LIÊN TU SĨ PARIS MỪNG TẾT CANH DẦN TẠI NHÀ MẸ DÒNG CÁC CHA THỪA SAI (LAZARISTES)

Trong phẩm phục linh mục, đôi tay nắm chặt cây thánh giá mà thánh nhân đã dùng để chúc lành cho vua Louis XIII lúc lâm chung, chắc hẳn thánh Vinh Sơn đã vui lòng khi chứng kiến các linh mục, tu sĩ người Việt tại Paris, gọi chung là liên tu sĩ, trong số có các cha thừa sai (Lazaristes) và các nữ tử bác ái, cùng nhau đến chúc tuổi Chúa nhân thánh lễ đầu năm Canh Dần cử hành sáng 20-2-2010 tại nguyện đường nhà mẹ dòng Lazaristes. Cha Bernard Schoepfer, Bề trên Nhà mẹ Lazaristes và cha Ponsard, tuyên úy nguyện đường Notre Dame de la Médaille Miraculeuse cùng với cha Phêrô Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch Liên Tu sĩ, cha Phaolô Nguyễn Thanh Sang, đại diện các cha sinh viên (LISIVIP) đã cử hành thánh lễ cùng với một số linh mục lão thành: cha Nguyễn Chí Thiết, cha Nguyễn Thế Minh (dòng Tên), cha Nguyễn Tiến Lãng (DCCT) và khoảng 50 các cha sinh viên trong thánh lễ đón ‘‘Xuân Hy vọng’’, với sự tham dự của khoảng 100 nữ tu.

Sau ca khúc nhập lễ ‘‘Xuân Hy vọng’’, cha Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch Liên Tu sĩ Việt Nam tại Pháp đã nói lên ý nghĩa của thánh lễ đầu năm: ‘‘Trong bầu khí hiệp thông mà chính Đức Kitô là trung tâm điểm của sự quy tụ chúng ta hôm nay, quanh bàn tiệc thánh, như một đại gia đình huynh đệ, để cùng tạ ơn Chúa với những ân huệ mà chúng ta được đón nhận như quà tặng nhưng không mà Thiên Chúa trao ban cho mỗi người chúng ta cũng như toàn thể gia đình chúng ta trong năm qua.’’

Bài giảng của Nguyễn Thanh Sang là nỗ lực ‘‘ôn cố nhi tri tân’’. Nhìn lại năm cũ, cha Sang cho rằng: ‘‘Chúng ta, những linh mục tu sĩ, thường được gọi là những người đi tu, những người « không thuộc về thế gian », nhưng thật ra chúng ta vẫn « sống trong thế gian » (x. Ga 17,9-26), vẫn sống trong cuộc đời với những vui, buồn, sướng, khổ của nó, nghĩa là chúng ta vẫn có một lịch sử tính của cuộc đời mình. Vậy chúng ta cũng thử nhìn lại năm qua của đời mình: sức khoẻ, việc học hành, việc mục vụ, đời sống với những tương quan nhân văn, đời tu với những nẻo đường khác nhau phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Đâu là những được và đâu là những mất ? Kỷ niệm nào làm lòng chúng ta thấy vui hơn, và kỷ niệm nào làm lòng chúng ta thấy buồn hơn ? Nếu khiêm tốn nhìn lại đời mình, có lẽ chúng ta sẽ cảm nhận được như tác giả của bài thánh ca lời thiêng: « đời con nay vẫn là như giấc mơ chưa trọn ». Và vì giấc mơ chưa trọn, nên đời ta vẫn còn đó những mối lo’’.

Sau khi hướng về năm mới, cha Sang nói: ‘‘Tất cả nói lên một ý nghĩa căn bản của lễ hội là con người muốn vượt thoát lên những cái thường nhật của đời sống đôi khi rất nhạt nhẽo và bày tỏ một khát vọng thăng hoa. Chúng ta khám phá trong lễ hội của tổ tiên chúng ta một chiều kích nhân văn sâu sắc, đó là khát vọng của kiếp nhân sinh về một tương lai tốt đẹp hơn’’.

Trong phần kết luận, vị linh mục đại diện các cha sinh viên đã trở về hiện tại và cho rằng ‘‘lịch sử cuộc đời của mỗi chúng ta vẫn còn đó với quá khứ, hiện tại và tương lai. Con người chúng ta vẫn còn đó với những khát vọng vươn lên và những giới hạn bất toàn. Nếu đường đời có trăm phương ngàn lối, thì đường tu cũng có vạn nẻo. Đức Hồng y Joseph Ratzinger, nay là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, trong tác phẩm « Muối cho đời », khi được hỏi rằng phải chăng chỉ có một lối đường duy nhất đi về với Thiên Chúa, ngài đã trả lời: « Không ! Có bao nhiêu cuộc đời, là có bấy nhiêu con đường ». Thật vậy, mỗi người là một cuộc đời, và mỗi cuộc đời là một lịch sử. Điều quan trọng là làm sao chúng ta khám phá ra được trên vạn nẻo đường đời của mỗi chúng ta, có một con đường thênh thang của Tình Yêu Thiên Chúa đến với chúng ta, bao phủ mọi nẻo đường cuộc đời chúng ta và từng bước dẫn đưa chúng ta về với Ngài.’’

