chuyện phiếm: CANADA TUYỆT VỜI

Lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông 21 ở Vancouver / Canada đã diễn ra vô cùng ngoạn mục và trọng thể. Ngọn lửa thiêng từ Hy Lạp được rước đi một lộ trình dài 45 ngàn cây số. Trước khi về tới lễ đài, nó đã vòng lên tận bắc cực đỉnh cao nhất của lãnh thổ rồi mới xuống Vancouver. Canada đã tiêu hết 1 tỷ đô la cho thế vận hội hoành tráng này. Các cụ còn nhớ cái huy hiệu của thế vận hội này chứ ? Nó gồm 3 phần. Phần trên là cái cổng đá của người Da Đỏ, rồi hàng chữ Vancouver 2010, ở dưới là 5 vòng tròn tượng trưng 5 châu. Từ 5 châu 82 phái đoàn đến tham dự 86 trận tranh tài. Sôi động hết sức. Chung kết, Hoa Kỳ đứng đầu với 37 huy chương, Đức Quốc 30 huy chương, Canada nước chủ nhà đứng thứ ba với 26 huy chương, nhưng 26 huy huy chương này đã làm Canada lên đài vinh quang tột đỉnh. Các cụ có biết tại sao không ? Đêm chung kết là trận hockey nam giới, cái đinh của thế vận hội, Canada đã thắng Hoa Kỳ với tỉ số 3/2. Nhờ màn thắng cuối cùng này mà Canada đạt được huy chương vàng. Tổng cộng huy chương vàng của Canada ở thế vận hội này là 14. Con số 14 này là con số kỷ luc, vì xưa nay trong lịch sử các thế vận hội mùa đông chưa hề có nước nào đạt được. Trong thế vận hội 21 này, Hoa Kỳ tiếng là đứng nhất nhưng chỉ có 9 huy chương vàng, Đức Quốc chỉ có 10, thế mà Canada những 14. Con số 14 này đã làm cả nước Canada bùng lên reo hò tiếng vang dậy đất. Dân chúng đốt pháo, xe chạy ngập đường nhận còi inh ỏi, cờ Canada tung bay khắp chốn. Xưa nay người ta vẫn nói tinh thần yêu nước được biểu lộ rõ ràng và nồng nhiệt nhất qua các trận thể thao tranh tài, lời đó thật đúng, và đã được chứng nghiệm đêm nay, đêm chung kết và bế mạc thế vận hội.

Trong danh sách xếp hạng kết quả tranh tài giữa các nước, ngoài Canada quê hương thứ hai của tôi, tôi mê nhật nước Đại Hàn. Tuy đứng hạng 7 nhưng tôi yêu cái nước Củ Sâm này quá.

Lý do tôi mê là thế này: Tôi còn nhớ hồi thập niên 1970, Nam Hàn thua xa VNCH mọi mặt, thế mà mới 40 năm, Nam Hàn đã tiến những bước nhảy vọt và khổng lồ. Ngay mặt thể thao mùa đông Nam Hàn cũng trổi vượt, đè cổ anh Tàu. Nam Hàn đứng thứ 7 còn Trung Quốc thứ 8.

