Tại phiên họp Quốc hội toàn thể sáng ngày 12/6/2010, trong kỳ họp có nội dung bàn về chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc của Chính phủ; khi trả lời chất vấn trước Quốc hội được truyền hình trực tiếp, Phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng đã nói một câu ấn tượng nhất, thật nhất trong năm “Nghiêm ở đây không có nghĩa sai là “chặt chém” ngay, như vậy thì hết người, không có người để làm. Thử hỏi trong số chúng ta ngồi đây, bản thân tôi nhiều khi cũng tự hỏi mình làm trăm việc, làm mười việc thế nào cũng sai một hai việc cũng nên, có khi sai lớn, có khi sai nhỏ, nhưng mà các đồng chí cứ dẹp đi thì bầu không kịp?”

Phó Thủ Tướng dùng chữ “ chặt chém” tựa tựa ngôn ngữ xã hội đen. Ở Việt Nam đừng nói là “chặt chém” ngay, mà cứ “chặt chém” từ từ cũng chẳng bao giờ xảy ra. Nếu có xảy ra thì đúng không còn người để làm việc trong bộ máy chính quyền. Cứ xét theo điều ông Hùng nói thì chẳng có vị nào là miễn nhiệm trước tiêu cực, là không đáng phải “chặt chém”, và ông cũng không ngoại lệ. Trong bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương còn ai “chí công vô tư”, còn ai là “đầy tớ của dân”? Hình như chẳng còn ai. Ông nói: “thử hỏi trong số chúng ta ngồi đây”. Câu này chắc ông có đọc và áp dụng Thánh Kinh, Phúc Âm Gioan chương 8, câu chuyện “Người phụ nữ phạm tội ngoại tình”. Lời Chúa Giêsu nói “ Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Có thể được hiểu đầy đủ như sau: ai trong số các đại biểu Quốc hội ngồi đây thấy mình trong sạch thì cứ ném đá chúng tôi đi !. Ông tự tin vì phần lớn ngồi dưới là các “đồng chí” của ông nên họ hiểu mình hơn ai hết.

Ai trong các ông sạch tội hãy ném đá người phụ nữ này đi. Những người đòi ném đá hùng hổ trước đó, bây giờ lặng lẽ rút lui, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Khi người ta đòi ném đá tha nhân, người ta tự cho mình là kẻ sạch tội và có quyền lên án kẻ có tội. Nhưng khi người ta khám phá ra mình cũng là tội nhân, người ta không dám lên án nữa vì như thế cũng là tự lên án chính mình. Sự khám phá có được là do cái nhìn về phía bên trong chính mình. Chi tiết “bắt đầu từ những người lớn tuổi” rất ý nghĩa. Vì càng lớn tuổi càng có bề dày cuộc sống, càng dễ nhận ra bề dày tội lỗi. Chức vụ càng cao càng nhiều sai lỗi. Càng lớn tuổi càng cần có cái nhìn nội tâm nhiều hơn. Có những cái gần mình nhất mà mình lại khó thấy nhất. Đó là bản thân mình. Có những sự thật người ta tìm cách trốn chạy nhiều nhất là sự thật về chính mình. Sự thật ấy chỉ khám phá ra được khi nhìn vào phía bên trong. Nhìn vào bên trong là đi vào nội tâm để nhìn lại chính mình, soi gương tâm hồn. Nhìn lại cuộc sống, lời nói, việc làm mình đã làm, đã sống. Biết mình là đầu mối của sự khôn ngoan.

Phó Thủ Tướng thừa nhận: trong hàng chục việc mà ông trực tiếp giải quyết cũng có đôi ba việc ông làm sai, làm hỏng thậm chí sai nghiêm trọng, điều này là bình thường vì Phó Thủ tướng, quan chức Chính phủ cũng là con người, cũng bị “vợ bìu con ríu”… Điều không bình thường ở chỗ: ít khi cử tri thấy cá nhân từng thành viên Chính phủ, quan chức trong bộ máy Chính phủ đứng ra nhận sai, nhận lỗi cụ thể nào đó trước dân, với dân một cách tự giác, hồn nhiên… trừ khi bị đưa ra tòa.

Cử tri rất mong các ông thường xuyên dám tự nhận những cái sai cụ thể do các ông làm ra. Các ông đã làm sai điều gì, nhận khuyết điểm đến đâu và quan trọng là đã có cách gì để khắc phục chưa. Còn như nhận sai rồi lại để đó, nhận sai rồi đổ cho cơ chế, cho tập thể, cho trời, đất, thời tiết… thì nhận sai kiểu ấy phỏng có ích gì?

