Muốn giúp một bạn nhỏ đi bán sách báo, tôi cho bạn ấy vào lớp học để bán cho học viên. Nhìn vào bìa tờ báo sau khi học viên đã mua xong, tôi bất ngờ khi thấy có giới thiệu một bài viết trong đó “Tuyên bố của Hawking: Chúa không tạo nên vũ trụ!”

Có cảm giác như mình cộng tác vào việc tuyên truyền điều sai lạc, nhưng không thể giải thích dài trong lớp, tôi chỉ nói: “Các bạn mua tờ này là để học các từ tiếng Anh trong đó thôi, chứ bài vở nội dung và tư tưởng trong đó không phải lúc nào cũng đúng!”

Tôi chưa đọc bài viết trong tạp chí nói trên, nhưng nhìn cách người ta quảng cáo bài báo, tôi cho rằng người ta muốn tuyên truyền cho chủ thuyết nào đó hơn là muốn đề cao tinh thần khoa học. Chẳng biết bài báo ấy trích từ đâu và chính xác đến bao nhiêu.

Tôi nghe bố Vũ Khởi Phụng nói về Hawking từ những ngày Internet chưa phổ biến, khi ở Việt nam chưa mấy ai nghe tên ông. Hawking là một nhà vật lý thiên văn có tài năng đặc biệt. Trước đây, ông đã từng viết trong cuốn “Lịch sử vũ trụ” rằng Chúa đóng vai trò quan trọng trong vụ nổ Big Bang. Nhưng sau này ông lại phủ nhận tư tưởng ấy của mình và cho rằng “Không cần thiết phải cần đến Chúa để giải thích cho sự hình thành của vũ trụ đang tồn tại này”.

Xuất hiện trong một chương trình truyền hình có tên “Larry King Live” của Mỹ mới đây, Hawking một lần nữa khẳng định: “Chúa có thể tồn tại, tuy nhiên khoa học có thể giải thích được vũ trụ mà không cần đến một Đấng Sáng Tạo”.

Có thể từ hai câu trên của Hawking mà người ta ghép lại và hiểu thành “không có Chúa”.

Dù sao thì vẫn có một điểm cực kỳ quan trọng mà giữa thời đại con người muốn phủ nhận Thiên Chúa, họ cố tình quên. Đó là các nhà khoa học không có quyền tuyên bố có Thiên Chúa hay không. Đơn giản là vì điều ấy vượt ra ngoài khả năng, sự nghiên cứu và thẩm quyền của các nhà khoa học.

Giáo Lý Công Giáo dạy rằng chỉ với lý trí, chưa cần đến mạc khải, con người vẫn có khả năng nhận ra Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, như lời Thánh Phaolô viết trong thư Rôma. Và theo nguyên lý chứng minh, người ta chỉ chứng minh điều có, không ai chứng minh cái không! Luật pháp các nước văn minh cũng qui định người ta không buộc và không thể chứng mình điều mình không làm. Người ta nói: “Tôi không có tiền” chẳng hạn thì không thể bảo họ chứng minh được.

Những nỗ lực chứng minh không có Đấng Tạo Hóa có vẻ như đề cao khoa học, thật ra lại là thái độ coi thường khoa học vì bắt nó phải đóng một vai trò mà nó không thể kham nổi. Và rõ ràng điều ấy trái với tinh thần khoa học vì như trên đã nói, khoa học không thể chứng minh cái không có. Thử nghĩ làm sao một nhà thiên văn dám chứng minh một hành tinh nào chưa tìm ra là không có mặt!

