Theo cuộc thăm dò mới đây của PEW, 10% người Mỹ là người Công Giáo bỏ đạo (lapsed). Dù con số thống kê của PEW chẳng đáng tin bao nhiêu, nhưng lần này chúng xác nhận điều mà mọi người quan sát Giáo Hội đều biết: nhiều người Công Giáo từ lúc nằm nôi đã rời bỏ Giáo Hội và không bao giờ trở lại mái ấm gia đình Giáo Hội nữa. Tập san Inside Catholic gần đây có bảo trợ một hội nghị chuyên đề với sự tham dự của hơn 30 người Công Giáo hàng đầu, để thảo luận về vấn đề “Tại sao họ bỏ đi?”. Một trong các ý kiến đóng góp cho rằng: vì thiếu quan tâm phúc âm hóa, không chịu với tay ra với những người hoặc mới ngưng không đi nhà thờ nữa hoặc chưa bao giờ đi nhà thờ cả. Những người từ các giáo hội tin lành hay còn gọi là các giáo hội phúc âm (evangelicals) trở lại Công Giáo rất ngỡ ngàng khi thấy người Công Giáo từ lúc nằm nôi ít chịu quan tâm tới việc chia sẻ niềm tin với nhau.

Tình trạng ấy thúc đẩy nhiều người Công Giáo dấn thân vào con đường tái phúc âm hóa những người đồng đạo với mình nhưng nay vì một lý do nào đó đã xa rời Giáo Hội. Trong số những người Công Giáo này ta thấy có Tom Peterson và hình thức tông đồ mới của ông là Catholics Come Home (Những Người Công Giáo Trở Về Nhà). Với trang mạng Catholicscomehome.org, Tom Peterson cam kết sẽ cố gắng tái lập phong trào chia sẻ phúc âm (evangelism) trong Giáo Hội. Lăn lộn với nghề quảng cáo 25 năm nay, Peterson rất am hiểu sức mạnh của truyền thông. Năm 1998, khi còn sống tại Phoenix, ông cho lập VirtueMedia và đã cho phát tuyến các chương trình truyền thanh và truyền hình phò sự sống trên hơn một ngàn đài khắp nước. Kinh nghiệm này dẫn ông tới việc lập ra tổ chức độc đáo dưới danh xưng Những Người Công Giáo Trở Về Nhà, một chiến dịch quảng cáo, và một trang mạng catholicscomehome.org như đã nói ở trên, nhằm nối kết với những người muốn tìm hiểu đức tin Công Giáo.

Gần đây, nhân cơ hội tới Rôma thuyết trình cho hội nghị “Truyền thông trong Giáo Hội: bản sắc và đối thoại” tổ chức tại Đại Học Giáo Hoàng Thánh Giá, Peterson đã dành cho Zenit một cuộc phỏng vấn, trong đó ông thuật lại nguyên do khiến ông dấn thân vào phương thức tông đồ độc đáo này. Ông bảo: cuộc tĩnh tâm cách nay 13 năm trước Thánh Thể Chúa đã thay đổi hẳn đời ông. Ông vốn biết Chúa trước đó, nhưng vì những lo lắng trần tục, ông lao đầu vào việc kinh doanh ham lợi. Nhờ lòng Chúa xót thương, ông được thúc đẩy đi dự tuần tĩnh tâm trên. Và điều ấy đã thay đổi trọn đời ông.

Trước Thánh Thể hôm đó, ông được một cảm nghiệm hết sức đặc biệt, mà ông ví như cuộc trở lại từ Saolô thành Phaolô ngày nào. Trước đó, tuy ông không bỏ Thánh Lễ bao giờ, nhưng ông tham dự một cách hết sức lơ đễnh, tâm trí lúc nào cũng nghĩ tới việc làm ăn, sống trong thế giới thế tục từ thứ hai tới thứ bẩy, rồi dành một giờ ngày Chúa Nhật cho nhà thờ. Một thứ sống đạo có thể mô tả là hâm hấp. Từ đây, ông thấy mình còn nhiều điều phải học hỏi.

