giảng dậy cho lương dân và những cách thế phải dùng đến: giảng dậy bằng gương sáng, bằng bác ái, bằng khôn ngoan, bằng trung dung. Bằng lời nói và dẫn giải thì nên tiến hành như sau: cắt nghĩa cho thấy sự hiện hữu của Thiên Chúa và những thuộc tính của ngài; rồi giáo lý về sự thưởng phạt đời đời; rồi đến sự tuyệt mỹ và trong sáng của đạo kitô sánh với những điều sai xấu phiếm thần; sau đó, khi tân tòng đã khá hiểu biết, cắt nghĩa cho biết về tội tổ tông, về Chúa Ba Ngôi, về sự nhập thể, về thần tính của phúc âm, về sự tạo lập giáo hội.

33. Hai chương 9 và 10 nói về việc tổ chức giáo hội, qua 3 khía cạnh: tổ chức giáo xứ, các thầy kẻ giảng và việc đào tạo linh mục bản xứ.

331. Về việc tổ chức giáo xứ, đặc biệt là những giáo xứ không có linh mục, công đồng viết : « Trong những giáo xứ không có linh mục, tùy theo số các giáo dân, phải chọn lấy một hay hai người có hiểu biết giáo lý, có lòng đạo đức và có đời sống gương mẫu. Nếu không có giám mục, thì Linh mục bắt họ khấn và hứa không bao giờ dùng tiền dâng cúng vào việc khác, cho riêng mình hay cho việc trần tục khác, rồi đặt họ làm trưởng giáo khu (Trùm và Câu hay Biện); họ phải lo việc cầu kinh cho các tín hữu tụ họp nhau vào mỗi chủ nhật hay lễ trọng.

« Vào những dịp này, sau khi đã đọc kinh tin, kinh thờ lậy và kinh cám ơn, rồi các kinh sáng, họ giúp giáo dân hướng lòng về Tòa Thánh để rước lễ thiêng liêng. Những lời nguyện mà họ đọc phải được Thánh Bộ hay Ðức Giám Mục duyệt xét trước. Theo lời Vị Tông Ðồ Dân Ngoại dậy rằng phải dâng lời khẩn xin, cầu nguyện, kỳ đảo, tạ ơn cho hết mọi người, cho vua Chúa và hết các người quyền cao chức trọng (Tim I, ch. 2, 1-2), họ phải nhắc bảo cho các tín hữu rằng trong các chủ nhật và lễ trọng, trước khi lui khỏi nhà thờ, phải đọc ba lần Kinh Chủ Nhật và Kinh Thiên Thần Truyền Tin để cầu cho việc truyền bá đức tin và mở rộng giáo hội; cho Ðức Thánh Cha La Mã; cho giám mục và các chủ chăn; cho các vua chúa và quân quan; cho những người có tội được Chúa tha thứ và quay trở về đường ngay của Chúa; cho những người rối đạo được biết tuân phục giáo hội công giáo; cho lương dân được biết rời bỏ lầm lẫn mà gắn bó tin vào Chúa Kitô; cho các linh hồn đã qua đời, đặc biệt là những linh hồn đã an nghỉ trong giáo hội, được khỏi ách luyện hình; cho các dân nước được thịnh vượng mà thoát khỏi tai ương bất hạnh.

« Thêm vào đó, như của ăn nuôi dưỡng linh hồn bổn đạo, họ đọc sách đạo do Ðức Giám Mục Ðại Diện Tông Tòa chỉ dậy, hoặc về những lý lẽ đức tin, hoặc về những điều khác cần thiết cho sự rỗi.

« Ho cũng đọc lịch báo trước cho giáo dân các ngày lễ, ngày chay, chiều trước lễ,… có thể có trong tuần và những việc mà giáo dân phải làm để giữ đúng luật đạo thánh.

« Họ công bố các lễ cưới và tìm xem những ngăn trở, nếu có.

