MỜI THEO DÕI CUỘC CHƠI XƯỚNG HỌA - 21

Bản tin theo dõi tiếp theo, bản tin số 22, phát hành sau ngày 25-3-2010 sẽ giới thiệu những bài tham gia cuối cùng của cuộc xướng họa. Xin nhắc lại: Quý tác giả có thể gởi bản sửa các bài dự thi trước 24g00 ngày 25-3-2010. Xin nhớ ghi đúng số thứ tự mỗi bài như đã được giới thiệu trong các bản tin theo dõi.

Trong bản tin 21 này. trước khi giới thiệu 25 tác phẩm mới, xin gởi đến quý độc giả bài tham gia của một vị trong ban tổ chức.


MẸ MĂNG ĐEN

Em về kính viếng Mẹ Măng-đen
Bụi đỏ đường xa rộn gót sen,
Mây trắng chập chùng muôn tiếng hát
Lụa xanh phất phới vạn lời khen.
Giữ gìn trinh khiết nên cao trọng
Xa lánh nhuốc nhơ lẫn thấp hèn.
Gửi lại tội tình miền đất thánh
Mai về hoa nắng lộng đua chen.

Martinô Nguyễn Văn Tường
matinotuong@yahoo.com.vn


GIỚI THIỆU CÁC BÀI MỚI
Các bài số 476-500
Những tác giả có thứ tự bài là bội số của 25 được nhận coupon mua hàng trên mạng www.Fatimacompany.com, trị giá 200.000 VNĐ. Lần này là tác giả Khôi Nguyên, bài số 500.
Xin lưu ý: Quí vị ở nước ngoài được tặng quà của Fatimacompany.com vui lòng cho một địa chỉ tại Việt Nam để nhận quà.
Muốn tìm hiểu thêm về “sản phẩm công giáo trực tuyến”, xin hỏi info@fatimacompany.com


Bài 476

Vườn địa đàng tên gọi Ê-đen
Ngây ngất mùi hương của loài sen
Cảm tạ công trình của Tạo Hóa
Muôn vẻ tuyệt trần, lòng ngợi khen !
Nhưng hồn trinh bạch còn hơn thế
Nếu ai không muốn sống thấp hèn
Hôn nhân, một phần đời trinh bạch
Mong hãy giữ gìn, tránh đua chen.

P. Trần Đình Phan Tiến


Bài 477
PHÚC CÒN

Tà dương xế bóng vườn Ê-đen.
Ánh mắt vô tình dõi bóng sen.
Đàn vật vui đùa, đùa tiếng hát.
Đơn thân bước lạc, lạc lời khen.
Một tim lẻ nhịp tăng đời xám.
Chẵn dáng đôi thân bớt kiếp hèn.
Độc phúc tội nguyên không xoá mất.
Quan phòng đôi lứa phúc tăng chen.

Trinh Nguyên.
Petertrinhs@gmail.com

Bài 478
TỤNG KHEN (Đọc xuôi)

Chen lấn, người người, nhiều tối đen.
Hỡi Ai, hát khúc toả hương sen.
Hèn nhơ, ác độc, đời chê chối.
Phúc đức, xinh tươi, người tụng khen.
Khen Mẹ, đời tràn dư phúc thánh. ?
Khổ ai, thân ắp đầy dơ hèn.
Sen hoa nhủ bóng, bớt u tối.
Đen tối, đời người lắm lấn chen.

Trinh Nguyên.
Petertrinhs@gmail.com

Bài 479
KHEN TỤNG (Đọc ngược)

Chen lấn lắm, người đời tối đen.
Tối u bớt, bóng nhủ hoa sen.
Hèn dơ đầy, ắp thân, ai khổ.
Thánh phúc dư, tràn đời, Mẹ khen.
Khen tụng người, tươi xinh đức phúc.
Chối chê đời, độc ác nhơ hèn.
Sen hương toả khúc hát, ai hỡi!
Đen tối nhiều, người người lấn chen.

Trinh Nguyên.
Petertrinhs@gmail.com

Bài 480
ĐOÁ SEN ÂN SỦNG

Quê hương tôi đã từng có những đầm sen tuyệt đẹp với những màu hoa trắng, hồng toả hương thơm khắp cả làng quê. Những đầm sen nối tiếp nhau đến ngút ngàn và cứ thế lan dọc theo dòng nước chảy. Lần nào về quê tôi cũng bị lôi cuốn bởi sức hút quá mãnh liệt của những đầm sen đó. Nhưng lần này thì khác, tôi không còn ngửi thấy mùi hương thoảng thoảng của loài sen quen thuộc nữa, không còn thấy những đầm sen bát ngát mênh mông làm tôn thêm vẻ đẹp cho quê mình. Tất cả những khu đầm đều trống trơn không còn một gốc sen nào, điều đó chứng tỏ sen đã thực sự lụi tàn. Qua tìm hiểu tôi được biết rằng: sen thường phát triển mạnh ở những nơi đầm lầy và những vùng nước bị ô nhiễm. Dòng nước của con đầm quê tôi đã một thời bị ô nhiễm do chất thải của Nhà máy Giấy gần đó. Mấy năm gần đây, Nhà máy đã tìm ra hướng xử lý chất thải nên dòng nước đã trở lại trong sạch như vốn có. Thế rồi người ta thấy những khóm sen bắt đầu cũng lụi tàn đi. Nhìn đầm sen quê mình tâm trí tôi lại mông lung nhớ đến đoá "Sen giữa lầy" của thi sĩ Linh mục Trăng Thập Tự.

Thật xứng hợp khi thi sĩ dùng hình ảnh cây sen giữa lầy để ca ngợi vẻ đẹp tinh tuyền, thánh thiện của Đức Maria - Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Bằng tình yêu mến thiết tha và lòng tôn kính Đức Maria vô bờ thi sĩ Trăng Thập Tự đã cất lên lời ca ngợi Mẹ qua vẻ đẹp tự nhiên, thanh thoát của "Sen giữa lầy".

Ngay ở tiêu đề bài thơ đã gợi lên hình ảnh về một khu đầm lầy rộng lớn, mênh mông. Đó là lãnh địa của sự chết, là chốn huỷ diệt, nuốt sống tất cả các sinh vật. Một khi đã bị sa vào đầm lầy thì chỉ có nước chết chứ không còn một tia hy vọng nào dù đối tượng có chiến đấu, chống cự đến đâu chăng nữa. Ngay cả con người với tài trí thông minh, nhanh nhạy nhưng khi đã bị sa lầy thì cũng lực bất tòng tâm.

Nhưng kỳ lạ thay! ở giữa đầm lầy đó lại xuất hiện một đoá sen. Sen đua nở giữa sự khắc nghiệt của môi trường chết chóc, giữa sự huỷ diệt cực mạnh của đầm lầy. Điều đó cho thấy trong cuộc chiến đấu này, sen đã chinh phục được đầm lầy để tồn tại và phát triển. Nhưng cũng nhờ sen mà đầm lầy trở nên một môi trường xanh ban phát sự sống và vẻ đẹp cho thiên nhiên. Nhưng đầm sen đó, loài sen đó không phải bỗng dưng mà có. Mở đầu bài thơ thi sĩ đã đưa ta về một khu vườn nguyên thuỷ, ở đó xuất hiện một đoá sen tuyệt trần.

"Về thăm vườn cũ thuở Ê đen
Thanh thoát ô kia một đoá sen".

Động từ "về thăm" gợi lên sự di chuyển và là một sự di chuyển mang tính chủ động của chủ thể trữ tình. Thi sĩ đi "về" để thăm lại vườn cũ, chốn xưa. Động từ này còn gợi liên tưởng đến một địa danh mà thi sĩ đã từng gắn bó, thắm thiết với những hoài niệm khó phai để tới bây giờ thi sĩ về thăm lại vườn "Ê đen". Nhưng Ê đen ở đây không chỉ mang ý nghĩa là một địa danh mà nó còn gợi lên một mốc thời gian lịch sử, đó là thời xa xưa trong quá khứ bởi từ "thuở". Thuở Êđen là thời kì khởi nguyên của công trình sáng tạo, thời mà “thiên địa mới tinh khôi”, là tình trạng nguyên tuyền không vương tỳ ố, nhưng vì sự sa ngã của nguyên tổ mà con người mãi mãi không được sống trong tình trạng đầu tiên mà Thiên Chúa đã tặng ban một lần duy nhất, phải đợi tới ngày Con Thiên Chúa ra đời, rồi đến kỳ hạn, cuộc phán xét mỗi người, thì những ai đẹp lòng ngài sẽ được chiêm ngưỡng Chúa và hưởng phúc nơi Thiên đàng … Vì thế, chữ "về" mang một ý nghĩa khác, đó là sự trở về trong tâm tưởng của chính thi sĩ, và chỉ trong một tích tắc thi sĩ đã có mặt ở vườn Eđen để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thanh thoát của một đoá sen.

Ngạc nhiên đến vui mừng, bất ngờ và hạnh phúc thi sĩ đã thốt lên "ô kìa" một đoá sen. Giữa khu vườn rộng lớn bao la đó với bao loài cây cối, bao sinh vật sống thiết tưởng thi sĩ sẽ đi tìm về cây trường sinh, cây biết điều thiện điều ác là nguyên cớ cho Ađam - Eva phạm tội. Nhưng không, thi sĩ lại chú ý đến "một đoá sen", chỉ một đoá sen quen thuộc nhưng với vẻ đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng đã khiến tác giả phải sững sờ, đã thu hút sự chú ý của thi sĩ và một khi đã bị lôi cuốn vào đó thi sĩ đã dừng lại ở đoá sen với một tâm tình cảm mến thiết tha. Việc đổi trật tự cấu trúc trong câu đã làm nổi bật tâm trạng của thi sĩ, một tâm hồn hỷ hoan, vui sướng không thể không cất lên lời khen tụng, đồng thời qua sự ngạc nhiên đến bất ngờ của thi sĩ đã làm tăng thêm vẻ đẹp và giá trị của đoá sen.