Anh H.O. trong làng nghe tôi ca ngợi Nam Hàn làm vậy thì cười ha ha rồi bảo: Nam Hàn tuyệt vời như vậy không phải vì họ có củ sâm đại bổ mà vì họ có chút máu Việt Nam trong người. Mấy Cô Huế trong làng bèn ngạc nhiên trợn trừng cả mắt lên rồi hỏi: Anh nói cái gì lạ vậy ? Sao lại có máu Việt Nam ? Mà nếu máu VN kỳ diệu như vậy thì tại sao nước VN không có phái đoàn tham dự thế vận hội cho thế giới biết mặt ? Anh H.O. để cho cô Cao Xuân và Tôn Nữ trong làng diễn tả hết nỗi ngạc nhiên rồi mới trả lời: Các cô ngạc nhiên là vì các cô không học sử VN. Các cô quên việc hoàng tử Lý Long Tường năm 1226 đem hoàng tộc nhà Lý sang Cao Ly lánh nạn rồi sao. Lý Long Tường đã được Vua Go-Jong đón tiếp vô cùng trọng thể vì đêm trước đó, vua nằm mơ thấy một con chim phượng hoàng cực lớn từ phương nam bay tới. Nhà vua đã giao cho họ Lý binh quyền. Lý Long Tường đã dẹp tan hết giặc giã, đem lại sự bằng an và thịnh vượng cho cả nước. Dòng họ Lý oai hùng đã tỏa rộng khắp nước Cao Ly. Hình như ở Cao Ly, những người tài giỏi đều mang họ Lý. Năm xưa, ngày 6. 11. 1958, Tổng Thống Nam Hàn Lý Thừa Vãn khi sang thăm VNCH đã cho biết ông chính là con cháu của Lý Long Tường. Nghe nói mới đây, dòng họ Lý đã cử phái đoàn sang Việt Nam thăm đất tổ. Họ đã tới sinh quán Lý Long Tường, dâng hương và nhận họ. Đây là sự thực ghi rõ ràng trong sử, tôi không hề bịa.

Còn câu thứ hai mà các cô hỏi là nếu VN có dòng máu giỏi như thế thì tại sao VN không có phái đoàn thể thao tham dự thế vận hội. Xin trả lời ngay: Tại vì nhóm người đang cai trị VN hiện nay là bọn người nhiễm máu Công Sản, thứ máu độc hại đang làm băng hoại cả một dòng giống oai hùng của tổ tiên. Cũng như Bắc Hàn, tuy co dòng máu Lý Long Tường nhưng đã bị vi trùng Cộng sản phá hoại hết cơ thể.

Câu chuyện Lý Long Tường ở Cao Ly đã đưa các cụ đi xa qúa mất rồi. Xin mời các cụ trở về Thế Vận Hội 21. Các cụ phương xa chắc đã theo dõi thế vận hội trên hệ thống truyền hình. Tôi xin kể vài chuyện bên lề về lễ khai mạc thôi nha. Chuyện thứ nhất là mấy cây đuốc ở lễ đài. Đáng lẽ là 4 cây cơ đấy, chúng được đặt nằm yên đưới đất, đúng giờ lễ chúng mới được ngóc lên. Rồi giờ hành lễ đến, chỉ có 3 cây ngóc lên, còn cây thứ 4 nằm im. Tội nghiệp người đẹp mang ngọn lửa thiêng thứ 4 này cứ phải đứng im chịu trận. Tôi xin mở ngoặc nói về người đẹp này. Các cụ có biết tên cô là gì không ? Thưa cô tên là Le May Đoan, 36 xuân xanh. Các cụ sẽ ngạc nhiên là tại sao VN ta lại có hân hạnh cử đại diện mang lửa thiêng, phải không ạ ? Thưa cô này mang tên Đoàn Lệ Mây, tên VN rõ ràng nhưng cô lại là người da trắng tóc vàng mắt xanh, cô là người Canada gốc tổ tiên Tô cách Lan. Lạ chứ, phải không cơ. Chuyện này còn dài, cô dám là con cháu bà Đoàn Thị Điểm ngày xưa đã đi tây và lấy tây. Chuyện này xin được bàn về sau vào một ngày đẹp trời. Chuyện bên lề tiếp theo là chuyện xe cộ. Đúng giờ khai mạc mà lễ đài vẫn còn nhiều ghế trống. Hỏi ra mới biết là ban tổ chức dành sẵn một đoàn công xa để chở các quan khách, nhưng đoàn xe đã bị kẹt đường, tới trễ 45 phút !