« Họ Công bố các lệnh truyền của giám mục và đọc các lời rao theo hoàn cảnh. Tất cả những việc đó đều phải làm vào ban sáng.

« Về ban chiều, nếu có thể, họ lại tụ họp giáo dân lần nữa để đọc kinh, xét mình và đọc kinh chiều.

« Ðặc biệt họ phải lo lắng rửa tội cho con nít và người lớn, nếu họ xin, và vào lúc lâm tử.

« Họ cũng đặc biệt lo lắng cho các bệnh nhân, cứu giúp người hấp hối, chôn cất kể chết và xin giáo xứ cầu nguyện cho họ; như vậy, họ sẽ cố gắng gây lên lòng sùng kính các linh hồn nơi luyện tội mà tránh cho người ngoại đạo cái thiên kiến rằng chỉ có họ mới biết tôn kính tổ tiên.

« Họ dậy giáo lý và lòng đạo cho các trẻ em theo cách thức và thói quen đã được truyền dậy, với một lòng xác tín rằng công việc giáo dục giới trẻ là một trong những việc quan trọng nhất.

« Họ bảo trợ các trẻ mồ côi, các goá phụ công giáo và cả các góa phụ ngoại đạo.

« Chẳng bao giờ họ xen mình vào những cuộc kiện cáo giữa những giáo dân, để quyết định; nhưng họ gắng sức khôn ngoan giải hòa.

« Họ chứng kiến các cuộc cử hành hôn lễ, cùng với hai người làm chứng.

« Và để cho các việc thánh được coi là thánh, họ phải áp dụng những luật lệ rõ rệt cho lễ nghi rửa tội trẻ em và ngưới lớn, cho việc giúp đỡ kẻ hấp hối, tẩm liệm kẻ chết, việc ma chay, việc phó dâng linh hồn, việc rao hôn phối, việc cử hành hôn phối và tất cả những việc liên quan đến họ, theo như luật giáo hội đòi hỏi.

« Họ cần có một cuốn sổ ghi chép những lý do cho phép cử hành mỗi dịp lễ trong nhà thờ và những kinh nguyện đặc biệt cho những lễ này.

« Họ có một cuốn sách trình bày những điểm chính yếu về đạo kitô, về các tội trọng, về những lời khuyên phúc âm, về 4 mục đích tối hậu ( Sự chết, sự phán xét, thiên đàng, hỏa ngục)

« Họ có tại nhà họ cuốn lịch các ngày lễ do các thừa sai soạn.

« Họ coi sóc thứ tự các sổ rửa tội, thêm sức, qua đời, hôn phối và lưu trữ tại nhà họ hay nhà hàng xóm, nếu an toàn hơn.

« Nếu các trưởng giáo khu này không đủ sức làm hết những công việc đó, thì các thừa sai phải giúp họ. Như vậy, thứ nhất, để giúp giải quyết những vụ kiện tụng giữa các tín hữu, người ta có thể chỉ định vài ba người vị vọng để khởi sự nghe các người kiện trước khi trình lên quan tòa sự tranh chấp, hầu nghe theo sự phân xử phụ mẫu của họ, hầu nhân nhượng giao hòa với nhau. Nhưng để tránh bóng vía ngoại đạo, nhửng người trọng tài này phải tránh xuất hiện như là muốn tạo lập nên một loại tòa án mới.

« Thứ hai, cần phải đào tạo những thầy giáo kitô, để họ có thể cung cấp cho tuổi trẻ công giáo cũng như không công giáo những lời giảng dậy phù hợp với phong hóa của xứ sở; có thể chinh phục được thiện cảm của dân bản địa và có thể trải rộng khắp nơi hương thơm đạo thánh; như vậy họ có thể dậy bảo trẻ em kitô làm hết bổn phận đức ái.

« Cũng phải chọn những đàn bà công giáo đạo đức để làm công việc bà mụ, hầu họ không để một trẻ em nào chết mà không rửa tội, ngay cả khi chúng là những con của cha mẹ ngoại đạo.