Phó Thủ Tướng nói một câu như kết lại vấn đề: “bản thân tôi nhiều khi cũng tự hỏi mình làm trăm việc, làm mười việc thế nào cũng sai một hai việc cũng nên, có khi sai lớn có khi sai nhỏ, nhưng các đồng chí cứ dẹp đi thì bầu không kịp?” Tác giả Thiên Văn nhận định: Đây được xem là phát biểu ấn tượng nhất trong tuần, là thật nhất trong năm. Đừng nói là Quốc Hội bầu thành viên Chính phủ không kịp, mà tất cả các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, các cơ quan xí nghiệp quốc doanh, thậm chí chức Trưởng thôn cũng không thể nào bầu kịp. Vì dẹp thì chẳng có ai tồn tại và không có ai tồn tại thì lấy đâu mà tổ chức bầu với cử, nói chi đến chuyện kịp hay không? Điều ông nêu ra đang tồn tại một cách phi lý, một sự thực rất đau lòng nhưng tại sao vẫn không được thay đổi? Chỉ bởi vì chất vấn xong, phát biểu trả lời xong, nghe xong thì… đâu lại vào đấy. Sự thật có phải là dân ta không còn ai có thể thay thế những người đương nhiệm không? (Từ Mạng Bauxite Việt Nam).

Khi sự thực được nói ra trước cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc Hội, được truyền hình trực tiếp đến toàn dân, những đại biểu Quốc Hội và người dân biết ưu tư với vận nước đều rất đau lòng. Người đại diện Chính phủ đã dám nói lên sự thật đó, nhưng là nói lên một cách vô cảm, nói sự thực không phải vì trung thực mà là để ngạo nghễ thách thức Quốc Hội, cử tri và công luận.

Nghe Phó Thủ tướng phát biểu, bỗng chợt nhớ câu chuyện “Đoàn tàu xã hội chủ nghĩa”.

Một đoàn tàu vừa xuất xưởng tại một nhà máy đóng tàu ở thành phố Leningrad để chào mừng lễ kỷ niệm 55 năm ngày “Cách mạng Tháng Mười”, được đặt tên là “Đoàn tàu xã hội chủ nghĩa”.

Trong các vị khách danh dự người ta thấy, ngoài các bậc khả kính như Tổng công trình sư Marx, Nhà thiết kế công nghệ Lênin, Kỹ sư thi công Stalin, còn có các đồng chí công nhân thuộc xí nghiệp đóng tàu và đông đảo nhân dân lao động.

Đồng chí Giám đốc Sở Giao thông thành phố Lêningrad phát một bài diễn văn quan trọng tuyên bố về ý nghĩa đoàn tàu và một dàn kèn đồng dóng lên “Bài ca chiến thắng”, người ta phát lệnh để đoàn tàu khởi hành.

Sau khi máy khởi động một lúc lâu, thì còi tàu bỗng rú lên rộn rã một hồi, rồi lại rú lên một hồi nữa, rồi … đứng ỳ ra đấy. Cả đoàn tàu xôn xao. Thảo luận và thảo luận.

Cuối cùng một hành khách lên tiếng “Xin đề nghị đồng chí Tổng công trình sư kiểm tra đoàn tàu”. Tổng công trình sư Marx xem xét rất kỹ càng rồi tuyên bố: “Thưa các đồng chí! Đoàn tàu được chế tạo theo đúng những nguyên lý của tôi. Còn vì sao nó không chạy thì quả thực tôi chưa phát hiện ra. Đề nghị thử lại xem ra sao”.

Đoàn tàu khởi động lại lần nữa. Còi tàu lại rú lên, và đoàn tàu lại đứng ỳ ở vị trí ban đầu. Quần chúng lại xôn xao bàn tán. Sau đó tất cả quần chúng quyết định mời nhà thiết kế công nghệ, đồng chí Lenin giúp kiểm ta xem sao”

Nhà thiết kế Lenin lại xuống tàu, xem xét máy móc một hồi, rồi tuyên bố: “Thưa các đồng chí. Đoàn tàu được thiết kế theo đúng nguyên lý của Marx, và hơn nữa, rất đúng phương án công nghệ của tôi. Còn vì sao nó không chạy, thì tôi không thể nào hiểu nổi. Thôi, ta thử lại một lần nữa xem sao”. Đoàn tàu lại nổ máy, còi tàu lại rú lên, và đoàn tàu lại đứng ỳ ra đấy. Cả đoàn tàu lại xôn xao thảo luận và đề nghị đồng chí Kỹ sư thi công Stalin kiểm ta xem sao.

Kỹ sư thi công Stalin xem xét một hồi, rồi tuyên bố: “Đoàn tàu được chế tạo theo đúng nguyên lý của Marx, và hơn nữa, rất đúng phương án công nghệ của Lenin và hoàn toàn không sai với phương án thi công của tôi, còn vì sao nó không chạy, thì ta phải tìm hiểu thêm. Tôi đề nghị nổ máy lại một lần nữa”. Nếu đoàn tàu vẫn không chạy, thì tôi đề nghị các đồng chí công nhân kiểm ta giúp xem máy móc có trục trặc gì không.

