HỘI THẢO THÂN THẾ SỰ NGHIỆP LINH MỤC LÉOPOLD-MICHEL CADIÈRE
“Tại sao tôi không là một vị thánh?”
Tôi đi Huế trên chuyến bay 6g30 tối ngày 6.9.2010. Máy bay lên cao, bỏ lại Sài gòn dưới kia rực rỡ ánh đèn muôn màu. 70 phút sau đến Huế. Từ trên cao nhìn xuống, Huế âm thầm không hào nhoáng như Sài gòn. Sài gòn ồn ào náo nhiệt, còn Huế êm đêm thơ mộng. Sài gòn hiện đại và vội vã còn Huế mênh mông và sâu lắng. Sài gòn năng động từng ngày phát triển, Huế dịu dàng pha lẫn trầm tư.
Xem hình buổi hội thảo
Xe Tòa Tổng Giám Mục Huế đợi sẵn đưa chúng tôi về Trung Tâm Mục Vụ Nguyễn Trường Tộ. Quý cha ban tổ chức và các Nữ Tu MTG vui mừng chào đón rồi tận tình hướng dẫn chúng tôi đến các phòng đã phân chia.
Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận Huế thật rộng và đẹp, xây theo lối hiện đại như một nhà đa năng sử dụng cho nhiều chương trình mục vụ.
Huế cách Hà nội 638km, cách Sài gòn 1052km. Huế được chọn để xây dựng kinh đô của triều Nguyễn (1802-1945), triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử đất nước. Huế ẩn chứa những giá trị văn hóa phi vật thể tương xứng với tầm vóc của một kinh đô. Ngày 11.12.1993, Ủy ban Di sản thế giới (thuộc Unesco) đã công nhận quần thể Di tích Huế là Di sản Văn hóa nhân loại. Ngày 7.11.2003, Nhã nhạc cung đình đã được công nhận là kiệt tác Di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Đi Huế tham dự Hội thảo cũng là dịp đặc biệt để tham quan hiểu biết thêm về Huế. Biểu tượng của Huế qua hai câu thơ nổi tiếng của Thi sĩ Bùi Giáng: Dạ thưa xứ Huế bây giờ. Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương. Kinh đô triều đại các vua nhà Nguyễn là diện mạo duy nhất còn lại của một thời kỳ lịch sử quân chủ kéo dài mấy ngàn năm ở Việt Nam. Nhiều nơi nổi tiếng như: Đại nội với hệ thống thành quách kiên cố, cung điện tráng lệ; 7 lăng tẩm như 7 hoàng cung thứ hai cho cuộc sống vĩnh hằng của vua sau khi băng hà…và những trang sử đầy biến động trong suốt 400 năm của 9 đời chúa Nguyễn và 13 đời vua Nguyễn; chiêm ngưỡng hệ thống thành quách, cung điện nguy nga, đền miếu, lăng tẩm để biết về vua chúa Việt Nam xưa; Chùa Thiên Mụ trên đồi Hà khê nhìn xuống sông Hương lững lỡ; du thuyền sông Hương nghe ca Huế, thả đèn hoa đăng; Đi chợ Đông Ba ăn uống đặc sản Huế… Đặc biệt là Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam do cha Langlois xây vào thế kỷ XVII và đã được trùng tu nhiều lần như ngày nay; Đan Viện Thiên An yên tĩnh nằm trên đồi thông Thiên An tuyệt đẹp… Những địa chỉ nghe rất quen nhưng rất mới với người lần đầu đến Huế.
Hội thảo “Thân thế và sự nghiệp Linh mục Léopold Michel Cadière, 1869-1955” mang tầm vóc lớn với sự hiện diện của 14 Đức Giám Mục và khoảng 600 tham dự viên là các linh mục tu sĩ nam nữ, các nhà khoa học, nhà văn, nhà nghiên cứu, giáo sư đại học… đến từ nhiều miền đất nước, có những vị đến từ Pháp, Mỹ, Đức, Canađa…Tất cả đại biểu với niềm tin tín ngưỡng khác nhau và cũng có thể khác nhau về chính kiến, cùng tề tựu tham dự hội thảo bày tỏ lòng quý mến tri ân với Cố Cả Léopold Cadière, linh mục truyền giáo và là nhà bác học.
Mỗi ngày đều khởi đầu bằng thánh lễ đồng tế gồm 14 Giám Mục và hơn 100 linh mục, một số tu sĩ nam nữ chủng sinh.
Mỗi buổi hội thảo luôn được một Giám Mục chủ tọa.
Mỗi khi vị Diễn giả lên đọc tham luận, đều có một vị Linh mục lịch sự dẫn bước lên bục và về ghế an tọa.
Một số Nữ tu, Chủng sinh và nhóm Chiến sĩ Chúa Kitô (nhà thờ Phủ Cam) chia nhau phục vụ tận tình chu đáo trong suốt thời gian diễn ra hội thảo.
Hội trường khá rộng với 2 tầng. Tầng trệt 4 dãy ghế khoảng 450 chỗ dành cho các đại biểu từ các nơi đến tham dự. Tầng trên khoảng 150 ghế dành cho các đại biểu giáo phận nhà.
Xuyên suốt 3 ngày hội thảo, tôi cẩn thận thu âm tất cả các bài giảng lễ hàng ngày, các bài diễn văn, tham luận, các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Diễn văn khai mạc của Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - Chủ Tịch HĐGMVN, Đức Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống- Chủ tịch Ủy Ban Văn Hóa HĐGMVN và 13 bài tham luận, nhiều ý kiến trao đổi phản biện. Tất cả thời gian và lượng thông tin phong phú này đều hướng về Linh mục Léopold Cadière đa năng, đa tài trên nhiều lãnh vực. Tất cả đều ca ngợi một con người với tài năng trí tuệ xuất chúng và với con tim chan chứa yêu thương.
Ban thư ký hội thảo gồm 5 vị làm việc tích cực, thư ký Vương Đình Chữ đã đúc kết hai nét nổi bật nơi chân dung của Cha Cadière:một thừa sai nhiệt tình, gương mẫu và là một nhà nghiên cứu khoa học uyên bác, nghiêm túc.
1.Léopold Cadière, Linh mục Thừa sai, con người của đức tin.
Các bài diễn văn của Đức Cha Chủ tịch HĐGMVN, Đức Cha Chủ tịch UBVH, bài tham luận của Cha Gérard Moussay (không đọc ở diễn đàn), bài tham luận của Cha Etcharren và của Đức Cha Nguyễn Thái Hợp đều trực tiếp đề cập đến Léopold Cadière là một linh mục thừa sai, với nhiệm vụ hàng đầu là truyền giáo.
Đức cha Chủ tịch HĐGMVN lướt qua lịch sử truyền giáo ở Việt nam, khởi từ 1533, qua thời điểm năm 1615 tại Đàng Trong và năm 1627 tại Đàng Ngoài. Ngài nhấn mạnh đến thời điểm năm 1659 khi Tòa Thánh thành lập hai giáo phận ở Việt Nam, kèm theo một Huấn thị về truyền giáo, trong đó nhấn mạnh đến hội nhập văn hóa, với tinh thần tôn trọng và quý mến văn hóa địa phương. Đặc biệt, Đức cha nhắc đến Những huấn thị năm 1659 của Bộ Truyền Giáo, do Đức Grêgôriô XV thành lập, nay đổi thành Bộ Phúc Âm hóa các dân tộc. Những huấn thị này là một chỉ dẫn cụ thể cho các nhà thừa sai biết cách hành xử đúng đắn nơi xứ người: “Chư huynh đừng bao giờ cố gắng hoặc khuyên bảo dân chúng sửa đổi nghi lễ, tập tục, thuần phong, trừ khi hiển nhiên mâu thuẫn với đạo thánh và luân lý. Có gì phi lý hơn là mang cả nước Pháp, Tây Ban Nha, nước Ý hay bất cứ phần đất Âu châu nào sang cho dân Trung Hoa chăng? Không phải mang thứ ấy đến cho họ, bèn là mang chân lý đức tin, một chân lý không loại trừ nghi lễ và tập tục của bất cứ dân tộc nào, cũng không xúc phạm đến nghi lễ tập tục ấy, miễn là chúng không xấu...” Ngài đề cao Cha Léopold Michel Cadière là người đã thấm nhuần Huấn thị của Tòa Thánh và đem ra thực hành một cách xuất sắc trong 63 năm sống và chết ở Việt Nam. Ngài cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả các thừa sai thuộc nhiều Dòng khác nhau đã từng đến Việt Nam hoạt động truyền giáo, cách riêng, tri ân Hội Thừa sai Paris đã đồng hành và hỗ trợ Giáo hội Việt Nam từ ngày dầu cho đến nay. Ngài cũng “bày tỏ cách chính đáng niềm tự hào về sự đóng góp khiêm tốn nhưng thiết thực của Giáo Hội Công Giáo cho nền văn hóa, văn minh của đất nước Việt Nam thân yêu chúng ta”.
