WASHINGTON, D.C. (Zenit.org).- ĐGH Benedict XVI đã minh thị rằng thời đại truyền thông ngày nay cống hiến cho Giáo hội một cơ may độc nhất bằng cách tạo dễ dàng sự cộng tác và hiệp thông trong những hình thức mà trước đây ta không thể tưởng tượng nổi.

Nhưng xác định phương thức để đi vào thế giới truyền thông lại không phải là một công tác dễ dàng đối với nhân viên và các tổ chức trong Giáo hội. Đó là nhận định của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ khi đề ra một số hướng dẫn về công tác này.

Để giải quyết tình trạng phức tạp của thế giới truyền thông, các giám mục đã đưa ra bản “Hướng dẫn về Truyền thông Xã hội” hiện được lưu hành trên trang mạng của Hội đồng kể từ tháng này.

Các hướng dẫn để dùng cho nhân viên của Giáo hội, nhưng cũng “được đưa ra như một tổng hợp những cách thức thực hiện tốt đẹp nhất”, kết hợp các thông tin từ những tổ chức vụ lợi cũng như bất vụ lợi.”

Các hướng dẫn này đặt cơ sở trên tiền đề là truyền thông xã hội “cống hiến đồng thời cả cơ may cũng như thách đố cho các tổ chức Công giáo” mà tài liệu này tập trung vào ba tính chất chính: thấy được rõ ràng, cộng đồng và khả tín.

Bản hướng dẫn nói: “Truyền thông xã hội là hình thức thông tin phát triển nhanh chóng nhất tại Hoa kỳ, đặc biệt là nơi giới trẻ và người thành niên còn trẻ. Giáo hội chúng ta không thể bỏ qua thực tại đó, nhưng đồng thời chúng ta phải thực hiện công tác truyền thông xã hội bằng cung cách nào cho an toàn, trách nhiệm và lễ độ.”

Thấy được rõ ràng

Nhận định rằng các cộng đồng truyền thông xã hội trên mạng hiện nay đã lớn hơn dân số toàn nước Mỹ, và còn đang nhanh chóng lớn mạnh, bản hướng dẫn khẳng định là truyền thông “cung cấp những diễn đàn tuyệt hảo cho người ta thấy được rõ ràng Giáo hội và công cuộc phúc âm hóa của Giáo hội.”

“Vấn nạn chính mà mỗi tổ chức trong Giáo hội phải đối diện khi đi vào truyền thông xã hội là: Chúng ta sẽ thực hiện như thế nào?”, và tài liệu hướng dẫn đề nghị phải xem xét cẩn thận nhằm ước lượng sức mạnh của mỗi hình thức và bảo đảm rằng sức mạnh đó phù hợp với nhu cầu.

“Chẳng hạn như một đề mục post vào trang nhật ký trên mạng (blog) có thể không phải là cách thức hữu hiệu nhất để nhắc nhở các học sinh về một công tác, một sự việc nào đó. Tuy nhiên một text message đồng loạt gửi cho tất cả học sinh và phụ huynh báo cho họ biết buổi tĩnh tâm bắt đầu vào lúc 9 giờ sáng lại có thể rất kết quả.”

Cộng đồng và trách nhiệm

Về vấn đề cộng đồng, bản hướng dẫn lặp lại một điểm được chính Đức giáo hoàng đề ra trong giảng huấn của ngài nhân Ngày Truyền thông Thế giới.

Hướng dẫn khẳng định rằng “sự tương tác trong truyền thông xã hội không nên được coi là cách thức thay thế cho những cuộc họp mặt đối mặt.” Mà việc sử dụng truyền thông xã hội nên khuyến khích tình bạn chân thật và thực hiện “lòng khao khát của con người được kết đoàn một cách có ý nghĩa.”

Bởi vì truyền thông xã hội nhằm xây dựng cộng đồng, nên hiệu quả tạo ra là tính khả tín và trách nhiệm.

Điều quan trọng đối với những người lập ra và điều hành những trang mạng này là “hiểu rõ rằng truyền thông xã hội khác biệt với truyền thông đại chúng và về nguyện vọng của người sử dụng.”

“Chủ yếu của Truyền thông xã hội nằm ở từ ngữ “xã hội”, sự phân biệt giữa người tạo ra nội dung và người xử dụng nội dung thường có tính cách mờ nhạt. Nhiều chuyên gia truyền thông mô tả sự áp dụng truyền thông xã hội như là một chuyển đổi theo mô hình cách thức con người thông truyền với nhau, một sự phát triển cũng quan trọng ngang tầm với sự phát triển của máy in và sự khám phá ra phương tiện truyền thông điện tử,”

Soi sáng đường đi



Tài liệu hướng dẫn cũng đưa ra một loạt những dữ kiện, như “Các nguyên tắc Chỉ đạo”, “Luật Đi đường” và một danh sách các định nghĩa cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc còn tương đối mới đối với lãnh vực truyền thông (các định nghĩa những từ ngữ như blog, micro-blog và social network).

Một yếu tố được đề nghị: “Hãy nhắc nhở những người điều hành mạng rằng họ đang post bài cho một khối lớn độc giả. Truyền thông xã hội là những sân khấu toàn cầu. Bất cứ ai trên thế giới khi vào trang mạng của họ cũng có thể đọc được nội dung.”

“Đừng tiết lộ những thông tin kín mật về người khác.”

“Không có gì đã post lên mạng còn giữ được tính cách riêng tư nữa.”

Làm việc với giới trẻ

Bản hướng dẫn cũng đề cập đến vấn đề xử sự thích hợp với trẻ vị thành niên, bảo đảm rằng phụ huynh các em đó có thể truy cập được vào mọi tài liệu gửi tới con em họ.

Các bậc phụ huynh cần biết cách thức truyền thông xã hội được sử dụng như thế nào, và “được chỉ dẫn cách truy cập các trang mạng, được cơ hội sao chép tất cả các tài liệu gửi tới con em họ thông qua mạng xã hội (social networking), chẳng hạn như các thông điệp gửi bằng văn bản (text messages).”

“Nên khuyến khích các nhân viên thuộc Giáo hội sao lưu các câu chuyện đàm thoại mỗi khi có thể được, nhất là những cuộc đàm thoại liên quan đến chia sẻ cá nhân của một trẻ vị thành niên hay người thành niên còn trẻ.”

Có 8 “điều luật”, từ việc tuân thủ các hướng dẫn của giáo xứ/giáo phận cho đến việc nhận thức rằng “ngay cả mỗi truyền thông cá nhân một nhân viên giáo hội đưa ra cũng phản ảnh Giáo hội. Hãy thực hành những điều bạn giảng dậy.”

Tài liệu này còn đề nghị khi viết điều gì hãy dùng ngôi thứ nhất, và tránh đừng tự nhận là “đại diện lập trường chính thức của tổ chức hoặc là giảng huấn của Giáo hội, trừ khi nào được cho phép tuyên bố như thế.”

Sau hết, điều luật thứ tám trong tài liệu này là “Hãy thực thi đức bác ái của người Kitô hữu.”

Toàn văn bản hướng dẫn có thể đọc tại

www.usccb.org/comm/social-media-guidelines.shtml