Sau khi loài người sa ngã phạm tội, Thiên Chúa không bỏ rơi con người nhưng trái lại Ngài đã hứa ban Đấng cứu độ cho nhân loại " và này đây một Trinh nữ sẽ đạp nát đầu con rắn". Người phụ nữ đó đã được mô tả "đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời …". Vâng, đó chính là Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và cũng là mẹ của ta. Ngay từ lúc còn trong lòng mẫu thân, mẹ đã được gìn giữ vô nhiễm nguyên tội, suốt đời trong trắng vẹn tuyền " Như búp sen non thanh khiết giữa đời". Mẹ luôn sống âm thầm, phó thác trước Mầu nhiệm của Thiên Chúa và trước phép lạ Người làm mẹ chỉ biết đón nhận mặc dù không phải lúc nào mẹ cũng hiểu được các mầu nhiệm đó. Ở hai câu thơ tiếp theo thi sĩ đã lột tả được đức tính cao quí của mẹ:

"Trong trắng giữa lầy trong trắng gọi
Lặng thầm trên sóng lặng thầm khen".
Hai câu thơ trên có hai hình ảnh so sánh, đối lập nhau: trong trắng - lầy; lặng thầm - sóng. Có thể khẳng định trong lầy thì không thể có sự trong trắng và đã nói đến sóng thì không thể có sự bình yên, phẳng lặng được. Nhưng thi sĩ đã thật khéo léo khi sử dụng các cặp đối lập để nói lên vẻ đẹp của Đức Maria. Cùng với hai lần điệp từ "trong trắng", "lặng thầm" để nhấn mạnh như một lời quả quyết: Ở giữa lầy vẫn có sự trong trắng và sự trong trắng đó đang thiết tha mời gọi, mời gọi thêm nhiều những "búp sen non" trồi sinh từ sình lầy. Cũng thế, sóng có lúc ồn ào, lúc lặng lẽ (Xuân Quỳnh) và sự lặng lẽ đó đã được đoái đến bằng lời khen tặng. Ở đây thi sĩ sử dụng từ ngữ như một sự so sánh ngầm: sự trong trắng của sen được đem so sánh với đầm lầy, hôi tanh. Sự lặng thầm được đem so sánh với sóng gió của biển khơi. Và trong sự so sánh này yếu tố tưởng chừng trái ngược lại giành được phần chiến thắng. Chính từ sự so sánh, đối lập đó đã giúp ta liên tưởng đến cuộc đời của Đức Maria với những sóng gió, khổ đau. Từ khi nhận lời truyền tin, Kinh thánh cho biết mẹ luôn luôn lên đường, mẹ luôn phải gặp những khổ đau, trắc trở để thực thi Thánh ý ( cảnh sinh con trong nghèo khó, chạy sang Ai cập, lạc con…). Nhưng rồi mẹ đã trỗi dậy sau các biến cố để đồng hành cùng các tông đồ và Hội Thánh sơ khai, mẹ sống với và ở với những con người yếu đuối tội lỗi. Đó là bùn lầy, là sóng gió cuộc đời, nhưng qua tất cả những biến cố đó mẹ vẫn kiên tâm, vẫn âm thầm tiến bước trong sự yêu mến vâng phục "linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, lòng trí tôi hớn hở vui mừng….".

Tiếp nối mạch thơ thi sĩ như gọi mời mỗi người chúng ta là con cái mẹ hãy bước đi như mẹ:

"Gọi mời ai giữ gìn cao quí
Khen ngợi Ai thương đoái mọn hèn"

Đó không còn là lời mời gọi, là lời khen tặng dành riêng cho mẹ mà là cho tất cảc những ai có lòng khao khát muốn nên giống mẹ. Đại từ "ai" mở rộng phạm vi của lời mời gọi. Đó không chỉ dừng lại ở số ít, ở một nhân vật cụ thể nhưng là dành cho hết thảy mọi người không phân biệt màu da, sắc tộc, ngôn ngữ… Tiếng "ai" đánh động tâm hồn của bất cứ ai đọc nó với một sự tha thiết, rạo rực, lòng tràn đầy yêu thương, nhưng muốn gìn giữ trái tim, để trao tặng người mình yêu đoá hoa tinh trắng vươn lên từ những khát khao, khắc khoải, để hoa nở nụ duyên tình xinh đẹp, hương thơm quyến rũ, như ngọc trong đá, cao quý, trân trọng hiến dâng cho tình yêu dâng cao, tuyệt vời và cao đẹp!

Linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự thật tài tình khi sử dụng đại từ “Ai” tiếp theo, đó là nét độc đáo làm nên sự đối lập giữa cao quý và mọn hèn. Từ Ai viết chữ hoa trong câu:

“Khen ngợi Ai thương đoái mọn hèn"

“Ai” đây chỉ về một Đấng: Thiên Chúa - Thượng Đế - Đấng là Chân Thiện Mỹ, Đấng là nguồn mạch thanh khiết, cực tinh tuyền, Đấng phú ban cho con người các ân sủng tuyệt diệu, đặt trong đáy sâu tâm hồn con người tuy mọn hèn, nhưng mang trong mình khát vọng vô biên, của bầu trời xanh cao bao la, của mênh mông thẳm sâu của biển cả. Đấng ấy hiểu rõ thân phận mong manh nhỏ bé của con người mà đoái thương sự mọn hèn dể tổn thương đổ vỡ do nguyên tội, nhưng Đấng ấy cũng đủ quyền năng để gìn giữ kho tàng vô giá ấy! Phải chăng, sự khiêm tốn e ấp, đạo hạnh đã làm nên bao điều kỳ diệu nơi tâm hồn người thôn nữ Nagiaret xưa; thì nay, nét đơn sơ hồn nhiên giản dị, lòng đạo đức, ý chí và lòng can đảm gìn giữ tâm hồn trong trắng thanh cao sẽ làm nên việc diệu kỳ nơi những tâm hồn muốn bắt chước Mẹ, nên giống Mẹ trong cuộc sống bể dâu nầy !

Đứng trước vẻ đẹp khiêm cung của đoá sen trong đầm lầy, thi sĩ không khỏi cảm phục mà tạ ơn Thiên Chúa - Đấng tạo hoá đã giữ gìn, che chở để loài sen luôn giữ mãi được vẻ thanh tao, quý giá từ thủơ ban sơ. Tâm tình và lời tạ ơn như có phép mầu đã làm cho đầm lầy không còn là đầm lầy nữa mà là đầm sen với muôn triệu hoa lá khoe sắc, đua chen để vươn lên dưới bầu trời ngày cũng như đêm.

Bằng tài năng, sự linh hoạt, tính nghệ thuật và cái đẹp của bài thơ cứ dâng cao lên mãi theo vòng xoắn ốc và toả rộng, không giữ lại cho riêng mình trong ngôi vườn Eđen thơ mộng, nhưng thi sĩ đã đi về quá khứ tìm lại trong dĩ vãng nơi vườn Eđen một đoá sen và rồi khi trở lại hiện tại thi sĩ đem theo một đầm sen tuyệt đẹp, một đầm sen thưở khai nguyên, diễm lệ, tự nó đã phô bày vẻ tuyệt mỹ của Đấng Tạo Thành, mà những tâm hồn thanh khiết mẫn cảm không thể không dâng lên niềm cảm mến tri ân:

"Hướng tạ ơn trời chưa nháy mắt
Ngoảnh nhìn sen đã nở đua chen".

Không, đó sẽ không còn là mơ mộng hão huyền nếu mỗi người biết trân trọng mọi ân ban của Chúa và làm cho nó lớn lên trong tình yêu và ân sủng. Thi sĩ nói lên niềm hy vọng, hy vọng vào một tương lai, ở đó sẽ có những cõi lòng trong trắng, cao thượng, tinh tuyền, những tâm hồn thanh khiết muốn noi gương mẹ Maria và dõi bước theo dấu chân của Mẹ. Có lẽ đó là sứ điệp thi sĩ nhận lãnh từ vườn Eđen khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đoá sen, hay cũng có thể là sứ điệp thi sĩ đọc được khi "hướng tạ ơn trời " trong nháy mắt đó để truyền lại cho con người, cho những người trẻ sắp vào đời biết sống như mẹ, sẵn sàng đoan hứa sống đời thanh khiết, trong địa vị, hoàn cảnh của mình. Và dù khó khăn cạm bẫy nào cũng không thể làm ta nao núng lo âu.

Người bạn trẻ, hay tất thảy chúng ta hãy chiêm ngắm Mẹ là mẫu gương tuyệt vời đã sống giữa "bùn" trần gian, đã vượt qua bao nhiêu sóng gió nhưng vẫn trung kiên, một lòng sắt son trong tình yêu Chúa, qua sự gìn giữ bảo trợ dưới áo choàng thanh khiết của Mẹ. Với đôi bạn trẻ thì sự tin tưởng lẫn nhau, yêu thương trân trọng nhau trong bền lâu chung thuỷ; biết ơn và cám ơn nhau về ân tình dành để cho tình ngời đẹp hơn, lên cao hơn giữa những quyến rũ thấp hèn và lắm hấp dẫn của cuộc sống… Có như thế, ánh mắt trong sáng, nồng nàn “Ngoảnh nhìn sen đã nở đua chen”, lại nhìn nhau, tay trong tay, tin tưởng đắm vào mắt nhau mỉm cười, tự tin, chuyển cho nhau sức mạnh, rồi sẽ có nghị lực để tiến lên, tiến sâu vào tình yêu trao ban dâng hiến dành cho ngày hôn ước…

Đoá sen ân sủng trong khóm sen, trải dài cho chúng ta một đầm sen đua nở những bông hoa sắc màu tươi thắm làm đẹp cho nhau, làm đẹp cho cả vườn hoa và hương thơm dịu dàng của sen thắm đẵm vào nhau, toả ngát dâng lên Chúa của đất trời…

Anne Marie Thuỷ-Tuyết
tuyetmtg@yahoo.ca

BÀI 481
QUÊ MÌNH CÓ MẸ

Ta về đồng nước giữa đêm đen
Tiếng trống xa dồn tỏa ngát sen
Đón Mẹ quê nhà vang tiếng hát
Chào Bà giáo xứ ngợi ca khen
Thiên đàng Mẹ hưởng ơn cao trọng
Địa giới con qua phận thấp hèn
Mẹ dắt dìu con đời dâng hiến
Đăng trình vạn nẻo đá hoa chen

Lim Kim


BÀI 482
NƯƠNG BÓNG MẸ

Đời ta có lúc giữa đêm đen
Chẳng đếm tòa sen chẳng búp sen
Khắc khỏai tìm về nương bóng Mẹ
Rưng rưng thầm tín ngợi ca khen
Cầu Mẹ che chở rèn thanh khiết
Con quyết dời xa chuyện đốn hèn
Thập giá trong đời tìm ý Chúa
Tình yêu cuộc sống sắc hương chen

Lim Kim


Bài 483
GIÊ-SU TRONG VƯỜN DẦU.

Vườn dầu cô độc giữa đêm đen
Khẩn khoản lời cầu hương ngát sen
Vâng phục trời cao, lời chúc tụng
Chối từ đất thấp, tiếng ca khen
Ly cay Cha muốn, tràn cao quý
Chén đắng Con vâng, cạn thấp hèn
Từng giọt mồ hôi sầu đỏ máu
Theo nhau rơi xuống đất đua chen.

Giu-se Nguyễn văn Sướng
suongoc5254@gmail.com

Bài 484
BACH LIÊN HOA

Dẫu rằng gốc rễ chốn bùn đen,
Trong trắng, xinh kìa ! Những đóa sen.
Hương thoảng êm đềm, hương mát dịu.
Nhụy vàng óng ánh, nhụy vàng khen.
Lá xanh, xanh biếc niềm hy vọng,
Bông trắng trung trinh, chẳng thấp hèn.
Sống giữa bùn nhơ không lấm bụi,
Đầm lầy sen trắng nở đua chen.

Hương Quê


Bài 485
GƯƠNG THÁNH GIA THẤT

Rõ ràng cội rễ chẳng bùn đen !
Tươi sáng, xinh sao ! vượt sắc sen.
Hương tỏa Thiên Đàng, hương khiết tịnh,
Nhụy ươm trần thế, nhụy khong khen.
Trung trinh thiên chức đầy cao quý,
Gương sáng nhân gian, xóa mọn hèn.
Chăm sóc, giữ gìn con Thiên Chúa
Thanh cần, thanh bạch, chẳng bon chen.