« Sau cùng, các trưởng giáo khu này phải thường xuyên gởi các bản tường trình chi tiết về tình trạng tôn giáo trong những xứ mà họ được trao trách nhiệm coi sóc.


332. Về các thầy giảng, họ là những người có rất nhiều trách nhiệm. Lần lượt, họ có thể được coi là thơ ký, người giữ nhà thờ, thầy giáo, dự thẩm, luật sư, triết gia, người rửa tội, tắt một lời, là những quản gia đích thực, họ là những trợ tá rất cần thiết của các thừa sai và là một trong những dụng cụ tông đồ; không có họ, sự nhiệt tình hữu hiệu nhất cũng chẳng sinh kết quả gì; có họ, rất nhiều điều trở thành dễ dàng. Linh mục là đầu, thầy kẻ giảng là cánh tay, nhưng là một cánh tay thông minh, biết ứng xử theo hoàn cảnh; bình thường, nhờ thầy kẻ giảng mà nhà truyền giáo biết được tình hình khiến ông biết việc phải làm và xét đoán người phải hướng dẫn; các ý kiến của thầy kẻ giảng dựa vào những hiểu biết sâu xa về phong tục, tập quán, tư tưởng, tính xấu của người đồng hương, cung cấp những chỉ dẫn rất quí hóa. Do đó phải kỹ lưỡng chọn lựa họ. Sau đây là những đức tính lớn mà người ta muốn thấy nơi họ:

« Các thầy kẻ giảng, vì là những cộng tác viên và những thợ rao giảng tin mừng, phải trổi vượt kẻ khác về tính trung thực và chuyên cần. Do đó, chỉ nên chọn những người có đạo hạnh và nhân đức từ lúc họ mới rửa tội, hay là người, sau đôi lần lạc hướng, đã hoàn toàn trở lại cùng Chúa và cho thấy có hy vọng sống một đời sống thánh thiện.

« Không nên trao trách nhiệm kẻ giảng cho những người kiêu căng, nóng tính, hà tiện, say sưa, bài bạc, vì trong một vài miền, cái đam mê bài bạc này có thể đem người có máu mê đến chỗ không chỉ đùa dỡn với tiền bạc, mà với cả tự do nữa. Họ phải là những người trinh tiết, tiết độ, công chính, có danh tiếng tốt; nhất là họ phải sáng ngời với đức nhẫn nại, lòng dịu hiền và đức khiêm nhường, đức đầu tiên của người kitô hữu.

« Vì phải liên tục chống lại ma quỉ, mà nhiều đứa chỉ có thể đuổi bằng lời cầu nguyện và sự chay tịnh, các thầy kẻ giảng phải thắp sáng nơi mình lòng nhiệt thành đạo hạnh, nhờ sự suy ngắm kiên trì, họ phải yêu mến kinh nguyện, sự hãm mình phạt xác và nhất là sự xung tội rước lễ.

« Họ phải thúc đẩy và đốt cháy lòng nhiệt thành bằng việc nghĩ rằng Ðức Kitô đã thương ta, bởi vậy, ta cũng phải thương tha nhân mà dẫn đưa họ về ánh sáng thật.

« Bổn phận của họ là phải dậy bảo kể khác, do đó, bắt buộc họ phải nghiền ngẫm giáo lý Phúc Âm, hầu có thể chuyển giao cho người chầu nhưng một tin mừng tinh ròng và nguyên vẹn.

« Ngay từ đầu, họ phải chống lại những sai lầm dị giáo; và để được như vậy, rất mong sao họ biết được kinh sách dị giáo, hầu hiểu được những chuyện hoang đường, những chuyện kỳ quái, những chuyện dị đoan của chúng. Họ cũng nên tìm biết những nét chính yếu mà tà giáo ngoại đạo giống với đạo ta. Như thế, được trang bị đầy đủ, họ sẽ có thể dễ dàng bác bỏ luận cứ dị giáo bằng chính những lý lẽ và luận chứng của chúng mà dãi bày chân lý của đạo kitô.