Đức Cha Chủ tịch Uỷ ban Văn hóa đã phác thảo chân dung của Linh mục Cadière trên ba chiều kích: một thừa sai nhiệt thành, một nhà nghiên cứu khoa học say mê, và một con người văn hóa, thực hiện hội nhập hết mình với văn hóa Việt. Chính việc kết hợp nhuần nhuyễn ba chiều kích này nơi một con người Cadière, đã nâng tầm cao của nhân vật này. Cha Cadière là nhà truyền giáo nhiệt thành, không mỏi mệt, đem cái đẹp của Kitô giáo cho con người Việt Nam. Ngài cũng là một nhà dân tộc học, ngôn ngữ học, thực vật học, mỹ thuật học, Huế học, nghiên cứu phong tục tập quán, tôn giáo của người Việt Nam. Công trình của ngài là không thể thiếu cho các thế hệ nghiên cứu về sau. Người ta khen ngợi tài năng giữa hai lãnh vực khác nhau nơi một con người: truyền giáo và nghiên cứu khoa học.
Phần tham luận chính được bắt đầu bằng bài thuyết trình của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, với tựa đề “Léopold Cadière và hội nhập văn hóa, một kinh nghiệm loan báo Tin Mừng”, đề cập đến tinh thần của Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo hội, cách riêng Huấn thị năm 1659 của Bộ Truyền Giáo vốn là những cơ sở để Cha Cadière dựa vào và áp dụng trong hoạt động truyền giáo ở Việt Nam.
Qua năm bài tham luận, mọi người nhận thấy Cha Cadière đã thực thi sứ vụ truyền giáo với tất cả lòng nhiệt thành của một Tông đồ của Chúa. Cha J.B Etcharren nhấn mạnh rằng, Cha Cadière trước hết là một con người của đức tin và chiều kích tâm linh là nền tảng cho mọi chọn lựa và hoạt động của ngài. Ánh sáng đức tin được đặt lên trên tất cả. Và trong thực tế, Cha Cadière là một thừa sai nhiệt tình và đức hạnh, và chính ngài đã truyền lại những kinh nghiệm cho các thế hệ thừa sai trẻ, qua các nghiên cứu của mình. Cha Etcharren đã dẫn chứng nền tảng đức tin của Cha Cadière bằng cách đọc lại những lời cuối cùng của ngài, bài “Nâng tâm hồn lên!”, như một tuyên xưng đức tin và như những lời vinh tụng ca dâng lên Thiên Chúa.
Khi đến miền truyền giáo được chỉ định là giáo phận Bắc Đàng Trong, nay là giáo phận Huế, Cha Cadière chẳng những đã chăm chỉ học tiếng Việt, mà còn miệt mài tìm hiểu về đối tượng mà mình có trách nhiệm phục vụ. Ngài từng là giáo sư Tiểu chủng viện (An Ninh) và Đại chủng viện (Huế), từng là cha xứ (Vĩnh Lộc, Cù Lạc, Di Loan, Tam Tòa) và là Hạt trưởng (Di Loan). Ngài từng xây dựng trường học, nhà thương, xưởng thợ (giúp phục hồi nghề lụa Di Loan) và cả một ngôi nhà thờ “đẹp đến nỗi người ta gọi là Vương cung thánh đường”. Ngài từng làm những công việc thường nhật của một thừa sai là “dạy dỗ, kiểm tra, lui tới những giáo đoàn mới để vực dậy sự dũng cảm của người yếu đuối và bảo vệ họ chống lại những điều phiền nhiễu, làm cho ra lẽ những vụ kiện cáo và những bách hại mà họ thường là mục tiêu; quan hệ xã hội với các viên chức để họ tôn trọng các quyền lợi chính đáng; viết thư khuyên răn, cổ vũ việc siêng năng kinh hạt cầu nguyện và ra tay giúp đỡ cả những người khốn khổ nữa” (Giám mục Nguyễn Thái Hợp). Nhà sử học Đào Hùng cũng nhận định chính xác rằng “Cuộc đời Léopold Cadiere là cuộc đời của một linh mục cống hiến cho giáo dân, vì đó luôn là mục đích chính của ông”.
Nhưng điều đặc biệt nơi linh mục thừa sai Léopold Cadière không nằm nơi những hoạt động này vì nhiều thừa sai có thể làm được như vậy. Điều đặc biệt nơi ngài chính là phương cách truyền giáo và trái tim nhân ái.
Đó chính là phương cách hòa đồng, “ao ước được trở thành đồng hương của những người dân hiền lành chất phác ở Bình Trị Thiên”, “trở thành người Việt với người Việt”. Hòa đồng đến độ ngài tự xưng mình là “một cụ già được Việt hóa” (Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể nhắc lại tại lễ tưởng niệm) hay theo Nhà Nghiên cứu Đỗ Trinh Huệ là “một ông già hóa Việt” (vieil annamitisant).
Điều đặc biệt thứ hai nơi thừa sai Cadière là trái tim nhân ái, là tấm lòng yêu thương và kính trọng người Việt mà Cha Cadière nhận ra nhiều đức tính cao đẹp về tâm linh và luân lý. Nhiều tham luận đã đưa nhiều chứng cứ và trích dẫn về lòng yêu mến và quý trọng mà Cha Cadière dành cho người Việt và nền văn hóa Việt. Nhiều diễn giả đã lặp lại, tại Hội trường này cũng như tại nghi lễ tưởng niệm ở Đại chủng viện, những lời này của Cha Léopold Cadière: “ Tôi đã nghiên cứu các tín ngưỡng, những thực hành tôn giáo, những thói quen,những phong tục của họ… Tôi đã nghiên cứu lịch sử của họ… Khi đã nghiên cứu và đã hiểu người Việt Nam, tôi đã yêu mến họ. Tôi đã yêu mến họ vì tài thông minh và trí sắc sảo của họ… Tôi đã yêu mến họ vì những nhân đức luân lý của họ… Tôi đã yêu mến họ vì tính cách của họ… Sau hết, tôi đã yêu mến họ vì những đau khổ của họ”.
Tuy vậy, theo cái nhìn lịch sử của Giám mục Nguyễn Thái Hợp, phương cách truyền giáo của Cadière cũng chỉ là tiếp nối tinh thần của Thánh Phaolô Tông đồ “Do thái với người Do Thái”, là tiếp nối phương cách của các nhà truyền giáo xa xưa và cụ thể, là thi hành Huấn thị năm 1659 của Bộ Truyền giáo. Nhưng điều đặc biệt nơi Cadière là chính ngài đã làm sống lại tinh thần và truyền thống này sau bao nhiêu năm bị hầu hết các thừa sai lãng quên hay làm ngược lại, mà tiêu biểu là vụ “tranh cãi nghi lễ Trung Hoa”. Chính Cadière là người kết hợp nhuần nhuyễn giữa loan báo Tin mừng và hội nhập văn hóa, truyền giáo bằng văn hóa và qua văn hóa. Nhưng tiếc rằng, theo nhà sử học Đào Hùng, chỉ có một ít thừa sai đi cùng con đường của Cadiere, đó là Lm Francois Marie Savina (1876-1941) ở Tây Bắc, là tác giả của một số công trình, nhất là một loạt từ điển song ngữ (Mèo – Pháp, Pháp – Mán, Tày – Việt-Pháp.. .) và Linh mục Jacques Dournes ở Tây Nguyên với 250 công trình khảo cứu, nhất là về dân tộc học Đông Nam Châu Á.
Riêng đối với Huế, Cha Cadière đã dành những tình cảm đặc biệt, như được Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan cảm nhận: “Cadière đã đến Huế, đã ở với Huế, đã nghiên cứu về Huế, đã hiểu biết sâu sắc về Huế, đã yêu mến Huế, đã bảo vệ Huế, đã giới thiệu Huế ra thế giới và cũng đã mong muốn được ở Huế cho đến ngày cuối cùng và được chết trên đất Huế”.
