Giáo hạt Dak Lak 1 giáo phận Ban Mê Thuột

Đúng 6g40 ngày thứ Ba ( 02-03-3010) xe Ngọc Ánh chở quý cha thuộc giáo hạt Daklak 1 chuyển bánh khởi hành từ Tòa Giám Mục đi La Vang. Có thể nói toàn thể quý cha trong giáo Hạt đều tham dự đầy đủ, ngoại trừ hai cha Âugustinô Toàn và GB.Uyển không thể tham gia vì lý do sức khỏe. Hai cha đang hưu trí là cha Irênê Bình Tỉnh và cha Đaminh Bá Tòng cũng hăng hái tham dự. Đức Giám mục giáo phận cũng đồng hành với đoàn giáo hạt Daklak 1. Tổng cộng có 29 cha và thêm Đức Cha, thảy là 30 thành viên chẳn.

Cha Hạt trưởng GB. Bùi Quang Đạo phân phát bảng tên đeo cổ. Có cha dí dõm rằng đeo bảng tên để nhận diện nếu có sự cố chẳng may, ví như chiếc thẻ bài. Mới khởi hành mà đã có miệng ăn mắm ăn muối, không kiêng cử, kỵ úy gì cả. Xe lăn bánh hướng quốc lộ 14 để tuần tự rước cha GB.Truyền, xứ Nam Thiên, cha Giuse Hiển, xứ Công Chính cùng quý cha các xứ Vinh Quang, Vinh Đức, Vinh Phước, Buôn Hồ, Phú Xuân. Điểm đón cuối cùng là xứ Buôn Hồ và đây cũng là dịp các cha thêm một lần chiêm ngắm công trình vĩ đại của giáo xứ và cha xứ Phêrô Khoa, một ngôi thánh đường nguy nga đang dần hoàn thiện.

Xe tiếp tục lên đường, và theo đề nghị của nhiều cha, xe chọn hướng đường Trường Sơn để cho biết quang cảnh núi rừng. Các cha dùng điểm tâm trên xe. Ban ẩm thực quá chu đáo với gói điểm tâm quá cở khiến một số cha ngần ngại, đúng hơn là biết lo xa cho bữa cơm trưa nên chỉ dùng một phần. Một số cha giải trí bằng đôminô ở cuối xe.

11g00 cha GB Truyền phụ trách Phụng vụ mời các cha đọc Kinh trưa. Ngài chuẩn bị rất chu đáo bằng cuốn tập các giờ Kinh Phụng vụ của những ngày hành hương hầu giúp các cha đỡ phải khệ nệ cuốn Sách Kinh to đùng. Tấm lòng của một người, dĩ nhiên là kèm cả sự vất vả, đã giúp tất cả giúp cả đoàn hành hương bớt một chút nặng. Có một tấm lòng, vài tấm lòng, nhiều tấm lòng cuộc sống của nhân loại sẽ nhẹ nhàng biết bao!

13g00 xe dừng bánh tại một quán cơm địa bàn Ngọc Hồi, Kon Tum. Trời nắng nóng, quán không có nước rửa mặt mủi tay chân, thực đơn chẳng có gì đáng nói, thế mà Vít vồ vẫn khen cơm ngon! Ngồi ăn bên cạnh Ngài mới nhận ra chân lý này: trong cảnh khó khăn, khổ cực, vẫn luôn có cái gì đó tốt đẹp. Có người chỉ thấy là đám đất bùn hôi nhưng lại có người trầm trồ chỉ với một cánh hoa sen đang thầm khoe sắc.

Những tưởng rằng sẽ chiêm ngắm cảnh núi đồi thiên nhiên, nhưng hầu hết đều gật gà vì mệt và vì “say sóng”. Quả thực, chuyện “lực bất tòng tâm” là chuyện bình thường của kiếp người. Cha Truyền bắt kinh lần hạt chung kính Đức Mẹ.