Canada hiện nay đang giữa mùa đông, theo thường lệ thì lúc này Canada phải ngập tuyết, thế nhưng lạ quá, năm nay ông trời chỉ đổ tuyết xuống cho miền Vancouver để thiên hạ đua tài trong Thế Vân Hội, còn các nơi khác thì tuyết lơ thơ loáng thóang. Hình như lượng tuyết dành cho Canada đã bay hết sang Hoa Kỳ. Các thân hữu của tôi ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn cho biết hiện họ đang chìm trong biển tuyết.

Lại còn tin vui này nữa là năm nay mùa đông ở Canada sẽ rất ngắn. Các cụ có biết ai đưa tin vui này không ? Thưa đó là chú chuột đất Wiarton Willie. Chú đưa tin vào ngày Groundhog Day, 2.2.2010. Chuyện như thế này: Hằng năm, cứ đầu tháng Hai thì mấy chú chuột đất, thức giấc đông miên, ra khỏi tổ đi tìm thức ăn và tìm bạn tình. Năm nào các chú ra khỏi hang mà nhìn thấy bóng của mình trên mặt đất thì năm đó mùa đông sẽ rất ngắn, chỉ còn kéo dài thêm 6 tuần. Nếu chú không thấy bóng, thì năm đó mùa đông sẽ dài lê thê. Do đó dân Canada có thói quen là cứ đầu tháng Hai là tìm ngắm chú chuột đất. Năm nay, đầu tháng vừa qua, chú đã xuất hiện và rõ ràng chú đã thấy bóng mình. Như vậy mùa đông năm 2010 này sẽ ngắn, chỉ còn mấy tuần nữa mà thôi. Chuột đất, tiếng Anh là groundhog, thuộc dòng họ nhà sóc. Từ năm 1956 người ta đã chọn chú chuột ở tỉnh Wiarton, một thành phố nhỏ ở tỉnh bang Ontario, bên bờ hồ Huron làm biểu tượng. Tên chú là Willie. Dân Canada xem ra mê tín, nhưng cái nét mê tín này ngây thơ đáng yêu qúa, phải không các cụ ?

Xin nói thêm chút nữa về Thế Vận Hội. Lần tới, Thế Vận Hội Mùa Đông thứ 22 sẽ được tổ chức ở Nga, tại tỉnh Sochi, bên bờ Hắc Hải. Tôi đang nghĩ tới việc để dành tiền để đi Nga một chuyến, tôi sẽ rủ thêm bạn bè sang Nga dịp này, các cụ tính sao ? Năm 2014 thì chắc Nga đã hoàn toàn hết đỏ rồi. Hình như tên tỉnh Sochi ở Nga là tiếng Việt Nam đấy. Sochi là sợ chi, phe ta không phải sợ gì cả, cứ an tâm đi. Các cụ có đồng ý như vậy không ? Cha Paulo bạn thân của nhóm tôi nói rằng trong tương lai Nga sẽ là xứ theo đạo Công Giáo nhiều nhất và sùng đạo nhất.

Báo chí Canada cũng vừa cho biết Canada sẽ là chủ nhân đứng tổ chức hội nghị quốc tế G.20 trong năm nay, tại thành phố Toronto, tức Tổ Rồng của phe ta. Nơi tổ chức sẽ là Metro Convention Centre ngay trung tâm thành phố. Đây là hội nghị về kinh tế nên các phái đoàn sẽ đông lắm. Người ta dự đoán chỉ nguyên đoàn báo chí quốc tế tới đây ít nhất cũng là 3.000 người.

Ai cũng bảo Canada nhận tổ chức hội nghị kinh tế là hợp lý nhất vì Tổng trưởng tài chính Canada, ông Jim Flaherty, vừa cho biết kinh tế Canada trong năm này sẽ tăng trưởng 2.6%, và năm 2011 sẽ đạt mức 3.2%.

