GƯƠNG MỤC TỬ VIỆT NAM

Trọng kính Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận,

Ngay từ ngày đầu tháng chín năm nay, 2010, lịch Dân Chúa Âu châu đã nhắc nhở đến Lễ Giỗ tưởng nhớ Cha lần thứ tám ngày 16.09.2010. Nhân ngày này, như hàng năm, con xin được phép ghi nhớ lại đây những hành động trung thành của Cha đối với Quê hương, Giáo hội Công giáo và Đức Thánh Cha, xứng đáng là một Gương Mục Tử Việt-Nam.

Bởi thế, trong Thông điêỉp ‘SPE SALVI facti sumus’ (Trong hy vọng, chúng ta được cứu rỗi’ được ban hành ngày 30.11.2007, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã viết về Cha trong đoạn “những ‘Hoàn cảnh’ cho học hỏi và thực hành hy vọng, Cầu nguyện là trường học của hy vọng” như sau:

« Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, một người tù trong 13 năm, trong đó có 9 năm bị biệt giam, đã để lại cho chúng ta cuốn sách nhỏ quí giá: Những Lời Cầu Nguyện của Niềm Hy Vọng. Trong vòng 13 năm tù đầy, trong một tình trạng hầu như là tuyệt vọng, sự kiện là ngài có thể lắng nghe và thân thưa với Chúa đã trở nên một quyền năng hy vọng gia tăng cho ngài, khiến ngài, sau khi ra khỏi tù, đã trở nên một chứng nhân hy vọng cho dân chúng trên toàn thế giới – chứng nhân của một niềm hy vọng lớn lao không tàn lụi ngay cả trong những đêm đen của cô độc. »

1. Mục tử sống với vận mạng của Giáo phận và Giáo hội Việt-Nam.

Thụ phong Đức cha với khẩu hiệu ‘Vui Mừng và Hy Vọng’ (Gaudium et Spes) ngày 24.06.1967, Cha đã nhận nhiệm vụ Giám mục tiên khởi người Việt Giáo phận Nha Trang ngày 10.07.1967. Viết trong ‘Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá’, nơi chương ‘Chiếc bánh thứ hai’, Cha cho biết:

« Một tư tưởng thúc bách tôi mỗi ngày: phải chạy đua với đồng hồ! Làm tất cả những gì có thể được để củng cố và phát triển Giáo hội trong Giáo phận Nha Trang, trước khi thời gian khốn khó xảy đến, khi phải sống dưới chế độ cộng sản!

Trọng tâm hoạt động của tôi là huấn luyện nhân sự: gia tăng đại chủng sinh từ 42 đến 147 trong tám năm; gia tăng số tiểu chủng sinh từ 200 đến 500 trong bốn chủng viện; tu nghiệp các linh mục trong sáu giáo phận của Giáo tỉnh miền Trung; phát triển và huấn luyện các phong trào thanh niên, giáo dân, các hội đồng giáo xứ, mục vụ... Tôi rất quí mến giáo phận đầu tiên của tôi là Nha Trang. »

Thực thi sứ vụ Giám mục, Cha tổ chức Tiểu chủng viện Sao Biển, Chủng viện Lâm Bích (Lambert de la Motte) dành cho ơn gọi trưởng thành. Giúp giáo dân góp phần xây dựng Giáo hội địa phương, Cha thiết lập Hội đồng Giáo dân từ cấp Giáo xứ lên Giáo hạt đến Giáo phận và công bố ‘Qui chế Giáo dân’. Hơn thế nữa, Cha hình thành và phát triển Trung tâm Văn hóa Chàm năm 1968 tại Phan rang.

Đồng thời, ngay từ năm 1967 cho đến khi 1975 (bị bắt, không thay thế), Cha còn là Chủ tịch hai Ủy ban Phát triển và Truyền thông Xã hội của Hội đồng Giám mục Việt-Nam. Với tư cách Chủ tịch Ủy ban Phát triển, nên khi Hội đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm (Cor Unum) tham gia trợ giúp Việt-Nam qua một tổ chức được hình thành bởi Hội đồng Giám mục Việt-Nam và Giám mục các quốc gia mang tên ‘Hợp tác để Tái thiết Việt-Nam’ (Cooperation for the Reconstruction of Viêtnam (COREV), các Giám mục Việt-Nam khi đó trao trách nhiệm điều hành cho Cha. Về tài chánh, dù các Giám mục trao toàn quyền cho Cha, nhưng Cha không bao giờ quyết định mà không hội ý với các Giám mục khác.