Ca khúc dâng lễ là ‘‘Lễ dâng mùa xuân’’ của linh mục Nguyễn Duy, do nữ tu Têrêxa Đoàn Nguyễn Kim Loan hướng dẫn cộng đoàn đồng ca, và tiếng đại phong cầm của nữ tu Maria Tuyết Mai, cả hai là nữ tu dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Hai ca khúc hiệp lễ và kết lễ ‘Khúc cảm tạ’’ và ‘‘Thắp nén hương xuân’’ mang âm hưởng dân nhạc diễn tả tình tự dân tộc uống nước nhớ nguồn suối quê trời và quê nhà.

Hội diễn văn nghệ Liên Tu sĩ

Sau thánh lễ, các nam nữ tu sĩ cùng nhau ăn Tết Canh Dần với bánh chưng xanh dưa món, sôi gấc đỏ heo quay và nhiều món ăn ngày Tết qua nghệ thuật nấu nướng của các bà nội trợ Giáo Xứ Việt Nam tại Paris.

Mở đầu chương trình hội diễn văn nghệ mừng xuân Canh Dần của Liên Tu sĩ, thường được gọi tắt là ‘‘họ nhà Liên’’, linh mục trưởng họ Nguyễn Đình Thắng giới thiệu: ‘‘Ngày đầu xuân, anh chị tu sĩ sẽ gom góp tâm tình, khả năng rất là nghiệp dư, để cống hiến cho chúng ta một chương trình văn nghệ với chủ đề ‘‘Xuân yêu thương’’ như quà tặng đầu năm gửi đến mỗi anh chị trong gia đình liên tu sĩ ’’. Linh mục Lê Hoàng Thanh (Cần Thơ) và nữ tu Têrêxa Đoàn Nguyễn Kim Loan (Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm) cùng điều khiển chương trình hội diễn văn nghệ với ngôn từ linh hoạt và sáng tạo.

17 linh mục trẻ nội trú tại trụ sở Hội Thừa sai Paris (MEP) thuộc 10 giáo phận của ba miền đất nước đã mang lại không khí tưng bừng của ngày Hội Tết, qua ca khúc ‘‘Đón Xuân’’ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương:

Tổng giáo phận Hà Nội:

Hưng Hóa: cha Nguyễn Quang Đĩnh, cha Lê Quốc Hưng
Thái Bình: cha Mai Văn Diện, cha Đặng Văn Hội
Thanh Hóa: cha Lê Tiến Nhất, cha Nguyễn Đức Thanh
Vinh: cha Hoàng Đông Dương, cha Nguyễn Văn Khai

Tổng giáo phận Huế:

Đà Nẵng: cha Lê Văn Cường
Huế: cha Nguyễn Xuân Lành

Tổng giáo phận Saigon:

Bà Rịa: cha Vũ Văn Hoàng, cha Nguyễn Ngọc Thảo
Cần Thơ: cha Nguyễn Khắc Minh, cha Lê Hoàng Thanh
Long Xuyên: cha Hoàng Ngọc Minh
Mỹ Tho: cha Nguyễn Tấn Di, cha Nguyễn Thanh Sang

Sau liên khúc ba miền là vũ khúc liên dòng. Các nữ tu dòng Đa Minh, dòng Mân Côi và dòng Notre Dame du Calvaire xúng xính trong áo dài hồng đào vấn khăn trình diễn vũ khúc Ly Rượu Mừng.

-Dòng Đa Minh Việt Nam thành lập năm 1715 tại Bùi Chu, lúc đầu được gọi là Nhà Phước vì các nữ tu chủ yếu làm việc phước thiện. Vào thế kỷ XX, các Nhà Phước được tổ chức lại theo quy định của giáo luật 1917. Đức Cha Phêrô Phạm Ngọc Chi giám mục Bùi Chu tập hợp bảy Nhà Phước trong Địa Phận thành Dòng Nữ Đa Minh Việt Nam. Ngày 21-3-1951, Thánh Bộ Đức Tin đã ra Sắc lệnh công nhận Dòng Nữ Đa Minh Việt Nam. Sau đó, dòng nữ Đa Minh được thành lập tại Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh, Lạng Sơn và Thái Bình.

