THƯƠNG NHỚ LINH MỤC VINCENT NGUYỄN HƯNG

Khi nghe hung tin cha Nguyễn Hưng qua đời, lòng tôi quặn thắt bật thành tiếng: Hết rồi! Hết rồi! Cây cổ thụ nối kết quá khứ với hiện tại, nối kết mạch nguồn di sản Hán Nôm Công Giáo với hôm nay đã không còn!

Bản thân tôi biết Cha Nguyễn Hưng rất trễ, vào năm 1997, khi vừa tốt nghiệp đại học. Khi ấy, Nhóm Dịch thuật Nghiên cứu Hán Nôm Công Giáo được thành lập từ năm 1985 gồm một số giáo sư, nhà nghiên cứu trước 1975 chỉ còn lại một mình Ngài (một số đã mất, một số định cư tại nước ngoài). Nhờ Ngài tôi mới biết được một dòng văn học Hán Nôm Công giáo đồ sộ chứa đựng bao tinh hoa vô giá về đời sống đức tin, ngôn ngữ và văn học chưa được thế hệ con cháu đào sâu, nghiên cứu và học hỏi. Bởi lớp bụi thời gian phủ dày với bao biến cố thời cuộc đổi thay khắc nghiệt mà đến hôm nay dòng văn học Hán Nôm Công Giáo hơn ba thế kỷ (từ tk 17 – tk 20) vẫn chưa được xã hội nhìn nhận. Đó là nỗi trăn trở thao thức khôn nguôi của Cha Nguyễn Hưng. Cha luôn nói: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của tôi hiện nay là phiên âm dịch nghĩa và giới thiệu hết tất cả các tác phẩm Hán Nôm Công Giáo cho mọi người”. Âm thầm miệt mài lặng lẽ chấp nhận bao cay đắng xót xa của thời cuộc như “Ông Đồ” trong bài thơ cùng tên của Vũ Đình Liên, hơn 20 năm qua Ngài đã giới thiệu gần 130 tác phẩm Hán Nôm Công Giáo. Những tác phẩm cuối cùng sắp in thì Ngài đã phải ra đi. Qui luật cuộc đời thật khắc nghiệt! Ngài đành ngậm ngùi chuyển bầu nhiệt huyết ấy cho thế hệ kế thừa. Nhưng ai có thể thay thế và kế thừa được nhân cách, tri thức và bầu nhiệt huyết của Ngài ?!!!

Song song với việc giới thiệu các tác phẩm Hán Nôm Công Giáo, Ngài đã tiến hành soạn Đại Tự Điển Chữ Nôm Công Giáo. Công việc mới xong phần lập phiếu, đang nhập dữ liệu vào vi tính được nửa chừng thì Ngài lại ra đi vĩnh viễn. Đó là một mất mát cho Giáo hội Việt Nam.

Ngoài những tác phẩm và công trình liên quan đến Hán Nôm, Ngài còn để lại nhiều tác phẩm liên quan đến ngôn ngữ, linh đạo, triết học, thần học… mà Ngài đã viết hay dịch thuật từ tiếng nước ngoài. Với gần 10 năm du học tại Pháp, với bằng Tiến sĩ Ngôn ngữ tại Sorbonne, nhiều năm làm giáo sư tại nhiều trường đại học ở miền Nam trước 1975, hàng chục năm âm thầm nghiên cứu viết lách đã làm nên một Nguyễn Hưng thông tuệ và uyên bác.

Vượt trên tất cả những điều ấy, Ngài luôn là một linh mục thánh thiện, hàng chục năm làm chánh xứ giáo xứ Antôn, hạt trưởng hạt Chí Hòa, linh hướng dòng nữ Mân Côi … Ngài đã diễn tả thật hiệu quả châm ngôn “Tốt đạo đẹp đời”. Ngài đã cống hiến cả cuộc đời cho Nước Trời, đồng thời cũng hết mình phục vụ xã hội trong lĩnh vực văn hóa. Nơi Ngài chúng ta nhận ra một mẫu gương cho một linh mục thời đại: làm sáng tỏ chân lý đức tin trong nền văn hóa Việt Nam. Trong Năm Thánh Linh Mục và Năm Thánh Giáo hội việt Nam, sự ra đi của cha Nguyễn Hưng là một nhắc nhở cho các chủng sinh và các linh mục trẻ: phải nổ lực hết mình trong học tập và làm việc để hạt giống Tin Mừng được sinh hoa kết quả hơn nữa trên quê hương Việt nam.

Viết đến đây, đôi mắt tôi nhập nhòe bởi những giọt lệ long lanh thương tiếc một linh mục thánh thiện nhiệt thành tận hiến cả cuộc đời cho Chúa, cho Giáo hội; tận dụng mọi khả năng có thể phục vụ xã hội. Tuy những công trình, những thao thhức của Ngài còn dang dở chưa thực hiện xong, nhưng tôi tin Thiên Chúa sẽ thực hiện những điều tốt đẹp nhất cho Ngài. Ngài đã trồng đã tưới, nhưng Thiên Chúa mới là Người cho mọc lên cây cối tốt tươi, hoa thơm trái ngọt (x. 1Cr 3,6).

Xin cám ơn “Bố Hưng”! (Tiếng “Bố” thân thương mà mọi người trong Nhóm Dịch Thuật Hán Nôm hay gọi Ngài) Xin cám ơn những gì Bố đã làm cho Giáo hội, cho xã hội và cho mọi người. Riêng con, sự ra đi của Bố là một nỗi đau và mất mát khôn nguôi. Mất đi một người Cha, một người thầy day dỗ bảo ban. Chính 2 năm cộng tác trong nhóm Dịch Thuật Hán Nôm đã giúp con lớn lên rất nhiều trong đời sống tận hiến và tri thức. Xin Thiên Chúa yêu thương đón nhận bố vào nơi Quê Trời vĩnh cửu.

Thomas Nguyễn Văn Hiệp

Nhóm Dịch Thuật Hán Nôm Công Giáo