Có thể nói rằng cả cuộc đời và toàn bộ công trình của Cadière nói lên tình yêu mến và quý trọng đối với con người và quê hương Việt Nam, như chính thổ lộ của Ngài: “Cả đời tôi, tôi đã dâng cho Xứ sở này. Cho tôi được ở lại và chết ở đây”. Một ý nguyện mà ai cũng cảm phục và quý mến.
Tâm tình cảm phục và quý mến này đã được thể hiện qua việc phần đông cử tọa đã đến niệm hương trước phần mộ của ngài, dự nghi thức tưởng niệm, đặt tượng và văn bia tại Đại Chủng Viện Huế vào sáng ngày 8 tháng 9.
2. Léopold Cadière, một nhà nghiên cứu khoa học.
Phần nội dung này đã được nhiều nhà nghiên cứu giới thiệu.
Qua hai bài tham luận của Tiến sĩ sử học và chuyên gia lưu trữ Gérard Moussay, linh mục Hội Thừa sai Paris, và của Nhà Nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (tiếc rằng cả hai vị, vì lý do sức khỏe, không thể hiện diện nên cả hai bài này đều không được thuyết trình), có thể nói rằng Cha Cadière là một nhà bác học đa năng.
Cha Cadière là thành viên của nhiều tổ chức nghiên cứu ở Việt Nam và quốc tế là một chứng minh. Trên 250 công trình lớn nhỏ của ngài đề cập đến rất nhiều lãnh vực. Từ lịch sử đến văn hóa (nhất là văn hóa dân gian). Từ ngôn ngữ học đến nhân chủng học. Từ mỹ thuật đến tôn giáo (nhất là tín ngưỡng dân gian). Từ kinh tế đến môi trường, kể cả khảo cổ học, động vật học và thực vật học…Tất cả đều liên quan xa gần đến người Việt, đến lịch sử Việt và văn hóa Việt nên có thể gọi Cadière là nhà “Việt Nam học” tiên phong, và dĩ nhiên là một nhà “Huế học” xuất sắc.
Tất cả các công trình nghiên cứu của Cha Cadière, chủ yếu bằng tiếng Pháp, được phổ biến trên 15 loại tạp chí khác nhau, chủ yếu ở Pháp (Paris, Lyon) và Việt Nam (Hà Nội, Huế, Sàigòn), nhất là Tạp chí BAVH mà ngài là chủ biên từ đầu cho đến cuối (1914-1944), nhưng cũng có cả ở Áo và Singapore. Linh mục Gérard Moussay đã đưa ra một bảng liệt kê chi tiết, cho thấy rằng chính Cha Cadière đã quảng bá văn hóa Việt, lịch sử Việt Nam một cách rộng rãi ra thế giới.
Điều đặc biệt, Cadière không chỉ hoạt động một mình, mà còn quy tụ nhiều trí thức cùng tham gia. Cụ thể là thành lập Hội Đô Thành Hiếu Cổ, lập một Viện Bảo tàng để bảo tồn những di vật cổ, một Thư viện để mọi người có thể tham khảo, học hỏi và nhất là lập một tạp chí để quảng bá các công trình nghiên cứu, các thành tựu, đó là Tạp chí BAVH. Nói như nhà Nghiên cứu Hồ Tấn Phan, nhắc đến BAVH thì ai nghiên cứu về Cadière, về Việt Nam học, về Huế học đều biết.
Từ khối lượng công trình đồ sộ này, cuộc hội thảo không có đủ thời gian đề cập đến hết tất cả nội dung. Do vậy, các diễn giả tự chọn đề tài ưa thích của mình mà theo cảm nhận chủ quan, cũng là những đề tài mang tính thời sự hoặc được cử tọa quan tâm tìm hiểu.
Ngoài những tham luận nêu những vấn đề chung, các đề tài được trình bày thuộc các lãnh vực như sau:
1- Triết học: Giáo sư Trần Văn Toàn với bài “Minh triết dân gian Việt Nam theo L.Cadière”.
2- Tôn giáo, văn hóa: Nhà nghiên cứu Đỗ Trinh Huệ, “Tâm thức tiếp cận của L. Cadière với văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo người Việt”.
3- Huế học: Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan, “Huế dưới con mắt L.Cadiere, L. Cadiere dưới con mắt một người Huế” và Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, “L. Cadière với cổ vật Huế”.
4- Gia đình: Nhà văn Nguyên Ngọc, ”Lắng nghe Cadière” và Tiến sĩ Mai Khanh, “Gia đình Việt Nam theo L. Cadière”.
5- Ngôn ngữ học: Tiến sĩ Hoàng Dũng, “Đóng góp của L.Cadière vào phương ngữ học tiếng Việt” và Nhà nghiên cứu Bửu Ý, “Câu chuyện dịch thuật thông qua L. Cadière”.
6- Mỹ thuật: Phó giáo sư Họa sĩ Vĩnh Phối, “Mỹ thuật Huế dưới góc nhìn của L. Cadière” và Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, “L.Cadière với tác phẩm L’Art à Hué”.
Nói chung, mỗi diễn giả đã trình bày về khả năng tinh tế của Cha Cadière trong nhận thức vấn đề, về phương pháp nghiên cứu của Cha (mà nhiều diễn giả nhìn nhận là nghiêm túc, khách quan, khoa học, tâm huyết và làm tới nơi tới chốn) và nhất là về tâm thức làm việc của Cha, nói gọn là với một tấm lòng. Chính nhờ tổng hợp ba yếu tố này (tài năng, phương pháp và một tấm lòng) mà những công trình của Cha Cadière đều là “những trang vàng” (nói theo Giáo sư Chu Hảo), có giá trị cho đến ngày nay, chẳng những có giá trị tham khảo, mà còn có giá trị hiện thực. Và một đánh giá khá tiêu biểu về Cha Cadière từ Nhà Nghiên cứu Bửu Ý: “Cadière xuất chiêu trông bề ngoài có vẻ hời hợt, mà nội lực thâm hậu khôn lường”.
Cũng có nhận định về một tài năng khác của Cha Cadière, đó là khi cùng lúc thực hiện “nhiệm vụ kép” (theo cách nói của linh mục J.B. Etcharren), vừa là linh mục thừa sai lo chuyện đạo, vừa là nhà nghiên cứu khoa học, Cha đều chu toàn. Từ chỗ hai lãnh vực này xem ra không mấy tương thích, Cha Cadière lại biến chúng thành những yếu tố hỗ tương. Và như vậy, trước Thư chung năm 1980 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhiều thập niên, Cha Cadière đã “sống phúc âm giữa lòng dân tộc, phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.
Dĩ nhiên, trong số các công trình của Cadière, cũng có những chi tiết bất cập hay sai sót. Nhưng chỉ là số ít.
Về chất lượng của các bài tham luận, Đức Cha Võ Đức Minh đã nhận định rằng đây là những bài “có giá trị đến nức lòng”, hay nói như Giáo sư Chu Hảo, là những tham luận nghiêm túc, công phu, gây kinh ngạc. Những nhận định được cử tọa đồng tình, thể hiện qua các tràng pháo tay vang dậy. Những đánh giá này còn được thể hiện qua đề xuất của Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri Thức, đảm nhận in và xuất bản cuốn Kỷ yếu Hội thảo này.
Từ những đánh giá này, đã nổi lên trong Hội thảo một cảm nhận chung của nhiều người. Đó là thái độ ứng xử của hậu thế đối với Cha Cadière. Bàng bạc một cảm giác áy náy. Và đã có những ý kiến điều chỉnh một tình trạng “bất công”. Nhẹ nhàng như Đức Cha Nguyễn Thái Hợp thì chỉ nêu “phải chăng đã đến lúc chúng ta nên có một nghĩa cử nào với Cha Cadière?” Hay như Nhà văn Nguyên Ngọc, là phải “lắng nghe Cadière”. Xác quyết hơn, là ý kiến của Nhà Nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan: “Đã đến lúc Huế phải tôn vinh Cadière”. Và một số đề xuất cụ thể hơn về các hình thức tôn vinh, như đặt tên L. Cadière cho một con đường, một ngôi trường, một viện nghiên cứu, hay một Quỹ Văn hóa Cadière. Cũng có những đề xuất đi xa hơn như đặt tượng Cadière tại Quảng Bình, Quảng Trị, hay đề nghị các nhà Việt Nam học nhận Cadière làm ông tổ của ngành (Nhà nghiên cứu Thân Trọng Ninh), hoặc đề nghị thành lập Nhà Lưu niệm Cadière và phim tài liệu về Cadière (Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh). Còn Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đề nghị thành lập Trung tâm Di sản Cadière, dịch lại BAVH, tái lập Hội Đô Thành Hiếu cổ, thiết lập hồ sơ di sản Cadière, hướng tới nhìn nhận Di sản Cadière như Di sản quốc gia và có thể hướng tới Di sản văn hóa thế giới. Và một số đề nghị khác, như của Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Phong: in tổng tập Cadière và mở một chiến dịch “Những giọt đồng dành cho danh nhân”, dành cho Cha Cadière.