Đây là một trọng trách nặng nề vì vừa phải cai quản hữu hiệu Giáo phận vừa phải thường xuyên đi lại giữa Nha Trang và Sài Gòn, nơi đặt trụ sở COREV. Cha phải thường xuyên liên lạc, giải trình với các giám đốc Misereor và Caritas Đức, Secours Catholique Pháp, Catholic Relief Services Hoa kỳ, Secours International Bỉ quốc… về các dự án xây nhà, cất trường học… vì Cha nói thạo các tiếng Pháp, Anh, Ý, Tây ban nha, Hoa và La tinh.

Người ta thẩm lượng việc Cha làm có thể so sánh với việc làm của năm người bình thường. Do đó, Cha hoàn thành mỹ mãn trọng trách cho đến khi tự do Cha bị tước đoạt. COREV càng thành công trong việc giúp người nghèo phát triển thì người Cộng sản càng nghi ngờ Cha là người đáng sợ.

2. Mục tử sống với vận mạng của Đồng bào Việt-Nam.

Ngày 23.04.1975, Cha được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, Tổng giám mục phó tổng giáo phận Sàigòn với quyền kế vị… Ngày 30.04.1975, Sài gòn không còn là thủ đô Việt-Nam Cộng hòa và đã đổi chủ… Cha viết trong ‘Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá’:

« Giờ đây, tôi phải đi vào Sàigòn lập tức, theo lệnh Đức Phaolô VI bổ nhiệm…
Đêm ấy 07.05.1975, khi tôi ghi âm những lời tạm biệt Giáo phận Nha trang, tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc thổn thức trong tám năm ở Nha Trang - vì thương nhớ. Nhưng tâm hồn tôi rất bình an, vì tôi vâng lời Đức Thánh Cha.
Tiếp đến là gian khổ, thử thách tại Sàigòn… »

Từ ngày 08.05.1975, một nhóm linh mục, trong có các linh mục Huỳnh công Minh, Trương bá Cần, đã gởi thư kiến nghị lên Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn văn Bình bày tỏ mối quan tâm lo ngại việc thuyên chuyển Cha về Sài gòn trong tình thế hiện nay sẽ không thuận lợi cho Giáo hội tại Việt-Nam (?).

Trong phiên họp ngày 27.06.1975, tại Dinh Độc lập, kéo dài từ 15 đến 19 giờ, Cha đã đối diện với ba Cán bộ cao cấp của Ủy ban Quân quản Thành phố cùng các người Công giáo tự nhận là ‘yêu nước’. Đối với nhà nước Cộng sản, sự thuyên chuyển độ một tuần trước khi họ tiếp thu Sàigòn vào ngày 30.04.1975, là bằng cớ âm mưu giữa Vatican và các Đế Quốc. Để trả lời sự cáo buộc đó, Cha chỉ xác nhận sự vâng lời của Cha đối với Bài Sai của Đức Thánh Cha.

Ngày 15.08.1975, Ủy ban Quân quản Thành phố bắt và giam giữ Cha tại nhiều nơi khác nhau, trong đó, có 9 năm bị biệt giam, cho đến ngày 21.11.1988 (Lễ, Cha được tự do hơn và bị quản chế tại Hà Nội. Trong thời gian 13 năm ở tù không bản án, bắt chước Thánh Phaolô, Cha đã viết thư cho các giáo đoàn về kinh nghiệm sống Đức Tin, Mục vụ, Tu đức. Đó là ba tập sách:

- Đường hy vọng (1975);
- Đường hy vọng dưới ánh sáng Lời Chúa và Cộng Đồng Vatican II (1979);
- Những người lữ hành trên Đường Hy Vọng (1980).

Nhân dịp giảng tĩnh tâm Mùa Chay năm 2000 cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Giáo triều Rôma, trong bài Suy niệm thứ chín, Cha đề cập về ‘Nhà thờ chính tòa đẹp nhất của tôi’:

« Trong chuyến hành trình ra Bắc, ba lần tôi đã bị xích chung với một tù nhân không công giáo, từng là dân biểu và nổi tiếng là Phật tử cực đoan. Sự gần gũi trong cùng số phận ấy đã ghi khắc dấu vết sâu đậm nơi trái tim ông. Sau này, tôi được biết rằng sau khi được trả tự do, ông ta cảm thấy hãnh diện và thích kể lại sự kiện trên đây. Ông đã luôn luôn tìm cách để được xích chung với tôi và, từ đó, chúng tôi đã trở thành bạn với nhau.

