Lá thư Canada

SÁCH QUÝ

Canada đã mùa xuân. Mới hôm nào tuyết còn trắng xóa quanh nhà, vừa chớp mắt đã thấy cỏ xanh cây xanh cùng khắp. Bầy chim đã bắt đầu líu lo đầu lối. Chắc đàn chim vui mừng vì ông trời đã mang cái cái giá băng thường có xuống phía nam, miến đất Hoa Kỳ. Mới tuần qua cộng đồng làm lễ nhớ ngày mất nước 30 tháng Tư, nay đã sang tuần lễ Hiền Mẫu.

Theo thông lệ tốt đẹp của làng, dịp đại lễ này phe liền ông chúng tôi, tức các nhà quân tử cựu trào, đứng ra làm tiệc đãi phe liền bà, tức các vị nữ lưu tân tiến. Đầu bếp là ông ODP. Ông này đa tài đa năng, sành ăn sành nấu.

Tôi và anh John được ông chọn làm phụ tá nên tôi có dịp quan sát ông nấu nướng từ đầu tới cuối. Các cụ đã đoán ra cái thực đơn của ông ODP bữa nay chưa ? Thưa, đó là món bún cá ngừ và món gà nướng giấy bạc. Ông ODP vừa nấu vừa cười ha ha. Ông bảo bây giờ khoa học chứng minh món thịt đỏ là món nguy hiểm cho sức khỏe, ăn nhiều không tốt, còn món cá và món gà, tức món thịt trắng, thì ăn bao nhiêu là tốt bấy nhiêu. Hai món này ăn nóng, chao ơi, sao mà ngon thế. Và tráng miệng là xôi vò và chè bông cau, chao ơi, cái món Bắc kỳ này ngon quá sức!

Người tỏ ra sung sướng nhất về hai món cá và món gà là Cụ Chánh tiên chỉ. Cụ vừa ăn vừa hỏi bà cụ B.95: Bà đã thấy cái bác ODP này văn võ toàn tài chưa ? Cụ B.95 cười tít cả mắt, trả lời ngay: Tôi thấy chứ, tôi thấy từ lâu rồi, thấy ngay từ hồi 1995 khi tôi mới từ VN sang. Thiên hạ có 5 bồ tài giỏi thì bác ODP chiếm 2 bồ, bác Từ Hoè chiếm hai bồ, còn lại có một bồ chia cho tất cả thiên hạ.

Ông ODP nghe xong lời khen thì vái Cụ B.95 một cái thật sâu.

Rồi phần tin thời sự bắt đầu. Anh John là trưởng ban nên thuật ngay tin nóng hổi là hối xuất đồng đôla Canada đã lên rất cao, đầu tháng Năm nó cao hơn đồng Mỹ kim. Báo chí cho biết nhiều người Canada đang mang tiền sang Mỹ mua nhà mua tiệm. Lúc trước tiền Mỹ cao thì dân Mỹ sang du lịch Canada ào ào, nay đồng tiền Canada cao thì dân ta đang lái xe xuống Mỹ, vừa du lịch, vừa mua sắm. Không ngờ kinh tế Canada phục hồi nhanh chóng như vậy. Đúng như Hội Đồng hợp tác kinh tế OECD của khối G7 đã tiên đoán từ năm ngoái: Canada sẽ dẫn đầu nhóm G7 về phát triển kinh tế.

Cũng vì kinh tế mạnh như vậy nên hiện nay ngân hàng Canada đang cho in tiền bằng giấy nhựa polymer và sẽ phát hành sang năm. Tiền mới loại này vừa bền, vừa khó làm giả.

Anh John đang thao thao thì tự nhiên ngưng lại vì chợt nhớ ra một điều quan trọng. Anh trình làng: Chúng ta vừa mới qua tuần lễ 30 tháng Tư, tuần lễ đau thương của cả Miền Nam. Vào đúng dịp này tôi biết bác ODP được người bạn thân tặng một cuốn sách rất qúy nói về Tổng Thống Thiệu. Đây là một tác phẩm mới, một tin vui thời sự nóng hổi, xin bác ODP cho cả làng biết đôi chút về cuốn này.

