Tại Anh, Đức Thánh Cha kêu gọi giáo dân và giáo chức hiểu biết và bày tỏ đức tin

Birmingham (AsiaNews) - Giáo dân Công Giáo, nhất là giáo chức chính là "những người biết những gì họ hiểu thấu và những gì không, biết rằng tôn giáo của mình rất tốt để họ có thể lưu tâm đến, họ biết rất nhiều về lịch sử để họ có thể bảo vệ nó". Với những lời này của Đức Hồng Y John Henry Newman, hôm 19/9/2010, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã lặp lại lời chỉ trích tình trạng cấp bách trong giáo dục, khi tuyên chân phước cho vị Hồng Y là học giả, nhà văn, nhà thơ, linh mục và hồng y, được xem là một trong những nhà cổ võ cho đại kết, một người tiền trạm của Công Đồng Vatican II, về vai trò của giáo dân trong Giáo Hội và sự tổng hợp giữa đức tin và lý trí. Ngài khẳng định tính ưu việt của lương tâm như "vị Đại Diện Chúa Kitô đầu tiên", người đã dẫn dắt dân mình vốn được thần học gia Joseph Ratzinger định nghĩa là "con người của lương tâm".

Một đám đông lớn, hơn 70.000 người, ở Birmingham, trạm dừng chân cuối cùng trong chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đến Anh quốc, một tiếng vang về sự quy tụ, ước tính khoảng gần 200.000 người - trong đêm canh thức ở Hyde Park tối 18/9 và trên đường phố Luân Đôn để chào đón Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Một con số gây sửng sốt và bác bỏ khái niệm về "sự thờ ơ" của Anh quốc đối với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Hơn nữa, các kế hoạch biểu tình - tập trung vào các vấn đề người đồng tính, ấu dâm và ngừa thai - hoàn toàn bị gạt qua bên lề, với sự tham gia chỉ một vài nghìn người tuy dù được giới truyền thông loan tin rầm rộ.

Nhưng hôm 19/9 không có biểu tình, đây là ngày được xem là quan trọng nhất của chuyến tông du này - phương châm của Đức Hồng Y Newman, Cor Ad Cor loquitur, "lòng nói với lòng", đã được làm chủ đề cho chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng - việc phong chân phước của "một vị giải tội, một người con trai của đất nước này, trong khi không được kêu gọi để phải đổ máu cho Chúa, tuy nhiên lại làm chứng nhân hùng hồn cho Ngài trong suốt cuộc đời lâu dài cống hiến cho sứ vụ linh mục, và nhất là để rao giảng, giảng dạy, và viết".

Đức Chân Phước John Henry Newman sinh năm 1801 ở Luân Đôn trong một gia đình Anh giáo. Năm 1817, ngài theo học Đại học Trinity ở Oxford, sau một thời gian học tập, ngài trở thành một phó tế của Giáo hội Anh giáo vào năm 1824. Năm 1828 ngài trở thành mục sư của nhà thờ trường đại học St. Mary. Trong thời gian này, ngài tiếp tục nghiên cứu thần học, triết học và là người sáng lập chính của Phong trào Oxford, với mục đích chính là để tiếp cận các thành phần của Anh giáo, ủng hộ các quan điểm Khai sáng và duy lý.

Vào năm 1832, trong một chuyến du hành đến Ý, ngài bị bệnh nặng và bắt đầu một suy tư sâu sắc về đức tin tôn giáo của mình. Từ 1833 đến 1841, ĐHY Newman và những người bạn khác của phong trào công bố những luận điểm được gọi là "Tracts for the Times (Những dấu vết Thời Đại)", với 90 bài tiểu luận về tình hình của Giáo hội Anh giáo, nhưng cũng có một số vấn đề về Kitô giáo nói chung. Trong những bài tiểu luận cuối cùng của "Tract 90", ĐHY Newman đề xuất một giải thích Ba Mươi Chín Điều về tôn giáo phù hợp với giáo lý của Công Đồng Công Giáo Trent: ngài trả giá bằng sự kết án từ Đại học Oxford và 42 giám mục Anh giáo.

Điều này khiến ngài rời bỏ văn phòng mục sư trường đại học và năm 1842 ngài từ chức để đến Littlemore, nơi ngài bắt đầu viết tác phẩm lớn của mình về sự phát triển của giáo lý Kitô giáo. Trong nghiên cứu về nguồn gốc của Kitô giáo, được phát hành vào năm 1845, ngài đi đến kết luận rằng "Giáo hội Công Giáo thực sự đúng đắn". Ngày 9 tháng Mười năm đó, ngài đã được nhận vào Giáo hội Công Giáo.

Ngài rời Oxford và định cư ở Birmingham. Sau một thời gian suy tư, ngài quyết định gia nhập Dòng Giảng Thuyết của Thánh Philip Neri và được phong chức linh mục Công Giáo vào năm 1847 ở Rôma. Ngài thành lập tu viện đầu tiên của Dòng Giảng Thuyết Thánh Philip tại Anh quốc ở Edgbaston, Birmingham. Ngài cũng là nhà sáng lập và là hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Công Giáo tại Dublin vào năm 1851, ngài trở lại Anh năm 1858 để cống hiến đời mình cho nghiên cứu và hoạt động mục vụ. Năm 1879, Đức Giáo Hoàng Leo XIII vinh thăng ngài trở thành Hồng Y. Ngài qua đời năm 1890 ở tu viện Edgbaston.

Đức Thánh Cha Bênêđictô cho hay trong bài giảng: "Sự phục vụ rõ ràng mà Chân Phước John Henry đã được kêu gọi liên quan đến việc áp dụng trí tuệ sắc sảo và ngòi bút phong phú của ngài đối với "những vấn đề thời đại" bức xúc nhất. Hiểu biết sâu sắc của ngài về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí, về vai trò quan trọng của tôn giáo mạc khải trong xã hội văn minh, về sự cần thiết cho một cách tiếp cận dựa trên nền tảng chung và phạm vi rộng đối với giáo dục không chỉ có tầm quan trọng sâu sắc đối với triều đại Nữ hoàng Victoria Anh quốc, mà còn tiếp tục đến ngày nay để truyền cảm hứng và soi sáng cho rất nhiều người trên toàn thế giới. Tôi muốn bày tỏ lòng tôn kính đặc biệt đối với tầm nhìn của ngài về giáo dục, vốn đã làm rất nhiều để định hình các đặc tính là động lực cho các trường học và đại học Công Giáo ngày nay. Kiên quyết phản đối bất kỳ lối tiếp cận hẹp hòi hoặc vị lợi, ngài đã tìm cách để đạt đến một môi trường giáo dục trong đó đào tạo trí tuệ, kỷ luật luân lý và dấn thân tôn giáo để đến với nhau. Dự án để tìm một Đại học Công Giáo ở Ireland mang đến cho ngài cơ hội để phát triển ý tưởng về đề tài này, và bộ sưu tập những bài luận mà ngài xuất bản với tên Ý tưởng của một Trường Đại Học vẫn đứng vững như là ý tưởng để những ai dấn thân vào việc đào tạo học thuật có thể tiếp tục học hỏi".

"Trong khi di sản trí tuệ của Chân Phước John Henry Newman nhận được sự chú trọng một cách dễ hiểu nơi tác phẩm văn học đồ sộ dành cho đời sống và công việc của ngài, nhân dịp này tôi muốn kết thúc bằng một suy tư ngắn về cuộc đời ngài trong cương vị là một linh mục, một mục tử của các linh hồn. Sự nồng ấm và nhân bản trong nhận thức của ngài về sứ vụ mục tử được diễn tả một cách tốt đẹp trong một bài giảng nổi tiếng của ngài: "Anh chị em thân mến, nếu như các thiên thần là các linh mục của anh chị em, họ không thể chia sẻ nỗi đau buồn cùng anh chị em, không thể thông cảm và chạnh lòng thương, dễ xúc động vì anh chị em như chúng ta có thể; họ không thể là mẫu gương và chỉ dẫn, dẫn dắt anh chị em từ chính con người cũ của anh chị em để đi vào đời sống mới như họ có thể đến đến giữa anh chị em" (“Con Người chứ không phải Thiên Thần: Linh Mục của Tin Mừng”, Những Bài Giảng cho các Cộng Đoàn khác nhau, 3 - “Men, not Angels: the Priests of the Gospel”, Discourses to Mixed Congregations, 3). Ngài đã sống bằng nhãn quan nhân bản sâu sắc của sứ vụ linh mục đó trong việc dấn thân chăm sóc cho người dân Birmingham trong những năm ngài sống trong tu viện do ngài thành lập, bằng cách viếng thăm bệnh nhân và người nghèo, an ủi các tang quyến, chăm sóc cho những người trong ngục tù. Hẳn là không ngạc nhiên khi ngài qua đời, rất nhiều ngàn người xếp hàng trên đường phố địa phương khi thi thể của ngài được đưa đến nơi an táng cách đây chưa đầy nửa dặm. Một trăm hai mươi năm sau, đám đông to lớn đã quy tụ một lần nữa để vui mừng trong sự công nhận trọng thể của Giáo Hội về thánh đức trổi vượt của người cha các linh hồn được nhiều người yêu mến này".

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng hôm nay là ngày được chọn để kỷ niệm kỷ niệm lần thứ 70 "Trận chiến Anh Quốc", chống lại Đức. Ngài cho hay: "Đối với tôi, là một trong những người sống và chịu đau đớn trong những ngày đen tối của chế độ Đức quốc xã ở Đức, thật là một hoạt động sâu sắc khi được ở đây với anh chị em nhân dịp này, và nhớ lại biết bao nhiêu đồng bào của anh chị em hy sinh mạng sống của mình, dũng cảm chống lại lực lượng của hệ tư tưởng sự ác. Tôi đặc biệt nghĩ đến Coventry, nơi bị bắn phá nặng nề và mất mát sinh mạng to lớn vào tháng Mười Một năm 1940. Bảy mươi năm sau, chúng ta nhớ lại với sự xấu hổ và kinh sợ con số kinh khiếp về những cái chết và sự hủy diệt mà chiến tranh gây ra, và chúng ta canh tân cách giải quyết của mình đối với công việc vì hòa bình và hòa giải ở bất cứ nơi nào đe dọa các cuộc xung đột xảy ra".