Trên tầu và sau này trong trại cải tạo, tôi đã có dịp đối thoại với đủ hạng người: bộ trưởng, dân biểu, các sĩ quan và giới chức chính quyền dân sự cao cấp, các vị lãnh đạo của các Giáo hội Cao Đài, Hòa Hảo, Phật giáo, Brahman, Hồi giáo, và các anh em các Giáo hội Kitô khác như Tin lành, Baptist, Tin lành Methodist… Trong trại cải tạo, tôi đã được bầu làm quản lý để phục vụ tất cả mọi người, phân phát thực phẩm, tìm nước nóng, và khuân vác than để sưởi ấm ban đêm, vì các tù nhân khác coi tôi như là một người đáng tin cẩn.

Khi rời Sài gòn, suy nghĩ về việc Chúa Giêsu chịu đóng đanh bên ngoài tường thành Giêrusalem đã cho tôi hiểu rằng từ nay tôi phải dấn thân trong hình thức mới của việc rao truyền Tin Mừng, không phải như là Giám mục của một Giáo phận, nhưng ‘ở ngoài thành’, nghĩa là như một nhà truyền giáo được sai đi thật xa, bằng cả cuộc sống, với hết tất cả khả năng yêu thương và dâng hiến của tôi. Giờ đây, hoàn cảnh giúp tôi thấy thêm một chiều kích khác nữa: đó là đi tới với mọi người. Trong đêm đen của lòng tin, trong phục vụ, trong khiêm hạ, ánh sáng của niềm hy vọng đã thay đổi quan niệm của tôi. Từ nay con tầu này, nhà tù này, đã là ngôi nhà thờ chính tòa đẹp nhất của tôi, và các tù nhân này, không loại trừ ai, đã là dân của Thiên Chúa được tín thác cho việc chăm sóc mục vụ của tôi. Sự kiện tôi bị tù dày là do sự quan phòng của Thiên Chúa, do ý muốn của Ngài. Tôi đã nói tất cả những điều này cho anh em tù nhân công giáo khác biệt và đã nảy sinh ra giữa chúng tôi một sự hiệp thông sâu xa, một dấn thân mới: chúng tôi được mời gọi cùng nhau trở thành các chứng nhân hy vọng cho tất cả mọi người… »

3. Mục tử ‘chọn một mình Chúa, chứ đừng chọn việc của Chúa’

Chiều ngày 15.08.1975, Cha bị bắt đưa trở lại Nha Trang trên một xe hơi có hai công an đi kèm và cuộc phiêu lưu của Cha bắt đầu… Trong cuộc hành trình, Cha biết mình đang mất tất cả. Cha ra đi với chiếc áo chùng thâm trong túi có một cỗ tràng hạt. Cha chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Nhưng giữa bao lo âu ấy, Cha vẫn thấy có một niềm vui lớn: ‘Hôm nay là lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời...’ và Chúa yêu cầu Cha hãy trở về với điều cốt yếu.

Trở lại chương ‘Chiếc bánh thứ hai’ trong quyển ‘Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá’, Cha viết:

« Tiếp đến là gian khổ thử thách tại Sàigòn, là bị bắt đưa trở lại Nha Trang, nơi mà tôi đã bị biệt giam khắc nghiệt nhất, không xa Tòa Giám mục của tôi. Sáng tối tôi nghe tiếng chuông nhà thờ chánh tòa như xé nát tim tôi. Đêm đến tôi nghe tiếng sóng biển vỗ cạnh buồng biệt giam.

Từ Nha Trang tôi bị đưa trở lại Sài gòn, ở trại Thủ Đức, vùng Tam Hà, ngày đêm nghe không biết bao nhiêu tiếng chuông nhà thờ. Đêm 01.12.1975, cùng với 1500 bạn tù đói, mệt, chán nản, còng tay hai người chung một khóa số 8, bước xuống gầm tàu ‘Hải Phòng’ đậu tại bến Tân cảng gần cầu Xa lộ, để chở ra trại cải tạo Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phú, trong thung lũng núi Tam Đảo, mùa đông 1976-77 rét 2°C.