Ông ODP nói ngay: Do duyên may, tuần qua tôi được đọc một tác phẩm qúy báu và gíá trị, vừa in xong, đó là cuốn ‘ TÂM TƯ TỔNG THỐNG THIỆU’ của NGUYỄN TIẾN HƯNG. Các bạn biết ông tác giả họ Nguyễn này chứ ? Dân làng chưa kịp trả lời thì ah H.O. đã nhanh miệng nói ngay. Anh thao thao như sợ người khác nói mất phần:

Ông tác giả Nguyễn Tiến Hưng này du học Hoa Kỳ nghe đâu từ năm 1958, rồi đâu tiến sĩ về kinh tế, rồi nghe đâu ông dạy kinh tế cho nhiều đại học danh tiếng Hoa Kỳ, rồi làm kinh tế gia cho Quỹ Tiền tệ Quốc Tế IMF. Rồi đầu thập niên 70 về VN giúp Tổng Thống Thiệu. Vì ở gần Tổng Thống Thiệu, ông biết rất nhiều chuyện. Năm 1988 ông đã viết cuốn ‘HỒ SƠ MẬT DINH ĐỘC LẬP’, và năm 2005 cuốn ‘KHI ĐỒNG MINH THÁO CHẠY’, hai tac phẩm lớn đã có số bán kỷ lục và sôi nổi một thời.

Ông ODP gật đầu, rôi nói tiềp: Anh để tôi đi vào chi tiết: Năm 1971 Tiến Sĩ Hưng về VN làm cố vấn cho Tổng Thống Thiệu. Năm 1973 ông làm Phụ Tá Tổng Thống đặc trách tái thiết, rồi Bộ Trưởng Bộ Kế Hoạch. Tháng Tư 1975 lúc VNCH đang hấp hối thì ông làm đặc sứ của VN sang Hoa Kỳ cầu viện. Ông được Tổng Thống Thiệu trao cho hồ sơ tối mật đem đi. Nhưng tiếc rằng Hoa Kỳ dứt khoát phủi tay. Sau 1975, Tổng Thống Thiệu ở ẩn bên Anh rồi bên Mỹ. Trong suốt thời gian ở ẩn này, Tổng Thống Thiệu lánh mặt mọi người. GS Nguyễn Tiến Hưng là người duy nhất được Tổng Thống Thiệu tiếp đón cả ở bên Anh cả bên Hoa Kỳ, không những một lần mà là nhiều lần. Vì Tổng Thống Thiệu không viết hồi ký nên những điều TS Hưng viết ra trong sách này được coi là tâm sự cuối đời, hồi ký gián tiếp của ông Thiệu.

Tôi đã bỏ ra 2 ngày ròng rã say sưa đọc tác phẩm hiếm và qúy này. Đọc đến đâu thì sáng ra đến đó. Tác giả là người ở trong cuộc nên biết rõ sự việc.Với các tài liệu đã có trước, nay lại thêm một số hồ sơ ở Hoa Kỳ vừa được giải mật, cộng thêm những ngày sống với Tổng Thống Thiệu trước và sau 30.4.1975, tác giả là người có thẩm quyền nhất viết về Tổng Thống Thiệu.

Về hình thức, sách dày hơn 700 trang, bìa cứng, chữ lớn và đậm, đọc rất thoải mái. Về nội dung, sách chia làm 5 phần, 4 phần đầu tác giả viết về cách hành xử của Tổng Thống Thiệu trong các giai đoạn dầu sôi lửa bỏng của đất nước. Phần 5 là trưng dẫn các tài liệu chứng minh.

