CẢI TỔ HƯU BỔNG TẠI PHÁP

Từ ngày 07.09 đến 02.10.2010, tức chưa đầy một tháng, tại các thành phố lớn nước Pháp, đã có những cuộc tuần hành trên đường phố đã ba lần. Mỗi lần huy động khoảng 3 triệu người, theo các nghiệp đoàn tổ chức biểu tình, hay chừng gần một triệu, theo cảnh sát. Thiết tưởng, chúng ta cần nên hiểu: công nhân hay công chức đình công và đi biểu tình không phải để chơi, mà là một sự hy sinh vì phải bị mất những ngày lương. Đôi khi, đồng bào Việt chúng ta đi du lịch từ quốc nội hay các nước khác đến Pháp cho rằng người dân tại đây ‘thích’ biểu tình. Sự thật có đúng như vậy hay không, chúng tôi cố gắng trình bày cách tính hiện tại và sự cải tổ hưu bổng lần này (cách tính không thay đổi) để mỗi người tự có cái nhìn đúng hơn về quyền đình công và biểu tình của người dân Pháp.

I. LỊCH SỬ HƯU BỔNG TẠI PHÁP.

Từ thời Trung cổ, người Pháp đã có những sự liên đới giữa các thế hệ trong nghề nghiệp, không cần đến sự giúp đở của nhà vua. Vua dùng quỹ triều đình trả tiền hưu cho công chức, trợ cấp bác ái cho những người lớn tuổi nghèo. Quỹ hưu bổng đầu tiên được thành lập năm 1768. Những người tham gia Quỹ phải góp từ 1,25 % đến 2,5 % tiền lương của mình.

Bảo hiểm Hưu (l’Assurance Retraite) hiện nay được hình thành cùng lúc với An ninh Xã hội (Sécurité Sociale, gọi tắt Sécu) và là thành phần (nhánh = branche) của An ninh xã hội vào ngày 04.10.1946. An ninh Xã hội Pháp có 3 nhánh: maladie (bệnh, sinh sản, tàn phế, tử tuất), vieillesse et veuvage (hưu, góa bụa), famille (trợ cấp gia đình, gia cư, khuyết tật…) và accidents du travail et maladies professionnelles (tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp). Vào thời điểm này, tuổi pháp định đi hưu đã được ấn định là 65 tuổi bởi luật ngày 05.04.1910, mặc dù, lúc đó, tuổi thọ (espérance de vie) trung bình người Pháp chỉ là 50. Bởi thế, các nghiệp đoàn (syndicats) đã cho rằng người ta không có thời gian để hưởng hưu bổng.

Khi trở thành Tổng thống năm 1981, ông Francois Mitterrand, thực thi lời hứa khi tranh cử, giảm tuổi pháp định đi hưu từ 65 xuống 60 tuổi với lý do để người lớn tuổi đi hưu, nhường chổ làm cho người trẻ hầu giảm thiểu số người thất nghiệp. Kết quả: số người thất nghiệp vẫn tăng và ngân sách Quỹ Hưu bổng bắt đầu khiếm hụt và tăng nhanh từ đó.

Đặc điểm của chế độ hưu bổng ở Pháp là Retraite par répartition (phân bổ) tức tiền góp quỹ Bảo hiểm Hưu trích từ lương (trong xí nghiệp tư, người lãnh lương đóng 6,65% lương và chủ 9,9% lương đó) dùng để trả hưu bổng ngay cho những hưu viên. Chế độ khác là Retraite par capitalisation (tích lũy vốn) tức dùng tiền để dành ngày trước chi trả cho những hưu viên hôm nay. Đó là hình thức giống như bảo hiểm nhân thọ (assurance-vie).

II. CÁCH TÍNH HƯU BỔNG HIỆN NAY (tháng 10.2010).

Để lãnh hưu bổng từ ngày 01.10.2010, Jean phải được sinh một ngày trong tháng 09.1950. Thí dụ ngày 15.