Về mặt tôn giáo, Canada vừa có một tin vui rất lớn: Thày André ở Montréal sẽ được phong hiển thánh vào tháng 10 năm nay. Các cụ phương xa có biết thày André là ai không ? Chắc phải biết chứ, vì ai đến Montréal đều đến viếng ngôi nhà thờ nổi tiếng linh thiêng nhất của thành phố nói tiếng Pháp này. Đó là đền Oratoire St. Joseph. Đền được xây trên đồi Mont Royal, ngọn đồi bao quát cả thành phố. Người xây đền là thày André. Thày được phong thánh không phải vì công xây đền mà vì sự thánh thiện. Thày sinh năm 1845 tại St-Grégoire-d'Iberville ở Montréal, thày nhập dòng Thánh Giá, và giữ chức canh cổng nhà dòng trong rất nhiều năm. Thày đạo đức thánh thiện, luôn giúp đỡ người nghèo và bệnh tật, và có lòng tôn kính thánh Giuse. Gặp ai đau khổ hay bị tai nạn, thày đều khuyên họ cầu nguyện cùng Thánh Giuse. Nhiều người đã nhờ thày cầu nguyện giúp, và đa số đã được toại nguyện. Tiếng lành đồn xa. Ai cũng chạy tới thày André xin thày cầu giúp. Ban đầu nhà thờ kính thánh Giuse của thày bé xíu, thày đã hô hào và khởi công xây cất nhà thờ mới năm 1904. Thât là một kỳ công và một phép lạ. Tiền dâng cúng đến ào ào. Thày đã xây được ngôi đền kính thánh Giuse bề thế vĩ đại. Du khách đến Montréal đều đến đây vừa để thăm ngôi đền nổi tiếng, vừa để cầu nguyện với thày André. Thày mất năm 1937, thọ 91 tuổi Mộ của thày được chôn ngay sau bàn thờ chính. Thày đã làm bao nhiêu phép lạ. Người Canada rất tự hào về một vị thánh bản địa nổi tiếng này. Các cụ phương xa, nếu đến Canada, nhớ đi viếng nhà thờ và mộ thánh André ở Montréal nha. Người Việt mình không gọi Thày là André, mà là An Rê, Thánh An Rê xứ Mộng Lệ An Canada.

Bà cụ B.95 nghe các chuyện trên đây xong thì lên tiếng: Sao bữa nay các bác toàn nói chuyện thể thao rồi chuyện Chúa, chuyện nhà thờ, chuyện ông thánh vậy ? Phe các bà ai cũng gật đầu tán đồng câu hỏi này. Các cụ thấy chưa, hội làng là phải nói chuyện vui, chuyện cười. Chính vì vậy mà phe liền ông chúng tôi còn lập thêm cái nhóm đi bộ và uống cà phê buổi sáng để các nhà quân tử trong làng có dịp bàn luận chuyện thời sự, chính trị, tôn giáo...

Dân làng chưa biết chuyển hướng thế nào từ chuyện nghiêm trang sang chuyện vui cười, thì Chị Ba Biên Hoà phát biểu. Có lẽ vì trời sắp hết mùa đông giá buốt nên bữa nay trông chị vui và tươi qúa chừng. Chị hỏi cả làng là tháng trước làng kể chuyện con cọp bị đánh vì đòi xem trí thông minh của loài người. Vì nó tò mò qúa nên nó đã bằng lòng cho bác nông dân trói nó vào gốc cây. Rồi bác nông dân lấy cái cầy đập cho con cọp một trận tơi bời hoa lá, vừa đập vừa bảo con cọp: đây là trí thông minh của ta. Chị bảo: Có sách chép chuyện này nhưng khác phần kết, phần đánh cọp. Rằng khi trói xong thì bác nông dân đã lấy lửa đốt con cọp. Con cọp bị cháy xém, và nhờ giây trói cũng bị cháy nên đứt ra giúp con cọp chạy thóat được. Vì bị đốt nên từ đó bộ lông cọp mang nhiều vết lửa cháy mà bây giờ ta gọi là vằn đen. Chị hỏi: Vậy phần nào đúng, phần đánh cọp hay phần đốt cọp ?

