Một người cha, có thể can thiệp cho con mình khỏi chết, nhưng người cha đó không can thiệp để thiên hạ giết con mình. Điều lạ lùng là người cha không cứu con mình nhưng lại rất sốt sắng trong việc cứu thiên hạ. Hành động sát nhân, dù không trực tiếp, để thiên hạ giết chết con không bị người đời nguyền rủa. Xã hội không lên án và toà không tuyên án phạt. Trái lại ông được tặng danh hiệu Người Cha Già Chúng Sinh. Người ta ca tụng ông là Cha Già Chúng Sinh không phải chỉ ở đầu môi, chóp lưỡi của những tay lẻo mép, nịnh thần hay lươn lẹo trước mặt gọi là cha, sau lưng thêm chữ thằng cho câu văn thêm bề thế. Thiên hạ không có dụng í đó. Hoàn toàn không phải vậy. Bất cứ ai, già trẻ, lớn bé biết đến ông đều trân trọng xưng tụng ông là Cha Già Chúng Sinh. Họ gọi với tất cả tấm lòng chân tình, trân trọng, quí mến, thần phục.

Câu chuyện nghe có vẻ khôi hài. Kẻ sát nhân, vô tâm đến độ để thiên hạ giết chính con một mình mà được ca ngợi. Đây không phải là truyện cổ tích, truyện khoa học giả tưởng hay truyện thần bí. Đây là chuyện thật có một không hai trong lịch sử nhân loại. Nhiều người xác quyết câu chuyện thực này chưa từng xảy ra trong xã hội loài người và tương lai cũng sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Có những nhân chứng xác tín đến độ nếu phải chết để làm chứng cho vị Cha Già Chúng Sinh, người ta vẫn sẵn sàng. Lí do đơn giản và dễ hiểu là chính nhân chứng đó đã được Cha Già Chúng Sinh cứu sống. Hy sinh chết làm nhân chứng cho Cha Già được hiểu là một ơn phúc, không phải tội mà là ân phúc.

Chuyện kể con của Cha Già Chúng Sinh là một thần y tiếng tăm lừng lẫy. Khi ông ra tay cơn bệnh nặng mấy cũng bình phục và bình phục nhanh chóng. Chẳng hiểu thần y dùng loại thần dược gì mà công hiệu đến thế. Không phải con bệnh nào thần y cũng chữa. Là thần y nhưng ông thích giảng giải về lẽ sống nhiều hơn là chữa bệnh. Chữa bệnh trở thành phụ thuộc. Giảng giải về lẽ sống, chỉ vẽ cho người con đường sống là lẽ chính.

Điều ngạc nhiên là chưa ai nhìn thấy cha thần y, nhưng thần y luôn nhắc đến cha mình. Tất cả những điều thiên hạ ca tụng, chúc mừng hay hoan hô thần y luôn dành cho cha. Tất cả công việc thần y thực hiện theo thần y đều là do cha hướng dẫn. Thần y luôn nhắc đến cha mình. Thần y còn tuyên bố tất cả những gì thần y nói, việc thần y làm đều là do ý cha. Thần y không tự mình nói điều chi, tất cả đến từ cha. Ngay cả khi chữa bệnh cũng thế, thần y luôn nói là do cha làm. Thần y chỉ là dụng cụ trong tay cha. Thực ra chưa ai thấy cha thần y, chỉ nghe thần y nói về cha. Dân chúng mang lòng quí mến cha thần y vì trong lòng họ rất quí mến thần y nên họ quí luôn những gì thần y quí, kính trọng những ai thần y kính trọng.