Đặc biệt nhất là nỗi gian khổ của 9 năm biệt giam một mình với hai người gác, không bạn bè, không có việc làm, tôi ở trong một sự trống rỗng tuyệt đối, đến mức có thể điên đi được. Tôi đi lại suốt ngày trong buồng giam, để vận động cơ thể kẻo nằm luôn thì tôi sẽ chết vì thấp khớp, viêm phổi. »

Nhiều lúc một mình, tôi bị đau khổ giày vò, tại sao đang lúc mình 48 tuổi, trưởng thành và khỏe mạnh, sau tám năm Giám mục tôi đã có nhiều kinh nghiệm mục vụ, lại phải vào phòng biệt giam, xa giáo phận những 1700 km?

Một đêm thanh vắng, một tiếng từ đáy lòng nhắc nhở tôi: “Tại sao con quẫn trí, hoang mang như thế làm gì? Con phải biết phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa. Những gì con đã làm và tiếp tục làm như kinh lý giáo phận, huấn luyện nam nữ tu sĩ, giáo dân, thanh niên, kiến thiết thánh đường, cư xá sinh viên, mở mang các thí điểm truyền giáo... tất cả những công tác ấy đều là những việc tốt lành, là việc của Chúa, nhưng không phải là Chúa! Nếu Chúa muốn con trao tất cả các việc ấy trong tay Ngài, con hãy làm ngay, và hãy tin tưởng vào Ngài. Chúa có thể làm tốt hơn con muôn nghìn lần; Ngài có thể trao việc của Ngài cho những người tài đức hơn con. Hãy chọn một mình Chúa thôi, chọn thánh ý Ngài, chứ đừng chọn việc của Chúa!”

Tôi luôn luôn học tập làm theo ý Chúa. Nhưng ánh sáng này mang lại cho tôi một sinh lực mới, thay đổi tận gốc lối suy nghĩ của tôi, giúp tôi vượt qua những bước gian truân mà hầu như cơ thể không chịu đựng nổi. Từ đây tôi cảm thấy trong lòng tôi “một sự bình an mà thế gian không cho được”.

Theo tính tự nhiên, những lúc chương trình đang thực hiện tốt đẹp phải bỏ dở, hoạt động đang hăng say phải bó tay, nhiệm vụ đang quan trọng phải hạ tầng công tác! Uất ức và chán nản! Tôi tự hỏi: Chúa gọi con “Hãy theo Thầy” hay “Hãy theo việc nọ, người kia?” Để đó, Chúa sẽ liệu, Ngài sẽ giải quyết tốt hơn con là cái chắc.

Ở trại Phú Khánh, tôi bị giam trong một phòng không có cửa sổ, phải đi qua 3 lớp cửa trong một hành lang mới đến khí trời. Vào đó nóng cực kỳ, tôi ngột ngạt và cảm thấy trí óc mất sáng suốt dần dần, cuối cùng là mê man. Có lúc người ta để đèn sáng như ban ngày, lúc khác lại nằm trong bóng tối. Buồng vừa nóng vừa ẩm, đến nỗi tôi xuống nằm dưới nền, còn nấm thì mọc lên trắng cả chiếc chiếu của tôi. Lúc nằm trong tối tăm, tôi thấy có một lỗ dưới vách, ánh sáng lọt vào, tôi lết đến, kê mũi vào đó để thở. Lúc nào trời mưa, nước ở ngoài ngập, những con trùng ở ngoài bò vào, có cả giun và có lần có cả con rết dài; dù thấy vậy, nhưng tôi yếu mệt quá không làm gì được, tôi cứ để cho chúng bò quanh, ngày nào nước xuống, thì chúng lại bò ra. Sau này hai linh mục bị giam cách tôi 2 lớp cửa, đã thuật lại cho tôi biết: “Một hôm cô Thanh, cấp dưỡng, đã mỡ cửa cho chúng con ra đứng nhìn Đức Cha nằm dưới đất và bảo: cho hai anh nhìn thấy ông Thuận, ông sắp chết!” Nhưng trong cơn cơ cực này, Chúa đã cứu tôi!

Tôi phải chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa: Chính Chúa muốn cho tôi ở đây, chứ không phải nơi khác.

Lúc tôi bị nhốt dưới khoang tàu Hải Phòng cùng với 1500 anh em tù nhân bị đưa ra Bắc, tôi đã thấy trên nét mặt của họ nỗi thất vọng, lòng căm thù. Tôi chia sẻ đau khổ của họ. Nhưng tôi lại nghe tiếng: “Hãy chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa!” Tôi đã thưa: “Lạy Chúa, chính đây là nhà thờ chánh tòa của con. Đây là dân Chúa trao cho con phục vụ, con phải làm cho Chúa hiện diện giữa những người anh em chán nản, cùng khổ này. Đây là ý Chúa, nên con phải chọn”.