Theo Peterson, Đấng Chăn Chiên Lành lúc nào cũng đi tìm ta, hướng dẫn ta, nên nhiều chuyện vẫn đã xẩy ra cả trước lẫn sau cuộc tĩnh tâm kia. Tuy nhiên, sau cuộc tĩnh tâm trên, sự việc diễn biến nhanh hơn nhiều khi ông thân thưa với Chúa: “Thôi được, Lạy Chúa, con xin thực hiện ý Chúa, nhưng Chúa muốn con làm gì?” Ước muốn trước hết là được gần gũi các bí tích, được năng xưng tội, năng Rước Thánh Thể, bắt đầu đọc Sách Thánh. Ông bắt đầu đi lễ hàng ngày, và khẩn khoản xin Chúa cho cơ hội phục vụ. Ít tháng sau, ông được hai giấc mơ: giấc mơ đầu về một bé gái sơ sinh bị đặt trong một chiếc cạc-táp và làm cho chết ngạt bằng một chiếc gối. Ông cố gắng gỡ cánh tay của người đang giữ bé gái ra để làm dấu thánh giá chúc lành cho em. Giấc mơ thứ hai về việc ông sản xuất một loạt quảng cáo cho việc phúc âm hóa của Công Giáo. Cả hai giấc mơ ấy nay đã thành sự thật: VirtueMedia, chương trình tông đồ phò sự sống, đã ra đời ngay buổi chiều ngày đó, do Thiên Chúa thúc đẩy ông thực hiện nhằm bảo vệ các trẻ sơ sinh và gia đình họ; đây là một chương trình truyền hình phát hình trên toàn nước Mỹ để cổ động cho tính thánh thiêng của sự sống. Chương trình này giúp các thiếu nữ mang thai và các gia đình sau khi phá thai hiểu được tính thánh thiêng của sự sống. Ngày nay, nó được dược biết dưới tên virtuemedia.org.

Giấc mơ thứ hai được thực hiện khi giáo phận Phoenix cho mời ông trở lại năm 1997 và nói cho ông hay: “Để tân phúc âm hóa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II muốn mời gọi những người Công Giáo không thực hành đạo trở về với Giáo Hội trong Năm Thánh, liệu ông có muốn giúp chúng tôi không?”. Ông bảo: dĩ nhiên ông sẽ giúp, vì ơn gọi ông nhận được ở cuộc tĩnh tâm trên là dùng tài năng Chúa đã ban cho để không làm lợi cho mình mà làm lợi cho Giáo Hội. Thế là ông thưa vâng, và từ năm 1997, ông bắt đầu chiến dịch Những Người Công Giáo Trở Về Nhà. Chương trình được phát tuyến trong 2.5 tuần lễ tại giáo phận Phoenix và lạ lùng thay 3,000 người đã trở về với Giáo Hội. Tính ra ông bảo “Ủa, chỉ tốn 10 dollars mà được 1 linh hồn. Quả là một cuộc đầu tư nhỏ mà lợi nhuận lại cao không ngờ”. Chương trình ấy chỉ diễn ra lần đó, nhưng mấy năm sau, ông cho nó sống lại dưới hình thức một chiến dịch tông đồ giáo dân toàn thời gian, hoàn toàn trung thành với huấn quyền của Giáo Hội. Hiện nay chiến dịch có một hội đồng cố vấn, với rất nhiều giáo sĩ cộng tác, có cả các cố vấn kinh doanh nữa, ngoài ra còn có các thần học gia, các tác giả và diễn giả Công Giáo nổi tiếng, đem lại cho chiến dịch nhiều lời khuyên giá trị và bảo đảm để các quảng cáo tôn giáo của chiến dịch có nội dung tốt về giáo huấn. Nhờ thế, chiến dịch lại cho phát tuyến các quảng cáo tôn giáo của mình, dưới một hình thức mới trong đó các thước phim quảng cáo như “Epic” chẳng hạn trình bày đầy đủ về tính phổ quát của Giáo Hội khắp trên thế giới, thước phim “Movie” kêu gọi người ta có liên hệ sâu sắc với Chúa Giêsu và nói về lòng Thương Xót của Chúa, các quảng cáo chứng từ nói về những người từng rời bỏ Giáo Hội vì bất cứ lý do nào nhưng nay đã trở về nhà. Những thước phim và chương trình quảng cáo này đem lại nhiều kết quả đầy ơn phúc. Chiến dịch này hiện được thực hiện tại 12 tổng giáo phận và giáo phận khắp nước Mỹ. Việc thống kê đang được tổng kết, nhưng các con số sơ khởi cho thấy khoảng 200,000 người đã trở về với đức tin hay đã trở lại đạo. Đây quả là một hồng ân. Dựa trên các thống kê sơ khởi, một giáo phận trung bình đã phát triển không dưới 11%.

Các con số thống kê trên do chính các giáo phận thu lượm. Đôi khi các giáo phận này sử dụng các thống kê viên chuyên nghiệp để bảo đảm độ chính xác cho các dữ kiện. Họ xem sét các dữ kiện thăm dò, thường là từ con số người tham dự Thánh Lễ trong tháng 10, rồi so sánh với các con số tham dự Thánh Lễ sau khi có chiến dịch Những Người Công Giáo Trở Về Nhà. Sau đó, họ xem sét tới điểm dị biệt, sau khi đã tìm thừa số cho bất cứ điều gì có thể tác động tới các số liệu ấy. Kết quả, tại Phoenix, đã có sự gia tăng 12%; tại Corpus Christi, có sự gia tăng 17.5% trong cả hai nhóm nói tiếng Tây Ban Nha và nói tiếng Anh. Cho đến nay, tính trung bình có sự gia tăng 11% trên khắp nước Mỹ, nghĩa là khoảng 200,000 người. Điều đáng lưu ý, là các chứng tá nhận được không phải chỉ từ những người Công Giáo rời bỏ Giáo Hội nay trở về cùng đoàn chiên Chúa mà cả những người không phải là Công Giáo trước đây nữa, như người Thệ Phản v.v… sau khi đọc quảng cáo trên trang mạng, được Chúa Thánh Thần đánh động, cũng đã trở lại Đạo. Peterson kể trường hợp một thanh niên tên Harrison. Anh ta vốn ghi danh theo học một đại học Thệ Phản, nhưng cảm thấy không sống sâu xa bao nhiêu trong niềm tin. Nhờ đọc trên trang mạng catholicscomehome.org, anh ta bỗng thốt lên: “Đây chính là điều tôi hằng mong đợi”. Một năm sau, anh ta trở lại Công Giáo, và nay đang theo học tại Đại Học Công Giáo Ave Maria tại Florida.

Một truyện kỳ diệu khác là Adrian tại Colorado. Anh sinh ra là người Công Giáo nhưng không được dưỡng dục trong đức tin Công Giáo. Anh từ bỏ niềm tin của mình và trở thành người vô thần, vợ con anh cũng vô thần luôn. Khi tình cờ đọc được trang mạng của chiến dịch Những Người Công Giáo Trở Về Nhà, thấy thước phim “Epic” mô tả lịch sử, vẻ đẹp, nền linh đạo và các thành tựu của Giáo Hội, anh thấy thẩy đều tuyệt diệu đối với anh. Đọc đến câu “Chúng ta là người Công Giáo, xin chào đón bạn về nhà”, anh bảo: “Tôi thấy như Chúa Thánh Thần đụng tới tôi, tôi cần học hỏi nhiều hơn nữa”. Một năm sau, anh ta trở về với Giáo Hội Công Giáo cùng với vợ và các con, và Phục Sinh năm 2010 vừa qua, họ đã được tiếp nhận trở về với Giáo Hội. Anh ta bảo: “Trước đây, tôi thường khuyên người ta ra khỏi Giáo Hội, giờ đây tôi dạy người ta về niềm tin Công Giáo và đem họ trở về với Giáo Hội”.

Chính Peterson cũng không hiểu tại sao Adrian, một người vô thần, lại biết đường tìm đọc Những Người Công Giáo Trở Về Nhà, vì thực sự chiến dịch không nhằm cộng đồng những người như anh ta. Do đó, ông tin rằng chính Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn anh khi anh đang lục lọi trên liên mạng hay khi anh đang ăn trong nhà hàng lúc có chương trình quảng cáo của chiến dịch trên truyền hình. Cũng có thể anh ta vào Google và đánh một chữ chủ yếu nào đó và chữ ấy dẫn anh tới trang mạng của chiến dịch. Peterson tin vào quyền lực Chúa Thánh Thần.

Chiến dịch không chỉ hạn chế nơi các đài truyền hình Công Giáo mà thôi, trái lại phần lớn đã phát hình trên các đài truyền hình thế tục. Nhờ thế, cả hàng triệu người từ 80 quốc gia khác nhau đã được thấy các chương trình quảng cáo của chiến dịch đăng trên liên mạng, một số người từ Trung Đông. Thông thường, chiến dịch chỉ trông mong người Ý hay người Ái Nhĩ Lan chịu tìm đọc mình vì ít nhất họ cũng là người Công Giáo, chứ người Qatar hay người các nước không theo truyền thống Công Giáo, mà chịu tìm đọc chiến dịch thì phải coi đó như một phép lạ. Và đó là cách tác dụng của liên mạng: một sứ điệp như siêu vi khuẩn tràn ra thế giới, nơi đó một người bạn hay một thành viên nào đó trong gia đình thấy hay nghe được nó trong một điện thư, trong một then máy tìm kiếm, trên Facebook, trên truyền thông đại chúng, hay trên các ‘blogs’, bèn kể lại cho người khác. Theo Peterson, đại đa số người ta nghe được các sứ điệp hy vọng và cứu độ về tình yêu của Chúa Giêsu trên các đài truyền hình thế tục. Thông thường, chiến dịch cho chạy một quảng cáo trong 6 tuần lễ tại một giáo phận nhất định nào đó, cho nên trung bình một người có thể thấy các quảng cáo này từ 2 tới 3 lần một ngày. Chiến dịch có tất cả 25 quảng cáo khác nhau, nhiều chứng tá khác nhau, nhiều thước phim “Movie”, nhiều “Epic” có độ dài khác nhau và bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Một cách cụ thể, cuối Mùa Vọng sang năm mới hay trong Mùa Chay, chiến dịch cho phát hình những quảng cáo đó một cách ồ ạt tại một giáo phận. 98% người dân trong vùng truyền hình thấy các quảng cáo đó mỗi ngày 2 hay 3 lần. Khi chiến dịch chấm dứt, người ta sẽ bàn tán rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, họ đem ra thảo luận tại các phòng sắc đẹp hay tại các quán bar, tại nơi làm việc… Người Tin Lành, người Công Giáo, người cựu Công Giáo, người Hồi Giáo, người Do Thái Giáo, các phương tiện truyền thông thế tục… Cả một cuộc đối thoại tích cực được mở ra.

Lạ lùng một điều: phần đông những người được thăm dò trước khi chiến dịch cho phát hình các chương trình quảng cáo có cảm tưởng tiêu cực đối với Đạo Công Giáo hay Giáo Hội Công Giáo, bất kể họ là Thệ Phản, cựu Công Giáo, hay người vô tín ngưỡng… Nhưng sau một lần thấy các quảng cáo, 76% trong số họ phát biểu: “Theo tôi, đó là một sứ điệp rất tích cực, được tôi rất thích”. Đấy là một tỷ lệ chấp thuận rất cao và công ty Hollywood chuyên thử nghiệm các chương trình điện ảnh và giới thiệu sản phẩm đã cho chiến dịch hay “các ông đánh trúng rồi đấy, các ông đã nắm được đuôi cọp rồi đó, phát động đi”.

Tuy nhiên câu hỏi sau đó của chiến dịch, một câu hỏi quan trọng hơn nhiều, là: giờ đây, sau khi đã xem các quảng cáo này, bạn có nghĩ sẽ trở về với Giáo Hội hay không? nếu đó là một người Công Giáo bỏ đạo; còn nếu là người không Công Giáo, như Thệ Phản hay người bất khả tri chẳng hạn, thì câu hỏi là: bạn có nghĩ đến việc xem sét niềm tin Công Giáo hay không? Peterson cho hay: điều lạ lùng là 53% người của cả hai nhóm này đều trả lời: có, tôi có nghĩ đến việc đó.

Bởi thế, chiến dịch tin rằng thông tin một cách chuyên nghiệp, sử dụng các tài năng Chúa ban cho để phát đi một sứ điệp theo kiểu những nhà quảng cáo thế tục quen làm, ta có thể thực hiện được công việc Tân Phúc Âm Hóa mà Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng nói tới một cách hùng hồn. Trong thông điệp “Christifidelis Laici”, ngài kêu gọi tín hữu giáo dân sống và phục vụ Giáo Hội trong các nghề nhiệp thế tục của mình. Khi biết phối hợp kiến thức, kinh nghiệm và tài năng Chúa ban trong thế giới thế tục với đức tin và việc cầu nguyện cũng như ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn, thế nào ta cũng gặt hái được những thành quả lạ lùng, như hình thức tông đồ này.

Tiêu cực và tích cực

Nhân dịp tham dự hội nghị về truyền thông kỳ này tại Rôma, Peterson nhận định rằng Thánh Kinh, theo lời Chúa Giêsu, chính là một “Tin Mừng”. Tin Mừng ấy, Chúa Cha trên trời đã ban cho chúng ta làm hành trang trên đường lữ thứ trần gian. Nhưng thế giới thế tục muốn chúng ta kể một câu truyện khác hẳn, sự ác muốn chúng ta phải ngã lòng, trầm cảm, chúng muốn ta tập chú vào tính tiêu cực, chúng muốn ta đừng thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, phải sống trong bóng tối. Theo Peterson, nhân dịp chuyến đi Rôma lần này, ông thấy nhiều tin mừng đã được đem ra chia sẻ và trong khi báo chí, truyền thông đại chúng thế tục, và các lực lượng xấu của thế giới đang muốn nhận chìm khiến ta chỉ biết tập chú vào những con người không sống cuộc sống giống như Chúa Kitô, thì chúng ta, trong tư cách nhiệm thể Chúa Kitô, trong tư cách những người Công Giáo đã chịu Phép Rửa, phải có nhiệm vụ chia sẻ tin mừng với thế giới. Và khi làm được điều đó, phép lạ sẽ xẩy ra, lòng người sẽ thay đổi.

Peterson bảo có một ngạn ngữ nói rằng: “Khoảng cách lớn nhất trên thế giới là một bộ Anh rưỡi giữa trí và lòng một con người”. Khi tới hội nghị truyền thông lần này, ông thấy mình nhỏ bé trước rất nhiều giáo sư đến từ khắp thế giới đại diện cho bộ óc khoa bảng sáng chói. Ông nhận rõ sứ điệp đơn giản này: “Thiên Chúa thương yêu bạn”. Và để truyền đạt sứ điệp ấy, có nhiều cách rất sáng tạo để đánh động quần chúng nói chung giúp họ nhận ra sứ điệp đơn giản ấy. Các phương cách ấy ở đâu mà có? Ở trong việc xem truyền hình, ở trong việc sử dụng liên mạng; nhờ các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại, ta có thể đem Tin Mừng của Chúa Giêsu đến với một thế giới đang cần hy vọng và chữa lành. Làm được việc đó, ta sẽ thấy nhiều thành quả lớn lao.

Peterson cho hay nhiều người từ Tây Ban Nha, Đức và nhiều nước khác muốn ông truyền bá phương thức tông đồ của ông tới nước họ. Ông rất muốn làm việc đó, nhưng phương tiện và nhân viên của ông hiện nay chỉ có giới hạn. Tuy nhiên, ông tin rằng, nếu Chúa muốn, Người sẽ lo liệu giúp ông thực hiện được uớc vọng tốt đẹp ấy. Đến lúc ấy, ông nghĩ chỉ cần điều chỉnh chiến dịch theo chiều hướng văn hóa, lồng tiếng địa phương, thay đổi một vài màn hình cho hợp văn hóa địa phương là có thể áp dụng tại các quốc gia khác. Ông đơn cử trường hợp nước Úc, giáo dân nước này muốn chiến dịch của ông trình bày Thánh Mary MacKillop, quan thầy mới của họ, và hình ảnh Đức Gioan Phaolô ẵm con koala v.v… những hình ảnh mà người Úc có thể sử dụng để nói rằng: “Đây là gia đình Giáo Hội tôi”. Chiến dịch có khả năng làm việc đó tại các mảnh đất mầu mỡ của các cộng đồng địa phương.

Hiện nay, chiến dịch vừa cập nhật hóa trang mạng của họ hồi tháng 12 năm rồi, để nó có tính tương hành (interactive) và chân thành hơn. Chiến dịch đã sử dụng được kỹ thuật 2.0 (1), giúp cho việc ‘lèo lái’ (navigation) có tính thân hữu hơn với người dùng. Chiến dịch cũng thực hiện nhiều lời giáo huấn hơn về các vấn đề luân lý và xã hội có tính chủ yếu đối với thời đại được nhiều người quan tâm, như các thông tin về hiếm muộn (infetility), về ngừa thai, về phá thai và sự sống, về hôn nhân và gia đình, về tuyên bố vô hiệu hôn nhân. Nhờ các cải tiến về trang mạng trong tháng 12 năm rồi, lượng người vào thăm đã gia tăng đáng kể. Họ vào đó mỗi lần đến cả 6 phút hay hơn, đọc hơn 4 trang trong đó, kể như tăng ba lần so với một tháng trước đây.