Từ trước tới nay có rất nhiều tác giả đã viết về giai đoạn lịch sử này, nhiều tác giả đã không thuyết phục được tôi. Nhưng đọc cuốn này, tác giả Nguyễn Tiến Hưng đã chinh phục được tôi hoàn toàn. Nay thì tôi hiểu tại sao ban đầu Tổng Thống thiệu ra lệnh cố thủ Huế và Đà Nẵng, rồi bỏ, ai cố vấn cho Tổng Thống Thiệu rút quân khỏi Quân Đoàn I và II, và định bỏ ngỏ Saigon rút về miền tây lấy cầu Bến Lức làm biên giới. Ngoài 16 tấn vàng, VNCH còn bao nhiêu triệu mỹ kim trong các ngân hàng trên thế giới, Tổng Thống Thiệu dự định dùng vàng và tiền này mua tiếp liệu. Những ai xưa nay cáo buộc Tổng Thống Thiệu định bỏ túi những tài sản quốc gia này nên đọc để biết sự thực. Nội dung các trang sách cho chúng ta thấy các mưu mô lừa gạt của Kissinger và Nixon, cùng cái gan của Ông Thiệu dám cãi, dám nói ‘không’ với Hoa Kỳ. Tổng Thống Thiệu đã thoát chết nhiều lần vì cái tội bướng bỉnh này. Ta thấy rõ Hoa Kỳ sau khi bắt tay được với Trung Cộng đã tìm cách lấy lại các tù binh, rồi rút quân tháo chạy. Tại sao Hoa Kỳ không giữ lại một số quân tại VN như đã giữ quân ở Bá Linh và Nam Hàn. Tổng Thống Nixon đã viết xuống giấy cam kết sẽ tiếp viện và giải cứu VN nhưng việc bất thành. Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng có các văn thư này trong tay nhưng bị ngăn cản không cho công bố khi sang Hoa Kỳ cầu viện. GS NGuyễn Tiến Hưng đã làm gì trong cuộc họp báo ngày 30.4.1975 giữa thủ đô Washington. Ngoài ra,Tổng Thống Thiệu có phủi tay với đồng bào thuyền nhân tỵ nạn không. Sách thuật nhiều chuyện quan trọng.

Tôi nhớ một lần được gặp mặt tác giả Nguyễn Tiến Hưng, tôi có hỏi: Theo nhận xét cá nhân của ông thì ông có phục Tổng Thống Thiệu không ? Ông đáp ngay: Cá nhân tôi không uy tín bằng Cụ Trần Văn Hương. Xin được dùng Cụ Hương làm câu trả lời. Cụ Trần Văn Hương, một nhân sĩ bất khuất và đáng kính của Miền Nam, người được tiếng là ‘Ông Già Gân’, xưa nay không hề sợ hãi và qụy lụy một ai, thế mà Cụ Hương đã kính phục ông Thiệu, đã hợp tác với Ông Thiệu, nhận làm phó tổng thống, thì việc này đủ cho ta thấy rõ Ông Thiệu có tư cách và đáng trọng lắm chứ.

Thường các sách viết về chính trị thì khô khan, khó hiểu, nhưng sách này thì khác hẳn. Nhiều đoạn đọc lên thấy dí dỏm lạ thường. Hình như tác giả Nguyễn Tiến Hưng còn làm văn ở đầu mỗi chương sách. Đôi chỗ mang dáng văn biền ngẫu. Chẳng hạn:

- 1954 Pháp thất trận ở Paris trước trận Điện Biên Phủ, 1975 Mỹ thất trận ở Washington trước trận Saigon
- Mỹ quyết chiến mà không quyết thắng
- Bắt được tay ông Mao, buông tay ông Thiệu. Mở cửa Bắc Kinh, đóng cửa Saigon

Tổng Thống Thiệu có 2 câu nói lịch sử:

- Đừng tin những gì CS nói mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm
- Người Mỹ muốn chúng tôi là những kẻ để sai bảo, nhưng tôi không phải là kẻ để sai bảo, và người VN không phải là dân tộc để sai bảo ( trang 435).

Phần cuối sách, tác giả so sánh hoàn cảnh VNCH năm xưa với A Phú Hãn hiện nay. Hình như lịch sử đang tái diễn. Mỹ nhảy vào, bị sa lầy, và hiện đang vùng vẫy để tháo chạy.

Đại cương nội dung cuốn sách là thế. Ngoài ra tôi còn nghe tin GS NGuyễn Tiến Hưng đang thách đố ông Henry Kissinger tranh luận công khai trên các đài truyền hình về việc ông ta và TT Nixon bán đứng VNCH khi thương thuyết với CS. GS Hưng hiện ở thế thượng phong vì có trong tay các hồ sơ mật của Tổng Thống Thiệu cộng với các hồ sơ của Hoa Kỳ vừa được giải mã. Coi bộ gay cấn đây, bà con.