Khoảng 18g30 xe từ từ vào sân Nhà thờ Chính Tòa, cũng là Tòa Giám Mục Đà Nẳng. Sau khi chào cha quản lý, quý cha giáo phận Đà Nẳng có mặt, anh em nhận phòng ngủ rồi sau đó chờ Đức Giám Mục Đà Nẳng về để cùng dùng cơm tối. Khoảng 19g30 Đức giám mục Đà Nẳng về. Cha hạt trưởng hạt Đaklak 1 thay mặt anh em chào Đức Cha và tặng quà. Đức giám mục Đà Nẳng cũng có quà tặng lại. Ngài vừa từ Hà Nội về nên quà tặng dĩ nhiên là bánh đặc sản Thủ đô. Sau cơm tối, một số cha cuốc bộ tham quan cảnh Đà Nẳng về đêm, đặc biệt đi xem cây cầu xoay trên sông Hàn.

Đúng 05g00 sáng ngày thứ Tư (03-03-2010), anh em cùng đồng tế với giám mục giáo phận mình tại nhà thờ Chính Tòa. Nhóm anh em giáo Hạt Phước Long cũng hiện diện. Nhóm này đã đến Đà Nẳng trước nhưng không ở lại Tòa Giám Mục mà lưu trú ở ngoài. Trong Thánh Lễ, Đức Cha Ban Mê Thuột chia sẻ nội dung là xin cho hàng linh mục của Chúa luôn can đảm kiên trung với sứ mạng Chúa giao phó như ngôn sứ Giêrêmia.

Sau khi dùng điểm tâm tại Tòa Giám mục Đà Nẳng, anh em lại lên đường tham quan địa điểm đang xây dựng Tòa Giám mục cũng như Trung Tâm mục vụ của giáo phận Đà Nẳng. Cha phụ trách Phụng vụ mời anh em đọc Kinh Sáng. Đoạn đường hơi ngắn nên xe phải chạy vòng vồng để cho quý cha xong giờ Kinh Sáng rôi mới đến địa điểm tham quan. Đoàn lại tiếp tục tham quan nhà hưu dưỡng của hội dòng thánh Phaolô. Ở đây có một cái đền Đức Mẹ Sao Biển rất được người trong đạo lẫn bà con lương dân hay khác đạo sùng kính. Hoa quanh đền Mẹ luôn đầy và tươi nở. Đến trước đền Mẹ, anh em dâng lên Mẹ vài câu kinh nguyện tỏ lòng mến yêu và dâng chuyến hành hương về La Vang cho Mẹ. Đức giám mục giáo phận nhà diễn giải cho anh em biết đôi nét về sự hiện hữu của ngôi đền lộ thiên, hướng về biển cả này. Chân dung tượng Mẹ không được đẹp theo mỹ quan, nhưng đượm nét tình sâu lắng cách nào đó cùng nét khắc khổ lo toan của một người mẹ sống vì đàn con.