- Dòng Nữ tu Đức Bà Calvaire (Congrégation des Sœurs de Notre Dame du Calvaire) do Chân phước Pierre Bonhomme (1803-1861) thành lập năm 1833 ở Gramat vùng Lot, chuyên lo cho những người già yếu, bệnh tật, các cô nhi. Dòng Nữ tu Đức Bà Cavaire được Tòa thánh chuẩn y vào năm 1834. Năm 1856, dòng mở một cơ sở ở Paris, năm 1861 dọn về Bourg-la-Reine đến nay vẫn còn hoạt động. Từ năm 1906, nhà dòng mở rộng địa bàn hoạt động sang bốn châu lục. Dòng Nữ tu Đức Bà Cavaire hiện có gần 300 nữ tu sống rải rác trong 53 cộng đoàn, trong số có Việt Nam.

-Congrégation Notre-Dame du Calvaire à Gramat (Lot)

- Hội Dòng Mân Côi do Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn thành lập năm 1946 tại Bùi Chu theo quy định của giáo luật. Hiện nay, hội dòng có 207 nữ tu khấn dòng, 21 tập sinh, 13 tiền tập sinh, 145 đệ tử, 18 chị tận hiến. Các nữ tu Đa Minh theo học thần học ở Bùi Chu, Saigon; một số khác học khoa học, nghệ thuật, sư phạm và y tế ở Nam Định, Hà Nội, Saigon và ở nước ngoài.

Sau vũ khúc Ly Rượu Mừng là nhạc cảnh ‘‘Đừng hỏi tại sao con đi tu’’, do nữ tu Thùy Linh và một số nữ tu đồng diễn. Câu hỏi thường tình về lý do chọn đời tu được trả lời một cách duyên dáng qua ca khúc tự biên tự diễn của các nữ tu, nói lên được niềm vui tận hiến.

Tiếp theo, các nữ tu dòng thánh Phaolô trình diễn vũ khúc Mandoline đầy mầu sắc sinh động:

Trước khi trình diễn, một nữ tu đã giới thiệu về cộng đoàn như sau: các nữ tu dòng thánh Phaolô (Les Sœurs de Saint Paul de Chartres) là dòng nữ lâu đời nhất, thành lập từ năm 1696. Ngày nay trên khắp thế giới có 4000 nữ tu, trong số có 1000 nữ tu người Việt (tỷ l ệ 1/4). Ngày 20-5-1860, hai nữ tu dòng thánh Phaolô đến Saigon, đáp lại lời kêu gọi của Đức Cha Lefèvre, giám quản tông tòa Tây Đàng trong. Sau dòng Mến Thánh Giá, đây là dòng nữ có bề dầy lịch sử lâu đời nhất ở nước ta. Các nữ tu dòng thánh Phaolô mở viện mồ côi, trường học, dưỡng đường Saint Paul. Sau khi đến Việt Nam được sáu năm, các nữ tu người Pháp đã mở được một tập viện (noviciat) ở Saigon. Dòng nữ tu thánh Phaolô hiện có dự định tái lập hoạt động tại miền Bắc.

Tiết mục cải lương đặc sắc qua hai diễn viên: cha Hoàng Ngọc Minh và thầy Trần Hồng Nho đem lại sắc thái văn học dân gian cho ngày hội Liên Tu sĩ: Khán giả đã nhiệt liệt tán thưởng tài diễn xuất của hai diễn viên qua sáu câu vọng cổ:

- Dương Lễ: Lưu Huynh em cám ơn anh bao ngày chăm lo cho em yên bề kinh sử để so với đời. Thời gian trôi khóa thi đến rồi, việc sao anh chẳng lo, xin đừng vui thú nơi chốn, trà đình bê tha.

- Lưu Bình: Em vững lòng lo bề sử kinh, vang khắp vùng danh truyền lưu gia, của dư có sẵn nhiều năm, đường may nào ta dám bỏ để cha già nơi cửu tuyền thêm phần lo lắng vì ta khoa kỳ đã đến mùa thi.

- Lưu Bình: Em kiếp mau lên đường, gia sản nay tan tành, đành lỡ làng công danh,

- Dương Lễ: Em nỡ nào ra đi, thôi để nơi gia đàn cùng với anh sớt chia cơ hàn.

- Lưu Bình: Còn đây vũ y sau cùng, cầm đi em hiểu cho lòng anh, ngày mai có tên bảng vàng, về quê xưa chúng ta đoàn viên.