Hương Quê
< tinhhoa39@yahoo.com >


Bài 486
ĐƯỜNG VÀO CHÂN LÝ

Phương trời bừng sáng xóa đêm đen
Đẹp nẻo lộ trình, những gót sen.
Thi hữu Đồng Xanh thi hữu hẹn,
Văn nhân Dũng Lạc hội đồng khen.
Cao rao khiết tịnh tôn cao quý,
Ngưỡng vọng thanh tao bỏ thấp hèn.
Dắt díu nhau về ngày hội mới,
Con đường chân lý gắng đua chen./.

Hương Quê


Bài 487
HOA LÒNG GỞI ANH (3)


Anh yêu dấu!

Trái tim em rộn rã và ngập tràn niềm vui khi nhận được sự chia sẻ của anh. Qua những dòng tâm sự thân thương, em như thấy cả một bầu trời ấm áp trong tâm hồn. Những lời của anh để lại cho em rất nhiều lắng đọng trong cách sống làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Đúng như anh nói. Thiên Chúa và Mẹ Maria đang gọi mời anh và em sống trọn vẹn một tình yêu thanh khiết, một cuộc đời để cho sự Trong Trắng cuốn lấy trong ân sủng.

Gọi mời ai giữ gìn cao quý

Anh ạ ! sự cao quý nhất của chúng ta chính là trở nên người bạn nghĩa thiết nhất của Thiên Chúa. Một tình bạn chân thật, chủ động và sáng tạo. Thiên Chúa không đòi hỏi ta hoàn hảo trong một sớm một chiều, vì ta vẫn luôn là tội nhân sau biến cố sa ngã của Adam va Eva, nhưng Ngài yêu cầu ta phải thành thật về chính con người mình để qua đó Ngài tuôn tràn ân sủng. Tình bạn đó phát huy như thế nào cũng như sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa bao nhiêu là do sự lựa chọn và quyết định chủ động của chúng ta. Chính đức khiết tịnh trong Lòng Mến làm cho chúng ta đến với Thiên Chúa một cách khắng khít sâu đậm (Mt 5, 8). Chúng ta không đến với Thiên Chúa qua cảm hứng hay để cảm nhận, nhưng là ý thức thực tại Thiên Chúa luôn hiện diện để yêu mến và vâng phục.

Khiết tịnh là một nhân đức cao trọng nâng chúng ta lên ngang hàng các Thiên Thần và sống đời Thiên Thần ngay tại trần gian này (Thánh Ambrosio). Đức khiết tịnh làm cho linh hồn nên tinh trong, soi sáng trí năng, thanh cao tâm hồn, trang điểm mọi nhân đức, nhờ thế linh hồn phần nào nên cân xứng trong mối tương quan bạn hữu với Thiên Chúa. Không có báu vật nào đáng giá bằng một linh hồn trinh khiết (Hc 26, 20). Qua đức khiết tịnh, linh hồn trở nên cung điện lộng lẫy cung chứa Ba Ngôi Thiên Chúa như chính cung lòng Trinh nữ Maria là nơi Thiên Chúa ngự trị. Đây là một ân sủng diệu kỳ và cao quý của Thiên Chúa ân thưởng và mời gọi chúng ta.

Gọi mời ai giữ gìn cao quý

Tuy nhiên, đức khiết tịnh là một nhân đức rất khó bảo toàn vì nó đi ngược với bản năng tự nhiên của con người và có rất nhiều kẻ thù rình rập phá hoại. Xác thịt là kẻ nội thù ghê gớm nhất, nó huỷ hoại đức khiết tịnh qua các nghiêng chiều giác quan. Bởi thế, anh và em hãy luôn khiêm nhường nhận ra sự yếu đuối bản ngã, đừng bao giờ tự phụ sức riêng nhưng luôn biết cậy trông vào sự phù trợ của Thiên Chúa.

Anh và em phải biết gìn giữ ngũ quan, chỉ sử dụng chúng hợp với lý trí và vinh danh Thiên Chúa mà thôi. Chúng ta phải tránh xa ngay những dịp tội có thể làm băng hoại sự trinh khiết và dứt khoát khước từ ngay mọi tư tưởng, lời nói và hành vi phản lại đức khiết tịnh.

Sức chúng ta giới hạn, vì thế cách tốt nhất của mọi phương cách là việc chủ động tránh mọi điều để bản năng nghiêng chiều theo đam mê nhục thể. Chúng ta phải biết nguyện cầu và năng hy sinh hãm dẹp những đòi hỏi vô lý. Hãy để ý chí điều khiển giác quan và các nghiêng chiều sai trái. Anh và em hãy luôn để cho tình cảm hướng về các giá trị siêu nhiên trong ơn thánh, để giữ tâm hồn và và thân xác trong sạch. Việc giữ gìn nhân đức cao quý này là một quá trình cam go và một cuộc chiến đấu liên tục đòi hỏi nhiều nỗ lực.

Anh thương yêu ! Trái tim em luôn tin tưởng rằng với ơn Chúa, với tấm lòng chân thành và một ý muốn mãnh liệt sống đức khiết tịnh, Thiên Chúa sẽ gìn giữ chúng ta để nên nguyên tuyền trong Tình Yêu Ngài, vì Ngài luôn là Đấng không bao giờ bỏ rơi những kẻ kêu cầu Ngài.

Khen ngợi Ai thương đoái mọn hèn

Anh yêu ! Mẹ Maria đã đáp lại mau mắn tiếng gọi mời sống đức khiết tịnh cao quý và Mẹ đã gìn giữ tất cả trong sự khiêm nhu chân thành, chỉ để Thiên Chúa tác động và thực hiện mọi Thánh Ý qua Mẹ.

Một Eva diễm lệ, với địa vị mẹ của chúng sinh, đã cao ngạo từ chối sự lộng lẫy của mình để khoác lên chiếc áo tội lỗi nhơ bẩn và bất xứng với Thiên Chúa; Trong khi đó, một Maria trinh khiết vẹn tuyền, biết nhìn nhận mình yếu đuối và chỉ là nữ tì của Thiên Chúa, đã tin tưởng, vâng phục và thực hiện nhanh nhạy Thánh Ý để làm hài lòng Ngài. Chính điều ấy mà phận hèn nữ tì Maria đã được cất nhắc lên vinh quang rất cao trọng - Mẹ Thiên Chúa, Nữ Vương trên trời đưới đất. Không một vinh quang nào của con cái loài người có thể so sánh với vinh quang mà Mẹ đang được ân thưởng.

Thiên Chúa đã đoái thương đến tâm hồn trinh khiết và khiêm nhu của Mẹ và chọn nơi đó làm đền thờ của Ngài. Còn điều nào cảm động và ngợi khen Thiên Chúa cho bằng điều này. Một hậu duệ cùa dòng giống lỗi tội đã được gìn giữ khiết trinh toàn vẹn và nâng lên, kết hiệp sâu thẳm trong đời sống thần linh. Điều Thiên Chúa làm quả thực kỳ diệu quá phải không anh và đức khiết tịnh thật sự đẹp lòng Thiên Chúa muôn vàn !

Khen ngợi Ai thương đoái mọn hèn

Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn yêu thương và mời gọi con cái của Mẹ Maria, một Eva mới, đến với Tình Yêu Ngài qua tâm hồn thanh khiết và trái tim trong sạch. Ngài đoái thương anh và em thật nhiều khi đã cho chúng ta vượt qua được nghiêng chiều xác thịt để biết nhìn về Sự Thiện trong sự gìn giữ đức khiết tịnh.

Ngài đã gìn giữ em cho anh trong một tình yêu trắng ngần. Em cảm nếm được ân sủng Ngài dạt dào qua con đường thử thách đức trinh khiết. Không ai có thể gặp được Thiên Chúa và không ai có thể diện kiến Thiên Chúa, nếu không có một tâm hồn sạch tinh, nói rõ hơn là nếu Ngài không ân thương gìn giữ cho một tâm hồn trinh trong.

Đức khiết tịnh quả là một con đường cao quý dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Giờ đây em mới hiểu phần nào giá trị của nhân đức tuyệt hảo này. Bởi vì đức khiết tịnh chứng tỏ Tình yêu Thiên Chúa được đề cao hơn hết và biểu dương một cách tuyệt đỉnh mầu nhiệm kết hợp giữa Chúa Kitô và nhiệm thể Ngài. Đức khiết tịnh đạt được nhờ sự trở nên giống Chúa Kitô một cách huyền diệu, sẽ biến đổi và tháp nhập con người vào chính mầu nhiệm nội tâm Ngài (Đức Phaolô VI – Evangelica Testificatio # 13).

Anh thương yêu ! Tình yêu của chúng ta thật đẹp vì được Thiên Chúa chúc phúc. Bởi thế anh và em luôn thánh hoá lẫn nhau, ngăn ngừa và tránh cho nhau đi vào đường tội lỗi; hãy chỉ bảo và giúp nhau nên thánh qua việc cầu nguyện và gìn giữ đức khiết tịnh anh nhé !

Nguyện Tình Yêu Thiên Chúa luôn ở cùng anh.

TB: Em nhớ anh vô cùng. Em xin dâng tất cả nỗi nhớ và tình yêu của chúng mình lên cho Thiên Chúa và Mẹ Maria như là lời kinh của trái tim mong chờ ngày sum họp.

ĐÓA SEN NHỎ CỦA ANH

10/02/2010
ATM

Bài 488
HƯƠNG KINH CHO EM (3)


Em yêu dấu !

Không có gì có thể nói hết cảm xúc dạt dào trong anh khi đọc những lời chân tình của em. Từ sâu thẳm tâm hồn, anh nhìn thấy một khát vọng sống thật thanh cao khi em chọn và sống lý tưởng khiết tịnh như Mẹ Maria. Một lối sống mà ngày hôm nay có quá ít dấu chân muốn chạm đến. Tạ ơn Thiên Chúa đã yêu thương và hướng dẫn em dấn bước vào con đường mời gọi của Tình Yêu. Cám ơn em thật nhiều đã cho anh cảm nhận giá trị cao vời của đức khiết tịnh.

Hướng tạ ơn Trời chưa nháy mắt

Tình yêu của chúng ta thường bị tính vị kỷ và lòng tự ái nhỏ nhen làm trầy xước cũng như bị các nghiêng chiều sai trái và tội lỗi làm vẫn đục. Chúng ta thường lạm dụng sự tự do của mình để làm những điều trái nghịch với Sự Thiện và Thánh Ý Thiên Chúa. Hậu quả là chúng ta luôn phải hứng chịu một tình yêu mắc nhiều sai lầm, tâm linh không còn làm chủ thể chất, tính dục dấy loạn làm cuộc sống ngã nghiêng theo khuynh hướng xác thịt nặng nề. Vậy đâu là Đích Điểm tình yêu chúng nhắm đến, đâu là Chân Lý để cuộc sống chúng ta hướng về, đâu là Cái Đẹp toàn hảo để trái tim chúng ta noi theo ? Em ạ ! Tất cả chúng ta phải quy hướng về Chúa Giêsu Kitô. Chính Ngài là Đường là Sự Thật và là Sự Sống, là Chân Thiện Mỹ để trái tim và cuộc sống chúng ta hướng về.