Khi tôi lên trại cải tạo, giữa thung lũng núi Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phú, tôi gặp 250 anh em cùng một chuyến đi, đa số không Công giáo, tôi vẫn nghe tiếng ấy thúc bách: “Hãy chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa. - Lạy Chúa, Chúa sai con đến đây để làm cho tình thương của Chúa hiện diện giữa các anh em con, giữa đói khát và giá lạnh, giữa lao động cải tạo nhọc nhằn và tủi nhục bất công. Con xin chọn Chúa, không phải chọn công việc của Chúa. Con chọn thánh ý Chúa, giờ đây con là tông đồ truyền giáo của Chúa”.

Từ giây phút ấy, một sự bình an mới tràn ngập tâm hồn tôi, ở với tôi suốt 13 năm tù đày. Tôi cảm thấy thấm thía sự yếu hèn của tôi; tôi lặp lại sự chọn lựa của tôi, lúc ấy không bao giờ Chúa để lòng tôi thiếu an bình. Tất cả là hồng ân của Chúa. Mỗi khi tôi tuyên bố: “Vì Chúa, vì Hội thánh”, tôi phải thinh lặng trước mặt Chúa, và thành thật hỏi Chúa: “Chúa thấy con hành động hoàn toàn vì ai? Con đã chọn vinh danh Chúa, sống và hành động tuyệt đối vì Chúa? hay Chúa là lý do thứ yếu, còn lý do khác mạnh hơn, con không tiện nói?”

Trong thời gian qua, nhứt là trong Năm Thánh Linh mục 2009-2010, con đã có dịp giới thiệu quyển ‘Chứng nhân Hy vọng’ chứa đựng các bài giảng tỉnh tâm của Cha với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Giáo triều Rôma trong các ngày 12-18.03.2000 cho nhiều Linh mục, Nữ tu và Giáo dân. Khi được hoàn sách, con xin biết cảm tưởng, mọi người như một đều đáp: ‘Hãy chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa!’ là điều đáng lưu ý và kết luận: ‘Cha chính là một ‘Đức Kitô Thứ Hai’.

Cũng trong quyển sách này, trong Bài Suy Niệm Thứ Năm, Cha đã giảng về ‘Cách chọn Chúa trong đời sống mục tử’:

« Khi còn ở trong tù, xét theo một nghĩa nào đó, việc chọn lựa một mình Thiên Chúa đối với tôi dễ dàng hơn mặc dầu không thiếu những cám dỗ chiều theo sự thỏa hiệp. Nhưng khi không còn những an ninh trước đó nữa, tôi cảm thấy cần phải tập trung tất cả cuộc sống mình vào một điều ‘cần thiết duy nhất’ (cf Lc 10,42) trong số những gì được xem là hoàn toàn quan trọng.

Giờ đây được tự do với lắm công việc và những công tác nhiều khi nặng nề, tôi thật dễ dàng trở nên Marta hơn là Maria.

Thực vậy, không có Mục Tử nào nghĩ rằng mình không chọn Chúa. Tất cả chúng ta đều xả thân tận tụy với các công việc của Chúa. Nhưng tôi cảm thấy mình luôn cần phải tái xét mình cách thành thật trước mặt Chúa. Trong cuộc sống mục vụ của tôi, bao nhiêu phần dành cho Chúa và bao nhiêu phần dành cho các công việc của Ngài (mà nhiều khi đó chỉ là công việc của tôi) ? Khi từ khước một nhiệm vụ hoặc mong ước một nhiệm vụ khác, tôi có thực sự là vô vị lợi hay không ?

Tác giả thư Tín hữu Do thái khuyên rằng: ‘Anh em chỉ cần cương quyết’ (Do thái 10,36). Cương quyết để thực sự tự do. Ai tự do thì không sợ, như Moisê: ‘Moisê khi lớn lên, không muốn được coi là con trai của công chúa vua Ai cập. Ông muốn được đối xử giống như dân Chúa, hơn là sống thoải mái trong một thời gian ngắn, nhưng trong tội lỗi’ (Do thái 11,24-25).