« Họ nên có một phương pháp rõ ràng và chính xác, hầu dẫn giải được một cách đơn sơ song vững chắc về đức tin cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu.

« Họ nên sống độc thân, vì sợ rằng mối lo lắng cho những sự thuộc về thế gian này sẽ làm họ chia lòng về việc thánh; nhưng cũng không nên loại bỏ những người đã có gia đình, nhưng xứng đáng.

« Không nên chọn làm thầy kẻ giảng những người, vì một khuyết tật thân xác nào đó, mà nêu trò cười, gây sự khinh miệt hay ăn nói khó khăn.

« Và cho dẫu có những vị có đầy đủ các tính tốt trên, nhưng họ vẫn chưa nên dấn thân vào sứ vụ này, nếu họ đã chưa được trao phó một địa sở rõ rệt, có phê chuẩn riêng biệt, địa sở mà họ làm việc dưới sữ diều hành của một thừa sai hay của một thầy giảng kỳ cựu.

« Còn đới với các học trò chủng sinh, thì dễ dàng nhận biết họ có đủ tính tốt hay không để làm công việc thầy giảng. Bởi vì dễ dàng quan sát tài năng của họ, sự hiểu biết của họ, cũng như dễ dàng thử thách tính tình và nhân đức của họ.

« Người đi dậy thì phải dậy không chỉ kẻ ngu dại, mà cả người thông thái nữa, các thầy giảng sẽ phải được dậy cho biết cách cư xử chính đáng với người thông thái và kẻ ngu dại.

« Khi bề trên chủng viện thấy rằng họ đã được đào tạo đầy đủ, họ sẽ bắt đầu dậy những tân tòng đơn sơ, đến khi họ đủ kinh nghiệm thì sẽ lo đến kẻ thông thái, rồi họ sẽ phân giải những lý lẽ bác bẻ và điều hành một khu vực.


333. Về việc đào tạo linh mục bản xứ, công đồng đề nghị nên chọn lựa họ giữa những thầy giảng.

« Các thầy giảng mà có đủ những đức tính vừa kể trên, và đã nhiều năm làm việc dưới sự hướng dẫn của các thừa sai thì người ta nên dậy họ những điều căn bản về tiếng la tinh và lần lượt nên phong các chức cho họ. Khi họ đã được phong chức phó tế rồi, thì nên dậy họ tất cả những gì liên hệ đến Thánh tế hy sinh Misa, về chất liệu cũng như hình thức và cách ban phát các phép bí tích; Nên đòi hỏi họ biết khôn khéo quyết định theo phương pháp trường hợp lương tâm, biết làm sáng tỏ những ngăn cản kết hôn, nhất là đừng quên rằng lòng đạo đức là nền tảng thiết yếu của đời sống linh mục.

« Mỗi ngày các linh mục phải suy ngắm ít là một giờ, để múc ra trong lời kinh nguyện những điều không thể học được từ sách vở, hầu, nhờ Chúa giúp sức, họ sẽ thực hiện được những công việc cao cả của sứ vụ họ.

« Mỗi ngày, qua tay linh mục, Chúa tự hiến mình làm của lễ hiến tế đẹp lòng dâng lên Chúa Cha Toàn Năng. Cũng vậy, mỗi ngày linh mục phải tự hiến mình làm của lễ hy sinh, trong một liên kết chặt chẽ ý chí với Ðấng Cứu Chuộc, để làm vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn ».