Đoàn tàu lại nổ máy, còi tàu lại rú lên mấy hồi, và đoàn tàu lại đứng ỳ ra đấy.

Một đồng chí công nhân già vác cây búa rõ to xuống tàu gõ gõ, đập đập một hỏi, hết đầu tàu lại đến bánh xe. Cuối cùng đồng chí công nhân cười váng, thét to: “Tôi tìm ra lý do rồi”. Cả đoàn tàu mừng rỡ. Cả ba đồng chí Marx, Lenin, Stalin và toàn bộ quần chúng trên đoàn tàu đồng thanh lên tiếng đề nghị đồng chí công nhân phát biểu ý kiến. Đồng chí công nhân nhún vai, rồi cất cao giọng:
“Thưa các đồng chí, đoàn tàu được thiết kế theo đúng các nguyên lý của Marx, theo đúng phương án công nghệ của Lênin và hoàn toàn tôn trọng phương án thi công của Stalin, nhưng chỉ sai mỗi một chỗ…”

Cả đoàn tàu reo lên hối thúc… “Sao…Sao …”. Rồi tất cả nín thở chờ đồng chí công nhân phát biểu ý kiến tiếp tục. Và đồng chí công nhân hạ giọng:
“Nhưng, thưa các đồng chí …”. Cả đoàn tầu im phăng phắc … hồi hộp.

Đồng chí công nhân lại nhún vai, thở dài, và lần này hạ giọng thấp hơn, có vẻ gì đó rất nghiêm trang:
“Nhưng, … các đồng chí ạ. Lỗi là tại hệ thống cung cấp năng lượng … Đáng lẽ các đường dẫn năng lượng phải cung cấp cho bánh xe … để bánh xe chạy, thì thật buồn, … thật buồn các đồng chí ạ…”

Cả đoàn tầu vẫn im phăng phắc. Có người thét to:
“Nói toạc ra đi, còn ạ với ậm cái gì mãi thế!”

Đồng chí công nhân nín thở, lấy hơi:
“Nhưng khó nói lắm”

Một giọng đáp lại:
“Thôi đừng có sợ. Năm nay là 1972 của Tổng bí thư Brezhnev rồi, chứ không phải là 1952 của Stalin nữa. Đảng cho tự do tư tưởng mà”

Đồng chí công nhân lấy lại bình tĩnh:
“Đáng lẽ …”
“Đáng lẽ…Ư hừ…”
“Đáng lẽ … Ư hừ… Khó nói quá… Đáng lẽ phải truyền năng lượng vào bánh xe cho tàu nó chạy, thì … thì… các bố lại dồn hết cho cái …”
“Cái gì… Ấm ư mãi thế!”

Nhìn quanh lấm lét… rồi lão đồng chí công nhân mới cất tiếng chậm rãi:
“Ư hừ… Mẹ nó… (lão đồng chí công nhân buột mồm chửi thề) … Dồn hết năng lượng cho cái còi… Ư hừ… Thế là cái còi cứ rú lên, còn đoàn tầu cứ đứng ỳ ra đấy. chứ còn …… chứ còn … cái mẹ gì nữa”

Cả đoàn tầu đồng thanh ồ một tiếng thở phào nhẹ nhõm:
“À thì ra chỉ tại… chỉ tại… dồn hết sức cho cái còi …”

Chú thích: Nikolai Bykov là cựu sinh viên Liên Xô ở Hà Nội, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Ông vừa đến Việt Nam theo một tours du lịch. Gặp lại bạn bè Việt Nam vừa đúng lúc trên truyền hình trình chiếu một chương trình lễ hội tưng bừng, sau đó là một lễ khánh khành công trình chào mừng một ngày gì đó. Vừa uống rượu, vừa xem chương trình truyền hình, ông buột miệng “Lại khánh thành… Lại lễ hội. Lại chào mừng. I hi…”… “Tốn hết cả tiền dân”… Rồi ông cao hứng kể một câu chuyện dân gian,… Ông nói trong tình cảm cởi mở giữa bạn bè: “Nhưng mà này… Đây là rượu nói, chứ không phải tôi nói đâu nhá!”.

Theo ông thì câu chuyện xuất hiện vào khoảng năm 1972, nghĩa là từ thời còn Liên Xô. Câu chuyện có tên là “Đoàn tàu xã hội chủ nghĩa”. Văn Quán ghi lại và gửi đến BVN. BVN biên tập và đã chuyển cho Nikolai Bykov xem lại. Xin có lời cám ơn bạn Văn Quán.

(Đăng bởi bvnpost on 02/05/2010, Nikolai Bykov kể, Văn Quán ghi. VC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập).