Chúng ta đi vào Tuần Thánh 2010. Tuần Thánh năm 2010 mang một ý nghĩa rất đặc biệt vì Giáo Hội Việt Nam đang mừng Năm Thánh của mình. Tuần Thánh không phải là tuần u sầu, ủ dột, không phải phải là tuần buồn thảm. Tuần Thánh giúp chúng ta thinh lặng nội tâm để sống mật thiết với Chúa, đặc biệt với cuộc khổ nạn và hạnh phúc được sống lại với Ngài.

THỨ HAI THÁNH: ĐẤNG XÓA TỘI TRẦN GIAN

Is 42, 1-7; Ga 12, 1-11

Bài ngôn sứ Is 42, 1-7 và Tin Mừng thánh Gioan 12, 1-11, cho chúng ta thấy bộ mặt đầy yêu thương của người tôi tớ Giavê là Đức Giêsu Kitô. Thánh Gioan giúp ta liên tưởng đến cuộc xuất hành của dân Do Thái xưa. Bữa ăn Vượt qua ( Xh 12, 3 ) ghi những chỉ thị quan trọng dạy Dân Do Thái phải bôi máu chiên lên thành cửa nhà và mi cửa nhà của mỗi gia đình Do Thái. Sở dĩ Sách Xuất Hành đoạn này tả lại chi tiết những việc người Do Thái phải làm trong Lễ Vượt Qua bởi vì đêm hôm ấy thiên thần của Chúa được lệnh giết tất cả những con đầu lòng của người Ai Cập. Với dấu hiệu máu của chiên được bôi lên cửa nhà, con trai đầu lòng của người Do Thái được cứu. Chính nhờ máu chiên mà dân Israen được cứu thoát. Như cái chết đang rình rập Chúa sẽ đem lại ơn cứu độ cho nhiều người, muôn người.

Maria xức dầu thơm cho Chúa. Giuđa ham tiền, giả hình, ích kỷ muốn chiếm số tiền dầu mà Maria đã mua để xức chân Chúa. Giuđa không thương người nghèo. Giuđa chỉ có một suy nghĩ duy nhất là trục lợi, là tích lũy của cải.Maria hiểu được việc mình làm là thể hiện sự thể hiện yêu thương. Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống.

Năm thánh của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nhằm giúp mỗi người có cái nhìn tích cực hơn,vì rằng Giáo Hội đã hiện diện, đang hiện diện và sẽ tồn tại trên Quê hương Việt Nam là để phục vụ người nghèo và làm chứng cho bộ mặt đầy yêu thương của Chúa Giêsu, Chiên xóa tội trần gian.

THỨ BA THÁNH: GIUĐA ĐI TRONG ĐÊM TỐI

Is 49, 1-6; Ga 13, 21-33.36-38

Để thực hiện ý đồ đen tối, Giuđa đã ra đi trong đêm tối, liên kết với những vị có chức có quyền lúc đó để âm mưu hại Chúa Giêsu.

Ở đây, chúng ta thấy Giuđa hoàn toàn khác với Phêrô. Giuđa bỏ Chúa và bỏ Ngài luôn. Phêrô cũng bỏ Chúa qua hành động chối Chúa ba lần. Giuđa nộp Chúa. Phêrô ăn năn sám hối vì đã lỡ lầm chối Thầy. Giuđa tuyệt vọng. Phêrô trở lại. Phêrô đã sống với Chúa, ông rất hiểu Chúa, nên khi sa ngã nhất thời, ông đã mau mắn quay lại với Thầy và tìm lại sự tha thứ của Thầy.

Giuđa đã sống với Chúa, đã được Chúa tin tưởng giao cho làm Quản lý, nhưng Giuđa lại không hiểu Chúa. Do đó, ông đã đặt của cải, lợi nhuận lên trên tất cả. Ông ham hố danh vọng, tiền tài. Do đó, khi sa ngã ông tuyệt vọng không còn nhận ra lòng nhân từ, yêu thương của Thầy. Ông sa ngã và tuyệt vọng, ông không tin vào sự tha thứ của Chúa. Ông đã ngoảnh mặt luôn với Chúa. Ông đã tìm cái chết như sự giải thoát cuối cùng. Ông đã ra đi trong đêm tối nghĩa là ông đã đồng hóa với ma quỉ.

Tuần Thánh, đặc biệt Tuần Thánh của năm thánh Giáo Hội Việt Nam giúp chúng ta có cơ hội, dịp thuận tiện để sám hối ăn năn, quay trở về với Chúa, cầu nguyện và suy gẫm cuộc thương khó và cái chết của Chúa. Chúa gánh chịu những đau khổ vì yêu thương chúng ta. Chúng ta đừng có thái độ như Giuđa nộp Chúa. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta có tâm tình sám hối như Phêrô để đáp trả lại tình thương vô biên của Chúa.