Các cụ đã thấy cô giáo gốc Biên Hòa thông minh chưa. Phe liền ông nghe xong ai cũng gật gù khen câu hỏi có lý. Họ nhìn nhau một chập rồi ông ODP trả lời: Có lẽ phần đốt cọp có lý. Nó giải thích được gốc tích các vằn đen trên bộ lông cọp. Trả lời xong thì ông xin được hỏi cô giáo Biên Hòa một câu. Câu này không liên quan gì tới cọp mà liên quan tới địa danh. Đây là cái phép đánh trống lảng. Rằng khi nói về Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt ở Gia Định thì có người lại gọi nơi đó là 'Lăng Ông Bà Chiểu' là thế nào ? Vây tả quân có tên là Chiểu sao ? Sao lai có thêm bà vào nữa ?

Anh John nghe đến đây thì cũng gật đầu: Ngày xưa khi tôi mới học tiếng Việt, tôi cũng có thắc mắc y như vậy, nhưng tôi biết là Bác ODP hỏi chơi để mua vui chứ dân Saigon ai cũng biết danh xưng 'Lăng Ông Bà Chiểu' gồm 2 phần rõ ràng, phần một là Lăng Ông, tức lăng Tả Quân, và phần 2 là Bà Chiểu, chỉ cái chợ Bà Chiểu. Lăng Ông Bà Chiểu có nghĩa là Lăng Ông ở gần Chợ Bà Chiểu, chứ không phải cái lăng chôn hai ông bà tên Chiểu.

Các cụ đã thấy cái anh con rể Canada này thông minh sáng láng chưa. Cụ B.95 nghe anh giải nghĩa xong thì thích qúa sức. Cụ liền xin anh nói tiếp, nói bất cứ cái gì mà khi anh học tiếng Việt anh cho là hay, là lạ, là vui. Câu hỏi này trúng vào kho kiến thức của anh John.

Anh đáp ngay: Về vấn đề này thì cháu nhiều chuyện vui lắm. Nhân năm con cọp, cháu xin kể một chuyện mà cháu chỉ nhìn thấy trong tiếng Việt, không thấy trong các thứ tiếng khác: Đó là người Việt Nam rất yêu mến loài vật, thường dùng hình ảnh các con vật ghép vào con người. Chẳng hạn tả cái đầu con người thì nói 'thằng đầu trâu, đầu bò, đầu chó, còn đầu của vua thì là đầu rồng. Về mặt người thì tả mặt chuột kẹp, mặt dơi, mặt khỉ, mặt gà mái, mặt ngựa, còn mặt vua là mặt rồng. Về mắt người thì tả mắt lợn, mắt cú vọ, mắt ốc nhồi, mắt lợn luộc,mắt bồ câu, mắt phượng. Về mũi thì mũi trâu, mũi kỳ lân. Về miệng thì miệng hùm, miệng cá ngao. Về râu thì râu hùm, râu cá trê, râu cá chốt.Về lưng thì lưng ong, lưng tôm. Về chân thì chân voi, chân vịt, chân sếu. Về nội tạng thì phổi bò, gan sứa, gan cóc tía, máu dê, ruột ngựa, lòng lang dạ sói. Về tính nết thì chậm như rùa, bẩn như heo, ngu như bò, dữ như cọp. ..

Anh John nói đến đây rồi ngưng để hớp một miếng trà. Thấy dân làng nghe say mê, mặt ai cũng chăm chú, anh thích lắm. Anh liền pha trò: Tôi xin được trở về con cọp mà vợ tôi đã nêu ra câu hỏi trên đây. Con cọp thuộc chi tộc nhà mèo, thân hình thật là đẹp. Thế nhưng tiếng Bắc lại bảo nó xấu trong câu nói 'xấu hổ'. Người Nam không nói xấu hổ mà nói mắc cở. Tại sao lại nói 'xấu hổ' vậy, thưa các bác ?

Bồ chữ ODP liền đáp ngay: Tiếng Bắc nói xấu hổ, còn tiếng Nam ngày xưa cũng nói ' hổ ngươi', tức là cũng có chữ hổ rõ ràng, rồi dần dần chữ hổ biến đi mà thành mắc cở. Nhưng thôi, các nhà ngôn ngữ học đã dạy rằng khi bàn về ngôn ngữ thì chúng ta không nên dặt câu hỏi 'tại sao' mà nên chấp nhận nó như vậy.

Thấy dân làng ai cũng phục cái trí thông minh của anh.John, ông ODP liền hỏi: Này anh John, anh có năng khiếu tuyệt vời về ngoại ngữ, vậy anh có ý định học thêm tiếng Tàu không, vì theo thống kê thì ngôn ngữ có nhiều người nói nhất hiện nay trên thế giới là tiếng Tàu, tiếng của hơn một tỷ người ?

Anh John được khen là giỏi về ngôn ngữ thì không dám nhận như vậy. Anh bảo anh nói được tiếng Việt giỏi là do hằng ngày nói chuyện với vợ và đọc sách tiếng Việt. Trong tiếng Việt, theo thống kê thì 60% ngữ vựng có gốc từ chữ Hán. Người Việt đã lấy ra những tinh hoa của chữ Hán làm thành tiếng nước mình. Thật là giỏi và tài tình.

Nói đến đây, anh móc túi lấy cuốn sổ tay ra rồi nói: Tôi xin đọc cho qúy vị nghe đoạn văn tiếng Việt sau đây:

' Thiếu thời, cô học tiểu học tại thị trấn, học trung học tại thị xã, trưởng thành, cô học đại học y khoa tại thủ đô, tốt nghiệp đại học cô hành nghề y sĩ tận tâm tận lực, cứu sinh mệnh vô số bệnh nhân'. Câu này 100% là chữ Hán, nhưng chữ Hán này đã được Việt hóa, bây giờ có ai bảo câu trên đây là tiếng Tàu đâu ! Rõ ràng câu này là tiếng Việt mà.

Người Việt mình tài giỏi quá chứ, lấy cái hay của người làm giàu cho tiếng nước mình. Xin trả lời bác: Tôi không dám học tiếng Tầu. Tôi có ông bạn học tiếng Tàu được một thời gian rồi bỏ vì ông bạn bảo tiếng Tàu khó qúa. Nó không trong sáng như tiếng Việt. Tiếng Tàu không La Mã Hoá được, không viết theo lối ABC được vì nó có nhiều tiếng đồng âm, thành khó hiểu. Chẳng hạn chữ 'di' có 46 cách viết khác nhau, chữ 'tư' có 57 chữ viết khác nhau.

Ông ODP liền góp thêm ý: Ngoài vấn đề nhiều chữ đồng âm, lại còn vấn đề khó hiểu, nói cách bình dân là tối nghĩa. Tôi xin lấy một ví dụ, xin lấy câu thường nghe ' Nam nữ thọ thọ bất thân'. Câu này có 4 cách hiểu khác nhau:

- Trai gái không được trao và nhận đồ vật của nhau.

- Trai gái không được tự tiện trao và nhận đồ vật một cách riêng tư

- Trai gái được trao nhận đồ vật nhưng không được chạm tay nhau

- Trai gái được trao nhận đồ vật nhưng không được tỏ ra thân mật

Vậy câu nào là đúng ?

Nghe đến đây thì cụ B.95 lên tiếng xin dân làng ngưng các chuyên văn chương chữ nghĩa, vì nghe rắc rối và nhức đầu qúa. Anh H.O. hoan hô ý này ngay. Anh xin chuyển đề tài. Anh xin phép được nói về chuyện vợ và chuyện bồ nhí. Anh bảo anh mới được người bạn thân trong quân ngũ ngày xưa chuyển cho một câu liên hệ tới việc ví von vợ là cơm và bồ nhí là phở. Câu danh tiếng ấy như thế này:

Vợ là Cơm, bồ là Phở.
Khi ngán Cơm ta đi ăn Phở.
Ăn Phở riết rồi thấy không gì đại bổ bằng Cơm.


