Phái đoàn Linh Mục và Giáo Dân Sàigòn hành hương Israel

Tối ngày 22/4/2010, một đoàn gồm 10 linh mục và 32 giáo dân Sài Gòn đi hành hương Israel đã trở về sau 9 ngày rong ruỗi trên đất thánh. Đây là cuộc hành hương không mang tính cách du lịch mà có tính chất trở về cội nguồn Kitô giáo.

Đúng với ý nghĩa của chuyến đi, các linh mục chánh xứ và những giáo dân Sài Gòn muốn đến nơi Chúa Giêsu sinh ra, nơi Chúa rao giảng Tin Mừng, làm phép lạ và nơi Ngài đã vượt qua cái chết để thực hiện ơn cứu độ. Ngoài ý nghĩa chung đó, cha phụ tá giáo xứ An Lạc, Chí Hòa, còn đánh dấu kỷ niệm năm năm bước lên bàn thánh qua chuyến đi này; cha chánh xứ vinh Sơn 3, dù đã làm cha sở từ lâu nhưng lần đầu tiên đi ra nước ngoài lại chọn địa điểm là đất thánh làm ấn tượng sâu sắc trong đời mình. Trong số giáo dân của đoàn, có một nữ bác sĩ mới theo đạo, có cả những vị đã 79 tuổi, 80 tuổi…vì thế mỗi người có một cảm nhận và cái nhìn khác nhau.

Xem hình hành hương

Với 9 ngày, dừng chân tại nhiều khu di tích thánh, điều thú vị đầu tiên là các địa danh của Israel qua hơn 2000 năm đã không đổi tên nên quí cha và người Công giáo cảm thấy như đi vào cuộc đời của Chúa và cảm nhận Tin Mừng với các tên quen thuộc như Nazaret, Jérusalem, vườn Giệt-si-ma-ni, Biển Chết, Núi Sọ…Ai đi hành hương đất thánh về cũng có thể kể ra tuần tự những địa danh gắn liền với các biến cố trong cuộc đời của Chúa, nhưng chỉ xin điểm vài nét để ghi lại cảm nhận một chuyến hành hương.

Sau lễ Phục Sinh là thời điểm nhiều du khách khắp nơi trên thế giới đổ về Israel nên khách du lịch rất đông, điều này làm ảnh hưởng đến thời gian rất nhiều. Thí dụ như đến nơi táng xác Chúa phải chờ 2 giờ đồng hồ mới vào được bên trong. Nếu đây là nỗi buồn của du khách thì lại là niềm vui của người dân miền Nam Israel vì nguồn thu nhập chính của họ là công nghệ không khói – du lịch đất thánh; trong khi ở miền Galilé, bắc Israel, người dân sống bằng việc trồng lúa mạch và làm dầu ô-liu.

Dù đông khách du lịch như thế, nhưng ai cũng nhìn thấy những người thuộc dòng tộc Rabbi, từ người già đến cháu bé, mặc trang phục truyền thống Do Thái lạ mắt: áo dài rộng có tua, trên đầu có cái nón chóp như các Đức giám mục nhưng nhiều màu khác nhau hoặc có viền, đặc biệt là họ để râu dài dù còn rất trẻ. Còn dân chúng cũng mặc áo pull, chemise, quần jean bình thường như các nước khác, đặc biệt, nhiều thanh niên mặc bộ vest màu đen đi làm hoặc ra phố.

Khi trời nắng nóng, du khách có thể dừng chân uống bia, nước cam, nước ngọt…nhưng ăn uống trong đoàn hành hương thì chỉ được phục vụ nước đá lạnh mà thôi. Israel là nước ở Châu Á, thuộc vùng Trung Đông nhưng họ ăn uống giống người Châu Âu. Trong các bữa ăn, thường có một loại bánh đặc sản hình tròn mềm nhạt, không men, gọi là bánh Vượt Qua, (giống như một dạng bánh mì) ăn chung với các món khác.

Đến khu phố hoặc chợ, có thể mua sắm những sản phẩm như tràng chuỗi, ảnh tượng…Khi đi hành hương mà có quí cha đi cùng, bao giờ cả đoàn cũng được tham dự thánh lễ, thế nên, mỗi ngày đoàn được dâng lễ tại nơi mình đến. Đầu tiên, mười cha đã đồng tế tại nhà thờ có tên là Thánh Đường Các Dân Tộc Israel. Đây là nhà thờ do các dân tộc sống tại Israel đóng góp, do các cha dòng Phanxicô quản lý. Ngày thứ hai mọi người dâng lễ tại hang thánh Jêrônimô, vị thánh đã nói một câu nổi tiếng: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”. Một cha trẻ nhất trong đoàn nói: “Đối với tôi, địa điểm ấn tượng nhất là nơi táng xác Chúa Giêsu, vì chúng tôi đến đó vào ngày thứ 6, ngày Chúa chịu chết, một cảm xúc dâng trào trong tôi vì tôi đã áp đời mình vào sự nghiệp cứu độ của Chúa Kitô”.

Cha chánh xứ Tân Dân thì chia sẻ với cộng đoàn giáo dân rất bộc trực rằng: “Chúng tôi quá cảnh ở Hồng Kông, 11 giờ khuya mới đến Israel. Giờ của họ cách sau chúng ta 4 giờ đồng hồ. Ngày đầu tiên chúng tôi hăm hở ăn thịt Cừu, hai ba ngày sau thấy ớn. Món ăn thường thấy là cơm cháy và mì gói. Ở đây không có nước tương hay nước mắm mà chỉ ăn với muối. Trong chuyến đi này, ai cũng than mệt là vì phải đi bộ, mà đường ở đây thì lên dốc xuống đồi, đi rất mệt. Vào thăm hang Be-lem thì phải đợi mấy tiếng đồng hồ. Dù là Hồng y hay Giám mục thì cũng phải xếp hàng! Nói thế nhưng mà vui vì được ăn cá ở Biển Hồ, được dẫm lên những bước chân của Chúa và các Tông Đồ và nhìn thấy núi Sọ có cái hình đầu lâu…Dần dần sau các thánh lễ tôi sẽ chia sẻ thêm.”

Trong hành trình của chuyến đi, đoàn hành hương còn đi qua một bức tường ngăn cách giữa Israel và đất nước Palestin. Có một nguyên tắc nhiều nơi áp dụng, là khi đi qua lãnh địa của đất nước nào thì có hướng dẫn viên du lịch của đất nước đó đi cùng.

Một linh mục khác nói rằng, không phải cứ có tiền là đi đến đất thánh được, mà còn phải có sức khỏe, công việc thuận tiện, bạn hiền cùng đi và nhất là có sự hiểu biết về Tin Mừng thì mới thấy thú vị trong việc hành hương nơi này.

Thánh lễ ngày cuối cùng, đoàn hành hương đã dâng tại núi Các Men, nơi ông Êlia đã xin lửa từ trời xuống; nơi này do dòng Cát Minh quản lý. Nếu đi lên núi như là ngọn núi nơi Chúa bị cám dỗ hay núi Ta- bo…thì phải đi bằng xe đặc chủng, như là ở Đà lạt, người ta đi xe Jeep lên núi Labiang vậy!

Khi được hỏi thăm, nữ bác sĩ tân tòng trong đoàn hành hương đã có cảm tưởng sau chuyến đi như sau: “Tôi tin Chúa 8 năm, là bổn đạo mới 4 năm tuy chưa quen với lịch sử Kinh Thánh nhưng khi nhìn thấy cụ thể những chứng tích thánh, tôi thấy con người mình như được thẩm thấu một tình yêu của Thiên Chúa. Tuy đi rất mệt, không thể cầm trí cầu nguyện hay cảm nhận ngay nhưng tôi sẽ cảm nhận được khi hồi tưởng lại, qua hình ảnh đã chụp và qua giây phút cầu nguyện. Và tôi nghĩ rằng, chính thái độ sống thiếu tình yêu thương, trái tim vô tâm, sự phản trắc, sống không trách nhiệm mới thực sự là sức nặng làm Chúa gục ngã.”

Kết thúc những ghi nhận trong bài này, xin ghi lại cảm nghĩ của một linh mục khác: “Được tận mắt chứng kiến di tích nơi Chúa đi qua, tôi bỗng thấy tâm hồn mình được hâm nóng đời sống ơn gọi linh mục của mình, để khi cử hành thánh lễ và các bí tích, tôi luôn ý thức về việc mình làm, những điều mình tin và cảm nhận sâu xa hơn về tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người chúng ta.