Khán giả đến nghe thần y giảng rất đông vì thần y có tài ăn nói. Không văn hoa, rất gần thực tế, thực tiễn và công dụng cho cuộc sống. Thí dụ thần y dùng toàn hình ảnh quen thuộc liên quan đến đời sống hàng ngày. Chính vì thế mà mọi người khen lời giảng của thần y vừa đơn giản, mộc mạc, lại mới mẻ và đầy í nghĩa. Bốn yếu tố trên: đơn giản, mộc mạc, mới mẻ, đầy í nghĩa giúp cho khán giả thích nghe điều thần y trình bày. Lâu lâu thần y lại chữa bệnh. Trong số khán giả đến nghe thần y chia làm hai phe. Phe có thân nhân ốm đau, bệnh tật cho là chữa bệnh cần thiết hơn giảng về lẽ sống. Phe này lí luận chữa bệnh cần như cứu hoả, để lâu cơn bệnh biến chứng làm sao chữa. Phe kia chống lại, lí luận, giảng cho người nghe về con đường sống quan trọng hơn chữa bệnh. Theo họ một khi con người quán triệt được cách sống, theo con đường sống, bệnh tật tự nhiên sẽ bớt. Nói cách khác số người bị bệnh tật trong xã hội giảm xuống. Xã hội trở thành một xã hội lành mạnh. Cuộc tranh cãi kéo dài giây dưa lắm, dường như không có hồi kết. Người đến nghe giảng rất đông, sốt sắng lắng nghe, nhưng lúc giải lao hay trên đường về hai phe cãi nhau cũng hăng lắm. Phe nào cũng cho là phe mình có lí. Điều đáng khen là hai phe tranh cãi mà không mang đến ẩu đả, hay bạo động. Chỉ đấu võ miệng thôi.

Thần y có một đặc điểm rất lạ. Bệnh nào cũng chữa khỏi nhưng không phải con bệnh nào thần y cũng chữa. Thần y chỉ ra tay bố thí khi con bệnh thành tâm cầu khẩn, nài xin thần y mới ra tay. Một khi ra tay chắc chắn người đó thế nào cũng được toại nguyện. Người ta còn kể lại cả việc thần y cải tử hoàn sinh. Điều này không xảy ra thường, không phải một lần, mà đôi ba trường hợp kẻ chết thần y chữa cho sống lại. Những lương y khác ghen tị với thần y nói là tài cán gì. Con bệnh đó chưa chết, nó ngất xỉu cấp tính, xỉu giai đoạn. Thần y may mắn, khi con bệnh đến tay ông thì nó tỉnh lại. Không chữa trị gì mà vẫn hưởng lộc. Thần y không quan tâm lời bình phẩm khen, chê, vẫn âm thầm làm công việc của mình.

Thần y chữa bệnh thần kì như thế và chưa hề lấy tiền thuốc của ai. Lộc thần y hưởng là những lời ca ngợi, tri ân, tán tụng mà không dính bén đến của cải, lễ ngãi vật chất. Lời đồn thần y cải tử hoàn sinh hư thực ra sao rất khó kiểm chứng. Có trường hợp chính người chết sống lại đứng ra làm chứng hội lương y vẫn biện bác, không tin.

Phát ngôn viên của hội lí luận như sau. Nếu người đó thực sự chết, thần y cải tử hoàn sinh bằng phương pháp nào, người chết đâu biết gì mà làm chứng. Nếu người đó thực sự chết, người đó cũng không biết là mình đã chết vì chết thì còn biết chi nữa. Trái lại, nếu người chết biết thần y chữa trị ra sao thì người đó chưa chết, mà chỉ là ngất xỉu cấp tính, chỉ có thế mới biết được thần y chữa trị ra sao. Vì vậy việc thần y cứu kẻ chết sống lại trở thành chuyện diễu cợt cho nhiều người. Dân chúng tin trăm phần trăm thần y có tài cải tử hoàn sinh; hội lương y cho đó là tin đồn thất thiệt. Một tin đồn mù quáng gây hại cho hội lương y nên hội tìm cách dập tắt những tin đồn trên. Dập tắt mãi không được hội lương y họp lại đồng tâm giết chết thần y là xong chuyện. Dù làm việc tốt lành, thần y vẫn bị kết án tử do ghen tức mà ra. Thần y trái lại khi nghe người ta bình phẩm về mình, thần y lơ đi như không nghe thấy. Đôi lần hội lương y sai người chất vấn, thần y không trả lời thẳng mà nói là cứ đến hỏi những người nghe tôi nói lọ làm chứng cho tôi. Câu này như thêm dầu vào lửa làm cho hội lương y sôi sục. Hội trưởng nghe tin này tức lắm nói trả lời như thế cũng như không. Thế rồi cả hội hậm hực, họp ngày họp đêm tìm cách giết thần y.

Có lần thần y sai đệ tử hai người một đi chữa bệnh cho dân chúng. Các ông ra đi thu được nhiều kết quả. Thấy đệ tử thần y nổi tiếng, hội lương y ghen tức, cho là thần y cố í gây sự nên các ông càng bực hơn nữa. Sự việc này gây thêm bất bình, làm cho sự việc ra tồi tệ hơn nữa.

Biết hội lương y tìm cách gài bẫy, giết chết. Đệ tử thần y lo ngại, nhưng thần y trấn an họ. Kẻ đi ban ngày không sợ vấp té vì bước đi trong ánh sáng.

Nghe câu này hội thần y cho là thần y thách thức cả hội, không phải một cá nhân mà là cả hội. Thách cả hội thì chờ đi. Hội sẽ cho biết. Chính vì lí do trên mà những ai trong hội lương y còn phân vân, chưa ngã ngũ đều phải tỏ thái độ dứt khoát. Một là trung thành và hỗ trợ việc làm của hội lương y. Hai là tỏ thái độ đứng hẳn về phía thần y. Trong trường hợp hỗ trợ thần y, lương y đó bị khai trừ khỏi hội, không còn là thành viên nữa và dĩ nhiên không là thành viên hội, không được hành nghề lương y. Đây là điểm trói buộc các lương y phải trung thành với hội nếu không cả gia đình chết đói vì biết sống bằng nghề gì bây giờ.

Hội viên hội lương y có cảm tình với thần y rất khó xử. Họ chỉ cầu cho thần y bớt nói đi để lấy cớ là thần y đang sinh hoạt bình thường, không có chủ ý hạ thấp uy tín hội. Điều họ mong chờ không toại nguyện vì hội lương y càng hoênh hoang, thần y cành mạnh miệng đả kích. Có lần thần y gọi họ là mồ mả tô vôi. Ngoài sáng sủa, trắng tinh nhưng trong chứa xác chết hôi rình. Hội lương y kháo với nhau xác chết đó không ai khác hơn là xác thần y. Những hội viên khác lại cho rằng thần y có thể cải tử hoàn sinh thì giết thần y có ích chi. Chính thần y sẽ cho mình sống lại lúc đó trốn đâu nếu thần y trả thù. Mối lo ngại này cũng khá thực tiễn chứ không phải do tưởng tượng.

Những đệ tử của thần y nghe họ chửi thầy mình buồn bực lắm. Có lúc các ông muốn đánh trả cho chúng tan xác. Có lần các ông đi ngang làng tên là Samarita, dân chúng hỗn xược, láu cá, chửi bới không trừ ai, cả làng lại mắc chứng dịch nên người nào cũng ăn nói bừa bãi. Các ông nghe chịu không được nên nói với thần y hay là sai lửa xuống đốt chết hết đám hỗn xược này đi. Thần y tỏ vẻ không bằng lòng còn dậy các ông thông cảm và yêu thương những người ốm đau, bệnh tật. Theo thần y thì họ không hư đốn như thế, họ ăn nói như thế vì ảnh hưởng bởi cơn bệnh. Ai lại chấp nhất với người bệnh như thế, thương họ mới phải chứ.

Trở lại với danh xưng Cha Già Chúng Sinh. Đây cũng chỉ là chuyện kể. Thực hư ra sao độc giả tự phán đoán, tự tìm câu trả lời thích hợp cho từng cá nhân. Trước khi thần y xuất gia hành nghề, khắp nơi bị một bệnh dịch. Ai mắc chứng dịch này đều chết. Từ quan chí dân, từ già đến trẻ không ai tránh khỏi. Người ta không biết tên của loại dịch đó, nói chi đến thuốc chữa, thuốc ngừa. Khi thấy có những triệu chứng khác thường người ta biết người đó bị lây bệnh. Những triệu chứng con bệnh sợ ánh sáng, thích bóng tối. Con bệnh tính tình nóng nảy, hay giận dữ. Con bệnh tham tiền, ham quyền vì cái tâm lí chẳng còn sống được bao lâu nữa nên ăn chơi trác táng, bất kể nguy hiểm vì đàng nào cũng chết nên còn sợ chi. Bệnh nhẹ ăn chơi ít; bệnh càng nặng ăn chơi cành nhiều. Tính tình trở nên nóng nảy bất thường, tự kiêu trong lời nói, hành động. Hứa càn mong đạt mục đích. Thực hiện bất thành thì đổ thừa, hoặc trốn chạy. Con bệnh có quyền thì kiêu ngạo, tự coi mình lớn hơn trời, khôn ngoan hơn hết mọi người khác từ xưa tới nay.

Cách hành xử tiền hậu bất nhất làm cho xã hội trở nên vô cùng tồi tệ. Thuốc chữa không có. Hội lương y qui tụ tất cả các danh y nổi tiếng cùng nhau hội họp, nghiên cứu tìm thuốc chữa mãi vẫn chưa thành công. Chưa tìm hiểu nguyên do gây bệnh nên chưa tìm ra thuốc công hiệu.

Thần y xuất hiện chữa bệnh. Hội lương y nhiều lần tính mời thần y cộng tác nhưng trong hội có nhiều lương y tự ái cao, phản bác, không cho mời. Số lương y thành tâm muốn mời thần y nhưng không dám vì họ là thiểu số, sợ làm mất lòng đa số. Chính vì thế mà hội lương y tắc nghẽn không giải quyết được bất đồng trong hội.

Nhận biết tình trạng bất đồng của hội lương y. Thần y cũng dự đoán là hội đó không làm việc chung được vì tính nết của các lương y xung khắc. Không cộng tác chung được thì nói chi đến việc hợp tác chữa bệnh dịch đang tràn lan. Phải thành thật mà nói, hội không đủ khả năng tìm thuốc vì họ không biết nguyên nhân gây bệnh dịch. Vì những lí do đó mà thần y xin cha mình cho thần y chữa bệnh cho muôn dân. Được cha thần y cho phép. Thần y biết rõ loại dịch này tác hại cơ thể bằng cách tấn công máu, làm cho máu mất khả năng chống bệnh. Muốn chữa chỉ việc tăng sức cho máu là con bệnh bình phục mau chóng. Mặc dù thần y bận rộn rao giảng đó đây. Nay chỗ này; mai chốn khác nhưng thần y không ngừng quan sát tìm người thích hợp để chữa bệnh. Không tìm được ai khác. Cuối cùng thần y đành hy sinh máu của chính mình để cứu con bệnh. Thần y biết rõ máu của thần y có chứa dược tính vì khi còn nhỏ cha thần y phòng trước cho thần y uống một loại dược tính tránh được tất cả các thứ bệnh. Chính nhờ dược tính này mà thần y tiếp xúc người bệnh mà không bị lây bệnh. Nhờ máu huyết có thần dược nên thần y sang máu của mình để cứu bệnh nhân. Máu của thần y chứa ba đặc tính căn bản. Thứ nhất là chữa lành bệnh cho những ai mắc bệnh. Thứ hai là ngăn ngừa cho người chưa mắc bệnh khỏi mắc bệnh và thứ ba giúp bệnh nhân đã bình phục không nhiễm bệnh trở lại.

Ngạc nhiên thay mỗi bệnh nhân chỉ cần nhận một phần nhỏ giọt máu của thần y, bệnh nhân đó bình phục. Tin này mau chóng truyền ra. Hội lương y cử người đến rình mò quan sát. Nhóm này về báo cáo những lời đồn đãi hoàn toàn đúng sự thật. Hội lương y trong lòng tin thần y ngăn chặn được bệnh dịch nhưng ngoài miệng vẫn chối bai bải. Để giết được thần y danh chính ngôn thuận, giết người mà tay mình không dính máu. Hội lương y ngầm báo cáo tin quan trọng này đến nhà vua. Trước hết hội cần bàn thảo, dụ dỗ, mua chuộc hội lương y hoàng gia. Chính nhóm này đứng vai chủ động báo cáo, đề nghị, khuyên nhủ nhà vua ra lệnh bắt thần y về ưu tiên chữa bệnh cho hoàng tộc. Nhà vua nghe lời bàn liền sai ngàn quân bắt thần y về hoàng cung chữa bệnh. Danh sách hoàng gia đông như kiến, cộng thêm hoàng thân cố thích, thân nhân con cháu nội ngoại các quan lớn nhỏ trong triều. Những người có tiền mua chuộc các quan cho danh sách gia đình vào dòng tộc nhà vua. Tính ra coi như cả nước chẳng còn mấy ai sót, ngoại trừ những người cứng đầu, dấu tên không muốn lộ diện. Còn lại thì hầu như cả nước nằm trong danh sách con cháu hoàng gia. Người nào cũng muốn giọt máu thần y, có bệnh thì được khỏi, chưa mắc bệnh thì phòng dịch.