Cả làng phá ra cười. Phe liền ông thì gật gù đồng ý, phe liền bà thì cho là chí lý. Cái không khí trang nghiêm và rắc rối của chữ nghĩa đã tan hết, nhường chỗ cho tiếng cười vui thoải mái. Cũng đúng là lúc cụ Chánh chủ nhà mời cả làng xơi cơm.

Bữa ăn ngon và lành quá. Giữa bàn là một đĩa thịt kho tàu nước dừa, chung quanh là những đĩa rau xanh. Các cụ có biết những rau gì không ? Thưa, đó là bốn đĩa rau luộc khác nhau: rau muống, rai cải bẹ xanh, rau tần ô, rau thì-là. Riêng món rau thì-là luộc này cũng làm nhiều người bỡ ngỡ. Xưa nay rau thì-là được coi là gia vị để ăn sống thế mà hôm nay chủ nhà luộc chín, lạ chứ. Cụ Chánh khai mạc bữa ăn với lời giải thích: Tháng vừa qua làng ta đã ăn qúa nhiều bánh chưng bánh tét, qúa nhiều thịt mỡ dưa hành, chắc đã ngấy đồ tết, cho nên lão đã nhờ Chi Ba Biên Hòa tới nấu cho một nồi thịt heo kho theo lối người Nam. Thịt kho với trứng với nước dừa. Có 4 loại rau luộc khác nhau, mỗi thứ có một hương vị riêng biệt. Nước chấm chính là nước mắm kho thịt.

Ông ODP nhìn mâm cơm rồi nói: Đây chính là một biến thái của lẩu. Lẩu thì chúng ta cho rau sống vào, còn bữa nay thì chúng ta lấy nước mắm ra rồi chấm với rau chín.

Bữa nay, bốn món rau luộc, ăn với thịt kho, trứng kho, với cơm trắng gạo nanh chồn. Chúa ơi, quê hương Việt Nam là đây chứ đâu xa. Món ăn ngon miệng hết sức vậy đó. Chưa hết. Còn món canh nữa. Món canh chính là món nước luộc rau. Cụ B.95 bảo mấy ông Bắc Kỳ trong làng: Này các bác ơi, nước rau muống luộc có thêm quả cả chua và trái me theo lối Hà Nội năm xưa nữa đấy, mời các bác vừa chan vừa húp nha.

Thấy dân làng ăn uống say sưa, Cụ Chánh tiên chỉ hứa: Nếu qúy vị thích những món nhà quê dân giả như thế này thì lần sau lão sẽ đãi món ' Cá Rô Tổng Trường'. Món này ngon nhức răng, quên chết. Món này gốc nó ở xã Trường Yên huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ở nơi này người ta chỉ cấy có một vụ lúa, gặt xong là tới mùa mưa lớn, cá rô ăn những hạt lúa rơi ở gốc rạ nên to và béo lắm. Cá rô kho hay chiên, vàng rụm, dòn tan, ăn cả xương cả đầu. Ngoài món chiên và kho còn món canh cá rô nấu bánh đa, ngon không thể tả được. Cụ Chánh khoe cụ đã thấy loại cá rô này bày bán ở chợ VN. Xin hẹn các cụ, lần sau ăn món cá rô xong tôi sẽ làm tờ trình.

Dân làng ăn uống xì xụp, sung sướng hể hả quá sức. Rồi Cụ B.95, người xưa nay hằng ái mộ anh John lại lên tiếng xin anh John kể chuyện vui nữa. Cụ bảo nghe anh nói chúng tôi vừa vui vừa học thêm được bao nhiêu sự khôn ngoan. Nào mời anh nói nữa. Lúc nãy anh nói chưa đủ, chưa thỏa lòng khao khát của chúng tôi.