08g45 xe lăn bánh ra Huế. Cha GB. Minh Tâm, người phụ trách hoạt náo viên chuyến hành trình mời cả đoàn hát bài thánh ca về linh mục. Xe đến Đan viện Thiên An lúc 12g00. Cha viện phụ đón tiếp đoàn niềm nở không chỉ với nụ cười tươi mà còn với bữa cơm trưa rất ngon miệng. Chắc hẳn không nguyên vì đoàn có các đấng bậc như giám mục, cha tổng đại diện mà còn vì một trong những tôn chỉ của hội dòng là tiếp đón khách như tiếp đón Chúa Kitô. Dùng cơm xong các cha đi tham quan ngôi Nhà Nguyện dưới tầng hầm. Cha Đaminh Phạm Bá Tòng chia sẻ kỷ niệm đời ngài. Đó là vì bận lo đánh nhịp cho ca đoàn trong dịp các anh em cùng lớp lãnh thánh chức, nên ngài phải chịu chức phó tế một mình dịp sau đó ba tháng. Và ngôi nhà nguyện ở tầng hầm của dòng Thiên An là nơi ngài đã lãnh nhận thánh chức phó tế. Dù rằng tin lời ngài tâm sự, nhưng vẫn có vài vị trêu ngươi, vặn vẹo ngài rằng không biết ngày xưa đánh nhịp ra sao mà bị cầm chức. Có đấng lại gợi ý ngài nằm xuống như buổi chịu chức ngày xưa để ghi tấm hình. Chắc chắn với tấm thân bồ tượng như hiện nay, nếu ngài nghe lời mà nằm xuống thì khó có bề chỗi dậy như ngày xưa. Đức Cha giáo phận còn nhân sự ấy kể chuyện một ông cha kia sau khi chịu chức đã nói với anh em rằng khi mình nằm xuống phủ phục, thì bà con chung quanh chen lấn nhau nhìn. Thế là có vài vị tố giác là ông này thay vì nằm sấp lại nằm ngửa, vì có nằm ngữa mới thấy người ta chen lấn nhau để nhìn cảnh các tiến chức phủ phục! Rời nhà nguyện, anh em đến phòng bán hàng lưu niệm. Cha Stêphanô Đậu tiếp thị dẽo miệng trên cả chuyên nghiệp. Thế là quý thầy gói hàng bán cho quý cha không kịp nghỉ tay.

Xe tiếp tục lăn bánh đến linh địa La Vang. Đến nơi vào khoảng 15g50’, quý cha giáo phận Huế đón tiếp niềm nở, hướng dẫn ghi danh, nhận áo pull đại hội và nhận phòng ngủ nghỉ. Trời La Vang vừa nắng lại vừa nóng, nhưng cái ấm của tình huynh đệ linh mục như át cái nóng của tiết trời. Tay bắt mặt mừng, người Ban Mê, kẻ Nha Trang, người Kon Tum, kẻ Quy Nhơn, Đà Nẳng, dĩ nhiên anh em Huế, người sở tại lo khâu tổ chức thì có mặt khắp nơi của khu linh địa. Đúng 18g00 anh em tụ họp tại phòng cơm nhà hành hương dùng bữa tối. Chuyện trò rôm ran, khiến Đức Tổng Huế không có được phút thinh lặng nhưng Ngài vẫn bắt kinh xin Chúa chúc lành cho bữa cơm tối huynh đệ.

Ngày hội ngộ linh mục giáo tỉnh miền Trung chính thức bắt đầu bằng việc cung nghinh di ảnh cha thánh Gioan Maria Vianey, phần sám hối lãnh nhận ơn toàn xá và chầu Thánh Thể long trọng tại linh đài Mẹ La Vang. Sau Lời chào mừng của cha quản nhiệm linh địa La Vang, Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể long trọng khai mạc cuộc hành hương kính Mẹ của linh mục đoàn giáo tỉnh Huế nhân dịp năm linh mục.

Đức Giám mục Ban Mê Thuột tiếp nối bằng phần sám hối. Ngài mời gọi anh em linh mục nhìn lại ơn gọi, vai trò và sứ mạng của linh mục theo chiều kích tích cực. Khi hướng cái nhìn vào cảnh sáng thì chắc hẳn các mảng tối cũng lộ diện, nhưng các mảng tối ấy không làm ta thất vọng, trái lại càng giúp ta thêm tin tưởng cậy trông và tràn trề hy vọng để vươn lên, để đổi mới. Cùng giúp anh em sám hối có cha hạt trưởng hạt Daklak 1, cha trưởng ban giáo lý, cha trưởng ban thánh nhạc của giáo phận nhà. Kết thúc phần sám hối, các cha giúp nhau lãnh nhận bí tích hòa giải. Các giám mục không là ngoại lệ. Rất nhiều cha, nhiều bà con tín hữu giáo dân tham dự đều xúc động trước cái cảnh các mục tử lớn bé chân thành khiêm nhu nhìn nhận thân phận tội lỗi, bất xứng, bất toàn của mình. Hình ảnh giám mục quỳ gối xưng thú tội lỗi thế nào cũng được ghi hình và đăng tải trên các mạng truyền thông. Và chắc chắn sẽ có nhiều bài viết về đề tài này.

Đức Giám mục Đà Nẳng chủ sự phần ban ơn toàn xá cho cộng đoàn tham dự là các linh mục và tín hữu có mặt, dĩ nhiên các giám mục cũng là những người được hưởng nhận ơn phúc toàn xá. Điều xảy ra thật cảm động là tiếp liền sau đó, Đức giám mục Đà Nẳng mời các giám mục hiện diện quỳ gối để nhận phép lành từ tay các linh mục. Chuyện giám mục quỳ gối xin linh mục chúc lành là chuyện không lạ ở nhiều nước trên thế giới, nhưng có lẽ là chuyện hy hữu ở tại Việt Nam. Sau khi về phòng nghỉ, có linh mục dí dỏm rằng bấy lâu nay ban phép lành cho bà con giáo dân mình vẽ hình Thánh Giá cở vài tấc hay tối đa là nửa mét nay được ban phép lành cho các đấng bậc cao cả, mình vẽ hình Thánh giá hình như là gần cả hai mét!

Sau phép lành toàn xá, cộng đoàn tôn nghiêm kính tiếp Thánh Thể Chúa do quý linh mục giáo phận Huế cung nghinh. Cha Tổng Đại diện giáo phận Kon Tum chủ sự nghi lễ chầu Thánh Thể. Nghe đâu Đức Cha Kon Tum đang bận công tác ở nước ngoài, không thể tham dự cuộc hành hương. Không biết vì quá cảm động hay quá sốt mến mà cha Tổng Đại Diện giáo phận Kon Tum cầu nguyện rất lâu. Chân tê, gối mõi, nhưng quý cha vẫn nghiêm trang cung kính. Dù rằng hiện nay số linh mục trẻ dưới 50 hình như chiếm đa số, nhưng số các cha trên 70 tuổi vẫn không ít, thế mà tất cả đều trang nghiêm với hai đầu gối trên nền đá trơn cứng. Phép lành Thánh Thể kết thúc các nghi lễ đêm hội ngộ hành hương vào khoảng 21g00.

Ngày Thứ Năm (04-03-2010): 05g00 tất cả tập trung tại Nhà nguyện. Một số linh mục giáo phận Quy Nhơn phụ trách giờ Kinh Sáng. Sau giờ kinh sáng, cha Phêrô Trần Hữu Thành, linh hướng Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang giúp anh em nguyện gẫm. Những lời gợi ý đơn sơ mà thiết thực khiến nhiều linh mục nhớ lại thời còn ở Tiểu Chủng Viện. Trong tình Chúa thì dù tóc đã muối tiêu hay bạc cả đầu thảy đều là những trẻ thơ.

Anh em dùng điểm tâm, sau đó nghỉ ngơi, chuyện trò trao đổi chuyện đời, chuyện mục vụ. Đến 08g00 tất cả tập trung tại Nhà Nguyện nghe Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, nguyên giám mục giáo phận Nha Trang chia sẻ đề tài. Đề tài ngài chia sẻ đó là các chước cám dỗ mà một trong những chước cám dỗ khiến cho công cuộc truyền giáo chững lại và đi xuống đó là ảnh hưởng của chủ nghĩa tương đối. Khi đã theo chủ trương rằng không có sự thiện tuyệt đối, không có chân lý tuyệt đối thì con người dễ nghiêng chiều theo chước cám dỗ tự châm chước, dễ dãi cho bản thân mình và rồi đi đến chỗ phóng túng. Chủ nghĩa tương đối còn khiến cho nhiều mục tử lầm tưởng rằng chân lý trong các tôn giáo khác cũng giá trị như trong Kitô giáo, từ đó ngần ngại không nỗ lực truyền giáo và cho rằng truyền giáo hiện nay là làm người ta trở thành một tín hữu chính hiệu của tôn giáo họ là đủ.

Đức Cha đề nghị các linh mục phải hâm nóng lại lòng nhiệt thành truyền giáo, phải nỗ lực truyền giáo cho dù phải gặp nhiều khó khăn. Phải nâng cao ý thức truyền giáo nơi giáo sĩ lẫn giáo dân. Các giáo phận nên liên đới với nhau trong việc bổ túc, chia sẻ nhân sự cho nhau, các dòng tu cũng thế. Cần triển khai chiều kích truyền giáo trong các cử hành Phụng Vụ, lấy nguồn sức sống từ Lời Chúa…

Sau bài chia sẻ Ngài mời gọi các cha nêu ý kiến hay nêu câu hỏi. Cha Phêrô Tuần Cao Kim Động, dòng Thiên Hòa xin Đức Cha chỉ giúp nguồn tài liệu để biết thêm về chủ nghĩa tương đối. Ngài trả lời rằng hôm nay thì chưa thể. Hy vọng sẽ có dịp khác. Cha Stêphanô Nguyễn Văn Đậu, giáo phận Ban Mê Thuột nêu một trở ngại đó là người ta quan niệm đạo nào cũng như đạo nào, cũng dạy ăn ngay ở lành, nên không nhất thiết phải theo Công giáo. Đức Cha không trả lời trực tiếp câu hỏi cách rành mạch. Cha dòng Phanxicô Nha Trang, cha Matthêô Nguyễn Vinh Phúc nêu câu hỏi. Có lẽ giọng nói của ngài không dứt tiếng, đồng thời cách trình bày không dứt câu, rõ ý, nên Đức Cha không hiểu. Ngài đơn sơ trả lời rằng mặc dù đã chung sống với nhau nhiều năm nhưng vẫn không hiểu ý cha muốn hỏi. Sau đó cha Giuse Trần Văn Lộc, giáo phận Huế đặt câu hỏi. Ngài kể câu chuyện đời thường với câu kết là đạo Công giáo có vẻ là một đạo lưu hành nội bộ. Đức Cha Hòa và cả Đức Tổng Huế cũng không hiểu câu hỏi. Một cha trẻ giáo phận Huế (Cha Ngô Văn Hài ?), bèn xung phong cắt nghĩa ý lời của Cha Lộc hỏi, nhưng sau khi ngài dứt lời, cả nhà Nguyện cười ồ, vì càng cắt nghĩa thì càng sai lệch với ý người hỏi. Một cha trẻ giáo phận Nha trang, cha Phêrô Trần Văn Hải can đảm xung phong để muốn lặp lại câu đã hỏi. Ngài kể lại câu chuyện khá chính xác nhưng kết luận thì lạc đề và nhà nguyện lại thêm một tràng cười sảng khoái. Cùng là dân Việt, cũng là những đấng đã học lý đoán, lại có trường hợp đã chung sống với nhau lâu năm, thế mà để hiểu ý lời của nhau cách chính xác quả thật không dễ. Có thể là do khách quan như âm thanh không rõ, có thể do chủ quan bởi người nói không trình bày dứt câu, rành mạch ý, nhưng cũng có thể do người nghe còn thiếu cái gì đó. Bằng chứng là hơn phần nửa số cha trong nhà nguyện hiểu ý lời người hỏi, và các tràng cười là một minh chứng. Tuy nhiên trong số hiểu ý lời người hỏi thì không biết có bao nhiêu phần trăm hiểu đúng chính xác. Lầm lẫn là chuyện bình thường của kiếp người. “Xin Cha tha cho họ vì họ lầm chẳng biết”. Đến giờ nghỉ, có cha khôi hài rằng, nếu mình mà là người hỏi thì mình sẽ đứng lên nói rằng thưa Đức Cha, ngay cả con, người đặt câu hỏi, cũng chưa hiểu con muốn hỏi điều gì!

Cha GB.Lê Văn Nghiêm, giáo phận Huế đặt câu hỏi với nội dung như sau: thái độ an phận, không dám bảo vệ người nghèo, người bị áp bức, không bảo vệ chân lý thì có phải là phản truyền giáo không? Đức Cha Võ Đức Minh đã trả lời cách dứt khoát là đừng có kết án ai là cầu an, an phận, là không bảo vệ người nghèo, không bảo vệ chân lý. Tiếng xầm xì râm ran giữa nhà nguyện. Bầu không khí như chững lại.

Sau này khi trở về phòng nghỉ, có đấng cho rằng chước cám dỗ theo chủ nghĩa tương đối, tức là tương đối hóa cái tuyệt đối cũng nguy hiểm, nhưng không nguy hiểm bằng cám dỗ tuyệt đối hóa những cái tương đối tức là những cái thuộc bình diện nhân loại, mang tính thời gian, không gian, nghĩa là có tính lịch sử…chẳng hạn như tổ chức, cơ chế, luật lệ của con người. Đây cũng là một đề tài đáng nghiên cứu và luận suy. Hy vọng rằng sẽ có nhiều bài viết sâu sắc về các chủ đề này.

Đến 10g00 là Thánh Lễ đồng tế do Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể chủ lễ. Trong bài chia sẻ, Đức Tổng phân biệt hàng tư tế trong Cựu Ước với hàng tư tế của Tân Ước. Nét đặc trưng của tư tế thời Cựu Ước là được tách biệt riêng ra khỏi dân chúng. Họ không chỉ không có đất đai canh tác, vì sống nhờ bổng lộc bàn thờ mà còn tách biệt khỏi nhiều sinh hoạt của dân chúng. Chẳng hạn như họ không được đụng đến xác chết, không được tham dự lễ tang vì sẽ bị ô uế không thể thi hành nhiệm vụ tế tự…Trái lại nét đặc trưng của tư tế của thời Tân Ước là sự liên đới với mọi người, đặc biệt với người tội lỗi, người bé mọn. Đây là một chủ đề thú vị và thiết thực, chắc chắn sẽ có nhiều người triển khai ý tưởng của Đức Tổng. Sau Thánh Lễ, quý cha và quý Đức cha ra linh đài Mẹ La Vang chụp ảnh lưu niệm Để có được tấm ảnh chung thì từ lớn chí bé thảy đều gánh chịu cái nắng oi bức giữa trời trưa đất thần kinh. Sau phần chụp ảnh với lễ phục thì sẽ có phần chụp ảnh với chiếc áo pull đồng phục của cuộc hội ngộ. Quả thật có nhiều chuyện không thể duy ý chí. Việc chụp ảnh chung với chiếc áo pull bất thành, vì rất nhiều vị khi trở về phòng thay áo không thể can đảm trở ra linh đài để gánh chịu cái nắng nóng thêm lần nữa.

Bữa cơm trưa thật ngon miệng với sự dâng cũng của nhiều ân nhân. Cha Phêrô Trương Đình Hiền, hạt trưởng ở Tuy Hòa, giáo phận Quy Nhơn cũng khệ nệ từ Tuy Hòa ra một thùng bánh ít, dâng các cha tráng miệng. Ngài còn hảo tâm tặng mỗi cha một tập nhạc do chính ngài sáng tác, tập nhạc: Xin dẫn con trên đường yêu thương”. Tên tác giả: Sơn Ca Linh. Dù vất vả, dù có những sự không như ý người này, người kia, thế nhưng, đến bữa cơm thì tình huynh đệ anh em lại chan hòa, êm ấm. Chúa Kitô đã thể hiện tình yêu đến cùng của Người tại bữa ăn một chiều thứ Năm. Này là Mình Thầy… Này là Máu Thầy…Thầy là Thầy và là Chúa mà lại làm người tôi tớ, cúi xuống rửa chân cho anh em...

Đúng 14g30 anh em lại tập trung tại Nhà nguyện đọc Kinh Trưa do một số cha giáo phận Ban Mê Thuột phụ trách. Tiếp đến Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, giám mục giáo phận Nha Trang chia sẻ đề tài “Linh mục đồng hành với dân Chúa”. Mỗi cha đều có một bản tài liệu bài chia sẻ của Ngài. Giữa trời nắng trưa oi nồng, các cánh quạt điện chạy vù vù hết công suất cũng chẳng xua được chút khí nóng nào. Ban tổ chức bèn phát cho mỗi cha một cái quạt tay hổ trợ thêm. Cũng chẳng hơn gì bao nhiêu. Trị nóng không xong, thôi đành tập sống chung với cái nóng vậy. Phải cảm phục chất giọng của Đức Cha Nha Trang. Một bài chia sẻ 24 trang A5 phông chữ cỡ 14, đọc nhanh, đều, từ đầu đến cuối không ngắt quảng mà chẳng thấy tí khàn nào. Có cha xem đồng hồ thì đúng một giờ mười lăm phút, từ khởi sự cho đến câu cuối cùng. Bài chia sẻ được gợi ý từ trình thuật về hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24,13-35), để triển khai việc linh mục đồng hành với dân Chúa. Bài nói chuyện rất phong phú, nhiều đề tài xen quyện vào nhau. Bữa ăn mà có quá nhiều món ngon thì cũng thích, nhưng không thể ăn hết. Nhiều món ngon như nhau thì cũng khó phân biệt đâu là thức ăn chính, đâu là món khai vị đâu là món tráng miệng. Nhiều cha thành thật chia sẻ rằng bài nói chuyện hình như là những phần chú giải Thánh Kinh gộp lại. Có nhiều chi tiết thú vị, nhưng nếu chỉ nghe mà thôi thì không biết linh mục phải đồng hành với dân Chúa như thế nào. Cũng may là có tập tài liệu trong tay, hy vọng sau này về nhà sẽ ngâm cứu lại.

18g00 anh em dùng cơm tối đạm bạc. Đến 19g30 tất cả khoác chiếc Alba đi rước kiệu tượng Đức Mẹ. Đoàn kiệu áo trắng dài, với nến lung linh trên tay quả là một quang cảnh hiếm thấy. Vừa rước kiệu, vừa lần hạt kính Mẹ. mỗi điệp khúc Avê Maria thì thảy đều giương cao ngọn nến để ca tụng Mẹ.

Giờ chầu Thánh Thể tại linh đài Mẹ do Đức giám mục phụ tá giáo phận Huế chủ sự. Trong giờ chầu Ngài xin Chúa đặc biệt thương che chở anh em linh mục đang đau yếu trong thân xác cũng như trong tâm hồn. Chương trình giờ chầu thật trọng thể cả về nghi thức lẫn thời lượng. Một lần nữa không biết được hay là bị, thảy đều phải kê hai đầu gối trên nền đá cứng, dĩ nhiên các giám mục thì có ghế quỳ nghiêm túc. Phải nói rằng nếu thiếu sự trang nghiêm và bầu khí thánh thiện thì khó có thể có ai chịu nỗi, nhất là các đấng bậc đã cao niên, không có chút thịt nào bọc ở khớp xương hai đầu gối. Có đấng nói rằng ở nhà mình quỳ trên chiếc gối êm, quỳ chỉ vài phút mà còn thấy mỏi. Bây giờ quỳ trên đã cứng 15 phút mà không ngã thì cũng lạ. Mọi sự đều là có thể với người có lòng tin. Và cũng có thể nói thêm mọi sự đều là có thể với người có tình.

Sau giờ chầu Thánh Thể, hầu hết các cha Ban Mê Thuột đều lên xe ra về, chỉ còn hai xe nhỏ thuộc hạt Quảng Đức ở lại cho đến sáng hôm sau. Đức Cha Ban Mê Thuột dĩ nhiên là ở lại để sáng hôm sau đang lễ bế mạc mới ra về cùng với số cha hạt Quảng Đức. Ngài ra tận xe chúc anh em hạt DakLak 1 và các hạt khác lên đường trở về bình an.

Đúng 21g10’ đoàn xe chở quý cha các giáo hạt Daklak 1, Daklak 2, Phước Long lăn bánh. Chạy khoảng hơn mười cây số thì dừng bánh để đổ thêm nhiên liệu cho xe. Cha Tổng Đại Diện Đaminh Hà Duy Khâm có vẻ mệt vì quảng đường xa, anh em đề nghị ngài sang qua xe giáo hạt Daklak 2, diện xe giường nằm để đỡ vất vả. Thế là ngài sang xe. Xe chạy đến Phú Bài, Huế, thì dừng lại. Anh em xuống xe mua thêm quà biếu người ở nhà. Đoàn xe lại tiếp tục lên đường. Xe Ngọc Ánh chở anh em thuộc giáo hạt Daklak 1 dù không phải là loại có giường nằm, nhưng vì xe còn mới, nên chạy khá êm. Cha Giuse Nguyễn Hoàng Sơn tình nguyện thức trắng đêm nói chuyện với tài xế để bảo đảm an toàn cho chuyến đi về. Một người vì mọi người! Hạnh phúc nào cũng có trả gía bằng hy sinh. Ngài nói rằng ngày mai tha hồ ngủ bù lại. Xin Chúa trả công cho ngài.

Đến khoảng 7g00 sáng ngày thứ Sáu (05-03-200-10) xe đến địa phận Mang Giang. Anh em dùng điểm tâm vui vẻ tại một quán bên đường. Có lẽ vì quảng đường về nhà đang dần ngắn lại chăng? Lại lên xe tiếp tục hành trình về quê cũ. Cha GB. Phạm Bá Truyền bắt Kinh Sáng. Sau Kinh Sáng, cha GB. Nguyễn Minh Tâm, người phụ trách hoạt náo viên chuyến hành trình khai mạc khoang khắc giao lưu, ca hát, chia sẻ tâm tình. Anh em nhận định cha hoạt náo viên sắp về đến nhà thi hình như khỏe hẳn ra so với lúc ra đi.

11g30 xe đến nhà xứ Buôn Hồ. Cha xứ đã chuẩn bị sẵn bữa cơm trưa thịnh soạn và rất ngon miệng. Cha hạt trưởng thay mặt anh em ngõ lời cám ơn nhà xe và tặng quà. Quý cha Thuộc xứ Buôn Hồ, xứ Phú Xuân-Phú Lộc từ biệt anh em. Cha xứ Buôn Hồ còn hào hiệp gửi tặng mỗi cha hai bịch mè xửng để về làm quà. Xe tiếp tục hướng về Ban Mê Thuột và trả dần các cha theo thứ tự: cha xứ Vinh Phước, hai cha xứ Vinh Đức, các cha xứ Vinh Quang, Công Chính, Nam Thiên. Đến Ban Mê Thuột cha trưởng ban Giáo Lý cũng xuống xe trước cổng nhà giáo lý giáo phận. Cuối cùng xe từ từ tiến vào khuôn viên Tòa Giám Mục. Anh em chia tay mỗi người mỗi ngã, về lại địa sở của mình.

Chuyến hành trình hành hương La Vang bình an và kết thúc tốt đẹp. Xin tạ ơn Chúa. Xin Mẹ La Vang đồng hành với chúng con.