Giáo xứ Bảo Long, Hà Nội – hiệu quả của Chúa Phục Sinh

Hằng năm vào những ngày này, ngày 10/4 - 20/04. đặc biệt năm nay Năm Thánh của Giáo hội Việt nam, tất cả cộng đoàn giáo xứ nô nức đón mừng Con Thiên Chúa Phục Sinh và đã tổ chức kỳ thi giáo lý kinh bổn mùa chay năm 2010. Niềm vui cộng với niềm tin tưởng vào Chúa Phục Sinh ở nơi “rồng quý” này có được như ngày hôm nay phải chăng là do thành quả của người đời, hay của xã hội nào đó ban cho?; chắc chắn phải được thừa hưởng bởi một truyền thống tốt đẹp bao đời mà các đấng truyền giáo đã để lại. Cội nguồn của truyền thống ấy, thành quả ấy không ai khác chính là nhờ vững một niềm tin tưởng, phó thác nơi Chúa Kitô Phục Sinh.

Mùa phục sinh năm nay niềm vui lại được nhân lên khi mà giáo xứ đang được một vị chủ chăn khôn ngoan, và được gọi là người nổi tiếng, mà nổi tiếng thật; đó là Cha Giuse Phạm Minh Triệu. Ngài ưu ái quan tâm tới từng gia đình, từng hội đoàn, các con thiếu nhi. Thật là hồng ân mà Chúa đã và đang đổ xuống trên con người nơi đây. Xứ Bảo Long là một giáo xứ lớn của giáo phận Hà Nội, lớn cả về địa lý, cả về con người; tổng số giáo dân trong giáo xứ là 3700 ở rải rác trong 13 họ đạo. Được sự hướng dẫn của Cha xứ, chương trinh học giáo lý kinh bổn mùa chay được thực hiện, cộng với sự nhiệt tình hưởng ứng của Ban Chấp Hành giáo xứ, giáo họ, đặc biệt hơn là các gia đình cũng cùng nhau chung nhất một niềm, thi đua phấn khởi học. Ngày thi đã đến thật là phấn khởi, nhưng cũng không trách khỏi nỗi lo; lo vì không biết giáo họ mình có thuộc nhiều không, lo vì gia đình mình, lớp mình, tổ mình có đạt như mong muốn không?. Mọi nỗi lo ấy cũng mong manh và thoang biến mất khi mà những tiếng trống của ngày thi vang lên ghi nhận những thành quả học hành của những ngày miệt mài. Thật là một niềm vui không sao diễn tả trên từng khuôn mặt của những cụ già, bé thơ. Tiếng cười thật dòn dã được vang lên bởi những điều tốt đẹp đã nhận được do chính công lao và sự cố gắng của mình.

Ngày đầu diễn ra kỳ thi, Ban Chấp Hành giáo xứ, các ông trùm, ông bà quản giáo, là những con người đi tiên phong trong việc học kinh bổn mùa chay, hôm nay cũng phải đối diện với ban giám khảo là cha Phó và tất cả cộng đoàn giáo xứ là những khán giả nhiệt tình trong kỳ thi. Kết thúc ngày thi thành quả cũng không kém một hội đoàn nào trong giáo xứ. Thật xứng đáng là tấm gương sáng cho con cháu. Kỳ thi cấp giáo xứ đã hoàn thành với kết quả thu được cũng không nhỏ. Trong kì thi kinh bổn cấp giáo xứ có 116 lớp, đặc biệt trong số đó có 48 lớp gia đình (Ông bà, con, cháu). Và đã tuyển chọn được 102 lớp ưu tú để tham dự kỳ thi cấp giáo miền. (Xuân Bảng, Đồng Đội, Phú Thứ, Bảo Long, Trại Mới, Lập Thành). Lại tiến một bước nữa trong kỳ thi.

Ngay sau những ngày thi cấp giáo xứ xong, ngày 17/04/2010, Cha Phó xứ Giuse cùng với ban chấp hành giáo xứ không dấu nổi niềm vui và thể hiện ngay bằng việc tổ chức giã bánh dầy, quây quần bên Cha phó Giuse có BCH giáo xứ và rất đông anh em thanh niên, tay trong tay làm nhanh nhưng tấm bánh thật ngon, thật đẹp. Tấm bánh được làm ra bởi hạt gạo quê hương, bởi những lao công mà chính người dân nơi miền quê chất phác.

Ngày thi cấp giáo miền đã đến, Chúa nhật 18/04/2010, từng đoàn, từng hội, từng gia đình. Với gói hành trang kiến thức giáo lý mang theo, cùng nhau trên chuyến xe từ Bảo Long – Xuân Bảng. Với quãng đường dài nhưng đầy tiếng cười như coi đây là cuộc hành hương vậy, khác hẳn với tâm trạng của những thí sinh đang khắc khoải với kỳ thi. Vinh dự thay với 102 lớp tham gia đã mang về chiếc cúp danh dự cho giáo xứ. “Thật là tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau”.

Kỳ thi kết thúc nhưng vẫn vang vọng đây đó: “sao mà tuyệt vời vợi, sao giỏi thế”. Hẳn đây là một nỗ lực không ngừng nghỉ của những người có niềm tin vào Chúa Phục Sinh, niềm tin được thực hiện qua thái độ sống, qua quá trình đào luyện kiến thức về Kinh Thánh. Tất cả những thành quả ấy, tất cả những kiến thức ấy không ai có thể phủ nhận bởi Chúa. Thật là đạo đức và thánh thiện khi nhận thấy nơi một giáo xứ hay rất nhiều giáo xứ trong giáo phận cũng có truyền thống đạo đức bao đời, nơi những con người chân chất, thật thà. Không ai khác, không người nào nhưng là chính họ đã cộng tác với ơn Trời mà làm nên thành quả đạo đức tốt đẹp đó.