Mẹ Maria là một khuôn mẫu sống động và chân dung đích thật nhất của Chúa Giêsu. Mẹ đã kiên vững trong niềm tin, phó thác tất cả cho Thiên Chúa và dạt dào một Lòng Mến cháy bỏng, để tất cả hội tụ lại trong sự trong trắng của khiêm nhường là làm cho Thiên Chúa hoàn toàn hài lòng.

Mẹ đã sống một cuốc sống khó nghèo nhưng thanh khiết, giản dị nhưng đầy thánh thiện. Mẹ đã lãnh nhận thân phận con người như chúng ta, nhưng Mẹ đã biết làm cho thân phận ấy thành Đoá Sen Hương Sắc cho Thiên Chúa, đến nỗi Ngôi Hai đã tự tình đến trong cung lòng trinh khiết vẹn toàn của Mẹ để đem hồng phúc cho nhân loại.

Tình yêu của Mẹ là luôn quy chiếu về Thiên Chúa và tạ ơn Thiên Chúa trong mọi giây phút. Điều làm Mẹ ngạc nhiên và sửng sốt là Thiên Chúa đã ban cho Mẹ dư tràn ân phúc, hết ơn này đến ơn khác, đến nỗi lời tạ ơn chưa dứt, ân sủng đã thắm tràn muôn thêm (Lc 1, 46-55). Ân sủng đó phủ bóng Mẹ choáng ngợp và Mẹ chỉ còn biết tuôn đổ trên con cái của Mẹ là những trái tim mang Chân Dung của Chúa Giêsu.

Hướng tạ ơn Trời chưa nháy mắt

Em yêu thương ! Mẹ đã chỉ cho chúng ta một hướng đi đích thật của cuộc sống là quy chiếu tất cả trong Tình Yêu Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu Kitô; và hành vi thực hiện của chúng ta là hãy làm cho Thiên Chúa hài lòng, vì Người yêu chúng ta hơn chúng ta yêu chính mình. Không một ý nghĩa nào trọn vẹn hơn nữa. Vì vậy, tình yêu của em và anh ngày hôm nay không phải chỉ nhìn nhau nhưng là cùng nhìn về một hướng - Tình Yêu của Đấng Vô Biên.

Chúng ta nhìn về Thiên Chúa để tạ ơn Ngài đã ban cho chúng ta một Tình Yêu kỳ diệu - gắn kết trái tim em và anh trong Ngài. Không có Tình Yêu đó, trái tim em và anh chỉ là những mảnh vỡ của nhau và những hệ luỵ thời gian cũng như tội lỗi sẽ xói mòn hư hoại. Chỉ một lời nguyện tạ ơn chân thành từ trái tim cũng đủ kéo tràn ân thánh của Thiên Chúa đến với cuộc sống. Em đã cầu nguyện thật nhiều cho anh và Mẹ Maria đã gìn giữ anh cho sự trong trắng của em.

Khi anh biết cúi đầu xuống để nhìn dấu chân mình, anh mới thấy Thiên Chúa và Mẹ Maria quá yêu thương anh, đã dẫn lối anh đi trong Sự Thiện để con người anh trở nên thanh cao cho một tình yêu được Người chúc phúc. Thiên chúa đã không tiếc Người Con Chí Thánh của Ngài, còn điều gì nữa mà Ngài không ban cho chúng ta phải không em ? Hãy nguyện cầu và nguyện cầu liên lỉ, hãy tạ ơn và tạ ơn muôn trùng. Tất cả ân thánh sẽ tuôn ban dư tràn khi chúng ta biết làm cho ân thánh ấy nở hoa nhân đức.

Ngoảnh nhìn sen đã nở đua chen

Mẹ Maria là Đoá Sen lộng lẫy nhất của cuộc trần và Đoá Sen này đã lan toả hương thơm khiến những nụ sen nhỏ khác cũng phải lay động để nở ra sự tinh trắng của cuộc sống. Mục đích cao cả và giá trị của hoa là làm đẹp cho đời. Những đoá sen tâm linh thanh khiết đua nở làm nức lòng nhân thế và đẹp lòng Thiên Chúa.

Qua ân thánh nhiệm mầu, Mẹ Maria đã nở thơm nhân đức khiêm nhường trong sự tinh khiết vẹn toàn, để từ đó các tâm hồn yêu quý Sự Thiện cũng bừng sáng nét tinh tuyền của Thiên Chúa đã in dấu trong cuộc sống. Thật vậy nhìn lại khu vườn ân sủng, biết bao đoá sen đã đua chen mở cửa địa đàng để toả hương say ngát như Agnes, Agatha, Catharina Siena, Clara, Cecilia, Lucia, Maria Goretti, Marino, Rosa Lima, Scholastica, Theresa Hài Đồng Giêsu… Những đoá sen ấy bị va chạm, vùi dập theo bão táp sóng đời trong từng ngày của cuộc sống, nhưng tất cả đã biết nhìn lên Thiên Chúa để “Ơn Cha đủ cho con” và những đoá sen ấy đã nở ra muôn vàn sự tinh khôi trong ngần Sự Thiện. Đẹp quá phải không em ?

Ngoảnh nhìn sen đã nở đua chen

Trong vườn hoa Giáo Hội hôm nay cũng tràn đầy những trái tim mang hình Đoá Sen Tinh Tuyền của Mẹ Maria. Những tâm hồn biết gạt bỏ ý riêng để vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa, những bước chân chấp nhận đi trên con đường sỏi đá chông vênh của Sự Thiện, những bàn tay biết nâng niu giá trị của đức khiết tịnh, những trái tim chỉ sống thanh sạch trọn một đời, những ý chí can đảm biết dứt khoát cho một quyết định công chính, đều là những búp sen thanh trong và đẹp ngời không lời ca nào có thể diễn đạt trọn vẹn.

Em yêu thương ! Chính em cũng là một đoá sen nhỏ trong vườn hoa Giáo Hội và đặc biệt trong lòng của anh, khi em đã đứng thẳng giữa cám dỗ nghiêng chiều để cho anh hiểu rằng chỉ có Thiên Chúa là lẽ sống duy nhất trong đời và đức khiết tịnh là điều em hằng mong ước.

Anh thật sự cảm động và chỉ biết cảm tạ ơn Chúa đã cho anh kho tàng quý giá nhất đó là trái tim thanh sạch của em. Anh dâng em cho Mẹ Maria để trong cung lòng Mẹ, em sẽ đầy tràn hương thơm nhân đức cho cuộc đời đẹp ngời thêm một đoá sen tinh trắng.

TB: Anh đã cầu nguyện với Mẹ Maria thật nhiều cho tình yêu của chúng ta và em sẽ nhận được món quà bất ngờ trong mùa Xuân đã đến.

TRÁI TIM CỦA EM

12/02/2010
ATM

Bài 489
THI ĐÀN TỤ HỘI

Lẻ loi đốm sáng giữa đêm đen
Thoang thoảng hương thơm một cánh sen
Thi hội gọi mời, người tán tụng
Văn đàn đáp ứng, kẻ ca khen
Văn chương tán tụng Trời cao quý
Thi phú ca khen Đất mọn hèn
Quần tụ bón chăm Vườn Thánh Chúa
Hoa thơm cỏ lạ nở đua chen.

Giu-se Nguyễn văn Sướng
suongoc5254@gmail.com

Bài 490
SỐNG GIỮA ĐỜI

Sống đời bao cảnh trắng pha đen
Vững chí bền tâm tựa đóa sen.
Phú quý tưởng như làn gió thoảng
Cao sang nào khác bóng mây khen.
Chuyện đời thay đổi theo năm tháng
Ai biết ngày mai đoán trọng hèn.
Bền bĩ tu tâm hồn thánh thoát
Vui tươi mạnh khỏe chẳng bon chen.

Matthias Mai Văn Thành

Bài 491
NGUYỆN THEO KHIẾT TỊNH

Cuộc đời vinh nhục rõ trắng đen
Thế tục đầm lầy mấy đoá sen
Tiếng gọi thanh tao mời khấn hứa
Ðáp câu trinh khiết trả lời khen
Khen thay ai tấm lòng trong trắng
Phúc đức kẻ thân phận mọn hèn
Suốt kiếp ước nguyền theo khiết tịnh
Mặc tình nhân thế mãi bon chen

Trần Mạnh Tiến
frtran@hotmail.com

Bài 492

Trần gian tội lỗi đầy gương đen
Muốn giữ cung lòng đẹp tựa sen
Cầu nguyện Mẹ thương cầu nguyện mãi
Hát ca ơn Mẹ hát ca khen
Mẹ ban ơn gọi sống trinh khiết
Con nhận hồng ân thoát tính hèn
Gìn giữ tâm hồn ao ước thánh
Ươm trồng nhân đức nở đua chen.
Nguyễn Thị Thanh Mai
mariathanhmai@gmail.com


bài 493

Con hằng khao khát tránh bùn đen
Nguyện giữ tâm hồn tựa đoá sen
Thanh thoát tinh tuyền thanh thoát trọn
Khiết trinh vẹn sạch khiết trinh khen
Mẹ thương chúc phúc sống cao quý
Con đón ơn thiêng thoát thấp hèn
Gìn giữ hôn nhân luôn thánh đức
Ước ao hạnh phúc nở đua chen.

Nguyễn Thị Thanh Mai
mariathanhmai@gmail.com

Bài 494
VÀI CẢM NHẬN VÀ CHIA SẺ
KHI ĐỌC BÀI THƠ “SEN GIỮA LẦY” CỦA LM. TRĂNG THẬP TỰ

“Trong đầm gì đẹp bằng sen…
…Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” (Ca dao)

Ở đây là “Sen giữa lầy”. Bùn-Lầy là nơi chốn dơ bẩn, nhầy nhụa. “Bùn” thường gợi mùi hôi tanh đặc trưng. “Lầy” chỉ trực giác, cái mình nhìn thấy lầy lội, nhớp nhúa, đầy cám dỗ (sa lầy). Cùng một đề tài xưa cũ “Sen trong đầm”, nhưng tác giả đã sáng tạo ra một cách tiếp cận khác, không theo lối mòn (=bùn), mà vẫn giữ được nguyên nội dung muốn đề cập. Vì thế mà trong suốt bài thơ chúng ta không thấy nói đến “mùi”, ngay cả mùi hương thơm của hoa sen - một điều gần như bắt buộc trong thơ cũ khi nói về loài hoa này, mà chỉ thấy những hình ảnh trực giác: “thanh thoát”, “trong trắng”, “nở đua chen”… Cách tiếp cận đề tài cũ bằng con đường mới này khá độc đáo, cho thấy bản lĩnh, sự tìm tòi, trải nghiệm cũng như tinh tế của tác giả. Cũng như khi dùng lối thơ đường luật (thất ngôn bát cú) để nói về một thời sự nóng bỏng của thời hiện đại: sự khiết tịnh của bạn trẻ, hẳn tác giả cũng đã đặt niềm tin tưởng vào những đột phá giúp khai mở vấn đề một cách mạnh dạn mà vẫn không kém phần thú vị.

Mở đầu bài thơ, tác giả đưa chúng ta trở về vườn Địa Đàng của thời sáng thế trong Kinh Thánh. Chúng ta tưởng sẽ gặp A-đam E-và đang e thẹn đứng nấp trong một lùm cây nào đó, vì đã trót ăn thứ trái cây bị cấm. Nhưng không, chúng ta vô cùng ngạc nhiên đến phải thốt nên lời khi trước mắt chúng ta hiện ra một “đóa hoa sen” vô cùng thanh khiết, siêu thoát – là biểu tượng cho sự khiết tịnh vô song của một con người, đối lập với tội lỗi ô uế mà ông bà nguyên tổ đã gây nên, làm liên lụy đến cả nhân loại:

Về thăm vườn cũ thuở Ê-đen
Thanh thoát ô kìa một đóa sen.

Sự ngạc nhiên gợi mở cho chúng ta lần giở những trang Kinh Thánh thời sáng tạo, và chúng ta đều biết A-đam và E-và được Thiên Chúa tạo dựng, yêu thương, cho sống trong cảnh hoan lạc vườn Địa Đàng. Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người trong thân phận một nhân tính đã bị chi phối bởi tính dục. Một tính dục có khác biệt (nam/nữ) và khát khao mạnh mẽ, tất cả được đặt trong một trật tự hợp lý, hài hòa theo sự khôn ngoan an bài của Đấng Tạo Thành. Nhưng ông bà nguyên tổ loài người đã phản bội Thiên Chúa, nghe theo lời Con Rắn Già là Ma Quỉ, ăn trái cấm, trở nên sa đọa, mất phúc trường sinh. Khi cơn cám dỗ ập đến, A-đam Evà đã cố chối bỏ thân phận nhân tính cùng với tính dục đã được tặng ban, để khát mơ trở nên “như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St, 3,5), được ngang bằng với Thiên Chúa. Ông Bà đã đánh mất sự trong trắng, xúc phạm đến đức khiết tịnh, khi cố làm đảo lộn trật tự nhằm chối bỏ tính dục của thân phận làm người. Khi con người cố làm đảo lộn trật tự nhằm xóa bỏ lằn ranh khác biệt giữa Thiên Chúa và tạo vật, khác biệt giữa các cây “được phép” và cây “bị cấm”, họ không thể đi đến gặp gỡ Thiên Chúa. Bao lâu còn mang thân phận con người có tính dục, thì con người luôn phải cần những “vùng cấm”, để duy trì trật tự hài hòa và làm thăng hoa các giá trị nhân bản.

Lời hứa ban Đấng Cứu Độ-Tin Mừng đầu tiên đã lóe sáng ngay sau khi ông bà nguyên tổ bất trung với Thiên Chúa: Ngài đã đặt mối thù giữa người đàn bà và Con Rắn là ma quỉ, và dòng dõi con người sẽ đạp dập đầu Con Rắn (St 3,15). Từ đây, ta biết Người đàn bà-Đóa hoa sen đó chính là Đức Trinh Nữ Maria.

Giữa bóng đen của tội nguyên tổ, đóa hoa trinh khiết Maria vươn lên có sức lay động, mời gọi, vừa tha thiết, vừa cấp bách. Điệp từ “trong trắng” được lập lại hai lần thể hiện sự thôi thúc, một sự thôi thúc chân thành:

Trong trắng giữa lầy trong trắng gọi

Đức Maria mời gọi ta điều gì? Là một thiếu nữ bình thường, nết na, đức hạnh như bao thiếu nữ khác trong làng quê Nadarét, Maria đã quyết định giữ mình trinh khiết trọn đời. Khi Sứ thần truyền tin, cô đã thưa: “…tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1,34). Maria trở nên mẫu gương đời sống khiết tịnh. Các bạn trẻ ngày nay được mời gọi can đảm dấn thân sống bậc đồng trinh hay độc thân của đời thánh hiến-linh mục và tu sĩ- là những cách sống trổi vượt để sẵn sàng dâng hiến cho Thiên Chúa trọn cả tâm hồn. Người trẻ dâng mình cho Chúa trong ơn gọi thánh hiến để toàn tâm toàn ý lo việc Chúa thật là nét đẹp thánh thiện, cao quý!

Nhưng thật lạ lùng, Maria đã được Thiên Chúa sủng ái, trao cho một nhiệm vụ đặc biệt, trong khả năng tự nhiên của Mẹ là phụ nữ: đó là Mẹ được chọn làm Mẹ của Đấng Cứu Độ, vì theo lời ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa đã muốn Con mình sinh ra bởi Mẹ đồng trinh (Is 7,14). Chúa Quan Phòng đã can thiệp cách kỳ diệu để liên kết hai linh hồn thánh thiện Maria – Giuse trong quan hệ hôn nhân, mặc dầu hai người đã quyết tâm giữ đức trinh khiết trọn đời. Và Mẹ đã sinh Chúa Giêsu là do quyền phép Đức Chúa Thánh Thần. Dù sống trong bậc nào, độc thân đồng trinh hay lập gia đình, Đức Maria cũng là khuôn mẫu sống khiết tịnh, Mẹ đón nhận ơn gọi của mình không mù quáng, cũng không theo cách khiên cưỡng, nhưng với ý thức sáng suốt về nhiệm vụ của mình và tự do quyết định đi theo ý muốn của Thiên Chúa (x.Lc 2,26-38).

Ngày nay, đứng trước những vấn nạn đang đặt ra cho các bạn trẻ: vấn đề “sống thử”, “góp gạo thổi cơm chung”…, những hành vi như thủ dâm, khiêu dâm, mại dâm, các hành vi đồng tình luyến ái.v.v., đòi hỏi các bạn phải sáng suốt không mù quáng, và tự do quyết định đi theo hoặc không đi theo những hành vi đó, những hành vi đều là những tội chính phạm đến đức khiết tịnh, vì đã đi ngược lại tự nhiên, mang lại những hậu quả đáng tiếc cho đời sống hiện tại của các bạn trẻ và ảnh hưởng đến tương lai lâu dài không lường hết về vật chất lẫn tinh thần, như dẫn đến hậu quả nạo phá thai, ngộ nhận về tình yêu, hôn nhân bất đắc dĩ. v.v. Chúng ta hãy nghe Giáo Hội dạy về vấn đề này: “Khiết tịnh là sự điều hợp thành công tính dục trong con người. Tính dục thực sự nhân bản khi được hòa hợp cách đúng đắn trong liên hệ giữa người với người. Khiết tịnh là một nhân đức luân lý, một ơn lộc của Thiên Chúa, một ân sủng, một hoa trái của Chúa Thánh Thần” (Bản Toát yếu sách giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 488).

Tiếp tục với mạch thơ, cách đối từ đối ý khá chuẩn trong hai câu 3 và 4, cùng với các điệp từ “trong trắng”, “lặng thầm” tạo cho người đọc một chút lắng đọng, suy tư. Không biết trong chuyến hành hương đoan hứa khiết tịnh, các bạn sinh viên có di chuyển bằng thuyền (sõng) trên đầm lầy hay không, nhưng hình ảnh những chiếc thuyền nhỏ đang “lặng thầm” rẽ lướt trên đầm lầy, và những người trên thuyền say sưa trầm trồ những đài sen đang khoe thanh sắc, thật sự là một hình ảnh thi vị:

Lặng thầm trên sóng lặng thầm khen

Khi biết “lặng thầm” chiêm ngắm thì “sóng lòng” mới gợn lên những thao thức trăn trở, thay đổi bản thân. Chiêm ngắm ngợi khen Mẹ Maria để thôi thúc trong lòng mình lời gọi mời hãy sống tình yêu đích thực, trong sáng, thánh thiện, biết hy sinh và tôn trọng lẫn nhau, tránh những thực trạng yêu hiện tại như yêu sớm, yêu thử, tình yêu văn phòng và lối sống chung không lập gia đình, sống chung cùng phái tính…Khi tâm hồn lắng đọng, khi thường xuyên cầu nguyện, xét mình, rèn luyện để làm chủ bản thân, các bạn trẻ mới nhận chân giá trị của khiết tịnh: Khiết tịnh thật cao quý, “không phải là một thứ mốt hủ lậu, khiết tịnh không có hại cho sức khỏe, không làm mất người yêu; giữ gìn khiết tịnh sẽ giúp tôn trọng người yêu một cách toàn diện, giúp kiên quyết nói không với mọi cám dỗ tình dục ngược ý Chúa” (x.Tuyên ngôn giữ gìn khiết tịnh trước hôn nhân của một nhóm bạn trẻ gởi đến Đại Hội Dân Chúa 2010).

Gọi mời ai giữ gìn cao quý

Muốn giữ cho được lối sống cao quý, lành mạnh quả thực với sức riêng mình không thể nào có thể giữ nổi, mà cần phải có ơn của Chúa. Một cách thức tốt và hiệu nghiệm là qua Mẹ Maria đến với Chúa. Ngợi khen Mẹ và cầu xin Mẹ thương cầu bầu cho chúng ta là những kẻ mọn hèn biết noi gương trong sạch của Mẹ, biết tin tưởng phó thác hoàn toàn vào ân sủng của Thiên Chúa:

Khen ngợi Ai thương đoái mọn hèn

Chúng ta như đang đọc lại lời kinh “Magnificat” của Mẹ:
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,…
…Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1, 46-48).

Chính Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ hồng phúc vô nhiễm nguyên tội, chính Người mới là Đấng ban ơn cho chúng ta chống chọi lại cơn cám dỗ, hầu giữ mình được trong sạch. Hãy tạ ơn ngợi khen Chúa như Mẹ! Ý thơ chuyển hướng chúng ta nhìn lên Chúa. Chính Người mới là cùng đích cuộc đời. Chính Người mới là Đấng ban ơn cho chúng ta sống cuộc đời có ý nghĩa và có ích.

Hướng tạ ơn Trời chưa nháy mắt

Tạ ơn Trời với một niềm tin tưởng tuyệt đối, không bi quan, thối chí, dù trước mắt có thể đang lắm cảnh “bùn đen” và con đường phía trước còn đang “lầy lội”. Tác giả hoàn toàn tin tưởng vào các bạn trẻ, tuổi trẻ đầy nghị lực và hướng thiện. Nếu các bạn biết đặt trọn niềm tin vào Chúa, biết nhìn lên Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội, biết sống chuyên cần cầu nguyện, năng lãnh nhận các Bí tích, thường xuyên xét mình, thực hành khổ chế tùy theo hoàn cảnh, biết sống tiết độ nhằm để lý trí hướng dẫn các đam mê, thì chẳng bao lâu các bạn cũng sẽ trở nên như những bông hoa đẹp đẽ, rực rỡ…Câu thơ kết đã thổi một luồng sinh khí lạc quan, giúp các bạn trẻ phấn khởi, tự tin hơn trên bước đường chinh phục lời đoan hứa sống khiết tịnh, với hy vọng “trăm hoa đua nở” cùng với “Đóa Hoa Sen-Maria”, thành một vườn hoa trinh khiết dâng lên trước tòa Chúa:

Ngoảnh nhìn sen đã nở đua chen

Dĩ nhiên đây là một cuộc chiến đấu cam go, vượt lên chính bản thân, “đua chen” với cuộc đời để vươn lên sống tốt, sống đẹp, sống có lý tưởng cao cả. Như loài hoa sen vươn lên giữa chốn bùn lầy, đơm hoa trinh khiết giữa cõi đời ô nhiễm.