Anh John còn đang lưỡng lự thì Chi Ba vợ anh dục: Anh nói đi, anh kể chuyện vui từ sử Việt Nam cho làng nghe. Được vợ khích lệ, anh liền kể: Tôi học sử VN xong thì tôi thấy về mặt khoa học, Việt Nam đứng đầu thế giới ngay từ ngày lập quốc. Xin chứng minh:

- Phù Đổng Thiên Vương là người đầu tiên bay vào vũ trụ
- Người đầu tiên đặt chân lên măt trăng là Chú Cuội
- Chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới là con ngựa sắt của Thánh Gióng
- Vị nữ quốc trưởng kiêm tổng tư lệnh quân đội đầu tiên trên thế giới là Bà Trưng
- Người biết làm quảng cáo tiếp thị đầu tiên của loài người là anh Mai An Tiêm
- Người đàn ông đầu tiên trong lịch sử loài người có sữa cho con bú là Ông Thọ
- Người có món hàng đặc biệt dám đăng báo rao bán: Hàn Mạc Tử bán mặt trăng

Dân làng nghe xong câu nào là vỗ tay tán thưởng câu đó. Ai cũng khen cái anh John này dí dỏm qúa chừng. Rồi anh xin hết, anh bảo anh đã 60, già quá rồi.

Anh H.O. là người lên tiếng phản đối việc anh John kêu già: Anh mà già cái gì, tướng tá còn đẹp lắm, máy móc coi bộ còn ngon lành và còn chạy tốt, phải không Chi Ba. Lời này coi bộ qúa đà làm Chị Ba đỏ mặt. Ông ODP liền nhảy vào làm tan sự lúng túng của anh H.O. Ông lên tiếng: Tôi không đồng ý về việc anh John kêu già. Tôi có một vị niên trưởng, cụ Nguyễn Bá Triệu, một học giả ở Ottawa. Cụ đã ngoài 84 mà vẫn không cho là mình già. Cụ đã làm bài thơ tự vịnh như thế này:

Canh Dần kỳ trước mới bảy ba
Lại Canh Dần nữa, lão rồi a ?
Nhập nhèm, đeo kính còn nhìn tỏ
Nghễnh ngãng, thì thầm vẫn nghe ra
Pháp Anh, ngập ngọng không thèm nói
Nôm Hán, lầu bầu vẫn ba hoa
Lái xe chạy khắp, tay còn vững
Ủa thế ra ta vẫn chửa già ?


Tiếng cười là một biểu tượng của hạnh phúc. Kính chúc các cụ quanh năm đầy tiếng cười.


Món quà đầu năm: ĐẦY TIẾNG CƯỜI- ĐẦY KIẾN THỨC

Nhà Xuất Bản HOA LƯ hân hạnh giới thiệu

2 sách mới của Nhà Văn TRÀ LŨ, tác phẩm thứ 11 và 12 vừa phát hành:

MIỀN ĐẤT AN LẠC

Những chuyện vui tươi dí dỏm nhất trong mấy năm qua, và

500 CHUYỆN CƯỜI

những chuyện tiếu lâm đông tây kim cổ chọn lọc,

khác với 300 Chuyện Cười đã xuất bản năm 2001

Giá sách và bưu phí mỗi cuốn:

-gửi trong Canada: 25 Gia kim ( hay 23 Mỹ kim)
- gửi từ Canada sang Hoa Kỳ: 28 Gia kim ( hay 26 Mỹ kim)
- gửi từ Canada đi các nước khác: 33 Gia kim ( hay 30 Mỹ kim)

Ngân phiếu xin đề: TRÀ LŨ, 113 Kennedy Ave, Toronto, Ontario M6S 2X8 Canada

Đây là hai viên thuốc tiên làm thư giãn cả tâm thần cả thể chất

Đây cũng là món quà trang nhã và đẹp nhất

để tặng thân nhân và bằng hữu nhân dịp Giáng Sinh và Năm mới.

Xin cho chúng tôi tên và địa chỉ.