DỤ NGÔN XÚC ĐỘNG NHẤT

Dụ ngôn “Người Con Phung Phá” là dụ ngôn xúc động nhất nói về tình yêu thương của Thiên Chúa là Cha mong mỏi đoàn con hối lỗi trở về.

Người con phung phá trong câu chuyện dụ ngôn ngày hôm nay thực sự là người con bất hiếu. Vì theo truyền thống thông thường – nhất là ở phương Đông – thì người cha trước khi ra đi, nghĩa là lúc hấp hối sắp chết mới có những lời trối trăng là chia gia tài hoặc là di chúc để lại. Nhưng người con bất hiếu này đã đòi ông chia gia tài ngay khi ông còn khỏe mạnh. Việc đó đồng nghĩa với việc như an táng sống người cha. Ông đã nuốt nước mắt để chia gia tài cho đứa con bất hiếu vì nó quyết định ra đi. Đồng tiền của mồ hôi nước mắt mà ông dành dụm trong suốt cuộc đời bây giờ chia cho đứa con, đồng tiền ấy đã sớm nối đuôi nhau ra đi. Nó không vào những nơi công chính nhưng nó vào những nơi đàn điếm. Nó không phải là một sự tiết kiệm để đồng tiền trở nên sự sống nhưng là đồng tiền phung phá, phung phá cả sự sống về thân xác, phung phá cả nhân phẩm về tâm hồn.

Người con phung phá này đã rơi từ tình trạng mất hết tiền của, còn hơn nữa, rơi từ vị thế của người con xuống đứa đầy tớ xin chăn heo cho người ta. Chưa hết, anh ta còn tụt dốc đến nỗi anh ta rơi xuống ngang với bầy heo vì muốn ăn thức ăn của heo ăn cho đầy bụng. Và cuối cùng anh ta đã rơi xuống vực thẳm bên dưới đàn heo nữa vì muốn ăn mà cũng chẳng được ăn. Trong vị thế cùng cực ấy, người con phung phá bắt đầu hồi tâm hối hận. Anh ta bắt đầu sám hối. Trong Hán Việt có chữ “sám” và chữ “hối”; “sám” nghĩa là biết tội trước, còn “hối” nghĩa là ăn năn để không dám phạm lỗi về sau. Vậy “sám hối” nghĩa là biết tội trước và không dám phạm tội thêm nữa. Cho nên anh ta quyết định trỗi dạy trở về. Anh ta tự nhủ rằng: “Biết bao người làm công trong nhà cha tôi được ăn uống dư dật. Còn tôi ở đây phải chịu chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi” (Lc 15, 17-18a). Tất cả những công thức ấy là bình thường, nhưng đây mới chính là điểm gút của câu chuyện “và thưa người rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha. Con không đáng được gọi là con cha nữa. Xin cha xử với con như người làm công của cha” (Lc 15, 18b-19). Chính vì anh ta biết lỗi của anh và anh đã ngửa tay xin ân huệ của người cha trong sự khiêm tốn như vậy. Cho nên sự trở về của anh là một sự trở về đầy ý nghĩa, tương đương người trộm lành trên Thập giá đã sám hối: “Chúng ta chịu thế này là đích đáng vì xứng với tội chúng ta đã làm” (Lc 23,41) và xin ân huệ với Chúa Giêsu: “Khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,42). Người cha đã ra tận ngõ để chờ con. Ông vui mừng đến nỗi ông đem tất cả những phần còn lại của mình như chiếc nhẫn chắc là chuẩn bị cho hậu sự của ông, chiếc áo là những gì ông đã chăm chút cho tuổi già... Thế nhưng, ông đã đem ra tất cả. Xỏ giày vào chân cho cậu, mặc áo mới cho cậu, xỏ nhẫn cho cậu và giết cả những con bê béo để ăn mừng. Đối với các nhà chú giải Kinh Thánh thì phần đa số đều giải thích rằng người con phung phá là biểu trưng cho dân ngoại của chúng ta, còn người con cả là biểu trưng cho người Do Thái. Người anh cả ở nhà với cha, còn chúng ta – dân ngoại – là những người phung phá, tội lỗi khi trở về được cha yêu thương và đón nhận.