Thấy dân làng say sưa theo dõi câu chuyện về Tổng Thống Thiệu, ông ODP thích lắm. Nhưng ông đã theo cái thuật của các nhà hùng biện là chấm dứt diễn văn khi cử tọa còn đang say mê. Ông nhìn dân làng rồi nói: Sách còn viết về nhiều chuyện gay cấn, tôi có nói cả buổi cũng không hết, vậy dân làng phải mua sách đọc mới đã. GS Nguyễn Tiến Hưng đã ra mắt tác phẩm này ở California vào ngày 16.5.2010 vừa qua. Đông nghẹt và vui qúa sức. Bạn muốn mua sách ư ? Xin mời xem chi tiết qua www.tamtutongthongthieu.com Bây giờ xin bàn giao diễn đàn của làng cho anh John.

Anh John được trao banh bất ngờ, vì anh là một cầu thủ giỏi, anh nhận banh ngon lành. Bà cụ B.95 vỗ tay to nhất khi nghe anh bắt đầu nói chuyện. Anh cười hi hi rồi kể: Tôi có cái tin này rất sốt giẻo, xin kể ngay để cả làng nghe kẻo nguội. Tin này là tin có thực, tôi không hề bịa đặt và có tà ý. Đó là tỉnh bang Prince Edward Island thuộc miền đông Canada đang bắt đầu xuất cảng heo giống sang Nga. Heo ở miền này nổi tiếng là chóng lớn và thịt rất ngon, rất bổ. Nga vừa đặt hàng mua đợt đầu một ngàn con.Chuyến thứ nhất Canada sẽ giao 600 con, chuyến thứ hai sẽ là 400. Các chú heo nọc này có nhiệm vụ đi truyền giống. Các cụ biết miền đất P.E.I. này chứ ? Đây là một hòn đảo nhỏ xíu, rộng có 185 dậm vuông, dân số 135 ngàn, xưa là thuộc địa của Anh, ở trong vùng vịnh St.Lawrence. Đảo tuy nhỏ nhưng có nhiều thứ qúy, chẳng hạn tôm hùm ở miền này được coi là ngon nhất thế giới. Chẳng hạn khoai trồng ở đây được chấm là ngon nhất thế giới. Bây giờ đến gia súc, heo ở đây được đánh giá là tốt cũng nhất thế giới. Người Nga thật có mắt vì đã nhận ra sự vĩ đại của cái nọc heo miền P.E.I.

Đó là tin về con vật trên mặt đất phía đông. Còn dưới nước ở phía tây, cá hồi là nguồn lợi lớn của Canada đang bị các bầy hải cẩu tàn sát dữ dội, đặc biệt là miền Vancouver nơi vừa tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông. Bộ ngư nghiệp ở đây cho biết, chỉ nội trong một mùa xuân, đoàn chó biển này ăn hết 3 triệu con cá hồi. Vậy muốn bảo vệ ngư sản qúy giá này thì phải thủ tiêu bớt các chú hải cẩu. Mà giết hải cẩu thì phong trào bênh vực súc vật bên Âu Châu làm ầm lên. Cái phong trào này vừa to mồm vừa bất công. Vì Canada giết hải cẩu nên họ đã cổ động thế giới tẩy chay các sản phẩm Canada. Hải cẩu tấn công nền kinh tế của chúng tôi nên chúng tôi có quyền đánh kẻ tấn công để tự bảo vệ chứ. Mợ minh tinh già Brigitte Bardot bên Pháp to tiếng nhất trong phong trào này, thật là đáng ghét. Cụ B.95 lên tiếng: Hải cẩu giết cá hồi. Hải cẩu là kẻ tấn công, cá hồi là nạn nhân, Tại sao cái phong trào kia chỉ bênh hải cẩu mà không bênh cá hồi ? Cá hồi cũng cần được bảo vệ chứ !

Trên đây là chuyện con heo, con hải cẩu và con cá hồi. Bây giờ xin nói chuyện con người. Theo nguồn tin mới nhất của hãng FNA thì ngày cuối tháng Ba vừa qua, bà Deanna Horton, đaị sứ Canada ở Việt Nam, đã nhân danh chính phủ và quốc hội Canada mời LM Nguyễn Văn Lý sang Canada chữa bệnh. Linh Mục Lý đã cám ơn và từ chối việc đi Canada. Bà đại sứ Canada lại đề nghi: Nếu Linh Mục không muốn xuất ngoại chữa bệnh thì Canada sẽ gửi một đoàn y tế sang VN chữa bệnh tại chỗ cho Ngài. LM Lý cũng cám ơn lòng tốt của Canada và từ chối việc này. Thật đáng khâm phục thay lòng tốt của Canada và thật đáng ngưỡng mộ thay lòng khẳng khái của LM Lý.

