Trong “Tài Liệu Làm Việc” cho “Đại Hội Dân Chúa” (21-25.11.2010), có đề nghị mục vụ 2 về “Hội Nhập Văn Hoá”. Người viết không biết là việc định hướng, điều phối và tổ chức công việc hội nhập văn hoá thuộc về Uỷ Ban nào trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN). Công việc hội nhập văn hoá là công việc chung của tất cả những người kitô hữu Việt Nam? Nhưng như thế thì chung chung quá, và vì vậy việc hội nhập cũng chẳng đi tới đâu. Thiết nghĩ Uỷ Ban Văn Hoá (UBVH) trực thuộc HĐGMVN chịu trách nhiệm chính trong việc định hướng, tổ chức và điều phối công việc hội nhập văn hoá trên phạm vi toàn quốc. Để có thể hoàn thành tốt công việc hội nhập văn hoá phức tạp và khó khăn này, thiết tưởng chúng ta cần có phương hướng làm việc cụ thể, nếu không thì chuyện đâu lại vào đấy. Người viết xin mạo muội nêu ra một số gợi ý như những ý kiến góp phần vào “Tài Liệu Làm Việc” cho “Đại Hội Dân Chúa” với hy vọng là sẽ giúp ích phần nào nhỏ bé vào thành công của “Đại Hội Dân Chúa” cũng như công cuộc loan báo Tin Mừng cho đồng bào dân tộc.

1. Liệt kê lễ hội truyền thống – tập quán văn hoá

Đất Nước chúng ta, với bốn ngàn năm văn hiến, có rất nhiều lễ hội truyền thống cũng như phong tục tập quán văn hoá. Mỗi lễ hội hay phong tục văn hoá mang một ý nghĩa cụ thể nào đó. Vấn đề quan trọng là cần hiểu đúng ý nghĩa của từng lễ hội hay từng tập tục để phát huy những giá trị văn hoá và nhân bản vào việc tin mừng hoá nền văn hoá dân tộc.

Cần có một liệt kê cụ thể xem là có bao nhiêu lễ hội dân gian, văn hoá truyền thống hay phong tục tập quán đặc sắc được phổ biến theo qui mô:

1.1. Toàn quốc: có bao nhiêu lễ hội hay tập quán đặc sắc được phổ biến trên phạm vi toàn quốc, ví dụ như Tết Nguyên Đán, việc tôn kính tổ tiên, ma chay, cưới hỏi...

1.2. Miền: có bao nhiêu lễ hội hay phong tục chỉ phổ biến ở miền Nam hoặc miền Bắc hoặc miền Trung.

1.3. Vùng: có bao nhiêu lễ hội hay tập tục chỉ được phổ biến tại một vùng như Bắc Bộ, Tây Bắc, Sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên...

1.4. Địa phương: có bao nhiêu lễ hội hay nếp sống chỉ phổ biến tại một địa phương hay tại một tỉnh.

2. Thành lập ban hoặc tiểu ban

Khi đã có lịch lễ hội theo phạm vi toàn quốc, miền, vùng hay địa phương thì bước tiếp theo cần làm là thành lập các ban cho từng giáo tỉnh, miền hay vùng. Trong mỗi ban lại có thể lập thành các tiểu ban để nghiên cứu chuyên sâu từng lễ hội, tập tục hay nếp sống cụ thể thuộc về một miền, một vùng hay một địa phương.

2.1. Lễ hội hay tập quán toàn quốc: Lễ hội nào hay tập tục nào có tính cách toàn quốc, thì nên thành lập ban cho lễ hội hay tập tục đó mang tính toàn quốc, nghĩa là cần có các chuyên viên thuộc phạm vi toàn quốc. Cái này thì khó làm, nhưng lại là điều tốt và cần thiết. Ví dụ như Tết Nguyên Đán, tục tôn kính tổ tiên... Ban này sẽ nghiên cứu về Tết Nguyên Đán xem có những gì, yếu tố nào quan trọng, yếu tố nào không quan trọng, cái gì tốt và cái gì chưa được...

2.2. Lễ hội hay phong tục vùng : Lễ hội nhay tập tục nào phổ biến trên một vùng, như vùng Bắc Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Trung Bắc Bộ... thì thành lập tiểu ban mang tính chất của vùng đó, nghĩa là thành viên trong tiểu ban phải là những người am hiểu và sống dưới ảnh hưởng của nếp văn hoá của vùng đó.