Thần y biết mưu mô của hội lương y và ý định của nhà vua và hoàng tộc. Thần y muốn tránh né cái chết đau thương nhưng nghĩ lại không muốn trái ý cha vì lòng tốt của cha bao trùm trên tất cả mọi người. Thần y có lần nói rõ điều mình nghĩ. Lậy cha, con không muốn nhưng nếu đây là điều làm đẹp lòng cha thì con sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng.

Mưu mô của hội lương y và hoàng gia trở thành hiện thực, không phải vì quyền thế mà chính là do thần y tự nguyện chiều theo ý cha, bằng lòng hy sinh chịu chết cho muôn dân được sống. Điều ngạc nhiên là ngoài miệng lương y không tin thần y chữa được chứng dịch kinh hồn kia. Ai kiểm soát được trong lòng. Trong danh sách chữa bệnh của hoàng gia không có gia đình lương y nào thiếu tên. Khi có người cật vấn hội trưởng lấp liếm đáp chúng tôi không muốn nhưng lệnh vua, không tuân mang tội khi quân. Chính vì thế mà các lương y đều có tên trong danh sách.

Chết vẫn chưa yên. Ngay khi thần y chết vì hết máu trong người. Giọt máu cuối cùng nhỏ xuống cũng là lúc thần y tắt thở.

Ngay lúc đó nhà vua nhận được tin vui từ các lương y hoàng gia hậu cung loan báo. Nhà vua có tin vui. Hoàng hậu vừa sanh một hoàng tử. Vua vui mừng nhảy múa vì từ lâu vua mong chờ có hoàng tử nay mới được tin vui. Nhà vua tuyên bố mở yến tiệc mừng. Sau tiệc mừng là mối lo. Hoàng tử tí hon vừa chào đời tránh sao được bệnh dịch. Nhà vua buồn rầu, hoàng tử sanh trễ quá. Thần y vừa mới qua đời, còn máu đâu sang cho hoàng tử. Vua ra lệnh phanh thây thần y lấy máu cho hoàng tử. Lệnh Vua, ít nhiều cũng phải lấy chút máu thần y cho hoàng tử. Nhất định phải có. Không uống được thì xức cũng đỡ đi. Các quan và lương y hoàng gia hết vò tai đến bóp đầu. Không thể chờ lâu hơn được nữa. Vua quyết định tự mình ra tay. Đến nơi xác thần y đã lạnh. Đến cả máu khô cũng được chúng thần chung quanh lấy sạch. Vài đại thần lên tiếng tỏ vẻ không tin vì chính thần y còn chết thì cứu được ai nữa. Vua vung kiếm quát ai trái lệnh trẫm thì xem kiếm này. Thế là triều thần im bặt.

Vua lấy đòng đâm ngay tim thần y, hy vọng còn sót chút máu nào không. Đúng như niềm mong đợi. Lưỡi đòng kéo ra đến đâu giọt máu theo ra đến đó. Khi lưỡi đòng vừa rút ra thì có ít giọt máu và nước bắn ra trên đầu, trên cổ nhà vua và các cận thần. Các quan đứng đó kinh ngạc nhắc lại lời thần y tiên tri thuở trước.

Máu của ta sẽ đổ trên đầu các ngươi và con cháu các ngươi.

Vài cận thần lập lại điều đó. Quả hắn có tiên tri như vậy sao? Chúng thần xác thực. Vua liền nói máu của thần y đã đổ trên đầu trẫm và các cận thần. Lời nói của thần y quả linh nghiệm.

Vua hy vọng xác thần y may ra còn dùng vào việc gì khác. Vua tin lời thần y rất linh. Nhà vua truyền mang xác thần y chôn vào cung mộ hoàng gia. Nơi đây dân chúng không được lai vãng đến gần, lại có lính gác rất nghiêm ngày đêm. Ba hôm sau vua nghe tin đồn thổi thần y đã sống lại và gặp các môn đệ của ông. Vua đến tận nơi chôn xác thần y thì thấy mồ trống. Tra hỏi thì lính tráng kẻ nói thế này, người nói khác. Người nào cũng thề là nói thật, không dám khi quân dối trá hoàng thượng. Nhà vua lúc tin thần y sống lại như lời tiên tri; lúc khác lại nghi ngờ. Sống lại từ cõi chết là điều chưa từng xảy ra. Điều làm cho vua khó nghĩ là quân lính đứa nào cũng thề là nói thật.