Cha Ly Soun Hang là linh mục xứ Chùa Tháp duy nhất tại Paris đã đơn ca một bản dân ca Khmer, rất được cử tọa tán thưởng. Màn hài kịch ‘‘Thất học, thất nghiệp, thất thế’’ do cha Nguyễn Khắc Minh và cha Đặng Văn Hội đồng diễn có phần còn xuất sắc hơn danh hài chuyên nghiệp:

‘‘Mưa trên quê hương’’ là vũ khúc do các nữ tu Notre Dame du Calvaire trình diễn nói lên được ý thơ ‘‘ngoài đường mưa bụi bay’’ của Vũ Đình Liên, càng thêm thấm thía tình hoài hương, nhớ mẹ nhớ cha da diết:

Tâm tình này được diễn tả qua giọng hát truyền cảm của cha Nguyễn Thanh Lý (dòng Lazaristes), cha Nguyễn Văn Việt (Xuân Lộc) và nữ tu Têrêxa Đoàn Nguyễn Kim Loan (Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm). Tôi xin chép lại cả ba lời ca, nói thay cho những lời chân thật của các tu sĩ du học gửi về các bậc sinh thành ở quê nhà hằng mong ngóng tin con.

Cha Nguyễn Thanh Lý hát rằng:

Mẹ là dòng suối mát ngọt ngào

Cha như cánh chim đại bàng phủ che

Tình cha nghĩa mẹ ôi sao quá cao vời

Tạ ơn Thiên Chúa đấng ban cho con có mẹ cha.


Nữ tu Têrêxa Đoàn Nguyễn Kim Loan thể hiện tình yêu mẹ qua ca khúc ‘‘Ngày xưa có mẹ’’, phổ thơ Thanh Nguyên:

Khi con biết đòi ăn, mẹ là người mớm cho con muỗng cháo,

khi con biết đòi ngủ, mẹ là người thức hát ru con

Bầu trời trong mắt con, ngày một xanh hơn là khi tóc mẹ, ngày thêm sợi bạc

Mẹ, mẹ có nghĩa là duy nhất, một bầu trời, một mặt đất, một vầng trăng

Mẹ, mẹ có nghĩa là mãi mãi, đã cho đi không đòi lại bao giờ

Mẹ chưa sống đủ trăm năm nhưng đã cho con dư dả bầu trời và tiếng hát

ch ỉ một lần mẹ không ngăn con khóc là một lần, không thể nào, lau nước mắt cho con...

là khi mẹ không còn.

Cổ tích của những ai còn có mẹ, là ngày xưa, có nàng công chúa hay ông vua...

Cổ tích của con, là ngày xưa, ngày xưa có Mẹ là ngày xưa, ngày xưa có mẹ.


Cha Nguyễn Văn Việt (Xuân Lộc) tức cảnh sinh tình, ngẫu hứng sáng tác ‘‘Tiếng hát đầu đời’’, êm như lời ru, dịu như tiếng nói mẹ hiền.

1. Ngày con sinh ra, chẳng nói được gì, chỉ cất tiếng khóc, với nụ cười mơ, ánh mắt ngỡ ngàng. Ngày con sinh ra, cha mẹ thương mến, ẵm bồng trong tay, đong đưa câu hát, ầu ơ ngủ ngoan.

ĐK 1: Rồi một ngày con bật tiếng nói. Tiếng nói đầu đời, tiếng gọi mẹ ơi. Mẹ ơi, con ước giờ này được về bên mẹ, gọi lên hai tiếng, hai tiếng “Mẹ ơi!”. Mẹ ơi! Sông kia dù cạn, đá kia có mòn, nhưng tình con thương mẹ, mãi luôn cao dầy. Nhưng tình con thương mẹ mãi không phai mờ.

2. Rồi khi lớn khôn, con bước vào đời, gặp bao sóng gió, kiếp người nổi trôi, giá rét lạnh lùng. Tinh thương bao la, của mẹ yêu dấu, ấm nồng trong con, cho con sức sống, vượt bao khó nguy.

ĐK 2: Rồi một ngày, nơi miền xa xôi, thương nhớ mẹ hiền, đang chờ đợi con. Mẹ ơi, con ước giờ này được về bên mẹ, gọi lên hai tiếng, hai tiếng “Mẹ ơi!”. Mẹ ơi, sông kia dù cạn, đá kia có mòn, nhưng tình con thương mẹ, mãi luôn cao dầy. Nhưng tình con thương mẹ mãi không phai mờ.


Sau hai màn trình diễn thời trang đặc sắc của các nữ tu dòng thánh Phaolô và màn ảo thuật độc đáo của cha Đặng Văn Hội, cha Nguyễn Tuấn Anh đã thay mặt ban tổ chức ‘‘cám ơn tất cả anh chị em. Sự hiện diện đông đủ đã nói lên tình liên đới, sự hiệp thông của các linh mục, tu sĩ trong số có quý cha lão thành cũng như các nữ tu trẻ trung. Có những người ở ngay Paris, cũng có những người vừa đến từ Saigon, Nice.’’

Sau cùng, toàn thể hội trường đồng ca ‘‘Hành khúc người du học’’ có ban nhạc phụ họa, thay cho lời tạm biệt.

Paris, ngày 22 tháng 2 năm 2010