Riêng tại thủ đô Ottawa những ngày cuối tháng Tư vừa qua thì không khí thật nhộn nhịp với các sinh hoạt của người Việt Quốc Gia. Ngày 23.4.2010: ngày sinh hoạt văn hóa VN tại tòa đô chính thủ đô. Ngày 28.4.2010: Ngày Việt Nam tại Quốc Hội Canada về chủ đề: 35 năm nhìn lại VN dưới chế độ CS, với 5 diễn giả uy tín: GS Sử học Trần Gia Phụng (Toronto), KS Nguyễn Thanh Hà (California), GS Nguyễn Văn Canh ( California), Bà Đặng Thanh Chi ( Toronto), Ông Mặc Giao ( Calgary). Ngày 3.5.2010: Diễn Hành biểu dương Cờ Vàng VNCH. Phối trí các chương trình này là Liên Hội Người Việt Canada.

Các cụ phương xa đã thấy người Việt chúng tôi ở Canada ngon lành chưa! À, mà còn tin này nếu ngẫm nghĩ một lúc thì thấy cũng ý vị lắm. Đó là theo dự phóng của các nhà nhân chủng học và các chuyên gia về Văn Hóa và Di Trú thì trong vòng 30 năm nữa mầu da chung chung của ngưới Canada sẽ không còn là da trắng nữa mà màu da sẽ nhờ nhờ giữa trắng và nâu. Đây là sự pha trộn màu da trắng với da vàng với da nâu của các sắc dân. Mỗi năm Canada nhận khoảng 250.000 di dân, đa số đến từ Đông Nam Á Châu và Trung Đông. Di dân mang theo tất cả những tinh hoa trí tuệ và văn hóa của họ tới đây rồi trộn chung với những tinh hoa trí tuệ và văn hóa của các sắc dân khác. Theo thống kê, các cuộc hôn nhân dị chủng đã tăng lên rõ rệt trong 10 năm qua.Canada luôn luôn là một lò nấu chảy sôi sục, một ‘melting pot’ lý tưởng. Ôi sự hòa tan trí tuệ và văn hóa này đẹp làm sao! Canada hiện là và sẽ là một tấm thảm đa văn hóa đẹp nhất thế giới.

Canada là miền đất thiên đàng nên phát sinh ra bao nhiêu thiên tài. Nói gì đâu xa, xin lấy chuyện em Võ Phi Việt ở Vancouver làm điển hình. Em sinh ở trại tỵ nạn Phi Luật Tân nên em có tên đệm là Phi. Từ Phi Luật Tân, cha mẹ đem em sang Canada cách đây 17 năm. Nay em vừa đúng 17 tuổi. Em là một thiên tài về âm nhạc, em chơi kèn trombone cho ban nhạc RMM từ lúc lên 10. Và mới đây em chơi thêm kèn túi, bagpipe, vô cùng xuất sắc. Các cụ biết cái kèn túi của người Tô Cách Lan chứ. Nam nhạc công thổi kèn thường mặc váy ấy mà. Nhạc trưởng cho biết muốn xử dụng kèn này thành thạo thì phải học it nhất là 4 năm, thế mà thiên tài Võ Phi Việt chỉ học trong 4 tháng mà em đã biểu diễn hay tuyệt vời. Nòi giống người Việt có khác và phát triển từ đất thiên đàng Canada có khác! Cá cu thấy rõ chứ ạ ?

Anh John đang nói thì bị cụ B.95 cắt ngang: Anh John ơi, anh nói toàn các chuyện thời sự nghiêm trang, hay thì có hay nhưng nó làm lão nhức đầu. Anh có thuốc chữa bệnh nhức đầu này không ?

Anh John trả lời ngay: Có, cháu có sẵn ngay đây. Bệnh nhức đầu của cụ thì chữa dễ quá. Nói xong anh quay vào Ông ODP: Bác mới đọc sách về Tổng Thống Thiệu, bác có thấy chỗ nào tác giả Nguyễn Tiến Hưng nói ông Thiệu cười không?

Câu hỏi này như gãi trúng chỗ ngứa của Ông ODP. Lúc nãy ông ngưng nói về sách vì ông thấy ông nói đã dài, chứ thực ra trong bụng ông còn nhiều điều muốn nói lắm. Ông đáp: Có, trong sách tác giả Hưng cho biết là khi nói về dầu khí ở ngoài khơi VN vừa tim thấy, hoặc khi nói về chương trình Người Cày Có Ruộng thành công, ông Thiệu bao giờ cũng tỏ ra sung sướng, cũng cười. Ông chỉ cười nóí vui vẻ khi nhắc tới 2 sự kiện này. Ngoài ra, ông thấy vận nước cái gì cũng xấu. Ông Thiệu là người tin bói toán tử vi nên đã chọn cho mình những con số rất tốt: sinh vào giờ tý, ngày tý, tháng tý, năm tý. Thế mà trong bài diễn văn từ chức, Tổng Thống Thiệu đã tâm sự với đồng bào trên TV: Trong suốt chín năm cầm quyền từ Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia đến hai nhiệm kỳ Tổng Thống, tôi chưa bao giờ được một lúc nào sung sướng. Năm nào cũng xấu, tháng nào cũng xấu, và giờ nào cũng xấu ( trang 463 ).

Nói tới tướng số là chạm tới mạch điện của anh H.O. Anh lên tiếng ngay: Xin Bác cho em góp ý. Tổng Thống Thiệu thọ 78 tuổi ( 1923-2001), con số 78 này đọc theo âm Hán Việt là ‘thất bát’, thất bát nghe mài mại như ‘bết bát’, ‘mất mát’, bởi vậy số của Tổng Thống Thiệu xấu là thế. Con số 8 này đúng là con số xui. Nó lan cả sang Tổng Thống Nixon của Hoa Kỳ. Ông Nixon phải từ chức ngày 8.8.1974. Có ngườc đọc số 8 là phát. Tổng Thống Thiệu và Tổng Thống Nixon phát ở chỗ nào ?

Lời phát biểu này đã gây tranh luận. Dân làng có người gật có người lắc. Chị Ba Biên Hòa lên tiếng: Con số mà người Hoa kiêng là số 4, đọc là tứ, tứ nghe mài mại như tử, tử là chết. Con số 8, đọc là bát, nghe mài mại như phát. Căn nhà mang số 8 thì rất dễ bán. Con số 78 đọc lên nghe như mất mát, nhưng con số 68, âm Hán Việt là ‘lục bát’ nghe rõ ràng như ‘lộc phát’. Các bạn tính sao đây ?

Ông ODP bèn góp ý: Về các con số mà chúng ta thường coi là hên hay xui, viêc này rất tương đối. Kìa xem, xưa nay ai cũng cho con số 13 là con số xui, như Thứ Sáu 13. Thế nhưng Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ có 13 chữ ký của 13 vị cha già dân tộc, tân quốc gia ra đời gồm 13 thuộc địa, và quốc kỳ Hoa Kỳ hiện có 13 sọc. Đất nước Hoa Kỳ thịnh vượng giàu có và oai hùng như vậy, có nhiều số 13 như vậy, nào có sao đâu !

Chuyện con số hên xui đã hấp dẫn Chi Ba Biên Hòa. Nhân đang nói về Tổng Thống Thiệu, Chị Ba hỏi ông ODP: Tôi nghe nói ngày sinh nhật của Ông Thiệu toàn giờ Tý, có đúng vậy chăng ? Ông ODP kể rằng xưa nay ông cũng chỉ nghe như vậy mà không biết thực hư thế nào, nay đọc sách của GS Nguyễn Tiến Hưng thì mới biết thực hư rõ ràng. Ông Thiệu nói với ông Hưng: Ngày sinh đích thực của tôi là ngày 5 tháng 4 năm 1923, nhưng ngày ghi danh đi học, vì cha mẹ vắng mặt nên tôi không biết ngày chính xác, tôi đã khai đại là ngày 24.12.1924 vì ngày này toàn Tý ! ( trang 360).

Cụ Chánh lúc này mới giơ tay xin góp chuyện. Rằng lúc nãy Chị Ba nói tới số 68 là con số hên, 68 là ‘lục bát’ nghe như đại phát. Số 68 của Chị làm tôi nhớ tới con số 69. Nghe đến đây anh H.O. và anh John vừa đấm nhau vừa cười khì khì. Dân làng lấy làm lạ bèn quay vào bắt hai anh phải cho biết đang cười về chuyện gì. Anh John lắc đầu rồi im lặng, nhất định không nói. Anh H.O. bị phe các bà tra vấn, mãi rồi xin khai: Rằng con số 69 này kỳ lắm, những kẻ yêu nhau theo kiểu 69 thì mê ly thần sầu.

Chị Ba nghe đến đây thì đỏ mặt lên. Chị lấy tay dí vào trán chồng rồi đe dọa: Cái đầu dơ dáy ! Tối nay về nhà sẽ biết tay tui. Chà, chuyện các con số đi vào hồi gay cấn rồi đây, thưa các cụ.

Chị Ba quay vào cụ Chánh xin cụ nói về con số 69. Cụ cười hà hà rồi trả lời: Con số 69 của lão là con số thánh thiện. Lão mới đọc trong cuốn sách đạo mà Cha Paolo cho kỳ tết, lão thấy sách nhắc tới con số này 2 lần: Thân phụ của Đức Mẹ Maria là thánh Gioankim, ngài thọ 69 tuổi. Và các Thánh Vịnh hay nhắc tới đoàn chiên gặm cỏ non trên cánh đồng, nhắc tới 69 lần. Ý của lão đơn sơ chỉ có thế.

Anh John biết mình quá lố nên xin kể chuyện về đề tái khác, về văn chương chữ nghĩa. Rằng trong tiếng Việt ngày nay, vợ chồng hay đôi trẻ yêu nhau gọi nhau là ‘Anh ơi, em ơi’. Hai tiếng Anh và Em chính gốc chỉ anh em ruột thịt hay liên hệ họ hàng, bây giờ dùng chung cho cả ngôn ngữ xưng hô trong tình yêu. Bộ hết chữ sao ? Ngày xưa các cụ dùng chữ đúng hơn chúng ta ngày nay. Ngày xưa các cụ dung tiếng ‘Chàng’ và ‘Thiếp’, chứ không Anh ơi Em ơi. Xin chứng minh:

Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ?
( Chinh Phụ Ngâm
)


Chàng ơi cho thiếp đi cùng
Đói no thiếp chịu, lành lùng thiếp cam
( ca dao )



Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc
… ( Hồ Xuân Hương)


Các cụ thấy lời anh John có đúng không ? Anh và Em là tiếng chỉ ruột thịt hay họ hàng, vậy tiếng của hai kẻ yêu nhau, tiếng của vợ chồng nói với nhau, chúng ta nên trở về với Chàng và Thiếp chăng ? Tiếng VN giàu có, thiếu gì cách nói cách gọi, phải không cơ ? Nếu không dùng tiếng cổ Chàng và Thiếp, không dùng từ sai Anh / Em, bây giờ phải dung tiếng gì đây ? Xin các cụ mách cho chúng tôi với.

Cuối bữa ăn, làng tôi bàn sang chuyện đất nước. Thấy ai cũng cầu mong đất nước hết nạn Cộng sản, đống bào Nam Bắc bỏ chuyện đau thương qúa khứ, cùng nắm tay nhau xây dựng đất nước phú cường, Cụ Chánh nóí ngay: Thế thì chúng ta nên lấy bài thơ Mai Mốt Anh Về của thi sĩ Cao Tần làm bài tâm niệm. Lão cho rằng ông Cao Tần đã đạt cốt lõi đức Từ Bi của Đạo Phật, cốt lõi đức Bái Ái của Đạo Công Giáo,.cốt lõi ý nghĩa tiếng ‘Đồng Bào’ của Đạo Việt Nam. Lão thích bài thơ này qúa.

Mai mốt bỗng đổi đời phen nữa
Ông anh hùng ông cứu được quê hương
Ông sẽ mở ra ngàn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương
Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp
Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm
Bồ bịch hết không đứa nào là ngụy
Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng


Xin cám ơn và bái phục đại sư Cao Tần.