Peterson cũng cho hay hiện chiến dịch của ông đang áp dụng cùng một chiến thuật và cùng một kỹ thuật của catholicscomehome.org vào trang mạng www.catolicosregresen.org là trang mạng bằng tiếng Tây Ban Nha. Dĩ nhiên với nhiều thay đổi về văn hóa. Như trong quảng cáo “Epic”, chiến dịch đã loại bỏ một số cảnh, và thay thế bằng cảnh Thứ Tư Lễ Tro và Đức Mẹ Guadalupe. Các chứng từ bằng tiếng Tây Ban Nha đề cập tới việc Đức Mẹ không ngừng mời gọi ta trở về với Con yêu quí của Ngài… Một ông nói tiếng Tây Ban Nha kể lại việc ông và toán khúc côn cầu của ông làm việc ngày Chúa Nhật, và họ nại cớ đó để trốn không đi lễ!

Các quảng cáo bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ba Lan cũng đã được phát hình tại Chicago. Nhờ thế, hàng triệu người tại Ba Lan đã được xem các quảng cáo của chiến dịch bằng tiếng Ba Lan trong dịp Mùa Vọng và Giáng Sinh năm rồi nhờ hệ thống PolSat qua vệ tinh. Peterson coi việc ấy là việc làm của Chúa Thánh Thần nhằm biến chiến dịch của ông thành một chiến dịch quốc tế trước khi chiến dịch nghĩ tới việc ấy. Ông coi đó như một thứ phúc đức bên lề (side benefit), một ơn phúc thực sự của Chúa.

Được hỏi ông học được gì từ kinh nghiệm này, Peterson trả lời, ông học được điều này: có cả một thế giới tốt đẹp dấu mặt đang hiện diện ở ngoài kia. Là người Công Giáo, ta được Chúa Thánh Thần ban cho nhiều ơn phúc qua các bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, ta tiếp nhận Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể, nhưng rất thường khi thế gian lại rù quyến khiến ta không nhận ra. Thiên Chúa có một mục đích và một kế hoạch dành cho đời ta. Ta có chức năng đặc biệt trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Khi ta thưa “vâng” với Thiên Chúa và thực hiện ý của Người qua việc sống cuộc sống bí tích, mọi cái vẩy đều rơi khỏi mắt ta, như đã xẩy ra với Thánh Phaolô, và cái thế giới tươi đẹp dấu mặt kia sẽ trở nên sinh động. Nó đầy mầu sắc và khám phá, bình an và vui tươi. Ngày nay, điều ta thiếu khi sống cuộc sống Công Giáo “bán thời gian” đã trở nên rõ ràng đối với chúng ta, vì ta biết do đâu những người khác có được niềm vui. Nếu ta chịu tiến lên một bước hướng về Thiên Chúa và trở về với Người như đứa con hoang đàng, Người Cha Thiên Chúa đầy yêu thương sẽ chạy tới với chúng ta và phủ phê ta bằng đủ mọi ơn phúc của Người.

Ông khuyên mọi người thưa “vâng” với Thiên Chúa, tham dự bí tích hòa giải tuyệt diệu, chịu đọc Thánh Kinh, khẩn khoản xin Chúa cho mình được gần Chúa hơn. Thiên Chúa sẽ tôn vinh lời cầu xin ấy, và bạn, bạn sẽ gặp phiêu lưu mới, sẽ có mục đích và ơn gọi trong đời, và khám phá ra một thế giới mới, đầy hy vọng và bình an với Chúa Giêsu.

(1) Từ ngữ “Mạng 2.0” hay “kỹ thuật 2.0” thường liên hệ tới các áp dụng giúp làm dễ diễn trình tương tác trong việc chia sẻ thông tin trên liên mạng. Nó cho phép người dùng có thể tương tác với nhau như những người cộng tác vào nội dung trang mạng, khác với các trang mạng trong đó người dùng chỉ được phép làm người đọc thụ động các thông tin được cung cấp.