Trên thực tế, nếu chúng ta được như người con phung phá trở về hôm nay thì đã quá tốt. Chúng ta nhìn thấy hình ảnh của mình trong thân phận người anh. Bởi vì người anh không phải là người phung phá, không đòi chia gia tài, không bỏ nhà đi xa... Những cái tốt ấy là của người anh. Nhưng khốn khổ thay, người anh không nhận ra điều đó. Anh ta ra ngoài ngõ, không bỏ đi, nhưng cũng không chịu vào nhà, anh ta đứng lưng lửng ở đó và anh ta phán quyết một cách không hề xấu hổ rằng “Cha coi, đã bao nhiêu năm con làm công cho cha” (Lc 15, 29a). Anh ta không nhận thấy vị thế của mình là “người con” mà lại là người làm công cho cha; anh ta cũng không nhận thấy rằng cả một gia tài đang chờ anh, anh chỉ mong là “cha cho con một con bê để ăn mừng với chúng bạn” mà cha cũng chẳng cho !. Không phải là người cha không cho nhưng vì tính ghen tương đã làm cho người anh không nhận ra sự thật. Một sự thật quá yêu thương, quá sâu sắc !. Thật phũ phàng là anh ta không nhận thấy, anh ta còn tiếp tục nói: “Thằng con của cha kia, phung phí với bọn điếm nay trở về thì cha lại giết bê béo ăn mừng nó” (Lc 15, 30). Anh ta đảo ngược tất cả những gì anh ta đang có đến nỗi người cha phải nhắc với anh rằng: “Con ơi, con ở với cha, mọi sự của cha là của con. Con phải vui mừng vì em con đã chết nay đã sống lại, đã mất nay lại tìm thấy” (Lc 15,31-32). Cái xúc động là ở chỗ đó. Người anh không nhận ra, chỉ có tình thương của người cha mới nhận ra điều đó. Cho nên thân phận của người anh làm cho chúng ta – một nét nào đó – nhận ra chúng ta cũng ganh ghét nhau, cũng lưng lửng không bỏ nhà đi xa nhưng cũng không chịu vào nhà. Sách Khải Huyền của thánh Gioan ghi lời của Thiên Chúa “Bởi ngươi không nóng cũng không lạnh. Ngươi dở dở hâm hâm nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3,16). Có phải chăng, tình trạng của người anh dở dở hâm hâm, không bỏ nhà đi mà cũng chẳng chịu vào nhà, không khéo bây giờ anh ta còn đang đứng ngoài ngõ !. Anh ta giống với tất cả chúng ta đang ở mãi ngoài phố kia, đang là mải ngày đêm đi tìm tiền ở miền Nam, ở Malayxia, ở Hàn Quốc, ở Hồng Kông, ở Indonexia... Anh ta giống những người nghĩ tình yêu thương thì không quan trọng bằng hưởng thụ. Một con bê béo để chén chú chén anh, chén tạc chén thù mặc cho tiếng chuông nhà thờ rung. Có phải chăng tiếng nói của yêu thương không thể thắng được những cái hưởng thú vui của anh ta chăng. Anh ta giống chúng ta trong thời đại hôm nay là duy kinh tế, duy vật chất