A. Hưu bổng căn bản (Retraite de base) được tính dựa theo các yếu tố sau:

1. Thời gian bảo hiểm (durée d’assurance hay durée de cotisation),

tính theo thời gian có trích lương để góp vào Quỹ (tính bằng tam cá nguyệt hay quý, trimestre). Đi hưu trước ngày 31.12.2008, tức sinh năm 1948 thì cần có 160 tam cá nguyệt (40 năm), nhưng, sau đó, tăng lên 164 tam cá nguyệt (41 năm) bởi quyết định của liên bộ ngày 07.07.2008. Việc tăng tiệm tiến mỗi năm một tam cá nguyệt: 2009 (tức thế hệ sinh năm 1949) phải có 161 tam cá nguyệt góp vào Quỹ, 2010: 162, 2011: 163 và từ 2012 trở đi cần 164 tam cá nguyệt.

Trong thí dụ của chúng ta, người đi hưu sinh năm 1950 cần phải hội đủ 162 tam cá nguyệt. Ngoài những tam cá nguyệt có đi làm việc (activité) có góp vào Quỹ gọi là périodes cotisées, còn có những périodes assimilées (đồng hóa như thất nghiệp có ghi tên tại sở tìm việc, huấn nghệ, bệnh, sinh sản) và những périodes équivalentes (Thời gian làm việc trong những điều kiện đặc biệt được chấp nhận như những tam cá nguyệt đã làm việc tại Việt-Nam).

Mỗi người con có làm tờ ‘Déclaration sur l’honneur’ chứng nhận đã được mẹ nuôi dưỡng từ khi được sinh ra cho đến 16 tuổi thì bà mẹ được ‘xã hội’ thưởng 8 tam cá nguyệt (2 năm). Ngoài ra, những bà mẹ nuôi dưỡng từ 3 con trở lên và gia đình có lợi tức thấp thì Quỹ trợ cấp gia đình (Caisses d'Allocations Familiales) phát tiền Complément familial thì có thể được Quỹ này đóng thế tiền góp vào Quỹ Bảo hiểm Hưu.

2. Lương căn bản (Salaire de base)

bao gồm tổng số lương brut trước khi bị trừ các khoản đóng góp, tiền phụ cấp khi đi huấn nghiệp và tiền bồi thường bệnh, sinh sản, tai nạn, gọi chung là indemnités journalières. Các số tiền này được cập nhật hóa với hệ số lạm phát hàng năm trong thời gian 162 tam cá nguyệt đó. Tổng cộng 25 năm có lương cao nhất (meilleures années de salaires) dưới mức trần (plafond) Sécurité Sociale mỗi năm, rồi chia cho 25 để có mức lương trung bình cho một năm. Trong thí dụ của Jean, Lương căn bản được tính là 10.000 euros/năm.

3. Tỷ suất hưu bổng (taux de retraite) thay đổi theo tổng số tam cá nguyệt có được.

Tỷ suất tối đa là 50% của Lương căn bản.


Tổng số tam cá nguyệt có góp vào Quỹ và đồng hóa là 162, đúng như số tam cá nguyệt bắt buộc là 162, mới được đi hưu vào ngày đầu (01) của tháng sau ngày sinh. Jean sinh ngày 15.09.1950 thì ngày đi hưu là 01.10.2010, với tỷ suất 50%.

Nếu đến khi đủ 60 tuổi, nhưng không đủ số tam cá nguyệt bắt buộc thì ngày đi hưu bị dời lại cho tới khi đủ số. Nếu đến khi 65 tuổi, số tam cá nguyệt bắt buộc dù không đủ 162 (cho năm sinh 1950) có thể đi hưu, nhưng tỷ suất hưu bổng bị giảm sụt bởi một hệ số giảm (décote) cho mỗi tam cá nguyệt thiếu. Ngược lại, những người đã hội đủ số Hưu bổng, nhưng không muốn tiếp tục làm việc thì tỷ suất hưu bổng được tăng bởi một hệ số tăng (surcote).

