Những chân trời mới của người Công Giáo Hàn Quốc sau Đại Hội Giáo Dân

Seoul (AsiaNews) - Một cơ hội để biết những thực tế Kitô giáo khác của Á Châu và hiểu tầm quan trọng của tình liên đới và hiệp nhất trong các phong trào giáo dân khác nhau ở Hàn Quốc chính là một số thành quả của Đại hội Giáo dân Công Giáo, với sự tham dự của 400 đại biểu đến từ khắp các cộng đoàn Công Giáo Á Châu, diễn ra từ 31 tháng Tám đến 5 tháng Chín. Hai tuần kể từ khi đại hội kết thúc, giáo dân Hàn Quốc cho hãng Tin Tức Á Châu biết những ấn tượng của họ về Đại Hội, nói về cách áp dụng vào đời sống thường nhật của họ và loan truyền sứ điệp của sự kiện này cho tất cả những người Công Giáo tại Hàn Quốc và Á Châu.

Lucy Lee Yoon ja, Giám đốc của tờ Công Giáo Tổng Giáo Phận Seoul cho hay: "Tôi rất ấn tượng bởi với những chứng tá khác nhau của các tín hữu từ các nước khác, vì đức tin của họ sống trong nghèo khổ và một số trường hợp phải đối mặt với phân biệt đối xử, với bách hại". Cô cho hay thêm: "Qua Đại Hội, lần đầu tiên tôi phát hiện ra rằng trong số hơn 5 triệu dân ở Turkmenistan chỉ có 95 người Công Giáo và hai linh mục. Ngay lập tức, điều này làm tôi nhớ đến đàn chiên Kitô hữu nhỏ bé trong những ngày đầu của Giáo Hội tại Hàn Quốc, khoảng 200 năm trước đây, và tất cả những khó khăn mà tổ tiên chúng tôi đã phải chịu đau đớn vì đức tin Kitô giáo của họ, bao gồm cả bách hại bạo lực". "Tôi đã được biến đổi bởi hoàn cảnh của những anh em và chị em này mà trước đây chưa hề biết". Cô cho hay thêm rằng: "ngày nay người Hàn Quốc được hưởng tự do tôn giáo nhờ sự hy sinh của các vị tử vì đạo, nhưng vẫn không biết gì về thực tế của các Kitô hữu khác bị ngược đãi ở Á Châu". Cô đi đến kết luận: "Đối với tín hữu Hàn Quốc, Đại Hội đã cho phép chúng tôi quay về với con tim trong sáng và nồng nhiệt của những ngày đầu của Giáo Hội chúng tôi và phải là một khởi đầu của một sự hiệp thông tích cực với các Giáo Hội gặp khó khăn của các quốc gia Á Châu khác".

Fabiano Hong Joon Choi, Chủ tịch Hội đồng Tông Đồ Giáo Dân Công Giáo của Hàn Quốc cho hay: "Về phương diện cá nhân, tôi đã rất xúc động bởi sự bách hại làm đau đớn các Kitô hữu ở nhiều nước Á Châu. Chúng tôi, những người Công Giáo ở Hàn Quốc được hưởng quyền tự do thờ phượng, nhưng nhiều anh em, chị em khác ở Á Châu tiếp tục bị phân biệt đối xử và bạo lực". "Chúng tôi phải nhớ đến các Kitô hữu này trong lời cầu nguyện và tìm cách cụ thể để bày tỏ tình liên đới của chúng tôi". Fabiano Choi nhấn mạnh đến một trong các giáo hội bị đàn áp chính là Bắc Triều Tiên. Ông tin rằng những người Công Giáo miền Nam có trách nhiệm nghĩ đến anh em mình bị chết đói bên kia biên giới, nhất là trong những tháng gần đây, các cuộc đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Seoul đang bị trì hoãn vì lý do chính trị.

Ông cho hay: "Cho đến nay, trong Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc, các phong trào đã đưa ra những đóng góp có giá trị trong các lĩnh vực khác nhau của xã hội, tùy theo uy tín của mình, nhưng chưa bao giờ có sự liên đới thực sự giữa họ". Nhắc đến Hội nghị Thế giới của các phong trào và cộng đoàn giáo hội với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1998, Fabiano Choi chỉ ra rằng ngay sau đó Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng và hữu ích của sự hợp tác giữa các cộng đoàn này. Ông đề nghị Đại hội Giáo dân Công Giáo toàn quốc của Hàn Quốc vào năm tới cần tạo ra một quan hệ đối tác thực sự giữa các phong trào, nhất là trong việc tông đồ.

Ngay cả Tomas Cho, Eun Sang, thành viên của nhóm nghiên cứu về tông đồ xã hội của Hội đồng Giáo Dân Hàn Quốc cũng cảm thấy sự cấp bách của một hội nghị hậu Đại Hội để chia sẻ những hoa quả với mọi giáo dân Công Giáo Hàn Quốc. Ông cho hay: "Khả năng duy trì những gì nổi lên từ Đại Hội phụ thuộc vào chúng ta, giáo dân Hàn Quốc, thái độ của chúng ta. Phải mất thời gian và nghiên cứu để làm cho những hoa quả và ý thức về Đại Hội này được biết đến và dưỡng nuôi".