Một điều nữa, hoa sen là một bông hoa biểu tượng của Phật Giáo, nên khi dùng hoa sen để nói về lối sống khiết tịnh, bài thơ còn mang sứ điệp rộng mở hơn nhiều, không chỉ mời gọi các bạn trẻ công giáo đoan hứa sống khiết tịnh, mà còn là lời mời gọi tất cả các bạn không cùng tôn giáo khác hãy cùng nắm tay nhau trong cuộc chiến đấu chống lại cuộc khủng hoảng của đời sống tiền hôn nhân, mà căn nguyên được xác định là do “các thứ chủ nghĩa duy vật vô thần, chủ nghĩa duy tương đối, chủ nghĩa duy khoái lạc và chủ nghĩa cá nhân” (x.Tuyên ngôn giữ gìn khiết tịnh trước hôn nhân). Đây là cơ hội để các bạn trẻ công giáo nói cho các bạn trẻ khác về đức khiết tịnh Kitô giáo, mà Đức Maria là khuôn mẫu trổi vượt. Lời nói và thực hành gương sáng của các bạn sẽ góp phần truyền giáo nơi môi trường mình đang sinh sống, học tập.

Với bài thơ thất ngôn bát cú khá chuẩn mực về niêm luật, dồi dào ý tưởng, giàu chất thơ, nhiều đột phá trong cách thể hiện, “Sen giữa lầy”- tuy là bài thơ theo thể đường luật-đã ẩn chứa được khá nhiều điều về Giáo lý-Kinh thánh khi bàn Đức khiết tịnh, một thực trạng xã hội của các bạn trẻ. Nhất là, vì là thơ, “Sen giữa lầy” đã đóng góp phần mình và kêu gọi mọi thành phần dân Chúa nỗ lực hơn nữa để đưa nền thi ca công giáo “đua nở” xứng tầm trong nền thi ca của dân tộc.

Kon Tum, ngày 12.03.2010
Lý Tân
lmsonkt@yahoo.com

Bài 495
GHI ƠN THÁNH GIA-THẤT

Tổ-Tông phạm tội trắng thành đen
Nhờ Mẹ Khiết-Trinh tựa đóa sen
Kết-hợp Giu-se cùng Khiết-Tịnh
Giữ-gìn Ấu-Chúa Thánh, Thần khen
Cứu dân khỏi tội lưu-truyền tiếp
Trong-sạch cao-sang thoát khổ, hèn
Ơn Đức Thánh-Gia thề kính nhớ
Đời đời ghi tạc, quyết tâm chen

Giuse Mai-Xuân-Trình
xuantrinhmai@yahoo.ca

Bài 496
BÀI HỌA CHO "SEN GIỮA LẦY"

Cuộc đời như một vũng bùn đen
Ô kìa, Giê Su tựa đóa sen.
Trong trắng giữa bùn sao quá đẹp
Bông trắng nhị vàng thật đáng khen.
Nhịn nhục năm dài theo Thiên Chúa
Một lòng chẳng ngại phận đê hèn.
Ơn Trời phép lạ nay ban xuống
Trong đầm nay sen nở đua chen.

NT John Thuy
thuyj@eftel.net.au

Bài 497
ĐÔNG CHIÊM

Đồng Chiêm đã biến hóa đồng đen
Giọt máu tín đồ nở đóa sen
Thánh Giá dựng lên cùng kính lạy
Mân côi lần Chuổi hợp lời khen
Đập tan Thánh Giá quân tàn bạo
Ngăn cấm giáo dân bọn thấp hèn
Càng cấm giáo dân càng phấn khởi
Đồng chiêm người đến bước chân chen

nguyenPhucnguyen13@yahoo.com

Bài 498
AUGUSTINÔ- GƯƠNG VỊ THÁNH TỪNG SA NGÃ

(Tặng các bạn “Đoan hứa khiết tịnh trước hôn nhân”& “bảo vệ sự sống”)
Thời điểm thần tượng “Nhật ký Vàng Anh” sụp đổ, những “fan” lứa tuổi “teen” với bao tình cảm ngưỡng mộ trong sáng bỗng chốc tan theo mây khói, để lại gương mặt buồn rười rượi trên đôi mắt thơ ngây. Ở một lớp học giáo lý kia, không khí lại có vẻ háo hức khi ông thầy khơi lên chuyện thần tượng.
Các bạn thân mến, những siêu sao ca nhạc, bóng đá, người ta chọn hết rồi. Sao chúng ta không chọn cho mình một vị thánh làm thần tượng nhỉ? Các bạn nghĩ thế nào? Một số thưa nào là Đức Mẹ Maria, vì còn ai tuyệt vời hơn Đức Mẹ nữa, nào là Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu vị thánh trẻ của thời đại, hay Gioan Don Bosco...Riêng mấy chàng cuối lớp, xem ra không muốn chọn thánh cả Giuse, mẫu mực cột trụ gia đình, cũng chẳng chọn các thánh tông đồ hăng say loan báo Tin Mừng, mà hăng hái giơ tay nói: Augustinô!
Tại sao mấy bạn lại chọn thánh Augustinô mà không phải các thánh khác? Một anh chàng cười cười nói rằng, vì con thấy Thánh Augustinô sướng nhất trong các thánh. Ồ, sướng nhất trong các thánh, nghĩa là thế nào? Anh bạn gãi đầu gãi tai, anh khác chêm vào: Dạ vì. ..con nghe nói thánh Augustinô được hưởng cả lạc thú trần gian và cả vinh quang trên trời ạ...Lạy Chúa tôi!...Thiện tai! Thiện tai!
******
Augustinô(354-430) sinh ở Tagaste bắc Phi, là giám mục tiến sỹ Hội Thánh, một trong những gương mặt hoán cải vĩ đại nhất của lịch sử Kitô giáo. Cha ngài là người ngoại đạo, trước khi qua đời mới được rửa tội, mẹ là thánh nữ Monica. Chính vị giáo hoàng học giả, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 27-2-2008, đã khẳng định phần đầu của thông điệp thứ nhất “Deus Caritas est-Thiên Chúa là Tình Yêu” cùng với thông thiệp thứ hai “Spe Salvi-Được cứu độ nhờ Hy vọng” được gợi hứng từ thánh Augustinô. Điều đó cũng đủ cho ta thấy tầm quan trọng của Thánh nhân trong lịch sử Giáo hội.
Thưa các bạn, cũng ở cái tuổi “đầu hai đít chơi vơi”, “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” như các bạn, với tầm hiểu biết nông cạn, tôi chẳng dám luận bàn đến những tư tưởng cao sâu của thánh nhân. Qua một vài liên hệ, bài viết này chỉ xin đề cập đến một khía cạnh rất tế nhị là tính dục, cũng là cuộc chiến đấu nội tâm của ngài.
Nhà phân tâm học Freud từng cho rằng tất cả mọi hành động của con người đều bị chi phối bởi bản năng tính dục. Nhiều người không đồng ý, vì ông đã tuyệt đối hóa mọi hạnh động của con người liên quan đến khía cạnh sinh lý mà bỏ qua những điều cốt yếu khác. Tự thuở ban đầu, khi con người chưa sa ngã phạm tội thì tính dục đã có và là quà tặng tuyệt đẹp:“... lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ"(Mc 10, 1-12). Nhiều người thường hiểu hành động nguyên tổ “ăn trái cấm” đơn giản chỉ là “ăn cơm trước kẻng”. Thực ra, nó diễn tả hành động con người kiêu ngạo bất tuân luật Chúa. Tình yêu giữa hai người nam nữ vì thế cũng trở nên mong manh dễ mất đi vẻ đẹp nguyên tuyền.
Công Đồng Vatican II xác nhận:“...Tình yêu ấy có đặc tính nhân linh cao cả vì từ một nhân vị này hướng tới một nhân vị khác bằng một tình cảm tự ý, tình yêu vợ chồng bao gồm hạnh phúc toàn diện của con người. Vì thế, tình yêu vợ chồng có thể lồng vào những biểu lộ của thân xác và tâm hồn một giá trị đặc biệt khiến chúng trở nên cao quí như những yếu tố và dấu hiệu đặc thù của tình yêu lứa đôi(.. .). Việc thực hiện chúng một cách xứng với con người, những hành vi ấy biểu lộ và khích lệ sự trao hiến cho nhau, nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn”1
“Tình yêu”, chắc chắn là hai từ được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử loài người. Nhưng xem ra, nó cũng hay bị lạm dụng:“Kitô giáo trong quá khứ bị kết án là thù ghét thân xác, và ngày nay xu hướng này vẫn còn. Thế nhưng cách tôn vinh thân xác mà chúng ta thấy ngày hôm nay chỉ là dối trá. Eros (tình ái) bị hạ giá xuống thành sex, trở nên một thứ hàng hoá, đơn giản là "đồ vật” mua bán; thậm chí, chính con người cũng trở thành hàng hoá(...). Trong thực tế, chúng ta đứng trước một sự hạ giá thân xác con người; thân xác này không còn được hội nhập vào sự trọn vẹn của tự do trong đời sống chúng ta, không còn là dấu chứng sống động của toàn bộ cuộc sống của chúng ta, nhưng bị đẩy lùi vào bình diện sinh lý thuần túy...”2
Cũng trong thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu”, đoạn 3 Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI viết: “Tình yêu giữa người nam và người nữ không xuất phát từ suy tư và ý chí nhưng thống trị con người trọn vẹn.[...].Việc không sử dụng từ eros(tình ái) và cái nhìn mới vế tình yêu nổi bật trong từ agape(tình bác ái), chắc chắn cho thấy điều cơ bản trong cái mới của Kitô giáo về cách hiểu tình yêu. Trong việc phê phán Kitô giáo, được triển khai triệt để từ thời Triết lý Ánh Sáng, điều mới mẻ này bị đánh giá cách tiêu cực. Theo Friedrich Nietzsche, Kitô giáo đã đầu độc eros; tình ái nếu không bị triệt tiêu thì cũng trở thành tật xấu...”
Nhiều người cho rằng tư tưởng “thân xác là ngục tù của linh hồn” trong học thuyết Platone, ít nhiều đã tác động lên Kitô giáo. Thế nhưng, thánh Phaolô khẳng định rằng:“Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?”(1Cr 4, 19). Khi thân xác là Đền Thờ của Thiên Chúa, thì con người được tự do hạnh phúc, không cao quý lắm sao?! Vậy mà “Nietzsche đã nhằm một cuộc cách mạng tinh thần chưa từng thấy: ông nhằm đổi lại cái bảng giá trị luân lý và xã hội; những gì người ta vẫn tôn trọng tự trước đến nay sẽ bị ông thóa mạ và lên án; tóm lại ông sẽ đặt lại và tạo ra những nhận định hoàn toàn mới mẻ về thiện và ác. [...]. Tại sao Nietzsche căm thù các tôn giáo, nhất là Do Thái giáo, Kitô giáo và Phật giáo? Thưa vì ông nghĩ rằng tôn giáo là sản phẩm của những kẻ bệnh tật, hèn yếu; những kẻ này không thể hưởng được những giá trị đích thực của đời này, nên mới tạo ra những giá trị của đời sau. Giọng nói của Nietzsche thực là hằn học. Ta thử nghe một đoạn:...chính những kẻ bệnh tật và những kẻ ốm yếu đã khinh chê thân xác và trái đất này; họ đã tạo ra những sự trên trời”.3
Với triết lý “người hùng”, ông tổ hiện sinh vô thần này đã làm lung lạc không ít thế hệ trẻ: “Có thật như thế không ? Có phải Kitô giáo thực sự thủ tiêu eros không ? Chúng ta hãy nhìn vào thế giới trước khi có Kitô giáo. Cũng tương tự như ở các nền văn hoá khác, người Hy Lạp trước tiên nhìn trong eros một sự say đắm, lý trí bị một sự "điên dại thần bí" thống trị, bứt con người ra khỏi hiện thực hạn hẹp của mình và trong tình trạng bị quyền lực thần linh này thống trị, sẽ đưa họ đến cảm nghiệm sự diễm phúc cao độ nhất. Tất cả các quyền lực khác giữa trời và đất đều trở thành thứ yếu:''Omnia vincit Amor”(tình yêu vượt thắng tất cả), đó là câu nói của thi sĩ Virgile trong tập Bucolica. Và ông còn thêm: ''Et nos cedamus amori”(và cả chúng ta hãy khuất phục trước tình yêu). Trong các tôn giáo thái độ này ẩn tàng trong các hình thức phụng thờ sự phong phú về mặt sinh sản; việc "mại dâm thánh" nở rộ trong các đến thờ cũng thuộc về thứ phượng tự này. Eros được cử hành như một sức mạnh thần linh, như một sự kết hợp với thần linh¬.4
Sở dĩ: “Cựu Ước kiên quyết chống lại hình thức tôn giáo này, vì xem đó như một thứ cám dỗ mạnh mẽ chống lại niềm tin độc thần và như một thứ lệch lạc tôn giáo. Dù vậy, Cựu Ước không phủ nhận eros theo đúng ý nghĩa của nó, nhưng chiến đấu chống lại hình thức hủy hoại của nó. Vì sự thần thánh hoá eros cách sai lệch, diễn ra ở đây, làm mất đi phẩm giá của nó và chà đạp con người. Các cô gái điếm trong đền thờ, phải đem lại sự say sưa thần thánh, lại không được đối xử như con người và nhân vị, nhưng phục vụ như các đối tượng để đem lại "cơn điên thần bí": trong thực tế, họ không phải là các nữ thần, nhưng chỉ là những con người bị lạm dụng. Vì thế eros vô luân và điên đảo không phải là sự vươn lên, "ngất trí đến với thần linh", nhưng là sự sa đọa của con người. Rõ ràng, eros cần sự thanh luyện, để nó không chỉ đem lại cho con người chút khoái lạc chóng qua, nhưng là một sự nếm trước đỉnh cao của cuộc sống - một thứ diễm phúc mà cuộc dời chúng ta hướng đến”(4)
Âu cũng là điều dễ hiểu, bởi chính “vị thánh thần tượng” kia, khi được ơn trở lại cũng đã thú nhận những sa ngã thời trai trẻ:“Tôi đã đi đến chỗ không thể quay trở lại. Lời Chúa đã đi vào nội tâm linh hồn tôi. Tôi cảm thấy Chúa đang bao bọc tôi tôi không còn con đường nào trốn chạy được nữa. Tôi không còn hồ nghi sự sống đời đời của Chúa, cũng như liên hệ giữa một hữu thể vật chất và linh thiêng. Tôi đã trở lại tù trong lòng tôi. Tôi không còn tìm ra chứng cớ nào chống lại chân lý. Nhưng trong cuộc sống trần gian thì chưa giải quyết được truyện gì. Trái tim tôi vẫn còn bị ảnh hưởng xấu do thế gian và xác thịt. Càng cố gắng tôi càng không thể tưởng tượng cuộc sống không có dục tình. Tôi không tìm thấy lỗi lầm gì nơi Ðấng Duy nhất là đường, là Ðấng Cứu độ thế gian nhưng tôi không thể lôi kéo mình theo cửa hẹp đưa đến sự sống...” 5
Đó là giai đoạn ngài du học tại Carthage, khi chỉ mới có 17 tuổi, Augustinô đã dan díu với một cô gái. Một năm sau cô mang thai và sinh ra người con tên là Adeodatus. Đôi khi ngài khinh bỉ mình về chuyện đó, nhưng ngài thấy mình không thể sống mà thiếu bồ. Ngài đã trung thành với cô này hơn chục năm trời, thế rồi khi quyết định lấy vợ thì lại chọn cô khác:“Nếu tôi lấy vợ danh giá thì tôi phải bỏ người tình. Khi giải thích điều đó cho nàng thì nàng rất khó chịu. Nàng không thể tin rằng tôi nhẫn tâm để nàng ra đi. Nàng cản thấy tôi đã xử tệ với nàng (như tôi đã làm) và thề sẽ không bao giờ biết đến đàn ông nữa. Nàng trở về Phi châu để lại thằng con nhỏ tuổi ở lại với tôi ở Milan. Tôi cũng cảm thấy bị thương tổn sâu xa nhưng phản ứng của tôi hoàn toàn trái ngược. Thấy còn những hai năm nữa mới lấy vợ và không thể tưởng tượng có thể giữ mình trong hai năm đó nên tôi kiếm cô bồ khác. Ðây là một kinh nghiệm đớn đau như những cố gắng khác trong thời gian đó, đi tìm khoái lạc xa cách Thiên Chúa. Nỗi đau xa cách người tình cũ mà tôi còn yêu càng ngày càng mãnh liệt chứ không yếu đi. Ðây là nỗi đau đớn tái tê chó má làm cho hỏng mất mọi mưu toan muốn thay thế nàng bằng những liên hệ khác”6. Xuân Diệu cùng từng đồng cảm với chàng Augustinô: Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào!
Xã hội ngày càng bị tục hóa, tính dục ngày càng bị khai thác tối đa, ít nhiều vô tình làm hoen ố tâm hồn giới trẻ ngay từ thuở mới lọt lòng mẹ. Con người từ nhân vị có tự do, biến thành thứ đồ chơi, nô lệ. Tuy nhiên khi con người càng đánh mất mình thì càng khắc khoải kiếm tìm. Tại sao tôi sống? Sống để làm gì? Đời chỉ có thế thôi sao? Triết gia người Áo, FRANKL, Viktor nói:“Đời sống con người là một sự kiếm tìm ý nghĩa bởi vì mỗi cuộc đời con người luôn luôn có một ý nghĩa”. Khi đã đặt vấn đề tại sao tôi sống, thì đồng thời cũng phải hỏi tôi phải sống như thế nào. Trong làng triết học hiện sinh, hay dùng từ “buồn nôn”-“ La nausée” tác phẩm cùng tên của Jean Paul Sartre, để chỉ“...cảnh sống của những người chưa vươn lên tới mức đích thực, còn cam sống như cây cỏ và động vật. Khi tôi sực tỉnh giấc phóng thể, khi tôi ý thức về địa vị và thiên chức làm người của tôi, tôi tự thấy nôn nao vì cuộc đời súc vật của tôi trước đây: tôi đã chỉ lo sống, lo ăn, lo mặc, lo cho mình đủ tiện nghi. Tóm lại, một số con người ta còn sống như sinh vật. Và sống như sinh vật là một buồn nôn cho những triết gia đã ý thức sâu xa về nhân vị con người”.7
Trước thảm kịch phá thai ngày càng gia tăng, đặc biệt nơi thanh thiếu niên, những người bình thường không khỏi rùng mình ghê sợ, muốn nôn mửa khi nghe tên con phố được gọi là “Chợ Nạo Thai”8. Không biết, nếu Sartre ở Việt Nam thì sẽ gọi nó bằng gì? Có lẽ gọi là “bãi mửa” cũng quá lắm rồi! Nhưng thật đáng thương hơn đáng trách bởi họ trước tiên là những nạn nhân của sự suy đồi. Hơn ai hết, họ đang phải gánh chịu nỗi đau đớn thể xác, giằn vặt tinh thần khi đường cùng lê bước đến con phố ấy. Rất có thể, chỉ vì những thành kiến gia đình và xã hội, mà vô tình đẩy không ít người trong số họ, từ sự lầm lỡ đến tội ác. Bên cạnh đó, ta cũng phải xót xa nhìn nhận hoàn cảnh một số “nàng Kiều đứng đường” vì miếng cơm manh áo. Đồng thời cũng không thể phủ nhận hậu quả của một lối sống đua đòi muốn khẳng định mình là sành điệu, sống thử để biết mùi đời. Ôi sống thật còn chưa xong huống chi là “sống thử” em ơi!
Trước thảm trạng này, “đoan hứa khiết tịnh trước hôn nhân” là sự vươn lên làm người đích thực, có nhân vị và tự do. Tuy nhiên, đoan hứa cũng là chấp nhận lội ngược dòng đời. Điều đó không dễ chút nào. Đức Giêsu dạy:“Tinh thần thì nhanh nhẹn, xác thịt nặng nề yếu đuối”(Mc 14,38). Thánh Phaolô cũng cảm nghiệm sâu sắc về sức mạnh sự dữ trên ý chí và tự do của ngài:“... Việc tốt tôi muốn, tôi không làm, trong khi điều xấu tôi chẳng hề muốn, thì tôi lại làm.”(Rm 7,15–19). Cụ thể hơn là kinh nghiệm của Augustinô:“...Thực ra từ khi còn nhỏ tôi đã xin Chúa sự trong sạch. Nhưng tôi hay thêm điều kiện “Lạy Chúa xin cho con tiết độ nhưng đừng cho ngay”. Tôi sợ Chúa trả lời ngay và giải thoát tôi ngay. Ðiều tôi muốn là làm sao cho ứ tràn dục tình(...).Tôi điên khùng không quyết định nữa vì tôi không chắc con đường nào là đường chính mình phải theo. Lúc này tôi ở vị trí này, hoàn toàn chắc chắn về con đường, xác tín về chân lý, thế mà còn do dự cầu nguyện là “Lạy Chúa xin làm cho con nên thánh…nhưng xin đừng làm ngay.”9
Như vậy, “Đoan hứa khiết tịnh trước hôn nhân”, có lẽ còn khó hơn đi tu, bởi đi tu với lời khấn thì ít ra đương sự cũng đã xác định lý tưởng và đối tượng cho cuộc đời rồi. Nhưng đó là giải pháp tuyệt vời nhất cho thảm trạng nói trên. Mặt khác, nó tránh được những dịch bệnh nguy hiểm, bảo đảm hạnh phúc gia đình. Giữa trăm ngàn lạc thuyết cùng những “cám dỗ ngọt ngào” xô đẩy, con thuyền đời buông lái biết trôi về đâu?! Dù sao thì cũng không thể chối bỏ bản chất con người có tôn giáo tính (Aristotle). Nói cách khác, tâm hồn con người luôn khao khát tới vô biên, và chỉ có Đấng là Cội nguồn và Cùng đích chân thiện mỹ mới có thể lấp đầy khoảng trống ấy. Một khi không nhìn nhận hoặc chối bỏ Thiên Chúa thì đồng thời người ta cũng tạo ra một thứ “thượng đế” cho riêng mình, hoặc tự tôn mình là chân lý. Một thời người ta tuyên bố “Thượng Đế đã chết” và “Tôn giáo là thuốc phiện mê dân”:
“Hỡi Nietzsche, tư tưởng của người đã quay tròn theo tiết điệu trời đất, sáng trưa, đêm, ngày, rồi sáng, trưa, đêm, ngày, từ xuân, hạ, thu, đông, cứ quay tròn triền miên, SỰ TRỞ VỀ VĨNH CỬU, Le Retour Eternel. Chính sự Trở Về Vĩnh Cửu ấy đã giết Thượng đế. Và THƯỢNG ĐẾ ĐÃ CHẾT. Dasz Gott tot ist! (...) Không có chân lý, chính mình là chân lý, chỉ có mình mới là chân lý, tất cả những chân lý khác đều là ảo tưởng...”10
Theo dòng lịch sử, loài người từ sự ngỡ ngàng đến khám phá ra có một vũ trụ hữu hình bao la kỳ diệu, đồng thời cũng nhận thức có một “thế giới bên kia” vô hình huyền diệu. Những phát minh khoa học đáp ứng được nhiều nhu cầu của thời đại, con người ngày càng tin tưởng hơn vào tài trí thông minh của mình có thể nhận thức và làm chủ thế giới. Nhưng trước thực tại từ vô cùng lớn đến vô cùng nhỏ, những khám phá của con người cũng chẳng khác nào mấy thầy bói mù xem voi. Người sờ được chân voi, hớn hở kết luận con voi cũng như cái cột nhà; kẻ sờ tai thì vội vàng cho nó giống như cái quạt; kẻ khác sờ vòi, thất vọng quy kết voi cũng chẳng khác nào con đỉa hút máu cực lớn...Cũng phải thôi, bằng chứng thực nghiệm tay sờ, mũi ngửi nên ai cũng khẳng định mình đã nắm được chân lý. Nhưng kỳ thực, đó chỉ là những “mẩu chân lý”! Nếu ghép những “mẩu chân lý” ấy lại, cũng không thành con voi được. Thế mà đám thầy bói mù đã tranh cãi nhau bất phân thắng bại. Cũng vậy, một khi tuyên bố “Thượng Đế đã chết”, và kết án tôn giáo chỉ là mớ luật lệ trói con người, rồi tự xưng “chỉ mình mới là chân lý” thì có quá hồ đồ chăng, hỡi “những siêu nhân”?!
Ngược lại, cũng một trong những ông tổ hiện sinh là triết gia Kierkegaard đã khiêm tốn nhìn nhận rằng:“tôi chỉ thực sự là tôi khi tôi ở trước nhan Thiên Chúa; tôi càng cảm thấy mình ở trước nhan Thiên Chúa thì tôi càng là tôi hơn”.11
Khi Augustinô vào một khu vườn để suy tư, thì nghe có tiếng hát “cầm lấy đọc đi, cầm lấy đọc đi” ngài vội cầm lấy cuốn thư của thánh Phaolô trong tay, và đọc đúng ngay đoạn:"Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Đức Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng…" (Rm 13,13-14). Augustinô hiểu rằng đó là lời Chúa muốn nói với ngài. Thế là tối tăm của ngờ vực tan biến và ngài cảm thấy hoàn toàn tự do hiến mình cho Chúa Kitô. Dầu được uống sữa từ người mẹ đạo đức nhưng phải đến năm 33 tuổi, Augustinô mới lãnh nhận phép rửa tội. Ơn Chúa đã trả công xứng đáng cho người mẹ suốt mấy chục năm trời kiên trì cầu nguyện:“Tôi bắt đầu nhớ lại mẹ tôi khi tôi còn nhỏ: bà luôn đạo đức hiền dịu và săn sóc. Rồi tôi lại khóc...Dĩ nhiên tôi còn nhớ cuộc sống đạo đức của bà và niềm tin mạnh mẽ của bà, nhưng tôi cũng phải nhớ lại bà cũng như mọi người chúng tôi là một tội nhân và niềm hi vọng duy nhất được lên trời là qua sự tha thứ có được trên thập giá du chính Con Thiên Chúa, đang ngự bên hữu cha và cầu bầu cho ta”.12
Bên cạnh đó cũng phải kể đến thánh Ambrosô: “Anh em biết tôi cảm phục giám mục Anbrose như thế nào, vì nhờ người Chúa đã giải thoát tôi khỏi lầm lạc dẫn tôi đến ơn cứu độ và phép rửa... Nếu ngài bảo chỉ có người có lòng trong sạch mới thấy Chúa thì có những kẻ khác không thấy Chúa: những kẻ không xứng đáng, người không trong sạch và người không thực sự muốn thấy Ngài. Nhưng người trong sạch trong lòng sẽ thấy ngài và không chỉ trong ngày sống lại. Họ thấy ngài khi ngài đến và ngự trong lòng họ, tại đây và lúc này. Vì thế ta hãy thanh tẩy tâm hồn và dọn phòng cho người để ngài có thể mở mắt và ta thấy vinh quang ngài”.13 Sau phép rửa tội, ngài tiếp tục hành trình hoán cải qua việc trở về Phi châu và thành lập một tu viện nhỏ sống đời chiêm niệm và nghiên cứu. Rồi ngài được thụ phong linh mục để thực sự sống với Chúa Kitô và cho Chúa Kitô trong sự khiêm tốn phục vụ anh chị em. Năm 395, ngài được tấn phong Giám mục.
Thánh nhân có quá khứ, tội nhân có tương lai(tác giả?). Augustinô là một minh chứng hùng hồn cho điều đó. Cuộc đời ngài là sự khắc khoải kiếm tìm chân lý, vật lộn giữa hai thực tại thiêng liêng và xác thịt:"Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con hướng về Ngài, tâm hồn chúng con khắc khoải bao lâu chưa được nghỉ yên trong Chúa”. Câu nói thời danh này đã quá quen thuộc nhưng khi đặt vào cuộc đời ngài, ta mới thấm thía thế nào là khắc khoải:“...Tôi thấy tập quán xấu rất tệ hại, một thứ luật của tội lỗi có thể làm cho tâm trí con người chống lại ý chí. Chúng ta phải trá giá quá đắt khi sa vào tội lỗi với ý thức. Như vị tông đồ đã viết “khốn khổ cho tôi, ai sẽ giải cứu khỏi thân xác hay chết này? Tôi biết như ngài biết, chỉ có câu giải đáp là ơn của Chúa Giêsu Kitô”.14
Chúa Giêsu từng tuyên bố với những người kiêu ngạo tự coi mình là công chính, không cần ăn năn sám hối:"Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông." (Mt 21,32). Chỗ khác Người bảo: "Tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn"(Lc 15:7). Tình thương của Thiên Chúa thật lạ lùng, bởi vì Chúa Giêsu đã nói: “... Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư nát” Lc (19:1-10). Thực vậy, “Khi hoán cải trở về với Chúa Kitô là chân lý và tình yêu, thánh Augustinô đã theo Chúa Kitô trong suốt cuộc đời và trở thành mẫu gương cho tất cả mọi người chúng ta trong việc kiếm tìm Thiên Chúa(...).Ngày nay cũng như vào thời thánh Augustinô, nhân loại cần biết và sống thực tại nền tảng này: Thiên Chúa là tình yêu và gặp gỡ Chúa là câu trả lời duy nhất cho các âu lo của trái tim con người, một trái tim có niềm hy vọng trú ngụ, có lẽ còn tối tăm và vô thức nơi nhiều người, nhưng đối với Kitô hữu chúng ta thì nó đã mở hiện tại cho tương lai, đến độ thánh Phaolô viết “Trong niềm hy vọng chúng ta đã được cứu rỗi” (Rm 8,24)...”15.

Đình Chẩn,
Dinhchan973@gmail.com
13.03.2010

Tài liệu tham khảo:
1. Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 49
2. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Deus Caritas est-Thiên Chúa là Tình Yêu, số 5
3. Ts Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, Nxb Văn Học, tp HCM 2005, tr. 116-131
4. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Deus Caritas est-Thiên Chúa là Tình Yêu, số 4.
5. St Augustinô, Tự Thuật, chương V, 23, “Những bước đi sau cùng: sức mạnh của chứng từ”
6. St Augustinô, Tự Thuật, chương IV, 19. Khi thân xác làm chủ tinh thần: theo đuổi hôn nhân
7. Ts Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, Nxb Văn Học, tp HCM 2005, tr. 42
8. Xin đọc loạt bài trong mục Bảo vệ sự sống: http://huongvedaihoidanchua.net/baovesusong/index.1.html
9. St Augustinô, Tự Thuật chương V, 25 “Hãy làm cho con nên thánh nhưng xin đừng làm ngay”
10. Phạm Công Thiện, Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học, nxb Lá Bối, Sài Gòn 1965, tr. 635-646
11. Ts Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, Nxb Văn Học, tp HCM 2005, tr. 66
12. St Augustinô, Tự Thuật, chương VI, 32 Buồn sầu và tin
13. St Augustinô, Tự Thuật, chương VII, 41. “Người trong sạch trong tâm hồn thấy Chúa”
14. St Augustinô, Tự Thuật, chương V 24. “Vòng xích sắt”
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Buổi tiếp kiến sáng thứ tư 27-2-2008 (link 1)

Bài 499
DÕI LỐI MẸ HIỀN

Một bông hoa nở giữa bùn đen
Tỏa ngát hương thầm ấy đóa sen
Dáng ngọc thanh cao Trời chúc phúc
Nét duyên tinh khiết đất mừng khen
Nhủ lòng theo đuổi đời trinh bạch
Quyết ý tránh xa chuyện thấp hèn
Dõi lối Mẹ hiền con tiến bước
Sống đời thanh tịnh chẳng bon chen

Khôi Nguyên
khoibanme@yahoo.ca

Bài 500
GƯƠNG MẸ THEO ĐÒI

Sống giữa bể dâu lẫn trắng đen
Làm sao giữ được giống y sen
Hồn trong như ngọc mọi người quý
Thân sáng tựa gương ai nấy khen
Quyết chẳng xuôi theo đường tội lỗi
Tịnh không vương vấn nẻo hư hèn
Gần bùn mà vẫn luôn thanh khiết
Gương Mẹ theo đòi đua với chen

Khôi Nguyên
khoibanme@yahoo.ca