2.3. Lễ hội hay tập tục miền : Lễ hội hay tập quán nào phổ biến cho một miền thì sẽ thành lập tiểu ban mang tính chất miền, nghĩa là các thành viên trong tiểu ban nên là người thuộc miền đó, vì những người đó sẽ hiểu biết văn hoá miền đó hơn ai hết.

2.4. Lễ hội hay nếp sống địa phương: Lễ hội hay tập quán nào chỉ phổ biến trên một địa phương cụ thể thì thành lập tiểu ban mang tính địa phương, ví dụ lễ hội hay tập quán chỉ được phổ biến tại tỉnh Đồng Nai thì thành lập tiểu ban mà các thành viên thuộc giáo phận Xuân Lộc.

Làm được như thế này có lẽ việc hội nhập sẽ trở thành dễ dàng hơn và có tính khả thi hơn. Vì kinh nghiệm cho thấy làm việc theo mô hình tập quyền thì việc khó thành công, vì cha chung không ai khóc. Nên cần tản quyền, có như thế thì việc mới xuôi chảy, vì việc ai thì người nấy phải lo chu toàn.

3. Cách thức tìm và chọn nhân sự

Ngoài các ban, tiểu ban ra thì UBVH cũng có thể xúc tiến việc hội nhập văn hoá theo các cách thức như sau:

3.1. Chọn hết: UBVH có thể đảm trách các khâu khi thành lập các ban, các tiểu ban từ việc chọn người làm trưởng ban hay tiểu ban cho đến việc chọn các thành viên trong ban hay tiểu ban. Nhưng như thế thì khó quá.

3.2. Chọn một người: UBVH có thể nhờ một người, ví dụ một linh mục chuyên môn nào đó làm trưởng ban hay tiểu ban, rồi nhờ ngài mời các cộng sự viên cho ban hay tiểu ban của mình. Sau khi đã chọn đủ các thành viên trong tiểu ban của mình thì vị linh mục đứng đầu ban hay tiểu ban thông báo cho UBVH là được. Như thế này chắc là việc dễ làm hơn.

3.3. Nhờ hay hợp đồng: Cách khác, UBVH cũng có thể đích thân nhờ hay nói cách khác nữa là làm hợp đồng với các đại chủng viện. Mỗi đại chủng viện đảm trách cho một hoặc một số lễ hội nào đó. Các giáo sư và chủng sinh trong một đại chủng viện cùng nghiên cứu thì công trình lại càng dễ dàng hơn.

3.4. Đặt hàng: Cũng giống như các công ty hay doanh nghiệp, UBVH có thể đặt hàng với các học viện thần học hay các trung tâm học vấn thần học hay các đơn vị khác cùng cộng tác làm.

3.5. Rảo quanh tìm kiếm: Ngoài những cách trên, UBVH có thể hỏi địa phận này, dòng tu nọ, đại chủng viện kia hay đơn vị khác xem ai là người chuyên về lãnh vực văn hoá thì đích thân nhờ việc luôn, chỉ cần nhờ mỗi một người làm cho một lễ hội hay tập tục mà thôi là đủ rồi. Như thế, việc hội nhập văn hoá sẽ tiến triển mau lẹ và tốt đẹp hơn.

Không thể để chung chung được, mà cần phải cụ thể hoá công việc cho có hệ thống. Được như thế, UBVH sẽ làm được nhiều việc nhưng chẳng hao tổn công sức là bao nhiêu. Làm theo cách này sẽ huy động được nhiều nguồn lực, nhiều nhân tài... cho công việc hội nhập văn hoá. UBVH chỉ cần làm một vai trò là đại diện cho HĐGMVN để điều phối, tổ chức việc hội nhập văn hoá vào việc loan báo Tin Mừng, chỉ chừng ấy thôi cũng là quá tốt rồi!

4. Xúc tiến nghiên cứu

Sau khi đã được phân công công việc cụ thể cho từng ban, tiểu ban, cho từng đơn vị hay cho từng cá nhân cụ thể thì các ban và các tiểu ban và các đơn vị khác nên có một buổi làm việc chung để thống nhất lịch trình làm việc chung cho cả ban hoặc tiểu ban hoặc cho đơn vị mình và phân chia trách nhiệm cho từng cá nhân. Trong buổi gặp mặt lần đầu này nên thống nhất luôn phương pháp và nội dung cần phải làm. Công việc nào thì cũng cần có một hạn định thời gian để hoàn thành chỉ tiêu đã đặt ra, nên cũng cần ấn định thời gian là bao nhiêu để hoàn thành công việc.

5. Hội thảo khoa học

Sau khi đã nghiên cứu cẩn thận thì ban, tiểu ban, đơn vị hay cá nhân đã được nhờ sẽ báo cáo kết quả công trình nghiên cứu cho UBVH để UBVH lên lịch ấn định thời gian và địa điểm tổ chức hội thảo khoa học. Trong hội thảo này, UBVH và các tham dự viên cùng các chuyên viên được UBVH mời sẽ đánh giá công trình nghiên cứu được trình bày trong hội thảo dưới các khía cạnh thần học, mục vụ, giáo luật, phụng vụ...

6. Áp dụng thử nghiệm

Khi đã có những đánh giá mang tính chuyên môn về đề tài đã được trình bày trong hội thảo thì UBVH kết hợp với các uỷ ban khác như Uỷ Ban Loan Báo Tin Mừng, Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin, Uỷ Ban Phụng Tự, Uỷ Ban Thánh Nhạc, Uỷ Ban Nghệ Thuật Thánh... để thống nhất áp dụng thử nghiệm công trình nghiên cứu đã được đánh giá cẩn thận. UBVH cùng các Uỷ Ban khác sẽ thống nhất thời gian cũng như địa điểm thử nghiệm công trình đó. Sau thời gian thử nghiệm đã được ấn định thì sẽ có một cuộc lượng giá xem cái gì được và cái gì chưa được, cái gì nên và cái gì không nên áp dụng vào đời sống của Giáo Hội.

Ví dụ: Về Lễ Tế Đàn Nam Giao, UBVH có thể nhờ tổng giáo phận Huế tổ chức áp dụng tại một giáo xứ gần địa điểm có Tế Đàn Nam Giao. Sau khi thử nghiệm tại giáo xứ này, tổng giáo phận Huế có thể tổ chức mở rộng cho cả giáo phận. Nếu tốt đẹp thì cứ thế mở rộng dần dần với qui mô lớn hơn.

7. Phổ biến rộng rãi

Tất cả các lễ hội hay phong tục tập quán cần được phổ biến rộng rãi, năm này qua năm khác, từ một địa điểm thử nghiệm rồi cả giáo phận, từ giáo phận ra cả giáo tỉnh, từ giáo tỉnh rồi ra phạm vi toàn quốc. Cứ như thế, chẳng mấy chốc một lễ hội văn hoá hay tập tục văn hoá sẽ thành lễ hội tôn giáo hay lối sống trong đời sống đức tin, rồi một lễ hội tôn giáo hay lối sống tôn giáo sẽ trở thành lễ hội hay tập tục trong truyền thống văn hoá khi nào mà chẳng hay. Điều này trong Giáo Hội đã từng xảy ra nhiều. Nhiều lễ hội bước đầu chỉ là lễ hội truyền thống văn hoá nhưng sau đó được tổ chức qui mô thành lễ hội tôn giáo, từ địa phương rồi đến hoàn cầu, ví dụ như Lễ Chúa Giáng Sinh. Chúng ta đều biết lúc đầu đây là lễ hội thờ thần mặt trời của dân ngoại, nhưng rồi đã được Kitô hoá, trở thành một lễ hội không còn phân biệt là tôn giáo hay văn hoá nữa.

8. Ước mong một điều

Nhân đức là một thói quen tốt được lặp đi lặp lại. Một lễ hội hay tập tục mà cứ được lặp đi lặp lại nhiều lần thì sẽ trở thành nét văn hoá trong truyền thống văn hoá dân tộc. Một lễ hội hay một tập tục văn hoá mà được tôn giáo sử dụng nhiều lần, lặp đi lặp lại, vào nếp sinh hoạt tôn giáo thì lễ hội hay tập tục sẽ trở thành lễ hội hay tập quán tôn giáo. Khi một lễ hội hay tập quán mà đã được tôn giáo hoá rồi thì lễ hội hay tập quán đó không còn có ranh giới là tôn giáo hay văn hoá nữa, nhưng là chung cho cả dân tộc. Ngày 20 tháng 05 năm 1982, khi thành lập Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hoá, Đức Gioan Phaolô II đã phát biểu như sau: “Một đức tin mà chưa biến thành văn hóa, là đức tin chưa được đón nhận trọn vẹn, chưa thực sự suy tư, chưa sống một cách chân thành”. Quá trình hội nhập văn hoá cần tiến đến mức độ đó thì mới có thể nói được là thành công, là đã tin mừng hoá nền văn hoá dân tộc. Có như thế, Đức Tin mới có thể được nhập thể vào hồn, vào tâm thức và vào văn hoá của đồng bào dân tộc. Mong lắm thay!