Cha J.B. Etcharren cho rằng cách tôn vinh hay nhất là “làm sống lại tinh thần của Cha trong thời đại chúng ta”. Đức Cha Võ Đức Minh nói rằng điều quan trọng là làm sao phát huy tinh thần Léopold Cadière, nhất là khuyến khích các thế hệ trẻ Công giáo nên đi sâu vào tư tưởng của Cha Cadière, vì ngài vốn có những tư tưởng độc đáo, đi trước thời đại (ví dụ như phát biểu của Đức Cha Simon Hòa Hiền tại Công đồng Vatican II, “nhìn thấy nơi Ba ngôi Thiên Chúa hình ảnh gia đình”, là từ tư tưởng của Cha Cadière).
Dầu sao, người dân Việt vốn có truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và rằng “ý dân là ý trời”, nên những đề xuất tốt đẹp và chân thành như nêu trên, cũng nên được các bên hữu quan xem xét.
Cuộc hội thảo còn được thêm phần phong phú và sinh động nhờ các hoạt động bên lề. Đó là một phòng triển lãm văn hóa, tuy còn khiêm tốn nhưng đáng trân trọng, buổi văn nghệ hào hứng và càng thêm ý nghĩa khi có một tiết mục gợi mở hướng về Đại lễ Ngàn Năm Thăng Long Hà Nội, buổi tối Chợ Quê vui nhộn với các gánh hàng rong, các gian hàng ẩm thực, các trò chơi dân gian trong khuôn viên Tòa Giám Mục.
Hội thảo khép lại với lời cám ơn của Đức Tổng Giám Mục Stêphanô chủ nhà. Bài ca “Kinh hòa bình” hát lên cùng với nến sáng trong tay như một lời từ biệt và một lời cầu chúc binh an, với niềm hy vọng được gặp lại và cũng như muốn thắp lên niềm xác tín là đem ánh sáng văn hóa, Tin mừng Chúa Kitô vào nơi trần thế.
Hội thảo để lại nhiều dấu ấn tuyệt đẹp. Các tu sĩ nam nữ trong giáo phận Huế đã tận tâm chuẩn bị các giờ phụng tự cũng phục vụ các khâu ẩm thực, tiếp đón, văn nghệ và chợ đêm một cách vui tươi tế nhị văn hóa. Mọi người nhớ mãi tâm tình tri ân của Đức Tổng Giám Mục Huế với vị thầy năm xưa, Giáo sư Trần Văn Toàn “Mỗi ngày tôi thấy giáo sư trở thành sinh viên học sinh chuyên cần lắng nghe, mỗi ngày tôi đều đến hỏi giáo sư có mệt không? Giáo sư nói không. Ngày xưa, tôi là học sinh sinh viên của Giáo sư Toàn, ở đây cũng có nhiều sinh viên của giáo sư năm xưa. Sau 40 năm gặp lại, Giáo sư vẫn từ tốn nho nhã mạnh khỏe, tôi rất vui mừng”.
Trong bầu khí hân hoan của Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam, kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, 350 năm thành lập hai Giáo phận đầu tiên ở Việt Nam và nhân lễ giỗ lần thứ 55 ngày mất của Cha Cadière, Ủy Ban Văn hóa Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Tòa Tổng Giám Mục Huế, với sự cộng tác của Câu Lạc Bộ Phaolô Nguyễn văn Bình, đã tổ chức cuộc Hội thảo. Hy vọng sẽ tiếp tục những cuộc hội thảo khác nữa giữa những người thành tâm thiện chí, thiết tha với với tương lai và sự hưng thịnh của Dân tộc. Nhất là khi đã có lời mời gợi mở từ Giáo sư Chu Hảo: Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh sẵn sàng cộng tác với Giáo Hội để mở nhiều hội thảo tương tự, trên cả khắp ba miền, với tinh thần “hưng dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Và như lời nhắn gởi của Đức TGM Stêphanô “Phải có gì đó sâu xa trong lòng mỗi người chúng ta, phải từ những thúc đẩy tâm linh chúng ta mới có thể gần gũi nhau trong mấy ngày qua để ôn cố tri tân để xem chuyện cũ mà biết chính mình hơn. Những công trình tư tưởng như Léopold Cadìere còn đó để các thế hệ mai sau thấy lại được tâm tư suy nghĩ của các bậc tiền bối, thấy lại chính mình. Từ đó thương dân tộc mình hơn. Về điểm này học giả Phạm Quỳnh đã từng khẳng định: Di sản xa xưa của đất nước, di sản này vô giá đối với chúng ta. Tưởng như có lần chúng ta đã đánh mất xa tầm tay với, đã có lần chúng ta để nó suy chuyển qua bao biến thiên thế sự khiến chúng ta xa dần với những gì đã khuôn đúc ra chúng ta. Di sản ấy bằng mọi giá chúng ta phải giữ gìn phục hưng và bảo trì. Văn minh Tây phương có thể góp phần làm cho phong phú thêm. Vậy chúng ta đừng đánh mất nó, đánh mất nó là đánh mất ngay chính tâm hồn chúng ta. Hẹn gặp nhau những dịp sau”.
Cố Cả Léopold Michel Cadière là một linh mục truyền giáo và là một bác học tinh thông nhiều lãnh vực: dân tộc học, ngôn ngữ học, thực vật học, mỹ thuật học, Huế học, nghiên cứu phong tục tập quán, tôn giáo của người Việt Nam… Truyền giáo cung cấp điều kiện cho khoa học và khoa học làm phong phú truyền giáo. Đó là con đường thích nghi và hội nhập văn hóa của cha Cadière dùng tên Việt Nam, ăn mặc như người Việt Nam, thực phẩm Việt, nói tiếng Việt, nước da Tây nhưng tâm hồn Việt. Yêu mến xứ sở nơi mình được sai đến. Đó là điều kiện và là bí quyết cho hạnh phúc và sự triển nở của chính bản thân cha Cadière. Cả cuộc đời dài 86 năm nhưng ngài đã dành trọn 63 năm phục vụ tại Việt Nam:“Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này rồi. Cho tôi được ở lại và chết ở nơi đây”.
Đã có nhiều đề nghị lấy tên Lm Léopold Michel Cadière để đặt cho một con đường, một ngôi trường, một viện nghiên cứu, hay một Quỹ Văn hóa Cadière…và biết đâu Giáo Hội Việt Nam đề nghị Tòa Thánh phong thánh cho ngài? Chính Cha Etcharren đã trích dẫn lời Cha Lefas: “Vị thừa sai rất năng động này đã có mối bận tâm thường xuyên về việc thánh hóa bản thân. Ngài đã ghi lại trong một nhật ký, “Tại sao tôi không là một vị thánh?” Và ngài đã chẩn đoán ra mình có lòng quyến luyến nào đó với công trình uyên bác đã thực hiện, rồi ngài tự vấn cách trung thực để biết xem phải chăng ngài có khả năng bắt chước nghĩa cử, được cho là của thánh Phanxicô Atsidi, quăng vào lửa công trình do mình tạo ra, để chấm dứt sự chia trí trong lúc cầu nguyện xảy ra bởi việc tìm kiếm vinh quang thấp hèn. “Tôi có sẵn sàng thiêu đốt công trình nghiên cứu của mình về “Tiếng địa phương của người Annam vùng cao” không ? Hoặc quyển lịch sử Quảng Bình không ?... Có thật lòng làm điều đó không ? Vâng, có thể lắm. Tôi nghĩ rằng có thể, nếu sau đó, thực hành việc nên thánh không đòi buộc những hy sinh khác. Nhưng tôi nhận thấy sau đó là một chuổi dài những hy sinh lớn lao hơn, và điều đó làm tôi sợ hãi, tôi chùng bước”.
Cố Cả Léopold Michel Cadière xứng đáng để trở nên một vị thánh.
“Tại sao tôi không là một vị thánh?”
Tôi đi Huế trên chuyến bay 6g30 tối ngày 6.9.2010. Máy bay lên cao, bỏ lại Sài gòn dưới kia rực rỡ ánh đèn muôn màu. 70 phút sau đến Huế. Từ trên cao nhìn xuống, Huế âm thầm không hào nhoáng như Sài gòn. Sài gòn ồn ào náo nhiệt, còn Huế êm đêm thơ mộng. Sài gòn hiện đại và vội vã còn Huế mênh mông và sâu lắng. Sài gòn năng động từng ngày phát triển, Huế dịu dàng pha lẫn trầm tư.
Xem hình buổi hội thảo
Xe Tòa Tổng Giám Mục Huế đợi sẵn đưa chúng tôi về Trung Tâm Mục Vụ Nguyễn Trường Tộ. Quý cha ban tổ chức và các Nữ Tu MTG vui mừng chào đón rồi tận tình hướng dẫn chúng tôi đến các phòng đã phân chia.
Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận Huế thật rộng và đẹp, xây theo lối hiện đại như một nhà đa năng sử dụng cho nhiều chương trình mục vụ.
Huế cách Hà nội 638km, cách Sài gòn 1052km. Huế được chọn để xây dựng kinh đô của triều Nguyễn (1802-1945), triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử đất nước. Huế ẩn chứa những giá trị văn hóa phi vật thể tương xứng với tầm vóc của một kinh đô. Ngày 11.12.1993, Ủy ban Di sản thế giới (thuộc Unesco) đã công nhận quần thể Di tích Huế là Di sản Văn hóa nhân loại. Ngày 7.11.2003, Nhã nhạc cung đình đã được công nhận là kiệt tác Di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Đi Huế tham dự Hội thảo cũng là dịp đặc biệt để tham quan hiểu biết thêm về Huế. Biểu tượng của Huế qua hai câu thơ nổi tiếng của Thi sĩ Bùi Giáng: Dạ thưa xứ Huế bây giờ. Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương. Kinh đô triều đại các vua nhà Nguyễn là diện mạo duy nhất còn lại của một thời kỳ lịch sử quân chủ kéo dài mấy ngàn năm ở Việt Nam. Nhiều nơi nổi tiếng như: Đại nội với hệ thống thành quách kiên cố, cung điện tráng lệ; 7 lăng tẩm như 7 hoàng cung thứ hai cho cuộc sống vĩnh hằng của vua sau khi băng hà…và những trang sử đầy biến động trong suốt 400 năm của 9 đời chúa Nguyễn và 13 đời vua Nguyễn; chiêm ngưỡng hệ thống thành quách, cung điện nguy nga, đền miếu, lăng tẩm để biết về vua chúa Việt Nam xưa; Chùa Thiên Mụ trên đồi Hà khê nhìn xuống sông Hương lững lỡ; du thuyền sông Hương nghe ca Huế, thả đèn hoa đăng; Đi chợ Đông Ba ăn uống đặc sản Huế… Đặc biệt là Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam do cha Langlois xây vào thế kỷ XVII và đã được trùng tu nhiều lần như ngày nay; Đan Viện Thiên An yên tĩnh nằm trên đồi thông Thiên An tuyệt đẹp… Những địa chỉ nghe rất quen nhưng rất mới với người lần đầu đến Huế.
Hội thảo “Thân thế và sự nghiệp Linh mục Léopold Michel Cadière, 1869-1955” mang tầm vóc lớn với sự hiện diện của 14 Đức Giám Mục và khoảng 600 tham dự viên là các linh mục tu sĩ nam nữ, các nhà khoa học, nhà văn, nhà nghiên cứu, giáo sư đại học… đến từ nhiều miền đất nước, có những vị đến từ Pháp, Mỹ, Đức, Canađa…Tất cả đại biểu với niềm tin tín ngưỡng khác nhau và cũng có thể khác nhau về chính kiến, cùng tề tựu tham dự hội thảo bày tỏ lòng quý mến tri ân với Cố Cả Léopold Cadière, linh mục truyền giáo và là nhà bác học.
Mỗi ngày đều khởi đầu bằng thánh lễ đồng tế gồm 14 Giám Mục và hơn 100 linh mục, một số tu sĩ nam nữ chủng sinh.
Mỗi buổi hội thảo luôn được một Giám Mục chủ tọa.
Mỗi khi vị Diễn giả lên đọc tham luận, đều có một vị Linh mục lịch sự dẫn bước lên bục và về ghế an tọa.
Một số Nữ tu, Chủng sinh và nhóm Chiến sĩ Chúa Kitô (nhà thờ Phủ Cam) chia nhau phục vụ tận tình chu đáo trong suốt thời gian diễn ra hội thảo.
Hội trường khá rộng với 2 tầng. Tầng trệt 4 dãy ghế khoảng 450 chỗ dành cho các đại biểu từ các nơi đến tham dự. Tầng trên khoảng 150 ghế dành cho các đại biểu giáo phận nhà.
Xuyên suốt 3 ngày hội thảo, tôi cẩn thận thu âm tất cả các bài giảng lễ hàng ngày, các bài diễn văn, tham luận, các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Diễn văn khai mạc của Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - Chủ Tịch HĐGMVN, Đức Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống- Chủ tịch Ủy Ban Văn Hóa HĐGMVN và 13 bài tham luận, nhiều ý kiến trao đổi phản biện. Tất cả thời gian và lượng thông tin phong phú này đều hướng về Linh mục Léopold Cadière đa năng, đa tài trên nhiều lãnh vực. Tất cả đều ca ngợi một con người với tài năng trí tuệ xuất chúng và với con tim chan chứa yêu thương.
Ban thư ký hội thảo gồm 5 vị làm việc tích cực, thư ký Vương Đình Chữ đã đúc kết hai nét nổi bật nơi chân dung của Cha Cadière:một thừa sai nhiệt tình, gương mẫu và là một nhà nghiên cứu khoa học uyên bác, nghiêm túc.
1.Léopold Cadière, Linh mục Thừa sai, con người của đức tin.
Các bài diễn văn của Đức Cha Chủ tịch HĐGMVN, Đức Cha Chủ tịch UBVH, bài tham luận của Cha Gérard Moussay (không đọc ở diễn đàn), bài tham luận của Cha Etcharren và của Đức Cha Nguyễn Thái Hợp đều trực tiếp đề cập đến Léopold Cadière là một linh mục thừa sai, với nhiệm vụ hàng đầu là truyền giáo.
Đức cha Chủ tịch HĐGMVN lướt qua lịch sử truyền giáo ở Việt nam, khởi từ 1533, qua thời điểm năm 1615 tại Đàng Trong và năm 1627 tại Đàng Ngoài. Ngài nhấn mạnh đến thời điểm năm 1659 khi Tòa Thánh thành lập hai giáo phận ở Việt Nam, kèm theo một Huấn thị về truyền giáo, trong đó nhấn mạnh đến hội nhập văn hóa, với tinh thần tôn trọng và quý mến văn hóa địa phương. Đặc biệt, Đức cha nhắc đến Những huấn thị năm 1659 của Bộ Truyền Giáo, do Đức Grêgôriô XV thành lập, nay đổi thành Bộ Phúc Âm hóa các dân tộc. Những huấn thị này là một chỉ dẫn cụ thể cho các nhà thừa sai biết cách hành xử đúng đắn nơi xứ người: “Chư huynh đừng bao giờ cố gắng hoặc khuyên bảo dân chúng sửa đổi nghi lễ, tập tục, thuần phong, trừ khi hiển nhiên mâu thuẫn với đạo thánh và luân lý. Có gì phi lý hơn là mang cả nước Pháp, Tây Ban Nha, nước Ý hay bất cứ phần đất Âu châu nào sang cho dân Trung Hoa chăng? Không phải mang thứ ấy đến cho họ, bèn là mang chân lý đức tin, một chân lý không loại trừ nghi lễ và tập tục của bất cứ dân tộc nào, cũng không xúc phạm đến nghi lễ tập tục ấy, miễn là chúng không xấu...” Ngài đề cao Cha Léopold Michel Cadière là người đã thấm nhuần Huấn thị của Tòa Thánh và đem ra thực hành một cách xuất sắc trong 63 năm sống và chết ở Việt Nam. Ngài cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả các thừa sai thuộc nhiều Dòng khác nhau đã từng đến Việt Nam hoạt động truyền giáo, cách riêng, tri ân Hội Thừa sai Paris đã đồng hành và hỗ trợ Giáo hội Việt Nam từ ngày dầu cho đến nay. Ngài cũng “bày tỏ cách chính đáng niềm tự hào về sự đóng góp khiêm tốn nhưng thiết thực của Giáo Hội Công Giáo cho nền văn hóa, văn minh của đất nước Việt Nam thân yêu chúng ta”.