Thật ra có rất nhiều nhà khoa học nhờ khám phá ra sự kỳ diệu của vũ trụ mà vững tin vào Thiên Chúa là Đấng tác thành mọi sự. Nhà thiên văn Newton khi nhìn vào viễn vọng kính đầu tiên của ông và cũng là đầu tiên của thế giới, đã thốt lên: “Tôi thấy Thiên Chúa đi qua ông kính của tôi”. Năm 1968, khi các phi hành gia Apollo 8 gửi điện văn từ vũ trụ về địa cầu, họ cất giọng đọc “Từ nguyên thủy Thiên Chúa đã tạo thành trời và đất” và rồi đọc chương 1 sách Sáng Thế, từ câu 1 đến câu 9. (xem http://nssdc.gsfc.nasa.gov/planetary/lunar/apollo8_xmas.html)

Chúng ta không nhằm lý luận về Thiên Chúa và khoa học ở đây. Chúng ta chỉ thật sự không hiểu tại sao nhiều người hăng hái chống đối sự hiện hữu của Thiên Chúa. Có những con người vì quyền lực và vì lợi lộc riêng họ phải loại Thiên Chúa ra khỏi đời sống và khỏi xã hội. Nhưng cũng có rất nhiều người coi việc loại trừ Thiên Chúa là “thời thượng”, mình cần hùa vào để có vẻ “tân thời”. Đó là chưa kể lý do muốn cho xã hội “giật gân”.

Một số trường học bây giờ ra thông báo không cho sinh viên nói về tôn giáo trong trường, thậm chí ở một đại học dân lập, trưởng phòng đào tạo có đạo, chủ nhiệm bộ môn có đạo, vẫn ra lệnh bắt sinh viên đi học ngày Đại Lễ Giáng Sinh. Dường như mọi thứ đang rối tung lên vì con người đang co rúm lại trước nhiều áp lực vô hình, mà họ quên mất lời Đức Giêsu: “Chỉ sợ Thiên Chúa là Đấng có thể ném cả xác lẫn hồn ngươi vào hỏa ngục”.

Ngày hôm nay khoa học đã tiến bộ đủ, loài người cũng đã văn minh lắm, thế giới cũng đã đi qua những thời kỳ phát triển về nhiều mặt. Đã đến lúc con người hồi tâm chiêm nghiệm về những đoạn đường của nhân loại và của từng con người trong vô biên của vũ trụ. Chính lúc này, lời Thánh Augustinô lại vang vọng rõ ràng: “Chúa dựng nên con cho Chúa, nên hồn con cứ mãi thao thức băn khoăn cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”.

Không phải khoa học có thể chứng minh về Thiên Chúa. Nhưng những ưu tư khắc khoải trong tâm hồn và trong cuộc đời mỗi con người mới giúp con người nhận ra đâu là nguồn cội đời mình. Cố bám víu vào hư ảo, loại bỏ nguồn cội, con người tự biến mình thành dòng nước ao tù, không có suối nguồn, không có biển khơi. Cuối cùng là ao khô, nước cạn, chỉ còn rêu xanh.

Ngày xưa dân ngoại chế nhạo dân Chúa bằng cách hỏi rằng “Thiên Chúa chúng nó ở đâu?”. Câu trả lời cho họ là những kỳ công Chúa thực hiện cho Dân thánh của Người. Câu hỏi nhạo báng đó lại lặp lại ở thời đại này, như một minh chứng rằng cho dù loài người có tiến bộ bao nhiêu, thì thần dữ vẫn khống chế những con người cứng lòng để họ chống báng Ngài.

Vũ trụ, sự sống cùng các nguyên lý khoa học là công trình của Đấng Tạo Hóa. Dùng chính công trình của Chúa để chống lại Ngài không phải là hành động khôn ngoan. Những người không am tường về khoa học mà vẫn lợi dụng khoa học để rải những tin đồn sai trái lại càng không khôn ngoan. Cầu xin cho mọi tâm hồn thiện chí không bị mê hoặc vì xã hội vàng thau lẫn lộn, trong đó thau nhiều hơn vàng.

“Thiên Chúa chúng nó ở đâu?” Hãy nhìn công trình của Chúa: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa. Không trung loan báo việc tay Người làm”. Người tin Chúa đừng lo, vì “Nếu mà Chúa chẳng đỡ bênh ta, khi thiên hạ nhằm ta xông tới, hẳn là họ đã nuốt sống ta rồi, lúc đùng đùng giận ta như vậy” (Tv.19; Tv. 123; Tv.124)