4. Thời gian tham chiếu (durée de référence).

Hưu bổng được tính theo tỷ lệ thời gian thuộc từng chế độ hưu bổng. Thí dụ: Paul, sinh năm 1950, làm nghề thủ công (artisan) trong 5 năm đầu, sau đó, đã trở thành công nhân (salarié) trong 35,5 năm. Paul tổng cộng được 162 tam cá nguyệt bắt buộc, nhưng chỉ đóng cho chế độ tổng quát (régime général) có 35,5 năm tức 142 tam cá nguyệt. Do đó, régime général chỉ chịu trả 142/162 hưu bổng cho Paul, còn 20/162 Paul phải đòi bên régime des artisans.

Cũng vậy, trường hợp người Việt chúng ta, các tam cá nguyệt làm bên Việt-Nam không được régime général chấp thuận tính thời gian tham chiếu để trả hưu bổng.

Trong thí dụ của Jean, 162 tam cá nguyệt của Jean đều thuộc régime général.

5. Tính hưu bổng căn bản hàng tháng của Jean.

Hưu bổng căn bản/tháng: 10000/12 x 50% x 162/162 = 416,67 euros.

Nếu người hưu có từ 3 con trở lên được tăng thêm 10% hưu bổng căn bản (không bị tính thuế lợi tức).

B. Hưu bổng bổ sung (Retraite complémentaire)

được tính theo tiền lương, thời gian làm việc và tỷ suất đóng góp quỹ chế độ hưu bổng bổ sung. Hàng năm, quỹ hưu bổng bổ sung gởi cho người đóng góp quỹ một bảng xác định số điểm (points) thủ đắc trong năm đó, bằng cách chia số tiền đóng góp (cotisations) chia cho tiền lương tham chiếu (salaire de référence), định bởi các quỹ hưu bổng bổ sung Arrco (Association pour le Régime de Retraite Complémentaire des salariés) và Agirc (Association Générale des Institutions de Retraite des Cadres). Đến khi đi hưu, chúng ta tổng cộng tất cả các số điểm thủ đắc trọn đời. Sau đó, nhân số điểm đó trị giá mỗi điểm để có số tiền hưu bổng bổ sung mỗi tam cá nguyệt.

Trong thí dụ, chúng ta xem như Jean được hưởng hưu bổng bổ sung 600 euros mỗi tam cá nguyệt tức 200 euros/tháng.

Nếu người hưu có từ 3 con trở lên được tăng thêm 5% hưu bổng bổ sung từ ngày 01.01.1999 (không bị tính thuế lợi tức).

C. Trợ cấp liên đới người cao tuổi (allocation de solidarité aux personnes âgées).

Sau khi tổng cộng số hưu bổng (căn bản và bổ sung) cùng các lợi tức khác còn dưới 708,95 euros mỗi tháng thì quỹ Bảo hiểm Hưu trợ cấp số sai biệt.
Trong thí dụ của chúng ta, Jean lãnh hưu bổng (căn bản và bổ sung) là:
416,67 + 200 = 616,67 euros.

Số tiền trợ cấp liên đới người cao tuổi sẽ là: 708.95 – 616,67 = 92,28 euros.

Ghi chú: Tiền hưu bổng (căn bản và bổ sung) là một quyền (droit) người hưu được hưởng do sự đóng góp của mình và chủ. Do đó, nếu người hưu đến sống tại nước khác ngoài Pháp, quỹ Bảo hiểm Hưu vẫn tiếp tục gởi trả. Tiền trợ cấp liên đới người cao tuổi chỉ là một trợ giúp (aide) để tạm đủ sống tại Pháp, nên không còn được tiếp tục giúp. Hơn nữa, số tiền trợ cấp đã lãnh có thể bị đòi lại từ gia tài để lại nếu từ 39.000 euros trở lên sau khi qua đời.

III. CẢI TỔ HƯU BỔNG TRONG TƯƠNG LAI.

Hội đồng định hướng hưu bổng (Conseil d'orientation des retraites, COR), trong báo cáo ngày 14.04.2010, nêu lên những tác động xấu của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 để trang trải các số chi tiêu cho hưu bổng do số người thất nghiệp tăng nhanh đã làm giảm số tiền đóng vào quỹ bảo hiểm.

Ngày 13.07.2010, Dự luật Cải tổ hưu bổng được Chính phủ đệ nạp tại Quốc hội. Trong đó, chánh phủ cho biết:

- chế độ hưu bổng bằng phân bổ (répartition) đang bị đe dọa bởi sự gia tăng người lớn tuổi (15,5 triệu người hưu ngày hôm nay sẽ tăng lên 18 triệu năm 2030 và 23 triệu năm 2050). Tuổi thọ đã tăng trong 15 năm qua, kể từ năm 1950. Năm 1960, 4 người làm việc trong khi có 1 hưu viên; hiện nay, chỉ còn 1,7 người góp quỹ Bảo hiểm hưu bổng tương đương với 1 người hưu; và chỉ 1,5 vào năm 2050.

- cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đào sâu sự thâm hụt ngân quỹ Bảo hiểm này: năm 2007, số bách phân thâm hụt 1,6% Tổng sản lượng quốc nội dự trù cho năm 2030 sẽ xảy ra trong năm 2010 (32,3 tỷ euros, trung bình 2.000 euros mỗi hưu viên). Nếu không có sự cải tổ, tình hình sẽ trầm trọng thêm số thâm hụt tăng cao: 42,3 tỷ euros vào năm 2018 và trên 42,3 tỷ năm 2030.

Do đó, cần thiết sớm phải có giải pháp để tái lập sự thăng bằng ngân quỹ Bảo hiểm hưu bổng là dần dần nâng cao:

a. tuổi đi hưu pháp định từ 60 lên 62 năm: mỗi thế hệ tuổi tăng 4 tháng cho đến đúng 62 tuổi vào năm 2018 (sinh năm 1956). Nếu dự luật được thông qua tại hai viện Lập pháp và được Tổng thống ban hành thành luật thì những người sinh 6 tháng đầu năm 1951 đi hưu lúc 60 tuổi và những ai sinh trong 6 tháng cuối năm 1951 phải đi hưu ở tuổi 60 và 4 tháng (từ 01.11.2011), với điều kiện phải có 163 tam cá nguyệt qui định (40 năm 9 tháng);

b. tuổi đi hưu với bất cứ số tam cá nguyệt là bao nhiêu từ 65 lên 67 năm kể từ ngày 01.11.2016, mỗi năm tăng 4 tháng, đến đúng 67 tuổi vào năm 2023 (sinh năm 1956).

c. thời gian bảo hiểm: dự luật chỉ dự trù 41 năm và 3 tháng (165 tam cá nguyệt) cho những ai sinh năm 2013.

IV. SỰ DÂN CHỦ TRONG TIẾN TRÌNH LẬP PHÁP.

A. Tại Quốc hội.

Ngày 15.09.2010, lúc 15 giờ, các dân biểu phe đa số muốn tiến hành việc đầu phiếu để dự luật phải được thông qua ngay trong chiều này. Nhưng các dân biểu đối lập lớn tiếng đòi dân biểu Bernard Accoyer, Chủ tịch Quốc hội, từ chức vì không cho họ tiếp tục phát biểu, buộc Quốc hội phải làm ‘đúng đơn đặt hàng của Hành pháp. Cuộc đầu phiếu vẫn tiến hành với kết quả: 329 phiếu thuận và 233 phiếu chống. Dự luật được thông qua.

‘Dự luật được thông qua’ là điều hợp lý vì Thủ tướng phải được Tổng thống bổ nhiệm là người thuộc phe đa số tại Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cho rằng: các đề nghị tu chỉnh của phe đối lập không thể chấp nhận mà chỉ nhằm kéo giờ vô ích.

B. Tại Thượng nghị viện.

Tại đây, đảng UMP (Union pour un mouvement populaire, Liên minh vì Phong trào Nhân dân) không có đa số tuyệt đối và thời gian thảo luận không bị giới hạn. Các phiên họp thảo luận đã bắt từ ngày 05.10.2010 và hy vọng sẽ thông qua trể nhất vào ngày 23.10.2010.

Nếu hai viện Lập pháp biểu quyết dự luật có những điều khoản khác nhau thì một Ủy ban hổn hợp hai viện được thành lập để có một bản thống nhất. Bản này phải được hai viện biểu quyết lần thứ hai. Sau đó, dự luật chỉ được Tổng thống ký ban hành khi không ai nhờ sự can thiệp của Hội đồng Hiến pháp (Conseil constitutionnel).

C. Các cuộc đình công và biểu tình.

Để chuẩn bị dự luật, Thủ tướng Francois Fillon, Tổng trưởng Lao động Eric Woerth và Bộ trưởng Công vụ Georges Tron đã tiếp các đại diện những nghiệp đoàn chủ và công nhân để trình bày công cuộc cải tổ hưu bổng. Các nghiệp đoàn công nhân, vì phải bảo vệ quyền lợi các công nhân mà dự luật sẽ làm giảm bớt quyền lợi của họ, trong khi chính họ là nạn nhân của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 và bị cho nghỉ việc. Đây thật sự là những bất công khi những người trách nhiệm khủng hoảng không chịu sự trừng trị.

Không được những người cầm quyền Hành và Lập pháp nghe, các nghiệp đoàn công nhân yêu cầu những thành viên của mình đình công và xuống đường là những quyền được Hiến pháp thừa nhận. Những cuộc đình công và biểu tình đã có đem lại những kết quả tuy không lớn. Pháp là một quốc gia dân chủ, giới cầm quyền không thể bất chấp tiếng la của người dân vì người dân sẽ trừng trị bằng ‘lá phiếu’ trong những cuộc bầu cử trong tương lai, cho nên vài tu chính án đã được đệ trình, thông qua và được ghi vào dự luật như:

1.- được đi hưu lúc 60 tuổi những công nhân bị vô năng thể lực (incapacité physique) vì rủi ro nghề nghiệp trước dự trù trong dự luật 20%, nay xuống 10% (20% thì có khoảng 10.000 người được hưởng, nay 10% thì 30.000 người được hưởng).

2.- cho phép các bà mẹ có từ 3 con trở lên, sinh ra từ năm 1951 đến 1955 – thế hệ đầu tiên bị ảnh hưởng bởi sự cải tổ - được nhận hưu bổng ở tuổi 65 không bị ‘décote’ vì đã ngưng việc để nuôi một đứa con. 130.000 bà mẹ sẽ được hưởng lợi nhờ sự tu chính này.

3.- cho phép cha mẹ được hưu bổng ở tuổi 65 không bị ‘décote’ vì có con bị khuyết tật nặng luôn cần sự hiện diện của một trong hai người (cha hay mẹ).

Các cuộc đình công và biểu tình vẫn còn tiếp diễn như các nghiệp đoàn đã loan báo. Ngày thứ ba 12.10.2010, nhiều cuộc đình công có thể kéo dài như xe lửa, bus, gaz, điện… và ngày thứ bảy 16.10.2010.

V. DỰ TRÙ TĂNG THU CHO QUỸ HƯU BỔNG.

Để xoa dịu những ‘nạn nhân’ của sự cải tổ này, Chính phủ hứa tận thu thêm 3,7 tỷ euros hàng năm các nguồn thu mới từ những người có lợi tức cao, lợi tức do nguồn vốn và các xí nghiệp:

- Mức thuế lợi tức cao nhất tăng từ 40% lên 41% sẽ giúp quỹ 230 triệu euros;
- Cổ phần cho nhân viên (stock-options) phải trả thế cao hơn và phần đóng góp xã hội (contribution sociale) cũng tăng (10% lên 14%). Hy vọng giúp quỹ 70 triệu euros;
- Thuế trả trước (crédit-d’impôt) trên cổ tức không được hoàn trả nữa giúp quỹ 645 triệu euros năm 2011;
- Tăng số thu khoán (prélèvements forfaitaires) trên lợi tức do vốn và tài sản 1% để thu được 265 triệu euros năm 2011;
- Lợi ích từ việc bán cổ phiếu và trái phiếu sẽ được tính thuế thu nhập bất kể số lượng vốn bán sẽ mang lại 180 triệu euros năm 2011.