Đức Cha Chủ tịch Uỷ ban Văn hóa đã phác thảo chân dung của Linh mục Cadière trên ba chiều kích: một thừa sai nhiệt thành, một nhà nghiên cứu khoa học say mê, và một con người văn hóa, thực hiện hội nhập hết mình với văn hóa Việt. Chính việc kết hợp nhuần nhuyễn ba chiều kích này nơi một con người Cadière, đã nâng tầm cao của nhân vật này. Cha Cadière là nhà truyền giáo nhiệt thành, không mỏi mệt, đem cái đẹp của Kitô giáo cho con người Việt Nam. Ngài cũng là một nhà dân tộc học, ngôn ngữ học, thực vật học, mỹ thuật học, Huế học, nghiên cứu phong tục tập quán, tôn giáo của người Việt Nam. Công trình của ngài là không thể thiếu cho các thế hệ nghiên cứu về sau. Người ta khen ngợi tài năng giữa hai lãnh vực khác nhau nơi một con người: truyền giáo và nghiên cứu khoa học.
Phần tham luận chính được bắt đầu bằng bài thuyết trình của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, với tựa đề “Léopold Cadière và hội nhập văn hóa, một kinh nghiệm loan báo Tin Mừng”, đề cập đến tinh thần của Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo hội, cách riêng Huấn thị năm 1659 của Bộ Truyền Giáo vốn là những cơ sở để Cha Cadière dựa vào và áp dụng trong hoạt động truyền giáo ở Việt Nam.
Qua năm bài tham luận, mọi người nhận thấy Cha Cadière đã thực thi sứ vụ truyền giáo với tất cả lòng nhiệt thành của một Tông đồ của Chúa. Cha J.B Etcharren nhấn mạnh rằng, Cha Cadière trước hết là một con người của đức tin và chiều kích tâm linh là nền tảng cho mọi chọn lựa và hoạt động của ngài. Ánh sáng đức tin được đặt lên trên tất cả. Và trong thực tế, Cha Cadière là một thừa sai nhiệt tình và đức hạnh, và chính ngài đã truyền lại những kinh nghiệm cho các thế hệ thừa sai trẻ, qua các nghiên cứu của mình. Cha Etcharren đã dẫn chứng nền tảng đức tin của Cha Cadière bằng cách đọc lại những lời cuối cùng của ngài, bài “Nâng tâm hồn lên!”, như một tuyên xưng đức tin và như những lời vinh tụng ca dâng lên Thiên Chúa.
Khi đến miền truyền giáo được chỉ định là giáo phận Bắc Đàng Trong, nay là giáo phận Huế, Cha Cadière chẳng những đã chăm chỉ học tiếng Việt, mà còn miệt mài tìm hiểu về đối tượng mà mình có trách nhiệm phục vụ. Ngài từng là giáo sư Tiểu chủng viện (An Ninh) và Đại chủng viện (Huế), từng là cha xứ (Vĩnh Lộc, Cù Lạc, Di Loan, Tam Tòa) và là Hạt trưởng (Di Loan). Ngài từng xây dựng trường học, nhà thương, xưởng thợ (giúp phục hồi nghề lụa Di Loan) và cả một ngôi nhà thờ “đẹp đến nỗi người ta gọi là Vương cung thánh đường”. Ngài từng làm những công việc thường nhật của một thừa sai là “dạy dỗ, kiểm tra, lui tới những giáo đoàn mới để vực dậy sự dũng cảm của người yếu đuối và bảo vệ họ chống lại những điều phiền nhiễu, làm cho ra lẽ những vụ kiện cáo và những bách hại mà họ thường là mục tiêu; quan hệ xã hội với các viên chức để họ tôn trọng các quyền lợi chính đáng; viết thư khuyên răn, cổ vũ việc siêng năng kinh hạt cầu nguyện và ra tay giúp đỡ cả những người khốn khổ nữa” (Giám mục Nguyễn Thái Hợp). Nhà sử học Đào Hùng cũng nhận định chính xác rằng “Cuộc đời Léopold Cadiere là cuộc đời của một linh mục cống hiến cho giáo dân, vì đó luôn là mục đích chính của ông”.
Nhưng điều đặc biệt nơi linh mục thừa sai Léopold Cadière không nằm nơi những hoạt động này vì nhiều thừa sai có thể làm được như vậy. Điều đặc biệt nơi ngài chính là phương cách truyền giáo và trái tim nhân ái.
Đó chính là phương cách hòa đồng, “ao ước được trở thành đồng hương của những người dân hiền lành chất phác ở Bình Trị Thiên”, “trở thành người Việt với người Việt”. Hòa đồng đến độ ngài tự xưng mình là “một cụ già được Việt hóa” (Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể nhắc lại tại lễ tưởng niệm) hay theo Nhà Nghiên cứu Đỗ Trinh Huệ là “một ông già hóa Việt” (vieil annamitisant).
Điều đặc biệt thứ hai nơi thừa sai Cadière là trái tim nhân ái, là tấm lòng yêu thương và kính trọng người Việt mà Cha Cadière nhận ra nhiều đức tính cao đẹp về tâm linh và luân lý. Nhiều tham luận đã đưa nhiều chứng cứ và trích dẫn về lòng yêu mến và quý trọng mà Cha Cadière dành cho người Việt và nền văn hóa Việt. Nhiều diễn giả đã lặp lại, tại Hội trường này cũng như tại nghi lễ tưởng niệm ở Đại chủng viện, những lời này của Cha Léopold Cadière: “ Tôi đã nghiên cứu các tín ngưỡng, những thực hành tôn giáo, những thói quen,những phong tục của họ… Tôi đã nghiên cứu lịch sử của họ… Khi đã nghiên cứu và đã hiểu người Việt Nam, tôi đã yêu mến họ. Tôi đã yêu mến họ vì tài thông minh và trí sắc sảo của họ… Tôi đã yêu mến họ vì những nhân đức luân lý của họ… Tôi đã yêu mến họ vì tính cách của họ… Sau hết, tôi đã yêu mến họ vì những đau khổ của họ”.
Tuy vậy, theo cái nhìn lịch sử của Giám mục Nguyễn Thái Hợp, phương cách truyền giáo của Cadière cũng chỉ là tiếp nối tinh thần của Thánh Phaolô Tông đồ “Do thái với người Do Thái”, là tiếp nối phương cách của các nhà truyền giáo xa xưa và cụ thể, là thi hành Huấn thị năm 1659 của Bộ Truyền giáo. Nhưng điều đặc biệt nơi Cadière là chính ngài đã làm sống lại tinh thần và truyền thống này sau bao nhiêu năm bị hầu hết các thừa sai lãng quên hay làm ngược lại, mà tiêu biểu là vụ “tranh cãi nghi lễ Trung Hoa”. Chính Cadière là người kết hợp nhuần nhuyễn giữa loan báo Tin mừng và hội nhập văn hóa, truyền giáo bằng văn hóa và qua văn hóa. Nhưng tiếc rằng, theo nhà sử học Đào Hùng, chỉ có một ít thừa sai đi cùng con đường của Cadiere, đó là Lm Francois Marie Savina (1876-1941) ở Tây Bắc, là tác giả của một số công trình, nhất là một loạt từ điển song ngữ (Mèo – Pháp, Pháp – Mán, Tày – Việt-Pháp.. .) và Linh mục Jacques Dournes ở Tây Nguyên với 250 công trình khảo cứu, nhất là về dân tộc học Đông Nam Châu Á.
Riêng đối với Huế, Cha Cadière đã dành những tình cảm đặc biệt, như được Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan cảm nhận: “Cadière đã đến Huế, đã ở với Huế, đã nghiên cứu về Huế, đã hiểu biết sâu sắc về Huế, đã yêu mến Huế, đã bảo vệ Huế, đã giới thiệu Huế ra thế giới và cũng đã mong muốn được ở Huế cho đến ngày cuối cùng và được chết trên đất Huế”.
Có thể nói rằng cả cuộc đời và toàn bộ công trình của Cadière nói lên tình yêu mến và quý trọng đối với con người và quê hương Việt Nam, như chính thổ lộ của Ngài: “Cả đời tôi, tôi đã dâng cho Xứ sở này. Cho tôi được ở lại và chết ở đây”. Một ý nguyện mà ai cũng cảm phục và quý mến.
Tâm tình cảm phục và quý mến này đã được thể hiện qua việc phần đông cử tọa đã đến niệm hương trước phần mộ của ngài, dự nghi thức tưởng niệm, đặt tượng và văn bia tại Đại Chủng Viện Huế vào sáng ngày 8 tháng 9.
2. Léopold Cadière, một nhà nghiên cứu khoa học.
Phần nội dung này đã được nhiều nhà nghiên cứu giới thiệu.
Qua hai bài tham luận của Tiến sĩ sử học và chuyên gia lưu trữ Gérard Moussay, linh mục Hội Thừa sai Paris, và của Nhà Nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (tiếc rằng cả hai vị, vì lý do sức khỏe, không thể hiện diện nên cả hai bài này đều không được thuyết trình), có thể nói rằng Cha Cadière là một nhà bác học đa năng.
Cha Cadière là thành viên của nhiều tổ chức nghiên cứu ở Việt Nam và quốc tế là một chứng minh. Trên 250 công trình lớn nhỏ của ngài đề cập đến rất nhiều lãnh vực. Từ lịch sử đến văn hóa (nhất là văn hóa dân gian). Từ ngôn ngữ học đến nhân chủng học. Từ mỹ thuật đến tôn giáo (nhất là tín ngưỡng dân gian). Từ kinh tế đến môi trường, kể cả khảo cổ học, động vật học và thực vật học…Tất cả đều liên quan xa gần đến người Việt, đến lịch sử Việt và văn hóa Việt nên có thể gọi Cadière là nhà “Việt Nam học” tiên phong, và dĩ nhiên là một nhà “Huế học” xuất sắc.
Tất cả các công trình nghiên cứu của Cha Cadière, chủ yếu bằng tiếng Pháp, được phổ biến trên 15 loại tạp chí khác nhau, chủ yếu ở Pháp (Paris, Lyon) và Việt Nam (Hà Nội, Huế, Sàigòn), nhất là Tạp chí BAVH mà ngài là chủ biên từ đầu cho đến cuối (1914-1944), nhưng cũng có cả ở Áo và Singapore. Linh mục Gérard Moussay đã đưa ra một bảng liệt kê chi tiết, cho thấy rằng chính Cha Cadière đã quảng bá văn hóa Việt, lịch sử Việt Nam một cách rộng rãi ra thế giới.
Điều đặc biệt, Cadière không chỉ hoạt động một mình, mà còn quy tụ nhiều trí thức cùng tham gia. Cụ thể là thành lập Hội Đô Thành Hiếu Cổ, lập một Viện Bảo tàng để bảo tồn những di vật cổ, một Thư viện để mọi người có thể tham khảo, học hỏi và nhất là lập một tạp chí để quảng bá các công trình nghiên cứu, các thành tựu, đó là Tạp chí BAVH. Nói như nhà Nghiên cứu Hồ Tấn Phan, nhắc đến BAVH thì ai nghiên cứu về Cadière, về Việt Nam học, về Huế học đều biết.
Từ khối lượng công trình đồ sộ này, cuộc hội thảo không có đủ thời gian đề cập đến hết tất cả nội dung. Do vậy, các diễn giả tự chọn đề tài ưa thích của mình mà theo cảm nhận chủ quan, cũng là những đề tài mang tính thời sự hoặc được cử tọa quan tâm tìm hiểu.
Ngoài những tham luận nêu những vấn đề chung, các đề tài được trình bày thuộc các lãnh vực như sau:
1- Triết học: Giáo sư Trần Văn Toàn với bài “Minh triết dân gian Việt Nam theo L.Cadière”.
2- Tôn giáo, văn hóa: Nhà nghiên cứu Đỗ Trinh Huệ, “Tâm thức tiếp cận của L. Cadière với văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo người Việt”.
3- Huế học: Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan, “Huế dưới con mắt L.Cadiere, L. Cadiere dưới con mắt một người Huế” và Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, “L. Cadière với cổ vật Huế”.
4- Gia đình: Nhà văn Nguyên Ngọc, ”Lắng nghe Cadière” và Tiến sĩ Mai Khanh, “Gia đình Việt Nam theo L. Cadière”.
5- Ngôn ngữ học: Tiến sĩ Hoàng Dũng, “Đóng góp của L.Cadière vào phương ngữ học tiếng Việt” và Nhà nghiên cứu Bửu Ý, “Câu chuyện dịch thuật thông qua L. Cadière”.
6- Mỹ thuật: Phó giáo sư Họa sĩ Vĩnh Phối, “Mỹ thuật Huế dưới góc nhìn của L. Cadière” và Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, “L.Cadière với tác phẩm L’Art à Hué”.
Nói chung, mỗi diễn giả đã trình bày về khả năng tinh tế của Cha Cadière trong nhận thức vấn đề, về phương pháp nghiên cứu của Cha (mà nhiều diễn giả nhìn nhận là nghiêm túc, khách quan, khoa học, tâm huyết và làm tới nơi tới chốn) và nhất là về tâm thức làm việc của Cha, nói gọn là với một tấm lòng. Chính nhờ tổng hợp ba yếu tố này (tài năng, phương pháp và một tấm lòng) mà những công trình của Cha Cadière đều là “những trang vàng” (nói theo Giáo sư Chu Hảo), có giá trị cho đến ngày nay, chẳng những có giá trị tham khảo, mà còn có giá trị hiện thực. Và một đánh giá khá tiêu biểu về Cha Cadière từ Nhà Nghiên cứu Bửu Ý: “Cadière xuất chiêu trông bề ngoài có vẻ hời hợt, mà nội lực thâm hậu khôn lường”.
Cũng có nhận định về một tài năng khác của Cha Cadière, đó là khi cùng lúc thực hiện “nhiệm vụ kép” (theo cách nói của linh mục J.B. Etcharren), vừa là linh mục thừa sai lo chuyện đạo, vừa là nhà nghiên cứu khoa học, Cha đều chu toàn. Từ chỗ hai lãnh vực này xem ra không mấy tương thích, Cha Cadière lại biến chúng thành những yếu tố hỗ tương. Và như vậy, trước Thư chung năm 1980 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhiều thập niên, Cha Cadière đã “sống phúc âm giữa lòng dân tộc, phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.
Dĩ nhiên, trong số các công trình của Cadière, cũng có những chi tiết bất cập hay sai sót. Nhưng chỉ là số ít.
Về chất lượng của các bài tham luận, Đức Cha Võ Đức Minh đã nhận định rằng đây là những bài “có giá trị đến nức lòng”, hay nói như Giáo sư Chu Hảo, là những tham luận nghiêm túc, công phu, gây kinh ngạc. Những nhận định được cử tọa đồng tình, thể hiện qua các tràng pháo tay vang dậy. Những đánh giá này còn được thể hiện qua đề xuất của Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri Thức, đảm nhận in và xuất bản cuốn Kỷ yếu Hội thảo này.
Từ những đánh giá này, đã nổi lên trong Hội thảo một cảm nhận chung của nhiều người. Đó là thái độ ứng xử của hậu thế đối với Cha Cadière. Bàng bạc một cảm giác áy náy. Và đã có những ý kiến điều chỉnh một tình trạng “bất công”. Nhẹ nhàng như Đức Cha Nguyễn Thái Hợp thì chỉ nêu “phải chăng đã đến lúc chúng ta nên có một nghĩa cử nào với Cha Cadière?” Hay như Nhà văn Nguyên Ngọc, là phải “lắng nghe Cadière”. Xác quyết hơn, là ý kiến của Nhà Nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan: “Đã đến lúc Huế phải tôn vinh Cadière”. Và một số đề xuất cụ thể hơn về các hình thức tôn vinh, như đặt tên L. Cadière cho một con đường, một ngôi trường, một viện nghiên cứu, hay một Quỹ Văn hóa Cadière. Cũng có những đề xuất đi xa hơn như đặt tượng Cadière tại Quảng Bình, Quảng Trị, hay đề nghị các nhà Việt Nam học nhận Cadière làm ông tổ của ngành (Nhà nghiên cứu Thân Trọng Ninh), hoặc đề nghị thành lập Nhà Lưu niệm Cadière và phim tài liệu về Cadière (Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh). Còn Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đề nghị thành lập Trung tâm Di sản Cadière, dịch lại BAVH, tái lập Hội Đô Thành Hiếu cổ, thiết lập hồ sơ di sản Cadière, hướng tới nhìn nhận Di sản Cadière như Di sản quốc gia và có thể hướng tới Di sản văn hóa thế giới. Và một số đề nghị khác, như của Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Phong: in tổng tập Cadière và mở một chiến dịch “Những giọt đồng dành cho danh nhân”, dành cho Cha Cadière.
Cha J.B. Etcharren cho rằng cách tôn vinh hay nhất là “làm sống lại tinh thần của Cha trong thời đại chúng ta”. Đức Cha Võ Đức Minh nói rằng điều quan trọng là làm sao phát huy tinh thần Léopold Cadière, nhất là khuyến khích các thế hệ trẻ Công giáo nên đi sâu vào tư tưởng của Cha Cadière, vì ngài vốn có những tư tưởng độc đáo, đi trước thời đại (ví dụ như phát biểu của Đức Cha Simon Hòa Hiền tại Công đồng Vatican II, “nhìn thấy nơi Ba ngôi Thiên Chúa hình ảnh gia đình”, là từ tư tưởng của Cha Cadière).
Dầu sao, người dân Việt vốn có truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và rằng “ý dân là ý trời”, nên những đề xuất tốt đẹp và chân thành như nêu trên, cũng nên được các bên hữu quan xem xét.
Cuộc hội thảo còn được thêm phần phong phú và sinh động nhờ các hoạt động bên lề. Đó là một phòng triển lãm văn hóa, tuy còn khiêm tốn nhưng đáng trân trọng, buổi văn nghệ hào hứng và càng thêm ý nghĩa khi có một tiết mục gợi mở hướng về Đại lễ Ngàn Năm Thăng Long Hà Nội, buổi tối Chợ Quê vui nhộn với các gánh hàng rong, các gian hàng ẩm thực, các trò chơi dân gian trong khuôn viên Tòa Giám Mục.
Hội thảo khép lại với lời cám ơn của Đức Tổng Giám Mục Stêphanô chủ nhà. Bài ca “Kinh hòa bình” hát lên cùng với nến sáng trong tay như một lời từ biệt và một lời cầu chúc binh an, với niềm hy vọng được gặp lại và cũng như muốn thắp lên niềm xác tín là đem ánh sáng văn hóa, Tin mừng Chúa Kitô vào nơi trần thế.
Hội thảo để lại nhiều dấu ấn tuyệt đẹp. Các tu sĩ nam nữ trong giáo phận Huế đã tận tâm chuẩn bị các giờ phụng tự cũng phục vụ các khâu ẩm thực, tiếp đón, văn nghệ và chợ đêm một cách vui tươi tế nhị văn hóa. Mọi người nhớ mãi tâm tình tri ân của Đức Tổng Giám Mục Huế với vị thầy năm xưa, Giáo sư Trần Văn Toàn “Mỗi ngày tôi thấy giáo sư trở thành sinh viên học sinh chuyên cần lắng nghe, mỗi ngày tôi đều đến hỏi giáo sư có mệt không? Giáo sư nói không. Ngày xưa, tôi là học sinh sinh viên của Giáo sư Toàn, ở đây cũng có nhiều sinh viên của giáo sư năm xưa. Sau 40 năm gặp lại, Giáo sư vẫn từ tốn nho nhã mạnh khỏe, tôi rất vui mừng”.
Trong bầu khí hân hoan của Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam, kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, 350 năm thành lập hai Giáo phận đầu tiên ở Việt Nam và nhân lễ giỗ lần thứ 55 ngày mất của Cha Cadière, Ủy Ban Văn hóa Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Tòa Tổng Giám Mục Huế, với sự cộng tác của Câu Lạc Bộ Phaolô Nguyễn văn Bình, đã tổ chức cuộc Hội thảo. Hy vọng sẽ tiếp tục những cuộc hội thảo khác nữa giữa những người thành tâm thiện chí, thiết tha với với tương lai và sự hưng thịnh của Dân tộc. Nhất là khi đã có lời mời gợi mở từ Giáo sư Chu Hảo: Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh sẵn sàng cộng tác với Giáo Hội để mở nhiều hội thảo tương tự, trên cả khắp ba miền, với tinh thần “hưng dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Và như lời nhắn gởi của Đức TGM Stêphanô “Phải có gì đó sâu xa trong lòng mỗi người chúng ta, phải từ những thúc đẩy tâm linh chúng ta mới có thể gần gũi nhau trong mấy ngày qua để ôn cố tri tân để xem chuyện cũ mà biết chính mình hơn. Những công trình tư tưởng như Léopold Cadìere còn đó để các thế hệ mai sau thấy lại được tâm tư suy nghĩ của các bậc tiền bối, thấy lại chính mình. Từ đó thương dân tộc mình hơn. Về điểm này học giả Phạm Quỳnh đã từng khẳng định: Di sản xa xưa của đất nước, di sản này vô giá đối với chúng ta. Tưởng như có lần chúng ta đã đánh mất xa tầm tay với, đã có lần chúng ta để nó suy chuyển qua bao biến thiên thế sự khiến chúng ta xa dần với những gì đã khuôn đúc ra chúng ta. Di sản ấy bằng mọi giá chúng ta phải giữ gìn phục hưng và bảo trì. Văn minh Tây phương có thể góp phần làm cho phong phú thêm. Vậy chúng ta đừng đánh mất nó, đánh mất nó là đánh mất ngay chính tâm hồn chúng ta. Hẹn gặp nhau những dịp sau”.
Cố Cả Léopold Michel Cadière là một linh mục truyền giáo và là một bác học tinh thông nhiều lãnh vực: dân tộc học, ngôn ngữ học, thực vật học, mỹ thuật học, Huế học, nghiên cứu phong tục tập quán, tôn giáo của người Việt Nam… Truyền giáo cung cấp điều kiện cho khoa học và khoa học làm phong phú truyền giáo. Đó là con đường thích nghi và hội nhập văn hóa của cha Cadière dùng tên Việt Nam, ăn mặc như người Việt Nam, thực phẩm Việt, nói tiếng Việt, nước da Tây nhưng tâm hồn Việt. Yêu mến xứ sở nơi mình được sai đến. Đó là điều kiện và là bí quyết cho hạnh phúc và sự triển nở của chính bản thân cha Cadière. Cả cuộc đời dài 86 năm nhưng ngài đã dành trọn 63 năm phục vụ tại Việt Nam:“Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này rồi. Cho tôi được ở lại và chết ở nơi đây”.
Đã có nhiều đề nghị lấy tên Lm Léopold Michel Cadière để đặt cho một con đường, một ngôi trường, một viện nghiên cứu, hay một Quỹ Văn hóa Cadière…và biết đâu Giáo Hội Việt Nam đề nghị Tòa Thánh phong thánh cho ngài? Chính Cha Etcharren đã trích dẫn lời Cha Lefas: “Vị thừa sai rất năng động này đã có mối bận tâm thường xuyên về việc thánh hóa bản thân. Ngài đã ghi lại trong một nhật ký, “Tại sao tôi không là một vị thánh?” Và ngài đã chẩn đoán ra mình có lòng quyến luyến nào đó với công trình uyên bác đã thực hiện, rồi ngài tự vấn cách trung thực để biết xem phải chăng ngài có khả năng bắt chước nghĩa cử, được cho là của thánh Phanxicô Atsidi, quăng vào lửa công trình do mình tạo ra, để chấm dứt sự chia trí trong lúc cầu nguyện xảy ra bởi việc tìm kiếm vinh quang thấp hèn. “Tôi có sẵn sàng thiêu đốt công trình nghiên cứu của mình về “Tiếng địa phương của người Annam vùng cao” không ? Hoặc quyển lịch sử Quảng Bình không ?... Có thật lòng làm điều đó không ? Vâng, có thể lắm. Tôi nghĩ rằng có thể, nếu sau đó, thực hành việc nên thánh không đòi buộc những hy sinh khác. Nhưng tôi nhận thấy sau đó là một chuổi dài những hy sinh lớn lao hơn, và điều đó làm tôi sợ hãi, tôi chùng bước”.
Cố Cả Léopold Michel Cadière xứng đáng để trở nên một vị thánh.