THÚ TƯ THÁNH: GIUĐA THƯƠNG LƯỢNG VỚI NGƯỜI DO THÁI BÁN NỘP CHÚA

Is 50, 4-9a; Mt 26, 14-25

Khi Phêrô chém đứt tai tên đầy tớ Mancô, Chúa Giêsu nói với Phêrô: ” Hãy xỏ gươm vào vỏ…”. Chúa muốn cho thấy Ngài không cần đến võ lực, nhưng cái chết là do Ngài tự nguyện theo ý của Cha Ngài.Chính vì thế, chúng ta cảm nghiệm được thế nào là thập giá ? Thế nào là cái chết xem ra hoàn toàn vô lý đối với Chúa Giêsu ? Nhìn vào cuộc hành trình của Chúa, chúng ta thấy có rất nhiều cạm bẫy, nhiều thử thách cam go chẳng hạn có lần những người biệt phái lấy đá ném Chúa cho chết, có lần họ đưa Chúa Giêsu lên sườn núi cao để cố ý xô Ngài xuống vực thẳm cho chết nhưng Tin Mừng viết Chúa đã băng qua giữa họ mà đi. Như thế, để giải thích những sự việc trên, chúng ta hiểu rõ “ Giờ Ta chưa đến “. Giờ đây có nghĩa là giờ Cha ấn định trước.

Tin Mừng hôm nay cho hay Chúa hay Chúa biết giờ Cha Ngài ấn định cho Ngài, nên Ngài nói “ Giờ Ta sắp đến “. Chúa biết giờ chết của Ngài do sự phản bội của một người trong nhóm 12. Chúa biết thời điểm giờ chết đến gần nhưng quan trọng nhất là Ngài sẵn sàng vâng phục ý của Cha với tất cả lòng kính trọng và thảo hiền của Ngài đối với Cha của Ngài. Do dó, Ngài nói: ”…Không ai cất mạng sống Ta được, nhưng chính Ta tự thí mạng sống Ta “ ( Ga 10, 17 ). Nơi khác Chúa Giêsu nói: ” Không có tinh yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu mến”( Ga 15, 13 ).

Nhìn lên thập giá chúng ta hiểu thế nào là động lực khiến Chúa tự hiến mạng sống vì nhân loại. Cái chết trên thập giá là một diễn tả hoàn hảo nhất của Chúa Giêsu một các vô vị lợi và hoàn toàn yêu thương Chúa dành cho Thiên Chúa Cha và cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta.

LỄ CHIỀU THỨ NĂM THÁNH: NGÀI YÊU HỌ ĐẾN CÙNG

Xh 12, 1-14; 1 Co 11, 23-26; Ga 13, 1-15

Trong khung cảnh của chiều thứ năm thánh, trước ngày Chúa Giêsu tự hiến thân làm của lễ hy sinh trên thập giá. Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu hai điều: vinh quang nước trời và thế gian tức nhân loại. Chúa nghĩ về Thiên Chúa Cha, về mối tương quan thâm sâu, về tình con thảo ngoan hiền vâng phục của Ngài đối với Cha của Ngài. Chúa Giêsu hạnh phúc tuyệt vời vì sắp được về với Chúa Cha và đồng thời Chúa cũng nghĩ tới mọi người nơi thế gian. Chúa yêu chúng ta nên ngài muốn chúng ta chia sẻ niềm vui và hạnh phúc của Ngài: ” Ngài đã yêu mến những người thuộc về Ngài còn trong thế gian, Ngài đã yêu họ đến cùng “. Ngài đã nài xin Chúa Cha:” Tất cả những kẻ Cha đã ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu chúng cũng ở đó với Con “ ( Ga 17, 21 ). Chính vì thế, chúng ta mới hiểu được bối cảnh Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ, ban giới luật mới, thiết lập bí tích thánh thể và chức linh mục thừa tác.

Tin Mừng cho hay đang khi ăn, Chúa Giêsu đã làm các môn đệ hết sức ngạc nhiên, sửng sốt khi Ngài đứng lên, lấy nước, cúi xuống rửa chân cho từng môn đệ. Đây là việc làm của những người nô lệ. Chúa Giêsu là Thầy, là Chủ, là Chúa mà làm như vậy. Nên, Phêrô đã phản kháng cử chỉ này của Chúa Giêsu thay các môn đệ khác, nhưng Chúa nói: ” Con cứ để Thầy làm, sau này chúng con sẽ hiểu…”. Vâng, Hội Thánh bây giờ hiểu và mọi người chúng ta đều hiểu. Chúa đã làm một việc hèn hạ của một tên nô lệ để nói lên tình yêu cao vời, một tình yêu vô vị lợi, quên hết bản thân cốt để phục vụ mà thôi.Cũng chính trong bối cảnh này, Chúa đã thiết lập bí tích thánh thể: để lại Mình và Máu làm lương thực nuôi sống con người. Chúa thiết lập bí tích thánh thể trong bữa ăn gia đình. Bữa Tiệc Ly đã để lại muôn vàn kỷ niệm và việc làm mãi không bao giờ phai. Việc rửa chân nói lên tính khiêm hạ của Chúa Giêsu, một cử chỉ tuyệt đối khiêm nhượng của Chúa Trời Đất. Bí tích thánh thể là bí tích tình yêu, bí tích hiệp nhất, bí tích yêu thương như lời cầu của Chúa: ” Để hết thảy chúng nên một cũng như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha “. Và để tình yêu được dâng hiến như của lễ toàn thiêu: ”…hiến mạng sống vì người mình yêu: (Ga15, 13 ). Tình yêu tự hiến trao ban. Tình yêu hoàn toàn vô vị lợi. Tình yêu vô biên dâng hiến.Chúa đã truyền lệnh cho các môn đệ và đồng thời phong chức linh mục cho các Ngài: ” Hãy làm việc này để nhớ đến Ta “.Các môn đệ đã làm theo lời Chúa truyền dạy. Trong bí tích thánh thể, chúng ta cũng thực hiện tình yêu thương chia sẻ bác ái.” Ta ban cho các con một điều răn mới là hãy yêu thương nhau; cũng như Ta đã yêu các con thế nào, thì các con phải yêu thương nhau như vậy “ ( Ga 13, 34 “.

Trong thánh lễ chiều thứ năm thánh này, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu và thực hiện lời Ngài truyền: ” Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta “. Do đó, thánh lễ chiều nay giúp chúng ta hiểu rõ rằng mọi thánh lễ chúng ta dâng đều là việc tưởng niệm về Chúa Giêsu Kitô và những việc Ngài đã làm để cứu độ nhân loại.

THÚ SÁU THÁNH: CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU

Ga 18

Cái chết thập giá là cái chết nhuốc hổ nhất, nhục nhã nhất vào thời Chúa Giêsu. Quả thực, không có một cái chết nào đau khổ, dằn vặt và ê chề bằng cái chết bị đóng đinh trên cây thập giá. Những kẻ thi hành án này thường là những người bị nguyền rủa, bị các tử tội và gia đình của những tử tội oán hận, căm thù. Nên, thường những tử tội đều bị cắt lưỡi để họ không còn nói được, không còn nguyền rủa những người thi hành án và nguyền rủa những người làm tội họ,kết án tử hình họ.Đối với Chúa Giêsu hoàn toàn khác bởi vì Chúa hiền lành, khiêm nhượng, nhẫn nhục không một lời phàn nàn, trách móc. Nếu những người lính lúc đó hiểu được bản án và chữ viết đóng trên thập giá:” Người này là Vua dân Do Thái “. Chắc chắn, họ sẽ hiểu được thế nào là sự chịu đựng, thế nào là sự nhẫn nhục của một Vị Vua trên hết các Vua, Vị Chúa trên hết các Chúa. Cái chết của Chúa là con đường dẫn tới vinh quang. Ngài là tư tế, cái chết của Ngài là để cứu chuộc.

Trước ngày, Ngài chịu chết trên thập giá, Ngài đã nói: ” Khi nào Ta bị đưa lên cao khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta “ và “ Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hy sinh mạng sống vì người mình yêu “. Nói lời này, Chúa Giêsu muốn chứng minh cả cuộc đời Ngài là một hiến lễ tình yêu. Ngài yêu thương nhân loại, yêu thương mọi người, yêu thương con người đến cùng bằng cái chết trên thập giá. Nơi thập giá, Chúa mang ơn cứu độ cho con người. Điều trớ trêu và ngạc nhiên nhất là Chúa Giêsu chịu chết cho ta khi ta đang là kẻ thù Ngài vì ta đang là tội nhân. Đây quả thực là điều tuyệt diệu, là một mầu nhiệm sâu xa, cao vời. Chết cho những người đã xúc phạm, đã làm khổ mình. Quả thật là kỳ diệu. Mầu nhiệm đức tin. Thập giá đã chiến thắng tội ác, đã đem lại sự sống cho con người. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm sâu xa về thập giá, về cái chết tự nguyện của Chúa Giêsu, Ngài viết: ” Thiên Chúa minh chứng tình yêu của Ngài cho chúng ta “ ( Rm 5, 9 ).

Thứ sáu thánh nói lên sự im lặng thánh. Chúa chết để cứu độ nhân loại, cứu chuộc con người.

Trong Năm thánh của Giáo Hội Việt Nam, mỗi người chúng ta hãy dùng cơ hội tốt lành để trở về Chúa, ăn năn sám hối sống tinh thần hãm mình, siêng năng cầu nguyện, chia sẻ cơm bánh cho những người nghèo. Sống như thế là chúng ta hiểu được thế nào là đau khổ, thế nào là cái chết và thế nào là thập giá của Đức Kitô.

Xin cho mọi Kitô hữu biết ăn năn sám hối trở về với Chúa, sẵn sàng lắng nghe Chúa nói và thực thi Lời Chúa trong đời sống hằng ngày. Amen.

LỄ VỌNG PHỤC SINH: ÁNH SÁNG CỨU ĐỘ

Lc 24, 1-12

Đêm vọng phục sinh có một ý nghĩa cao vời. Cây nến phục sinh tượng trưng cho Chúa Giêsu trải qua sự đau khổ, chịu chết và đã phục sinh khải hoàn. Đêm nay thánh Augustinô gọi “ Mẹ của các lễ vọng “. Đây là việc thực hiện lại cuộc Xuất Hành của dân Do Thái xưa trong Cựu Ước. Biến cố Xuất Hành là biến cố cực kỳ quan trọng trong lịch sử dân Chúa. Sách Xuất Hành 12, 42 viết thật rõ: ” Đó là đêm Chúa canh thức để dẫn dân Israen ra khỏi đất Ai Cập; vì vậy vào đêm này toàn thể con cái Israen phải canh thức cho Chúa qua hết các thế hệ của họ “. Nên, mỗi năm, đối với dân Israen, lễ Vượt Qua nói lên việc tưởng niệm vĩ đại, Môsê đã theo lệnh Chúa đưa dân Do Thái ra khỏi nước Ai Cập, giải thoát dân khỏi ách nô lệ của vua Pharaon. Đây cũng là biến cố giúp họ hướng về tương lai chờ đợi Đấng Mêsia, Đấng Cứu Độ sẽ đến.

Cây nến phục sinh được đốt lên từ cuối nhà thờ bằng than hồng rực cháy giữa màn đêm tối. Cây nến phục sinh được rước lên từ cuối nhà thờ với ba lần tung hô: ” Ánh sáng Chúa Kitô “. Cả nhà thờ thưa: ” Tạ ơn Chúa “. Rồi cây nến phục sinh được trang trọng đặt vào giá nến ở trên cung thánh. Chủ tế xông hương và ca mừng phục sinh được hát lên với tất cả niềm phấn khởi, hân hoan. Ánh sáng của nến phục sinh là ánh sáng cứu độ. Ở đây, có một niềm tin rất cổ xưa, thánh Giêrônimô nói:” Niềm tin này bắt nguồn từ các tông đồ, niềm tin cho thấy Chúa Giêsu phục sinh sẽ trở lại trong vinh quang ngày cánh chung, ngày tận cùng thế giới vào đúng đêm Vọng Phục Sinh.

Đêm nay với những cử hành phụng vụ thánh giúp chúng ta đi vào mầu nhiệm khôn tả của việc tự nguyện hiến dâng lên Chúa Cha của lễ tinh tuyền, thánh thiện là thân xác của Chúa Giêsu qua bí tích Thánh Thể và việc mỗi người sốt sắng rước Mình Máu của Ngài với đức tin thâm sâu.

Đêm Canh Thức, đêm Vọng Phục Sinh như thánh Augustinô nói: ” …Toàn bộ thời gian của suốt một đêm dài thực ra Giáo Hội chỉ tỉnh thức, chờ đợi việc Chúa trở lại, chờ đợi cho tới khi Ngài đến “.

Từ Parousia chỉ ngày tái lâm của Chúa. Từ này đem lại niềm vui bởi chữ Alléluia, lời tung hô hân hoan, hạnh phúc và phấn khởi sẽ được phụng vụ dùng trong suốt Mùa Phục Sinh.

Đêm Vọng Phục Sinh trong năm thánh của Giáo Hội Việt Nam gợi lên cho Hội Thánh Việt Nam và mỗi Kitô hữu Việt Nam,Chúa đã sống lại và luôn hiện diện, luôn đồng hành với Giáo Hội Việt Nam. Alléluia. Tạ ơn Chúa.