Trong câu chuyện dụ ngôn ngày hôm nay, cả hai người con này đều không hoàn hảo. Nhưng trong cái không hoàn hảo ấy, chúng ta thấy gương của người con phung phá trở về thực sự là mẫu gương cho chúng ta. Bởi vì anh ta đã nhận thức về đúng thân phận của mình “Con không đáng là con cha nữa”. Mặc dầu là như thế nhưng anh ta vẫn trở về, bởi vì anh ta tin vào tình thương của cha dù có đối xử với anh ta như người làm công vẫn hơn là “Xẩy nhà ra thất nghiệp”, thậm chí là xẩy nhà ra thất đức nữa! Cho nên hôm nay, cuộc trở về của người con phung phá chính là mẫu gương cho chúng ta học tập. Chúng ta không học người con phung phá này khi anh đàn điếm và phung phá tiền của, nhưng chúng ta học ở người con phung phá khi anh trỗi dạy và trở về nhà cha. Cho dẫu là cha có cư xử thế nào thì “máu loãng vẫn hơn nước lã”, cho dẫu là người cha có giận con thế nào thì “chém con bằng sống không chém con bằng lưỡi”. Và đó chính là một trong những cái nhìn nhận chính xác của anh ta. Anh ta hơn biết bao nhiêu người hiện giờ còn chưa nhận ra tình thương của Thiên Chúa hằng chờ mong chúng ta trở về. Anh ta hơn hẳn những người không nhận ra tình thương của Mẹ Giáo Hội đang chờ đón chúng ta trong Mùa Chay thánh này trở về nhà Cha.

Ngày hôm nay chúng ta hãy quyết trỗi dạy trở về với Cha. Hãy thưa với cha là “Con đã lỗi phạm đến trời và đến cha. Con không đáng được gọi là con của cha nữa”. Trên thực tế, người cha đâu có cư xử như lời anh ta xin. Người cha còn cư xử hơn cả người con cả ở nhà, còn cư xử vui hơn cả khi anh ta còn đang ở nhà. Và đó chính là điều mà Chúa Giêsu đã dạy “Một người tội lỗi trở lại thì cả thiên đàng vui mừng” (Lc 15,7). Điều vui mừng không phải là tội lỗi, nhưng điều vui mừng vì nhận thức biết mình tội lỗi. Trong sự cùng cực của vực thẳm tội lỗi ấy, người ta biết tin tưởng vào tình thương Chúa là Cha, Đấng ban ơn cứu độ cho họ được sống đời sống mới. Và bây giờ, trước mắt chúng ta, người con này đâu phải là anh chàng chăn heo nữa; đâu phải là cái đứa ngã gục ở bên đầu đường xó chợ nữa. Anh ta đã xỏ giầy, mặc áo mới, ăn bê béo như là một tiệc linh đình chưa bao giờ có. Đó là cuộc trở về, khi giao hòa với Thiên Chúa là Cha qua Bí tích Hòa giải và giao hòa với anh em để đón nhận tình thương của Giáo Hội là mẹ. Vâng, đó chính là hình ảnh mà Mùa Chay thánh này chúng ta quyết trở về, quyết tâm đạt tới mức của người con trở về với Cha. Ước gì hình ảnh ấy tiếp tục sống động trong mỗi người chúng ta và hình ảnh của người cha đón nhận con trở về vẫn là những gì mà chúng ta đang cảm nhận ngay bây giờ.

Lạy Chúa là Cha của chúng con,
Chúng con đã lỗi phạm đến Trời và đến Cha.
Chúng con không đáng được gọi là con Cha nữa.
Chúng con đã bỏ bao nhiêu năm xa nhà để thụ hưởng vật chất,
đã đàn điếm với bao nhiêu tội lỗi của thế gian,
đã phung phí hết tình thương của Cha
trong cuộc sống hối hả và hưởng thụ.
Ngày hôm nay, chúng con xin trở về với Cha
để được đón nhận tình yêu thương muôn đời của Cha,
để nhận lại một nghĩa “Cha con” mà chúng con đã đánh mất,
để nhận lại sự sống vì chúng con đã chết.
Xin Cha đón nhận chúng con trong yêu thương,
trong tín thác và trong lời nguyện tín trung đến trọn đời. Amen.