LỜI KẾT

Trước khi đi Viễn Ðông, mỗi người một cách, hai Giám Mục Ðại Diện Tông Tòa đã chuẩn bị tại Pháp ba việc chính: xem lại tình hình truyền giáo Viễn Ðông, nhận « Huấn thị Truyền giáo » của Tòa Thánh và củng cố hậu cần bằng cách nghĩ đến việc thiết lập Chủng Viện Thừa Sai và lập Sở Quản Lý Paris. Trong khi kẹt lại ở Xiêm La, trước khi đến Việt Nam, hai Ðức Giám Mục Đại Diện Tông Tòa Ðàng Trong và Ðàng Ngoài cũng lại đã dành một thời giờ quan trọng để chuẩn bị. Chuẩn bị bằng việc cầu nguyện để thảo ra một « Chỉ dẫn Thừa sai » hướng dẫn việc truyền giáo xoay quanh việc tu đức, việc giảng đạo và việc tổ chức giáo hội.

« Chỉ dẫn Thừa sai ». Ðó là đề tài quan trọng và chính yếu của Công Ðồng Ayuthia 1664, công đồng đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam, đã được viết thành văn bản và đã được Thánh Bộ Truyền giáo ấn hành vào năm 1669. Cho in « Chỉ dẫn Thừa sai », phải chăng Thánh Bộ Truyền Giáo đã muốn bày tỏ một sự công khai chấp nhận đường lối và chương trình truyền giáo của Hai Giám Mục tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam ? « Chỉ dẫn Thừa sai » là bản đồ chỉ đường hành động cho các thừa sai. Sau Công Đồng Ayuthia 1664, hai công đồng khác đã được Đức cha Lambert de la Motte tổ chức để kiểm soát và cải tiến việc truyền giáo, theo những tiêu chuẩn đã được đua ra trong bản « Chỉ dẫn Thừa sai ». Một ở Đàng Ngoài vào năm 1670, gọi là Công Đồng Dinh Hiến. Một ở Đàng Trong vào năm 1672, gọi là Công Đồng Hội An.

Rất nhiều công sức đã được dành cho việc cầu nguyện, suy nghĩ, thiết kế, lập chương trình, hành động, kiểm soát và cải tiến. Chúng ta ngạc nhiên một cách thích thú khi xem lại lịch sự truyền giáo mà các thừa sai đã thực hiện từ hồi thế kỷ XVII. Ngay từ thời đó mà các ngài đã xử dụng một phương pháp quản trị rất khoa học và hiện đại của thế kỷ XX, XXI ngày nay. Đó là phương pháp dự án: thiết kế chương trình hành động (to plan), hành động (to do), kiểm soát (to check) và cải tiến (to act) !

Giáo hội Việt Nam đang hồ hởi cử hành NĂM THÁNH 2010, kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm Chính Tòa Việt Nam (1960-2010). Quyết định tổ chức Năm Thánh và Đại Hội Dân Chúa 2010 phải chăng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam muốn nối tiếp truyền thống tốt đẹp của các giám mục tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam để đưa ra một « Huấn thị truyền giáo 2010 » mới cho Giáo Hội Việt Nam trong thiên niên kỷ thứ III này ?

Paris, ngày 11 tháng 02 năm 2010

Trần Văn Cảnh

Chú thích

(1). Tôn Tử đã soạn « Binh Pháp » để hướng dẫn việc giao chiến. Các Giám mục thừa sai đã họp công đồng để soạn thảo đường hướng và phương pháp truyền giáo. Có thể bảo rằng các ngài đã soạn « Truyền giáo Pháp » để hướng dẫn việc truyền giáo. Toàn bài này đã được dựa vào 4 tài liệu chính yếu sau dây:

LAUNAY, A.: Histoire générale de la Société des Missions Etrangères; 1894: Téqui, Paris; t.1, trang 91-110

VAN GRASDORFF Gilles: La belle histoire des Missions Etrangères 1658-2008, Edition PERRIN; 2007, 492 trang, tr. 60-74, 86-98.

FAUCONNET-BUZELIN, Françoise: Aux sources des Missions Étrangères: Pierre Lambert de la Motte; Editions PERRIN, 2006, 360 trang, tr. 76-130