PHẦN CHÚNG TA CẦN BIẾT:

1. VietCatholic News, ngày 08.09.2010, phổ biến thư của Đức Hồng Y Peter K.A. Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng đặc trách Công lý và Hòa bình mời gọi mọi người tham gia cử hành lễ giổ thứ 8 của Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận kính yêu, chứng nhân của vui mừng, bằng mượn lời của Người để gửi tới tất cả mọi người lời chúc mừng nồng nhiệt nhất của Đức Hồng Y: « Cùng với Chúa Kitô, chúng ta có thể biến sự hiện hữu của mình thành một bửa tiệc mừng lớn. Đó không phải là điều bất khả, chúng ta chỉ cần lòng can đảm để thử nghiệm; thực ra, đó chính là căn nguyên của sự cứu rỗi. »

Đức Hồng Y Peter K Turkson viết tiếp:

« Ý nghĩa sâu xa trong lời nhắn nhủ của Đức Hồng Y Thuận, vị tiền nhiệm của tôi, đã thúc đẩy tôi khuyến khích anh chị em hãy nhớ đến Ngài như là một vị Tử Đạo trong thời đại chúng ta bằng chính chứng từ tuyệt vời của ngài. Qua những năm tù đày trên chính quê hương mình, với biết bao khó khăn, lăng nhục, đọa đày ngài đã trải qua một thời gian dài, Đức Hồng Y Thuận trở nên cho tất cả chúng ta một mẫu mực của niềm vui, hy vọng và tình yêu mến đối với giáo hội và với hết thảy anh chị em chúng ta, không phân biệt một ai.

Cuộc đời của ngài, biểu lộ rõ nét bằng một niềm thanh thản an bình sâu xa, kêu gọi chúng ta sống như ngài, dưới bóng Thập Giá, bởi vì "trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa là chứng tá đích thực của Thập Giá, thực thi Thập Giá trong mỗi người chúng ta“. Chính khi chúng ta vác thập giá chúng ta mới cảm nhận được ơn bình an mà chúng ta cần có giữa cái thế giới tràn ngập âu lo và hỗn độn.

Anh Chị Em thân mến, với những lời chơn chất này, tôi ước mong được cùng đồng hành với anh chị em trong giai đoạn chuẩn bị kỷ niệm lễ giỗ lần thứ tám của Đức Hồng Y. Tôi cầu chúc anh chị em được sống trong vui mừng, hy vọng và đức tin ngày càng được củng cố bởi một đời sống thiêng liêng sâu đậm.

Với tâm tình huynh đệ, hiệp nhất trong lời cầu nguyện, tôi xin chúc lành cho tất cả anh chị em. Trong Chúa Kitô. »

2. Thông báo Án Lệnh của Tòa Giám quản Rôma do Đức Hồng Y Agostino Vallini, Giám Quản, ký ngày 16.01.2009 về ‘Vụ án Phong Chân phước và Phong Thánh cho Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, Hồng Y Giáo Hội Rôma’.
Vào ngày 22.10.2010, Bộ Phong Thánh sẽ chính thức mở hồ sơ đợt hai xét phong Chân phúc cho ngài.

3. Chúng ta hãy đọc KINH XIN ƠN này của Tòa Thánh dạy như sau:

Lạy Thiên Chúa toàn năng và hằng có đời đời,
là Cha và Con và Thánh Thần,
con cảm tạ Chúa vì đã ban cho Hội Thánh
gương chứng tá anh dũng
của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Kinh nghiệm khổ đau trong cảnh ngục tù,
được Ngài sống liên kết với Chúa Kitô chịu đóng đinh,
và dưới bóng che chở hiền mẫu của Mẹ Maria,
đã rèn luyện Ngài nên một chứng nhân sáng ngời
cho Hội Thánh và toàn thế giới,
về sự hiệp nhất và tha thứ,
cũng như về công lý và hòa bình.
Con người dễ thương mến
cùng với sứ vụ mục tử giám mục của Ngài
tỏa chiếu rạng ngời ánh sáng của đức tin,
nhiệt tâm của niềm hy vọng
và sức nồng ấm của đức ái.
Giờ đây, nhờ lời bầu cử của Ngài và theo thánh ý Chúa,
xin Chúa ban cho con được ơn đang khẩn cầu,
với niềm hy vọng thấy Ngài
sớm được vinh hiển trên bàn thờ.
Amen.

Imprimatur
Vatican, 16.09.2007
+ Giampaolo Crepaldi, Tổng Thư Ký
Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình.